Đức Giê-hô-va biết lẽ phải!
“Sự khôn ngoan từ trên... là... tính phải lẽ” (GIA-CƠ 3:17, NW).
1. Một số người mô tả Đức Chúa Trời như một Đấng hành động phi lý như thế nào, và bạn cảm thấy thế nào về quan điểm đó?
ĐỨC CHÚA TRỜI mà bạn thờ phượng là một Đấng như thế nào? Phải chăng bạn tin Ngài là một Đức Chúa Trời khắt khe, không uyển chuyển khi thi hành công lý, có tính nghiêm ngặt và cứng rắn? John Calvin, người theo phái cải cách tôn giáo của đạo Tin lành, nghĩ rằng Đức Chúa Trời chắc giống vậy. Ông cho rằng Đức Chúa Trời đã có một “sự sắp xếp vĩnh viễn và không thay đổi” cho mỗi cá nhân, định sẵn số phận của mỗi người là sẽ được sống hạnh phúc đời đời hay bị hành hạ vĩnh viễn trong lửa địa ngục. Hãy tưởng tượng là nếu điều này có thật thì dù bạn có cố gắng cách mấy để làm điều gì đi nữa, bạn cũng không thể thay đổi dự định cứng rắn mà Đức Chúa Trời đã có từ lâu về bạn và tương lai của bạn. Bạn có thích đến gần một Đức Chúa Trời hành động phi lý như vậy không? (So sánh Gia-cơ 4:8).
2, 3. a) Chúng ta có thể minh họa các cơ quan và tổ chức của loài người cứng rắn như thế nào? b) Sự hiện thấy của Ê-xê-chi-ên về chiếc xe của Đức Giê-hô-va ở trên trời cho thấy Ngài có khả năng thích nghi như thế nào?
2 Thật khoan khoái làm sao khi chúng ta biết Đức Chúa Trời của Kinh-thánh có tính phải lẽ xuất chúng! Vì bất toàn nên loài người chứ không phải Đức Chúa Trời có khuynh hướng nghiêm ngặt và không uyển chuyển. Các tổ chức của loài người có thể khó điều khiển như đoàn xe lửa chở hàng hóa. Khi đoàn xe lửa dài chở hàng hóa gặp một vật nằm chắn đường, nó không thể nào quẹo đi nơi khác được, và ngừng lại cũng không phải là dễ dàng. Vì đà quá mạnh nên sau khi thắng, có nhiều xe lửa vẫn còn chạy hơn một cây số trước khi ngừng lại! Tương tự như vậy, chiếc tàu chở dầu cực lớn có thể chạy thêm 8 cây số sau khi máy đã tắt. Ngay cả khi cài số lùi, chiếc tàu đó vẫn có thể chạy thêm 3 cây số nữa! Nhưng bây giờ chúng ta hãy xem xét một chiếc xe đáng kinh sợ hơn chiếc tàu chở dầu và đoàn xe lửa rất nhiều. Chiếc xe này tượng trưng cho tổ chức của Đức Chúa Trời.
3 Hơn 2.600 năm về trước, Đức Giê-hô-va cho nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên một sự hiện thấy mô tả tổ chức của Ngài ở trên trời gồm những tạo vật thần linh. Đó là một chiếc xe có kích thước đáng kinh sợ, “chiếc xe” của chính Đức Chúa Trời, luôn luôn ở dưới sự điều khiển của Ngài. Điều đặc biệt nhất là cách chiếc xe này di chuyển. Những bánh xe khổng lồ hướng về bốn phía và đầy những mắt nên có thể thấy mọi nơi và có thể thay đổi phương hướng ngay lập tức mà không phải ngừng hoặc quẹo. Và cái xe khổng lồ này không di chuyển một cách nặng nề như chiếc tàu chở dầu cực lớn hoặc một đoàn xe lửa chở hàng hóa. Chiếc xe đó có thể di chuyển nhanh như chớp nhoáng, lại còn có thể quẹo thẳng góc nữa! (Ê-xê-chi-ên 1:1, 14-28). Đức Giê-hô-va khác với Đức Chúa Trời mà ông Calvin giảng cũng như xe của Ngài khác với máy móc vụng về do loài người làm ra. Ngài hoàn toàn có khả năng thích nghi. Hiểu rõ khía cạnh này của nhân cách Đức Giê-hô-va giúp chúng ta tiếp tục có khả năng thích nghi và tránh cạm bẫy của sự cứng rắn không hợp lý.
Đức Giê-hô-va—Đấng có khả năng thích nghi nhất trong vũ trụ
4. a) Bằng cách nào chính danh của Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài có khả năng thích nghi? b) Một số danh hiệu dành cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời là gì, và tại sao những danh hiệu đó phù hợp với Ngài?
4 Chính danh của Đức Giê-hô-va ngụ ý Ngài có khả năng thích nghi. “Giê-hô-va” có nghĩa đen là “Đấng làm cho thành tựu”. Hiển nhiên, điều này có nghĩa là Đức Giê-hô-va làm cho mình trở thành Đấng thực hiện mọi lời Ngài hứa. Khi Môi-se xin Đức Chúa Trời cho biết danh của Ngài, Đức Giê-hô-va nói thêm chi tiết về ý nghĩa của danh Ngài như sau: “Ta sẽ chứng tỏ ta là Đấng mà ta sẽ chứng tỏ” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:14, NW). Bản dịch của Rotherham diễn tả lời này một cách rõ ràng: “Ta sẽ trở thành bất cứ thế nào ta muốn”. Tùy theo nhu cầu đòi hỏi, Đức Giê-hô-va chứng tỏ là Đấng thực hiện những ý định công bình và lời hứa của Ngài hoặc chọn trở thành Đấng đó. Vì vậy, Ngài có rất nhiều danh hiệu khác nhau chẳng hạn như Đấng Tạo hóa, Cha, Chúa Thống trị, Đấng Chăn giữ, Đức Giê-hô-va vạn quân, Đấng nghe lời cầu nguyện, Đấng Đoán xét, Đấng Dạy dỗ Vĩ đại và Đấng Cứu chuộc. Ngài đã làm mình trở thành tất cả các Đấng đó và nhiều hơn nữa để thi hành những ý định đầy yêu thương của Ngài (Ê-sai 8:13; 30:20; 40:28; 41:14; Thi-thiên 23:1; 65:2; 73:28; 89:26; Các Quan Xét 11:27; cũng xem New World Translation, Appendix 1J).
5. Tại sao chúng ta không nên kết luận rằng việc Đức Giê-hô-va có khả năng thích nghi ám chỉ bản tính và tiêu chuẩn của Ngài thay đổi?
5 Vậy thì phải chăng điều này có nghĩa là bản tính hay tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời có thay đổi? Không phải vậy vì Gia-cơ 1:17 nói: “Trong Ngài chẳng có một sự thay-đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến-cải nào”. Phải chăng ở đây có sự mâu thuẫn? Hoàn toàn không phải vậy. Thí dụ, bậc cha mẹ đầy yêu thương nào mà không thay đổi vai trò để đem lại lợi ích cho con cái? Nội trong một ngày, người cha hay mẹ có thể là một người sửa soạn cơm nước, trông nom việc nhà, sửa chữa xe cộ, khuyên bảo, dạy dỗ, sửa trị, làm bạn với con cái và nuôi dưỡng chúng, và danh sách này còn dài hơn nữa. Cha mẹ không thay đổi cá tính của mình khi nhận lãnh các vai trò đó; cha hoặc mẹ chỉ thích nghi với nhu cầu của lúc đó. Điều này cũng áp dụng cho Đức Giê-hô-va, nhưng trên phạm vi vĩ đại hơn nhiều. Ngài không có giới hạn trong việc tự làm mình trở thành một Đấng như thế nào đó để đem lại lợi ích cho các tạo vật của Ngài. Sự khôn ngoan của Ngài thật sâu xa làm sao! (Rô-ma 11:33).
Tính phải lẽ là một dấu hiệu đặc biệt của sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời
6. Nghĩa đen và ngụ ý của từ Hy Lạp mà Gia-cơ dùng để miêu tả sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời là gì?
6 Môn đồ Gia-cơ dùng một từ đặc biệt để miêu tả sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, là Đấng có khả năng thích nghi vượt bậc. Ông viết: “Sự khôn ngoan từ trên... là... tính phải lẽ” (Gia-cơ 3:17, NW). Từ Hy Lạp (e·pi·ei·kesʹ) mà ông dùng ở đây là một từ rất khó dịch. Các dịch giả đã dùng những từ như “dịu dàng”, “khoan dung”, “chịu đựng”, và “quan tâm tới người khác”. Bản dịch Kinh-thánh Thế giới Mới dịch từ này là “tính phải lẽ”, với lời chú thích cho thấy nghĩa đen là “uyển chuyển”.a Chữ này còn có nghĩa là không khăng khăng đòi người ta phải triệt để tôn trọng từng chữ trong điều luật, không nghiêm ngặt hoặc nghiêm khắc quá mức. Học giả William Barclay bình luận trong sách New Testament Words (Các từ trong Tân ước): “Điều sơ đẳng và căn bản về từ epieikeia là chữ này bắt nguồn từ Đức Chúa Trời. Nếu Đức Chúa Trời cứ nhất định là mình có quyền, nếu Ngài chỉ dùng những tiêu chuẩn cứng rắn của luật pháp mà đối xử với chúng ta, thì chúng ta sẽ ra sao? Đức Chúa Trời là gương tốt nhất về Đấng có tính epieikēs và là Đấng epieikeia khi cư xử với người khác”.
7. Trong vườn Ê-đen, Đức Chúa Trời chứng tỏ Ngài phải lẽ như thế nào?
7 Hãy xem xét lúc nhân loại nổi loạn chống lại sự thống trị của Đức Giê-hô-va. Đức Chúa Trời đã có thể dễ dàng xử tử ba kẻ vô ơn phản loạn là A-đam, Ê-va và Sa-tan! Làm như thế Ngài đã có thể tránh cho mình biết bao nỗi đau lòng! Và ai có thể biện luận là Ngài không có quyền thi hành triệt để công lý như thế? Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va không bao giờ để cho tổ chức giống như chiếc xe ở trên trời của Ngài bị mắc cứng vào tiêu chuẩn công lý và cứng rắn, không lay chuyển nào đó. Vì thế, chiếc xe đó đã không tàn nhẫn đè bẹp gia đình loài người và mọi triển vọng cho tương lai hạnh phúc của nhân loại. Ngược lại, Đức Giê-hô-va khéo léo điều khiển chiếc xe của mình một cách nhanh nhẹn như tia chớp. Ngay sau cuộc nổi loạn, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã phác thảo một mục tiêu lâu dài để cho tất cả con cháu của A-đam nhận được sự thương xót và hy vọng (Sáng-thế Ký 3:15).
8. a) Quan điểm sai lầm về tính phải lẽ của các đạo tự xưng theo đấng Christ trái ngược hẳn với tính phải lẽ thật sự của Đức Giê-hô-va như thế nào? b) Tại sao chúng ta có thể nói là việc Đức Giê-hô-va có tính phải lẽ không có nghĩa là Ngài có thể hòa giải những nguyên tắc của Ngài?
8 Tuy nhiên, việc Đức Giê-hô-va có tính biết điều không có nghĩa là Ngài có thể hòa giải những nguyên tắc của Ngài. Ngày nay, các giáo hội của các đạo tự xưng theo đấng Christ có thể nghĩ là họ biết điều khi nhắm mắt làm ngơ trước những sự vô luân chỉ vì họ muốn lấy lòng các con chiên bướng bỉnh của họ. (So sánh II Ti-mô-thê 4:3). Đức Giê-hô-va không bao giờ vi phạm những điều luật mà chính Ngài đặt ra hoặc hòa giải những nguyên tắc của Ngài. Đúng hơn, Ngài cho thấy Ngài sẵn sàng nhân nhượng, thích nghi với hoàn cảnh để những nguyên tắc đó có thể được áp dụng một cách vừa công bình và vừa nhân từ. Ngài rất lưu ý đến việc làm thế nào để thi hành công lý và sử dụng quyền hành cho được thăng bằng với sự yêu thương và khôn ngoan phải lẽ của Ngài. Chúng ta hãy xem xét ba cách mà Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài phải lẽ.
“Sẵn [sàng] tha-thứ”
9, 10. a) Việc “sẵn [sàng] tha-thứ” có liên quan gì đến tính phải lẽ? b) Nhờ được Đức Giê-hô-va sẵn sàng tha thứ, Đa-vít đã được ích lợi như thế nào, và tại sao?
9 Đa-vít viết: “Chúa Ôi! Chúa là thiện, sẵn [sàng] tha-thứ cho, ban sự nhơn-từ dư-dật cho những người kêu-cầu cùng Chúa” (Thi-thiên 86:5). Khi dịch phần Kinh-thánh tiếng Hê-bơ-rơ sang tiếng Hy Lạp, chữ “sẵn [sàng] tha-thứ” được dịch là e·pi·ei·kesʹ, hoặc “có tính biết điều”. Thật thế, sẵn sàng tha thứ và bày tỏ lòng thương xót có lẽ là một cách chính yếu để bày tỏ tính phải lẽ.
10 Chính Đa-vít biết rõ Đức Giê-hô-va phải lẽ thế nào về lãnh vực này. Khi Đa-vít phạm tội ngoại tình với Bát-Sê-ba và sắp đặt để chồng bà bị giết, thì ông và Bát-Sê-ba đúng lý phải chịu án tử hình (Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:22; II Sa-mu-ên 11:2-27). Nếu các quan tòa nghiêm khắc xử vụ này thì cả hai có lẽ đều bị xử tử rồi. Nhưng Đức Giê-hô-va bày tỏ tính phải lẽ (e·pi·ei·kesʹ), là từ mà Vine’s Expository Dictionary of Biblical Words (Tự điển giải nghĩa các từ trong Kinh-thánh) nói là “diễn tả sự quan tâm khi xem xét ‘các sự kiện của một vụ xét xử một cách nhân đạo và hợp lý’ ”. Những điều ảnh hưởng đến quyết định thương xót của Đức Giê-hô-va rất có thể bao gồm việc những người phạm tội thành thật ăn năn và việc chính Đa-vít trước kia đã bày tỏ lòng thương xót đối với người khác (I Sa-mu-ên 24:4-6; 25:32-35; 26:7-11; Ma-thi-ơ 5:7; Gia-cơ 2:13). Tuy nhiên, điều hợp lý là Đức Giê-hô-va sửa trị Đa-vít để phù hợp với lời miêu tả của Ngài về chính mình trong Xuất Ê-díp-tô Ký 34:4-7. Ngài sai nhà tiên tri Na-than đến trách Đa-vít nặng nề, giúp Đa-vít hiểu rõ là ông đã khinh thường lời của Đức Giê-hô-va. Đa-vít ăn năn và vì thế đã không chết vì tội đã phạm (II Sa-mu-ên 12:1-14).
11. Trong trường hợp của Ma-na-se, Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài sẵn sàng tha thứ như thế nào?
11 Về lãnh vực này, gương vua Ma-na-se của xứ Giu-đa lại còn đặc biệt hơn vì không như Đa-vít, Ma-na-se đã từ lâu là một người rất độc ác. Ma-na-se cổ võ những thực hành tôn giáo ghê tởm trong xứ, kể cả việc giết người để tế thần. Ông cũng có thể là người chịu trách nhiệm về việc nhà tiên tri trung thành Ê-sai bị “cưa-xẻ” (Hê-bơ-rơ 11:37). Để trừng phạt Ma-na-se, Đức Giê-hô-va cho phép người ta bắt ông đi lưu đày ở Ba-by-lôn. Tuy nhiên, Ma-na-se ăn năn ở trong tù và nài xin được thương xót. Để đáp lại sự thành tâm ăn năn đó, Đức Giê-hô-va “sẵn [sàng] tha-thứ”, ngay cả trong trường hợp có tội nặng đặc biệt này (II Sử-ký 33:9-13).
Thay đổi đường lối hành động khi hoàn cảnh thay đổi
12, 13. a) Trong trường hợp của thành Ni-ni-ve, sự thay đổi nào đã khiến Đức Giê-hô-va thay đổi đường lối hành động của Ngài? b) Giô-na cho thấy mình thiếu tính biết điều hơn Giê-hô-va Đức Chúa Trời như thế nào?
12 Khi hoàn cảnh thay đổi, Đức Giê-hô-va cũng bày tỏ tính phải lẽ trong việc sẵn sàng thay đổi đường lối hành động đã dự định từ trước. Thí dụ, khi nhà tiên tri Giô-na đi qua các đường phố của thành Ni-ni-ve xưa, ông rao giảng thông điệp rất giản dị của Đức Chúa Trời: Còn 40 ngày nữa thành phố to lớn này sẽ bị hủy diệt. Tuy nhiên, hoàn cảnh đã thay đổi một cách đột ngột! Dân chúng ở thành Ni-ni-ve đã ăn năn (Giô-na, đoạn 3).
13 Chúng ta học hỏi được nhiều khi đối chiếu cách Đức Giê-hô-va và Giô-na phản ứng trước biến chuyển này. Trên thực tế, Đức Giê-hô-va đã thay đổi đường hướng chiếc xe ở trên trời của Ngài. Trong trường hợp này, Ngài đã thích nghi với hoàn cảnh, khiến mình trở thành Đấng tha tội thay vì một “chiến-sĩ” (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:3). Ngược lại, Giô-na ít uyển chuyển hơn nhiều. Thay vì giữ cùng vận tốc với chiếc xe của Đức Giê-hô-va, ông hành động gần giống như đoàn xe lửa chở hàng hóa hay chiếc tàu chở dầu cực lớn nói ở đầu bài. Ông tuyên bố có sự hủy diệt, thì phải có sự hủy diệt! Có lẽ ông cảm thấy bất cứ một sự thay đổi nào về đường lối hoạt động sẽ làm ông bị mất sĩ diện đối với dân thành Ni-ni-ve. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời đã kiên nhẫn dạy nhà tiên tri cứng đầu một bài học làm ông nhớ mãi về tính phải lẽ và thương xót (Giô-na, đoạn 4)
14. Tại sao Đức Giê-hô-va thay đổi đường lối hành động đối với nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên?
14 Đức Giê-hô-va đã thay đổi đường lối hành động vào những dịp khác—ngay cả trong những vấn đề tương đối không quan trọng. Thí dụ, có một lần Đức Giê-hô-va bảo nhà tiên tri Ê-xê-chi-ên phải diễn một màn kịch có tính cách tiên tri và lời chỉ dẫn của Ngài gồm cả chỉ thị là Ê-xê-chi-ên phải dùng phân người để chụm lửa khi nấu ăn. Điều này thật quá sức chịu đựng của nhà tiên tri nên ông kêu lên: “Ôi! Hỡi Chúa Giê-hô-va” và xin Ngài đừng bắt ông phải làm điều mà ông cảm thấy ghê tởm. Đức Giê-hô-va đã không coi ý kiến của nhà tiên tri là phi lý. Thay vì thế, Ngài cho phép Ê-xê-chi-ên dùng phân bò, một nguồn nhiên liệu thông thường được dùng tại nhiều xứ từ xưa đến nay (Ê-xê-chi-ên 4:12-15).
15. a) Những thí dụ nào cho thấy Đức Giê-hô-va đã sẵn sàng nghe và nhận lời nài xin của loài người? b) Điều này dạy chúng ta bài học nào?
15 Phải chăng chúng ta cảm thấy ấm lòng khi suy gẫm về sự khiêm nhường của Giê-hô-va Đức Chúa Trời? (Thi-thiên 18:35). Ngài có địa vị cao hơn chúng ta rất nhiều; tuy nhiên Ngài kiên nhẫn lắng nghe những người bất toàn và đôi khi lại còn thay đổi đường lối của mình cho phù hợp với hoàn cảnh của họ. Ngài cho phép Áp-ra-ham nài nỉ một hồi lâu với Ngài để đừng hủy diệt thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ (Sáng-thế Ký 18:23-33). Và Ngài để cho Môi-se phản đối dự định của Ngài là hủy diệt dân Y-sơ-ra-ên phản loạn và để thay thế họ, Ngài sẽ làm cho Môi-se thành một dân tộc hùng mạnh (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:7-14; Phục-truyền Luật-lệ Ký 9:14, 19; so sánh A-mốt 7:1-6). Do đó, Ngài cho các tôi tớ một gương hoàn toàn và họ cũng nên bắt chước Ngài tỏ ra sẵn sàng nghe lời người khác khi thấy có lý và có thể được. (So sánh Gia-cơ 1:19).
Biết điều trong việc sử dụng uy quyền
16. Trong cách sử dụng uy quyền, Đức Giê-hô-va khác hẳn nhiều người như thế nào?
16 Phải chăng bạn đã từng thấy khi người ta có thêm uy quyền, nhiều người có vẻ trở nên ít biết điều hơn? Trái lại, Đức Giê-hô-va có vị thế cao nhất trong vũ trụ, nhưng Ngài là gương tối thượng về tính phải lẽ. Cách Ngài sử dụng uy quyền là hoàn toàn phải lẽ. Khác hẳn nhiều người, Đức Giê-hô-va không lo sợ mất uy quyền của mình nên Ngài không cảm thấy phải lo lắng bảo vệ uy quyền—làm như việc cho người khác một số quyền có thể bằng cách này hay cách khác đe dọa uy quyền của chính Ngài. Thực tế là lúc cả vũ trụ chỉ có một thần linh khác, Đức Giê-hô-va đã ban cho đấng đó rất nhiều uy quyền. Ngài lập Ngôi Lời làm “thợ cái”, và từ đó trở đi, mọi vật được tạo nên nhờ người Con yêu quí này (Châm-ngôn 8:22, 29-31; Giăng 1:1-3, 14; Cô-lô-se 1:15-17). Sau đó, Ngài giao cho Con “hết cả quyền-phép ở trên trời và dưới đất” (Ma-thi-ơ 28:18; Giăng 5:22).
17, 18. a) Tại sao Đức Giê-hô-va sai thiên sứ đến thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ? b) Tại sao Đức Giê-hô-va mời các thiên sứ cho biết ý kiến về cách dụ A-háp?
17 Tương tự như vậy, Đức Giê-hô-va giao phó cho nhiều tạo vật của Ngài những công việc mà Ngài có thể tự mình làm tốt hơn. Thí dụ, khi Ngài phán cùng Áp-ra-ham: “Ta muốn ngự xuống [thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ] để xem-xét chúng nó ăn-ở như tiếng đã kêu thấu đến ta chăng”, Ngài không có ý nói là Ngài sẽ đích thân đến đó. Thay vì thế, Đức Giê-hô-va quyết định ủy quyền và chỉ định các thiên sứ thu thập tin tức đó cho Ngài. Ngài cho họ quyền thi hành nhiệm vụ tìm hiểu thực tế và báo cáo lại cho Ngài (Sáng-thế Ký 18:1-3, 20-22).
18 Vào một dịp khác, khi Đức Giê-hô-va quyết định trừng phạt Vua A-háp độc ác, Ngài mời các thiên sứ tại một buổi hội nghị ở trên trời cho biết ý kiến về cách “dụ” ông vua bội đạo đó tham dự cuộc chiến để kết liễu đời hắn. Hiển nhiên, Đức Giê-hô-va, Nguồn của mọi sự khôn ngoan, đã không cần ai giúp đỡ để tìm ra đường lối hành động tốt nhất! Tuy nhiên, Ngài xem trọng các thiên sứ bằng cách ban cho họ đặc ân được đưa ra những giải pháp và quyền thi hành giải pháp mà Ngài chọn (I Các Vua 22:19-22).
19. a) Tại sao Đức Giê-hô-va hạn chế con số những luật lệ mà Ngài đặt ra? b) Trong những điều Ngài đòi hỏi nơi chúng ta, Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài biết lẽ phải như thế nào?
19 Đức Giê-hô-va không dùng uy quyền của mình để cai trị người khác một cách thái quá. Về việc này, không ai bày tỏ tính phải lẽ như Ngài. Ngài cẩn thận hạn chế con số những luật lệ mà Ngài đặt ra và cấm tôi tớ Ngài không được “vượt qua lời đã chép” bằng cách tự đặt thêm những luật lệ đè nặng người khác (I Cô-rinh-tô 4:6; Công-vụ các Sứ-đồ 15:28; đối chiếu Ma-thi-ơ 23:4). Ngài không bao giờ đòi hỏi các tạo vật của Ngài vâng lời một cách mù quáng, nhưng Ngài thường cho họ đầy đủ tin tức để hướng dẫn họ và đặt trước mặt họ sự lựa chọn, cho họ biết lợi ích của việc vâng lời và hậu quả của việc không vâng lời (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19, 20). Ngài tìm cách động vào lòng người ta thay vì ép buộc họ bằng những cách làm họ cảm thấy tội lỗi, tủi hổ, hoặc sợ hãi. Ngài muốn người ta phục vụ Ngài vì lòng yêu thương thật thay vì bị ép buộc (II Cô-rinh-tô 9:7). Tất cả việc phục vụ hết linh hồn làm Đức Giê-hô-va vui lòng. Điều này cho thấy Ngài không “khó tánh” một cách vô lý (I Phi-e-rơ 2:18; Châm-ngôn 27:11; so sánh Mi-chê 6:8).
20. Tính phải lẽ của Đức Giê-hô-va ảnh hưởng đến bạn thế nào?
20 Phải chăng việc Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Đấng có quyền năng hơn bất cứ ai trong các tạo vật, không bao giờ sử dụng quyền năng một cách vô lý, không bao giờ dùng quyền lực của mình để cưỡng bách người khác, là một điều rất đặc biệt? Tuy nhiên, loài người thật nhỏ bé so với Ngài, xưa nay lại có tiếng là hà hiếp lẫn nhau (Truyền-đạo 8:9). Thật rõ ràng, tính phải lẽ là một đức tính quí báu khiến chúng ta càng yêu mến Đức Giê-hô-va nhiều hơn nữa. Thế rồi điều này có thể thúc đẩy chúng ta cũng muốn vun trồng đức tính đó nữa. Chúng ta có thể làm thế bằng cách nào? Bài tới sẽ thảo luận về vấn đề này.
[Chú thích]
a Năm 1769, nhà soạn tự điển là John Parkhurst định nghĩa chữ đó là “uyển chuyển, có tâm tính mềm mại, dịu dàng, hòa nhã, kiên nhẫn”. Các nhà học giả khác cũng định nghĩa chữ đó là “uyển chuyển”.
Bạn sẽ trả lời thế nào?
◻ Danh Đức Giê-hô-va và xe của Ngài trên trời trong sự hiện thấy cho thấy rõ Ngài có khả năng thích nghi như thế nào?
◻ Tính phải lẽ là gì, và tại sao đức tính đó là dấu hiệu của sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời?
◻ Bằng những cách nào Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài “sẵn [sàng] tha thứ”?
◻ Tại sao Đức Giê-hô-va quyết định thay đổi đường lối hành động mà Ngài đã dự định trong một vài trường hợp?
◻ Trong cách Ngài sử dụng uy quyền, Đức Giê-hô-va cho thấy Ngài biết lẽ phải như thế nào?
[Hình nơi trang 9]
Tại sao Đức Giê-hô-va tha thứ vua Ma-na-se độc ác?