Ai đã viết Kinh-thánh?
Những người hồ nghi thì nói: “Kinh-thánh chứa đầy những sự mâu thuẫn. Hơn nữa, Kinh-thánh chứa đựng triết lý loài người. Thế thì làm sao một người có thể chấp nhận Kinh-thánh như một sự chỉ dẫn đáng tin cậy cho đời sống?”
Bạn có đồng ý chăng với quan điểm hồ nghi này cho rằng Kinh-thánh chẳng qua chỉ là một cuốn sách phát biểu tư tưởng khiếm khuyết của loài người? Một số người trong giới chức giáo phẩm nghĩ vậy. Cố thần học gia Tin lành người Thụy sĩ là Karl Barth đã viết trong cuốn Kirchliche Dogmatik (Các giáo điều của Nhà thờ): “Ngay cả những nhà tiên tri và các sứ đồ cũng có thể lầm lẫn trong lời nói và lời viết”. Đành rằng có thể có vài sự khác biệt trong lối dùng từ ngữ khi nhiều người viết Kinh-thánh khác nhau kể lại cùng một biến cố. Và có thể có trường hợp một số lời tuyên bố khi thoạt nghe qua có vẻ hoàn toàn khác biệt với những lời tuyên bố nằm ở nơi khác trong Kinh-thánh. Nhưng có sự mâu thuẫn thật không? Phải chăng Kinh-thánh chỉ là một sản phẩm của loài người? Thật ra thì ai đã viết Kinh-thánh?
Câu trả lời giản dị là: “Người ta nói bởi Đức Chúa Trời”. Nhưng làm sao họ biết nói gì và viết gì? Sứ đồ Phi-e-rơ, người đã nói lời vừa kể, giải thích tiếp rằng “ấy là bởi [thánh linh] cảm-động” (II Phi-e-rơ 1:21).
Sự thật là rất nhiều lần Kinh-thánh tự xác nhận là “lời của Đức Chúa Trời”. Chỉ trong bài Thi-thiên 119, điểm này được nói đến 176 lần trong 176 câu! Điều này thật đầy ý nghĩa bởi vì các văn sĩ thường chú trọng đến việc khiến cho mọi người biết rằng chính họ đã viết ra một tác phẩm nào đó. Nhưng những người viết Kinh-thánh thì khác. Mọi sự vinh hạnh đều hướng về Đức Chúa Trời. Kinh-thánh là cuốn sách của Ngài, chứ không phải của họ (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13; II Sa-mu-ên 23:2).
“Bởi [thánh linh] cảm-động”—Thế nào?
Những người ấy đã nói “bởi [thánh linh] cảm-động” là thế nào? Một lá thư viết cho tín đồ Ti-mô-thê trong thế kỷ thứ nhất cung cấp lời giải đáp: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn”. “Bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn” được dịch từ chữ nguyên bản của Kinh-thánh viết bằng tiếng Hy-lạp, chữ the.o’pneu.stos, có nghĩa đen là “được Đức Chúa Trời hà hơi vào”. Đức Chúa Trời dùng sinh hoạt lực vô hình của Ngài—thánh linh Ngài—để “hà hơi vào” trí óc của những người viết, tức gợi ý tưởng của Ngài cho họ. Vậy thì Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Nguồn và Tác giả của Kinh-thánh. Các tư tưởng Ngài điều khiển việc viết Kinh-thánh cũng giống như một thương gia dùng một thư ký để viết thư cho ông (II Ti-mô-thê 3:16).
Khái niệm này là “được Đức Chúa Trời hà hơi vào” cũng tương đương với thành ngữ khác trong Kinh-thánh là “bởi [thánh linh] cảm-động”. Thế là thế nào? Trong tiếng Hy-lạp từ ngữ được dịch là “cảm-động” cũng được dịch là “đẩy đi” nói về các chiếc tàu di chuyển tùy theo chiều gió. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 27:15, 17). Vậy, một tàu buồm di chuyển theo luồng gió thổi thể nào, thì những người viết Kinh-thánh cũng suy nghĩ, nói và viết ra dưới ảnh hưởng của Đức Chúa Trời, bởi thánh linh Ngài cảm động khi Ngài “hà hơi” trên họ như thể ấy.
Những người được Đức Chúa Trời dùng để viết
Chúng ta chỉ biết rất ít chi tiết về đời tư của những người viết Kinh-thánh. Thay vì tự xem mình là thật quan trọng, họ luôn luôn cố gắng tôn vinh Đức Chúa Trời còn mình thì đứng phía sau. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng họ đã thuộc nhiều thành phần như viên chức cao cấp, thẩm phán, nhà tiên tri, vua chúa, người chăn chiên, nhà nông và người đánh cá—hết thảy độ 40 người. Vậy, dù Kinh-thánh là một thông điệp đến từ Đức Chúa Trời, sách này mang sắc thái nồng nàn, linh động và hấp dẫn đối với loài người.
Trong những người viết Kinh-thánh, nhiều người không biết nhau. Ngay cả họ sống cách nhau hằng thế kỷ và có bản tính và kinh nghiệm sống, cũng như môi trường xã hội và trình độ giáo dục cực kỳ khác nhau. Vậy mà, dù họ già hay trẻ, các văn tự của họ tỏ ra hợp nhất hoàn toàn. Họ đã viết trong một thời gian dài chừng 1.600 năm cho đến khi sau cùng cuốn sách được trọn bộ. Sau khi xem xét kỹ lưỡng bạn sẽ thấy những lời ghi trong Kinh-thánh thể hiện rõ một sự hòa hợp đáng kể. Vậy Kinh-thánh là sản phẩm của một Tác giả duy nhất, dù nhiều người đã được dùng để viết ra.
Điều này nên thúc đẩy chúng ta “càng giữ vững lấy [chú ý cách khác thường tới]” cuốn sách phi thường này là Kinh-thánh, phải không? Chúng ta nên đi tới cùng một kết luận với Phi-e-rơ, ông viết: “Chúng tôi càng tin lời các đấng tiên-tri chắc-chắn hơn, anh em nên chú-ý lời đó, như cái đèn soi-sáng trong nơi tối-tăm”, phải không? (Hê-bơ-rơ 2:1; II Phi-e-rơ 1:19).
Nhưng bây giờ, nói gì về lời một số người cho rằng Kinh-thánh tự mâu thuẫn? Kinh-thánh có tự mâu thuẫn không? Bạn trả lời sao?
[Khung nơi trang 4]
“Thật là một cuốn sách cao thượng làm sao! Nói đúng ra, không phải nội dung cuốn sách, nhưng điều lạ lùng đối với tôi chính là cách diễn đạt ý tưởng ở trong đó, khiến lời lẽ hầu như trở thành một sản phẩm thiên nhiên như một cái cây, như một cái hoa, như mặt biển, như ánh sao, như chính con người vậy. Kinh-thánh nẩy mầm, trổ hoa, lấp lánh, tươi cười, người ta không biết thế nào, người ta không biết tại sao, người ta nhận thấy mọi sự hoàn toàn tự nhiên. Kinh-thánh quả thật là Lời Đức Chúa Trời, trái ngược hẳn với các sách khác chỉ phô trương sự khôn ngoan của loài người mà thôi” (Lời bình luận về Kinh-thánh của thi sĩ và ký giả Heinrich Heine, người Đức trong thế kỷ 19).
[Hình nơi trang 4]
Những người viết Kinh-thánh viết «bởi thánh linh Đức Chúa Trời cảm động», giống tàu buồm di chuyển theo luồng gió thổi