Hãy nhớ đến Đấng Tạo Hóa vĩ đại của bạn!
“Hãy tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa [“Vĩ Đại”, “NW”] ngươi, trước khi những ngày gian-nan chưa đến”.—TRUYỀN-ĐẠO 12:1.
1. Thanh thiếu niên đã dâng mình cho Đức Chúa Trời nên dùng tuổi trẻ và sức lực như thế nào?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA cho tôi tớ Ngài sức mạnh để làm theo ý muốn Ngài. (Ê-sai 40:28-31) Ngài làm điều này bất kể tuổi tác của họ. Nhưng thanh thiếu niên đã dâng mình cho Đức Chúa Trời đặc biệt nên dùng tuổi trẻ và sức lực một cách khôn ngoan. Vì vậy họ nhớ kỹ lời khuyên của “người truyền-đạo”, Vua Sa-lô-môn của nước Y-sơ-ra-ên xưa. Ông khuyên: “Trong buổi còn thơ-ấu hãy tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa ngươi, trước khi những ngày gian-nan chưa đến, trước khi những năm tới mà ngươi nói rằng: Ta không lấy làm vui lòng”.—Truyền-đạo 1:1; 12:1.
2. Con cái của những tín đồ đã dâng mình nên làm gì?
2 Mới đầu lời khuyên của Sa-lô-môn về việc tưởng nhớ Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại trong lúc còn trẻ là cho các thanh niên thiếu nữ ở Y-sơ-ra-ên. Họ được sinh ra trong một nước đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va. Còn về phần con cái của những tín đồ đã dâng mình ngày nay thì sao? Chắc chắn họ nên nhớ đến Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại. Nếu làm vậy, họ sẽ tôn vinh Ngài và gặt được lợi ích.—Ê-sai 48:17, 18.
Gương tốt trong quá khứ
3. Giô-sép, Sa-mu-ên và Đa-vít nêu gương mẫu nào?
3 Kinh Thánh ghi lại nhiều thanh thiếu niên đã nêu gương tốt trong việc nhớ đến Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại. Từ lúc trẻ cho đến già, con trai Gia-cốp là Giô-sép nhớ đến Đấng Tạo Hóa mình. Khi vợ của Phô-ti-pha cám dỗ Giô-sép để cùng bà làm chuyện vô luân, Giô-sép nhất định từ chối và nói: “Thế nào tôi dám làm điều đại-ác dường ấy, mà phạm tội cùng Đức Chúa Trời sao?” (Sáng-thế Ký 39:9) Sa-mu-ên, người Lê-vi, nhớ đến Đấng Tạo Hóa mình không chỉ lúc còn thơ ấu mà trọn cả đời ông. (1 Sa-mu-ên 1:22-28; 2:18; 3:1-5) Chàng trai Đa-vít ở Bết-lê-hem chắc hẳn đã nhớ đến Đấng Tạo Hóa mình. Niềm tin cậy của Đa-vít nơi Đức Chúa Trời được thấy rõ khi đương đầu với tên khổng lồ Gô-li-át, người Phi-li-tin. Đa-vít nói: “Ngươi cầm gươm, giáo, lao mà đến cùng ta; còn ta, ta nhân danh Đức Giê-hô-va vạn binh mà đến, tức là Đức Chúa Trời của đạo-binh Y-sơ-ra-ên, mà ngươi đã sỉ-nhục. Ngày nay Đức Giê-hô-va sẽ phó ngươi vào tay ta, ta sẽ giết ngươi, cắt đầu ngươi... Khắp thế-gian sẽ biết rằng Y-sơ-ra-ên có một Đức Chúa Trời; và quân-lính nầy sẽ thấy rằng Đức Giê-hô-va không giải-cứu bằng gươm, hoặc bằng giáo; vì Đức Giê-hô-va là Chúa của chiến-trận, và Ngài sẽ phó các ngươi vào tay chúng ta”. Chẳng mấy chốc, Gô-li-át chết và quân Phi-li-tin chạy trốn.—1 Sa-mu-ên 17:45-51.
4. (a) Điều gì cho thấy một bé gái Y-sơ-ra-ên bị lưu đày tại Sy-ri và Vua Giô-si-a trẻ tuổi nhớ đến Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại? (b) Chúa Giê-su, lúc 12 tuổi, cho thấy ngài nhớ đến Đấng Tạo Hóa như thế nào?
4 Một người trẻ khác nhớ đến Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại là một bé gái Y-sơ-ra-ên bị lưu đày. Em đã làm chứng tốt cho vợ của Na-a-man, quan tổng binh Sy-ri, vì vậy ông đã đến gặp nhà tiên tri của Đức Chúa Trời, được chữa lành bệnh phung, và trở thành người thờ phượng Đức Giê-hô-va. (2 Các Vua 5:1-19) Vị Vua trẻ tuổi Giô-si-a can đảm phát huy sự thờ phượng thanh sạch của Đức Giê-hô-va. (2 Các Vua 22:1–23:25) Nhưng gương tốt nhất của người nhớ đến Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại lúc còn nhỏ tuổi là Chúa Giê-su, người Na-xa-rét. Hãy xem điều gì xảy ra khi ngài lên 12 tuổi. Cha mẹ đưa ngài đến Giê-ru-sa-lem để dự Lễ Vượt Qua. Trên đường về, vì không thấy Chúa Giê-su nên họ trở lại tìm ngài. Đến ngày thứ ba, họ thấy ngài đang bàn luận về Kinh Thánh với mấy thầy tại đền thờ. Thấy mẹ lo lắng hỏi, Chúa Giê-su thưa lại bằng cách hỏi: “Cha mẹ phải tìm kiếm con làm gì? Cha mẹ không biết con phải ở trong nhà Cha con sao?” (Lu-ca 2:49, Bản Dịch Mới) Việc Chúa Giê-su học hỏi về những điều có giá trị thiêng liêng tại đền thờ, ‘nhà Cha ngài’, rất là hữu ích. Ngày nay, Phòng Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va là nơi rất tốt để có được sự hiểu biết chính xác về Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại.
Nhớ đến Đức Giê-hô-va ngay bây giờ!
5. Bằng lời riêng, bạn diễn đạt thế nào về những điều người truyền đạo nói như được ghi nơi Truyền-đạo 12:1?
5 Người hết lòng thờ phượng Đức Giê-hô-va muốn hầu việc Ngài càng sớm càng tốt và phụng sự Đức Chúa Trời trọn đời. Tuy nhiên, một người có triển vọng nào nếu phung phí tuổi trẻ vì không nhớ đến Đấng Tạo Hóa? Người truyền đạo nói dưới sự soi dẫn của Đức Chúa Trời: “Trong buổi còn thơ-ấu hãy tưởng-nhớ Đấng Tạo-Hóa ngươi, trước khi những ngày gian-nan chưa đến, trước khi những năm tới mà ngươi nói rằng: Ta không lấy làm vui lòng”.—Truyền-đạo 12:1.
6. Điều gì chứng tỏ hai cụ Si-mê-ôn và An-ne nhớ đến Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại?
6 Không ai vui về “những ngày gian-nan” của tuổi già, nhưng những cụ già luôn nhớ đến Đức Chúa Trời thì có sự vui mừng. Thí dụ, cụ già Si-mê-ôn bồng con trẻ Giê-su trên tay tại đền thờ và vui mừng tuyên bố: “Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho tôi-tớ Chúa được qua đời bình-an, theo như lời Ngài; vì con mắt tôi đã thấy sự cứu-vớt của Ngài, mà Ngài đã sắm-sửa đặng làm ánh-sáng trước mặt muôn dân, soi khắp thiên-hạ, và làm vinh-hiển cho dân Y-sơ-ra-ên là dân Ngài”. (Lu-ca 2:25-32) Cụ bà An-ne 84 tuổi cũng đã nhớ đến Đấng Tạo Hóa mình. Bà luôn ở tại đền thờ và đã có mặt khi con trẻ Giê-su được bồng đến đó. “Một lúc ấy, người cũng thình-lình đến đó, ngợi-khen Đức Chúa Trời, và nói chuyện về con trẻ với mọi người trông-đợi sự giải-cứu của thành Giê-ru-sa-lem”.—Lu-ca 2:36-38.
7. Những người phụng sự Đức Chúa Trời nay đã già ở trong tình trạng nào?
7 Ngày nay, những Nhân Chứng phụng sự Đức Giê-hô-va đã lớn tuổi có thể bị đau nhức và bị giới hạn vì tuổi già. Nhưng họ vẫn vui mừng, và chúng ta quý trọng việc trung thành phụng sự của họ biết bao! Họ có “sự vui-vẻ của Đức Giê-hô-va” vì họ biết rằng Ngài nắm quyền vô địch trên đất và đã tấn phong Chúa Giê-su Christ làm Vua đầy thế lực trên trời. (Nê-hê-mi 8:10) Đây là lúc mà cả trẻ lẫn già nên nghe theo lời khuyên: “Gã trai-trẻ và gái đồng-trinh, người già-cả cùng con nhỏ: Cả thảy khá ngợi-khen danh Đức Giê-hô-va! Vì chỉ danh Ngài được tôn cao-cả; sự vinh-hiển Ngài trổi cao hơn trái đất và các từng trời”.—Thi-thiên 148:12, 13.
8, 9. (a) “Những ngày gian-nan” đáng buồn đối với những ai, và tại sao lại thế? (b) Bạn giải thích Truyền-đạo 12:2 như thế nào?
8 “Những ngày gian-nan” của tuổi già không được toại nguyện—có lẽ rất buồn nản—cho những người không nghĩ gì đến Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại và những người không có sự hiểu biết về ý định vinh hiển của Ngài. Họ không có sự hiểu biết về thiêng liêng để có thể đối trọng với sự thử thách của tuổi già và những đau khổ đã vây lấy nhân loại từ khi Sa-tan bị quăng ra khỏi trời. (Khải-huyền 12:7-12) Vì vậy, người truyền đạo khuyên chúng ta hãy nhớ đến Đấng Tạo Hóa “trước khi ánh-sáng mặt trời, mặt trăng, và các ngôi sao chưa tối-tăm, và mây chưa lại tuôn đến sau cơn mưa”. (Truyền-đạo 12:2) Những lời này có ý nghĩa gì?
9 Sa-lô-môn ví thời tuổi trẻ như mùa hè ở Pha-lê-tin khi mặt trời, mặt trăng, ngôi sao soi sáng trên bầu trời quang đãng. Vào thời đó, mọi sự trông rất rực rỡ. Tuy nhiên, khi đến tuổi già, ngày của người ta giống như trời mùa đông lạnh mưa nhiều, với hết muộn phiền này đến muộn phiền khác đổ xuống tới tấp. (Gióp 14:1) Biết đến Đấng Tạo Hóa mà không phụng sự Ngài trong thời xuân xanh của cuộc đời là điều đáng buồn biết bao! Trong mùa đông lạnh của tuổi già, mọi sự đen tối, nhất là đối với những người đã bỏ qua cơ hội phụng sự Đức Giê-hô-va trong thời niên thiếu vì chạy theo những điều hư không. Tuy nhiên, bất kể ở tuổi nào, chúng ta hãy ‘trung-thành vâng theo Đức Giê-hô-va’, như Ca-lép thuở xưa, một cộng tác viên trung thành của nhà tiên tri Môi-se.—Giô-suê 14:6-9.
Hậu quả của tuổi già
10. Điều gì được tượng trưng bởi (a) “kẻ giữ nhà”? (b) “những người mạnh-sức”?
10 Kế đến Sa-lô-môn nói về những khó khăn “trong ngày ấy kẻ giữ nhà run-rẩy, những người mạnh-sức cong khom, kẻ xay cối ngừng lại bởi vì số ít, những kẻ trông xem qua cửa sổ đã làng mắt”. (Truyền-đạo 12:3) “Nhà” ám chỉ cơ thể con người. (Ma-thi-ơ 12:43-45; 2 Cô-rinh-tô 5:1-8) “Kẻ giữ nhà” là cánh tay và bàn tay, bảo vệ thân thể và cung cấp những điều nó cần. Lúc về già, chúng thường run rẩy vì yếu đi, hồi hộp và bị liệt. “Những người mạnh-sức”—đôi chân—không còn là những cột vững chắc nhưng yếu đi, và cong lại kéo lê đôi chân. Nhưng chẳng phải bạn vui mừng khi thấy các anh chị lão thành ở trong buổi họp hay sao?
11. “Kẻ xay cối” và “những kẻ trông xem qua cửa sổ” nói theo nghĩa bóng là gì?
11 “Kẻ xay cối ngừng lại bởi vì số ít”—nhưng như thế nào? Răng có thể bị hư hoặc rụng, nếu còn thì rất ít. Nhai đồ ăn đặc rất khó hoặc không nhai được nữa. “Những kẻ trông xem qua cửa sổ”—mắt cùng với khả năng trí tuệ mà chúng ta dùng để thấy—trở nên mờ đi, nếu không muốn nói là hoàn toàn tăm tối.
12. (a) “Hai cánh cửa bên đường đóng lại” như thế nào? (b) Bạn nghĩ gì về những người lớn tuổi rao giảng về Nước Trời?
12 Người truyền đạo nói tiếp: “Hai cánh cửa bên đường đóng lại, và tiếng xay mỏn lần; lúc ấy người ta nghe tiếng chim kêu bèn chờ dậy, và tiếng con gái hát đều hạ hơi”. (Truyền-đạo 12:4) Hai cánh cửa của miệng—đôi môi—không còn mở rộng hay là không còn mở được để nói ra những gì ở trong “nhà” hoặc thân thể nữa, đó là phần của những người già không phụng sự Đức Chúa Trời. Họ không nói gì khi ở ngoài “đường” hoặc nơi công cộng. Nhưng về phần những người lớn tuổi sốt sắng rao giảng về Nước Trời thì sao? (Gióp 41:5) Họ có thể bước đi chậm chạp từ nhà này sang nhà kia và một số người nói một cách khó khăn, nhưng họ chắc chắn tôn vinh Đức Giê-hô-va!—Thi-thiên 113:1.
13. Người truyền đạo miêu tả những vấn đề khác của người già như thế nào, nhưng những tín đồ lớn tuổi theo đạo Đấng Christ thì sao?
13 Tiếng của máy xay trở nên nhỏ dần khi nhai đồ ăn bằng lợi không còn răng. Người già không ngủ ngon giấc nữa. Ngay cả tiếng chim hót cũng làm người thức giấc. Người già ít ca hát, và có tiếng ca yếu ớt. “Tiếng con gái hát”—nốt nhạc—“đều hạ hơi”. Người già khó mà nghe được bài hát và âm nhạc của những người khác. Tuy nhiên, những người được xức dầu lớn tuổi và bạn đồng hành của họ, một số cũng không còn trẻ nữa, tiếp tục cất tiếng hát ca ngợi Đức Chúa Trời tại buổi họp của đạo Đấng Christ. Chúng ta vui mừng biết bao khi có họ bên cạnh chúng ta ca ngợi Đức Giê-hô-va trong hội thánh!—Thi-thiên 149:1.
14. Những sự sợ hãi nào làm người già lo âu?
14 Số phận của những người già, nhất là những người không biết đến Đấng Tạo Hóa, thật đáng buồn thay! Người truyền đạo nói: “Lại người ta sợ sệt mà lên cao, và hãi hùng lúc đi đường; lúc ấy cây hạnh trổ bông, cào-cào trở nên nặng [“lê bước”, NW], và sự ước-ao chẳng còn nữa [“trái của cây bạch hoa vỡ ra”, NW]; vì bấy giờ người đi đến nơi ở đời đời của mình, còn những kẻ tang-chế đều đi vòng-quanh các đường-phố”. (Truyền-đạo 12:5) Đứng trên chót thang cao, nhiều người già sợ té. Ngay cả ngước nhìn cái gì trên cao cũng có thể làm họ chóng mặt. Khi họ phải ra ngoài đường phố đông người, họ kinh khiếp khi chỉ nghĩ đến việc bị trộm làm hại hay tấn công.
15. “Cây hạnh trổ bông” như thế nào, và cào cào ‘lê bước mình’ như thế nào?
15 Trong trường hợp của một người già, “cây hạnh trổ bông”, dường như ám chỉ tóc người trổ bạc, rồi đến lúc trắng như tuyết. Tóc hoa râm rụng như là hoa trắng của cây hạnh. Khi người ‘lê bước mình’, có lẽ khom lưng với tay thòng xuống hoặc bàn tay đặt trên hông, cùi chỏ cong lên, trông người giống như một con cào cào. Nhưng nếu có bất cứ người nào trong vòng chúng ta hơi giống như thế, hãy cho người khác chú ý thấy rằng chúng ta là đội binh cào cào đầy sinh lực và lẹ làng của Đức Giê-hô-va!—Xem Tháp Canh, ngày 1-5-1998, trang 8-13.
16. (a) “Trái của cây bạch hoa vỡ ra” có ý nói gì? (b) “Nơi ở đời đời” của người ta là gì, và dấu hiệu của sự chết gần kề được thấy rõ như thế nào?
16 Người già không còn thèm ăn nữa, dù là đồ ăn trước mặt người ngon như là trái của cây bạch hoa ở vùng Trung Đông. Những trái này từ lâu đã được dùng để làm tăng sự thèm ăn của người ta. “Trái của cây bạch hoa vỡ ra” có ý nói rằng khi người già không còn thèm ăn, thậm chí trái này cũng không thể làm cho người muốn ăn. Những điều đó ám chỉ rằng người ấy gần “nơi ở đời đời của mình”, tức mồ mả. Nó sẽ là nơi ở vĩnh viễn của người nếu không nhớ đến Đấng Tạo Hóa và cứ theo đuổi con đường gian ác để rồi Đức Chúa Trời không cho người sống lại. Dấu hiệu của sự chết gần kề được thấy rõ qua giọng nói buồn rầu và những lời lầm bầm than trách ra từ cửa miệng của người già.
17. “Dây bạc” bị dứt như thế nào, và “chén vàng” có thể tượng trưng cho gì?
17 Chúng ta được khuyên để nhớ đến Đấng Tạo Hóa “trước khi dây bạc dứt, và chén vàng bể, trước khi vò vỡ ra bên suối, và bánh xe gãy ra trên giếng”. (Truyền-đạo 12:6) “Dây bạc” có thể là khối dây thần kinh trong xương sống. Chết là cái chắc khi tuyến xung lực tuyệt diệu này đến não bị hư hại nặng nề. “Chén vàng” có thể ám chỉ não, nó nằm trong sọ giống như cái chén, chỗ nối liền với dây thần kinh. Vàng chỉ sự quí giá, cho nên khi não ngừng hoạt động, chúng ta sẽ chết.
18. “Vò bên suối” tượng trưng cho gì, và điều gì xảy ra khi nó vỡ?
18 “Vò bên suối” là trái tim, nơi các dòng máu chảy về và rồi được bơm đi khắp cơ thể. Lúc chết, trái tim trở thành như cái vò vỡ bên suối bởi vì nó không còn nhận, chứa và bơm máu cần thiết để bồi dưỡng và làm cơ thể khỏe lại. “Bánh xe gãy ra trên giếng” không còn quay nữa, chấm dứt sự tuần hoàn của máu. Như thế Đức Giê-hô-va đã cho Sa-lô-môn biết về sự tuần hoàn của máu từ lâu trước khi nhà vật lý học của thế kỷ 17 là William Harvey chứng minh sự tuần hoàn của nó.
19. Những lời trong Truyền-đạo 12:7 áp dụng vào lúc chết như thế nào?
19 Người truyền đạo thêm: “Bụi-tro trở vào đất y như nguyên-cũ, và thần-linh trở về nơi Đức Chúa Trời, là Đấng đã ban nó”. (Truyền-đạo 12:7) Với “bánh xe” bị gãy, thân thể người ta, lúc đầu được làm từ bụi đất, trở về với bụi đất. (Sáng-thế Ký 2:7; 3:19) Linh hồn chết bởi vì thần linh, hoặc sinh lực, do Đức Chúa Trời ban cho, trở về với Đấng Tạo Hóa.—Ê-xê-chi-ên 18:4, 20; Gia-cơ 2:26, NW.
Tương lai nào dành cho những người nhớ đến Đấng Tạo Hóa?
20. Môi-se xin gì khi cầu nguyện như được ghi nơi Thi-thiên 90:12?
20 Sa-lô-môn rất hữu hiệu trong việc cho thấy nhớ đến Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại quan trọng như thế nào. Đời sống này khá ngắn ngủi và đầy phiền muộn, chắc chắn đời sống không phải chỉ có thế cho những người nhớ đến Đức Giê-hô-va và hết lòng làm theo ý muốn Ngài. Dù già hay trẻ, họ cũng có cùng một thái độ giống như của Môi-se, người đã cầu nguyện: “Cầu-xin Chúa dạy chúng tôi biết đếm các ngày chúng tôi, hầu cho chúng tôi được lòng khôn-ngoan”. Nhà tiên tri khiêm nhường của Đức Chúa Trời tha thiết mong muốn Đức Giê-hô-va chỉ dạy cho ông và dân Y-sơ-ra-ên có sự khôn ngoan để quí trọng ‘các ngày của họ’ và dùng những ngày đó theo cách mà Đức Chúa Trời chấp nhận.—Thi-thiên 90:10, 12.
21. Nếu chúng ta muốn đếm các ngày để tôn vinh Đức Giê-hô-va, chúng ta phải làm gì?
21 Đặc biệt giới trẻ tín đồ Đấng Christ nên cương quyết làm theo lời khuyên của người truyền đạo là nhớ đến Đấng Tạo Hóa. Quả là cơ hội tuyệt diệu mà họ có để làm thánh chức phụng sự Đức Chúa Trời! Tuy nhiên, bất kể tuổi tác, nếu chúng ta học đếm các ngày để tôn vinh Đức Giê-hô-va trong “kỳ cuối-cùng” này, chúng ta có thể tiếp tục đếm nó mãi mãi. (Đa-ni-ên 12:4; Giăng 17:3) Muốn làm thế, dĩ nhiên chúng ta phải nhớ đến Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại. Chúng ta cũng phải làm trọn phận sự đối với Đức Chúa Trời.
Bạn trả lời thế nào?
◻ Tại sao những người trẻ được khuyên để nhớ đến Đấng Tạo Hóa?
◻ Những gương nào trong Kinh Thánh cho biết về những người đã nhớ đến Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại?
◻ Sa-lô-môn miêu tả về một số hậu quả nào của tuổi già?
◻ Tương lai nào dành cho những người nhớ đến Đức Giê-hô-va?
[Các hình nơi trang 15]
Đa-vít, bé gái Y-sơ-ra-ên bị lưu đày, An-ne và Si-mê-ôn đã nhớ đến Đức Giê-hô-va
[Các hình nơi trang 16]
Những Nhân Chứng lão thành của Đức Giê-hô-va vui mừng làm thánh chức phụng sự Đấng Tạo Hóa Vĩ Đại