BÀI HỌC 5
Việc tham dự nhóm họp cho biết gì về chúng ta?
“Tiếp tục rao truyền về sự chết của Chúa, cho tới khi ngài đến”.—1 CÔ 11:26.
BÀI HÁT 18 Biết ơn về giá chuộc
GIỚI THIỆUa
1, 2. (a) Đức Giê-hô-va thấy điều gì khi hàng triệu người tham dự Bữa Ăn Tối Của Chúa? (Xem hình nơi trang bìa). (b) Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận câu hỏi nào?
Hãy hình dung điều Đức Giê-hô-va thấy khi hàng triệu người trên thế giới tham dự Bữa Ăn Tối Của Chúa. Ngài không chỉ thấy một đám đông mà còn để ý đến từng người tham dự. Chẳng hạn, ngài thấy những người đều đặn đến dự mỗi năm, trong đó có người cố gắng tham dự dù bị chống đối dữ dội. Số khác dù không đều đặn tham dự các buổi nhóm họp hằng tuần nhưng nhận thấy Lễ Tưởng Niệm là dịp quan trọng cần phải có mặt. Đức Giê-hô-va cũng chú ý đến những người lần đầu tham dự Lễ này, có lẽ vì tò mò.
2 Chắc chắn, Đức Giê-hô-va hài lòng khi thấy nhiều người tham dự Lễ Tưởng Niệm (Lu 22:19). Tuy nhiên, mối quan tâm chính của ngài không phải là số người tham dự mà là lý do họ đến dự. Đối với ngài, động cơ là điều quan trọng. Trong bài này, chúng ta sẽ thảo luận một câu hỏi quan trọng: Tại sao chúng ta không chỉ tham dự Lễ Tưởng Niệm hằng năm, mà còn tham dự các buổi nhóm họp hằng tuần do Đức Giê-hô-va cung cấp?
TÍNH KHIÊM NHƯỜNG THÚC ĐẨY CHÚNG TA THAM DỰ
3, 4. (a) Tại sao chúng ta tham dự các buổi nhóm họp? (b) Việc tham dự nhóm họp cho biết gì về chúng ta? (c) Theo 1 Cô-rinh-tô 11:23-26, tại sao chúng ta không nên bỏ lỡ buổi Lễ Tưởng Niệm?
3 Lý do quan trọng nhất mà chúng ta tham dự nhóm họp là vì các buổi nhóm họp là một phần của sự thờ phượng. Chúng ta cũng tham dự vì được Đức Giê-hô-va dạy dỗ tại đó. Người kiêu ngạo nghĩ rằng họ không cần bất cứ sự dạy dỗ nào (3 Giăng 9). Trái lại, chúng ta muốn được Đức Giê-hô-va và tổ chức của ngài dạy dỗ.—Ê-sai 30:20; Giăng 6:45.
4 Việc tham dự các buổi nhóm họp cho thấy chúng ta khiêm nhường, tức sẵn lòng nhận sự dạy dỗ. Một buổi nhóm họp quan trọng là Lễ Tưởng Niệm. Chúng ta tham dự buổi lễ này không chỉ vì bổn phận mà còn vì khiêm nhường vâng theo mệnh lệnh sau của Chúa Giê-su: “Hãy tiếp tục làm việc này để nhớ đến tôi”. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 11:23-26). Buổi lễ này củng cố hy vọng của chúng ta về tương lai và nhắc chúng ta nhớ rằng Đức Giê-hô-va rất yêu thương mình. Tuy nhiên, ngài biết chúng ta cần được khích lệ và củng cố không chỉ mỗi năm một lần. Vì thế, ngài cung cấp các buổi nhóm họp hằng tuần và khuyến giục chúng ta tham dự. Tính khiêm nhường thúc đẩy chúng ta vâng lời. Chúng ta dành nhiều giờ mỗi tuần để chuẩn bị và tham dự các buổi nhóm họp.
5. Tại sao người khiêm nhường nhận lời mời của Đức Giê-hô-va?
5 Mỗi năm, nhiều người khiêm nhường nhận lời mời để được Đức Giê-hô-va dạy dỗ (Ê-sai 50:4). Họ vui khi đến dự Lễ Tưởng Niệm và bắt đầu tham dự các buổi nhóm họp (Xa 8:20-23). Cùng với họ, chúng ta vui mừng nhận sự hướng dẫn và dạy dỗ từ Đức Giê-hô-va, là đấng giúp đỡ và giải thoát chúng ta (Thi 40:17). Suy cho cùng, có điều gì vui mừng và quan trọng hơn việc nhận lời mời để được Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, người Con yêu dấu của ngài, dạy dỗ?—Mat 17:5; 18:20; 28:20.
6. Làm thế nào tính khiêm nhường giúp một người tham dự Lễ Tưởng Niệm?
6 Mỗi năm, chúng ta nỗ lực mời càng nhiều người càng tốt đến tham dự Lễ Tưởng Niệm. Nhiều người khiêm nhường được lợi ích khi nhận lời mời của chúng ta. Hãy xem một kinh nghiệm. Cách đây vài năm, khi nhận giấy mời tham dự Lễ Tưởng Niệm, một người đàn ông nói rằng ông không đến được. Tuy nhiên, vào đêm cử hành Lễ Tưởng Niệm, anh Nhân Chứng từng mời ông rất ngạc nhiên khi thấy ông đi vào Phòng Nước Trời. Ông ấn tượng trước sự chào đón của các Nhân Chứng đến mức bắt đầu tham dự các buổi nhóm họp hằng tuần. Trong suốt năm sau đó, ông chỉ vắng mặt ba buổi. Tại sao ông đổi ý và hưởng ứng tích cực như thế? Vì ông là người khiêm hòa. Sau này, anh Nhân Chứng ấy nói: “Ông là người rất khiêm nhường”. Chắc chắn, Đức Giê-hô-va đã kéo người đàn ông này đến thờ phượng ngài, và nay ông đã báp-têm.—2 Sa 22:28; Giăng 6:44.
7. Làm thế nào những điều học được tại các buổi nhóm họp và những điều đọc trong Kinh Thánh giúp chúng ta khiêm nhường?
7 Những điều học được tại các buổi nhóm họp và những điều đọc trong Kinh Thánh có thể giúp chúng ta khiêm nhường. Trong những tuần trước Lễ Tưởng Niệm, các buổi nhóm họp thường tập trung vào gương của Chúa Giê-su và sự khiêm nhường mà ngài thể hiện khi hy sinh mạng sống làm giá chuộc. Trong những ngày trước Lễ Tưởng Niệm, chúng ta được khuyến khích đọc các lời tường thuật trong Kinh Thánh về những sự kiện xoay quanh cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su. Nhờ những buổi nhóm họp và lời tường thuật như thế, chúng ta càng biết ơn về sự hy sinh của ngài. Chúng ta được thúc đẩy để noi gương khiêm nhường của ngài và làm theo ý muốn của Đức Giê-hô-va, ngay cả khi không dễ làm thế.—Lu 22:41, 42.
TÍNH CAN ĐẢM GIÚP CHÚNG TA THAM DỰ
8. Chúa Giê-su thể hiện tính can đảm như thế nào?
8 Chúng ta cũng cố gắng noi gương can đảm của Chúa Giê-su. Hãy nghĩ đến tính can đảm mà ngài thể hiện vào những ngày trước khi chết. Chúa Giê-su biết rõ là kẻ thù sẽ sỉ nhục, đánh đập và xử tử ngài (Mat 20:17-19). Dù vậy, ngài sẵn sàng đối mặt với cái chết. Khi thời điểm ấy đến, Chúa Giê-su nói với các sứ đồ trung thành ở cùng ngài trong vườn Ghết-sê-ma-nê: “Hãy đứng dậy, chúng ta đi thôi. Kìa! Kẻ phản tôi đang đến” (Mat 26:36, 46). Khi nhóm người mang theo vũ khí đến bắt ngài, Chúa Giê-su bước ra, cho biết ngài là người mà họ đang tìm và bảo họ để các sứ đồ đi (Giăng 18:3-8). Quả thật, Chúa Giê-su thể hiện tính can đảm nổi bật. Ngày nay, các tín đồ được xức dầu và chiên khác cố gắng noi gương can đảm của Chúa Giê-su. Như thế nào?
9. (a) Tại sao cần can đảm để đều đặn tham dự nhóm họp? (b) Gương của chúng ta có thể tác động thế nào đến những anh em bị tù vì đức tin?
9 Trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta cần can đảm để đều đặn tham dự nhóm họp. Một số anh chị vẫn tham dự nhóm họp dù đương đầu với sự đau buồn, nản lòng hoặc vấn đề sức khỏe. Số khác thì can đảm tham dự nhóm họp dù bị gia đình hay bậc cầm quyền chống đối dữ dội. Hãy nghĩ xem gương của chúng ta tác động thế nào đến những anh em bị bỏ tù vì đức tin (Hê 13:3). Khi biết chúng ta vẫn phụng sự Đức Giê-hô-va dù gặp thử thách, họ được củng cố để giữ vững đức tin, sự can đảm và lòng trọn thành. Đó là trải nghiệm của sứ đồ Phao-lô. Trong lúc bị tù ở Rô-ma, ông vui mừng khi hay tin anh em tiếp tục trung thành phụng sự Đức Chúa Trời (Phi-líp 1:3-5, 12-14). Ít lâu trước hoặc sau khi ra tù, Phao-lô đã viết thư gửi tín đồ người Hê-bơ-rơ. Trong thư, ông khuyến khích các tín đồ trung thành ấy “tiếp tục yêu thương nhau như anh em” và “chớ bỏ việc nhóm họp với nhau”.—Hê 10:24, 25; 13:1.
10, 11. (a) Chúng ta nên mời những ai tham dự Lễ Tưởng Niệm? (b) Theo Ê-phê-sô 1:7, chúng ta có lý do nào để làm thế?
10 Chúng ta cho thấy mình can đảm khi mời người thân, đồng nghiệp và hàng xóm tham dự Lễ Tưởng Niệm. Tại sao chúng ta hết lòng mời người khác tham dự buổi lễ này? Vì biết ơn sâu xa về những điều Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su làm cho mình. Chúng ta muốn họ cũng biết cách để nhận lợi ích từ “lòng nhân từ bao la” của Đức Giê-hô-va qua giá chuộc.—Đọc Ê-phê-sô 1:7; Khải 22:17.
11 Khi can đảm tham dự nhóm họp, chúng ta cũng thể hiện một đức tính quý báu khác, là đức tính mà cả Đức Chúa Trời và Con ngài đều thể hiện qua nhiều cách nổi bật.
TÌNH YÊU THƯƠNG THÔI THÚC CHÚNG TA THAM DỰ
12. (a) Làm thế nào việc tham dự nhóm họp giúp củng cố tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su? (b) Theo 2 Cô-rinh-tô 5:14, 15, chúng ta được khuyến khích làm gì để noi gương Chúa Giê-su?
12 Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su thôi thúc chúng ta tham dự nhóm họp. Rồi những điều học được tại các buổi nhóm họp giúp chúng ta củng cố tình yêu thương ấy. Trong buổi nhóm họp, chúng ta thường được nhắc về điều mà hai đấng ấy đã làm cho mình (Rô 5:8). Đặc biệt, Lễ Tưởng Niệm nhắc chúng ta nhớ đến tình yêu thương sâu đậm của hai đấng ấy, thậm chí với những người chưa hiểu tầm quan trọng của giá chuộc. Với lòng đầy biết ơn, chúng ta cố gắng noi gương Chúa Giê-su qua lối sống mỗi ngày. (Đọc 2 Cô-rinh-tô 5:14, 15). Hơn nữa, lòng biết ơn thúc đẩy chúng ta ngợi khen Đức Giê-hô-va vì ngài đã cung cấp giá chuộc. Một cách để ngợi khen ngài là qua lời bình luận chân thành tại các buổi nhóm họp.
13. Làm thế nào để thể hiện tình yêu thương sâu đậm với Đức Giê-hô-va và Con ngài?
13 Chúng ta thể hiện tình yêu thương sâu đậm với Đức Giê-hô-va và Con ngài khi sẵn lòng hy sinh bất cứ điều gì. Chúng ta thường phải hy sinh nhiều điều để tham dự nhóm họp. Nhiều hội thánh có buổi nhóm họp vào cuối ngày làm việc khi chúng ta thường mệt mỏi. Còn buổi nhóm họp khác thì vào cuối tuần khi người khác nghỉ ngơi. Đức Giê-hô-va có để ý thấy chúng ta tham dự nhóm họp dù mệt mỏi không? Chắc chắn có. Thật vậy, chúng ta càng tranh đấu để đi nhóm, Đức Giê-hô-va càng quý trọng tình yêu thương mà mình thể hiện với ngài.—Mác 12:41-44.
14. Chúa Giê-su nêu gương nào về việc thể hiện tình yêu thương bất vị kỷ?
14 Chúa Giê-su nêu gương về việc thể hiện tình yêu thương bất vị kỷ. Ngài không chỉ sẵn lòng chết cho các môn đồ mà còn luôn đặt lợi ích của họ lên trên lợi ích của bản thân. Chẳng hạn, ngài đến gặp các môn đồ dù rất căng thẳng hay mệt mỏi về thể chất (Lu 22:39-46). Chúa Giê-su tập trung vào điều ngài có thể ban cho, chứ không phải điều ngài có thể nhận được (Mat 20:28). Khi có tình yêu thương mạnh mẽ dành cho Đức Giê-hô-va và anh em, như Chúa Giê-su đã có, chúng ta sẽ làm mọi điều có thể để tham dự Bữa Ăn Tối Của Chúa và các buổi nhóm họp khác.
15. Chúng ta đặc biệt quan tâm đến việc giúp những ai?
15 Chúng ta thuộc về đoàn thể anh em tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính duy nhất, và chúng ta vui khi dành nhiều thời gian nhất có thể để mời người mới tham dự các buổi nhóm họp với mình. Tuy nhiên, chúng ta đặc biệt quan tâm đến việc giúp những “anh em đồng đức tin” đã ngưng hoạt động (Ga 6:10). Chúng ta cho thấy mình yêu thương họ bằng cách khuyến khích họ tham dự nhóm họp, nhất là Lễ Tưởng Niệm. Như Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su, chúng ta vui mừng khi họ trở về với Đức Giê-hô-va, là Cha và Đấng Chăn Giữ yêu thương của chúng ta.—Mat 18:14.
16. (a) Làm thế nào để khuyến khích lẫn nhau, và việc tham dự nhóm họp sẽ giúp chúng ta ra sao? (b) Tại sao đây là thời điểm tốt trong năm để nhớ lời của Chúa Giê-su nơi Giăng 3:16?
16 Trong những tuần sắp tới, hãy mời càng nhiều người càng tốt đến tham dự Lễ Tưởng Niệm vào tối thứ sáu, ngày 19-4-2019. (Xin xem khung “Hãy mời họ tham dự”). Mong sao trong suốt năm, chúng ta khuyến khích nhau bằng cách đều đặn tham dự tất cả các buổi nhóm họp mà Đức Giê-hô-va cung cấp. Vì sự kết thúc của thế gian gần kề, chúng ta cần tham dự nhóm họp để giúp mình tiếp tục khiêm nhường, can đảm và yêu thương (1 Tê 5:8-11). Hãy hết lòng cho thấy sự biết ơn về tình yêu thương lớn lao mà Đức Giê-hô-va và Con ngài dành cho chúng ta.—Đọc Giăng 3:16.
BÀI HÁT 126 Hãy luôn tỉnh thức, đứng vững và mạnh mẽ
a Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su sẽ được cử hành vào tối thứ sáu, ngày 19-4-2019. Lễ này sẽ là buổi nhóm họp quan trọng nhất trong năm. Điều gì thôi thúc chúng ta tham dự sự kiện này? Hẳn là vì chúng ta muốn làm Đức Giê-hô-va vui lòng. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét việc tham dự Lễ Tưởng Niệm cũng như các buổi nhóm họp hằng tuần cho biết gì về chúng ta.
b HÌNH ẢNH: Một anh bị tù vì đức tin được khích lệ qua lá thư của gia đình. Anh vui vì biết mình không bị lãng quên, và biết gia đình vẫn trung thành với Đức Giê-hô-va dù tình trạng xã hội bất ổn.