Bạn có thể vui hưởng một địa-đàng ngay bây giờ không?
Hiện nay có một địa-đàng trên trái đất này. Địa-đàng này ngày càng lan rộng ra và hàng triệu con người đang vui hưởng nó. Chính bạn cũng có thể được sống trong địa-đàng. Điều này có phải là một giấc mơ lý-tưởng nào đó không? Không đâu, bởi vì chúng ta không nói về một địa-đàng theo nghĩa thể-chất mà về một địa-đàng theo nghĩa thiêng-liêng.a
Có thể bạn sẽ hỏi: “Một địa-đàng theo nghĩa thiêng-liêng là sao?” Để nói một cách giản-dị dễ hiểu: Một tổ-chức gồm những tín-đồ đấng Christ đã biến-đổi nhân-cách mình hầu đáp-ứng các đòi hỏi của Đức Chúa Trời và đoàn-kết thờ phượng Ngài trong đạo thật có thể được xem là đang sống trong một địa-đàng thiêng-liêng.
Ở đâu trong Kinh-thánh nói về một tình-trạng thiêng-liêng tuyệt-diệu như thế? Có bằng chứng gì cho thấy là tình-trạng này có thật hiện nay?
Sói cùng với chiên con
Có một số lời tiên-tri trong Kinh-thánh đã tả đến những hoàn-cảnh làm ta nghĩ đến một địa-đàng. Nơi Ê-sai 11:6-9 có ghi những lời diễn tả về một cảnh địa-đàng đầy hoan-lạc như sau:
“Bấy giờ muông-sói sẽ ở với chiên con, beo nằm với dê con; bò con, sư-tử con với bò nuôi mập cùng chung một chỗ, một đứa con trẻ sẽ dắt chúng nó đi. Bò cái sẽ ăn với gấu; các con nhỏ chúng nó nằm chung; sư-tử ăn cỏ khô như bò. Trẻ con đương bú sẽ chơi kề ổ rắn hổ-mang, trẻ con thôi bú sẽ thò tay vào hang rắn lục. Nó chẳng làm hại, chẳng giết ai trong cả núi thánh của ta; vì thế-gian sẽ đầy-dẫy sự hiểu-biết Đức Giê-hô-va, như các dòng nước che-lấp biển”.
Thử tưởng tượng xem sống trong cảnh-trí yên tĩnh, trong sự thanh-bình tuyệt đối như được tả ở đây có phải thích thú biết bao không! Như thế những đặc-điểm của một địa-đàng vốn đã có tại vườn Ê-đen, nơi mà người và thú cùng chung sống trong sự hòa-hợp, sẽ được phục-hồi (Sáng-thế Ký 1:30; 2:8, 9, 19, 20). Những tín-đồ thật của đấng Christ khao khát trông chờ đến lúc được hưởng những ân-phước đó trong tương-lai, trên bình diện bao quát khắp mặt đất, dưới sự cai-trị là vị Vua Giê-su Christ. Sự trị-vì của ngài được nói đến ở Ê-sai 11:1-5, ngay trước những câu mà chúng ta vừa đọc ở trên. Nhưng những ân-phước chắc chắn sẽ được ban cho trong tương-lai dưới sự cai-trị của Nước Trời có phải là sự ứng-nghiệm duy nhứt của những lời tiên-tri của Ê-sai không?
Không, lời tiên-tri của Ê-sai có thể được xem như đã diễn tả những sự biến đổi trong nhân-cách của con người. Biến đổi như thế nào? Matthew Henry, một học-giả chuyên chú-giải Kinh-thánh sống vào thế-kỷ 18 đã giải-đáp như sau: “Những con người hung tợn, dã-man nhứt, những kẻ chuyên cắn xé, nuốt ngấu những gì ở gần họ, sẽ thấy tính tình mình thay đổi một cách lạ lùng... đến nỗi họ sẽ sống và yêu thương những kẻ yếu kém nhứt, những người mà trước đây là những miếng mồi ngon cho họ”.
Một chuyên-gia khác về Kinh-thánh là Joseph Benson, đã viết vào thế-kỷ 19 như sau: “Những con người cứng đầu, hung bạo và tàn ác sẽ biến đổi nhân-cách họ với sự rao truyền của phúc-âm và ân-sủng của đấng Christ tác-động trên con người họ khiến họ trở thành thật khiêm-tốn, hòa-nhã, dễ bảo; họ sẽ không quấy nhiễu và hà hiếp kẻ yếu thế và kẻ nghèo được đề-cập đến ở câu 4”.
Bạn hãy thử tưởng tượng điều ấy xem! Những con người từ bỏ tính tình hung hăng trước kia của mình để thay bằng những nhân-cách hiền-hòa, đầy yêu-thương! Không phải những người này mất đi cá-tính riêng biệt của họ. Ê-sai không nói là con sói trở thành chiên, đúng hơn ông nói chúng nó trở nên dịu hiền khiến nó ăn ở hòa-bình với con chiên.
Thế nên, thể theo lời tiên-tri của Ê-sai vừa nói, nhiều người trước kia đầy thú tính, đã từng lợi dụng hay giết hại đồng-loại mình, hoặc đã làm hại họ bằng cách nào khác, đã thay đổi tâm tính đến độ có thể chung sống hòa-bình với những người hiền như chiên. Khi một tình-trạng như thế có được giữa loài người thì những điều-kiện tuyệt diệu được gọi là một địa-đàng thiêng-liêng không phải là điều quá đáng vậy. Nhưng những lời tiên-tri của Ê-sai có được thực sự ứng-nghiệm hiện nay không?
Một địa-đàng thiêng-liêng—khi nào?
Một lời tiên-tri tương ứng trong sách Ê-sai giúp chúng ta xác-định khi nào hoàn-cảnh thiêng-liêng tốt đẹp trên bắt đầu được thực-hiện. Ở Ê-sai 2:2-4 có chép như sau:
“Sẽ xảy ra trong những ngày sau-rốt, núi của nhà Đức Giê-hô-va sẽ được lập vững trên đỉnh các núi, cao hơn các đồi. Mọi nước sẽ đổ về đó, nhiều dân-tộc sẽ đến... Bấy giờ họ sẽ lấy gươm rèn lưỡi-cày, lấy giáo rèn lưỡi-liềm. Nước này chẳng còn giá gươm lên nghịch cùng nước khác, người ta chẳng còn tập sự chiến-tranh”.
Xin chú ý ở đây cũng nói về một sự biến đổi tương-tự: những người trở nên hiếu hòa, và họ chứng tỏ điều này bằng cách “rèn gươm thành lưỡi cày”. Việc này bao giờ sẽ xảy ra? Lời tiên-tri giải đáp: “Trong những ngày sau-rốt”. Như tạp-chí Tháp Canh từng nhấn mạnh nhiều lần, hệ-thống mọi sự hiện tại đã bắt đầu những ngày sau-rốt của nó từ năm 1914. Bởi vậy, những lời được ghi ở Ê-sai 11:6-9 tất nhiên phải được thực-hiện vào thời-kỳ chúng ta ngày nay. Hiện nay tất nhiên phải đang có một tình-trạng thiêng-liêng sáng lạng! Nhưng ở đâu?
Làm cho nhân-cách thuần lại
Như lời tiên-tri của Ê-sai đã loan báo, nhiều người thành-thật sau khi học biết lẽ thật từ Kinh-thánh đã làm cho nhân-cách mình thuần đi, họ đã “biến-hóa bởi sự đổi mới của tâm-thần mình” và “mặc lấy người mới” (Rô-ma 12:2; Ê-phê-sô 4:23, 24). Hãy xem thí dụ sau đây:
Đa-vít là một thanh-niên lực-lưỡng thuở nhỏ lớn lên trong một nông trại thuộc tiểu-bang Minnesota, Hoa-kỳ. Anh kể lại: “Ba tôi luôn luôn bảo tôi hãy giải-quyết các sự xích-mích của tôi bằng quả đấm”, và anh đã trở thành một võ-sĩ quyền Anh hạng tài-tử. “Tôi không bao giờ quên câu nói của ba tôi: Không nên gây chuyện đánh nhau, nhưng hễ đã đánh nhau thì phải kết-thúc trong chiến thắng! Bởi lý do đó mà thường ít khi tôi hỏi han lôi thôi, tôi luôn luôn đánh liền. Tôi thật ra thích đánh người ta đau”.
Thí dụ, một tối nọ một người đàn ông lấy xe từ nơi đậu xe ra làm nghẽn lối khiến Đa-vít không ra xe được. Người ấy nhứt định không chịu dời đi chỗ khác. Đa-vít kể lại: “Tôi điên tiết lên đến độ muốn giết hắn”. Thế nên Đa-vít lôi người kia ra khỏi xe và đánh ông ta một trận đến bất tỉnh. Một kẻ hung dữ như thế có thể nào thay đổi được không?
Một hôm, trong khi anh đang thất nghiệp, Đa-vít đã gặp các Nhân-chứng Giê-hô-va. Thông-điệp của họ về một nền Trật-tự Mới công-bình sắp đến đã làm Đa-vít cảm xúc. Anh nói: “Ngay từ lúc đầu tôi đã tin là họ có lẽ thật”. Và khi Đa-vít tuần tự áp dụng trong đời sống những điều học hỏi được thì anh bắt đầu sửa đổi—anh bỏ không hút thuốc lá và cũng không dùng ma-túy nữa. Anh lại còn tiến bộ cả về phương diện kềm chế tánh hung dữ của mình.
Tuy nhiên vài tháng sau thì anh lại rơi vào chứng tật cũ. Khi ấy anh đang làm việc trong nghề xây cất và một buổi sáng nọ một đồng-nghiệp của Đa-vít quấy rầy anh. Đa-vít bảo anh nọ thôi đi nhưng anh này không chịu. Rồi chuyện gì xảy ra? Đa-vít giải-thích: “Tôi đấm anh ta mạnh đến nỗi tưởng anh ta chết dưới tay tôi. Anh ta bất tỉnh lối 20 phút. Tôi cảm thấy rất xấu hổ về hành-động tôi”.
Dầu vậy, dần dần Đa-vít biến cải được nhân-cách mình. Anh lại chịu một cuộc thử thách nữa về sau, khi anh đã trở thành một Nhân-chứng Giê-hô-va được vài năm. Hôm đó anh đi rao giảng từng nhà thì bị một người chủ nhà thóa mạ anh, rồi còn nắm lấy anh và xô xuống khỏi bực cửa. Anh Đa-vít không nói một lời và bỏ sang nhà kế tiếp. Nhưng người đàn ông kia vẫn còn giận dữ đuổi theo anh, hắn nhặt cái côn đánh dã-cầu và nện anh một cú phía dưới lưng. Đa-vít không phản ứng gì lại, dù trước đây anh là người rất hung dữ! Anh chỉ lặng lẽ bỏ đi. Thật là một sự thay đổi nhân-cách ngoạn mục phải không? Giờ đây, con “sói” ấy sống một cách thanh-bình cạnh các “chiên”; anh hiện phục-vụ với tư-cách là trưởng-lão và làm người rao giảng trọn thời-gian trong hội-thánh.
Đôi khi những người chứng-kiến được những sự thay đổi như thế thường cảm-phục đến độ cũng tự thay đổi con người mình nữa. Thí dụ có một thanh-niên khác, cũng tên Đa-vít, sau khi có dịp gặp lại một người bạn đã lâu ngày xa cách, đã có nhận-xét như sau: “Anh ấy không giống như xưa nữa. Tóc tai bây giờ đã hớt ngắn, nói năng đã hết thô-tục và không còn dùng ma-túy nữa. Anh đã trở nên một con người thật trong sạch. Tôi ngạc nhiên hết sức nên muốn tìm biết do đâu mà có sự thay đổi lạ lùng như thế”. Và rồi bạn của anh Đa-vít đã trở thành một Nhân-chứng Giê-hô-va. Cũng giống như anh Đa-vít, anh này cũng phải làm những thay đổi trong đời sống mình trước đó.
Những kinh-nghiệm như thế xảy ra không biết bao nhiêu lần tại hơn 48 ngàn hội-thánh của Nhân-chứng Giê-hô-va trên khắp thế-giới. Có lẽ chính bạn cũng có biết một hay nhiều Nhân-chứng Giê-hô-va đã thay đổi nếp sống mình một cách ngoạn-mục như thế.
Những người có dịp tham-dự các hội-nghị của Nhân-chứng Giê-hô-va thường nói đến không-khí thanh-bình tại các nơi ấy. Thí dụ một ký-giả của tờ “Nhật-báo Montréal” (Journal de Montréal) đã viết: “Tôi không phải là một Nhân-chứng (Giê-hô-va). Tuy nhiên, tôi chứng-nhận đã thấy các Nhân-chứng chứng tỏ cho ta thấy họ làm việc rất hữu hiệu và có hạnh-kiểm tốt... Nếu thế-gian chỉ có toàn là Nhân-chứng Giê-hô-va thì ta ban đêm khỏi cần phải cài then cửa hay gài chuông báo động”.
Tại xứ Mễ-tây-cơ có hai làng nọ thù-hằn nhau. Hai bên đã có một số dân thiệt mạng qua các cuộc chém giết lẫn nhau, và cảnh-sát cũng không sao chấm dứt sự thù-hằn này được. Rồi có một gia-đình bắt đầu học Kinh-thánh với các Nhân-chứng Giê-hô-va. Rồi nhiều gia-đình khác bán vũ-khí của mình đi để lấy tiền mua Kinh-thánh và học đạo. Không bao lâu dân hai làng nếm được sự vui mừng về bình-an và đoàn-kết của địa-đàng thiêng-liêng.
Tuy nhiên, các Nhân-chứng Giê-hô-va không tự cho là họ đã làm cho các điều nói ở Ê-sai 11:6-9 được thành-tựu. Không đâu, vì chỉ có một quyền-lực duy nhứt trong vũ-trụ có thể khiến con người thay đổi được một cách sâu rộng như thế. Quyền-lực ấy chính là thánh-linh của Đức Chúa Trời (Ga-la-ti 5:22, 23). Và Đức Chúa Trời sẵn lòng ban thánh-linh ấy cho ai thành tâm cầu xin và nguyện vâng theo các đòi hỏi của Ngài (Lu-ca 11:9-13; Công-vụ các Sứ-đồ 5:32).
Nhân-chứng Giê-hô-va cũng không cho mình là hoàn toàn. Họ cũng có những khó-khăn như mọi người khác, nhưng họ được Kinh-thánh giúp họ giải-quyết mỹ-mãn các khó-khăn đó (Thi-thiên 119:105). Họ cố gắng áp-dụng các nguyên-tắc của Kinh-thánh trong đời sống mình, mặc dầu đôi khi có thiếu sót (Rô-ma 3:23). Như thế bạn thấy là không dễ gì bứng đứt rễ những nét xấu đã ăn sâu vào nhân-cách con người. Tuy nhiên, với sự giúp đỡ của thánh-linh Đức Chúa Trời, những người có bản-tính thật dữ dằn cũng có thể dần dần thay đổi nhân-cách và bỏ những nết xấu.
Dù sao đi nữa, có một điều chắc chắn: thay vì sựnh dựt, bất hòa, và tà-dâm thường thấy trong xã-hội hiện nay, ta thấy có sự yêu thương, thanh-thản tâm-hồn và sự đoàn-kết ở giữa tập-thể các Nhân-chứng Giê-hô-va trên khắp thế-giới, chứng tỏ họ vui hưởng địa-đàng thiêng-liêng. Sự-kiện đó như cho ta nếm mùi trước về sự sống mai sau trên đất này của những con người hiền-hòa, trong một địa-đàng theo nghĩa đen, dưới sự cai-trị Một Ngàn Năm của Giê-su Christ (Lu-ca 23:43).
Tại sao bạn không tìm hiểu thêm nữa về địa-đàng? Hãy tìm hiểu xem tại sao các Nhân-chứng Giê-hô-va tương đối có được một đời sống thanh-bình, có được sự mãn-nguyện, sự đoàn-kết, hạnh-phúc, là những điều mà ta hay nghĩ đến khi nói đến địa-đàng. Hãy tìm hiểu xem bằng cách nào chính bạn cũng có thể vui hưởng một địa-đàng như thế, ngay bây giờ!
[Chú thích]
a Chữ “paradise” (nghĩa là “địa-đàng” trong Anh-ngữ) thoát thai từ chữ Hy-lạp para΄deisos có nghĩa là “vườn” (Sáng-thế Ký 2:8, Bản dịch Douay; Bản dịch Hy-lạp Septuagint; Lu-ca 23:43).
[Khung nơi trang 5]
NHỮNG LỜI TIÊN-TRI VỀ ĐỊA-ĐÀNG
Một số lời tiên-tri trong Kinh-thánh phần viết bằng tiếng Hê-bơ-rơ liên-quan đến địa-đàng đã được ứng-nghiệm rồi trong thời-đại chúng ta. Hãy xem một thí-dụ trong sách Ê-sai đoạn 35 nơi đó có chép là “đồng-vắng sẽ trổ hoa như bông hường”. Lời tiên-tri này đã ứng-nghiệm rồi trên bình-diện nhỏ khi dân Do-thái bị đi đày tại Ba-by-lôn đã được thả về vào năm 537 trước tây-lịch. Khi thấy dân này trở lại thờ phượng Ngài, Đức Chúa Trời rất vui dạ nên làm cho xứ Giu-đa là quê-hương họ được nở hoa trở lại và xứ này trở nên tươi tốt đến nỗi biến thành một địa-đàng được thu hẹp.
Nhưng nhiều điều cho thấy là lời tiên-tri ở Ê-sai 35 còn có một sự ứng-nghiệm về thiêng-liêng nữa. Tại sao chúng ta biết? Một lý-do là câu 5 và 6 có hứa rằng những kẻ mù, điếc, câm và què đều sẽ được chữa khỏi. Không có gì cho thấy là dân Do-thái hồi hương vào năm 537 trước tây-lịch đã thật sự được chữa khỏi các chứng tật trên. Bởi vậy, hiển nhiên là các lời trên phải được hiểu theo nghĩa thiêng-liêng—chẳng hạn như mắt họ được mở ra để thấy được ánh sáng tự-do tại xứ họ. Một cách tương-tự, hiện có một địa-đàng thiêng-liêng đang nở hoa giữa những người thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời, và lần này thì địa-đàng bao-quát trên khắp thế-giới.
Trong tương-lai gần, khi Đức Chúa Trời đã hủy diệt mọi sự ác khỏi mặt đất thì một “đám đông vô-số người” sống sót qua cơn đại-nạn và những người được sống lại sẽ được chữa lành về mặt thể-chất nữa. Nhờ sự hy-sinh làm giá chuộc của ngài, Giê-su Christ sẽ đem những người biết vâng lời đến sự hoàn-toàn, hầu họ có thể sống đời đời trong địa-đàng được tái-lập trên đất. Thế nên sự ứng-nghiệm về lời tiên-tri nơi Ê-sai 35 nay mai sẽ nới rộng ra khắp đất, và toàn thể trái đất sẽ trở thành địa-đàng theo nghĩa đen, tức là một vườn bao la đầy bình-an (Ê-sai 25:6-8; Khải-huyền 7:9; 21:3, 4).