Giám thị lưu động phụng sự như các quản gia trung thành như thế nào
“Mỗi người trong anh em hãy lấy ơn mình đã được mà giúp lẫn nhau, khác nào người quản-lý trung-tín giữ các thứ ơn của Đức Chúa Trời” (I PHI-E-RƠ 4:10).
1, 2. a) Bạn định nghĩa thế nào từ “quản gia”? b) Ai ở trong số các quản gia mà Đức Chúa Trời dùng?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA dùng tất cả những tín đồ trung thành của đấng Christ trong vai trò quản lý. Một quản gia thường là người đầy tớ có trách nhiệm trông nom việc nhà. Người ấy cũng có thể quản lý việc buôn bán cho chủ (Lu-ca 16:1-3; Ga-la-ti 4:1, 2). Giê-su gọi lớp người xức dầu trung thành trên đất là “quản-gia ngay-thật”. Ngài đã giao cho quản gia này “cả gia-tài mình”, kể cả việc rao giảng về Nước Trời (Lu-ca 12:42-44; Ma-thi-ơ 24:14, 45).
2 Sứ đồ Phi-e-rơ nói rằng tất cả các tín đồ đấng Christ đều là quản gia giữ các ân điển mà Đức Chúa Trời bày tỏ qua các hình thức khác nhau. Mỗi tín đồ đấng Christ đều có một vai trò trong đó người ấy có thể phụng sự với cương vị người quản lý trung tín (I Phi-e-rơ 4:10). Các trưởng lão đạo đấng Christ được bổ nhiệm là những quản gia, và trong số này có các giám thị lưu động (Tít 1:7). Chúng ta nên có quan điểm thế nào về các trưởng lão lưu động? Những anh này nên có những đức tính và mục tiêu nào? Và làm sao họ có thể đạt được hiệu quả tốt nhất?
Quý mến việc làm của họ
3. Tại sao ta có thể gọi các giám thị lưu động là người “quản-lý trung-tín”?
3 Một cặp vợ chồng tín đồ đấng Christ viết cho anh giám thị lưu động và vợ anh: “Chúng tôi xin nói lên lòng biết ơn về thì giờ và sự yêu thương mà anh chị đã dành ra cho chúng tôi. Cả gia đình chúng tôi được rất nhiều lợi ích từ những lời khích lệ và khuyên bảo của anh chị. Chúng tôi biết mình còn phải tiếp tục tăng trưởng về mặt thiêng liêng, nhưng với sự giúp đỡ của Đức Giê-hô-va và của những người như anh chị thì các khó khăn trong khi tăng trưởng trở nên nhẹ nhõm hơn”. Nhiều người thường phát biểu tương tự như vậy vì giám thị lưu động chú ý đến các anh em cùng đạo, giống như một quản gia chăm lo chu đáo cho nhu cầu của người trong nhà. Một số các anh này là diễn giả xuất sắc. Nhiều người thì có tài rao giảng, trong khi những người khác có tiếng là nhiệt tình và đầy lòng trắc ẩn. Bằng cách vun xới và sử dụng những sự ban cho như thế để phục vụ người khác, các giám thị lưu động có thể được gọi là người “quản-lý trung-tín” một cách đúng lý.
4. Giờ đây câu hỏi nào sẽ được bàn đến?
4 Sứ đồ Phao-lô viết: “Cái đều người ta trông-mong nơi người quản-trị là phải trung-thành” (I Cô-rinh-tô 4:2). Hầu việc anh em tín đồ đấng Christ ở các hội thánh khác nhau tuần này sang tuần khác là một đặc ân đầy vui mừng. Tuy nhiên, đây cũng là một trách nhiệm nặng nề. Vậy thì, làm sao các giám thị lưu động có thể trung thành chu toàn trách nhiệm quản trị của họ?
Chu toàn trách nhiệm quản trị
5, 6. Tại sao nương tựa vào Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện là điều rất quan trọng trong đời sống của một giám thị lưu động?
5 Nương tựa vào Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện là điều trọng yếu nếu giám thị lưu động muốn chu toàn trách nhiệm quản trị. Vì họ bận rộn và có nhiều trách nhiệm, đôi khi họ có thể cảm thấy bị nặng gánh. (So sánh II Cô-rinh-tô 5:4). Vì thế họ cần phải hành động phù hợp với bài ca của người viết Thi-thiên là Đa-vít: “Hãy trao gánh-nặng ngươi cho Đức Giê-hô-va, Ngài sẽ nâng-đỡ ngươi; Ngài sẽ chẳng hề cho người công-bình bị rúng-động” (Thi-thiên 55:22). Lời của Đa-vít cũng mang lại niềm an ủi: “Đáng ngợi-khen Chúa thay, là Đấng hằng ngày gánh gánh-nặng của chúng tôi” (Thi-thiên 68:19).
6 Phao-lô nhận được sức mạnh từ đâu để chu toàn trách nhiệm thiêng liêng của mình? Ông viết: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13). Vâng, Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Nguồn ban sức mạnh cho Phao-lô. Tương tự như vậy, Phi-e-rơ khuyên nhủ: “Nếu có kẻ làm chức gì, thì hãy làm như nhờ sức Đức Chúa Trời ban, hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh trong mọi sự bởi Đức Chúa Jêsus-Christ” (I Phi-e-rơ 4:11). Một anh đã từng làm giám thị lưu động nhiều năm nhấn mạnh việc phải nương tựa vào Đức Chúa Trời, anh nói: “Hãy luôn luôn dựa vào Đức Giê-hô-va khi tìm cách giải quyết các vấn đề và tìm đến tổ chức của ngài để được giúp đỡ”.
7. Sự thăng bằng đóng một vai trò như thế nào trong công việc của một giám thị lưu động?
7 Muốn thành công, giám thị lưu động cần phải thăng bằng. Giống như các tín đồ đấng Christ khác, anh phải cố gắng “nghiệm-thử những sự tốt-lành hơn” (Phi-líp 1:10)a. Khi các trưởng lão địa phương có thắc mắc về một vấn đề nào đó, họ nên tham khảo ý kiến giám thị vòng quanh đang đến thăm (Châm-ngôn 11:14; 15:22). Rất có thể những nhận xét và lời khuyên thăng bằng mà anh cho dựa trên Kinh-thánh sẽ rất có ích khi các trưởng lão tiếp tục giải quyết vấn đề sau khi giám thị đã rời hội thánh. Cũng theo cùng một đường hướng này, Phao-lô nói với Ti-mô-thê: “Những đều con đã nghe nơi ta ở trước mặt nhiều người chứng, hãy giao-phó cho mấy người trung-thành, cũng có tài dạy-dỗ kẻ khác” (II Ti-mô-thê 2:2).
8. Tại sao việc học hỏi Kinh-thánh, tra cứu và suy ngẫm là điều thiết yếu?
8 Việc học hỏi Kinh-thánh, tra cứu và suy ngẫm là điều cần thiết để cho lời khuyên khôn ngoan (Châm-ngôn 15:28). Một giám thị địa hạt nói: “Khi họp với các trưởng lão, chúng ta không nên sợ thú nhận rằng mình không biết giải đáp một câu hỏi nào đó”. Cố gắng tìm ra “ý của Đấng Christ” về một vấn đề sẽ giúp chúng ta cho lời khuyên dựa theo Kinh-thánh khiến người khác làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời (I Cô-rinh-tô 2:16). Đôi khi giám thị lưu động cần phải gửi thư về Hội Tháp Canh để được hướng dẫn. Dù sao đi nữa, đức tin nơi Đức Giê-hô-va và sự quý mến lẽ thật thì quan trọng hơn ấn tượng bề ngoài hoặc tài hùng biện. Thay vì đến hội thánh với “lời nói cao-xa hay là khôn-sáng”, Phao-lô bắt đầu thánh chức của ông tại Cô-rinh-tô với “bộ yếu-đuối, sợ-hãi, run-rẩy lắm”. Điều này có làm cho ông thiếu hữu hiệu không? Ngược lại, điều này giúp những người ở Cô-rinh-tô “chớ lập đức-tin mình trên sự khôn-ngoan loài người, bèn là trên quyền-phép Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 2:1-5).
Những đức tính thiết yếu khác
9. Tại sao giám thị lưu động cần phải có lòng thông cảm?
9 Lòng thông cảm giúp các giám thị lưu động gặt hái được kết quả tốt. Phi-e-rơ khuyến khích mọi tín đồ đấng Christ là phải “đầy thương-xót” hoặc có lòng “thông cảm” (I Phi-e-rơ 3:8). Một giám thị vòng quanh cảm thấy cần phải ‘quan tâm đến mọi người trong hội thánh và thành thật chú ý đến họ’. Với một tinh thần tương tự, Phao-lô viết: “Hãy vui với kẻ vui, khóc với kẻ khóc” (Rô-ma 12:15). Một thái độ như thế sẽ thúc đẩy giám thị lưu động thiết tha cố gắng để hiểu vấn đề và hoàn cảnh của anh em cùng đạo. Làm thế họ có thể cho lời khuyên xây dựng dựa theo Kinh-thánh có thể đem lại lợi ích thật sự nếu được áp dụng. Một giám thị vòng quanh rất khéo tỏ lòng thông cảm đã nhận được lá thơ này từ một hội thánh gần Turin, nước Ý: “Nếu muốn được người ta thích mình thì hãy để ý đến người khác; nếu muốn lấy lòng người ta thì hãy vui vẻ; nếu muốn được người khác yêu thương thì hãy dễ thương; nếu muốn được giúp đỡ thì hãy sẵn sàng giúp đỡ. Đây là điều mà chúng tôi đã học được qua anh!”
10. Giám thị vòng quanh và giám thị địa hạt nói gì về tính khiêm nhường, và Chúa Giê-su đã nêu gương gì về điều này?
10 Tính khiêm nhường và thân thiện sẽ giúp giám thị lưu động làm được nhiều điều tốt. Một giám thị vòng quanh nhận xét: “Giữ một thái độ khiêm nhường là một điều hết sức quan trọng”. Anh nhắn nhủ các giám thị lưu động mới: “Đừng để bị ảnh hưởng quá nhiều bởi những anh em giàu có hơn vì những điều họ có thể làm cho mình, cũng đừng chỉ giao thiệp với những người này thôi, nhưng luôn cố gắng đối đãi với những người khác một cách không thiên vị” (II Sử-ký 19:6, 7). Và một giám thị lưu động thật sự khiêm nhường sẽ không quá coi trọng vị thế của mình là người đại diện cho Hội. Một giám thị địa hạt bình luận một cách đích đáng: “Hãy khiêm nhường và sẵn sàng lắng nghe các anh em. Luôn luôn tỏ ra thân thiện”. Là người vĩ đại nhất đã từng sống, Chúa Giê-su Christ đã có thể làm cho người ta cảm thấy không được tự nhiên, nhưng ngài tỏ ra hết sức khiêm nhường và thân thiện đến nỗi ngay cả trẻ em cũng thấy thoải mái khi gần ngài (Ma-thi-ơ 18:5; Mác 10:13-16). Giám thị lưu động muốn trẻ em, thanh niên, người già cả—đúng vậy, bất cứ ai và tất cả mọi người trong hội thánh—cứ tự tiện đến gặp họ.
11. Khi cần thiết, một lời xin lỗi có thể đem lại hiệu quả gì?
11 Dĩ nhiên, “chúng ta thảy đều vấp-phạm nhiều cách lắm”, và không một giám thị lưu động nào mà lại không lầm lỗi (Gia-cơ 3:2). Khi họ lầm lỗi, một lời tạ lỗi chân thành sẽ làm gương cho các trưởng lão khác về sự khiêm nhường. Theo Châm-ngôn 22:4, “phần thưởng của sự khiêm-nhượng và sự kính-sợ Đức Giê-hô-va, ấy là sự giàu-có, sự tôn-trọng, và mạng-sống”. Chẳng lẽ tất cả tôi tớ của Đức Chúa Trời lại không cần phải ‘bước đi cách khiêm-nhường với Đức Chúa Trời mình sao?’ (Mi-chê 6:8). Khi hỏi có lời khuyên nào cho trưởng lão lưu động mới, một giám thị vòng quanh phát biểu: “Hãy quý trọng và kính mến tất cả những anh em và xem họ trọng hơn mình. Bạn sẽ học được nhiều từ những anh em. Hãy khiêm nhường. Hãy tự nhiên. Đừng đóng kịch” (Phi-líp 2:3).
12. Tại sao sự sốt sắng trong thánh chức của tín đồ đấng Christ lại là điều rất quan trọng?
12 Sốt sắng trong thánh chức rao giảng khiến lời của giám thị lưu động có thêm uy tín. Thật vậy, khi giám thị và vợ làm gương sốt sắng trong thánh chức rao giảng, thì các trưởng lão, vợ trưởng lão và những người khác trong hội thánh được khuyến khích bày tỏ lòng sốt sắng trong thánh chức. Một giám thị vòng quanh khuyên: “Hãy sốt sắng làm thánh chức”. Anh nói thêm: “Tôi nghiệm thấy rằng, thường thì hội thánh nào càng sốt sắng tham gia vào thánh chức, thì hội thánh ấy càng gặp ít khó khăn”. Một giám thị vòng quanh khác nhận xét: “Tôi tin rằng nếu các trưởng lão cùng đi rao giảng với các anh và các chị và giúp họ vui vẻ trong thánh chức, điều này sẽ đem lại sự yên tâm và sự mãn nguyện lớn nhất trong việc phụng sự Đức Giê-hô-va”. Sứ đồ Phao-lô ‘trông-cậy Đức Chúa Trời, cứ rao truyền đạo Tin-lành của Đức Chúa Trời cho dân ở thành Tê-sa-lô-ni-ca một cách dạn-dĩ giữa cơn đại-chiến’. Chẳng lạ gì họ đã có những kỷ niệm đáng nhớ về chuyến viếng thăm và công việc rao giảng của ông và mong muốn ông trở lại! (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:1, 2; 3:6).
13. Anh giám thị lưu động phải chú ý đến điều gì khi đi rao giảng với anh em tín đồ cùng đạo?
13 Khi rao giảng chung với các anh em tín đồ đấng Christ, một giám thị lưu động phải để ý đến hoàn cảnh và mặt hạn chế của họ. Mặc dầu những lời đề nghị của anh có thể là hữu ích, anh biết rằng một số người có thể thấy sợ khi đi rao giảng với một trưởng lão giàu kinh nghiệm. Do đó, trong vài trường hợp lời khuyến khích có thể giúp ích hơn là lời khuyên bảo. Khi anh cùng dự cuộc học hỏi Kinh-thánh của người công bố hay người tiên phong, họ có thể thích anh điều khiển cuộc học hỏi đó. Rất có thể điều này giúp họ làm quen với một vài cách để họ cải tiến phương pháp dạy dỗ của mình.
14. Tại sao ta có thể nói rằng một giám thị lưu động sốt sắng có thể khích động sự sốt sắng nơi người khác?
14 Giám thị lưu động sốt sắng sẽ khơi động sự sốt sắng nơi người khác. Ở Uganda một giám thị vòng quanh đi cùng với một anh tiếng đồng hồ qua khu rừng rậm rạp để đến học hỏi Kinh-thánh với một người đang tiến bộ rất ít. Trong lúc đi bộ thì trời mưa to đến nỗi khi đến nơi họ bị ướt như chuột lột. Khi gia đình có sáu người này biết được khách là giám thị lưu động, họ hết sức cảm kích. Họ biết rằng các mục sư trong nhà thờ họ không bao giờ bày tỏ sự chú ý đến bầy chiên như thế. Chủ nhật sau, họ tham dự buổi họp đầu tiên và cho biết họ có ý muốn trở thành Nhân-chứng Giê-hô-va.
15. Một giám thị vòng quanh sốt sắng ở Mêhicô có được một kinh nghiệm khích lệ nào?
15 Tại tiểu bang Oaxaca của Mêhicô, một giám thị vòng quanh cố gắng làm một việc thật không ngờ được. Anh dàn xếp để được ở bốn đêm trong một xà lim để viếng thăm một nhóm người gồm bảy tù nhân đã trở thành người công bố Nước Trời. Trong vài ngày đó anh đã cùng với những tù nhân này rao giảng từ xà lim này sang xà lim khác và hướng dẫn những cuộc học hỏi Kinh-thánh. Vì có sự chú ý, một số cuộc học hỏi ấy đã kéo dài đến khuya. Anh giám thị vòng quanh sốt sắng này đã viết: “Đến cuối cuộc viếng thăm, các tù nhân và tôi cảm thấy tràn đầy niềm vui vì đã khuyến khích lẫn nhau”.
16. Tại sao sự khích lệ của các giám thị lưu động và của vợ họ là điều rất có lợi?
16 Giám thị lưu động cố gắng khích lệ người khác. Khi Phao-lô thăm các hội thánh tại Ma-xê-đoan, ông ‘dùng nhiều lời để khuyên-bảo họ’ (Công-vụ các Sứ-đồ 20:1, 2). Những lời khích lệ có thể rất là hữu ích để hướng dẫn cả già lẫn trẻ đến những mục tiêu thiêng liêng. Tại một trụ sở chi nhánh lớn của Hội Tháp Canh, một cuộc thăm dò bán chính thức cho thấy các giám thị vòng quanh đã khuyến khích được gần 20 phần trăm các người tình nguyện nhận công việc phụng sự trọn thời gian. Vợ của giám thị lưu động cũng tỏ ra là một nguồn khích lệ lớn qua gương tốt của chị là người công bố Nước Trời trọn thời gian.
17. Một giám thị vòng quanh lớn tuổi cảm thấy thế nào về đặc ân giúp đỡ người khác?
17 Những người lớn tuổi và những người buồn nản đặc biệt cần được khích lệ. Một giám thị vòng quanh lớn tuổi viết: “Khía cạnh của công việc giám thị khiến tôi có một niềm vui không tả xiết trong lòng là được đặc ân giúp những người ngưng hoạt động và già yếu trong vòng bầy chiên của Đức Chúa Trời. Những lời nơi Rô-ma 1:11, 12 có một ý nghĩa đặc biệt đối với tôi vì qua hai câu này tôi nhận được nhiều khích lệ và sức mạnh trong khi tôi ‘thông-đồng sự ban-cho thiêng-liêng cùng anh em, hầu cho anh em được vững-vàng’ ”.
Phần thưởng trong công việc đầy vui vẻ
18. Các giám thị lưu động có những mục tiêu nào dựa theo Kinh-thánh?
18 Các giám thị lưu động thành tâm muốn giúp các anh em cùng đạo. Họ muốn giúp hội thánh vững mạnh và xây dựng hội thánh về mặt thiêng liêng (Công-vụ các Sứ-đồ 15:41). Giám thị lưu động này làm việc hăng say “để khuyến khích, an ủi, và cổ động lòng ham thích chu toàn thánh chức và tiếp tục làm theo lẽ thật” (III Giăng 3). Giám thị lưu động kia thì tìm cách giúp anh em cùng đạo được vững vàng trong đức tin (Cô-lô-se 2:6, 7). Hãy nhớ rằng giám thị lưu động là “kẻ đồng-liêu trung-tín”, chứ không phải là người muốn cai trị đức tin của anh em (Phi-líp 4:3; II Cô-rinh-tô 1:24). Sự viếng thăm của anh là một cơ hội để được khuyến khích và tăng gia hoạt động, cũng như là một cơ hội để cho hội đồng trưởng lão xem xét lại những tiến bộ đã đạt được và ấn định những mục tiêu cho tương lai. Qua những lời và gương của giám thị, những người công bố trong hội thánh, các người tiên phong, các tôi tớ thánh chức và trưởng lão được gây dựng và khuyến khích để hướng đến công việc trước mắt. (So sánh I Tê-sa-lô-ni-ca 5:11). Vì thế, hãy hết lòng ủng hộ sự viếng thăm của giám thị vòng quanh và tận dụng những điều tốt anh giám thị địa hạt đã chỉ bảo.
19, 20. Các giám thị lưu động và vợ họ được thưởng như thế nào vì đã trung thành phụng sự?
19 Các giám thị lưu động và vợ của họ đạt được nhiều kết quả tốt đẹp vì đã trung thành phụng sự, và họ có thể vững tin rằng Đức Giê-hô-va sẽ ban phước cho họ vì những điều lành họ làm (Châm-ngôn 19:17; Ê-phê-sô 6:8). Georg và Magdalena là một cặp vợ chồng lớn tuổi đã từng phụng sự nhiều năm trong công việc lưu động. Tại một hội nghị ở Luxembourg, có một người mà chị Magdalena làm chứng cách đây hơn 20 năm đến gặp chị. Người đàn bà Do Thái này chú ý đến lẽ thật nhờ chị Magdalena đã để lại ấn phẩm giải thích Kinh-thánh và với thời gian chị đã làm báp têm. Có một chị đến gặp anh Georg. Chị này nhớ lại lần anh đến thăm nhà chị cách đây gần 40 năm. Lời trình bày sốt sắng về tin mừng của anh cuối cùng đã khiến cho hai vợ chồng chị đều nhận lẽ thật. Dĩ nhiên, cả anh Georg lẫn chị Magdalena đều vui mừng khôn xiết.
20 Chuyến rao giảng thành công của Phao-lô tại Ê-phê-sô đã đem lại niềm vui cho ông và có thể đã khiến ông trích lời của Chúa Giê-su: “Ban cho thì có phước hơn là nhận-lãnh” (Công-vụ các Sứ-đồ 20:35). Vì công việc lưu động đòi hỏi phải ban cho liên tục, những ai tham gia vào việc này được hạnh phúc, đặc biệt là khi họ thấy kết quả tốt của công lao mình. Sau khi một giám thị vòng quanh đã giúp một trưởng lão bị nản chí, anh nhận được lá thơ: “Anh đã là ‘một sự yên-ủi’ trong đời sống thiêng liêng của tôi—nhiều hơn là anh tưởng... Anh sẽ không bao giờ thấu hiểu được anh đã giúp được một người A-sáp của thời nay đến độ nào, người ‘xuýt trợt bước chân’ ” (Cô-lô-se 4:11; Thi-thiên 73:2).
21. Tại sao bạn có thể nói rằng I Cô-rinh-tô 15:58 áp dụng cho những hoạt động của giám thị lưu động?
21 Một tín đồ đấng Christ lớn tuổi đã từng làm công việc vòng quanh trong nhiều năm thích câu I Cô-rinh-tô 15:58, ở đây Phao-lô khuyên nhủ: “Hãy vững-vàng chớ rúng-động, hãy làm công-việc Chúa cách dư-dật luôn, vì biết rằng công-khó của anh em trong Chúa chẳng phải là vô-ích đâu”. Các giám thị lưu động chắc chắn có rất nhiều việc để làm trong công việc của Chúa. Chúng ta thật biết ơn làm sao khi họ phụng sự vui vẻ với tư cách là quản gia trung thành giữ các ân điển của Đức Giê-hô-va!
[Chú thích]
a Xin xem bài “Can You Be Happy With Much to Do?” trong Tháp Canh (Anh ngữ), số ra ngày 15-5-1991, trang 28-31.
Bạn trả lời thế nào?
◻ Tại sao giám thị lưu động có thể được coi là người “quản-lý trung-tín”?
◻ Một số yếu tố giúp các giám thị vòng quanh và địa hạt làm được nhiều điều hữu ích là gì?
◻ Tại sao tính khiêm nhường và lòng sốt sắng là rất quan trọng đối với những ai tham gia công việc lưu động?
◻ Các giám thị lưu động có những mục tiêu tốt nào?
[Hình nơi trang 16]
Giám thị lưu động tìm cách khuyến khích các anh em cùng đạo
[Các hình nơi trang 17]
Cả già lẫn trẻ đều có thể được lợi ích khi kết hợp với giám thị lưu động và vợ họ
[Hình nơi trang 18]
Sự sốt sắng trong thánh chức của các giám thị lưu động khơi động sự sốt sắng nơi người khác