Bạn có thể sửa soạn bây giờ để đối phó với sự bắt bớ chăng?
“Nếu họ bắt-bớ ta, ắt cũng bắt-bớ các ngươi” (GIĂNG 15:20)
1, 2. Có vài chánh phủ dùng hành động bất ngờ nào chống lại các Nhân-chứng Giê-hô-va?
Hãy tưởng tượng một buổi sáng sớm, bạn còn đang ngái ngủ. Đầu óc bạn chưa tỉnh giấc hẳn để quyết định nên ngồi dậy liền hoặc nằm nán thêm chút nữa. Song trước tiên, bạn vặn máy truyền thanh để nghe tin tức sáng sớm. Bỗng nhiên, bạn giựt bắn người lên bởi lời thông cáo của phát ngôn viên: “Theo một điều lệnh của chánh phủ mới đưa ra, giáo phái mang danh Nhân-chứng Giê-hô-va đã bị cấm đoán khắp nước”. Không còn thì giờ thư thả cho bạn nữa!
2 Điều này, hoặc trường hợp tương tự, đã thật sự xảy ra đối với tín đồ đấng Christ trong vài xứ ngay trong thời hiện đại. Lắm khi người ta báo trước điều gì sẽ xảy ra. Song cũng có lúc lệnh cấm đến thình lình. Chúng ta sẽ ngạc nhiên chăng?
3. Vào năm 33 tây lịch, Giê-su đã có những kinh nghiệm khác hẳn nhau như thế nào?
3 Không đâu. Có những điều tương tự cũng đã xảy ra vào thế kỷ thứ nhất. Bạn nhớ thế nào Giê-su, vào đầu mùa xuân năm 33 tây lịch, đã cởi lừa vào thành Giê-ru-sa-lem. Dân chúng mừng ngài, họ trải áo ra trên đường ngài đi. Nhưng chỉ vài ngày sau đó chuyện gì xảy ra? Giê-su bị xử án trước mặt Phi-lát, và một đám đông dân trong thành đó đã la lối đòi giết ngài mà rằng: “Đóng đinh nó trên cây gỗ đi! Đóng đinh nó trên cây gỗ đi!” (Ma-thi-ơ 21:6-9; 27:22, 23, NW). Tình hình thay đổi thật bất ngờ!
4. Với tư cách là tín đồ của Giê-su, chúng ta phải chờ đợi sẽ bị đối xử thế nào?
4 Do đó chúng ta không nên ngạc nhiên nếu có vài nơi ngày nay tình hình thay đổi nhanh chóng và sự bắt bớ thình lình xảy ra. Nên nhớ, nếu ta thật tình là tín đồ của Christ, chúng ta biết trước là sẽ bị bắt bớ (Giăng 15:20). Điều này nhấn mạnh sự quan trọng của lời Giê-su: “Hãy tỉnh thức” (Ma-thi-ơ 24:42).
5. Các câu hỏi nào đáng để chúng ta suy xét?
5 Thế nào chúng ta có thể làm vậy? Có cách chi chúng ta có thể sửa soạn, trước khi nghịch cảnh xảy đến?
Hãy sửa soạn cho trí và lòng bạn
6, 7. a) Tại sao khó để sửa soạn về mặt thể chất cho sự bắt bớ? b) Sự sửa soạn trên phương diện gì là quan trọng hơn nhiều để đối phó với sự bắt bớ?
6 Khó mà sửa soạn về mặt thể chất cho sự bắt bớ vì chúng ta không biết sẽ gặp phải trường hợp gì. Chỉ khi sự cấm đoán thực sự xảy ra, bạn mới biết lệnh cấm sẽ nghiêm nhặt hay thả lỏng, và điều gì sẽ bị cấm. Có khi chỉ có sự cấm đi rao giảng từ nhà này sang nhà kia, hoặc cấm nhóm họp. Có khi tổ chức hợp pháp của các Nhân-chứng Giê-hô-va bị giải tán, hoặc một vài cá nhân bị cầm tù ngay. Chúng ta có thể nghĩ cách dấu các sách báo đạo khi cần. Song ngoài điều này ra, thường không thể làm gì nhiều hơn trong sự sửa soạn về mặt thể chất.
7 Tuy nhiên, bạn có thể sửa soạn cho trí và lòng bạn và điều này rất quan trọng hơn nhiều. Bạn nên buết rõ tại sao sự bắt bớ được cho phép và tại sao bạn có thẻ bị giải đến trước mặt nhà cầm quyền. Giê-su nói: “Vì cớ ta” (Ma-thi-ơ 10:16-19). Nếu tận đáy lòng bạn đã sửa soạn để luôn luôn trung thành dầu ở trường hợp nào, thì Đức Giê-hô-va có thể sẽ cho biết cách bạn nên cư xử khôn ngoan khi cần đến. Do đó, thế nào chúng ta có thể sửa soạn về mặt thiêng liêng để đối phó với sự bắt bớ?
Bạn đối xử với người khác như thế nào?
8. Tại sao Phao-lô có thể nói ông “chịu trong sự nhuốc-nha”?
8 Sứ đồ Phao-lô nói rằng: “Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu-đuối, nhuốc-nha, túng-ngặt, bắt-bớ, khốn-khó” (II Cô-rinh-tô 12:10). Phao-lô có thích thú gì khi bị mắng chửi nhuốc nha không? Lẽ dĩ nhiên là không. Nhưng sự bắt bớ thường kèm theo sự bôi nhọ, và nếu điều này đem lại sự vinh hiển cho danh của Đức Chúa Trời thì Phao-lô vui vẻ nhịn nhục.
9. Thế nào chúng ta có thể sửa soạn bây giờ để chịu” nhuốc-nha... vì đấng Christ”?
9 Cũng vậy, chúng ta có thể chắc chắn rằng sẽ có lúc phải gánh chịu điều “nhuốc-nha vì Đấng Christ”. Có thể chúng ta sẽ bị mắng chửi hoặc ngay cả bị đánh đập nữa. Chúng ta có nhịn nhục được không? Bạn nghĩ gì về chính bạn bây giờ? Bạn có tự cho mình là quan trọng và hành động nông nổi trước sự sỉ vả thật sự hoặc tưởng tượng không? Nếu vậy, tại sao không cố luyện “tính nhịn-nhục... mềm-mại và tiết-độ”? (Ga-la-ti 5:22, 23). Sự luyện tập như vậy tốt cho đời sống hiện nay của tín đồ đấng Christ và mai mốt có thể giúp bạn cứu mạng sống trong trường hợp bị bắt bớ.
Bạn coi công việc rao giảng như thế nào?
10. Khi công việc rao giảng bị cấm đoán, Kinh-thánh khuyến khích chúng ta có phản ứng thích hợp như thế nào?
10 Thường thường điều đầu tiên bị cấm đoán là việc công khai rao giảng “tin mừng”. Thế nhưng việc đi rao giảng và đào tạo môn đồ rất quan trọng trong thời kỳ sau rốt này. Vì nếu không, làm sao người ta học được về Nước Trời? Do đó, phản ứng thích hợp trước việc cấm đoán như vậy được bày tỏ bởi các sứ đồ khi những lãnh tụ Do-thái giáo định ngăn cấm công việc rao giảng (Công-vụ các Sứ-đồ 5:28, 29). Khi bị cấm đoán, có lẽ một vài cách trong công việc rao giảng không thể thực hiện được. Tuy nhiên công việc phải được tiến hành bằng cách này hay cách nọ. Bạn có sức mạnh để tiếp tục rao giảng trong khi phải chịu áp lực của sự bắt bớ chăng?
11, 12. Bạn có thể làm thế nào để xem có đủ sức lực cần thiết để tiếp tục rao giảng khi bị bắt bớ?
11 Bạn có quan điểm nào về công việc rao giảng bây giờ? Bạn có để những chướng ngại nhỏ nhen cản trở và làm bạn không đi rao giảng đều đều không? Nếu vậy, bạn sẽ hành động sao khi bị cấm đoán? Bây giờ bạn có sự sợ hãi trước người ta không? Bạn có sẵn sàng đi rao giảng từ nhà này sang nhà kia ngay trong đường phố bạn ở không? Bạn có sợ phải đi rao giảng một mình chăng? Tại vài xứ hai người đi rao giảng chung thường gây quá nhiều chú ý. Thế thì ở những nơi an toàn, tại sao bạn không thỉnh thoảng đi rao giảng một mình? Tập luyện trước sẽ tốt cho bạn.
12 Bạn có tham gia việc phát hành tạp chí ngoài đường phố không? Bạn có can đảm và sáng kiến để tự tạo cơ hội làm chứng khi có dịp tiện không? Bạn có hoạt động tại các khu vực thương mại chăng? Bạn có sợ hãi phải rao giảng cho những người giàu có hoặc uy thế không? Nếu bạn chỉ tham gia trong vài loại hoạt động trong công việc rao giảng thôi thì bạn sẽ ra sao khi bị bắt bớ, và loại hoạt động đó không có thể làm được nữa?
13. Bạn có thể làm gì bây giờ về thánh chức rao giảng hầu chuẩn bị tốt hơn cho việc rao giảng khi bị bắt bớ?
13 Bạn có nhận biết khuyết điểm mình trên vài phương diện không? Bây giờ là lúc để trau dồi những điểm đó. Hãy tập tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và trở nên người rao giảng có khả năng hơn. Nếu làm vậy bạn sẽ sẵn sàng hơn để đi rao giảng bây giờ và được sửa soạn tốt để bền chí khi mai kia bị bắt bớ.
Bạn có đáng tín cẩn không?
14, 15. a) Khi sự bắt bớ khởi phát, những tín đồ đấng Christ ở thê kỷ thứ nhất đã phải tỏ ra là hạng người như thế nào để có ảnh hưởng vững chãi? b) Thế nào tôi tớ hiện đại của Đức Giê-hô-va có thể trở nên mạnh trong đức tin như các tín đồ đó ở thế kỷ thứ nhất?
14 Khắp trong quyển Kinh-thánh phần viết bằng tiếng Hy lạp (Tân ước), nhiều người được đề cập tới như là cột trụ mạnh mẽ của hội-thánh chẳng hạn như Ô-nê-si-phô-rơ đã can đảm giúp đỡ Phao-lô khi ông bị ngồi tù tại Rô-ma (II Ti-mô-thê 1:16). Phê-bê được đề cử giúp việc vì bà đã làm việc tích cực trong hội-thánh Xen-cơ-rê (Rô-ma 16:1, 2). Những nam nữ tín đồ như vậy hẳn phải có ảnh hưởng vững chãi khi sự bắt bớ bùng nổ. Họ “tỉnh-thức, vững-vàng trong đức-tin, dốc chí trượng-phu và mạnh-mẽ” (I Cô-rinh-tô 16:13).
15 Tất cả tín đồ đấng Christ, nhất là các trưởng lão, phải cố sức làm tiến bộ và giống như các tín đồ đấng Christ mạnh mẽ thời xưa (I Ti-mô-thê 4:15). Tập giữ kín những chuyện mật và tập làm quyết định dựa trên nguyên tắc Kinh-thánh. Hãy tự luyện để nhận thức các đức tính tốt của các anh em khác để bạn sẽ biết ai đáng tín cẩn lúc bị áp lực. Với sức mạnh của Đức Giê-hô-va, hãy luyện tập để trở thành cột trụ của hội-thánh, là người giúp đỡ kẻ khác hơn là người luôn cần sự trợ giúp (Ga-la-ti 6:5).
Bạn giao thiệp hòa nhã với người khác như thế nào?
16, 17. Thế nào áp dụng Cô-lô-se 3:12, 13 bây giờ sẽ giúp bạn sửa soạn cho sự bắt bớ?
16 Sứ đồ Phao-lô khuyến khích chúng ta: “Hãy có lòng thương-xót. Hãy mặc lấy sự nhơn-từ, khiêm-nhượng, mềm-mại, nhịn-nhục nếu một người trong anh em có sự gì phàn-nàn với kẻ khác, thì hãy nhường-nhịn nhau và tha-thứ nhau” (Cô-lô-se 3:12, 13). Điều này có dễ dàng cho bạn không? Hay là sự bất toàn của kẻ khác làm bạn bực tức vô cớ? Bạn có dễ bị hờn mát hoặc thối chí không? Nếu vậy thì bạn có một phương diện khác cần phải sửa soạn.
17 Tại những xứ có cấm đoán các buổi nhóm họp, các tín đồ đấng Christ thường họp nhóm nhỏ đều đều. Trong trường hợp như vậy, các khuyết điểm họ càng bộc lộ rõ hơn nữa. Vậy thì tại sao bây giờ không tập chịu đựng những yếu kém của kẻ khác giống như các anh em hẳn đang nhẫn nhục trước các sự khiếm khuyết của bạn. Đừng nên chỉ trích kẻ khác, và như vậy làm họ nản lòng. Hơn nữa, nên luyện tập cho bạn và con cái bạn biết kính trọng tài sản của anh em khác khi tham dự buổi Học Cuốn Sách do hội-thánh tổ chức. Khi bị áp lực của sự bắt bớ, sự kính trọng tài sản như vậy sẽ tạo dây liên lạc hòa bình.
Bạn có hay hỏi han tò mò không?
18. Tại sao đôi khi chỉ biết những điều cần biết thôi là an toàn hơn?
18 Bởi bản năng, vài người trong chúng ta rất tò mò. Chúng ta không thể chịu sự kiện chẳng “biết gì hết”. Bạn có như vậy chăng? Nếy vậy hãy suy xét điều này: Nhiều lúc, khi công việc của các Nhân-chứng Giê-hô-va bị cấm đoán, nhà cầm quyền cố điều tra cách điều hành của tổ chức và tên của các giám thị có trách nhiệm. Nếu bạn là người biết rõ các điều đó, bạn có thể bị ép buộc để cung khai các chi tiết đó. Nếu bạn phải khai ra, công việc của các anh em bạn có thể bị thiệt hại nặng nề. Do đó nhiều khi chỉ biết những điều mình cần biết thôi là an toàn hơn và không nên cố tìm tòi biết thêm.
19. Điều gì bây giờ sẽ giúp đỡ bạn tránh tiết lộ những chuyện mật khi bị bắt bớ?
19 Bạn có thể luyện tập như vậy bây giờ không? Được chứ! Thí dụ như khi có một vụ ủy ban tư pháp xét xử trong hội-thánh, mọi người nên chỉ cần biết những điều mà các trưởng lão thấy thích hợp để tuyên bố, và bạn không nên hỏi han tò mò tìm hiểu thêm những chi tiết khác. Vợ con của trưởng lão không nên làm áp lực để đòi được biết những điều mật. Như vậy chúng ta sẽ tập không “chăm những sự vô-ích thôi” (II Tê-sa-lô-ni-ca 3:11).
Bạn có học hỏi Kinh-thánh đều đều không?
20, 21. Thế nào sự siêng năng học hỏi Kinh-thánh bây giờ sẽ giúp bạn khi công việc bị cấm đoán?
20 Kinh-thánh là căn bản cho sức khỏe thiêng liêng của tín đồ đấng Christ. Kinh-thánh giúp người anh em tìm câu trả lời của các câu hỏi thật quan trọng và biết đến sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời (II Ti-mô-thê 3:14-16). Tất cả tín đồ đấng Christ chấp nhận điều này trên nguyên tắc, song le Kinh-thánh có thật sự có vai trò quan trọng trong đời sống bạn không? Bạn có học hỏi Kinh-thánh đều đều và để Kinh-thánh hướng dẫn mọi điều bạn làm không? (Thi-thiên 119:105).
21 Thường thường, khi công việc bị cấm đoán thì các sách báo giúp hiểu Kinh-thánh cũng bị giới hạn khó đến tay chúng ta hơn. Lắm khi ngay cả Kinh-thánh nữa cũng khó tìm ra được. Trong trường hợp đó thánh-linh sẽ giúp bạn nhớ lại những điều học hỏi trong quá khứ. Nhưng thánh-linh sẽ không giúp nhớ lại những điều bạn không học qua! Do đó, bây giờ bạn càng học nhiều thì càng thâu thập để trữ trong lòng và trí bạn hầu thánh-linh sẽ giúp nhớ lại lúc cần (Mác 13:11).
Bạn có cầu nguyện không?
22. Thế nào “bền lòng mà cầu-nguyện” giúp ích trong việc sửa soạn cho sự bắt bớ?
22 Câu hỏi này rất quan trọng khi chúng ta nghĩ đến sự bắt bớ. Kinh-thánh khuyên nhủ: “Hãy bền lòng mà cầu-nguyện” (Rô-ma 12:12). Cầu nguyện là sự đàm thoại trực tiếp với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Qua lời cầu nguyện, chúng ta có thể xin thêm sức mạnh để chịu đựng khó khăn và làm quyết định đúng, cũng như thiết lập sự liên lạc cá nhân với Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Ngay khi kẻ chống đối có tịch thâu sách vở, Kinh-thánh, và giới hạn sự giao thiệp với các anh em khác, chúng không bao giờ có thể chiếm đoạt được đặc ân cầu nguyện của chúng ta. Trong nhà tù kiên cố nhất, người tín đồ đấng Christ vẫn có thể liên lạc với Đức Chúa Trời. Như vậy, tận dụng đặc ân cầu nguyện là cách rất tốt để sửa soạn cho bất cứ điều gì xảy ra trong tương lai.
Bạn có tin cậy uy quyền không?
23. Tại sao nên xây đắp sự tin cậy nơi các trưởng lão được bổ nhiệm và lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”?
23 Xây đắp sự tin cậy này cũng rất cần thiết. Các trưởng lão trong hội-thánh là sự sắp đặt Đức Chúa Trời cung cấp để che chở chúng ta. Trưởng lão nên hành động thích hợp để đáng nhận sự tín nhiệm và những người khác trong hội-thánh cần học biết tin cậy họ (Ê-sai 32:1, 2; Hê-bơ-rơ 13:7, 17). Càng quan trọng hơn, chúng ta cần phải học biết tin cậy lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” (Ma-thi-ơ 24:45-47).
24. Có thể làm gì để sửa soạn chống trả sự tấn công dối trá của kẻ thù dân sự Đức Giê-hô-va?
24 Kẻ thù có thể đồn lời nói dối về tổ chức của Đức Chúa Trời (I Ti-mô-thê 4:1, 2). Tại một xứ nọ, vài anh em bị gạt lầm tin rằng Ủy ban Lãnh đạo Trung ương của Nhân-chứng Giê-hô-va đã bỏ đạo đấng Christ, trong khi chỉ có mình họ vẫn trung thành theo đạo. Một cách tốt để phòng bị chống trả sự tấn công như vậy là xây đắp một lòng yêu thương mạnh mẽ đối với các anh em và học biết tin cậy nơi sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va (I Giăng 3:11).
Bạn có thể chiến thắng
25. Khi bị bắt bớ, điều chi sẽ giúp chúng ta chiến thắng?
25 Sứ đồ lớn tuổi là Giăng sau khi chịu đựng sự bắt bớ đã nói: “Vì hễ sự gì sanh bởi Đức Chúa Trời, thì thắng thế-gian; và sự thắng hơn thế-gian, ấy là đức-tin của chúng ta” (I Giăng 5:4). Bạn không thể chiến thắng với chính sức bạn. Sa-tan và thế gian nó mạnh hơn bạn. Nhưng chúng không mạnh bằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Do đó nếu vâng theo điều răn của Đức Chúa Trời, cầu xin thánh-linh Ngài giúp đỡ và tin cậy hoàn toàn nơi Ngài ban sức mạnh để chịu đựng, chúng ta có thể chiến thắng (Ha-ba-cúc 3:13, 18; Khải-huyền 15:2; I Cô-rinh-tô 15:57).
26. Dù cho bây giờ chưa bị bắt bớ, bạn cần nên làm gì?
26 Tại mọi nước đều có tín đồ đấng Christ bị bắt bớ, hoặc bởi người hôn phối chống đối hay bằng cách nào khác. Tại vài xứ tất cả tôi tớ của Đức Chúa Trời đang chịu khổ vì hành động của nhà cầm quyền địa phương. Dù cho ngay bây giờ bạn chưa nếm sự chống đối hay khó khăn bất thường, hãy nhớ rằng điều này có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Giê-su phán rằng sự bắt bớ tín đồ đấng Christ là phần của điềm chỉ về thời kỳ sau rốt, do đó chúng ta phải luôn luôn chờ đợi điều đó (Ma-thi-ơ 24:9). Vậy thì tại sao không sửa soạn trước ngay từ bây giờ? Hãy quyết tâm định rằng, dù cho sự gì xảy ra trong tương lai, hạnh kiểm bạn sẽ luôn mang sự khen ngợi cho Cha trên trời của bạn, là Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Châm-ngôn 27:11).
Bạn trả lời thế nào?
◻ Bạn có thể làm những sự sửa soạn thuộc loại nào cho sự bắt bớ?
◻ Bạn có thể làm gì bây giờ để phát triển sức mạnh cần thiết hầu tiếp tục rao giảng khi bị bắt bớ?
◻ Thế nào áp dụng Cô-lô-se 3:12, 13 bây giờ sẽ hữu ích khi sự bắt bớ xảy ra?
◻ Tại sao cần xây đắp sự tín nhiệm nơi các trưởng lão được bổ nhiệm và lớp người “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan”?
◻ Làm thế nào bạn có thể chiến thắng khi bị bắt bớ?