Bạn có nên tin giáo lý này không?
BẠN có tin thuyết Chúa Ba Ngôi không? Hầu hết những người tự xưng theo đạo đấng Christ tin thuyết này. Nói cho cùng, trong nhiều thế kỷ thuyết ấy đã là giáo lý chính của các nhà thờ.
Vì thế, bạn có lẽ sẽ nghĩ chẳng có gì đáng thắc mắc về giáo lý này cả. Nhưng thật ra thì có, và mới đây ngay cả một số người ủng hộ thuyết đó còn châm dầu thêm vào các cuộc tranh cãi nữa.
Tại sao ta nên lưu tâm đến một đề tài như thế? Tại vì chính Chúa Giê-su đã nói: “Sự sống đời đời tức là: chứng nhận biết Cha, Thiên Chúa độc nhất và chân thật, và Đấng Cha đã sai, Yêsu Kitô”. Thế thì cả tương lai chúng ta tùy thuộc vào sự hiểu biết về bản chất thật của Đức Chúa Trời và điều này có nghĩa là tìm về căn nguyên của cuộc tranh cãi về Chúa Ba Ngôi. Bởi đó, tại sao chính bạn không xem xét giáo lý này? (Tin Mừng theo Thánh Yoan 17 3 [Giăng 17:3], bản dịch linh mục Nguyễn thế Thuấn).
Có nhiều khái niệm khác nhau về Chúa Ba Ngôi; nhưng nói chung thì giáo lý Chúa Ba Ngôi chủ trương rằng trong một Đức Chúa Trời có ba nhân vật: Đức Cha, Đức Con và “Đức” Thánh Linh; tuy vậy cả ba hợp lại chỉ là một Đức Chúa Trời. Giáo lý đó nói rằng cả ba vị đều bằng nhau, đều toàn năng, cả ba đều tự hữu, hằng hữu trong một Đức Chúa Trời.
Tuy nhiên, có người lại nói rằng giáo lý Chúa Ba Ngôi là sai lầm, rằng Đức Chúa Trời Toàn năng là một nhân vật riêng biệt hằng hữu và có quyền lực vô song. Họ nói rằng Giê-su trước khi xuống thế gian làm người thì giống như các thiên sứ, là một tạo vật thần linh riêng biệt do Đức Chúa Trời dựng nên, và do đó ngài hẳn phải có một sự bắt đầu. Họ dạy rằng Giê-su không bao giờ bình đẳng với Đức Chúa Trời Toàn năng trong bất cứ phương diện nào; ngài đã luôn luôn chứng tỏ vâng phục Đức Chúa Trời, và hiện nay cũng thế. Họ cũng tin rằng thánh linh chẳng phải là một nhân vật nhưng là thần linh Đức Chúa Trời, tức sinh hoạt lực của Ngài.
Những người ủng hộ thuyết Chúa Ba Ngôi cho rằng thuyết này không phải chỉ dựa trên truyền thống tôn giáo mà còn dựa trên Kinh-thánh nữa. Còn giới chỉ trích giáo lý này thì nói Kinh-thánh không dạy thế, thậm chí một tài liệu lịch sử còn viết: “Nguồn gốc của thuyết [Chúa Ba Ngôi] hoàn toàn thuộc về tà giáo” (“Tà giáo xen vào đạo đấng Christ” [The Paganism in Our Christianity]).
Nếu thuyết Chúa Ba Ngôi là xác thật thì Giê-su tự làm mất phẩm giá khi tuyên bố ngài không bao giờ ngang hàng với Cha mình như là một phần của Đức Chúa Trời. Ngược lại, nếu thuyết Chúa Ba Ngôi là sai, thì Đức Chúa Trời Toàn năng bị hạ nhục khi người ta gọi bất cứ ai là ngang hàng với Ngài, và hơn thế nữa, gọi bà Ma-ri là “Mẹ của Thiên Chúa”! Nếu thuyết Chúa Ba Ngôi là sai, thì sẽ là một điều sỉ nhục cho Đức Chúa Trời khi người ta nói: “Nếu [người ta] không gìn giữ đức tin này cách trọn vẹn và tinh khiết, thì chắc chắn sẽ bị hư mất đời đời. Và đức tin Công giáo là: Chúng ta thờ một Thiên Chúa trong Ba Ngôi”, như ghi trong cuốn “Đạo Công giáo” (Catholicism).
Thế thì, bạn có nhiều lý do xác đáng để muốn tìm biết sự thật về giáo lý Chúa Ba Ngôi. Nhưng trước khi xem xét nguồn gốc của thuyết này cùng lời hô hào cho nó là chân lý, chúng ta nên định nghĩa giáo lý này một cách rõ ràng hơn. Thật ra, thuyết Chúa Ba Ngôi là gì? Giới ủng hộ thuyết này giải thích thế nào?
[Các hình nơi trang 2]
Phía trái: Tượng điêu khắc Tam Vị (Bộ Ba) Amon-Ra, Ramses II, và Mut của Ai Cập hơn mười thế kỷ trước công nguyên. Phía mặt: Tượng điêu khắc Chúa Ba Ngôi vào thế kỷ 14 công nguyên, gồm Giê-su Christ, Đức Cha và thánh linh. Xin chú ý: ba nhân vật nhưng chỉ có bốn chân.