Hãy vun trồng tính phải lẽ
“Hãy cho mọi người đều biết [tính phải lẽ] của anh em. Chúa đã gần rồi” (PHI-LÍP 4:5).
1. Tại sao ăn ở phải lẽ trong thế gian ngày nay là cả một sự thử thách?
“NGƯỜI phải lẽ”—nhà báo người Anh là Sir Alan Patrick Herbert nói rằng nhân vật này chỉ có trong chuyện hoang đường mà thôi. Thật ra, đôi khi ta cảm thấy dường như không còn người nào biết điều trong thế gian hỗn loạn này. Kinh-thánh nói tiên tri rằng trong “ngày sau-rốt” khó khăn này, người ta sẽ “dữ-tợn”, “hay nóng-giận” và “khó hòa-thuận”—nói cách khác là không biết điều chút nào (II Ti-mô-thê 3:1-5). Tuy nhiên, tín đồ thật của đấng Christ rất quí trọng tính phải lẽ, biết rằng đó là một đặc điểm của sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời (Gia-cơ 3:17). Chúng ta không nghĩ rằng ăn ở phải lẽ trong một thế gian không biết điều là chuyện không thể nào làm được. Thay vì thế, chúng ta hết lòng nhận lời kêu gọi của sứ đồ Phao-lô trong lời khuyên được soi dẫn của ông nơi Phi-líp 4:5: “Hãy cho mọi người đều biết [tính phải lẽ] của anh em”.
2. Làm sao lời của sứ đồ Phao-lô nơi Phi-líp 4:5 giúp chúng ta nhận định xem chúng ta có tính phải lẽ hay không?
2 Hãy lưu ý làm thế nào lời của Phao-lô giúp chúng ta thử xem mình có tính phải lẽ hay không. Vấn đề không phải là chúng ta tự xem mình thế nào; nhưng vấn đề là người khác xem chúng ta thế nào, chúng ta có tiếng tăm ra sao. Một bản dịch khác (Phillips) nói như sau: “Hãy có tiếng là người biết điều”. Mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: ‘Người ta biết tôi là người như thế nào? Tôi có tiếng tốt là một người biết điều, mềm mại và dịu dàng không? Hay tôi có tiếng là một người cứng rắn, gay gắt hay bướng bỉnh’?
3. a) Từ ngữ Hy Lạp dịch là “phải lẽ” có nghĩa gì, và tại sao đức tính này lại hấp dẫn? b) Làm sao một tín đồ đấng Christ có thể học ăn ở phải lẽ hơn?
3 Danh tiếng của chúng ta về vấn đề này sẽ trực tiếp phản ảnh chúng ta bắt chước Giê-su Christ đến mức độ nào (I Cô-rinh-tô 11:1). Khi ngài ở trên đất, Giê-su phản ảnh một cách hoàn toàn gương mẫu tuyệt hảo của Cha ngài về tính phải lẽ (Giăng 14:9). Thật ra, khi Phao-lô viết về “sự nhu-mì, nhơn-từ của Đấng Christ”, từ ngữ Hy Lạp mà ông dùng đây cho sự nhân từ (e·pi·ei·kiʹas) cũng có nghĩa “sự phải lẽ” hay, theo nghĩa đen, “sự mềm dẻo” (II Cô-rinh-tô 10:1). Sách The Expositor’s Bible Commentary (Người diễn giải bình luận Kinh-thánh) gọi từ này là “một trong những chữ hay nhất trong Tân Ước dùng để diễn tả tính nết”. Chữ này miêu tả một đức tính hấp dẫn đến nỗi một học giả dịch từ này là “sự phải lẽ quí hóa”. Vậy, chúng ta hãy xem xét ba cách mà Giê-su, giống như Cha ngài là Đức Giê-hô-va, bày tỏ tính phải lẽ. Làm thế, chúng ta có thể học làm sao chính chúng ta có thể ăn ở phải lẽ hơn (I Phi-e-rơ 2:21).
“Sẵn [sàng] tha-thứ”
4. Giê-su chứng tỏ ngài “sẵn [sàng] tha-thứ” như thế nào?
4 Giống như Cha ngài, Giê-su chứng tỏ ngài biết điều bằng cách “sẵn tha-thứ” lần này qua lần khác (Thi-thiên 86:5). Hãy xem xét trường hợp của Phi-e-rơ, bạn hữu của Giê-su, khi ông chối ngài ba lần vào đêm ngài bị bắt và đem ra xử. Chính Giê-su đã nói trước đó: “Còn ai chối ta trước mặt thiên-hạ, thì ta cũng sẽ chối họ trước mặt Cha ta” (Ma-thi-ơ 10:33). Giê-su có áp dụng luật này cho Phi-e-rơ một cách cứng rắn và không chút thương xót hay không? Không; vì sau khi Giê-su sống lại, ngài đích thân đến thăm Phi-e-rơ, chắc hẳn để an ủi và trấn an sứ đồ hối tiếc và đau lòng này (Lu-ca 24:34; I Cô-rinh-tô 15:5). Ít lâu sau đó, Giê-su cho phép Phi-e-rơ có trách nhiệm lớn lao (Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-41). Đây là gương mẫu bậc nhất về tính phải lẽ quí hóa! Thật là một niềm an ủi xiết bao khi biết rằng Đức Giê-hô-va đã bổ nhiệm Chúa Giê-su lên làm Đấng Phán xét nhân loại, phải không? (Ê-sai 11:1-4; Giăng 5:22).
5. a) Các trưởng lão nên có danh tiếng nào trong vòng bầy chiên? b) Các trưởng lão có thể xem lại tài liệu nào trước khi đảm nhận một vụ xét xử, và tại sao?
5 Khi các trưởng lão thi hành công việc phán xét trong hội thánh, họ hết sức cố gắng noi theo gương mẫu của Giê-su về tính phải lẽ. Họ không muốn bầy chiên phải sợ họ vì là người trừng phạt. Thay vì thế, họ cố gắng bắt chước Giê-su, như vậy bầy chiên sẽ cảm thấy an toàn vì có người chăn đầy lòng yêu thương. Trong các vụ xét xử, họ tìm mọi cách để cư xử phải lẽ, sẵn sàng tha thứ. Trước khi đảm nhận một việc như thế, một số trưởng lão thấy điều hữu ích là xem lại tờ Tháp Canh số ra ngày 1-4-1993, có các bài “Đức Giê-hô-va, ‘Đấng Xét-đoán không tây-vị ai’ ” và “Hỡi các trưởng lão, hãy xét xử công bình”. Như vậy, họ ghi nhớ qui tắc căn bản về cách Đức Giê-hô-va xét xử: “Cứng rắn khi cần, thương xót khi có thể được”. Bày tỏ sự thương xót khi phán xét không phải là sai nếu có lý do tốt để làm thế (Ma-thi-ơ 12:7). Hành động một cách gay gắt hay thiếu lòng thương xót là một lỗi rất nặng (Ê-xê-chi-ên 34:4). Như vậy, các trưởng lão sẽ tránh làm lỗi bằng cách tích cực tìm kiếm đường lối yêu thương và thương xót nhất có thể được và đồng thời thi hành sự công bằng. (So sánh Ma-thi-ơ 23:23; Gia-cơ 2:13).
Biết uyển chuyển khi đối phó với những tình thế hay thay đổi
6. Giê-su bày tỏ tính phải lẽ thế nào đối với người đàn bà dân ngoại có con gái bị quỉ ám?
6 Giống như Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su chứng tỏ ngài biết nhanh chóng đổi hướng hay thích nghi với những tình thế mới. Có lần nọ một người đàn bà dân ngoại nài xin ngài chữa lành con gái bị quỉ ám dữ dội. Qua ba cách khác nhau, lúc đầu Giê-su cho thấy ngài sẽ không giúp bà—trước nhất, bằng cách không đáp lời bà; thứ nhì, bằng cách nói thẳng thắn rằng ngài được sai đi, không phải đến dân ngoại, nhưng đến người Do Thái; và thứ ba, bằng cách cho một lời ví dụ để minh họa cùng ý kiến này một cách dịu dàng. Tuy nhiên, bà này tỏ ra kiên trì trong mọi sự đó, chứng minh bà có đức tin lạ thường. Xét thấy hoàn cảnh đặc biệt này, Giê-su nhận thức rằng đây không phải là lúc để thực thi một luật tổng quát; đây là lúc phải uyển chuyển để đáp ứng với những nguyên tắc cao cả hơn.a Như vậy, Giê-su đã làm chính điều mà ba lần ngài nói mình sẽ không làm. Ngài chữa lành bệnh cho con gái bà này! (Ma-thi-ơ 15:21-28).
7. Các bậc cha mẹ có thể tỏ ra biết điều qua những cách nào, và tại sao?
7 Tương tự thế, người ta có biết chúng ta là một người sẵn sàng uyển chuyển khi thích hợp không? Các bậc cha mẹ thường phải tỏ ra biết điều như vậy. Vì mỗi đứa trẻ có tính khác nhau nên những phương pháp thành công với đứa này có thể sẽ không thích hợp cho đứa kia. Hơn nữa, khi con cái lớn lên, các nhu cầu của chúng thay đổi. Các bậc cha mẹ có nên điều chỉnh giờ ấn định cho con cái phải về nhà chăng? Phải chăng buổi học gia đình sẽ hữu ích hơn nếu theo một thể thức linh động hơn? Khi người cha hay mẹ phản ứng quá lố trước một lỗi lầm ít nghiêm trọng, họ có sẵn sàng tỏ ra khiêm nhường và sửa chữa tình thế không? Các bậc cha mẹ tỏ ra mềm mại qua những cách thể ấy sẽ tránh chọc giận con cái mình một cách không cần thiết, để không khiến chúng xa cách Đức Giê-hô-va (Ê-phê-sô 6:4).
8. Các trưởng lão trong hội thánh có thể dẫn đầu trong việc thích nghi với các nhu cầu trong khu vực như thế nào?
8 Cũng vậy, các trưởng lão phải thích nghi với những tình thế mới, đồng thời không bao giờ hòa giải những luật lệ rõ ràng của Đức Chúa Trời. Trong khi giám sát công việc rao giảng, bạn có mau mắn nhận thức những sự thay đổi trong khu vực chăng? Khi nếp sống của những người trong khu vực thay đổi, có lẽ nên khuyến khích việc rao giảng buổi chiều tối, rao giảng ngoài đường phố hay bằng điện thoại. Biết uyển chuyển như thế sẽ giúp chúng ta thi hành sứ mạng rao giảng một cách hữu hiệu hơn (Ma-thi-ơ 28:19, 20; I Cô-rinh-tô 9:26). Phao-lô cũng đặc biệt chú tâm vào việc thích nghi với mọi loại người trong thánh chức của ông. Chúng ta có làm điều này, thí dụ bằng cách học biết qua về các tôn giáo và văn hóa địa phương để có thể giúp người ta không? (I Cô-rinh-tô 9:19-23).
9. Tại sao một trưởng lão không nên khăng khăng muốn đối phó với các vấn đề y như anh đã làm trong quá khứ?
9 Trong khi các ngày sau rốt ngày càng trở nên khó khăn hơn, những người chăn chiên có lẽ cần phải thích nghi với những vấn đề rắc rối phức tạp và không hay mà bầy chiên phải đối phó (II Ti-mô-thê 3:1). Hỡi các trưởng lão, đây không phải là lúc để tỏ ra cứng rắn! Chắc chắn một trưởng lão sẽ không khăng khăng muốn đối phó với một vấn đề y như anh đã làm trong quá khứ nếu như các phương pháp ấy giờ đây đã trở nên vô hiệu hoặc “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” đã thấy cần phải xuất bản tài liệu mới liên quan đến những vấn đề thể ấy. (Ma-thi-ơ 24:45; so sánh Truyền-đạo 7:10; I Cô-rinh-tô 7:31). Một trưởng lão trung thành đã thành thật cố gắng giúp một chị bị chán nản đang cần một người lắng tai nghe. Tuy nhiên, anh coi thường vấn đề chán nản của chị và đề nghị những giải pháp quá ư là giản dị. Rồi Hội Tháp Canh xuất bản tài liệu dựa trên Kinh-thánh liên quan đến chính vấn đề của chị. Anh trưởng lão đích thân đến nói chuyện với chị một lần nữa, và lần này anh áp dụng tài liệu mới và tỏ ra thông cảm với cảnh ngộ của chị. (So sánh I Tê-sa-lô-ni-ca 5:14, 15). Thật là một gương mẫu xuất sắc về tính biết điều!
10. a) Các trưởng lão nên bày tỏ một thái độ nhường nhịn nhau và đối với toàn thể hội đồng trưởng lão như thế nào? b) Hội đồng trưởng lão nên xem những người tỏ vẻ không biết điều như thế nào?
10 Các trưởng lão cũng cần bày tỏ một thái độ nhường nhịn nhau. Khi hội đồng trưởng lão nhóm lại, thật quan trọng thay là không một trưởng lão nào chi phối phiên họp! (Lu-ca 9:48). Người chủ tọa đặc biệt phải tự kiềm chế về phương diện này. Và khi một hay hai trưởng lão không đồng ý với sự quyết định của cả hội đồng trưởng lão, họ sẽ không khăng khăng đòi mọi điều phải làm theo ý mình. Thay vì thế, nếu không có nguyên tắc nào trong Kinh-thánh bị vi phạm, họ sẽ nhân nhượng, nhớ rằng các trưởng lão phải có tính biết điều (I Ti-mô-thê 3:2, 3). Mặt khác, hội đồng trưởng lão nên nhớ rằng Phao-lô sửa trị hội thánh tại Cô-rinh-tô vì họ đã ‘dung-chịu những kẻ không biết điều’, những kẻ tự cho mình là “các sứ đồ... tôn-trọng” (II Cô-rinh-tô 11:5, 19, 20). Vậy họ nên sẵn lòng khuyên nhủ anh trưởng lão nào hành động một cách bướng bỉnh và không phải lẽ, nhưng chính họ nên cho lời khuyên một cách mềm mại và nhân từ (Ga-la-ti 6:1).
Biết điều trong việc hành quyền
11. Có sự khác biệt gì về cách hành quyền giữa các nhà lãnh đạo Do Thái giáo và Giê-su?
11 Khi Giê-su ở trên đất, tính phải lẽ của ngài được tỏ rõ qua cách ngài dùng quyền hành do Đức Chúa Trời ban cho. Ngài thật khác biệt làm sao so với các nhà lãnh đạo tôn giáo vào thời ấy! Hãy xem một thí dụ. Luật pháp của Đức Chúa Trời quy định rằng không ai được làm việc, ngay cả lượm củi, trong ngày Sa-bát (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:10; Dân-số Ký 15:32-36). Các nhà lãnh đạo tôn giáo muốn kiểm soát một cách tỉ mỉ làm sao dân chúng áp dụng luật này. Vậy họ tự ý ra luật định rõ những gì một người có thể nhấc lên vào ngày Sa-bát. Họ quy định: không được nhấc lên cái gì nặng hơn hai trái vả khô. Họ còn ra lệnh cấm mang dép đóng bằng đinh, nói rằng nhấc lên mấy cái đinh đó giống như làm việc vậy! Người ta nói rằng tổng cộng, các thầy đạo Do Thái thêm 39 luật lệ vào luật của Đức Chúa Trời về ngày Sa-bát và sau đó không ngừng thêm chi tiết vào các luật đó. Ngược lại, Giê-su không tìm cách kiểm soát người ta bằng cách làm họ cảm thấy hổ thẹn, đặt ra vô số luật lệ bó buộc hay lập những tiêu chuẩn cứng rắn mà không ai có thể theo được (Ma-thi-ơ 23:2-4; Giăng 7:47-49).
12. Tại sao chúng ta có thể nói rằng Giê-su không lưỡng lự liên quan đến các tiêu chuẩn công bình của Đức Giê-hô-va?
12 Như vậy, phải chăng chúng ta nên kết luận rằng Giê-su không ủng hộ chặt chẽ các tiêu chuẩn công bình của Đức Chúa Trời? Chắc chắn ngài có ủng hộ! Ngài ý thức rằng luật pháp sẽ hữu hiệu nhất khi người ta hiểu rõ nguyên tắc nằm đằng sau các luật lệ đó. Trong khi người Pha-ri-si cứ lo cố gắng kiểm soát người ta qua vô số luật lệ, Giê-su tìm cách động đến lòng người ta. Thí dụ, ngài biết rõ rằng đối với những luật của Đức Chúa Trời như “hãy tránh sự dâm-dục”, thì không thể nào nhân nhượng được (I Cô-rinh-tô 6:18). Vậy Giê-su cảnh cáo người ta về những ý tưởng có thể dẫn đến sự vô luân (Ma-thi-ơ 5:28). Sự dạy dỗ thể ấy đòi hỏi phải có sự khôn ngoan và thông sáng rất nhiều hơn là chỉ giản dị đặt ra những luật lệ cứng rắn một cách máy móc.
13. a) Tại sao các trưởng lão nên tránh lập những luật lệ cứng rắn? b) Coi trọng lương tâm của người khác là quan trọng trong những lãnh vực nào?
13 Ngày nay, các anh có trách nhiệm cũng không thiếu chú ý đến việc động vào lòng người khác. Do đó họ tránh đặt ra những luật lệ độc đoán, cứng rắn hoặc biến những quan điểm hay ý kiến riêng của mình thành luật lệ. (So sánh Đa-ni-ên 6:7-16). Thỉnh thoảng, những lời nhắc nhở dịu dàng về cách ăn mặc chải chuốt có thể tỏ ra thích đáng và hợp thời, nhưng một anh trưởng lão có thể gây hại cho danh tiếng mình là một người biết điều nếu như anh ta cứ nói đi nói lại về những vấn đề này hoặc cố gắng ép buộc người khác phải theo những gì thật ra chỉ là sở thích riêng của mình. Đúng thế, mọi người trong hội thánh nên tránh cố gắng kiểm soát người khác. (So sánh II Cô-rinh-tô 1:24; Phi-líp 2:12).
14. Giê-su cho thấy ngài có thăng bằng trong những gì ngài chờ đợi người khác phải làm như thế nào?
14 Các trưởng lão có lẽ nên tự kiểm điểm về một vấn đề khác nữa: ‘Tôi có tỏ ra thăng bằng trong những gì tôi chờ đợi người khác phải làm không?’ Giê-su chắc chắn có thăng bằng. Ngài luôn luôn cho các môn đồ thấy rằng ngài không đòi hỏi gì hơn là họ cố gắng hết lòng và ngài quí trọng những cố gắng này rất nhiều. Ngài khen bà góa nghèo nàn vì đã đóng góp mấy đồng tiền ít giá trị (Mác 12:42, 43). Ngài quở trách các môn đồ khi họ chỉ trích món đóng góp đắt tiền của Ma-ri, và nói: “Hãy để mặc người... Người đã làm điều mình có thể làm được” (Mác 14:6, 8). Ngài giữ thăng bằng ngay khi môn đồ làm ngài thất vọng. Thí dụ, ngay dù ngài khuyên ba môn đồ thân cận nhất nên tỉnh thức và canh chừng với ngài vào đêm ngài bị bắt, họ làm ngài buồn lòng bằng cách ngủ gật mấy lần. Tuy nhiên, ngài tỏ lòng thông cảm và nói: “Tâm-thần thì muốn lắm, mà xác-thịt thì yếu-đuối” (Mác 14:34-38).
15, 16. a) Tại sao các trưởng lão phải cẩn thận không áp bức hay bắt nạt bầy chiên? b) Điều gì xảy ra khiến một chị trung thành thay đổi thái độ của chị?
15 Đành rằng Giê-su khuyến khích môn đồ nên ‘gắng sức’ (Lu-ca 13:24). Nhưng ngài chẳng bao giờ ép buộc họ làm thế! Ngài khích lệ họ, đặt gương mẫu, dẫn đầu và tìm cách động vào lòng họ. Ngài tin cậy nơi quyền lực của thánh linh Đức Giê-hô-va để thúc đẩy họ thêm. Ngày nay, các trưởng lão cũng nên khuyến khích bầy chiên phụng sự Đức Giê-hô-va hết lòng, nhưng nên tránh bắt nạt họ, làm họ cảm thấy mắc tội hay hổ thẹn, ám chỉ rằng thánh chức họ thiếu sót về một phương diện nào đó hay không thể chấp nhận được. Một phương pháp cứng rắn, bắt người ta phải “làm thêm, làm thêm, làm thêm!” có thể làm nản lòng những người đang làm hết sức mình rồi. Thật buồn thay nếu một anh trưởng lão có tiếng là người “khó tính”—khác hẳn với tính phải lẽ! (I Phi-e-rơ 2:18).
16 Mỗi người chúng ta phải tỏ ra thăng bằng liên quan đến những gì chúng ta chờ đợi người khác phải làm! Sau khi bỏ việc làm giáo sĩ để chăm sóc cho người mẹ bị bệnh, một chị viết: “Thời buổi này thật khó khăn cho các người công bố trong hội thánh. Trước kia, khi chúng tôi làm công việc giám thị vòng quanh và địa hạt, chúng tôi được che chở khỏi nhiều áp lực như thế, nhưng đột nhiên chúng tôi phải đau lòng khám phá ra sự kiện này. Thí dụ, hồi trước tôi thường nghĩ, ‘Tại sao chị đó không trình bày đúng sách báo cho tháng này? Chị không đọc tờ Thánh chức Nước Trời sao?’ Bây giờ thì tôi biết tại sao rồi. Đối với một số người, họ phải cố gắng hết sức mới đi rao giảng được”. Thật tốt hơn biết bao để khen ngợi anh em mình về những gì họ làm được thay vì xét đoán họ về những gì họ không làm!
17. Giê-su để lại một gương mẫu về tính phải lẽ như thế nào?
17 Hãy xem một thí dụ chót về cách Giê-su hành quyền một cách phải lẽ. Giống như Cha ngài, Giê-su không cố khư khư giữ quyền hành của ngài cho riêng mình. Ngài cũng biết rõ làm sao ủy quyền, bổ nhiệm lớp đầy tớ trung tín để chăm lo cho “cả gia-tài mình” ở trên đất (Ma-thi-ơ 24:45-47). Và ngài không sợ nghe ý kiến của người khác. Ngài thường hỏi thính giả: “Các ngươi nghĩ thể nào?” (Ma-thi-ơ 17:25; 18:12; 21:28; 22:42). Trong vòng tín đồ đấng Christ ngày nay cũng nên làm như vậy. Bất kể họ có quyền hành đến đâu, điều này không nên cản trở họ lắng nghe người khác. Các bậc cha mẹ, hãy lắng nghe! Các người làm chồng, hãy lắng nghe! Các trưởng lão, hãy lắng nghe!
18. a) Làm sao chúng ta có thể biết nếu chúng ta có tiếng là một người biết điều? b) Điều tốt là tất cả chúng ta quyết tâm làm gì?
18 Chắc chắn mỗi người chúng ta muốn ‘có tiếng là người biết điều’ (Phi-líp 4:5, Phillips). Nhưng làm sao chúng ta có thể biết mình có tiếng như thế? Khi Giê-su muốn biết người ta nói gì về ngài, ngài hỏi môn đồ tín cẩn (Ma-thi-ơ 16:13). Tại sao không theo gương của ngài? Bạn có thể hỏi một người mà bạn biết sẽ nói thẳng thắn nếu như bạn có tiếng là một người biết điều, mềm mại hay không. Chắc chắn mỗi người chúng ta có thể cố gắng theo sát hơn gương mẫu hoàn toàn của Giê-su về tính biết điều! Đặc biệt nếu chúng ta có ít nhiều quyền hành trên người khác, chúng ta hãy luôn luôn noi theo gương mẫu của Đức Giê-hô-va và Giê-su, luôn luôn hành quyền một cách phải lẽ, sẵn sàng tha thứ, tỏ ra uyển chuyển hay mềm mại khi thích hợp. Thật vậy, mong sao mỗi người chúng ta cố gắng hết mình để tỏ ra “biết điều”! (Tít 3:2, NW).
[Chú thích]
a Cuốn sách New Testament Words (Các từ trong Tân Ước) bình luận: “Một người có tính epieikēs [biết điều] hiểu rằng có khi một điều nào đó có thể hoàn toàn đúng về mặt tư pháp nhưng lại hoàn toàn sai về mặt luân lý. Người có tính epieikēs biết khi nào phải co giãn luật pháp trước sự thúc đẩy của một quyền lực còn lớn hơn và cao cả hơn luật pháp”.
Bạn trả lời ra sao?
◻ Tại sao tín đồ đấng Christ muốn ăn ở phải lẽ
◻ Các trưởng lão có thể bắt chước Giê-su và sẵn sàng tha thứ như thế nào?
◻ Tại sao chúng ta nên cố gắng tỏ ra uyển chuyển như Giê-su?
◻ Làm sao chúng ta có thể bày tỏ tính biết điều trong việc hành quyền?
◻ Làm sao chúng ta có thể tự kiểm điểm để nhận định xem chúng ta có thật sự biết điều hay không?
[Hình nơi trang 14]
Giê-su sẵn sàng tha thứ người biết ăn năn là Phi-e-rơ
[Hình nơi trang 15]
Khi một người đàn bà chứng tỏ có đức tin lạ thường, Giê-su nhận thấy lúc đó không phải lúc để thực thi một luật tổng quát
[Hình nơi trang 17]
Các bậc cha mẹ hãy lắng nghe!
[Hình nơi trang 17]
Các người làm chồng hãy lắng nghe!
[Hình nơi trang 17]
Các trưởng lão hãy lắng nghe!