TRÁI ĐẤT SẼ TỒN TẠI KHÔNG?
KHÔNG KHÍ
Chúng ta cần không khí, nhưng không chỉ để thở. Không khí cũng bảo vệ hành tinh chúng ta khỏi những tia bức xạ độc hại từ mặt trời. Nếu không có không khí thì nhiệt độ trên toàn cầu sẽ giảm xuống dưới âm độ C.
Mối đe dọa là gì?
Tình trạng ô nhiễm không khí đe dọa sự sống trên trái đất. Chỉ 1% dân số thế giới đang hít thở không khí đáp ứng tiêu chuẩn an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới.
Ô nhiễm không khí có thể gây ra các bệnh hô hấp, tim mạch và ung thư phổi. Khoảng 7.000.000 người chết sớm mỗi năm vì ô nhiễm không khí.
Trái đất được thiết kế để tồn tại
Trái đất có khả năng tự nhiên là cung cấp đủ không khí trong lành cho mọi sinh vật hô hấp. Nhưng trái đất chỉ có thể làm thế khi con người không gây ô nhiễm quá mức. Hãy xem một số ví dụ.
Nhiều người biết là rừng có thể hấp thụ khí các-bô-níc từ không khí, nhưng hẳn ít ai biết rằng các đầm lầy ven biển có nhiều cây đước có khả năng hấp thụ còn tốt hơn. Cây đước đóng vai trò quan trọng trong việc loại bỏ khí các-bô-níc khỏi không khí, và có khả năng làm thế nhiều đến gấp năm lần so với rừng nhiệt đới.
Các nghiên cứu gần đây cho thấy một số loại tảo lớn như tảo bẹ không chỉ hấp thụ khí các-bô-níc trong không khí mà còn chôn vùi nó. Tán của tảo bẹ (hình dạng giống như lá) có những túi bong bóng chứa khí giúp chúng có thể nổi và trôi đi rất xa. Khi ở cách xa bờ, những túi bong bóng này vỡ ra, khiến tảo bẹ đầy khí các-bô-níc chìm xuống đáy biển và bị chôn ở đó suốt nhiều thế kỷ.
Khả năng phục hồi của bầu khí quyển trước mức độ ô nhiễm trầm trọng được thấy rõ trong giai đoạn phong tỏa do COVID-19. Vào năm 2020, khi các nhà máy và xe có động cơ hầu như ngưng thải ra khí gây ô nhiễm, thì chất lượng không khí nhanh chóng được cải thiện. Theo “Báo cáo Chất lượng Không khí Thế giới năm 2020”, hơn 80% các nước tham gia khảo sát cho biết là không khí trở nên trong lành hơn không lâu sau khi lệnh phong tỏa được triển khai.
Nỗ lực của con người
Các chính phủ tiếp tục yêu cầu các ngành công nghiệp cắt giảm lượng khí gây ô nhiễm. Hơn nữa, các nhà khoa học cũng tìm ra những cách mới để khắc phục tác hại của ô nhiễm. Chẳng hạn, một cách là dùng vi khuẩn để biến đổi chất gây ô nhiễm thành chất không độc hại. Các chuyên gia cũng khuyến khích mọi người đi bộ hoặc đi xe đạp thay vì lái xe và tìm cách để tiết kiệm năng lượng tại nhà.
Nhưng cần làm nhiều hơn thế. Điều này được thấy rõ qua một báo cáo năm 2022 của các tổ chức quốc tế, trong đó có Tổ chức Y tế Thế giới và Ngân hàng Thế giới.
Báo cáo này cho biết vào năm 2020, khoảng một phần ba dân số thế giới phụ thuộc vào nhiên liệu và công nghệ nấu nướng gây ô nhiễm không khí. Tại nhiều khu vực, ít người có đủ tiền để mua bếp mới hoặc có nhiên liệu thay thế.
Lý do để hy vọng—Kinh Thánh nói gì?
“Đây là lời phán của Đức Chúa Trời thật, Đức Giê-hô-va, Đấng Tạo Hóa của các tầng trời và… đấng đã trải đất cùng vạn vật trên đất, đấng ban hơi thở cho người sống trên đó”.—Ê-sai 42:5.
Đấng Tạo Hóa tạo ra không khí và các chu trình thiên nhiên làm sạch không khí, và ngài có quyền năng vô tận cũng như tình yêu thương bao la đối với nhân loại. Vậy chẳng lẽ ngài lại không làm gì trước tình trạng ô nhiễm không khí hay sao? Xin xem bài “Đấng Tạo Hóa hứa trái đất sẽ tồn tại”.