Phải chăng hình tượng có thể đưa bạn đến gần Đức Chúa Trời hơn?
NGƯỜI TA thấy đầy hình tượng của Ai Cập, Ba-by-lôn, và Hy Lạp trong các bảo tàng viện ngày nay. Những hình tượng mà một thời được người ta nhiệt thành tôn sùng, bây giờ chỉ còn là những tác phẩm của nghệ thuật cổ điển mà thôi. Quyền năng của những hình tượng đó chỉ nằm trong trí tưởng tượng của những người đã tôn thờ chúng. Cuối cùng, khi những dân tộc tôn sùng chúng qua đời, quyền năng gán cho những hình tượng này cũng biến mất. Lúc ấy các hình tượng đó hiện nguyên hình ra là những vật bất lực. Thật ra chúng vẫn luôn luôn bất lực—đều là những vật bằng gỗ, bằng đá, bằng kim loại vô tri vô giác.
Còn những hình tượng đang được người ta tôn sùng và thờ phượng ngày nay thì sao? Những hình tượng này có nhiều uy quyền hơn những hình tượng của Ai Cập, Ba-by-lôn, và Hy Lạp không? Chúng có thật là những công cụ để giúp nhân loại đến gần Đức Chúa Trời hơn không?
Thời gian trôi qua, càng ngày người ta càng có vẻ lìa xa Đức Chúa Trời hơn. Vậy thì tất cả những hình tượng trên thế giới có thể giúp cho người ta lại gần Đức Chúa Trời không? Nếu không có ai trông nom, chúng sẽ bị bụi bám đầy và cuối cùng bị rỉ sét và mục nát đi mất. Chúng không thể tự trông nom lấy mình chứ đừng nói đến chuyện chúng có thể giúp người ta làm được việc gì. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là Kinh-thánh nói gì về việc này?
Tốn kém, công phu, nhưng vô dụng
Thật không có gì ngạc nhiên khi Kinh-thánh vạch trần hình tượng là những vật vô dụng và hoàn toàn không có khả năng giúp những người tôn sùng chúng đến gần Đức Chúa Trời hơn. Tuy hình tượng thường tốn kém và mất nhiều công phu, nhưng Kinh-thánh cho thấy giá trị thật sự của chúng khi nói: “Hình-tượng chúng nó bằng bạc bằng vàng, là công-việc tay người ta làm ra. Hình-tượng có miệng mà không nói; có mắt mà chẳng thấy; có tai mà không nghe; có lỗ mũi mà chẳng ngửi; có tay, nhưng không rờ-rẫm; có chơn, nào biết bước đi; cuống họng nó chẳng ra tiếng nào. Phàm kẻ nào làm hình-tượng, và nhờ-cậy nơi nó, đều giống-như nó” (Thi-thiên 115:4-8).
Không những Kinh-thánh chỉ vạch trần hình tượng là vô giá trị, Kinh-thánh còn lên án hình tượng và những người thờ phượng chúng: “Các thần ấy tiện như hình cây chà-là, không biết nói; không biết đi, nên phải khiêng. Đừng sợ các thần ấy, vì không có quyền làm họa hay làm phước. Người ta đều trở nên u-mê khờ-dại, thợ vàng xấu-hổ vì tượng chạm của mình; vì các tượng đúc chẳng qua là giả-dối, chẳng có hơi thở ở trong; chỉ là sự hư-vô, chỉ là đồ đánh lừa” (Giê-rê-mi 10:5, 14, 15).
Quan điểm của Công giáo
Đúng vậy, nhiều người cúi lạy, cầu nguyện và đốt nến thờ, và hôn những hình tượng không tự xem mình là những kẻ thờ hình tượng. Chẳng hạn, người Công giáo cho rằng họ tôn sùng hình tượng của Chúa Giê-su và Ma-ri, không phải vì chính những hình tượng đó có gì thiêng liêng, nhưng vì hình tượng đó đại diện cho đấng mà họ thờ. “Bách khoa Tự điển Thế giới” (The World Book Encyclopedia) nói rõ rằng “trong giáo hội Công giáo, hình tượng được tôn sùng như là những vật biểu hiệu cho các đấng mà chúng tượng trưng”. Giới chức giáo phẩm của Công giáo dạy rằng tôn sùng hình tượng là một điều hợp lẽ miễn là lòng tôn sùng đó ít hơn là lòng tôn sùng dành cho chính Đức Chúa Trời.
Sự thật là những hình tượng này đang được tôn sùng. Ngay cả cuốn “Tân Bách khoa Tự điển Công giáo” (New Catholic Encyclopedia) thú nhận sự tôn sùng đó là “một hành động của sự thờ phượng”. Tuy nhiên, Giê-su Christ cấm việc dùng hình tượng như là một phương tiện để giúp đỡ người ta đến gần Đức Chúa Trời. Ngài nói: “Chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha” (Giăng 14:6). Vì thế, không ai ngạc nhiên khi thấy những tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất không chấp nhận việc dùng hình tượng trong sự thờ phượng.
Tuy thế, ngày nay những đạo tự xưng theo đấng Christ có vô số hình tượng, nhiều hơn tất cả những đạo khác. Đúng vậy, bất kể mọi bằng chứng trong Kinh-thánh và của lịch sử phơi bày sự điên rồ của việc thờ hình tượng, những người tự cho mình là tín đồ đấng Christ trên toàn thế giới vẫn tiếp tục cúi lạy và cầu nguyện trước các hình tượng trong việc thành tâm tìm kiếm Đức Chúa Trời của họ. Tại sao vậy?
Bị kẻ thù lôi cuốn
Nhà tiên tri Ê-sai nói rõ rằng những kẻ thờ hình tượng vào thời ông không thấy được những hành động điên rồ của họ vì mắt họ “nhắm lại để đừng thấy, lòng họ lấp đi để đừng hiểu” (Ê-sai 44:18). Ai là người có thể che mắt loài người như thế? Hội đồng những người bài trừ thờ hình tượng vào năm 754 công nguyên tuyên bố rằng Sa-tan chủ mưu việc tôn sùng hình tượng với mục đích lôi cuốn người ta xây bỏ Đức Chúa Trời thật. Sự kết luận này có đúng không?
Đúng, vì sự kết luận này phù hợp với Kinh-thánh. Nhiều thế kỷ trước đó, Kinh-thánh cho biết rõ ràng kẻ thù chính của Đức Chúa Trời là Sa-tan Ma quỉ “đã làm mù lòng” người ta nên lẽ thật không “chói lói” ra được (II Cô-rinh-tô 4:4). Vì thế, khi tôn sùng hình tượng, thay vì đến gần Đức Chúa Trời, người ta thật ra hầu việc các quỉ (I Cô-rinh-tô 10:19, 20).
Đến gần Đức Chúa Trời hơn
Hình tượng không có thể giúp chúng ta đến gần Đức Chúa Trời hơn. Đấng Tạo hóa Vĩ đại là Giê-hô-va Đức Chúa Trời gớm ghiếc việc tôn sùng hình tượng (Phục-truyền Luật-lệ Ký 7:25). “Giê-hô-va là Đức Chúa Trời ghen” (Na-hum 1:2). Ngài nói: “Ta là Đức Giê-hô-va: ấy là danh ta. Ta chẳng nhường sự vinh-hiển ta cho một đấng nào khác, cũng không nhường sự tôn-trọng ta cho những tượng chạm” (Ê-sai 42:8). Vì vậy, Kinh-thánh cảnh cáo rằng những ai tôn sùng hình tượng sẽ “không được hưởng nước Đức Chúa Trời” (Ga-la-ti 5:19-21).
Tuy nhiên Đức Giê-hô-va cũng là một Đức Chúa Trời có lòng thương xót và sẵn lòng tha thứ. Kinh-thánh nói đến những người trước kia thờ hình tượng quay về với Đức Chúa Trời và được xưng là công bình sau khi bỏ sự thờ phượng hình tượng (I Cô-rinh-tô 6:9-11; I Tê-sa-lô-ni-ca 1:9). Họ lưu ý đến lời của Giê-su: “Đức Chúa Trời là Thần, nên ai thờ-lạy Ngài thì phải lấy tâm-thần và lẽ thật mà thờ-lạy” (Giăng 4:24).
Sốt sắng học hỏi Kinh-thánh sẽ cho thấy việc đến gần Đức Chúa Trời hơn không phải là một điều khó khăn (Công-vụ các Sứ-đồ 17:26-28). Ngài có đức tính niềm nở, yêu thương, và dễ cho người khác đến gần. Hơn nữa, Ngài mời mọc và mong mỏi chúng ta càng ngày càng có mối liên lạc mật thiết hơn với Ngài (Ê-sai 1:18).
Nhân-chứng Giê-hô-va mời bạn hãy tìm hiểu Cha trên trời của chúng ta thật rõ ràng và học biết về danh Ngài là Đức Giê-hô-va, và về những đức tính cùng những cách Ngài cư xử với nhân loại. Qua Lời của Ngài trong Kinh-thánh, bạn sẽ biết được tại sao mình không nhất thiết cần đến những vật thấy được như tượng, ảnh, để đến gần Đức Chúa Trời. Đúng vậy, “hãy đến gần Đức Chúa Trời, thì Ngài sẽ đến gần anh em” (Gia-cơ 4:8).
[Khung nơi trang 6]
Các sử gia nhận xét rằng...
◻ “Phật giáo được sáng lập vào thế kỷ thứ sáu trước công nguyên và nhiều người biết rằng hình tượng đầu tiên của Phật tổ chỉ xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ nhất công nguyên”.
“Qua nhiều thế kỷ, truyền thống của Ấn Độ giáo chủ yếu là không có hình tượng”.
“Cả Ấn Độ giáo lẫn Phật giáo khởi đầu không có hình tượng và chỉ từ từ chấp nhận hình tượng vào sự thờ phượng của họ. Các đạo Gia-tô cũng y như vậy” (“Bách khoa Tự điển Tôn giáo [The Encyclopedia of Religion], của Mircea Eliade).
◻ “Từ những câu chuyện trong Kinh-thánh, người ta thấy rõ ràng là sự thờ phượng thật của Đức Chúa Trời không có hình tượng... Cũng như trong Tân Ước, người ta cấm không được thờ những thần và hình tượng xa lạ” (“Tân Bách khoa Tự điển Công giáo” [New Catholic Encyclopedia]).
◻ “Những tín đồ đấng Christ thuở xưa không biết đến hình tượng trong sự thờ phượng” (“Bách khoa Tự điển Văn chương Giáo hội, Thần học và Kinh-thánh” [Cyclopedia of Biblical, Theological, and Ecclesiastical Literature], của McClintock và Strong).
◻ “Trong Tân Ước hay trong bất cứ tài liệu xác thực nào vào thời ban đầu của đạo thật đấng Christ, không ai có thể tìm thấy một dấu vết gì về việc dùng tượng hay hình ảnh trong việc thờ phượng của tín đồ đấng Christ, dù ở nơi công cộng hoặc ở nhà riêng của họ” (“Bách khoa Tự điển Giản lược về Kiến thức Tôn giáo [A Concise Cyclopedia of Religious Knowledge], của Elias Benjamin Sanford).
◻ “Những tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất sẽ rùng mình khiếp sợ nếu có người chỉ mới đề nghị là đặt hình tượng vào trong nhà thờ phượng, và họ xem việc cúi đầu lạy và cầu nguyện trước các hình tượng không khác gì việc thờ hình tượng” (“Lịch sử Giáo hội Tín đồ đấng Christ” [History of the Christian Church], của John Fletcher Hurst).
◻ “Họa hình đấng Christ và tôn sùng hình tượng của ngài và những thánh khác luôn luôn bị chống đối trong giáo hội vào thế kỷ thứ nhất” (“Tân Bách khoa Tự điển Anh Quốc” (The New Encyclopædia Britannica]).
◻ “Dù không ghét nghệ thuật, giáo hội vào thế kỷ thứ nhất không có hình tượng đấng Christ” (“Bách khoa Tự điển Kiến thức Tôn giáo của Schaff-Herzog” [Schaff-Herzog Encyclopedia of Religious Knowledge]).
[Hình nơi trang 7]
Giê-su nhấn mạnh rằng Đức Chúa Trời tìm kiếm những ai “lấy tâm thần và lẽ thật thờ lạy Cha”