BÀI HỌC 3
Làm sao để bảo vệ lòng mình?
“Hãy bảo vệ lòng hơn mọi thứ khác”.—CHÂM 4:23.
BÀI HÁT 36 Hãy bảo vệ lòng mình
GIỚI THIỆUa
1-3. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va yêu thương Sa-lô-môn, và ông đã nhận được những ân phước nào? (b) Trong bài này, chúng ta sẽ giải đáp những câu hỏi nào?
Sa-lô-môn làm vua của Y-sơ-ra-ên từ khi còn trẻ. Lúc ông mới lên ngôi, Đức Giê-hô-va hiện ra với ông trong một giấc mơ và phán: “Hãy xin điều con muốn ta ban cho”. Sa-lô-môn đáp: “Con còn trẻ và thiếu kinh nghiệm... Xin ban cho tôi tớ ngài tấm lòng vâng phục để xét xử dân ngài” (1 Vua 3:5-10). Ông xin “tấm lòng vâng phục”. Quả là lời cầu xin khiêm tốn! Thật dễ hiểu khi Đức Giê-hô-va yêu thương Sa-lô-môn (2 Sa 12:24). Đức Chúa Trời hài lòng với lời đáp của vị vua trẻ này đến mức đã ban cho ông “tấm lòng khôn ngoan và hiểu biết”.—1 Vua 3:12.
2 Khi còn trung thành, Sa-lô-môn nhận được nhiều ân phước. Ông có đặc ân xây đền thờ “cho danh Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên” (1 Vua 8:20). Ông nổi tiếng vì có sự khôn ngoan từ Đức Chúa Trời. Những điều ông nói dưới sự soi dẫn của ngài được ghi lại trong ba sách của Kinh Thánh, trong đó có sách Châm ngôn.
3 Từ “lòng” được đề cập khoảng một trăm lần trong sách Châm ngôn. Chẳng hạn, Châm ngôn 4:23 nói: “Hãy bảo vệ lòng hơn mọi thứ khác”. Từ “lòng” ở đây nói đến điều gì? Trong bài này, chúng ta sẽ giải đáp câu hỏi đó và hai câu hỏi khác: Sa-tan cố làm bại hoại lòng chúng ta như thế nào? Chúng ta có thể làm gì để bảo vệ lòng mình? Để giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời, chúng ta cần hiểu lời giải đáp của những câu hỏi quan trọng ấy.
TỪ “LÒNG” CÓ NGHĨA GÌ?
4, 5. (a) Thi thiên 51:6 giúp chúng ta hiểu như thế nào về ý nghĩa của từ “lòng”? (b) Làm thế nào minh họa về sức khỏe thể chất giúp chúng ta hiểu tầm quan trọng của con người bề trong?
4 Nơi Châm ngôn 4:23, từ “lòng” nói đến “người bề trong”. (Đọc Thi thiên 51:6). Nói cách khác, “lòng” bao gồm tư tưởng, cảm xúc, động cơ và ước muốn của một người. “Lòng” là con người thật bên trong chúng ta, chứ không chỉ vẻ bề ngoài.
5 Để hiểu tầm quan trọng của con người bề trong, hãy xem minh họa về sức khỏe thể chất. Thứ nhất, để giữ sức khỏe tốt, chúng ta cần có chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn. Tương tự, để giữ tình trạng thiêng liêng tốt, chúng ta phải đều đặn ăn thức ăn thiêng liêng và thể hiện đức tin nơi Đức Giê-hô-va. Chúng ta thể hiện đức tin bằng cách áp dụng điều mình học và chia sẻ niềm tin với người khác (Rô 10:8-10; Gia 2:26). Thứ hai, chỉ dựa vào vẻ bề ngoài có lẽ chúng ta nghĩ mình khỏe mạnh nhưng rất có thể bên trong đang bị bệnh. Tương tự, chỉ dựa vào nề nếp thiêng liêng có lẽ chúng ta nghĩ mình có đức tin mạnh nhưng rất có thể ước muốn sai trái đang nảy nở trong lòng (1 Cô 10:12; Gia 1:14, 15). Hãy nhớ rằng Sa-tan cố khiến chúng ta nhiễm lối suy nghĩ của hắn. Hắn ra sức làm điều đó như thế nào? Làm sao chúng ta có thể bảo vệ mình?
SA-TAN CỐ LÀM BẠI HOẠI LÒNG CHÚNG TA NHƯ THẾ NÀO?
6. Mục tiêu của Sa-tan là gì, và hắn cố đạt mục tiêu ấy bằng cách nào?
6 Mục tiêu của Sa-tan là khiến chúng ta giống hắn, một kẻ phản nghịch lờ đi các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va và có động cơ ích kỷ. Vì không thể ép chúng ta suy nghĩ và hành động như hắn nên hắn cố đạt mục tiêu bằng cách khác. Chẳng hạn, Sa-tan khiến môi trường sống của chúng ta có đầy những người bị hắn làm bại hoại (1 Giăng 5:19). Hắn mong chúng ta sẽ dành thời gian kết hợp với họ, ngay cả khi chúng ta biết người xấu “làm hư hỏng”, hay “làm bại hoại”, lối suy nghĩ và hành động của mình (1 Cô 15:33, chú thích). Chiến thuật đó đã có tác dụng trong trường hợp của vua Sa-lô-môn. Vua cưới nhiều phụ nữ ngoại giáo và họ đã “ảnh hưởng mạnh mẽ đến vua”, “khiến lòng vua dần đi chệch hướng” và xa rời Đức Giê-hô-va.—1 Vua 11:3, chú thích.
7. Sa-tan dùng cách nào khác để phổ biến lối suy nghĩ của hắn, và tại sao chúng ta cần thận trọng?
7 Sa-tan dùng phim ảnh và chương trình truyền hình để phổ biến lối suy nghĩ của hắn. Hắn hiểu rằng kể chuyện qua những hình thức ấy không chỉ giúp giải trí, mà còn dạy chúng ta nên có lối suy nghĩ, cảm xúc và hành động nào. Chúa Giê-su từng tận dụng phương pháp dạy dỗ này, chẳng hạn trong ngụ ngôn về người Sa-ma-ri nhân lành, về người con hoang đàng bỏ nhà đi và phung phí hết phần thừa kế (Mat 13:34; Lu 10:29-37; 15:11-32). Thế nhưng, những người nhiễm lối suy nghĩ của Sa-tan có thể dùng phương pháp kể chuyện để khiến chúng ta bại hoại, nên chúng ta cần biết suy xét. Phim ảnh và chương trình truyền hình có thể là phương tiện giải trí và giáo dục lành mạnh, nhưng chúng ta phải thận trọng. Khi chọn loại hình giải trí, hãy tự hỏi: “Bộ phim hay chương trình này có khiến mình nghĩ rằng chiều theo ham muốn xác thịt là chẳng có gì sai không?” (Ga 5:19-21; Ê-phê 2:1-3). Chúng ta nên làm gì nếu nhận ra một chương trình nào đó đang cổ xúy lối suy nghĩ của Sa-tan? Hãy tránh xa nó, như tránh xa một căn bệnh truyền nhiễm!
8. Làm thế nào cha mẹ có thể giúp con cái bảo vệ lòng?
8 Sa-tan nỗ lực làm bại hoại lòng của con trẻ, nên các bậc cha mẹ có trách nhiệm bảo vệ con mình. Nếu là cha mẹ, hẳn anh chị làm mọi điều có thể để bảo vệ con khỏi bị bệnh theo nghĩa đen. Chẳng hạn, anh chị giữ cho nhà cửa sạch sẽ, bỏ đi bất cứ thứ gì có thể gây bệnh cho mình và con. Cũng vậy, anh chị cần bảo vệ con khỏi những bộ phim, chương trình truyền hình, trò chơi điện tử và trang web có nguy cơ khiến chúng bị nhiễm lối suy nghĩ của Sa-tan. Đức Giê-hô-va ban cho anh chị quyền dạy dỗ con về mặt thiêng liêng (Châm 1:8; Ê-phê 6:1, 4). Vì thế, đừng ngại đặt ra nội quy dựa trên tiêu chuẩn Kinh Thánh. Khi con còn nhỏ, hãy cho biết chương trình nào chúng có thể xem và chương trình nào không, đồng thời giải thích lý do (Mat 5:37). Khi con lớn hơn, hãy rèn luyện cho con biết cách nhận ra điều đúng, điều sai dựa trên tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va (Hê 5:14). Cũng hãy nhớ rằng dù con học được nhiều qua lời nói của anh chị, nhưng chúng học được nhiều hơn qua việc làm của anh chị.—Phục 6:6, 7; Rô 2:21.
9. Một lối suy nghĩ mà Sa-tan cổ xúy là gì, và tại sao nó rất nguy hiểm?
9 Ngoài ra, Sa-tan cố làm bại hoại lòng chúng ta bằng cách khiến chúng ta tin nơi sự khôn ngoan của loài người thay vì lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va (Cô 2:8). Hãy xem một lối suy nghĩ mà Sa-tan cổ xúy: Mục tiêu chính trong đời sống là phải làm giàu. Những người nghĩ như thế cũng có thể trở nên giàu có, cũng có thể không. Dù là trường hợp nào, họ đều gặp nguy hiểm. Tại sao? Vì để đạt được mục tiêu, có thể họ chú tâm vào việc kiếm tiền đến mức sẵn sàng hy sinh sức khỏe, mối quan hệ gia đình, thậm chí tình bạn với Đức Chúa Trời (1 Ti 6:10). Thật biết ơn vì Cha trên trời đầy khôn ngoan giúp chúng ta có quan điểm thăng bằng về tiền bạc!—Truyền 7:12; Lu 12:15.
LÀM SAO ĐỂ BẢO VỆ LÒNG MÌNH?
10, 11. (a) Chúng ta phải làm gì để bảo vệ mình? (b) Lính canh vào thời xưa có nhiệm vụ nào, và lương tâm hành động như lính canh theo nghĩa nào?
10 Để thành công trong việc bảo vệ lòng, chúng ta phải nhận ra mối nguy hiểm và nhanh chóng hành động. Từ được dịch là “bảo vệ” nơi Châm ngôn 4:23 nhắc chúng ta nhớ đến nhiệm vụ của lính canh. Vào thời vua Sa-lô-môn, người lính canh đứng canh ở trên tường thành và phát tiếng báo động khi thấy nguy hiểm đang đến gần. Hình ảnh này giúp chúng ta hiểu mình phải làm gì để ngăn không cho Sa-tan làm bại hoại suy nghĩ của mình.
11 Vào thời xưa, công việc của lính canh và người gác cổng liên quan chặt chẽ với nhau (2 Sa 18:24-26). Họ chung sức bảo vệ thành bằng cách đảm bảo là các cổng phải được đóng bất cứ khi nào kẻ thù tiến đến (Nê 7:1-3). Lương tâm được Kinh Thánh rèn luyệnb có thể hành động như lính canh và lên tiếng cảnh báo khi Sa-tan cố xâm nhập lòng chúng ta, tức cố gây ảnh hưởng tai hại đến tư tưởng, cảm xúc, động cơ và ước muốn của chúng ta. Bất cứ khi nào lương tâm lên tiếng, chúng ta cần lắng nghe và đóng cổng, tức đóng lòng mình theo nghĩa bóng.
12, 13. Chúng ta dễ bị cám dỗ làm gì, nhưng chúng ta nên phản ứng ra sao?
12 Hãy xem một ví dụ về cách chúng ta bảo vệ mình để không bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ của Sa-tan. Đức Giê-hô-va dạy chúng ta “không nên nhắc đến sự gian dâm, mọi điều ô uế” (Ê-phê 5:3). Nhưng chúng ta sẽ làm gì nếu đồng nghiệp hay bạn học bắt đầu nói về những chuyện vô luân? Chúng ta biết là mình nên “bác bỏ sự không tin kính cùng những ham muốn của thế gian” (Tít 2:12). Người lính canh, tức lương tâm của chúng ta, có thể phát tiếng báo động (Rô 2:15). Chúng ta sẽ lắng nghe tiếng nói của lương tâm không? Dù dễ bị cám dỗ để nghe họ nói hoặc xem những hình ảnh họ chia sẻ, nhưng đó là lúc chúng ta phải “đóng cổng thành” bằng cách chuyển đề tài cuộc nói chuyện hoặc đi chỗ khác.
13 Cần phải có sự can đảm để kháng cự áp lực của người khác nhằm khiến chúng ta nghĩ đến hoặc làm điều sai trái. Chắc chắn, Đức Giê-hô-va thấy nỗ lực của chúng ta. Ngài sẽ ban sức mạnh và sự khôn ngoan cần thiết để chúng ta kháng cự lối suy nghĩ của Sa-tan (2 Sử 16:9; Ê-sai 40:29; Gia 1:5). Nhưng bằng cách nào chúng ta có thể làm phần của mình để bảo vệ lòng?
HÃY CẢNH GIÁC
14, 15. (a) Chúng ta cần mở lòng để tiếp nhận điều gì, và bằng cách nào? (b) Châm ngôn 4:20-22 giúp chúng ta ra sao để nhận lợi ích tối đa từ việc đọc Kinh Thánh? (Cũng xem khung “Cách suy ngẫm”).
14 Để bảo vệ lòng, chúng ta không chỉ “đóng” nó lại trước những ảnh hưởng tai hại, mà còn “mở” nó ra trước những ảnh hưởng tích cực. Hãy nghĩ lại minh họa về một thành có tường bao quanh. Cổng thành được đóng lại để kẻ thù không thể xâm nhập, nhưng cũng có lúc được mở ra để mang thực phẩm và nhu yếu phẩm khác vào. Nếu cổng không bao giờ được mở thì cư dân trong thành sẽ bị chết đói. Tương tự, chúng ta cần đều đặn mở lòng để tiếp nhận lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời.
15 Kinh Thánh chứa đựng tư tưởng của Đức Giê-hô-va nên mỗi lần đọc sách này, chúng ta để cho lối suy nghĩ của ngài ảnh hưởng đến lối suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình. Làm sao để nhận lợi ích tối đa từ việc đọc Kinh Thánh? Cầu nguyện là điều thiết yếu. Một chị nói: “Trước khi đọc Kinh Thánh, tôi cầu xin Đức Giê-hô-va giúp tôi ‘thấy rõ bao điều kỳ diệu’ trong Lời ngài” (Thi 119:18). Chúng ta cũng cần suy ngẫm những gì mình đọc. Khi cầu nguyện, đọc và suy ngẫm, Lời Đức Chúa Trời sẽ thấm “sâu trong lòng” chúng ta, nhờ thế chúng ta ngày càng yêu mến lối suy nghĩ của ngài.—Đọc Châm ngôn 4:20-22; Thi 119:97.
16. Nhiều anh chị nhận được lợi ích nào khi xem Kênh truyền thông JW?
16 Một cách khác để lối suy nghĩ của Đức Chúa Trời ảnh hưởng đến chúng ta là xem chương trình trên Kênh truyền thông JW. Một cặp vợ chồng nói: “Chương trình hàng tháng trên Kênh truyền thông là bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu nguyện của chúng tôi. Chương trình này thêm sức và giúp chúng tôi lên tinh thần khi buồn hay cô đơn. Chúng tôi cũng thường nghe các bài hát đặc sắc khi nấu ăn, dọn dẹp hay uống trà”. Chương trình này giúp bảo vệ lòng, vì dạy chúng ta có lối suy nghĩ của Đức Giê-hô-va và kháng cự lối suy nghĩ của Sa-tan.
17, 18. (a) Theo 1 Các vua 8:61, nếu áp dụng những điều Đức Giê-hô-va dạy, chúng ta chứng tỏ điều gì? (b) Chúng ta học được gì từ gương của vua Ê-xê-chia? (c) Như lời cầu nguyện của Đa-vít nơi Thi thiên 139:23, 24, chúng ta có thể cầu xin điều gì?
17 Mỗi lần chúng ta làm điều đúng và thấy kết quả tốt, đức tin của chúng ta lớn mạnh hơn (Gia 1:2, 3). Chúng ta cũng khiến Đức Giê-hô-va hãnh diện gọi chúng ta là con. Khi đó, chúng ta cảm thấy mãn nguyện và càng muốn làm vui lòng ngài (Châm 27:11). Mỗi thử thách là một cơ hội để cho thấy chúng ta không phụng sự Cha Giê-hô-va nửa lòng (Thi 119:113). Thay vì thế, chúng ta chứng tỏ mình yêu mến ngài với lòng trọn vẹn, một lòng quyết tâm vâng theo các điều răn ngài và làm theo ý muốn ngài.—Đọc 1 Các vua 8:61.
18 Chúng ta sẽ mắc lỗi không? Có, vì chúng ta bất toàn. Nếu vấp ngã, hãy nhớ gương của vua Ê-xê-chia. Ông mắc sai lầm nhưng đã ăn năn và tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va “trọn lòng” (Ê-sai 38:3-6; 2 Sử 29:1, 2; 32:25, 26). Vậy hãy kháng cự những nỗ lực của Sa-tan nhằm khiến chúng ta nhiễm lối suy nghĩ của hắn. Hãy cầu xin Đức Giê-hô-va giúp mình có “tấm lòng vâng phục” (1 Vua 3:9; đọc Thi thiên 139:23, 24). Chúng ta có thể giữ lòng trung thành với ngài nếu “bảo vệ lòng hơn mọi thứ khác”.
BÀI HÁT 54 “Đây là đường”
a Chúng ta sẽ giữ sự trung thành với Đức Giê-hô-va hay để cho Sa-tan dẫn dụ mình xa rời ngài? Câu trả lời không phụ thuộc vào mức độ cam go của thử thách nhưng phụ thuộc vào mức độ chúng ta bảo vệ lòng mình. Từ “lòng” có nghĩa gì? Sa-tan cố làm bại hoại lòng chúng ta như thế nào? Làm sao để bảo vệ lòng mình? Bài này sẽ giải đáp những câu hỏi quan trọng ấy.
b GIẢI NGHĨA: Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta khả năng tự xem xét tư tưởng, cảm xúc và hành động, rồi đánh giá bản thân. Kinh Thánh gọi khả năng đó là lương tâm (Rô 2:15; 9:1). Lương tâm được Kinh Thánh rèn luyện là lương tâm dựa trên tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va, được thấy trong Kinh Thánh, để đánh giá xem mình đang nghĩ, nói hoặc làm điều tốt hay xấu.
c HÌNH ẢNH: Một anh đã báp-têm đang xem truyền hình, bỗng xuất hiện một cảnh vô luân. Anh phải quyết định sẽ làm gì.
d HÌNH ẢNH: Một lính canh vào thời xưa thấy mối nguy hiểm ở ngoài thành. Anh báo cho người gác cổng bên dưới, rồi họ nhanh chóng hành động bằng cách đóng cổng và khóa lại.