“Nhà cầu-nguyện của muôn dân”
“Há chẳng có lời chép: Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu-nguyện của muôn dân hay sao?” (MÁC 11:17).
1. A-đam và Ê-va lúc đầu đã có được mối liên lạc nào với Đức Chúa Trời?
KHI A-đam và Ê-va được tạo ra, họ có mối liên lạc mật thiết với Cha họ trên trời. Giê-hô-va Đức Chúa Trời thông tri với họ và nêu ra ý định tuyệt diệu của ngài đối với nhân loại. Chắc chắn họ thường thốt lên lời tán tụng Đức Giê-hô-va về những công trình sáng tạo mỹ lệ của ngài. Nếu A-đam và Ê-va cần sự hướng dẫn khi nghĩ đến vai trò làm cha mẹ tương lai của gia đình nhân loại, hẳn họ đã có thể nói chuyện cùng Đức Chúa Trời tại bất cứ nơi nào trong Địa đàng là nơi họ ở. Họ không cần phải nhờ cậy tới một thầy tế lễ trong một đền thờ (Sáng-thế Ký 1:28).
2. Điều gì đã thay đổi khi A-đam và Ê-va phạm tội?
2 Tình thế đã thay đổi khi một thiên sứ phản nghịch cám dỗ Ê-va để bà nghĩ rằng bà sẽ sống sướng hơn nếu bà từ bỏ quyền thống trị của Đức Giê-hô-va, bảo rằng bà sẽ giống “như Đức Chúa Trời”. Vì vậy Ê-va ăn trái cây mà Đức Chúa Trời đã lấy ra làm trái cấm. Rồi Sa-tan dùng Ê-va để cám dỗ chồng bà. Thảm khốc thay, A-đam đã nghe lời bà vợ tội lỗi, tỏ ra ông trọng tình nghĩa vợ chồng hơn là mối liên lạc giữa ông với Đức Chúa Trời (Sáng-thế Ký 3:4-7). Thật vậy, A-đam và Ê-va đã chọn Sa-tan làm chúa họ. (So sánh II Cô-rinh-tô 4:4).
3. Sự phản nghịch của A-đam và Ê-va đã đem lại hậu quả nào?
3 Một khi đã làm thế, cặp vợ chồng đầu tiên không những đã đoạn giao với Đức Chúa Trời mà lại còn đánh mất triển vọng sống đời đời trong địa đàng trên đất (Sáng-thế Ký 2:16, 17). Cơ thể nhuốm tội lỗi của họ cuối cùng tàn tạ cho đến khi họ chết. Con cháu của họ gánh chịu tình trạng tội lỗi này. Kinh-thánh giải thích: “Sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy” (Rô-ma 5:12).
4. Đức Chúa Trời đưa ra hy vọng nào cho nhân loại tội lỗi?
4 Nhân loại tội lỗi đã cần đến một điều gì đó để có thể hòa thuận lại với Đấng Tạo hóa thánh thiện của họ. Khi kết án A-đam và Ê-va, Đức Chúa Trời ban cho hậu tự của họ niềm hy vọng bằng cách hứa rằng một “dòng-dõi” sẽ cứu nhân loại khỏi hậu quả của sự phản nghịch của Sa-tan (Sáng-thế Ký 3:15). Sau đó, Đức Chúa Trời tiết lộ rằng Dòng dõi đem lại ân phước sẽ đến trong gia tộc của Áp-ra-ham (Sáng-thế Ký 22:18). Nghĩ đến ý định đầy yêu thương này, Đức Chúa Trời chọn con cháu của Áp-ra-ham, tức người Y-sơ-ra-ên, để họ làm dân ngài.
5. Tại sao chúng ta nên để ý đến chi tiết về giao ước Luật pháp của Đức Chúa Trời với Y-sơ-ra-ên?
5 Vào năm 1513 trước công nguyên, Đức Chúa Trời lập giao ước với dân Y-sơ-ra-ên và họ đồng ý vâng theo các luật pháp ngài. Tất cả những ai ngày nay muốn thờ phượng Đức Chúa Trời nên chú ý nhiều đến giao ước Luật pháp bởi vì giao ước đó cho biết về Dòng dõi đã hứa. Phao-lô nói rằng giao ước là “bóng của sự tốt-lành ngày sau” (Hê-bơ-rơ 10:1). Khi tuyên bố điều này, Phao-lô bàn về chức vụ của các thầy tế lễ Y-sơ-ra-ên phục vụ tại một đền tạm, hoặc lều thờ phượng có thể tháo ráp được. Cái đó được gọi là “đền Đức Giê-hô-va” (I Sa-mu-ên 1:9, 24). Bằng cách xem xét thánh chức tại ngôi nhà trên đất của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể hiểu rõ hơn về sự sắp đặt đầy thương xót nhờ đó mà những người tội lỗi ngày nay có thể hòa thuận lại với Đức Chúa Trời.
Nơi Rất Thánh
6. Trong Nơi Rất Thánh có gì, và Đức Chúa Trời tiêu biểu sự hiện diện của ngài nơi đó như thế nào?
6 Kinh-thánh ghi: “Đấng Rất-Cao chẳng ở trong nhà bởi tay người ta làm ra” (Công-vụ các Sứ-đồ 7:48). Tuy nhiên, Đức Chúa Trời hiện diện một cách tượng trưng trong nhà trên đất của ngài qua một đám mây trong gian phòng cùng nhất gọi là Nơi Rất Thánh (Lê-vi Ký 16:2). Hiển nhiên, đám mây này sáng rực, làm sáng Nơi Rất Thánh. Đám mây ở trên một hộp thánh gọi là “hòm bảng chứng”, đựng hai bảng đá trên đó có khắc một số điều răn mà Đức Chúa Trời cho dân Y-sơ-ra-ên. Trên nắp Hòm có hai chê-ru-bin bằng vàng xòe cánh ra, tượng trưng các tạo vật thần linh cao cấp trong tổ chức trên trời của Đức Chúa Trời. Đám mây mầu nhiệm tỏa ánh sáng ở trên nắp hòm và giữa các chê-ru-bin (Xuất Ê-díp-tô Ký 25:22). Hình ảnh này gợi lên khái niệm Đức Chúa Trời Toàn năng ngồi trên ngôi đặt trên cỗ xe trên trời do các chê-ru-bin thiệt đỡ (I Sử-ký 28:18). Điều này giải thích tại sao Vua Ê-xê-chia cầu nguyện: “Hỡi Đức Giê-hô-va vạn-quân, Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, là Đấng ngự trên các chê-ru-bin” (Ê-sai 37:16).
Nơi Thánh
7. Trong Nơi Thánh có những đồ đạc nào?
7 Gian phòng thứ hai trong đền tạm được gọi là Nơi Thánh. Trong Nơi Thánh, bên trái cửa vào có một cái chân đèn đẹp gồm bảy nhánh, và ở bên phải là một cái bàn có bánh trần thiết. Ngay trước mặt có bàn thờ từ nơi đó khói hương thơm bay lên. Bàn thờ này đặt trước tấm màn nằm giữa Nơi Thánh và Nơi Rất Thánh.
8. Các thầy tế lễ thường xuyên thi hành các nghi lễ nào trong Nơi Thánh?
8 Mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối, một thầy tế lễ có nhiệm vụ vào đền tạm và đốt hương trên bàn thờ (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:7, 8). Khi thắp hương vào buổi sáng, thầy tế lễ phải châm dầu cho bảy ngọn đèn. Vào buổi tối họ đốt đèn lên để soi sáng Nơi Thánh. Mỗi ngày Sa-bát một thầy tế lễ phải sắp 12 ổ bánh mới nướng trên bàn bánh trần thiết (Lê-vi Ký 24:4-8).
Hành lang
9. Thùng nước được dùng để làm gì, và chúng ta có thể từ đó rút ra được bài học nào?
9 Đền tạm cũng có hành lang, chung quanh là một hàng rào bằng vải lều. Trong hành lang này có một cái thùng to dùng làm chỗ rửa tay và rửa chân cho các thầy tế lễ trước khi vào Nơi Thánh. Họ cũng phải rửa tay rửa chân trước khi dâng của-lễ trên bàn thờ đặt trong hành lang (Xuất Ê-díp-tô Ký 30:18-21). Tiêu chuẩn về sự sạch sẽ này là một sự nhắc nhở mạnh mẽ cho các tôi tớ ngày nay của Đức Chúa Trời rằng họ phải cố gắng giữ mình trong sạch về mặt thể xác, đạo đức, trí tuệ và thiêng liêng nếu muốn được Đức Chúa Trời chấp nhận sự thờ phượng của họ (II Cô-rinh-tô 7:1). Sau này, củi để chụm trên bàn thờ và nước trong thùng nước đều là do những người nô lệ không phải người Y-sơ-ra-ên nhưng phục dịch trong đền thờ khuân vác (Giô-suê 9:27).
10. Người ta dâng trên bàn thờ một số của-lễ nào?
10 Mỗi buổi sáng và mỗi buổi tối các thầy tế lễ thiêu một con chiên con trên bàn thờ cùng với của-lễ chay và của-lễ quán (Xuất Ê-díp-tô Ký 29:38-41). Các của-lễ khác được dâng vào những ngày đặc biệt. Thỉnh thoảng người ta dâng một của-lễ vì một tội lỗi mà chính mình đã phạm (Lê-vi Ký 5:5, 6). Vào những dịp khác, một người Y-sơ-ra-ên có thể tự nguyện dâng một của-lễ thù ân rồi sau đó các thầy tế lễ và người dâng của-lễ ăn một phần của-lễ này. Điều này cho thấy những người tội lỗi có thể có được sự hòa thuận với Đức Chúa Trời, nói theo nghĩa bóng là cùng dùng bữa với ngài. Ngay cả một người khách ngoại bang kiều ngụ cũng có thể trở thành người thờ phượng Đức Giê-hô-va và được đặc ân dâng của-lễ tự nguyện trong nhà ngài. Nhưng để tỏ lòng kính trọng thích đáng đối với Đức Giê-hô-va, các thầy tế lễ chỉ có thể nhận các của-lễ thượng hảo hạng mà thôi. Bột mì cho của-lễ chay thì phải xay nhuyễn, và các con thú để dâng làm của-lễ thì không được tì vết (Lê-vi Ký 2:1; 22:18-20; Ma-la-chi 1:6-8).
11. a) Người ta làm gì với huyết của các con sinh tế, và điều này ám chỉ gì? b) Đức Chúa Trời xem huyết của cả người lẫn thú vật như thế nào?
11 Huyết của các của-lễ này được đem lên bàn thờ. Mỗi ngày điều này dùng để nhắc nhở cả nước rằng họ là những người tội lỗi cần đến một đấng cứu chuộc đổ máu ra mới chuộc lại tội lỗi của họ một cách vĩnh viễn và cứu họ khỏi sự chết. (Rô-ma 7:24, 25; Ga-la-ti 3:24; so sánh Hê-bơ-rơ 10:3). Việc dùng huyết theo cách thánh thiện này cũng nhắc người Y-sơ-ra-ên nhớ rằng huyết tượng trưng cho sự sống và sự sống thuộc về Đức Chúa Trời. Đức Chúa Trời đã luôn luôn cấm người ta dùng huyết vào bất cứ việc gì khác (Sáng-thế Ký 9:4; Lê-vi Ký 17:10-12; Công-vụ các Sứ-đồ 15:28, 29).
Ngày Đại lễ chuộc tội
12, 13. a) Ngày Đại lễ chuộc tội là gì? b) Trước khi thầy tế lễ thượng phẩm có thể đem huyết vào Nơi Rất Thánh, ông đã phải làm gì?
12 Mỗi năm một lần vào ngày gọi là Ngày Đại lễ chuộc tội, cả nước Y-sơ-ra-ên, kể cả những người khách kiều ngụ mà thờ phượng Đức Giê-hô-va, phải nghỉ làm mọi công việc và kiêng ăn (Lê-vi Ký 16:29, 30). Vào ngày quan trọng này, nước Y-sơ-ra-ên được rửa sạch tội lỗi theo nghĩa tượng trưng ngõ hầu có được mối liên lạc hòa thuận với Đức Chúa Trời thêm một năm nữa. Chúng ta hãy tưởng tượng quang cảnh và xem một số điểm nổi bật.
13 Thầy tế lễ thượng phẩm ở trong hành lang của đền tạm. Sau khi đã rửa tay chân trong thùng nước, ông giết một con bò tơ làm sinh tế. Huyết bò tơ được đổ vào một cái chén; huyết được dùng một cách đặc biệt để chuộc tội cho chi phái Lê-vi giữ chức tế lễ (Lê-vi Ký 16:4, 6, 11). Nhưng trước khi làm những nghi lễ khác với con sinh tế, có một điều mà thầy tế lễ thượng phẩm phải làm. Ông phải lấy hương thơm (có lẽ để nó trong cái môi) và than lửa đỏ ở trong đống lửa của bàn thờ. Bấy giờ ông vào Nơi Thánh và bước về phía bức màn ngăn Nơi Rất Thánh. Ông đi chầm chậm bước qua bức màn và đứng trước hòm giao ước. Kế đến, ngoài tầm mắt của người phàm nào khác, ông rắc hương lên than đỏ và Nơi Rất Thánh có đầy khói hương nghi ngút tựa như đám mây (Lê-vi Ký 16:12, 13).
14. Tại sao thầy tế lễ thượng phẩm đã phải đem huyết của hai con thú khác nhau khi vào Nơi Rất Thánh?
14 Bây giờ Đức Chúa Trời sẵn lòng bày tỏ sự thương xót và chuộc tội theo cách tượng trưng. Vì lý do này, nắp Hòm giao ước được gọi là “nơi chuộc tội” (Hê-bơ-rơ 9:5). Thầy tế lễ thượng phẩm đi ra khỏi Nơi Rất Thánh, lấy huyết con bò tơ và vào lại Nơi Rất Thánh. Như Luật pháp có căn dặn, ông lấy ngón tay nhúng vào máu và rưới bảy lần trước nắp Hòm (Lê-vi Ký 16:14). Kế đến ông trở ra hành lang và giết một con dê, dùng làm của-lễ chuộc tội “của dân”. Ông đem một ít huyết dê vào trong Nơi Rất Thánh và lặp lại nghi thức giống như ông đã làm với huyết con bò tơ (Lê-vi Ký 16:15). Các dịch vụ quan trọng khác cũng diễn ra trong Ngày Đại lễ chuộc tội. Chẳng hạn, thầy tế lễ thượng phẩm đã phải đặt tay lên trên đầu con dê thứ hai và xưng “những tội-lỗi của dân Y-sơ-ra-ên” trên nó. Rồi con dê còn sống này được thả vào trong đồng vắng để cất đi tội lỗi của dân sự theo nghĩa bóng. Theo cách này sự chuộc tội diễn ra mỗi năm “cho những thầy tế-lễ, và cho cả dân của hội-chúng” (Lê-vi Ký 16:16, 21, 22, 33).
15. a) Đền thờ của Sa-lô-môn giống đền tạm như thế nào? b) Sách Hê-bơ-rơ nói gì về thánh chức diễn ra tại cả đền tạm lẫn đền thờ?
15 Trong 486 năm đầu của lịch sử dân Y-sơ-ra-ên với tư cách dân giao ước của Đức Chúa Trời, đền tạm tháo ráp được dùng làm nơi họ thờ phượng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời họ. Rồi, Sa-lô-môn vua nước Y-sơ-ra-ên nhận được đặc ân xây cất một kiến trúc lâu bền. Dù đền thờ này lớn hơn và công phu hơn, họa đồ mà Đức Chúa Trời ban cho để cất đền thờ cũng có cùng kiểu mẫu với đền tạm. Giống như đền tạm, đền thờ tượng trưng cho một sự sắp đặt qui mô hơn, hữu hiệu hơn để thờ phượng, sự sắp đặt do Đức Giê-hô-va “dựng lên, không phải bởi một người nào” (Hê-bơ-rơ 8:2, 5; 9:9, 11).
Đền thờ thứ nhất và thứ hai
16. a) Khi khánh thành đền thờ, Sa-lô-môn đã dâng lời cầu xin đầy yêu thương nào? b) Đức Giê-hô-va cho thấy ngài nhậm lời cầu xin của Sa-lô-môn như thế nào?
16 Khi khánh thành đền thờ vinh hiển đó, Sa-lô-môn cầu xin thêm điều này dưới sự soi dẫn: “Về người ngoại-bang là người chẳng thuộc về dân Y-sơ-ra-ên của Chúa, nhưng vì danh lớn Chúa... họ sẽ từ xứ xa đi đến hướng về đền nầy mà cầu-nguyện, thì xin Chúa từ trên trời, là nơi ngự của Chúa, hãy dủ nghe, và làm theo mọi điều người ngoại-bang ấy cầu-xin chúa; hầu cho muôn dân trên đất nhận-biết danh Chúa, kính-sợ Ngài như dân Y-sơ-ra-ên của Chúa, và biết rằng cái đền nầy mà tôi đã xây-cất, được gọi bằng danh Chúa” (II Sử-ký 6:32, 33). Đức Chúa Trời đã cho thấy rõ ràng là ngài nhậm lời cầu nguyện khánh thành của Sa-lô-môn. Một trụ lửa từ trên trời giáng xuống thiêu hóa các con sinh tế trên bàn thờ, và đền thờ được đầy dẫy sự vinh quang của Đức Giê-hô-va (II Sử-ký 7:1-3).
17. Cuối cùng thì việc gì đã xảy ra cho đền thờ do Sa-lô-môn xây cất, và tại sao?
17 Đáng buồn thay, dân Y-sơ-ra-ên đã mất đi sự kính sợ lành mạnh đối với Đức Giê-hô-va. Với thời gian, họ bôi nhọ danh cao cả của ngài qua các hành vi gây đổ máu, thờ hình tượng, ngoại tình, loạn luân và qua việc ngược đãi những người mồ côi, góa bụa và khách ngoại bang (Ê-xê-chi-ên 22:2, 3, 7, 11, 12, 26, 29). Bởi vậy mà vào năm 607 trước công nguyên, Đức Chúa Trời thi hành án phạt bằng cách dấy lên quân đội Ba-by-lôn để hủy phá đền thờ. Những người Y-sơ-ra-ên sống sót thì bị bắt làm phu tù ở Ba-by-lôn.
18. Tại đền thờ thứ hai, những người không phải là Y-sơ-ra-ên nhưng hết lòng ủng hộ sự thờ phượng Đức Giê-hô-va thì được đặc ân nào?
18 Bảy mươi năm sau, một số người Do Thái ăn năn còn sót lại trở về Giê-ru-sa-lem và được đặc ân tái thiết đền thờ Đức Giê-hô-va. Điều đáng chú ý là lúc đó thiếu thầy tế lễ và người Lê-vi để phục vụ tại đền thờ thứ hai. Vì thế, người Nê-thi-nim, con cháu của những người không phải là Y-sơ-ra-ên, làm nô lệ trong đền thờ, giờ được giao cho đặc ân lớn hơn là phụng sự trong nhà Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, họ không bao giờ trở nên ngang hàng với các thầy tế lễ và người Lê-vi (E-xơ-ra 7:24; 8:17, 20).
19. Đức Chúa Trời hứa gì về đền thờ thứ hai, và những lời này thành tựu thế nào?
19 Lúc đầu, dường như đền thờ thứ hai sẽ không sánh nổi với đền thờ cũ (A-ghê 2:3). Nhưng Đức Giê-hô-va hứa: “Ta cũng làm rúng-động hết thảy các nước, và những sự ao-ước của các nước hầu đến; rồi ta sẽ làm cho vinh-quang đầy-dẫy nhà nầy... Vinh-quang sau-rốt của nhà nầy sẽ lớn hơn vinh-quang trước” (A-ghê 2:7, 9). Y như đã nói trước, đền thờ thứ hai vinh hiển hơn cái đầu. Đền thờ thứ hai tồn tại được 164 năm lâu hơn và có nhiều người thờ phượng đến từ nhiều nước hơn lũ lượt kéo đến trong các hành lang. (So sánh Công-vụ các Sứ-đồ 2:5-11). Người ta đã khởi sự sửa sang lại đền thờ thứ hai vào thời vua Hê-rốt, và các hành lang được nới rộng thêm. Được nâng cao và nằm trên một cái nền đá tảng khổng lồ và chung quanh thì có các hàng cột mỹ miều, sự nguy nga của đền thờ thứ hai quả không thua gì đền thờ đầu tiên do Sa-lô-môn xây. Đền thờ thứ hai này cũng có một hành lang rộng ở bên ngoài dành cho dân ngoại muốn thờ phượng Đức Giê-hô-va. Có một hàng rào bằng đá nằm giữa Hành lang Dân ngoại này và hành lang bên trong là nơi dành riêng cho người Y-sơ-ra-ên.
20. a) Đền thờ được tái thiết có đặc điểm nổi bật nào? b) Điều gì cho thấy người Do Thái đã không xem trọng đền thờ, và Giê-su phản ứng thế nào trước việc này?
20 Đền thờ thứ hai này đặc sắc hơn vì Giê-su Christ, Con Đức Chúa Trời, đã dạy dỗ trong các hành lang ở đó. Nhưng cũng như với đền thờ thứ nhất, người Do Thái nói chung đã không xem trọng đặc ân làm những người canh giữ nhà Đức Chúa Trời. Thậm chí họ còn để cho mấy con buôn vào Hành lang Dân ngoại để buôn bán. Hơn nữa, người ta cũng được phép chở hàng hóa đi xuyên qua đền thờ để đi tắt từ nơi này đến nơi khác trong thành Giê-ru-sa-lem. Bốn ngày trước khi chết, Giê-su dọn sạch đền thờ, không cho phép người ta làm chuyện thế tục như vậy nữa, ngài cũng có nói: “Há chẳng có lời chép: Nhà ta sẽ gọi là nhà cầu-nguyện của muôn dân hay sao? Nhưng các ngươi đã làm thành cái hang trộm-cướp” (Mác 11:15-17).
Đức Chúa Trời vĩnh viễn lìa bỏ nhà trên đất của ngài
21. Giê-su cho biết gì về đền thờ tại Giê-ru-sa-lem?
21 Bởi vì Giê-su can đảm bênh vực sự thờ phượng thanh sạch dành cho Đức Chúa Trời, nên các nhà lãnh đạo tôn giáo Do Thái quyết định giết ngài (Mác 11:18). Biết trước là ngài sắp bị giết, Giê-su nói với mấy người lãnh đạo tôn giáo Do Thái: “Nhà các ngươi sẽ bỏ hoang!” (Ma-thi-ơ 23:37, 38). Do đó ngài cho thấy rằng không bao lâu nữa, Đức Chúa Trời sẽ không còn chấp nhận hình thức thờ phượng diễn ra tại đền thờ tại Giê-ru-sa-lem nữa. Đền thờ sẽ không còn được gọi là “nhà cầu-nguyện của muôn dân” nữa. Khi các môn đồ chỉ cho ngài thấy ngôi đền thờ nguy nga, ngài nói: “Các ngươi có thấy mọi đều đó chăng?... Đây sẽ không còn một hòn đá nào chồng trên một hòn khác mà không bị đổ xuống” (Ma-thi-ơ 24:1, 2).
22. a) Những lời của Giê-su về đền thờ đã được ứng nghiệm thế nào? b) Thay vì đặt hy vọng vào một thành ở trên đất, các tín đồ đấng Christ thời ban đầu đã tìm kiếm gì?
22 Lời tiên tri của Giê-su được ứng nghiệm 37 năm sau đó, tức vào năm 70 công nguyên, khi quân La Mã hủy diệt thành Giê-ru-sa-lem và đền thờ. Đó là bằng chứng hùng hồn cho thấy rằng Đức Chúa Trời quả thật đã từ bỏ nhà ngài trên đất. Giê-su đã không bao giờ tiên tri về sự tái thiết một đền thờ khác tại Giê-ru-sa-lem. Sứ đồ Phao-lô viết cho tín đồ người Hê-bơ-rơ về thành ấy trên đất: “Chúng ta không có thành còn luôn mãi, nhưng chúng ta tìm thành hầu đến” (Hê-bơ-rơ 13:14). Tín đồ đấng Christ thời ban đầu trông mong được làm thành viên của “Giê-ru-sa-lem trên trời”—Nước Đức Chúa Trời giống như một cái thành (Hê-bơ-rơ 12:22). Vậy, sự thờ phượng thật dành cho Đức Giê-hô-va không còn tập trung tại một đền thờ trên đất nữa. Trong bài tới, chúng ta sẽ xem sự sắp đặt cao quí hơn mà Đức Chúa Trời dành cho tất cả những ai muốn thờ phượng ngài “bằng tâm-thần và lẽ thật” (Giăng 4:21, 24).
Câu hỏi ôn lại
◻ A-đam và Ê-va đã đánh mất mối liên lạc nào với Đức Chúa Trời?
◻ Tại sao chúng ta nên chú ý tới các đặc điểm của đền tạm?
◻ Chúng ta học được gì từ các hoạt động diễn ra trong hành lang của đền tạm?
◻ Tại sao Đức Chúa Trời đã để cho người ta hủy phá đền thờ ngài?
[Các hình nơi trang 10, 11]
ĐỀN THỜ DO HÊ-RỐT TÁI THIẾT
1. Nơi Rất Thánh
2. Nơi Thánh
3. Bàn thờ để thiêu của-lễ
4. Biển đúc
5. Hành lang cho các thầy tế lễ
6. Hành lang cho dân Y-sơ-ra-ên
7. Hành lang cho các phụ nữ