BÀI HỌC 37
Hãy sẵn sàng vâng phục Đức Giê-hô-va
‘Chẳng phải chúng ta càng nên sẵn sàng vâng phục Cha hay sao?’—HÊ 12:9.
BÀI HÁT 9 Đức Giê-hô-va là Vua chúng ta!
GIỚI THIỆUa
1. Tại sao chúng ta nên vâng phục Đức Giê-hô-va?
Chúng ta nên vâng phụcb Đức Giê-hô-va vì ngài là Đấng Tạo Hóa. Thế nên, ngài có quyền đặt ra tiêu chuẩn cho các tạo vật của ngài (Khải 4:11). Chúng ta cũng có một lý do khác để vâng lời Đức Giê-hô-va đó là vì đường lối cai trị của ngài là tốt nhất. Trong suốt lịch sử, nhiều người lên nắm quyền và cai trị người khác. Khi so sánh cách cai trị của họ với cách cai trị của Đức Giê-hô-va, chúng ta thấy Đức Giê-hô-va là đấng cai trị yêu thương, thương xót, trắc ẩn và khôn ngoan nhất.—Xuất 34:6; Rô 16:27; 1 Giăng 4:8.
2. Hê-bơ-rơ 12:9-11 cho chúng ta những lý do nào để vâng phục Đức Giê-hô-va?
2 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta vâng phục không chỉ vì kính sợ ngài, nhưng vì chúng ta yêu mến ngài và xem ngài là Cha đầy lòng yêu thương. Trong lá thư viết cho người Hê-bơ-rơ, Phao-lô giải thích rằng chúng ta nên ‘sẵn sàng vâng phục Cha’ vì ngài rèn luyện chúng ta để mình nhận được lợi ích.—Đọc Hê-bơ-rơ 12:9-11.
3. (a) Chúng ta cho thấy mình vâng phục Đức Giê-hô-va bằng cách nào? (b) Chúng ta sẽ thảo luận những câu hỏi nào?
3 Chúng ta vâng phục Đức Giê-hô-va bằng cách nỗ lực vâng lời ngài trong mọi việc và kháng cự khuynh hướng dựa vào sự hiểu biết riêng (Châm 3:5). Chúng ta sẽ thấy dễ vâng phục Đức Giê-hô-va hơn khi học về những điều ngài làm. Tại sao? Vì khi học về những điều ấy, chúng ta sẽ thấy rõ các đức tính tuyệt vời của ngài (Thi 145:9). Càng học về Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ càng yêu mến ngài. Khi yêu mến Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ không cần một danh sách liệt kê chi tiết những điều được làm và không được làm. Chúng ta nỗ lực để có cùng lối suy nghĩ và cảm xúc với Đức Giê-hô-va về những điều ngài muốn mình làm và tránh xa điều xấu (Thi 97:10). Tuy nhiên, đôi khi chúng ta có thể thấy khó vâng lời Đức Giê-hô-va. Lý do là gì? Và các trưởng lão, bậc cha mẹ học được gì từ gương của Nê-hê-mi, vua Đa-vít và Ma-ri, mẹ của Chúa Giê-su? Bài này sẽ giải đáp những câu hỏi ấy.
TẠI SAO VÂNG PHỤC ĐỨC GIÊ-HÔ-VA CÓ THỂ LÀ THỬ THÁCH?
4, 5. Theo Rô-ma 7:21-23, tại sao vâng phục Đức Giê-hô-va có thể là thử thách?
4 Một lý do có thể khiến chúng ta thấy khó vâng phục Đức Giê-hô-va là vì hết thảy chúng ta đều bất toàn do bị di truyền tội lỗi. Vì thế, chúng ta có khuynh hướng chống nghịch. Khi A-đam và Ê-va chống lại Đức Chúa Trời và ăn trái cấm, họ chọn tự đặt tiêu chuẩn cho mình (Sáng 3:22). Ngày nay, hầu hết nhân loại vẫn chọn lờ đi Đức Giê-hô-va và tự quyết định điều đúng, điều sai.
5 Ngay cả những người biết và yêu mến Đức Giê-hô-va có lẽ cũng thấy khó vâng phục ngài một cách trọn vẹn. Sứ đồ Phao-lô từng đương đầu với thử thách này. (Đọc Rô-ma 7:21-23). Như Phao-lô, chúng ta muốn làm điều đúng trước mắt Đức Giê-hô-va. Nhưng để làm thế, chúng ta phải luôn kháng cự khuynh hướng làm điều xấu.
6, 7. Lý do thứ hai có thể khiến chúng ta thấy khó vâng phục Đức Giê-hô-va là gì? Hãy nêu ví dụ.
6 Lý do khác có thể khiến chúng ta thấy khó vâng phục Đức Giê-hô-va là vì chúng ta bị ảnh hưởng bởi văn hóa nơi mình lớn lên. Quan điểm của con người thường đi ngược lại ý muốn Đức Chúa Trời. Vì thế, chúng ta cần luôn nỗ lực để không bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ phổ biến trong thế gian. Hãy xem một ví dụ.
7 Tại nhiều nơi, người trẻ bị áp lực theo đuổi việc làm giàu. Một chị tên Maic phải đối mặt với thử thách này. Trước khi tìm hiểu về Đức Giê-hô-va, chị theo học tại một trong những trường đại học danh giá nhất cả nước. Gia đình chị gây áp lực và muốn chị tìm một công việc lương cao và được trọng vọng. Bản thân chị cũng muốn thế. Tuy nhiên, sau khi biết chân lý và yêu mến Đức Giê-hô-va, chị thay đổi mục tiêu. Dù vậy, chị cho biết: “Đôi khi tôi bị thu hút bởi những cơ hội làm giàu nhưng tôi biết điều đó sẽ khiến mình giảm đi lòng sốt sắng trong việc phụng sự. Vì bị ảnh hưởng bởi cách mình được nuôi dạy nên việc kháng cự tinh thần vật chất vẫn là thử thách với tôi. Tôi phải nài xin Đức Giê-hô-va giúp mình kháng cự cám dỗ để không nhận một công việc cản trở mình hết lòng phụng sự ngài”.—Mat 6:24.
8. Chúng ta sẽ xem xét điều gì?
8 Khi vâng phục Đức Giê-hô-va, chính chúng ta sẽ nhận được lợi ích. Nhưng những người có quyền hạn nhất định như các trưởng lão, bậc cha mẹ thì lại càng có lý do để vâng phục Đức Giê-hô-va, vì khi làm thế họ có thể mang lại lợi ích cho người khác. Hãy xem một số gương trong Kinh Thánh giúp chúng ta sử dụng quyền hành theo cách đẹp lòng Đức Giê-hô-va.
TRƯỞNG LÃO HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ GƯƠNG CỦA NÊ-HÊ-MI?
9. Nê-hê-mi phải đương đầu với những thử thách nào?
9 Đức Giê-hô-va giao cho các trưởng lão trọng trách chăn bầy của ngài (1 Phi 5:2). Các trưởng lão có thể học được nhiều điều khi xem cách Nê-hê-mi đối xử với dân của Đức Giê-hô-va. Với tư cách là quan tổng đốc xứ Giu-đa, Nê-hê-mi có nhiều quyền hạn (Nê 1:11; 2:7, 8; 5:14). Hãy hình dung một số thử thách mà Nê-hê-mi phải đương đầu. Lúc đó, dân sự làm ô uế đền thờ và không ủng hộ sắp đặt về việc đóng góp cho người Lê-vi như Luật pháp đòi hỏi. Dân Do Thái vi phạm luật về ngày Sa-bát và một số người nam cưới phụ nữ ngoại quốc. Nê-hê-mi phải giải quyết những vấn đề này.—Nê 13:4-30.
10. Nê-hê-mi phản ứng ra sao khi đối mặt với thử thách?
10 Nê-hê-mi không lạm quyền bằng cách đặt ra tiêu chuẩn riêng và bắt dân Đức Chúa Trời phải làm theo. Thay vì thế, ông tìm kiếm sự hướng dẫn từ Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện chân thành và dạy dân sự Luật pháp của ngài (Nê 1:4-10; 13:1-3). Nê-hê-mi cũng khiêm nhường làm việc với anh em, thậm chí cùng họ xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem.—Nê 4:15.
11. Theo 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 8, các trưởng lão nên đối xử với những người trong hội thánh như thế nào?
11 Dù không phải đương đầu với những vấn đề như Nê-hê-mi, các trưởng lão có thể bắt chước ông trong nhiều khía cạnh. Chẳng hạn, họ siêng năng làm việc vì lợi ích của anh em. Họ không để quyền hành khiến mình trở nên kiêu ngạo. Thay vì thế, họ đối xử dịu dàng với hội thánh. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 2:7, 8). Lòng khiêm nhường và tình yêu thương chân thành của họ được phản ánh qua cách họ nói chuyện với người khác. Anh Minh, một trưởng lão giàu kinh nghiệm, nói: “Tôi thấy anh em thường cảm kích khi một trưởng lão đối xử với họ cách tử tế và thân thiện. Những phẩm chất này thúc đẩy anh em hợp tác với trưởng lão”. Anh Toàn, một trưởng lão lâu năm khác, cho biết: “Tôi cố gắng áp dụng lời khuyên nơi Phi-líp 2:3 và luôn tập xem người khác cao hơn mình. Điều này giúp tôi tránh ép người khác vâng lời mình”.
12. Tại sao điều quan trọng là các trưởng lão cần khiêm nhường?
12 Các trưởng lão cần noi gương khiêm nhường của Đức Giê-hô-va. Dù là Chúa Tối Thượng, ngài “hạ mình xuống” để “nâng người thấp hèn lên khỏi đống bụi” (Thi 18:35; 113:6, 7). Kinh Thánh cũng cho biết Đức Giê-hô-va ghê tởm những ai kiêu ngạo và tự cao.—Châm 16:5.
13. Tại sao một trưởng lão cần “kìm giữ lưỡi mình”?
13 Một trưởng lão vâng phục Đức Giê-hô-va sẽ “kìm giữ lưỡi mình”. Nếu không, anh có thể nói những lời thiếu tử tế khi ai đó không tôn trọng mình (Gia 1:26; Ga 5:14, 15). Anh Minh được đề cập ở trên nói: “Đôi khi, tôi muốn đáp lại thiếu tử tế với một anh chị có vẻ không tôn trọng mình. Tuy nhiên, việc suy ngẫm về những gương trung thành trong Kinh Thánh giúp tôi nhận ra tầm quan trọng của tính khiêm nhường và khiêm hòa”. Các trưởng lão cho thấy mình vâng phục Đức Giê-hô-va bằng cách thể hiện tình yêu thương và sự hòa nhã khi nói chuyện với anh chị trong hội thánh, gồm cả những anh trưởng lão khác.—Cô 4:6.
NHỮNG NGƯỜI LÀM CHA HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ VUA ĐA-VÍT?
14. Đức Giê-hô-va giao cho người cha trách nhiệm nào, và ngài muốn họ làm gì?
14 Đức Giê-hô-va giao cho người cha trách nhiệm làm đầu gia đình; ngài muốn anh huấn luyện và sửa dạy con cái (1 Cô 11:3; Ê-phê 6:4). Nhưng anh chỉ có một số quyền hạn nhất định; anh phải khai trình với Đức Giê-hô-va về cách mình đối xử với gia đình, vì nhờ ngài mà mọi gia đình trên trời và dưới đất được đặt tên (Ê-phê 3:14, 15). Những người làm cha cho thấy mình vâng phục Đức Giê-hô-va khi sử dụng quyền hành theo cách đẹp lòng ngài. Họ có thể học được nhiều điều khi xem xét cuộc đời của vua Đa-vít.
15. Tại sao vua Đa-vít là gương tốt cho những người làm cha?
15 Đức Giê-hô-va không chỉ bổ nhiệm Đa-vít làm đầu gia đình mà còn làm vua của cả nước Y-sơ-ra-ên. Với tư cách là vua, Đa-vít có nhiều quyền hành. Có những lần, ông lạm quyền và phạm tội nghiêm trọng (2 Sa 11:14, 15). Nhưng ông cho thấy mình vâng phục Đức Giê-hô-va khi chấp nhận sự sửa dạy của ngài. Ông dốc đổ lòng mình với ngài qua lời cầu nguyện. Ông nỗ lực vâng theo lời khuyên của Đức Giê-hô-va (Thi 51:1-4). Ngoài ra, ông cũng khiêm nhường khi chấp nhận lời khuyên của cả người nam lẫn người nữ (1 Sa 19:11, 12; 25:32, 33). Đa-vít rút ra bài học từ lỗi lầm của mình; ông đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống.
16. Những người làm cha có thể rút ra một số bài học nào từ Đa-vít?
16 Những người làm cha có thể học được gì từ vua Đa-vít? Đó là đừng lạm dụng quyền mà Đức Giê-hô-va giao cho anh. Hãy thừa nhận lỗi lầm của mình và chấp nhận lời khuyên dựa trên Kinh Thánh. Nếu làm thế, gia đình sẽ tôn trọng anh vì sự khiêm nhường của anh. Khi cầu nguyện chung với gia đình, hãy dốc đổ lòng mình với Đức Giê-hô-va; qua đó họ có thể thấy anh nương cậy nơi ngài đến mức nào. Trên hết, hãy đặt việc phụng sự Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống (Phục 6:6-9). Gương tốt của anh là một trong những món quà quý giá nhất mà anh có thể tặng cho gia đình mình.
NHỮNG NGƯỜI LÀM MẸ HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ MA-RI?
17. Đức Giê-hô-va giao cho những người làm mẹ vai trò nào?
17 Đức Giê-hô-va giao cho những người làm mẹ vai trò đáng trọng trong gia đình, và ngài cho các chị một số quyền hành trên con cái (Châm 6:20). Thực tế là những gì chị nói và làm có thể ảnh hưởng lâu dài và sâu sắc đến con (Châm 22:6). Hãy xem những người làm mẹ có thể học được gì từ Ma-ri, mẹ của Chúa Giê-su.
18, 19. Những người làm mẹ có thể học được gì từ gương của Ma-ri?
18 Ma-ri hiểu rất rõ về Kinh Thánh. Bà kính trọng Đức Giê-hô-va sâu xa và có mối quan hệ mật thiết với ngài. Bà sẵn sàng vâng phục chỉ dẫn của Đức Giê-hô-va, ngay cả khi điều đó làm thay đổi cả cuộc đời bà.—Lu 1:35-38, 46-55.
19 Những người làm mẹ có thể noi gương Ma-ri trong nhiều khía cạnh. Như thế nào? Thứ nhất, hãy củng cố mối quan hệ với Đức Giê-hô-va qua việc học hỏi cá nhân và thường xuyên cầu nguyện riêng với ngài. Thứ hai, hãy sẵn sàng thực hiện những thay đổi trong đời sống để làm Đức Giê-hô-va vui lòng. Chẳng hạn, có lẽ chị lớn lên trong môi trường mà cha mẹ dễ nóng giận và nặng lời với con. Vì thế, chị nghĩ rằng đó là cách thông thường để nuôi dạy con cái. Ngay cả sau khi học về tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va, có thể chị thấy khó để giữ bình tĩnh và kiên nhẫn với con, đặc biệt là lúc chị đang mệt và con không chịu nghe lời (Ê-phê 4:31). Những lúc như thế, chị cần nương cậy Đức Giê-hô-va nhiều hơn qua lời cầu nguyện. Một người mẹ tên Ly nói: “Đôi lúc, tôi phải cầu nguyện tha thiết để không la mắng khi con trai không vâng lời. Thậm chí khi đang nói nửa chừng, tôi phải dừng lại và cầu nguyện thầm xin Đức Giê-hô-va giúp. Việc cầu nguyện giúp tôi giữ bình tĩnh”.—Thi 37:5.
20. Một số người làm mẹ đương đầu với thử thách nào, và làm thế nào họ có thể vượt qua?
20 Một số người làm mẹ có thể đương đầu với thử thách khác là họ thấy khó thể hiện tình yêu thương với con (Tít 2:3, 4). Một số người lớn lên trong gia đình mà cha mẹ không có mối quan hệ gần gũi với con cái. Nếu đó là trường hợp của chị, không nhất thiết chị phải lặp lại sai sót của cha mẹ. Một người mẹ vâng phục Đức Giê-hô-va có lẽ phải học cách thể hiện tình yêu thương với con. Đúng là không dễ để thay đổi lối suy nghĩ, cảm xúc và hành động của mình. Nhưng chị có thể thành công, và những thay đổi ấy sẽ mang lại lợi ích cho chính chị cùng gia đình.
TIẾP TỤC VÂNG PHỤC ĐỨC GIÊ-HÔ-VA
21, 22. Theo Ê-sai 65:13, 14, chúng ta nhận được lợi ích nào khi vâng phục Đức Giê-hô-va?
21 Vua Đa-vít biết rõ việc vâng phục Đức Giê-hô-va mang lại lợi ích. Ông viết: “Các mệnh lệnh Đức Giê-hô-va đều công chính, khiến lòng phấn khởi. Điều răn Đức Giê-hô-va là thanh sạch, làm mắt sáng ngời. Nhờ có chúng, tôi tớ ngài được răn dạy. Ai vâng giữ nhận phần thưởng thật lớn thay” (Thi 19:8, 11). Ngày nay, chúng ta có thể thấy sự tương phản giữa những người vâng phục Đức Giê-hô-va và những người bác bỏ lời khuyên yêu thương của ngài. Những ai vâng phục Đức Giê-hô-va “sẽ reo hò vì lòng vui vẻ”.—Đọc Ê-sai 65:13, 14.
22 Khi các trưởng lão, bậc cha mẹ sẵn sàng vâng phục Đức Giê-hô-va, đời sống của họ sẽ được cải thiện, gia đình họ sẽ hạnh phúc hơn và hội thánh sẽ càng hợp nhất. Quan trọng hơn hết là họ làm cho lòng Đức Giê-hô-va vui mừng (Châm 27:11). Chẳng phải đó là phần thưởng lớn hơn bất cứ phần thưởng nào sao?
BÀI HÁT 123 Trung thành phục tùng sự sắp đặt thần quyền
a Bài này sẽ thảo luận lý do chúng ta nên vâng phục Đức Giê-hô-va. Chúng ta cũng sẽ xem những người có một số quyền hạn nhất định như các trưởng lão, bậc cha mẹ có thể học được gì từ gương của quan tổng đốc Nê-hê-mi, vua Đa-vít và Ma-ri, mẹ của Chúa Giê-su.
b GIẢI NGHĨA: Từ vâng phục nghe có vẻ tiêu cực đối với những ai bị buộc phải phục tùng một người nào đó. Tuy nhiên, dân Đức Chúa Trời chọn vâng lời ngài, vì thế họ không xem việc vâng phục là điều tiêu cực.
c Một số tên trong bài này đã được thay đổi.
d HÌNH ẢNH: Một trưởng lão cùng bảo trì Phòng Nước Trời với con trai, như Nê-hê-mi cùng tham gia xây lại tường thành Giê-ru-sa-lem.
e HÌNH ẢNH: Một người cha đại diện gia đình chân thành cầu nguyện với Đức Giê-hô-va.
f HÌNH ẢNH: Một em trai chơi điện tử nhiều giờ và không làm bài tập về nhà. Người mẹ sửa dạy em một cách nhân từ thay vì nổi giận hoặc nặng lời với em, dù chị mệt mỏi sau một ngày làm việc.