BÀI HỌC 19
Tình yêu thương và công lý—Khi đối mặt với sự gian ác (Phần 3)
“Ngài nào phải Đức Chúa Trời ưa điều ác; kẻ xấu xa không thể ở cùng ngài được”.—THI 5:4.
BÀI HÁT 142 Nắm chặt hy vọng của chúng ta
GIỚI THIỆUa
1-3. (a) Theo Thi thiên 5:4-6, Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về sự gian ác? (b) Tại sao có thể nói hành vi lạm dụng trẻ em đi ngược với “luật pháp của Đấng Ki-tô”?
Đức Giê-hô-va ghét mọi hình thức gian ác. (Đọc Thi thiên 5:4-6). Ngài đặc biệt ghét hành vi lạm dụng tình dục trẻ em, một tội ác đáng ghê tởm! Là Nhân Chứng của Đức Giê-hô-va, chúng ta noi gương ngài. Vì thế, chúng ta căm ghét hành vi lạm dụng trẻ em và không dung túng điều đó trong hội thánh.—Rô 12:9; Hê 12:15, 16.
2 Mọi hành vi lạm dụng trẻ em đều đi ngược với “luật pháp của Đấng Ki-tô” (Ga 6:2). Tại sao có thể nói thế? Như đã học trong bài trước, luật pháp của Đấng Ki-tô bao gồm mọi điều Chúa Giê-su dạy qua lời nói và gương mẫu, và luật pháp này được xây dựng dựa trên tình yêu thương và đẩy mạnh công lý. Vâng theo luật pháp này, các tín đồ chân chính đối xử với trẻ em theo cách giúp các em cảm thấy an toàn và thật sự được yêu thương. Tuy nhiên, lạm dụng trẻ em là một hành vi bất công và ích kỷ, khiến các em cảm thấy không được an toàn và không được yêu thương.
3 Đáng buồn là tội lạm dụng tình dục trẻ em đã trở thành một vấn nạn toàn cầu, và nó ảnh hưởng đến cả những tín đồ chân chính. Tại sao? Vì “những kẻ gian ác và kẻ giả mạo” ngày càng nhiều, và một số có lẽ tìm cách len lỏi vào hội thánh (2 Ti 3:13). Ngoài ra, một số người tự nhận mình thờ phượng Đức Giê-hô-va nhưng đã chiều theo ham muốn đồi bại và đã xâm hại trẻ em. Hãy xem tại sao lạm dụng trẻ em là một tội vô cùng nghiêm trọng. Sau đó, hãy xem làm thế nào các trưởng lão xử lý những trường hợp phạm tội trọng, bao gồm tội lạm dụng trẻ em, và cha mẹ có thể làm gì để bảo vệ con cái.b
MỘT TỘI NGHIÊM TRỌNG
4, 5. Tại sao có thể nói lạm dụng trẻ em là phạm tội với nạn nhân?
4 Hành vi lạm dụng trẻ em gây ra những hậu quả lâu dài. Nó ảnh hưởng đến nạn nhân và những người yêu thương họ, chẳng hạn như các thành viên trong gia đình và anh em đồng đạo. Lạm dụng trẻ em là một tội nghiêm trọng.
5 Lạm dụng trẻ em là phạm tội với nạn nhân.c Gây ra nỗi đau cho người khác là một tội. Như bài tới sẽ cho thấy, kẻ lạm dụng trẻ em gây ra nỗi đau khôn cùng cho nạn nhân, phản bội lòng tin và cướp đi sự an toàn của em. Trẻ em cần được bảo vệ khỏi hành vi gian ác này, và những người là nạn nhân cần được an ủi và giúp đỡ.—1 Tê 5:14.
6, 7. Tại sao có thể nói lạm dụng trẻ em là phạm tội với hội thánh và chính quyền?
6 Lạm dụng trẻ em là phạm tội với hội thánh. Một người trong hội thánh lạm dụng trẻ em sẽ làm ô danh hội thánh (Mat 5:16; 1 Phi 2:12). Điều này thật bất công cho hàng triệu tín đồ trung thành đang “tranh chiến quyết liệt vì đức tin”! (Giu 3). Chúng ta không bao giờ dung túng bất cứ người nào phạm tội gian ác mà không ăn năn và làm ô danh hội thánh.
7 Lạm dụng trẻ em là phạm tội với chính quyền. Tín đồ đạo Đấng Ki-tô phải “phục tùng các bậc cầm quyền” (Rô 13:1). Chúng ta cho thấy mình phục tùng họ qua việc tôn trọng và tuân thủ pháp luật. Nếu một người trong hội thánh phạm pháp, chẳng hạn như lạm dụng trẻ em, người đó đang phạm tội với chính quyền. (So sánh Công vụ 25:8). Dù không có quyền thực thi quyền hành pháp của nhà nước, nhưng các trưởng lão không bao che để giúp kẻ lạm dụng trẻ em thoát khỏi hình phạt của pháp luật (Rô 13:4). Người phạm tội sẽ gặt những gì mình gieo.—Ga 6:7.
8. Đức Giê-hô-va có quan điểm nào về việc một người phạm tội với người khác?
8 Trên hết, lạm dụng trẻ em là phạm tội với Đức Giê-hô-va (Thi 51:4). Khi một người phạm tội với người khác, người đó cũng phạm tội với Đức Giê-hô-va. Hãy xem một ví dụ trong Luật pháp Môi-se. Luật pháp ấy cho biết một người cướp bóc hoặc lừa gạt người lân cận là đang hành động “bất trung với Đức Giê-hô-va” (Lê 6:2-4). Vậy khi một người trong hội thánh lạm dụng trẻ em, người ấy cướp đi sự an toàn của đứa trẻ và đang hành động bất trung với Đức Chúa Trời. Những người như thế khiến cho danh Đức Giê-hô-va bị sỉ nhục. Do đó, lạm dụng trẻ em là hành vi ghê tởm đối với Đức Chúa Trời và đáng bị lên án.
9. Trong nhiều năm qua, tổ chức Đức Giê-hô-va cung cấp những thông tin nào dựa trên Kinh Thánh, và tại sao?
9 Trong nhiều năm qua, tổ chức Đức Giê-hô-va cung cấp nhiều tài liệu dựa trên Kinh Thánh nói về đề tài lạm dụng trẻ em. Chẳng hạn, các bài trong tạp chí Tháp Canh và Tỉnh Thức! thảo luận về cách những người bị lạm dụng tình dục có thể đương đầu với nỗi đau về cảm xúc, người khác có thể giúp đỡ và khích lệ họ ra sao và cha mẹ có thể làm gì để bảo vệ con cái. Các trưởng lão nhận được sự huấn luyện kỹ càng dựa trên Kinh Thánh về việc xử lý tội lạm dụng trẻ em. Tổ chức thường xuyên xem lại những chỉ dẫn về cách hội thánh xử lý tội trọng này. Tại sao? Điều này giúp đảm bảo cách xử lý vấn đề ấy phù hợp với luật pháp của Đấng Ki-tô.
XỬ LÝ NHỮNG TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI TRỌNG
10-12. (a) Khi xử lý những trường hợp liên quan đến tội trọng, các trưởng lão ghi nhớ điều gì, và họ cần quan tâm đến những điều nào? (b) Theo Gia-cơ 5:14, 15, các trưởng lão cố gắng làm gì?
10 Khi xử lý bất cứ trường hợp nào liên quan đến tội trọng, các trưởng lão ghi nhớ rằng luật pháp của Đấng Ki-tô đòi hỏi họ đối xử yêu thương với bầy chiên và làm điều Đức Giê-hô-va xem là đúng và công bằng. Chính vì thế, họ cần quan tâm đến một số điều khi được biết người nào đó phạm tội trọng. Mối quan tâm chính của các trưởng lão là làm thánh danh Đức Chúa Trời (Lê 22:31, 32; Mat 6:9). Họ cũng quan tâm sâu xa đến lợi ích về thiêng liêng của anh em trong hội thánh và muốn giúp đỡ nạn nhân của vụ việc.
11 Ngoài ra, nếu người phạm tội là người trong hội thánh, các trưởng lão cũng xem xét người đó có ăn năn không, nếu có thì họ cố gắng giúp người ấy phục hồi về thiêng liêng. (Đọc Gia-cơ 5:14, 15). Một tín đồ chiều theo ham muốn sai trái và phạm tội trọng là người bị bệnh về thiêng liêng. Điều này có nghĩa là người ấy không còn có mối quan hệ tốt với Đức Giê-hô-va.d Theo nghĩa nào đó, các trưởng lão là những thầy thuốc về thiêng liêng. Họ cố gắng “giúp người bệnh [trong trường hợp này là người phạm tội] được lành”. Những lời khuyên dựa trên Kinh Thánh của trưởng lão có thể giúp người đó khôi phục mối quan hệ với Đức Chúa Trời. Nhưng điều này chỉ có thể làm được nếu người đó thật lòng ăn năn.—Công 3:19; 2 Cô 2:5-10.
12 Rõ ràng, các trưởng lão có một trách nhiệm hệ trọng. Họ quan tâm sâu xa đến bầy chiên Đức Chúa Trời giao cho họ (1 Phi 5:1-3). Họ muốn anh em cảm thấy được an toàn trong hội thánh. Vì thế, họ nhanh chóng hành động khi biết một người bị cáo buộc phạm tội trọng, gồm tội lạm dụng trẻ em. Hãy cùng xem xét những câu hỏi nơi đầu đoạn 13, 15 và 17.
13, 14. Các trưởng lão có tuân theo quy định của pháp luật liên quan đến việc khai báo với chính quyền về trường hợp một người bị cáo buộc lạm dụng trẻ em không? Hãy giải thích.
13 Các trưởng lão có tuân theo quy định của pháp luật liên quan đến việc khai báo với chính quyền về trường hợp một người bị cáo buộc lạm dụng trẻ em không? Có. Nếu pháp luật quy định điều này, các trưởng lão cần tuân theo (Rô 13:1). Những quy định như thế không mâu thuẫn với luật pháp của Đức Chúa Trời (Công 5:28, 29). Thế nên, khi biết một người bị cáo buộc lạm dụng trẻ em, các trưởng lão nhanh chóng tìm sự hướng dẫn từ văn phòng chi nhánh để xem làm thế nào họ có thể khai báo vụ việc theo quy định của pháp luật.
14 Khi nói chuyện với nạn nhân, cha mẹ của em và những người biết về vấn đề, các trưởng lão có thể cho họ biết rằng họ có quyền khai báo vụ việc với chính quyền. Nhưng nếu người bị cáo buộc là người trong hội thánh và sau đó cộng đồng biết đến vụ việc thì sao? Tín đồ khai báo có nên cảm thấy mình đã làm ô danh Đức Chúa Trời không? Người ấy không nên cảm thấy như thế. Kẻ lạm dụng chính là người làm ô danh Đức Chúa Trời.
15, 16. (a) Theo 1 Ti-mô-thê 5:19, tại sao cần có ít nhất hai nhân chứng trước khi các trưởng lão có hành động tư pháp? (b) Các trưởng lão cần làm gì khi được biết một người trong hội thánh bị cáo buộc lạm dụng trẻ em?
15 Trong hội thánh, tại sao cần có ít nhất hai nhân chứng trước khi các trưởng lão có hành động tư pháp? Đòi hỏi này là một phần của tiêu chuẩn công chính cao của Kinh Thánh. Khi người bị cáo buộc không thừa nhận thì cần có hai nhân chứng để các trưởng lão có thể có hành động tư pháp (Phục 19:15; Mat 18:16; đọc 1 Ti-mô-thê 5:19). Phải chăng điều này có nghĩa là cần có hai nhân chứng trước khi khai báo với chính quyền về vụ việc? Không. Các trưởng lão hoặc người khác không cần phải có hai nhân chứng mới có thể khai báo với chính quyền.
16 Khi được biết một người trong hội thánh bị buộc tội lạm dụng trẻ em, các trưởng lão cần tuân theo luật pháp về việc khai báo, rồi họ tiến hành cuộc điều tra dựa trên Kinh Thánh. Nếu người đó phủ nhận lời cáo buộc thì các trưởng lão sẽ xem xét lời chứng của các nhân chứng. Nếu có ít nhất hai người xác minh vụ việc (người đưa ra lời cáo buộc và một người khác xác nhận người bị cáo buộc đã xâm hại em nhỏ đó hoặc em khác), thì các trưởng lão sẽ lập ủy ban tư pháp.e Nếu không có nhân chứng thứ hai thì không có nghĩa là người đưa ra lời cáo buộc nói sai sự thật. Trong trường hợp không có hai người làm chứng về vụ việc, các trưởng lão ghi nhận rằng có lẽ người bị cáo buộc đã phạm tội trọng khiến người khác tổn thương nặng nề. Các trưởng lão sẽ tiếp tục an ủi và hỗ trợ những người có lẽ đã bị hại. Ngoài ra, các trưởng lão cảnh giác với người bị cáo buộc để bảo vệ hội thánh khỏi những mối nguy hiểm tiềm ẩn.—Công 20:28.
17, 18. Hãy giải thích vai trò của ủy ban tư pháp.
17 Ủy ban tư pháp có vai trò nào? Từ “tư pháp” ở đây không có nghĩa là các trưởng lão xét xử người lạm dụng có nên bị chính quyền trừng phạt không. Các trưởng lão không can thiệp vào việc thực thi pháp luật; họ để chính quyền quyết định sẽ đưa ra hình phạt nào cho những người vi phạm pháp luật (Rô 13:2-4; Tít 3:1). Thay vì thế, các trưởng lão xác định xem người phạm tội có được ở lại trong hội thánh hay không.
18 Các trưởng lão trong ủy ban tư pháp chỉ xét xử những vấn đề về thiêng liêng liên quan đến hội thánh. Dựa trên sự hướng dẫn của Kinh Thánh, họ xác định người lạm dụng có ăn năn hay không. Nếu không ăn năn, người đó sẽ bị khai trừ, và có một thông báo cho hội thánh (1 Cô 5:11-13). Nếu ăn năn, người đó có thể được ở lại trong hội thánh. Tuy nhiên, các trưởng lão sẽ cho người đó biết rằng có thể người đó sẽ không bao giờ hội đủ điều kiện để nhận bất cứ đặc ân hay trách nhiệm nào trong hội thánh. Vì quan tâm đến sự an toàn của các em nhỏ, có lẽ các trưởng lão sẽ cảnh báo riêng với các bậc cha mẹ có con nhỏ trong hội thánh về việc cẩn trọng khi các con ở gần với người đó. Khi làm điều này, các trưởng lão cẩn thận để tránh tiết lộ danh tính của những người bị hại.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ BẢO VỆ CON CÁI?
19-22. Cha mẹ có thể làm gì để bảo vệ con cái? (Xem hình nơi trang bìa).
19 Ai là người có trách nhiệm chính trong việc bảo vệ con cái? Đó là cha mẹ.f Con cái là món quà và là “sản nghiệp từ Đức Giê-hô-va” (Thi 127:3). Ngài giao cho anh chị trách nhiệm chăm sóc chúng. Anh chị có thể làm gì để bảo vệ con khỏi bị lạm dụng?
20 Trước tiên, hãy tìm hiểu về sự lạm dụng. Hãy tìm hiểu xem những đối tượng nào thường lạm dụng trẻ em và những mánh khóe họ dùng để lừa gạt các em. Hãy tinh ý nhận ra những mối nguy hiểm tiềm ẩn (Châm 22:3; 24:3). Hãy nhớ rằng trong đa số các trường hợp, kẻ lạm dụng là người mà các em quen biết và tin tưởng.
21 Thứ hai, hãy thường xuyên trò chuyện cởi mở với con (Phục 6:6, 7). Điều này bao hàm việc cẩn thận lắng nghe con (Gia 1:19). Hãy nhớ rằng trẻ em thường không muốn nói cho người khác biết mình bị lạm dụng. Có lẽ các em sợ không ai tin mình, hoặc kẻ lạm dụng đe dọa không cho các em tiết lộ sự việc. Nếu thấy có điều gì đó không ổn, hãy ân cần đặt những câu hỏi và kiên nhẫn lắng nghe con.
22 Thứ ba, hãy trang bị kiến thức cho con. Hãy chia sẻ với con những thông tin con cần biết về tình dục, tùy theo độ tuổi của con. Hãy dạy con nên nói gì và làm gì khi ai đó cố sờ mó các em. Hãy dùng những thông tin do tổ chức Đức Giê-hô-va cung cấp về cách bảo vệ con.—Xin xem khung “Dạy chính mình và con cái”.
23. Chúng ta có quan điểm nào về hành vi lạm dụng tình dục trẻ em, và bài tới sẽ trả lời câu hỏi nào?
23 Là Nhân Chứng Giê-hô-va, chúng ta xem lạm dụng tình dục trẻ em là tội trọng và đáng ghê tởm. Vâng theo luật pháp của Đấng Ki-tô, hội thánh không bao che để giúp kẻ lạm dụng thoát khỏi hậu quả của tội ác. Tuy nhiên, chúng ta có thể làm gì để giúp những nạn nhân bị lạm dụng? Bài tới sẽ trả lời câu hỏi này.
BÀI HÁT 103 Những anh chăn bầy—Món quà từ Đức Chúa Trời
a Bài này sẽ thảo luận làm thế nào để bảo vệ trẻ em khỏi bị lạm dụng tình dục. Hãy xem các trưởng lão hành động thế nào để bảo vệ hội thánh và cha mẹ có thể làm gì để bảo vệ con cái.
b GIẢI NGHĨA: Lạm dụng tình dục trẻ em là việc một người trưởng thành dùng một em nhỏ để thỏa mãn ham muốn tình dục. Hành vi này có thể bao gồm giao hợp, quan hệ tình dục qua đường miệng hoặc hậu môn, sờ mó bộ phận sinh dục, ngực, mông hoặc làm những điều đồi bại khác. Đa số nạn nhân là các bé gái, nhưng nhiều bé trai cũng bị lạm dụng. Dù phần lớn những kẻ lạm dụng là người nam, nhưng một số người nữ cũng lạm dụng trẻ em.
c GIẢI NGHĨA: Trong bài này và bài tới, từ “nạn nhân” nói đến những người bị lạm dụng tình dục khi còn nhỏ. Chúng tôi dùng từ này để cho thấy rõ em nhỏ đó là người vô tội, bị người khác lợi dụng và xâm hại.
d Bị bệnh về thiêng liêng không phải là cớ để bào chữa cho việc phạm tội trọng. Người phạm tội hoàn toàn chịu trách nhiệm về hành vi sai trái của mình và phải khai trình với Đức Giê-hô-va.—Rô 14:12.
e Một em nhỏ không bao giờ bị yêu cầu phải đối mặt với người bị cáo buộc đã lạm dụng mình. Cha mẹ hoặc một người đáng tin cậy có thể cho trưởng lão biết sự việc mà không cần để em ấy phải chịu thêm những nỗi đau về cảm xúc.
f Điều này không chỉ áp dụng cho cha mẹ mà cũng áp dụng cho người giám hộ hợp pháp và người có trách nhiệm chăm sóc một em nhỏ không phải là con mình.