Đức Giê-hô-va—Nguồn của sự công bình chính trực
“Công-việc của Hòn-Đá là trọn-vẹn; vì các đường-lối Ngài là công-bình. Ấy là Đức Chúa Trời thành-tín và vô-tội” (PHỤC-TRUYỀN LUẬT-LỆ KÝ 32:4).
1. Tại sao sự công bình là một nhu cầu cố hữu của chúng ta?
NHƯ mọi người sinh ra cần được yêu thương, thì tất cả chúng ta cũng đều mong muốn được đối xử cách công bằng. Chính khách Hoa Kỳ là Thomas Jefferson viết rằng “[sự công bằng] là thuộc bản năng và bẩm sinh... là một phần của thể chất chúng ta cũng như cảm giác, sự thấy hoặc nghe”. Điều này không đáng ngạc nhiên vì Đức Giê-hô-va dựng nên chúng ta theo hình ảnh của Ngài (Sáng-thế Ký 1:26). Thật vậy, Ngài ban cho chúng ta những đức tính phản ảnh nhân cách của Ngài, một trong những đức tính đó là công bằng. Vì lẽ đó sự công bằng là nhu cầu cố hữu của chúng ta và là lý do tại sao chúng ta mong muốn sống trong một thế giới thật sự công bình chính trực.
2. Sự công bình quan trọng như thế nào đối với Đức Giê-hô-va, và tại sao chúng ta cần hiểu ý nghĩa của sự công bình Đức Chúa Trời?
2 Nói về Đức Giê-hô-va, Kinh-thánh bảo đảm với chúng ta: “Các đường-lối Ngài là công-bình” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4). Nhưng trong một thế giới đầy dẫy sự bất công, không phải dễ để hiểu ý nghĩa của sự công bình Đức Chúa Trời. Qua những trang của Lời Đức Chúa Trời, chúng ta có thể biết được Đức Chúa Trời làm sự công bình như thế nào, và chúng ta có thể quí trọng đường lối tuyệt vời của Đức Chúa Trời hơn nữa (Rô-ma 11:33). Hiểu sự công bình theo ý nghĩa của Kinh-thánh là quan trọng bởi vì ý tưởng về sự công bình rất có thể đã bị ảnh hưởng bởi khái niệm của loài người. Theo quan điểm của loài người, sự công bình hay công bằng có thể được đơn thuần xem là việc áp dụng luật pháp một cách không thiên vị. Hay là như triết gia Francis Bacon đã viết: “Sự công bằng bao gồm việc thưởng phạt phân minh”. Tuy nhiên, sự công bình của Đức Giê-hô-va còn bao hàm nhiều hơn thế nữa.
Sự công bình của Đức Giê-hô-va làm ấm lòng
3. Chúng ta có thể biết được điều gì bằng cách xem xét những chữ công bình và chính trực trong ngôn ngữ nguyên thủy dùng trong Kinh-thánh?
3 Chúng ta có thể hiểu rõ hơn tầm bao quát của sự công bình của Đức Chúa Trời bằng cách xem xét những chữ trong ngôn ngữ nguyên thủy được dùng như thế nào trong Kinh-thánh.a Điều đáng chú ý là trong Kinh-thánh không có sự phân biệt đáng kể giữa công bình và chính trực. Thật vậy, những chữ Hê-bơ-rơ này đôi khi được dùng song song với nhau như chúng ta thấy trong A-mốt 5:24. Đức Giê-hô-va khuyên dân Ngài: “Hãy làm cho sự chánh trực chảy xuống như nước, và sự công-bình như sông lớn cuồn-cuộn”. Hơn nữa, có nhiều lần những từ “công-bình và chánh-trực” đi đôi với nhau để nhấn mạnh (Thi-thiên 33:5; Ê-sai 33:5; Giê-rê-mi 33:15; Ê-xê-chi-ên 18:21; 45:9).
4. Làm sự công bình có nghĩa gì, và tiêu chuẩn tối hậu của sự công bình là gì?
4 Những từ Hê-bơ-rơ và Hy Lạp này bao hàm ý nghĩa nào? Làm sự công bình theo ý nghĩa của Kinh-thánh có nghĩa là làm điều đúng và công bằng. Vì Đức Giê-hô-va là Đấng thiết lập những luật pháp và nguyên tắc đạo đức, hay là những điều đúng và công bằng, cách Đức Giê-hô-va hành động là tiêu chuẩn tối hậu của sự công bình. Quyển Theological Wordbook of the Old Testament giải thích rằng chữ Hê-bơ-rơ được dịch ra là chính trực (tseʹdheq) “nói về tiêu chuẩn đạo đức luân lý và dĩ nhiên trong C[ựu] Ư[ớc], tiêu chuẩn này là bản chất và là ý muốn của Đức Chúa Trời”. Vì vậy, cách Đức Chúa Trời áp dụng những nguyên tắc của Ngài, và đặc biệt cách mà Ngài đối xử với người bất toàn cho thấy ý nghĩa thật của sự công bình chính trực.
5. Những đức tính nào có liên hệ chặt chẽ với sự công bình của Đức Chúa Trời?
5 Kinh-thánh cho thấy rõ ràng sự công bình của Đức Chúa Trời làm ấm lòng thay vì khắc nghiệt và cứng rắn. Đa-vít hát: “Đức Giê-hô-va chuộng sự công-bình, không từ-bỏ người thánh của Ngài” (Thi-thiên 37:28). Sự công bình của Đức Chúa Trời khiến Ngài tỏ lòng trung tín và thương xót đối với các tôi tớ Ngài. Sự công bình của Đức Chúa Trời khiến Ngài nhạy cảm đối với nhu cầu của chúng ta và châm chế cho sự bất toàn của chúng ta (Thi-thiên 103:14). Điều này không có nghĩa là Đức Chúa Trời dung túng sự gian ác, vì làm như thế là khuyến khích sự bất công (1 Sa-mu-ên 3:12, 13; Truyền-đạo 8:11). Đức Giê-hô-va giải thích với Môi-se rằng Ngài “nhân-từ, thương-xót, chậm giận, đầy-dẫy ân-huệ và thành-thực”. Trong khi sẵn sàng tha thứ lỗi lầm và sự vi phạm, Đức Chúa Trời sẽ không tha cho những người đáng bị trừng phạt (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6, 7).
6. Đức Giê-hô-va đối xử với con cái trên đất như thế nào?
6 Khi chúng ta suy ngẫm về cách Đức Giê-hô-va thi hành công lý, chúng ta không nên nghĩ Ngài là một quan án lạnh lùng, chỉ quan tâm đến việc tuyên án những người làm quấy. Trái lại, chúng ta nên nghĩ Ngài là một người cha yêu thương nhưng cương quyết, luôn luôn đối xử với con cái theo cách tốt nhất. Nhà tiên tri Ê-sai nói: “Hỡi Đức Giê-hô-va,... Ngài là Cha chúng tôi!” (Ê-sai 64:8). Là người Cha công bình và chính trực, Đức Giê-hô-va cân bằng hai đức tính: cương quyết về những điều đúng và nhân từ thương xót các con cái trên đất của Ngài. Họ là những người cần được giúp đỡ hoặc tha thứ vì hoàn cảnh khó khăn hoặc sự yếu kém của xác thịt (Thi-thiên 103:6, 10, 13).
Làm sáng tỏ sự công bình là gì
7. a) Chúng ta học được điều gì về sự công bình của Đức Chúa Trời qua lời tiên tri của Ê-sai? b) Chúa Giê-su đóng vai trò gì trong việc dạy dỗ các dân về sự công bình?
7 Sự kiện Đấng Mê-si đến trái đất đã làm nổi bật tính chất thương xót nằm trong sự công bình của Đức Giê-hô-va. Chúa Giê-su dạy sự công bình của Đức Chúa Trời và sống hòa hợp với đức tính đó, như Ê-sai đã tiên tri. Rõ ràng là sự công bình của Đức Chúa Trời bao hàm việc đối đãi dịu dàng với những người bị áp bức, để họ không bị kiệt quệ đến độ khó phục hồi. Chúa Giê-su, “đầy-tớ” của Đức Giê-hô-va, đến trái đất để “rao-giảng... cho dân ngoại” khía cạnh này của sự công bình Đức Chúa Trời. Ngài đã làm thế, đặc biệt là bằng cách cho chúng ta một gương mẫu sống động về ý nghĩa của sự công bình Đức Chúa Trời. Là “Nhánh của sự công-bình” ra từ Vua Đa-vít, Chúa Giê-su sốt sắng “tìm sự ngay-thẳng, và vội-vàng làm sự công-bình” (Ê-sai 16:5; 42:1-4; Ma-thi-ơ 12:18-21; Giê-rê-mi 33:14, 15).
8. Tại sao sự công bình chính trực thật trở nên lu mờ trong thế kỷ thứ nhất?
8 Việc làm rõ tính chất của sự công bình Đức Giê-hô-va như thế đặc biệt cần thiết trong thế kỷ thứ nhất CN. Các trưởng lão và những người lãnh đạo tôn giáo Do Thái—các thầy thông giáo, người Pha-ri-si, và những người khác—cho thấy họ có một quan điểm lệch lạc về sự công bình chính trực, và họ điển hình cho thái độ đó. Hậu quả là những thường dân, những người thấy mình không thể sống theo những đòi hỏi của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si, chắc hẳn đã nghĩ rằng sự công bình của Đức Chúa Trời là quá tầm tay với (Ma-thi-ơ 23:4; Lu-ca 11:46). Chúa Giê-su cho thấy rằng không phải như thế. Ngài chọn các môn đồ trong vòng những thường dân, và ngài dạy họ tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời (Ma-thi-ơ 9:36; 11:28-30).
9, 10. a) Các thầy thông giáo và người Pha-ri-si đã tìm cách phô bày sự công bình của họ như thế nào? b) Chúa Giê-su cho thấy rằng những thực hành của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si là vô ích như thế nào và tại sao?
9 Mặt khác, người Pha-ri-si đã tìm cơ hội để tỏ ra “công-bình” bằng cách cầu nguyện và bố thí trước công chúng (Ma-thi-ơ 6:1-6). Họ cũng cố gắng phô bày sự công bình bằng cách làm theo vô số luật lệ và giới luật—nhiều luật trong số đó do chính họ đặt ra. Những nỗ lực như thế khiến cho họ ‘bỏ qua sự công-bình và sự kính-mến Đức Chúa Trời’ (Lu-ca 11:42). Bề ngoài họ có vẻ là công bình, nhưng bề trong họ ‘chan-chứa tội lỗi’, hay là không công bình (Ma-thi-ơ 23:28). Nói một cách đơn giản, họ thật sự biết rất ít về sự công bình của Đức Chúa Trời.
10 Vì lý do đó, Chúa Giê-su cảnh giác môn đồ ngài: “Nếu sự công-bình của các ngươi chẳng trổi hơn sự công-bình của các thầy thông-giáo và người dòng Pha-ri-si, thì các ngươi chắc không vào nước thiên-đàng” (Ma-thi-ơ 5:20). Sự tương phản rõ rệt giữa sự công bình của Đức Chúa Trời qua gương của Chúa Giê-su Christ và sự tự cho là công bình của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si có đầu óc hẹp hòi đã khiến cho hai bên thường tranh cãi nhau.
Sự công bình của Đức Chúa Trời tương phản với công lý lệch lạc
11. a) Tại sao người Pha-ri-si chất vấn Chúa Giê-su về việc chữa lành trong ngày Sa-bát? b) Câu trả lời của Chúa Giê-su cho thấy điều gì?
11 Trong lúc làm thánh chức ở Ga-li-lê vào mùa xuân năm 31 CN, Chúa Giê-su thấy người bị teo một bàn tay ở nhà hội. Vì đó là ngày Sa-bát, người Pha-ri-si hỏi Chúa Giê-su: “Trong ngày Sa-bát, có phép chữa kẻ bịnh hay không?” Thay vì thành thật quan tâm đến người đang đau khổ, câu hỏi của họ cho thấy họ muốn tìm cớ để lên án Chúa Giê-su. Chẳng trách là Chúa Giê-su rất đau buồn về lòng cứng cỏi của họ! Rồi ngài vặn lại người Pha-ri-si bằng một câu hỏi tương tự: “Trong ngày Sa-bát, nên làm việc lành [không]?” Thấy họ nín lặng, Chúa Giê-su tự trả lời bằng cách hỏi họ rằng họ có muốn cứu một con chiên bị té xuống hố trong ngày Sa-bát không.b Chúa Giê-su lý luận với một lý lẽ không thể bác bẻ được: “Huống chi người ta trọng hơn con chiên là dường nào!” Ngài kết luận: “Vậy, trong ngày Sa-bát có phép [hoặc, chính đáng] làm việc lành”. Sự công bình của Đức Chúa Trời không bao giờ bị ngăn cản bởi truyền thống loài người. Sau khi giải thích rõ ràng, Chúa Giê-su chữa lành người bị teo tay (Ma-thi-ơ 12:9-13; Mác 3:1-5).
12, 13. a) Trái ngược với các thầy thông giáo và người Pha-ri-si, Chúa Giê-su cho thấy ngài chú ý giúp đỡ những người có tội như thế nào? b) Sự công bình của Đức Chúa Trời và sự tự cho là công bình khác nhau như thế nào?
12 Nếu người Pha-ri-si ít chăm sóc đến những người tàn tật, thì họ càng ít ngó ngàng đến những người bị nghèo đói về thiêng liêng. Quan điểm lệch lạc của họ về sự công bình đã khiến họ lờ đi và khinh bỉ những người thâu thuế và kẻ có tội (Giăng 7:49). Tuy nhiên, nhiều người như thế đã hưởng ứng sự dạy dỗ của Chúa Giê-su, chắc hẳn họ cảm thấy ngài muốn giúp họ thay vì xét đoán họ (Ma-thi-ơ 21:31; Lu-ca 15:1). Thế mà người Pha-ri-si chê bai sự cố gắng của Chúa Giê-su để chữa lành những người bệnh hoạn về thiêng liêng. Họ lằm bằm chê trách: “Người nầy tiếp những kẻ tội-lỗi, và cùng ăn với họ!” (Lu-ca 15:2). Để đáp lại lời buộc tội của họ, lần nữa Chúa Giê-su đã dùng một sự minh họa để dạy họ. Giống như người chăn chiên vui mừng khi tìm được một con chiên thất lạc, các thiên sứ trên trời cũng vui mừng như vậy khi một người có tội biết ăn năn (Lu-ca 15:3-7). Chính Chúa Giê-su vui mừng khi ngài đã giúp được Xa-chê ăn năn rời bỏ đường lối tội lỗi của ông. Ngài nói: “Con người đã đến tìm và cứu kẻ bị mất” (Lu-ca 19:8-10).
13 Những cuộc đối đầu này rõ ràng cho thấy sự phân biệt giữa sự công bình của Đức Chúa Trời là tìm cách chữa lành và cứu vớt với sự tự cho là công bình là tìm cách đề cao thiểu số và lên án đa số. Những nghi thức trống rỗng và truyền thống loài người đã khiến cho các thầy thông giáo và người Pha-ri-si kiêu ngạo và vênh vang, nhưng Chúa Giê-su nói rất thích hợp rằng họ “bỏ điều hệ-trọng hơn hết trong luật-pháp, là sự công-bình, thương-xót và trung-tín” (Ma-thi-ơ 23:23). Mong rằng chúng ta noi gương Chúa Giê-su trong việc thực hành sự công bình chân thật trong mọi điều chúng ta làm và cũng đề phòng cạm bẫy của sự tự cho là công bình.
14. Một trong những phép lạ của Chúa Giê-su cho thấy Đức Chúa Trời công bình đã chiếu cố đến hoàn cảnh của người ta như thế nào?
14 Trong khi Chúa Giê-su lờ đi những luật lệ độc đoán của người Pha-ri-si, ngài giữ Luật Môi-se (Ma-thi-ơ 5:17, 18). Khi làm thế, ngài không xem chi tiết của Luật Pháp công bình quan trọng hơn nguyên tắc của nó. Khi một người đàn bà bị mất huyết 12 năm đến sờ áo ngài và được chữa lành, Chúa Giê-su nói với bà: “Hỡi con gái ta, đức-tin ngươi đã chữa lành ngươi; hãy đi cho bình-an” (Lu-ca 8:43-48). Lời thông cảm của Chúa Giê-su khẳng định rằng Đức Chúa Trời công bình đã chiếu cố đến hoàn cảnh của bà. Dù bà không sạch theo nghi thức, và vì vậy trên nguyên tắc bà đã vi phạm Luật Pháp Môi-se vì đã trà trộn trong đám đông, nhưng đức tin bà đáng được tưởng thưởng (Lê-vi Ký 15:25-27; so sánh Rô-ma 9:30-33).
Sự công bình dành cho mọi người
15, 16. a) Ví dụ của Chúa Giê-su về người Sa-ma-ri nhân lành dạy chúng ta điều gì về sự công bình? b) Tại sao chúng ta nên tránh “công-bình quá”?
15 Ngoài việc nhấn mạnh tính chất thương xót, Chúa Giê-su cũng dạy các môn đồ ngài rằng sự công bình của Đức Chúa Trời bao gồm cho tất cả mọi người. Chính Đức Giê-hô-va muốn ngài “tỏ ra sự công-bình cho các dân ngoại” (Ê-sai 42:1). Đây là ý nghĩa của một trong những ví dụ nổi tiếng nhất của Chúa Giê-su, đó là ví dụ về người Sa-ma-ri nhân lành. Ví dụ này được nêu ra để trả lời một câu hỏi do một thầy dạy Luật muốn “xưng mình là công-bình” đặt ra. Người này chắc hẳn muốn giới hạn trách nhiệm đối với người lân cận trong vòng người Do Thái mà thôi, nên đã hỏi: “Ai là người lân-cận tôi?” Người Sa-ma-ri trong ví dụ của Chúa Giê-su đã biểu lộ đức tính công bình theo Đức Chúa Trời, vì người ấy đã sẵn sàng dùng thì giờ và tiền bạc để giúp một người lạ ở xứ khác. Chúa Giê-su kết luận lời ví dụ bằng cách khuyên người hỏi ngài: “Hãy đi, làm theo như vậy” (Lu-ca 10:25-37). Nếu chúng ta cũng làm điều tốt như vậy cho mọi người bất kể màu da, chủng tộc của họ, tức là chúng ta đang làm theo sự công bình của Đức Chúa Trời (Công-vụ các Sứ-đồ 10:34, 35).
16 Mặt khác, gương của các thầy thông giáo và người Pha-ri-si nhắc nhở chúng ta rằng nếu chúng ta muốn làm sự công bình giống Đức Giê-hô-va, chúng ta không nên “công-bình quá” (Truyền-đạo 7:16). Tìm cách để gây ấn tượng với người khác qua việc phô trương sự công bình, hay là quá coi trọng những luật lệ do người ta đặt ra, chúng ta sẽ không được Đức Chúa Trời chấp nhận (Ma-thi-ơ 6:1).
17. Tại sao việc chúng ta biểu lộ đức tính công bình theo ý Đức Chúa Trời là điều rất quan trọng?
17 Một lý do tại sao Chúa Giê-su đã làm sáng tỏ cho mọi người biết tính chất của sự công bình Đức Chúa Trời là vì ngài muốn tất cả môn đồ có thể học cách biểu lộ đức tính này. Tại sao điều này rất là quan trọng? Kinh-thánh khuyên nhủ chúng ta “trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời”, và tất cả đường lối của Đức Chúa Trời đều là công bình (Ê-phê-sô 5:1). Cũng vậy, Mi-chê 6:8 giải thích rằng một trong những sự đòi hỏi của Đức Giê-hô-va là chúng ta “làm sự công-bình” khi bước đi với Đức Chúa Trời. Ngoài ra, Sô-phô-ni 2:2, 3 nhắc nhở rằng nếu chúng ta muốn được che chở trong ngày thạnh nộ của Đức Giê-hô-va, chúng ta phải “tìm-kiếm sự công-bình” trước khi ngày đó đến.
18. Những câu hỏi nào sẽ được trả lời trong bài tới?
18 Do đó, những ngày sau rốt này là “thì thuận-tiện” để làm sự công bình (2 Cô-rinh-tô 6:2). Chúng ta có thể tin chắc rằng nếu chúng ta, giống như Gióp, “mặc lấy sự công-bình” và lấy ‘sự ngay-thẳng làm áo ngoài’, Đức Giê-hô-va sẽ ban phước chúng ta (Gióp 29:14). Đức tin nơi sự công bình của Đức Giê-hô-va sẽ giúp chúng ta như thế nào để hướng về tương lai với lòng tin cậy? Hơn nữa, trong lúc chúng ta chờ đợi “đất mới” công bình, thì sự công bình của Đức Chúa Trời che chở chúng ta về thiêng liêng như thế nào? (2 Phi-e-rơ 3:13). Bài tới sẽ trả lời những câu hỏi này.
[Chú thích]
a Trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ, có ba chữ chính được dùng. Một chữ (mish·patʹ) thường được dịch là “công-bình”. Hai chữ kia (tseʹdheq và chữ có liên hệ là tsedha·qahʹ) trong nhiều trường hợp được dịch là “chánh-trực”. Từ Hy Lạp được dịch là “chánh-trực” (di·kai·o·syʹne) được định nghĩa là “đức tính ngay thẳng hay là công bằng”.
b Chúa Giê-su khéo léo chọn thí dụ này bởi vì luật truyền khẩu của người Do Thái đặc biệt cho phép họ giúp đỡ một con thú gặp nạn trong ngày Sa-bát. Vào nhiều dịp khác, cũng có những cuộc đối đầu về cùng đề tài này, tức là chữa lành trong ngày Sa-bát có đúng luật không (Lu-ca 13:10-17; 14:1-6; Giăng 9:13-16).
Bạn có thể giải thích không?
◻ Sự công bình của Đức Chúa Trời có ý nghĩa gì?
◻ Chúa Giê-su dạy sự công bình cho các dân như thế nào?
◻ Tại sao sự công bình của người Pha-ri-si bị lệch lạc?
◻ Tại sao chúng ta cần phải làm sự công bình?
[Hình nơi trang 8]
Chúa Giê-su đã làm sáng tỏ tầm bao quát của sự công bình Đức Chúa Trời