BÀI HỌC 52
Làm sao để đối phó với sự buồn nản?
“Hãy trút gánh nặng cho Đức Giê-hô-va, ngài sẽ nâng đỡ anh em”.—THI 55:22.
BÀI HÁT 33 Hãy trút gánh nặng cho Đức Giê-hô-va
GIỚI THIỆUa
1. Sự buồn nản có thể ảnh hưởng đến chúng ta như thế nào?
Mỗi ngày chúng ta đối mặt với nhiều vấn đề và phải cố gắng đương đầu với những vấn đề ấy. Nhưng hẳn anh chị đồng ý là khi buồn nản thì khó để đương đầu với vấn đề hơn. Vì thế, chúng ta cần xem sự buồn nản như khách không mời mà đến, cướp đi sự tự tin, lòng can đảm và niềm vui của mình. Châm ngôn 24:10 nói: “Đến ngày khốn khổ mà con nản lòng thì sức lực con ắt sẽ ít ỏi”. Thật vậy, sự buồn nản có thể lấy đi sức lực mà chúng ta cần để đương đầu thành công với vấn đề trong đời sống.
2. Những lý do nào có thể khiến chúng ta buồn nản, và bài này sẽ xem xét điều gì?
2 Có nhiều điều khiến chúng ta buồn nản, một số đến từ bên trong và số khác đến từ bên ngoài. Những điều đó có thể bao gồm lỗi lầm và khuyết điểm của bản thân hoặc sức khỏe kém. Chúng ta cũng có thể buồn nản vì không nhận được một đặc ân mà mình mong muốn hoặc rao giảng trong khu vực dường như ít ai hưởng ứng. Trong bài này, chúng ta sẽ xem một số điều mình có thể làm để đương đầu với sự buồn nản.
KHI ĐỐI PHÓ VỚI LỖI LẦM VÀ KHUYẾT ĐIỂM
3. Điều gì có thể giúp chúng ta có cái nhìn thăng bằng về lỗi lầm của bản thân?
3 Chúng ta dễ có cái nhìn không thăng bằng về lỗi lầm và khuyết điểm của bản thân. Vì thế, chúng ta có thể nghĩ rằng vì mình phạm nhiều lỗi lầm nên Đức Giê-hô-va sẽ không muốn mình sống trong thế giới mới của ngài. Quan điểm ấy có thể gây hại. Chúng ta nên có quan điểm nào về lỗi lầm của bản thân? Kinh Thánh cho biết ngoài Chúa Giê-su, tất cả mọi người đều phạm tội (Rô 3:23). Nhưng Tác Giả của Kinh Thánh không phải là đấng cầu toàn hoặc vạch lá tìm sâu. Thay vì thế, ngài là Cha yêu thương muốn giúp đỡ chúng ta. Đức Giê-hô-va cũng kiên nhẫn. Ngài nhìn thấy chúng ta phải tranh đấu với khuyết điểm và cố gắng có cái nhìn thăng bằng về bản thân, và ngài sẵn sàng giúp đỡ.—Rô 7:18, 19.
4, 5. Phù hợp với 1 Giăng 3:19, 20, điều gì đã giúp hai chị không chìm đắm trong sự buồn nản?
4 Hãy xem trường hợp của chị Deborah và chị Maria.b Khi còn nhỏ, chị Deborah thường bị đối xử tồi tệ, khiến chị cảm thấy tủi nhục. Hiếm khi chị được khen. Vì thế, chị có quan điểm tiêu cực về bản thân. Dù phạm lỗi nhỏ, chị cũng cảm thấy mình là kẻ thất bại. Chị Maria phải đối phó với vấn đề tương tự. Người thân thường sỉ nhục chị, khiến chị phải tranh đấu với cảm giác vô giá trị. Ngay cả sau khi báp-têm, chị cảm thấy mình không xứng đáng mang danh Đức Chúa Trời.
5 Dù vậy, hai chị ấy vẫn tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va. Điều gì đã giúp họ làm thế? Một điều là họ trút gánh nặng cho Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện tha thiết (Thi 55:22). Họ nhận ra rằng Cha yêu thương trên trời biết những điều xảy ra với mình trong quá khứ có thể khiến mình suy nghĩ tiêu cực về bản thân. Nhưng ngài cũng thấy điều tốt trong lòng chúng ta, tức những đức tính mà có lẽ chúng ta không thấy nơi chính mình.—Đọc 1 Giăng 3:19, 20.
6. Một người có thể phản ứng thế nào khi tái phạm lỗi lầm?
6 Một người đang tranh đấu với thói xấu ăn sâu có thể sẽ tái phạm và cảm thấy thất vọng về bản thân. Có cảm giác mặc cảm tội lỗi khi phạm tội là điều đương nhiên (2 Cô 7:10). Nhưng chúng ta không nên mặc cảm quá mức và lên án chính mình, nghĩ rằng mình là kẻ thất bại và sẽ không bao giờ được Đức Giê-hô-va tha thứ. Lối suy nghĩ tiêu cực như thế là không đúng và có thể khiến chúng ta ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va. Hãy nhớ Châm ngôn 24:10 nói rằng khi nản lòng, sức lực của chúng ta sẽ ít ỏi. Vậy hãy đến với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện và nài xin ngài tha thứ (Ê-sai 1:18). Khi thấy anh chị thật lòng ăn năn, Đức Giê-hô-va sẽ tha thứ. Ngoài ra, hãy đến gặp các trưởng lão. Họ sẽ kiên nhẫn giúp anh chị hồi phục về thiêng liêng.—Gia 5:14, 15.
7. Tại sao chúng ta không nên buồn nản nếu đang tranh đấu để làm điều đúng?
7 Anh Jean-Luc, một trưởng lão ở Pháp, nói lời sau với những người đang tranh đấu với khuyết điểm của bản thân: “Một người công chính trước mắt Đức Giê-hô-va không phải là người không bao giờ phạm tội nhưng là người biết ăn năn và cố gắng sửa đổi” (Rô 7:21-25). Vì thế, đừng lên án bản thân nếu anh chị đang tranh đấu với khuyết điểm của chính mình. Hãy nhớ rằng không ai trong chúng ta tự đạt được vị thế công chính trước mắt Đức Chúa Trời. Tất cả chúng ta đều cần lòng nhân từ bao la của ngài được thể hiện qua giá chuộc.—Ê-phê 1:7; 1 Giăng 4:10.
8. Khi nản lòng, chúng ta có thể tìm sự giúp đỡ ở đâu?
8 Hãy tìm đến anh em đồng đạo, gia đình thiêng liêng của chúng ta, để được khích lệ! Họ có thể lắng nghe khi chúng ta cần tâm sự và chia sẻ những lời an ủi để giúp chúng ta lên tinh thần (Châm 12:25; 1 Tê 5:14). Chị Joy sống ở Nigeria từng phải tranh đấu với sự buồn nản. Chị chia sẻ: “Tôi không biết mình sẽ ra sao nếu không có đoàn thể anh em. Các anh em là bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va nhậm lời cầu nguyện của tôi. Tôi còn học được từ họ cách để khích lệ người khác cũng đang bị nản lòng”. Nhưng hãy nhớ là không phải lúc nào anh em cũng biết chúng ta đang cần được khích lệ. Vì thế, có lẽ chúng ta cần chủ động đến gặp một anh chị thành thục và cho họ biết mình cần sự giúp đỡ.
KHI ĐỐI PHÓ VỚI SỨC KHỎE KÉM
9. Thi thiên 41:3 và 94:19 khích lệ chúng ta như thế nào?
9 Hãy hướng đến Đức Giê-hô-va để được trợ giúp. Khi không khỏe, đặc biệt khi phải đối phó với một căn bệnh mãn tính, chúng ta có thể thấy khó để suy nghĩ tích cực. Dù ngày nay Đức Giê-hô-va không chữa lành bằng phép lạ, nhưng ngài có thể an ủi và ban sức mạnh cần thiết để chúng ta chịu đựng. (Đọc Thi thiên 41:3; 94:19). Chẳng hạn, ngài có thể thúc đẩy anh em đồng đạo trợ giúp chúng ta bằng cách làm việc nhà và đi chợ, hoặc thúc đẩy họ cầu nguyện với chúng ta. Ngoài ra, ngài có thể giúp chúng ta nhớ những ý tưởng an ủi trong Lời ngài, như hy vọng tuyệt vời về đời sống hoàn hảo không bệnh tật hay đau đớn trong thế giới mới sắp đến.—Rô 15:4.
10. Điều gì giúp anh Isang không chìm đắm trong sự buồn nản sau khi bị tai nạn?
10 Anh Isang sống ở Nigeria gặp một tai nạn khiến anh bị liệt. Bác sĩ nói rằng anh không bao giờ đi lại được nữa. Anh cho biết cảm xúc lúc đó: “Lòng tôi tan vỡ và tôi vô cùng buồn nản”. Nhưng anh có buồn nản mãi không? Không! Điều gì đã giúp anh? Anh Isang giải thích: “Vợ chồng tôi không ngừng cầu nguyện với Đức Giê-hô-va và học Lời ngài. Chúng tôi quyết tâm tập trung vào những ân phước mình có, trong đó có hy vọng về đời sống trong thế giới mới của Đức Chúa Trời”.
11. Làm thế nào chị Cindy tìm được niềm vui khi gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe?
11 Chị Cindy sống ở Mexico được chẩn đoán là mắc một căn bệnh hiểm nghèo. Chị đã đương đầu như thế nào? Trong thời gian điều trị, chị đặt mục tiêu làm chứng mỗi ngày. Chị viết: “Nhờ làm thế, tôi có thể tập trung vào người khác thay vì cuộc phẫu thuật, cơn đau hay cảm giác mệt mỏi. Tôi làm chứng bằng cách này: Khi nói chuyện với bác sĩ hay y tá, tôi hỏi thăm về gia đình của họ. Rồi tôi hỏi tại sao họ chọn công việc vất vả này. Điều đó giúp tôi nhận ra những đề tài sẽ động đến lòng họ. Một số người nói rằng rất hiếm khi thấy bệnh nhân hỏi họ có khỏe không. Nhiều người cám ơn tôi vì đã quan tâm đến họ. Một số người còn cho tôi thông tin để liên lạc. Tôi biết là Đức Giê-hô-va sẽ giúp mình chịu đựng khoảng thời gian khó khăn ấy, nhưng không ngờ là ngài ban cho tôi nhiều niềm vui như thế!”.—Châm 15:15.
12, 13. Những anh chị bị bệnh tật hoặc có vấn đề khác về sức khỏe đã tham gia thánh chức bằng cách nào, và kết quả là gì?
12 Những anh chị bị bệnh tật hoặc có vấn đề khác về sức khỏe có thể cảm thấy buồn nản vì họ không thể tham gia thánh chức được nhiều như mong muốn. Dù vậy, nhiều anh chị vẫn có thể làm chứng một cách hữu hiệu. Một chị sống ở Hoa Kỳ tên là Laurel phải sống trong lồng phổi sắt suốt 37 năm! Chị phải chịu đựng căn bệnh ung thư, bệnh da liễu mãn tính và trải qua nhiều cuộc đại phẫu. Nhưng ngay cả những thử thách khủng khiếp ấy cũng không khiến chị im lặng. Chị làm chứng cho các y tá và điều dưỡng đến chăm sóc chị tại nhà. Kết quả là gì? Chị đã giúp ít nhất 17 người có sự hiểu biết chính xác về Kinh Thánh.c
13 Anh Richard, một trưởng lão ở Pháp, đưa ra gợi ý thiết thực cho những anh chị không thể ra khỏi nhà hoặc sống trong viện dưỡng lão. Anh nói: “Cách tốt là có một kệ nhỏ trưng bày ấn phẩm. Kệ đó sẽ gợi sự tò mò của người khác và mở đường cho những cuộc nói chuyện. Điều này sẽ khích lệ các anh chị yêu dấu không thể đi rao giảng từng nhà được nữa”. Những anh chị không thể ra khỏi nhà cũng có thể tham gia thánh chức bằng cách viết thư hoặc làm chứng qua điện thoại.
KHI KHÔNG NHẬN ĐƯỢC ĐẶC ÂN
14. Vua Đa-vít nêu gương nổi bật nào?
14 Vì có những giới hạn về tuổi tác, sức khỏe hoặc yếu tố khác, có thể chúng ta không nhận được một nhiệm vụ hay đặc ân nào đó trong hội thánh hoặc vòng quanh. Nếu ở trong trường hợp này, chúng ta có thể học từ gương của vua Đa-vít. Đa-vít rất muốn xây đền thờ của Đức Chúa Trời, nhưng ông không được chọn để làm điều đó. Dù vậy, Đa-vít vẫn hết lòng ủng hộ người được Đức Chúa Trời chọn để thực hiện nhiệm vụ ấy. Thậm chí ông còn đóng góp rộng rãi cho dự án. Quả là một gương nổi bật để noi theo!—2 Sa 7:12, 13; 1 Sử 29:1, 3-5.
15. Anh Hugues vượt qua sự buồn nản như thế nào?
15 Vì gặp vấn đề về sức khỏe, anh Hugues sống ở Pháp phải ngưng làm trưởng lão. Anh thậm chí không thể làm những việc lặt vặt trong nhà. Anh viết: “Lúc đầu, tôi cảm thấy vô dụng và rất buồn nản. Nhưng với thời gian, tôi nhận ra tầm quan trọng của việc chấp nhận giới hạn của bản thân, và tìm được niềm vui khi phụng sự Đức Giê-hô-va trong khả năng của mình. Tôi quyết tâm không bỏ cuộc. Giống Ghi-đê-ôn và ba trăm người nam vẫn chiến đấu dù mệt mỏi, tôi sẽ tiếp tục chiến đấu!”.—Quan 8:4.
16. Chúng ta học được gì từ gương của các thiên sứ?
16 Các thiên sứ trung thành cũng nêu gương tốt. Trong triều đại của vua A-háp, Đức Giê-hô-va mời các thiên sứ đưa ra ý kiến về cách để lừa ông vua gian ác này. Nhiều thiên sứ đã nêu ý kiến của mình. Nhưng Đức Chúa Trời đã chọn một thiên sứ và nói rằng cách thiên sứ ấy đề nghị sẽ thành công (1 Vua 22:19-22). Các thiên sứ trung thành khác có trở nên buồn nản, có lẽ nghĩ rằng: “Mình đưa ra ý kiến để làm gì”? Chắc chắn họ đã không phản ứng như thế. Các thiên sứ rất khiêm nhường và muốn quy mọi sự vinh hiển cho Đức Giê-hô-va.—Quan 13:16-18; Khải 19:10.
17. Nếu cảm thấy buồn nản vì không nhận được một đặc ân, chúng ta nên làm gì?
17 Ghi nhớ đặc ân mang danh Đức Chúa Trời và công bố về Nước của ngài. Đặc ân phụng sự có thể đến rồi đi, nhưng đó không phải là điều làm chúng ta quý giá đối với Đức Chúa Trời. Điều thật sự làm chúng ta đáng quý đối với ngài và anh em là tính khiêm tốn và khiêm nhường. Vì thế, hãy nài xin Đức Giê-hô-va giúp anh chị tiếp tục thể hiện những đức tính này. Hãy suy ngẫm về những gương khiêm tốn và khiêm nhường được ghi lại trong Lời ngài. Và hãy sẵn sàng phục vụ anh em với hết khả năng của mình.—Thi 138:6; 1 Phi 5:5.
KHI KHU VỰC RAO GIẢNG DƯỜNG NHƯ ÍT KẾT QUẢ
18, 19. Làm thế nào để có niềm vui trong thánh chức ngay cả khi khu vực dường như ít kết quả?
18 Anh chị có bao giờ thấy nản lòng khi khu vực rao giảng dường như ít ai hưởng ứng hoặc có ít người ở nhà không? Nếu thế, anh chị có thể làm gì để gìn giữ hoặc gia tăng niềm vui? Một số đề nghị thực tế được nói đến trong khung “Những cách làm cho thánh chức phong phú hơn”. Một điều cũng quan trọng là có quan điểm đúng về thánh chức. Điều này có nghĩa gì?
19 Chú tâm vào việc rao truyền danh Đức Chúa Trời và Nước của ngài. Chúa Giê-su cho thấy rõ là chỉ ít người tìm được con đường dẫn đến sự sống (Mat 7:13, 14). Khi tham gia thánh chức, chúng ta có đặc ân cùng làm việc với Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su và các thiên sứ (Mat 28:19, 20; 1 Cô 3:9; Khải 14:6, 7). Đức Giê-hô-va kéo đến những người mà ngài xem là xứng đáng (Giăng 6:44). Vì thế, một người không hưởng ứng thông điệp Nước Trời lúc này có thể sẽ chú ý thông điệp vào lúc khác.
20. Giê-rê-mi 20:8, 9 giúp chúng ta đối phó với sự buồn nản như thế nào?
20 Chúng ta có thể học được nhiều điều từ nhà tiên tri Giê-rê-mi. Ông được giao cho một khu vực vô cùng khó khăn. Người ta sỉ nhục và nhạo cười ông “cả ngày”. (Đọc Giê-rê-mi 20:8, 9). Có lần Giê-rê-mi buồn nản đến mức muốn bỏ cuộc. Nhưng ông đã không làm thế. Tại sao? Vì “lời Đức Giê-hô-va” như lửa cháy trong lòng Giê-rê-mi, và ông không thể kìm giữ nó! Chúng ta cũng sẽ giống như Giê-rê-mi khi lấp đầy lòng và trí bằng Lời Đức Chúa Trời; đây cũng là một lý do để học hỏi và suy ngẫm Kinh Thánh mỗi ngày. Nhờ thế, niềm vui của chúng ta sẽ tiếp tục gia tăng và thánh chức của chúng ta có thể có nhiều kết quả hơn.—Giê 15:16.
21. Làm thế nào chúng ta có thể chiến thắng sự buồn nản?
21 Chị Deborah được đề cập ở trên cho biết: “Sự buồn nản là một vũ khí hiểm độc mà Sa-tan dùng”. Nhưng mọi vũ khí của Sa-tan không thể sánh bằng quyền năng của Đức Giê-hô-va. Vì thế, khi buồn nản vì bất cứ lý do nào, hãy nài xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ. Ngài sẽ giúp anh chị đối phó với lỗi lầm và khuyết điểm của bản thân. Ngài sẽ hỗ trợ khi anh chị bị bệnh. Ngài sẽ giúp anh chị có cái nhìn thăng bằng về đặc ân phụng sự. Và ngài sẽ giúp anh chị có quan điểm tích cực về thánh chức. Ngoài ra, hãy trút đổ những nỗi lo lắng cho Cha trên trời. Với sự hỗ trợ của ngài, anh chị có thể chiến thắng sự buồn nản.
BÀI HÁT 41 Xin nghe lời cầu nguyện của con
a Tất cả chúng ta đều có lúc buồn nản. Bài này sẽ xem xét một số điều chúng ta có thể làm khi cảm thấy nản lòng. Như chúng ta sẽ xem, với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể chiến thắng sự buồn nản.
b Một số tên đã được thay đổi.
c Kinh nghiệm của chị Laurel Nisbet được đăng trong Tỉnh Thức! ngày 22-1-1993 (Anh ngữ).
d HÌNH ẢNH: Một chị bị buồn nản trong một thời gian, nhưng chị suy ngẫm về những gì chị đã làm trong quá khứ để phụng sự Đức Giê-hô-va và cầu nguyện với ngài. Chị tin chắc ngài nhớ những gì chị đã và đang làm.