CHƯƠNG 11
“Các đường-lối Ngài là công-bình”
1, 2. (a) Giô-sép nếm trải những điều bất công trắng trợn nào? (b) Đức Giê-hô-va đã sửa chữa những điều bất công đó ra sao?
ẤY LÀ sự bất công trắng trợn. Chàng thanh niên tuấn tú không phạm tội ác nào, song lại bị vu cáo tội toan cưỡng hiếp và bị giam trong ngục tối. Đây không phải là lần đầu chàng là nạn nhân của sự bất công. Nhiều năm trước, khi Giô-sép 17 tuổi, người thanh niên này đã bị chính các anh mình bội phản, suýt nữa thì bị họ mưu sát. Thế rồi, chàng bị bán làm nô lệ nơi xứ người. Tại đấy, chàng cự tuyệt các lời quyến rũ của vợ chủ. Bị cự tuyệt, người đàn bà ấy dựng đứng lời vu cáo; đó là lý do chàng bị giam. Buồn thay, dường như không có ai can thiệp giúp Giô-sép.
Giô-sép chịu đau khổ trong “nơi lao-lung” vì sự bất công
2 Tuy nhiên, Đức Chúa Trời là Đấng “chuộng sự công-bình và sự chánh-trực” đang quan sát. (Thi-thiên 33:5) Đức Giê-hô-va đã hành động nhằm sửa chữa sự bất công, Ngài khéo léo điều khiển sự việc, cuối cùng Giô-sép được trả tự do. Hơn thế nữa, Giô-sép—trước đó bị giam “nơi lao-lung”—về sau được cất nhắc lên một chức vị nhiều trách nhiệm và vinh dự khác thường. (Sáng-thế Ký 40:15; 41:41-43; Thi-thiên 105:17, 18) Sau cùng được minh oan, Giô-sép đã dùng địa vị cao để đẩy mạnh ý định của Đức Chúa Trời.—Sáng-thế Ký 45:5-8.
3. Tại sao không có gì đáng ngạc nhiên khi tất cả chúng ta đều muốn được đối xử một cách công bằng?
3 Câu chuyện ấy rung động lòng chúng ta, phải không? Ai trong chúng ta chưa từng chứng kiến hoặc đã là nạn nhân của sự bất công? Quả thật, tất cả chúng ta đều mong mỏi được đối xử công bằng, không thiên vị. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta những đức tính phản ánh chính cá tính Ngài, và công bình là một trong những đức tính chính yếu đó. (Sáng-thế Ký 1:27) Muốn biết rõ Đức Giê-hô-va, chúng ta cần hiểu quan điểm của Ngài về sự công bình. Nhờ đó, chúng ta có thể quý trọng đường lối tuyệt vời của Đức Chúa Trời nhiều hơn và được thôi thúc đến gần Ngài hơn.
Thế nào là sự công bình?
4. Theo quan điểm con người, công lý thường được hiểu như thế nào?
4 Theo quan điểm hiểu biết thông thường của con người, sự công bình hay công lý chẳng qua là sự áp dụng luật pháp một cách công bằng. Sách Lẽ phải và suy luận—Đạo đức trên lý thuyết và thực hành (Anh ngữ) viết: “Công lý liên quan đến luật pháp, bổn phận, quyền lợi và trách nhiệm; công lý ban phát phần thưởng đồng đều hoặc tùy theo công trạng”. Tuy nhiên, sự công bình của Đức Giê-hô-va không chỉ bao hàm việc áp dụng luật lệ một cách máy móc vì ý thức bổn phận hay trách nhiệm.
5, 6. (a) Trong nguyên ngữ, những từ được dịch là “công-bình” có nghĩa gì? (b) Nói Đức Chúa Trời là công bình có nghĩa gì?
5 Ta có thể hiểu rõ hơn về sự công bình của Đức Giê-hô-va bằng cách xem xét những từ nguyên ngữ trong Kinh Thánh. Phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ sử dụng ba từ chính. Cả ba từ thường được dịch là “công-bình” và cũng được dịch là “chánh trực”, “ngay-thẳng”. Trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, từ được dịch là “công-bình” được định nghĩa là “theo đúng lẽ phải hay công chính”. Vậy xét về nghĩa cơ bản, tất cả các từ nguyên ngữ này có cùng ý nghĩa.—A-mốt 5:24.
6 Do đó, khi nói Đức Giê-hô-va là công bình, Kinh Thánh cho chúng ta biết Ngài luôn luôn hành động theo lẽ phải và công bằng; Ngài làm thế một cách nhất quán, không thiên vị. (Rô-ma 2:11) Quả thật, không thể tưởng tượng nổi việc Ngài hành động khác đi. Ê-li-hu, một người trung thành, đã phát biểu: “Không đời nào Thiên Chúa làm sự dữ, Đấng Toàn Năng chẳng làm chuyện bất công bao giờ!” (Gióp 34:10, Tòa Tổng Giám Mục) Đúng vậy, Đức Giê-hô-va không thể “làm chuyện bất công”. Tại sao? Bởi hai lý do quan trọng.
7, 8. (a) Tại sao Đức Giê-hô-va không thể hành động bất công? (b) Điều gì thôi thúc Đức Giê-hô-va tỏ ra công bình trong cách Ngài đối xử?
7 Thứ nhất, Ngài là thánh. Như chúng ta đã học trong Chương 3, Đức Giê-hô-va vô cùng thánh khiết và chính trực. Vì thế, Ngài không thể hành động bất công, tức trái lẽ phải. Hãy suy ngẫm ý nghĩa điều đó. Sự thánh khiết của Cha trên trời cho chúng ta mọi lý do để tin rằng Ngài không bao giờ ngược đãi con cái. Chúa Giê-su đã tin chắc như thế. Vào đêm cuối cùng làm người trên đất, ngài đã cầu nguyện: “Lạy Cha thánh, xin gìn-giữ họ [các môn đồ] trong danh Cha”. (Giăng 17:11) “Cha thánh”—Kinh Thánh dành riêng cách xưng hô này cho Đức Giê-hô-va. Điều này thích đáng, vì không người cha nào trên đất có thể sánh được với Ngài về sự thánh khiết. Chúa Giê-su hoàn toàn tin rằng các môn đồ sẽ an toàn trong tay Cha, Đấng trong sạch, thánh khiết tuyệt đối và hoàn toàn tách biệt khỏi mọi tội lỗi.—Ma-thi-ơ 23:9.
8 Thứ nhì, tình yêu thương vị tha chính là bản tính của Đức Chúa Trời. Tình yêu thương này thôi thúc Ngài đối xử công bình với người khác. Nhưng sự bất công biểu hiện dưới nhiều hình thức—kể cả nạn kỳ thị chủng tộc, phân biệt đối xử, thiên vị—thường phát sinh từ tính tham lam và ích kỷ, là hai tính trái ngược với tình yêu thương. Nói về Đức Chúa Trời của sự yêu thương, Kinh Thánh khẳng định với chúng ta: “Đức Giê-hô-va là công-bình; Ngài yêu sự công-bình”. (Thi-thiên 11:7) Đức Giê-hô-va nói về chính Ngài: “Ta, Đức Giê-hô-va, ưa sự chánh-trực”. (Ê-sai 61:8) Khi biết rằng Đức Chúa Trời chúng ta vui thích làm theo lẽ phải, lòng chúng ta không phấn khởi sao?—Giê-rê-mi 9:24.
Lòng thương xót và tính công bình hoàn hảo của Đức Giê-hô-va
9-11. (a) Có mối tương quan nào giữa tính công bình và lòng thương xót của Đức Giê-hô-va? (b) Tính công bình và lòng thương xót của Đức Giê-hô-va hiển hiện như thế nào trong cách Ngài đối xử với những người tội lỗi?
9 Cũng như mọi khía cạnh khác trong cá tính vô song của Ngài, tính công bình của Đức Giê-hô-va hoàn hảo, không thiếu sót mặt nào. Môi-se ca tụng Đức Giê-hô-va như sau: “Công-việc của Hòn-Đá là trọn-vẹn; vì các đường-lối Ngài là công-bình. Ấy là Đức Chúa Trời thành-tín và vô-tội; Ngài là công-bình và chánh-trực”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:3, 4) Mọi biểu hiện về sự công bình của Đức Giê-hô-va đều hoàn thiện—không quá dễ dãi, không quá khắt khe.
10 Giữa tính công bình của Đức Giê-hô-va và lòng thương xót của Ngài có mối tương quan mật thiết. Thi-thiên 116:5 nói: “Đức Giê-hô-va hay làm ơn, và là công-bình; Đức Chúa Trời chúng ta có lòng thương-xót”. Đúng vậy, Đức Giê-hô-va vừa công bình vừa thương xót. Hai nét tính này không mâu thuẫn nhau. Ngài thể hiện lòng thương xót không phải để làm dịu đi tính công bình, như thể sự công bình của Ngài quá khắc nghiệt. Trái lại, Ngài thường thể hiện hai đức tính này cùng lúc, ngay cả trong cùng một hành động. Hãy xem xét một thí dụ.
11 Mọi người đều mắc tội lỗi di truyền và vì thế chịu hình phạt đích đáng của tội lỗi—sự chết. (Rô-ma 5:12) Nhưng Đức Giê-hô-va không lấy làm vui thú về cái chết của những người có tội. Ngài là “một Đức Chúa Trời sẵn tha-thứ, hay làm ơn, và thương-xót”. (Nê-hê-mi 9:17) Song, vì thánh khiết nên Ngài không thể dung túng những điều không công bình. Vậy làm thế nào Ngài có thể biểu lộ lòng thương xót những người vốn chịu án của tội lỗi? Lời giải đáp nằm trong số những lẽ thật quý giá nhất của Lời Đức Chúa Trời: Đức Giê-hô-va sắp đặt giá chuộc nhằm cứu rỗi nhân loại. Trong Chương 14 chúng ta sẽ học thêm về sự sắp đặt đầy yêu thương này, một sắp đặt vừa hết sức công bằng vừa thương xót tột bậc. Qua sắp đặt này, Đức Giê-hô-va có thể biểu hiện lòng thương xót trìu mến đối với những người ăn năn tội lỗi, đồng thời vẫn tôn trọng các tiêu chuẩn của Ngài về sự công bình hoàn hảo.—Rô-ma 3:21-26.
Tính công bình của Đức Giê-hô-va làm ấm lòng
12, 13. (a) Tại sao tính công bình của Đức Giê-hô-va thu hút chúng ta đến gần Ngài? (b) Đa-vít đã đi đến kết luận gì về tính công bình của Đức Giê-hô-va, và điều này có thể an ủi chúng ta như thế nào?
12 Tính công bình của Đức Giê-hô-va không lạnh lùng khiến chúng ta xa lánh, nhưng là phẩm chất khả ái thu hút chúng ta đến với Ngài. Kinh Thánh miêu tả rõ ràng tính chất thương xót trong sự công bình của Đức Giê-hô-va. Hãy xem xét một số cách Đức Giê-hô-va tỏ sự công bình khiến chúng ta ấm lòng.
13 Tính công bình hoàn hảo của Đức Giê-hô-va thôi thúc Ngài tỏ ra trung tín với các tôi tớ Ngài. Chính người viết Thi-thiên là Đa-vít đã cảm nghiệm khía cạnh này về tính công bình của Đức Giê-hô-va. Nhờ kinh nghiệm bản thân và suy ngẫm đường lối của Đức Chúa Trời, Đa-vít đi đến kết luận nào? Ông tuyên bố: “Đức Giê-hô-va chuộng sự công-bình, không từ-bỏ người thánh [“các tôi trung”, Trịnh Văn Căn] của Ngài; họ được Ngài gìn-giữ đời đời”. (Thi-thiên 37:28) Những lời này làm ta yên tâm biết bao! Đức Chúa Trời chúng ta không khi nào bỏ rơi những ai trung tín với Ngài dù chỉ trong giây lát. Thế nên chúng ta có thể tin cậy vào sự gần gũi và chăm sóc đầy yêu thương của Ngài. Tính công bình của Ngài đảm bảo điều này!—Châm-ngôn 2:7, 8.
14. Lòng quan tâm của Đức Giê-hô-va đối với những người chịu thiệt thòi thể hiện như thế nào trong Luật Pháp ban cho dân Y-sơ-ra-ên?
14 Tính công bình của Đức Chúa Trời khiến Ngài nhạy cảm với nhu cầu của người khốn khổ. Lòng quan tâm của Đức Giê-hô-va đối với những người chịu thiệt thòi thể hiện rõ trong Luật Pháp ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Thí dụ, Luật Pháp có những sắp đặt đặc biệt nhằm đảm bảo trẻ mồ côi và người góa bụa được chăm nom. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 24:17-21) Khi công nhận mức độ khó khăn trong đời sống những gia đình ấy, chính Đức Giê-hô-va trở thành Đấng Xét Xử kiêm Đấng Bảo Vệ như một người cha, “là Đấng xử công minh cho cô nhi quả phụ”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:18, TTGM; Thi-thiên 68:5) Đức Giê-hô-va khuyến cáo người Y-sơ-ra-ên rằng nếu họ ngược đãi đàn bà và trẻ em cô thế, chắc chắn Ngài sẽ nghe lời kêu van của những người ấy. Ngài phán: “Cơn nóng giận ta phừng lên”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:22-24) Dù nóng giận không là một trong các nét tính nổi bật của Đức Giê-hô-va, nhưng cố tình hành động bất công khơi dậy lòng phẫn nộ chính đáng của Ngài, nhất là khi nạn nhân thuộc thành phần thấp kém và cô thế.—Thi-thiên 103:6.
15, 16. Đâu là bằng chứng thật sự phi thường về đức tính không thiên vị của Đức Giê-hô-va?
15 Đức Giê-hô-va cũng cam đoan với chúng ta rằng Ngài “không thiên-vị ai, chẳng nhận của hối-lộ”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:17) Không giống như nhiều người có quyền hành hoặc thế lực, Đức Giê-hô-va không bị lung lạc bởi sự giàu có hoặc vẻ bề ngoài. Ngài hoàn toàn không có thành kiến hoặc thiên vị. Hãy xem xét một bằng chứng thật sự phi thường về đức tính không thiên vị của Đức Giê-hô-va. Cơ hội trở thành người thờ phượng thật với triển vọng sống vô tận, không chỉ giới hạn trong số ít người thuộc thành phần ưu tú. Trái lại, “trong các dân, hễ ai kính-sợ Ngài và làm sự công-bình, thì nấy được đẹp lòng Chúa”. (Công-vụ 10:34, 35) Triển vọng tuyệt diệu này mở ra cho tất cả mọi người không phân biệt thành phần xã hội, màu da, hay nước họ đang sống. Đó không phải là sự công bình chân chính ở mức tuyệt hảo sao?
16 Tính công bình hoàn hảo của Đức Giê-hô-va còn có một khía cạnh khác đáng xem xét và tôn trọng: cách Ngài đối xử với những kẻ vi phạm các tiêu chuẩn công bình.
Không miễn trừ hình phạt
17. Hãy giải thích tại sao những cảnh bất công trong thế gian này tuyệt nhiên không gây nghi vấn về sự công bình của Đức Giê-hô-va.
17 Một số người có thể thắc mắc: ‘Vì Đức Giê-hô-va không dung túng điều không công bình, vậy làm thế nào giải thích nỗi đau khổ do sự bất công gây ra và những thực hành bại hoại rất thông thường trong thế gian ngày nay?’ Những cảnh bất công ấy tuyệt nhiên không gây nghi vấn về sự công bình của Đức Giê-hô-va. Nhiều cảnh bất công trong thế gian hung ác này là hậu quả của tội lỗi mà loài người gánh chịu từ A-đam. Trong một thế giới mà loài người bất toàn chọn theo con đường tội lỗi, tất nhiên những cảnh bất công đầy dẫy—nhưng những cảnh ấy không còn tồn tại bao lâu nữa.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:5.
18, 19. Điều gì cho thấy Đức Giê-hô-va không chịu đựng mãi những kẻ cố tình vi phạm luật pháp công bình của Ngài?
18 Dù biểu lộ lòng thương xót bao la đối với những người thành tâm đến gần Ngài, Đức Giê-hô-va sẽ không chịu đựng mãi tình trạng gây sỉ nhục cho danh thánh của Ngài. (Thi-thiên 74:10, 22, 23) Đức Chúa Trời chí công không để cho ai nhạo báng; Ngài không bao che cho những kẻ cố ý phạm tội thoát khỏi hình phạt đích đáng với đường lối của họ. Đức Giê-hô-va là “Đức Chúa Trời nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực,... nhưng chẳng kể kẻ có tội là vô-tội”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7) Theo đúng những lời này, đã có những lúc Đức Giê-hô-va thấy cần trừng phạt những kẻ cố tình vi phạm luật pháp công bình của Ngài.
19 Thí dụ, hãy xem cách Đức Chúa Trời đối xử với dân Y-sơ-ra-ên xưa. Thậm chí khi đã định cư trong Đất Hứa, người Y-sơ-ra-ên bao lần sa vào tội bất trung. Dù đường lối bại hoại của họ làm Đức Giê-hô-va “phiền [“buồn lòng”, Bản Diễn Ý]”, nhưng Ngài đã không từ bỏ họ ngay. (Thi-thiên 78:38-41) Thay vì vậy, Ngài thương xót cho thêm cơ hội để họ thay đổi đường lối. Ngài kêu gọi: “Ta chẳng lấy sự kẻ dữ chết làm vui, nhưng vui về nó xây-bỏ đường-lối mình và được sống. Các ngươi khá xây-bỏ, xây-bỏ đường-lối xấu của mình. Sao các ngươi muốn chết, hỡi nhà Y-sơ-ra-ên?” (Ê-xê-chi-ên 33:11) Đức Giê-hô-va xem sự sống là quý giá, nên đã bao lần gửi các tiên tri đến với người Y-sơ-ra-ên khuyên họ từ bỏ con đường gian ác. Nhưng nói chung dân ấy cứng lòng, không nghe lời và ăn năn. Cuối cùng, vì danh thánh của Ngài và vì tất cả những điều mà danh ấy biểu trưng, Đức Giê-hô-va bỏ mặc họ sa vào tay kẻ thù.—Nê-hê-mi 9:26-30.
20. (a) Cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân Y-sơ-ra-ên dạy chúng ta biết gì về Ngài? (b) Tại sao con sư tử là biểu tượng thích hợp cho công lý của Đức Giê-hô-va?
20 Cách Đức Giê-hô-va đối xử với dân Y-sơ-ra-ên dạy chúng ta nhiều điều về Ngài. Chúng ta học được rằng con mắt Ngài ở khắp nơi lưu ý đến sự không công bình, và những điều Ngài thấy tác động sâu xa đến cảm xúc của Ngài. (Châm-ngôn 15:3) Chúng ta cũng được yên lòng khi biết Ngài tìm cơ hội thể hiện lòng thương xót nếu có lý do. Ngoài ra, chúng ta học được rằng Ngài không bao giờ hấp tấp thi hành công lý. Vì Đức Giê-hô-va kiên nhẫn và chịu đựng, nên nhiều người kết luận sai lầm rằng Ngài sẽ không bao giờ trừng phạt kẻ ác. Nhưng điều này hoàn toàn xa sự thật, vì cách Đức Chúa Trời đối xử với dân Y-sơ-ra-ên cũng dạy chúng ta biết rằng sự kiên nhẫn của Ngài có giới hạn. Đức Giê-hô-va kiên định giữ sự công bình. Con người thường ngần ngại không thi hành công lý, trái lại Ngài luôn luôn can đảm bênh vực lẽ phải. Cho nên, điều thích hợp là sự hiện diện của Đức Chúa Trời và ngôi Ngài gắn liền với con sư tử, một biểu tượng của công lý và lòng can đảm.a (Ê-xê-chi-ên 1:10; Khải-huyền 4:7) Do đó chúng ta có thể tin chắc Ngài sẽ thực hiện lời hứa loại trừ nạn bất công khỏi trái đất. Đúng vậy, có thể tóm tắt cách Ngài phán xét như sau: kiên định khi cần thiết, thương xót khi có thể được.—2 Phi-e-rơ 3:9.
Đến gần Đức Chúa Trời chí công
21. Khi suy ngẫm cách Đức Giê-hô-va thực thi sự công bình, chúng ta phải nghĩ về Ngài như thế nào, và tại sao?
21 Khi suy ngẫm cách Đức Giê-hô-va thực thi sự công bình, chúng ta không nên nghĩ Ngài là một quan án lạnh lùng, nghiêm khắc, chỉ quan tâm đến việc tuyên án những người làm quấy. Trái lại, chúng ta phải nghĩ Ngài là một người Cha yêu thương nhưng kiên định, luôn luôn đối xử với con cái một cách tốt nhất. Là người Cha công bình, Đức Giê-hô-va kết hợp cân xứng thái độ kiên định về lẽ phải với lòng trắc ẩn đối với con cái trên đất, là những người cần Ngài giúp đỡ và tha thứ.—Thi-thiên 103:10, 13.
22. Làm đúng nguyên tắc công bình của Ngài, Đức Giê-hô-va đã sắp xếp để chúng ta có thể hưởng triển vọng nào, và tại sao Ngài đối xử với chúng ta như thế?
22 Chúng ta biết ơn vô cùng vì sự công bình của Đức Chúa Trời không chỉ bao hàm việc tuyên án những người phạm tội! Làm đúng nguyên tắc công bình của Ngài, Đức Giê-hô-va đã sắp xếp để chúng ta có thể hưởng triển vọng thật sự phấn khởi—đời sống hoàn toàn, vô tận trong một thế giới nơi có “sự công-bình ăn-ở”. (2 Phi-e-rơ 3:13) Đức Chúa Trời đối xử với chúng ta như thế vì sự công bình của Ngài nhằm cứu rỗi thay vì kết án. Thật vậy, việc hiểu rõ hơn về tính công bình của Đức Giê-hô-va thu hút chúng ta đến gần Ngài! Trong những chương sau, chúng ta sẽ xem xét kỹ cách Đức Giê-hô-va biểu lộ đức tính tuyệt hảo này.
a Điều đáng chú ý là Đức Giê-hô-va tự ví Ngài như sư tử khi phán xét nước Y-sơ-ra-ên bất trung.—Giê-rê-mi 25:38; Ô-sê 5:14.