Sinh con—Một tiến trình kỳ diệu
Chín tháng chờ đợi cuối cùng đã kết thúc, và em bé mà mọi người mong đợi sắp ra đờia. Thai nhi được giữ an toàn trong bụng mẹ là nhờ cổ tử cung của thai phụ luôn đóng kín. Nhưng giờ đây nó trở nên mỏng, mềm và giãn nở. “Phép lạ” bắt đầu diễn ra.
Đằng sau tiến trình sinh con kỳ diệu là gì? Có nhiều yếu tố liên quan, nhưng có hai điều khiến chúng ta đặc biệt kinh ngạc. Trước hết, oxytocin, một loại hormon từ não, được tiết ra. Cả đàn ông lẫn phụ nữ đều có chất này, nhưng một lượng lớn chúng được tiết ra khi người mẹ bắt đầu những cơn co thắt lúc sinh con, khiến cho cổ tử cung giãn nở và dạ con co lại.
Việc tuyến yên của thai phụ biết được khi nào là lúc để bắt đầu tiết ra hormon này vẫn là một điều bí ẩn. Sách Incredible Voyage—Exploring the Human Body (Một chuyến hành trình kỳ diệu—Khám phá cơ thể người) cho biết: “Bằng một cách nào đó não của người mẹ biết được rằng thời kỳ mang thai đã kết thúc và đó là lúc để các cơ tử cung mạnh mẽ... thực hiện nhiệm vụ nhanh gọn nhưng phi thường của chúng”.
Yếu tố thứ hai liên quan đến tiến trình này là vai trò của nhau thai trong việc ngừng tiết ra chất progesterone—một loại hormon giới tính. Suốt quá trình mang thai, hormon giới tính này ngăn ngừa những cơn co thắt mạnh. Nhưng giờ đây, do không còn bị ảnh hưởng từ chất progesterone, tử cung của người mẹ bắt đầu co thắt. Thông thường sau 8 đến 13 giờ vượt cạn, em bé sẽ được đẩy ra qua cổ tử cung đã giãn nở. Sau đó, nhau thai cũng được tống ra ngoài.
Giờ đây, em bé sơ sinh phải nhanh chóng thích nghi với điều kiện sống mới, hoàn toàn khác với môi trường trong bụng mẹ. Chẳng hạn, khi còn trong tử cung, phổi của thai nhi chứa đầy nước ối nhưng khi em bé ra đời qua cổ tử cung, chất lỏng đó được ép ra khỏi phổi. Lúc này, phổi của bé sẽ phải chứa đầy không khí và bé bắt đầu thở, điều đó thường được nhận ra qua tiếng khóc chào đời. Cũng có những thay đổi ngoạn mục diễn ra trong trái tim và hệ tuần hoàn của trẻ sơ sinh. Lỗ hổng nối hai tâm nhĩ của tim cũng như mạch máu đi vòng qua phổi sẽ đóng lại. Do đó, máu sẽ đổi hướng theo mạch máu khác đi vào phổi, điều này cho phép máu hấp thụ khí oxy. Thật đáng kinh ngạc khi sự thích nghi với thế giới bên ngoài chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn.
Toàn bộ tiến trình sinh con làm chúng ta nhớ đến những lời sau được ghi trong Kinh Thánh: “Phàm sự gì có thì-tiết; mọi việc dưới trời có kỳ định”. Điều này cũng bao gồm “kỳ sanh ra” (Truyền-đạo 3:1, 2). Chắc hẳn bạn cũng đồng ý rằng hàng loạt những sự kiện sinh hóa và vật lý chỉ diễn ra trong vòng vài giờ là bằng chứng hùng hồn cho thấy rõ có một Đấng Tạo Hóa đã thiết kế ra chúng, Đấng mà Kinh Thánh gọi là “nguồn sự sống”.—Thi-thiên 36:9; Truyền-đạo 11:5.
[Chú thích]
a Thời kỳ thai nghén thường kéo dài từ 37 đến 42 tuần.
[Biểu đồ/Các hình nơi trang 24, 25]
Tiến trình sinh con
1 Tư thế của thai nhi trước khi cơn co thắt bắt đầu
2 Thai nhi di chuyển về phía cổ tử cung
3 Sự giãn nở của cổ tử cung
4 Thai nhi được đẩy ra ngoài
[Biểu đồ]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
1
nhau thai
âm đạo
cổ tử cung
2
3
4