Hít thở “không khí” của thế gian này đem lại sự chết!
“Còn anh em đã chết [về] lầm-lỗi và tội-ác mình, đều là những sự anh em xưa đã học đòi... vâng-phục vua cầm quyền chốn không-trung [trên không khí]” (Ê-PHÊ-SÔ 2:1, 2).
1. Làm thế nào sự ô nhiễm không khí đem lại sự chết cho nhiều người?
Ồ! Hít được một làn không khí trong lành sau khi bước ra khỏi một căn phòng nghẹt thở thật là mát dịu làm sao! Nhưng ngay cả ở ngoài trời một vấn đề lớn ngày nay là sự ô nhiễm. Tại nhiều nước những chất độc lan tràn trong bầu khí quyển với một mực độ đáng sợ! Khói độc, bụi phóng xạ, vi trùng gây bệnh tật, và một số vi khuẩn thảy đều di chuyển trong không khí. Không khí do Đấng Tạo hóa cung cấp cách dư dật để duy trì sự sống nhưng nay càng ngày càng đem lại sự chết vì sự tham lam và bừa bãi của loài người.
2. “Không khí” bị nhiễm độc nào còn nguy hiểm hơn không khí ô nhiễm mà người ta thở?
2 Tuy nhiên, có một hình thức ô nhiễm “không khí” khác độc đến chết còn nguy hiểm hơn cả sự ô nhiễm không khí thường. Đây không phải là “không khí” bị nhiễm độc vì tai nạn do lò hạch tâm tại Chernobyl (Nga) hay bụi bậm dày đặc trên bầu trời Los Angeles, ở Ca-li (Mỹ). Không, chúng ta đang ở trong vòng nguy hiểm hít phải “không khí” còn độc hại hơn thế nữa. Sứ đồ Phao-lô đã đề cập đến không khí đó khi nói với các anh em tín đồ: “Anh em đã chết [về] lầm-lỗi và tội-ác mình, đều là những sự anh em xưa đã học đòi, theo thói-quen đời nầy, vâng-phục vua cầm quyền không-trung [trên không khí], tức là thần hiện đương hành-động trong các con bạn-nghịch” (Ê-phê-sô 2:1, 2).
3, 4. a) Ai là “vua cầm quyền trên không khí”? b) Tại sao “không khí” ở Ê-phê-sô 2:1, 2 không phải là nơi ở của các quỉ sứ?
3 “Không khí” này là gì? Phao-lô cho thấy “không khí” đó có “quyền”, hay quyền năng, và có một “vua cầm quyền”. Không có nghi ngờ gì về lai lịch của vua này. Hắn là Sa-tan Ma-quỉ, kẻ được Giê-su Christ gọi là “vua chúa của thế-gian nầy” (Giăng 12:31). Hiểu vậy, một số học giả Kinh-thánh nghĩ rằng Phao-lô ở đây dựa vào sự hiểu biết thông thường của người Do-thái hoặc những người ngoại đạo và nói đến không trung như là nơi ở của các quỉ sứ dưới quyền kiểm soát của Ma-quỉ. Nhiều bản dịch Kinh-thánh phản ảnh quan điểm này. Nhưng “không khí” này không đồng nghĩa với “các miền trên trời”, nơi “các thần dữ” ở (Ê-phê-sô 6:11, 12).
4 Khi Phao-lô viết cho tín đồ ở Ê-phê-sô, Sa-tan và các quỉ sứ vẫn còn ở trên trời, dù ngoài vòng ân huệ của Đức Chúa Trời. Lúc đó chúng chưa bị quăng xuống gần trái đất (Khải-huyền 12:7-10). Hơn nữa, không khí quan hệ đến loài người nhiều hơn là đến các tạo vật thần linh. Bởi lẽ ấy, chính xã hội loài người chịu ảnh hưởng khi chén thạnh nộ cuối cùng của Đức Chúa Trời trút xuống “không-khí” (Khải-huyền 16:17-21).
5. “Không khí” đang nói ở đây là gì, và không khí đó ảnh hưởng thế nào trên người ta?
5 Bởi vậy, dường như sứ đồ Phao-lô nói đến không khí theo nghĩa đen, hay khí quyển, để diễn tả tinh thần tổng quát, hay thái độ ích kỷ và bất tuân phản ảnh nhiều nhất nơi những kẻ xa cách Đức Chúa Trời. Đó cũng là “thần hiện đương hành-động trong các con bạn-nghịch” và “thần thế-gian” (Ê-phê-sô 2:2; I Cô-rinh-tô 2:12). Cũng như không khí theo nghĩa đen có ở khắp nơi để cho người ta thở vào, “thần thế-gian” luôn luôn hiện diện. Từ thuở bé cho đến lúc xuống mộ, không khí đó tiêm nhiễm, chi phối và uốn nắn lối suy nghĩ của thiên hạ và hành động để họ kiếm cách làm trọn ý muốn, hy vọng và tham vọng của họ.
6. a) “Không khí” thế gian này càng ngày càng mạnh mẽ thêm thế nào, và nó hành “quyền” ra sao? b) Hít “không khí” này có thể thúc đẩy một người bắt chước đường lối phản nghịch của Ma-quỉ như thế nào?
6 Tinh thần tội lỗi và phản nghịch chiếm ưu thế trong xã hội loài người bất toàn hiện nay. Khi thở “không khí” này vào, tiềm năng tử độc của nó gia tăng cường độ bởi áp lực của những người đồng loại và một sự ham muốn thú vui nhục dục càng lúc càng tăng. Như thế “không khí” đó hành quyền mạnh mẽ trên thiên hạ. (So sánh Rô-ma 6:12-14). Dĩ nhiên, Ma-quỉ là kẻ chủ mưu gây ra mọi điều ác (Giăng 8:44). Vậy hắn ảnh hưởng trên loài người khiến họ bắt chước gương phản nghịch của chính hắn và bởi đó mà soi dẫn, uốn nắn và kiểm soát tinh thần tập thể, hay “không khí” đó. Với tư cách là “vua” cầm “quyền” độc hại đó, Sa-tan dùng quyền đó để kiểm soát lối suy nghĩ của thiên hạ. Hắn dùng những phần của không khí để khiến cho thiên hạ bận rộn thỏa mãn những dục vọng xác thịt và đeo đuổi những quyền lợi thế gian đến nỗi họ không còn thì giờ hay ý chí muốn biết Đức Chúa Trời và vâng phục thánh linh của Ngài, “thần-linh làm cho sống” (Giăng 6:63). Trên phương diện thiêng liêng, họ là những kẻ chết.
7. a) Các tín đồ đấng Christ một thời là “con của sự thạnh-nộ” theo cách nào? b) Khi trở thành tín đồ đấng Christ, chúng ta thay đổi ra sao?
7 Các tín đồ đấng Christ một thời cũng ở dưới “quyền”, hay sự kiểm soát, của “không khí” ô nhiễm này trước khi học biết lẽ thật của Lời Đức Chúa Trời và bắt đầu sống phù hợp với những tiêu chuẩn công bình của Ngài. “Chúng ta hết thảy cũng đều ở trong số ấy [những người thế gian], trước kia sống theo tư-dục xác-thịt mình, làm trọn các sự ham-mê của xác-thịt và ý-tưởng chúng ta, tự-nhiên làm con của sự thạnh-nộ, cũng như mọi người khác”. Nhưng khi trở thành tín đồ đấng Christ, chúng ta ngừng hít “không khí” thế gian đem lại sự chết này. Chúng ta đã «bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ... và mặc lấy người mới, tức là người đã được dựng nên giống như Đức Chúa Trời, trong sự công-bình và sự thánh-sạch của lẽ thật” (Ê-phê-sô 2:3; 4:22-24).
8. Tình trạng của chúng ta ngày nay giống với tình trạng của nước Y-sơ-ra-ên ở trong đồng vắng như thế nào?
8 Sự nguy hiểm hiện thời là, sau khi thoát khỏi bầu không khí ô nhiễm của thế gian, chúng ta có thể bị quyến rũ quay vào đó trở lại. Giờ đây chúng ta đã đi sâu vào “kỳ cuối-cùng” và đứng trước ngưỡng cửa của thế giới mới (Đa-ni-ên 12:4). Chắc chắn chúng ta không muốn đánh mất cơ hội vào đó chỉ vì rơi vào cạm bẫy giống như dân Y-sơ-ra-ên xưa. Sau khi họ được giải cứu bằng phép lạ khỏi xứ Ê-díp-tô và đi đến ven bờ Đất Hứa, hàng ngàn người trong họ “đã ngã chết nơi đồng vắng”. Tại sao? Bởi vì một số người đã buông mình thờ hình tượng, một số phạm tội tà dâm, và một số khác nữa thử thách Đức Giê-hô-va bằng cách lằm bằm và than vãn. Phao-lô đã nhấn thật mạnh khi nói: “Những sự ấy có nghĩa hình-bóng, và [được] lưu-truyền để khuyên-bảo chúng ta là kẻ ở gần cuối-cùng các đời” (I Cô-rinh-tô 10:1-11).
9. a) Làm thế nào chúng ta có thể ở trong thế gian và tuy nhiên không thuộc về thế gian? b) Chúng ta phải luôn luôn làm sao để khỏi bị bầu không khí thế gian đem lại sự chết này hút chúng ta vào trong đó trở lại?
9 Giê-su cầu nguyện về các môn đồ: “Họ không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian vậy. Con chẳng cầu Cha cất họ khỏi thế-gian, nhưng xin Cha gìn-giữ họ cho khỏi [kẻ] ác” (Giăng 17:14, 15). Đức Giê-hô-va sẽ che chở chúng ta, nhưng Ngài không đặt một “hàng rào” quanh chúng ta, cũng không che phủ chúng ta bằng phép lạ để chúng ta tránh khỏi “không khí” của thế gian (Gióp 1:9, 10). Như thế vấn đề thật khó khăn của chúng ta là sống trong thế gian của Sa-tan nhưng không thuộc về thế gian, dù bị “không khí” nhiễm độc vây phủ nhưng không hít vào. Khi chúng ta đọc sách báo của thế gian, xem truyền hình, hay đi xem hát, đó là lúc chúng ta dễ hít phải “không khí” của thế gian lắm. Dù không thể tránh được vài hình thức tiếp xúc với người thế gian—tại nơi làm việc, ở trường, v.v...—chúng ta phải tỉnh thức để đừng bị bầu không khí thế gian đem lại sự chết này hút chúng ta vào trong đó trở lại (I Cô-rinh-tô 15:33, 34).
10, 11. a) Vị thế chúng ta trong địa-đàng thiêng liêng của Đức Giê-hô-va có thể được ví như việc ngồi trong khu “dành cho người không hút thuốc” như thế nào? b) Nên làm gì khi nhận thấy những luồng “không khí” của thế gian này phảng phất chung quanh?
10 Chúng ta có thể ví tình trạng của chúng ta với việc ngồi ăn tại tiệm ăn có hai khu: khu “cho hút thuốc” và khu “cấm hút thuốc”. Với tư cách tín đồ đấng Christ sống trong địa-đàng thiêng liêng của Đức Giê-hô-va, chúng ta ngồi đúng cách vào phía “cấm hút thuốc”, xa tinh thần của thế gian này. Chắc hẳn là chúng ta không cố ý ngồi vào phía “cho hút thuốc”. Làm thế là dại dột. Nhưng có điều gì thường xảy ra khi chúng ta ngồi vào phía “cấm hút thuốc” của một tiệm ăn? Bầu không khí bẩn thỉu, quyện đầy khói thuốc lan tràn về phía chúng ta, và chúng ta bị những luồng khói ấy tuôn tới. Khi việc này xảy ra, chúng ta có xem không khí ô nhiễm đó quyến rũ không? Hay đúng hơn, chúng ta lánh xa càng nhanh càng tốt, phải không?
11 Bạn sẽ làm gì khi những luồng khói thuốc của thế gian này tuôn tới phía bạn? Bạn có tức thời phản ứng để lánh xa ảnh hưởng xấu này không? Nếu bạn cứ ở lại đó và hít không khí đó vào, bạn có thể tin chắc là tư tưởng của bạn sẽ chịu ảnh hưởng. Bạn càng hít “không khí” này lâu chừng nào, bạn càng quen ngửi mùi thuốc chừng nấy. Hơn nữa, dần dần mùi thuốc không còn đáng gớm ghiếc nữa, nhưng xác thịt cảm thấy nó quyến rũ, khiến cho say và đáng thèm muốn nữa. “Không khí” ấy có thể làm gia tăng cường độ một vài ham muốn thầm kín mà một thời bạn đã phấn đấu để chế ngự.
12. Cần phải làm gì để tránh ảnh hưởng của những khía cạnh không dễ nhận ra của “không khí” thế gian này?
12 Một số chất gây ra ô nhiễm cho “không khí” của thế gian không dễ nhận ra, giống hệt như một số độc tố trong bầu không khí theo nghĩa đen như đơn-ốc-xít các-bon không mùi và không vị. Vậy thì sự nguy hiểm là chúng ta không nhận ra sự hiện diện của những «khói tử độc» trước khi khói đó quật ngã được chúng ta. Bởi thế chúng ta cần phải giữ gìn làm sao cho khỏi bị vướng vào cạm bẫy chết người do thái độ dung túng của thế gian này hay sự bất tuân những tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời. Phao-lô khuyến khích các anh em tín đồ: “Nhưng hằng ngày anh em hãy khuyên-bảo lẫn nhau... hầu cho anh em không ai bị tội-lỗi dỗ-dành mà cứng lòng” (Hê-bơ-rơ 3:13; Rô-ma 12:2).
“Không khí” thế gian này gồm có những gì?
13. a) Chúng ta nên đề phòng một hình thức nào của “không khí” thế gian này? b) “Không khí” này hiển nhiên đã ảnh hưởng đến một số người trong dân của Đức Giê-hô-va như thế nào?
13 Dù vô tình nhưng vì ảnh hưởng mạnh mẽ của “không khí” thuộc về thế gian này, chúng ta có thể bắt đầu tiếp nhận những thái độ thông thường nào? Một trong những thái độ đó là khuynh hướng đùa cợt với những việc vô luân. Chúng ta bị bao vây bởi những ý tưởng gian dâm và đồi trụy của thế gian. Nhiều người nói: «Phạm việc tà dâm, không có gia đình mà có con và thực hành thói đồng tính luyến ái không phải là sai lầm. Chúng tôi chỉ làm điều bình thường, tự nhiên mà thôi». Cái “không khí”, hay tinh thần thế gian này, có ảnh hưởng đến dân của Đức Giê-hô-va không? Đáng buồn thay, trong năm công tác 1986, 37.426 người đã bị khai trừ khỏi hội-thánh tín đồ đấng Christ, phần lớn bởi vì họ thực hành việc gian dâm. Và đó là chưa kể một số khác còn đông hơn đã bị khiển trách vì tội vô luân nhưng không bị khai trừ vì đã thành thật ăn năn (Châm-ngôn 28:13).
14. Tại sao một số tín đồ đấng Christ bị trôi lạc về đạo đức, và họ đã từ bỏ lời khuyên nào của Kinh-thánh?
14 Điều gì đã xảy ra cho những kẻ rơi vào vòng gian dâm? Khi phát giác mọi sự, thường thấy rằng họ đã bắt đầu hít trở lại “không khí” thế gian đem lại sự chết này. Họ đã để cho những thái độ của thế gian khiến họ hạ thấp tiêu chuẩn đạo đức. Chẳng hạn, họ bắt đầu đi xem những phim mà có lẽ vài năm trước kia họ đã bỏ đi ra nếu thấy. Tệ hơn nữa, có lẽ họ đã xem những phim thâu băng rõ ràng không thích hợp cho tín đồ đấng Christ tại nhà họ với những dụng cụ phát hình vi-đê-ô. Sự đùa cợt như thế với những việc vô luân trực tiếp đi ngược lại điều răn cấm này của Kinh-thánh: “Phàm những sự gian-dâm, hoặc sự ô-uế, hoặc sự tham-lam, cũng chớ nên nói đến giữa anh em, theo như cách xứng-đáng cho các thánh-đồ. Chớ nói lời tục-tĩu, chớ giễu-cợt, chớ giả-ngộ tầm-phào” (Ê-phê-sô 5:3, 4).
15. Sự cám dỗ đùa cợt với sự gian dâm có thể bắt đầu với vẻ vô tình như thế nào?
15 Thật ra, có lẽ bạn nhanh nhẹn từ chối một lời mời mọc sỗ sàng để phạm tội tà dâm. Nhưng bạn phản ứng thế nào khi tại chỗ làm việc hay ở trường học có người nào kiếm cách tán tỉnh bạn, hay muốn tỏ vẻ quá thân mật bằng cách đụng chạm, hay rủ bạn đi chơi trai gái? Như vậy những luồng khói của thế gian tuôn tới phía bạn đó. Bạn có để cho mình cảm thấy thích được chú ý, khuyến khích người ta chú ý đến bạn không? Theo những báo cáo của các trưởng lão, việc phạm tội thường bắt đầu bằng những lối có vẻ vô tình như thế đó. Có lẽ một người đàn ông thế gian nói với một nữ tín đồ: “Hôm nay cô đẹp quá!” Điều này nghe có vẻ thú vị, nhất là trong trường hợp người đàn bà cảm thấy cô đơn phần nào. Nặng hơn nữa, một số chị không phản ứng khôn ngoan khi người ta tìm cách đụng chạm (sờ mó) các chị. Có lẽ họ chỉ tỏ vẻ phản đối sơ sài, nhưng chính thái độ nửa muốn nửa không đó khuyến khích người thế gian làm tới. Nói gì nếu những lời mời mọc vô luân đó cứ tiếp tục tuôn tới người nữ tín đồ, giống như những luồng không khí ô nhiễm mạnh mẽ xông về phía chị? Chị nên nói khẳng khái với y là chị không muốn và sẽ không chấp nhận sự chú ý của y. Nếu chị cứ tiếp tục hít lấy “không khí” này, rất có thể chị sẽ không đủ sức kháng cự nữa. Chị có thể đi đến chỗ phạm tội vô luân, nếu không phải là kết hôn bất đắc dĩ. (So sánh Châm-ngôn 5:3-14; I Cô-rinh-tô 7:39).
16. Cần phải làm gì nếu muốn là “mùi thơm của đấng Christ”?
16 Bởi vậy, hãy nhanh nhẹn từ bỏ “không khí” thế gian vô luân đem lại sự chết này. Thay vì để cho mùi vị quyến rũ của nó cám dỗ để rồi đem tiếng xấu cho danh và tổ chức của Đức Giê-hô-va, hãy để cho thái độ tin kính và hạnh kiểm của bạn trở nên một hương thơm cho Đức Chúa Trời. Phao-lô nói về điều này như sau: “Vì chúng tôi ở trước mặt Đức Chúa Trời là mùi thơm của đấng Christ, ở giữa kẻ được cứu, và ở giữa kẻ bị hư-mất: cho kẻ nầy, mùi của sự chết làm cho chết; cho kẻ kia, mùi của sự sống làm cho sống” (II Cô-rinh-tô 2:15, 16). Có hề gì không nếu nhiều người chế nhạo nếp sống của tín đồ đấng Christ? (I Phi-e-rơ 4:1-5). Hãy để cho thế gian đi theo con đường nó chọn, để rồi gặt lấy hậu quả dưới hình thức gia đình ly tán, đẻ con hoang, bệnh truyền nhiễm qua đường sinh dục, như bệnh mất kháng độc tố (AIDS), và vô số những khốn khổ khác về tâm lý và thể xác. Không những bạn tránh được nhiều khổ ải nhưng cũng nhận được ân huệ của Đức Chúa Trời. Hơn nữa, ít ra một số người sẽ thấy cảm kích về hạnh kiểm của bạn và thông điệp về Nước Trời mà bạn rao giảng, nhờ đó mà thấy được quyến rũ bởi “mùi của sự sống làm cho sống”.
“Không khí” thế gian về việc theo thời trang
17. Làm sao cách thức ăn mặc và chải chuốt của một người có thể cho thấy người đó chịu ảnh hưởng của tinh thần thế gian này?
17 Một khía cạnh khác của “không khí” thế gian này là việc theo thời trang về ăn mặc và chải chuốt. Nhiều người thế gian ăn mặc với tính cách khêu gợi sự dâm dục. Ngay đến những thiếu niên, thiếu nữ cũng muốn làm ra vẻ lớn hơn tuổi, bằng cách ăn mặc khêu gợi. Bạn có bị ảnh hưởng bởi “không khí” hay thái độ phổ thông này không? Bạn có ăn mặc theo lối khiêu khích, kích động, khêu gợi sự chú ý của người khác phái không? Nếu có bạn đang đùa giỡn với lửa. Hít thở “không khí” này sẽ làm nghẹt ngòi tinh thần khiêm tốn, ước muốn giữa sự thanh sạch của bạn (Mi-chê 6:8). Những kẻ có tinh thần thế gian sẽ lảng vảng chung quanh bạn. Qua hành động của bạn, bạn gián tiếp nói cho họ biết bạn sẵn lòng phạm điều vô luân với họ. Nhưng tại sao lại bước vô chiều hướng đó bằng cách để cho “không khí” ấy cám dỗ bạn làm điều ác trước mắt Đức Chúa Trời?
18. Luôn luôn nhớ rằng chúng ta đại diện cho Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta thế nào trong việc chọn các kiểu ăn mặc và chải chuốt?
18 Để tỏ ra khiêm tốn, chúng ta không nhất thiết phải ăn mặc hay chải chuốt cách cẩu thả hay không đẹp đẽ. Hãy nhìn xem phần đông các Nhân-chứng Giê-hô-va ăn mặc và chải chuốt thế nào. Họ tránh những thời trang cực đoan của thế gian này tuy vẫn chăm sóc việc ăn mặc cho đàng hoàng, nhớ rằng họ là tôi tớ đại diện cho Đức Giê-hô-va, Đấng Thống trị vũ trụ. Mặc cho thế gian này chỉ trích cách ăn mặc khiêm tốn của họ. Họ không dám để cho những thái độ của thế gian này khiến cho họ hạ thấp các tiêu chuẩn đạo đấng Christ mà họ theo. Sứ đồ Phao-lô viết: “Vậy, nầy là điều tôi nói và điều tôi nhơn danh Chúa mà rao ra: ấy là anh em chớ nên ăn-ở như người ngoại-đạo nữa, họ theo sự hư-không của ý-tưởng mình... Họ đã mất cả sự cảm-biết, đành bỏ mình trong một đời buông-lung, đem lòng mê-đắm không biết chán mà phạm hết mọi điều ô-uế” (Ê-phê-sô 4:17-19). Người tín đồ thành thục muốn ăn mặc khiêm tốn, không muốn bước đi theo lối các nước thế gian (I Ti-mô-thê 2:9, 10).
19. Sau khi xem xét hai khía cạnh quan trọng của “không khí” thế gian này, chúng ta đã thấy rõ gì về sự nguy hiểm hít thở “không khí” đó?
19 Đến đây chúng ta đã xem xét chỉ hai khía cạnh của “không khí” thuộc về thế gian này. Nhưng chúng ta đã thấy rồi là “không khí” này rất có hại cho sức khỏe thiêng liêng. Trong bài tới, chúng ta sẽ xem xét những khía cạnh khác nữa của “không khí” thế gian đem lại sự chết mà Ma-quỉ và hệ thống của hắn cứ tiếp tục thổi về phía các tín đồ đấng Christ, hy vọng là họ sẽ quỵ ngã trước luồng không khí đó. Quan trọng biết bao là chúng ta tránh “không khí” ấy, vì hấp thụ tinh thần của thế gian này có nghĩa là hít phải những làn hơi của sự chết!
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ “Không khí” của thế gian này là gì, và ai cầm quyền trên không khí đó?
◻ “Không khí” của thế gian này có “quyền” gì trên thiên hạ?
◻ Tại sao có thể nói rằng các tín đồ đấng Christ ở trong một khu vực “dành cho người không hút thuốc”?
◻ “Không khí” của thế gian này có thể ảnh hưởng thế nào đến dân của Đức Giê-hô-va, trên phương diện đùa cợt với những việc vô luân?
◻ Làm thế nào sự khiêm tốn có thể giúp chúng ta tránh ảnh hưởng của “không khí” thế gian này trên phương diện ăn mặc và chải chuốt?
[Hình nơi trang 7]
Bạn có từ chối hít thở “không khí” thế gian đem lại sự chết này không?
[Hình nơi trang 10]
Bạn làm gì nếu những luồng “không khí” của thế gian này xông đến phía bạn?