Tín-đồ đấng Christ nhịn-nhục khi bị bắt bớ
1, 2. Các nhân-chứng trung-thành của Đức Giê-hô-va có quan-điểm gì về sự bắt bớ, nhưng điều đó nêu lên câu hỏi nào?
Nhân-chứng Giê-hô-va không hề tìm cớ để tử vì đạo. Tuy nhiên, họ biết là “hết thảy mọi người muốn sống cách nhơn-đức trong Đức Chúa Giê-su Christ thì sẽ bị bắt bớ” (II Ti-mô-thê 3:12). Điều này có làm họ nản lòng không?
2 Không, những tín-đồ trung-thành của đấng Christ có thể “nhịn-nhục trong sự bắt bớ” (I Cô-rinh-tô 4:12). Nhưng chúng ta có thể làm gì để chuẩn bị trước khi sự đau-khổ đó đến với chúng ta?
Chuẩn bị cho sự bắt bớ
3. Hãy kẻ vài cách để chuẩn bị trước cho sự bắt bớ.
3 Trong bài trước đã có vài đề-nghị về những cách để chuẩn bị cho sự bắt bớ. Thi-dụ, chúng ta cần nên nhớ mục-đích của Ma-quỉ: hắn muốn phá hủy mối liên-lạc của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Nhờ ân-điển của Đức Chúa Trời, chúng ta đừng bao giờ để việc đó xảy ra! Chúng ta cũng có thể chuẩn bị nếu chúng ta suy nghĩ về lý-do tại sao Đức Chúa Trời cho phép điều đó. Ngài làm vậy vì vấn-đề về quyền thống-trị vũ-trụ và cũng để thử lòng trung-thành của chúng ta. Vậy, chúng ta nên quyết-định trước là với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ là những người trung-thành ủng hộ quyền thống-trị của Ngài. Thêm vào đó, chúng ta có thể chuẩn bị cho sự bắt bớ nếu chúng ta có niềm hy-vọng về Nước Trời ở trong lòng chúng ta.
4, 5. Trong việc chuẩn bị trước cho sự bắt bớ, chúng ta làm thế nào để xây dựng đức-tin?
4 Để chuẩn bị cho sự thử-thách sẽ đến, mỗi ngày chúng ta cần xây dựng thêm đức-tin, sự can-đảm và lòng nhịn-nhục. Tuy nhiên, nếu chúng ta có đức-tin chân-chính chúng ta phải thật lòng yêu mến Đức Giê-hô-va và điều này đòi hỏi sự hiểu biết chính xác về Lời của Ngài là Kinh-thánh. Về điểm này chúng ta cần đọc và học hỏi Kinh-thánh thường xuyên cùng với các sách báo giúp hiểu biết về đạo đấng Christ. Hơn nữa, điều cần-thiết cho một đức-tin mạnh là sự kết hợp với những người cùng đức-tin trong việc thờ phượng và phụng sự Đức Giê-hô-va (Hê-bơ-rơ 10:23-25; 12:28; Khải-huyền 7:9, 10, 15).
5 Để chuẩn bị cho sự bắt bớ chúng ta cần “tiếp tục bước đi trong lẽ thật” mỗi ngày, luôn luôn để “lẽ thật hướng dẫn đời sống mình” (Hãy so-sánh III Giăng 3, 4). Bằng cách chấp nhận sự dẫn dắt của Đức Chúa Trời khi chúng ta đương đầu với những thử-thách nhỏ mỗi ngày, chúng ta sẽ làm tăng thêm đức-tin nơi Đức Giê-hô-va và nơi đường lối của Ngài. Như thế điều đó sẽ giúp chúng ta để được “hướng dẫn bởi lẽ thật” khi chúng ta bị bắt bớ.
6. Lời cầu-nguyện giúp chúng ta chuẩn bị trước cho sự bắt bớ thế nào?
6 Hãy tập thành thói quen cầu-nguyện Đức Giê-hô-va đều đều và đến gần Ngài, vì điều này cũng sẽ giúp chúng ta chuẩn bị cho sự bắt bớ. Càng cầu-nguyện và hoàn toàn tin cậy nơi Ngài, chúng ta sẽ càng gia tăng đức-tin nơi Ngài (II Cô-rinh-tô 1:8-10). Mối liên-lạc giữa chúng ta với Ngài sẽ thật vững vàng khó bị kẻ thù phá hủy, dù là ma-quỉ hay loài người cũng vậy (So-sánh Thi-thiên 9:1-6; I Giăng 2:12-14).
Nhịn-nhục khi bị bắt bớ
7. Khi bị bắt bớ, Đức Chúa Trời có thể làm gì nếu sức riêng của chúng ta đã cạn?
7 Khi sự bắt bớ thật sự xảy đến với chúng ta, đặc biệt dưới hình-thức vũ-phu đến đâu, chúng ta phải làm gì để chịu đựng được? Sức mạnh từ Đức Giê-hô-va là tối cần-thiết. Như sứ-đồ Phao-lô, chúng ta cần “quyền-phép lớn dường ấy” và chúng ta nên cầu-nguyện để xin Ngài ban cho sức mạnh (II Cô-rinh-tô 4:7-12). Rồi với sự tin cậy hoàn toàn nơi Cha trên trời của chúng ta, như sứ-đồ Phao-lô, chúng ta cũng sẽ có thể nói: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng đã ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13). Ngay cả khi sức mạnh thể-xác của chúng ta bị hao mòn, nguồn lực của Đức Giê-hô-va sẽ không bị cạn. Ngài có thể cho dân Ngài thêm sức và Ngài chắc chắn sẽ làm (Ê-sai 40:28-31; 45:22-25). Nếu chúng ta nhờ cậy nơi Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ cho chúng ta thêm sức nhiều hơn để chịu đựng trong lúc khó-khăn. Vậy chúng ta không nên sợ-hãi! Loài người chỉ có thể đi xa đến độ lấy đi sự sống hiện tại của chúng ta là sùng, nhưng Đức Giê-hô-va có quyền-lực làm cho chúng ta sống lại (Thi-thiên 46:1, 2; Lu-ca 12:4-7; Giăng 5:28, 29).
8. Tại sao lời cầu-nguyện là quan-trọng khi chịu đựng sự bắt bớ?
8 Cầu-nguyện Đức Giê-hô-va là điều không thể bỏ qua nếu muốn chịu đựng được trong sự bắt bớ. Chính Giê-su đã phải trải qua nhiều sự đau-khổ; ngài luôn luôn đến gần Cha ngài bằng lời cầu-nguyện, như chúng ta có thể đọc: “Khi đấng Christ còn trong xác-thịt, thì đã kêu lớn tiếng khóc-lóc mà dâng những lời cầu-nguyện nài xin cho Đấng có quyền cứu mình khỏi chết, vì lòng nhơn-đức ngài, nên được nhậm lời” (Hê-bơ-rơ 5:7). Chắc chắn “Đấng nghe lời cầu-nguyện” sẽ nghe chúng ta vì chúng ta kính sợ Ngài (Thi-thiên 65:2). Trong lúc bị bắt bớ, chúng ta cần phải “bền lòng mà cầu-nguyện”, “cầu-nguyện không thôi” và “khôn-ngoan tỉnh thức mà cầu-nguyện” (Rô-ma 12:12; I Tê-sa-lô-ni-ca 5:17; I Phi-e-rơ 4:7). Nếu không làm thế chúng ta sẽ chỉ nghĩ đến sự khó chịu, sự đau-đớn và ước muốn được giải-thoát và chiều theo ý muốn của xác-thịt mà nhượng bộ hay hòa-giải về đức-tin.
9, 10. a) Làm thế nào “sự bình-an của Đức Chúa Trời” giúp chúng ta khi bị bắt bớ? b) Chúng ta có thể học được điều gì từ sự bình-tĩnh của Ê-tiên khi ông đối diện với những người bắt bớ ông?
9 Hãy tìm “sự bình-an của Đức Chúa Trời” khi bị khốn-khổ. Nếu chúng ta cầu-nguyện Đức Giê-hô-va hàng ngày, chúng ta sẽ lập một thói quen tốt và tiếp tục đến gần Ngài khi bị bắt bớ. Việc thích hợp là cầu xin “sự bình-an của Đức Chúa Trời vượt quá mọi sự hiểu biết”. Sự bình-an đó sẽ “giữ-gìn lòng và ý tưởng của chúng ta trong Đức Chúa Giê-su Christ” cho đến chết nếu cần (Phi-líp 4:6, 7).
10 Nhờ sự bình-tịnh vượt bực này chúng ta sẽ có thể chịu đựng được khi bị bắt bớ, giống như trong trường hợp của Ê-tiên, người tín-đồ đầu tiên đã tử vì đạo. Ngay trước khi ông được thánh-linh soi-dẫn để can-đảm làm chứng lần cuối, Kinh-thánh tường thuật: “Phàm những người ngồi tại tòa công-luận đều ngó chăm Ê-tiên, thấy mặt người như mặt thiên-sứ vậy” (Công-vụ các Sứ-đồ 6:15). Ông đã không có bộ mặt hổ thẹn của một kẻ có tội nhưng có mặt sáng-láng như một thiên-sứ, một sứ-giả của Đức Chúa Trời, với niềm tin là ông được Đức Chúa Trời hổ-trợ. Ê-tiên đã rất can-đảm và bình-tĩnh (so sánh Giăng 14:27). Sau khi ông phơi bày tội-lỗi của những người giết Giê-su, các quan tòa “căm giận trong lòng và nghiến răng với Ê-tiên”. Nhưng Ê-tiên “được đầy dẫy thánh-linh, mắt ngó chăm lên trời, thấy sự vinh-hiển của Đức Chúa Trời và Đức Chúa Giê-su đứng bên hữu Đức Chúa Trời”. Được thêm sức bởi cảnh tượng ấy, Ê-tiên có thể đương đầu với các quan tòa bất-công ấy với sự can-đảm và tin cậy rằng ông đã làm theo ý định của Đức Giê-hô-va (Công-vụ các Sứ-đồ 7:52-56). Mặc dù ngày nay các tín-đồ đấng Christ không mong chờ nhận được sự hiện thấy đó, họ vẫn có thể được Đức Chúa Trời ban cho sự bình-tĩnh để nhịn-nhục trong sự bắt bớ.
11. Sự suy-gẫm về những gì giúp các tôi-tớ của Đức Giê-hô-va chịu đựng sự bắt bớ?
11 Suy-gẫm về Lời của Đức Giê-hô-va, về cách đối xử và ý định của Ngài. Ngay cả khi bị thiếu thốn không có Kinh-thánh và sách báo giúp học hỏi Kinh-thánh, hãy nghĩ đến Lời của Đức Chúa Trời. Hãy ôn lại các câu và các sự tường thuật trong Kinh-thánh, làm như vậy bất cứ lúc nào trong ngày và trong những đêm không ngủ được (Hãy so sánh Thi-thiên 77:2, 6, 11, 12). Hãy nhớ lại cách cư xử tốt lành của Đức Chúa Trời đối với dân-tộc của Ngài khi họ bị bắt bớ và áp bức trong quá khứ. Chẳng hạn, suy-nghĩ lại về cách thức mà Đức Chúa Trời giải thoát dân Y-sơ-ra-ên khỏi xứ Ê-díp-tô, cách Ngài giúp sức cho Đa-ni-ên và ba thanh-niên người Hê-bơ-rơ trong sự thử-thách của họ, cách Ngài bảo toàn dân Do-thái trong thời Mạc-đô-chê và Ê-xơ-tê và cách Ngài gìn giữ các sứ-đồ và các môn-đồ khác trong thế-kỷ thứ nhất khi họ bị khốn-khổ vì cớ sự công-bình (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:1 đến 15:21; Đa-ni-ên 3:1-30; 6:1-28; Ê-xơ-tê 3:1 đến 9:32; Công-vụ các Sứ-đồ 4:1 đến 5:42; 12:1-17; 14:1-7, 19, 20; 16:16-40; 18:12-17; 19:23-41; 21:26 đến 26:32). Cũng hãy suy-nghĩ về cách mà Đức Giê-hô-va đã giúp những tôi-tớ thời nay trong các trại tập-trung của Đức Quốc-Xã, trong các trại giam của cộng-sản và những nơi khác tương tự. Khi bị bắt bớ những người thờ-phượng Đức Giê-hô-va có thể cảm thấy được “cánh tay đời đời” của Đức Chúa Trời nâng đỡ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 33:27).
12. Khi bị bắt bớ, chúng ta nên nhớ gì về sự đau-khổ của chúng ta và chúng ta nên có sự tin cậy nào?
12 Sự đau-khổ sẽ chấm dứt. Nhớ rõ điều này cũng sẽ giúp chúng ta chịu đựng trong sự bắt bớ. Hơn nữa, “Đức Chúa Trời sẽ lấy điều khổ báo cho kẻ làm khổ chúng ta” và sẽ cho chúng ta sự yên nghi (II Tê-sa-lô-ni-ca 1:6-10). Do đó, trong những lúc chịu khổ vì là nhân-chứng của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể nhìn vào tương-lai, tin tưởng rằng sự khốn-khổ sẽ chấm dứt và sự trung-thành sẽ đem lại những ân-phước dồi-dào từ Cha trên trời của chúng ta. Thí-dụ, rồi sẽ đến một lúc nào đó chúng ta được thả ra khỏi tù và rồi sẽ được hưởng lại sự tự-do để phụng sự Đức Chúa Trời không bị giới-hạn. Nhưng ngay cả nếu việc này không xảy ra nhanh chóng, sự đau-khổ của chúng ta cũng sẽ không kéo dài mãi mãi. Và chúng ta có thể nhịn-nhục được nếu hoàn toàn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và giữ niềm tin tưởng nơi sự thực hiện lời hứa về ân-phước dư-dật trong Trật-tự Mới sắp đến (Khải-huyền 21:1-4; so-sánh II Cô-rinh-tô 1:19, 20).
13. Trong khi bị bắt bớ, đoạn I Cô-rinh-tô 10:13 có thể an-ủi chúng ta thế nào?
13 Đức Chúa Trời không để chúng ta bị thử-thách quá sức chịu đựng của chúng ta. Sứ-đồ Phao-lô bảo đảm điều đó khi viết: “Những sự cám-dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành-tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám-dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám-dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được.” (I Cô-rinh-tô 10:13). Không phải tất cả các tín-đồ đấng Christ đều chịu sự khổ-sở giống nhau. Vì vậy, không có lý-do nào để nghĩ rằng một hình-thức bắt bớ tàn bạo nào đó tất sẽ xảy đến cho cá-nhân mình. Đức Giê-hô-va không bỏ rơi chúng ta hay là cho phép bất cứ sự gì xảy đến cho chúng ta mà chúng ta không chịu nổi dù được sức mạnh của Ngài và thánh-linh của Ngài giúp đỡ. Dĩ nhiên, chúng ta cần nương tựa nơi Ngài và tin lời Ngài nói. Vậy nếu chúng ta hoàn toàn tin cậy nơi Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể chịu đựng được sự bắt bớ với lòng nhịn-nhục (Thi-thiên 9:9, 10).
Sự oán ghét của Sa-tan không đi đến đâu
14, 15. Thế nào Sa-tan đã thất bại trong các cố gắng phá hủy dân-tộc của Đức Giê-hô-va qua sự bắt bớ?
14 Vì các nhân-chứng trung-thành của Đức Giê-hô-va được hướng-dẫn và giúp đỡ bởi sức mạnh không sánh được của Đức Chúa Trời, Sa-tan Ma-quỉ và tôi-tớ mà hắn dùng để bắt bớ họ sẽ không bao giờ có thể thắng được những tín-đồ thật của đấng Christ. Nhiều lần Ma-quỉ bị thất bại trong mưu-kế áp đảo dân-tộc của Đức Giê-hô-va qua sự bắt bớ. Thật vậy, sự bắt bớ nhiều khi trở lại hại Kẻ thù Lớn nhất của Đức Giê-hô-va và dân-sự của hắn, và ý-định của Đức Chúa Trời vẫn luôn luôn thắng.
15 Để chứng tỏ điều đó hãy xem xét “cơn bắt bớ dữ-tợn” đã dấy lên để chống lại hội-thánh ở Giê-ru-sa-lem ngay sau khi Ê-tiên tử vì đạo. Chúng ta được biết “trừ ra các sứ-đồ, còn hết thảy tín-đồ đều phải chạy tan lạc trong các miền Giu-đê và xứ Sa-ma-ri”. Nhưng các môn-đồ bị tan-lạc “đi từ nơi này đến nơi khác, truyền giảng tin mừng”, và các cố gắng của họ đã được ban phước. Chẳng hạn như trong thành Sa-ma-ri đã có sự thịnh-vượng về mặt thiêng-liêng (Công-vụ các Sứ-đồ 8:1-8). Những môn-đồ khác bị tan-lạc đến Phê-ni-xi, đảo Chíp-rơ và thành An-ti-ốt, Sy-ri. Ở An-ti-ốt “tay Chúa ở cùng mấy người đó nên số người tin và trở lại cùng Chúa rất nhiều” (Công-vụ các Sứ-đồ 11:19-21). Chúng ta có thể chắc chắn rằng sự phát triển đó đi ngược lại ý muốn của Ma-quỉ là kẻ chủ mưu các sự bắt bớ đó (So-sánh Phi-líp 1:12-14).
16. Đôi khi những người bắt bớ tín-đồ đấng Christ đã thay đổi thế nào?
16 Mỗi lần một nhân-chứng trung-thành của Đức Giê-hô-va chịu đựng sự bắt bớ với lòng nhịn-nhục thì điều đó càng làm cho Sa-tan bị hổ thẹn hơn bởi vì chứng tỏ hắn là kẻ nói dối. Hơn nữa, khi một người trước đi bắt bớ các nhân-chứng nhưng rồi sau lại trở thành một nhân-chứng của Đức Chúa Trời và của đấng Christ thì Ma-quỉ sẽ cảm thấy thất-bại nhục-nhã. Chẳng hạn hắn chắc chắn không vui lòng khi Sau-lơ người thành Tạt-sơ trước hăng-hái bắt bớ các tín-đồ đấng Christ sau lại trở thành một môn-đồ của Giê-su và đã hoạt-động tích-cực cho tin mừng mặc dù bị bắt bớ và khổ cực rất nhiều (II Cô-rinh-tô 11:23-27; I Ti-mô-thê 1:12-16).
17. Những nhân-chứng của Đức Giê-hô-va khi bị bắt bớ nên có thái-độ nào đối với những kẻ bắt bớ họ?
17 Vì vậy, thật quan-trọng khi các nhân-chứng của Đức Giê-hô-va bị bắt bớ thì họ nên có thái-độ đúng đối với những kẻ bắt bớ họ! Ê-tiên đã không căm thù đối với những kẻ đã bắt bớ ông. Thật vậy, ngay khi họ đang ném đá ông, ông đã quì xuống và trước khi chết ông “đã kêu lớn tiếng rằng: Lạy Chúa, xin đừng đổ tội này cho họ!” (Công-vụ các Sứ-đồ 7:57-60). Hơn nữa, Giê-su đã nói: “Hãy yêu kẻ thù-nghịch và cầu-nguyện cho kẻ bắt bớ các ngươi” (Ma-thi-ơ 5:44; Rô-ma 12:14; I Cô-rinh-tô 4:11-13).
Đấng Tạo-hóa sẽ không bỏ rơi chúng ta
18. Điều gì sẽ xảy ra khi Sa-tan mở cuộc tấn công cuối cùng trên dân-sự của Đức Giê-hô-va?
18 Chúng ta sống trong thời-kỳ khủng-hoảng nhất của lịch-sử nhân-loại. Đây là thời-kỳ thử-thách và sàng sảy cho những người tự xưng là tín-đồ đấng Christ (So-sánh Lu-ca 22:31, 32; I Phi-e-rơ 4:16, 17). Sa-tan còn rất ít thì giờ, và hắn đang chuẩn bị một cuộc tấn công cuối cùng trên dân-sự của Đức Giê-hô-va. Nhưng Đức Chúa Trời sẽ giúp dân Ngài chịu đựng sự bắt bớ với lòng nhịn-nhục và họ tất sẽ thắng. Một lần nữa, Sa-tan (tức Gót ở đất Ma-gốc) sẽ hoàn toàn bị thất-bại. Thêm vào đó, trong lúc che chở dân Ngài, Ngài cũng sẽ làm sáng danh Ngài và sẽ tỏ mình ra cho mọi dân biết và “chúng nó sẽ biết rằng Ngài là Đức Giê-hô-va”. Lại một lần nữa, đó cũng là điều ngược lại với ý muốn của Sa-tan (Ê-xê-chi-ên 38:14 đến 39:7; Khải-huyền 12:12).
19. Với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, các nhân-chứng Giê-hô-va bị bắt bớ sẽ làm gì?
19 Với tư-cách là nhân-chứng đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va, chúng ta biết rằng ý-định của Sa-tan là phá hủy mối liên-lạc của chúng ta đối với Đức Chúa Trời Toàn-năng. Tuy nhiên, nhờ ân-điển của Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ không hòa giải đức-tin. Ngược lại, chúng ta sẽ luôn luôn nhớ đến vấn-đề trọng-đại về quyền thống-trị vũ-trụ của Đức Giê-hô-va và sẽ cố gắng ủng-hộ Ngài luôn luôn. Với sự tin cậy nơi Nước Trời, chúng ta có thể vui mừng mặc dù bị bắt bớ. Chúng ta sẵn sàng vì đã chuẩn bị để nhịn-nhục trong sự bắt bớ vì chúng ta hoàn toàn tin cậy nơi Đấng “có thể làm trổi hơn vô cùng mọi việc chúng ta cầu xin hoặc suy tưởng” (Ê-phê-sô 3:20, 21).
20. Chúng ta có thể tin cậy gì nơi “Đấng Tạo-hóa thành-tín” của chúng ta?
20 Thế thì chúng ta hãy can đảm trước kẻ thù, giữ vững sự trung-thành hầu làm vinh-hiển Đức Chúa Trời và vì sự cứu-rỗi của chính chúng ta. Chúng ta hãy “trông đợi Đức Giê-hô-va và giữ theo đường Ngài” (Thi-thiên 37:34). Khi chúng ta nhịn-nhục trong sự bắt bớ, chúng ta sẽ biểu lộ thái-độ mà sứ-đồ Phi-e-rơ đã khuyến-khích như sau: “Vậy những kẻ chịu khổ theo ý-muốn Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh-hồn mình cho Đấng Tạo-hóa thành-tín.” (I Phi-e-rơ 4:19). “Đấng Tạo-hóa thành-tín” chắc chắn sẽ không bỏ rơi chúng ta. Trong sức mạnh Ngài, chúng ta có thể được vui mừng mặc dù bị bắt bớ và chúng ta có thể chịu đựng với lòng nhịn-nhục.
Câu hỏi đẻ ôn lại
□ Làm thế nào các nhân-chứng của Đức Giê-hô-va chuẩn bị cho sự bắt bớ?
□ Khi bị bắt bớ, tại sao cầu-nguyện là quan-trọng đến thế?
□ Làm thế nào “sự bình-an của Đức Chúa Trời” sẽ giúp chúng ta khi bị bắt bớ?
□ I Cô-rinh-tô 10:13 cho chúng ta sự an-ủi nào?
□ Nhân-chứng Giê-hô-va có thái-độ nào đối với những kẻ bắt bớ họ và tại sao vậy?
[Hình nơi trang 14]
Ê-tiên không ghét những kẻ bắt-bớ mình, và ngày nay Nhân-chứng Giê-hô-va không ghét những kẻ bắt-bớ họ. Vài kẻ bắt-bớ sau đó trở thành Nhân-chứng.