Độc giả thắc mắc
Theo lệnh của Kinh Thánh trong việc sử dụng đúng đắn về huyết, Nhân Chứng Giê-hô-va quan niệm thế nào về những liệu pháp dùng huyết của một người để chữa trị bản thân người đó?
Thay vì quyết định chỉ dựa trên sở thích cá nhân hoặc theo một số lời khuyên y khoa, mỗi tín đồ Đấng Christ cần phải xem xét nghiêm túc để biết Kinh Thánh nói gì. Đây là vấn đề giữa người đó và Đức Giê-hô-va.
Đức Giê-hô-va, Đấng ban sự sống cho chúng ta đã phán không được dùng huyết làm thức ăn. (Sáng-thế Ký 9:3, 4) Trong Luật Pháp dành cho dân Y-sơ-ra-ên xưa, Đức Chúa Trời giới hạn việc sử dụng huyết vì nó tượng trưng sự sống. Ngài phán: “Vì sanh-mạng của xác-thịt ở trong huyết; ta đã cho các ngươi huyết rưới trên bàn-thờ đặng làm lễ chuộc tội cho linh-hồn mình”. Nói sao về việc người ta giết thú vật để ăn thịt? Đức Chúa Trời bảo: “Thì phải đổ huyết nó ra, rồi lấy bụi đất lấp lại”.a (Lê-vi Ký 17:11, 13) Đức Giê-hô-va đã nhiều lần lặp lại mệnh lệnh này. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:16, 24; 15:23) Bản dịch Do Thái Soncino Chumash ghi nhận: “Huyết không được phép lưu trữ, nhưng phải làm cho vô dụng bằng cách đổ ra trên đất”. Không một người Y-sơ-ra-ên nào được lấy, lưu trữ và dùng huyết của sinh vật khác, vì sự sống nó thuộc về Đức Chúa Trời.
Khi Đấng Mê-si chết, Luật Môi-se không còn hiệu lực. Nhưng quan điểm của Đức Chúa Trời về tính chất thánh của huyết vẫn còn. Các sứ đồ được thánh linh Đức Chúa Trời soi dẫn đã ra lệnh cho tín đồ Đấng Christ phải ‘kiêng huyết’. Không nên xem nhẹ mệnh lệnh này. Về phương diện đạo đức, mệnh lệnh này quan trọng như việc tránh tà dâm hoặc thờ hình tượng. (Công-vụ 15:28, 29; 21:25) Khi việc hiến và truyền máu phổ biến trong thế kỷ 20, Nhân Chứng Giê-hô-va nhận biết thực hành này trái lại Lời Đức Chúa Trời.b
Đôi khi một bác sĩ sẽ đề nghị bệnh nhân lưu trữ huyết mình vài tuần lễ trước phẫu thuật hầu trong trường hợp khẩn cấp bác sĩ có thể truyền huyết đó trở lại cho bệnh nhân. Tuy nhiên việc thu gom, tích trữ và truyền huyết như thế trái hẳn với những gì được nói trong Lê-vi Ký và Phục-truyền Luật-lệ Ký. Huyết không được lưu trữ; nó phải được đổ ra—trở về với Đức Chúa Trời. Đành rằng Luật Môi-se ngày nay không còn hiệu lực nữa, nhưng Nhân Chứng Giê-hô-va kính trọng những nguyên tắc của Đức Chúa Trời được bao hàm trong Luật ấy và họ quyết tâm ‘kiêng huyết’. Vì thế chúng ta không hiến máu, cũng không lưu trữ máu cho việc truyền máu. Thực hành đó trái với luật pháp Đức Chúa Trời. Vì máu phải được ‘đổ ra’.
Những liệu pháp hoặc xét nghiệm khác dính dáng đến huyết của một người không rõ ràng trái với những nguyên tắc của Đức Chúa Trời. Thí dụ, nhiều tín đồ Đấng Christ đã đồng ý cho trích huyết để xét nghiệm hoặc phân tích và sau đó mẫu này bị hủy. Bác sĩ cũng có thể đề nghị một số liệu pháp khác phức tạp hơn dính dáng với huyết của một cá nhân.
Thí dụ trong vài phương thức phẫu thuật, huyết có thể được dẫn ra khỏi cơ thể bằng một tiến trình gọi là làm loãng máu (hemodilution). Lượng huyết trong cơ thể bệnh nhân bị loãng bớt. Sau đó huyết được chuyển qua bộ phận bên ngoài cơ thể được dẫn về, như thế nâng lượng huyết của bệnh nhân trở lại gần như bình thường. Tương tự thế, huyết chảy ra từ vết thương có thể được giữ và lọc lại để truyền hồng huyết cầu trở về với bệnh nhân; phương pháp này được gọi là tận dụng tế bào. Trong những tiến trình khác, huyết có thể được dẫn đến một máy tạm thời đảm nhiệm chức năng của một cơ quan (thí dụ như tim, phổi hoặc thận). Huyết từ máy được truyền trở về bệnh nhân. Trong những phương pháp khác, huyết được dẫn đến một máy ly tâm để loại bỏ những phần có hại hoặc có khuyết điểm. Ngoài ra mục tiêu có thể là tách vài thành phần trong huyết để đem ứng dụng vào một nơi nào trên cơ thể. Cũng có nhiều xét nghiệm trong đó một lượng huyết được rút ra để thêm vào hoặc pha với thuốc, sau đó truyền trở lại cho bệnh nhân.
Về chi tiết có thể có sự khác biệt, và những phương pháp trị liệu và những xét nghiệm chắc chắn sẽ tiếp tục phát triển. Trách nhiệm của chúng tôi không phải là phân tích mỗi sự thay đổi và đưa ra quyết định. Mỗi tín đồ Đấng Christ phải tự quyết định về việc huyết của mình sẽ được xử lý ra sao trong tiến trình phẫu thuật, xét nghiệm y khoa hoặc phương pháp trị liệu hiện thời. Người đó nên sớm hỏi bác sĩ hoặc nhà chuyên môn những thông tin về cách huyết của mình sẽ được sử dụng liên quan đến phương pháp đó. Tiếp đến người đó phải quyết định theo những gì lương tâm mình cho phép. (Xem khung).
Những tín đồ Đấng Christ nên nhớ họ đã dâng mình cho Đức Chúa Trời và có bổn phận ‘hết lòng, hết linh-hồn, hết sức, hết trí mà kính-mến Ngài’. (Lu-ca 10:27) Khác với phần lớn thế gian, Nhân Chứng Giê-hô-va trân trọng mối quan hệ cá nhân với Đức Chúa Trời. Đấng Ban Sự Sống khuyến khích tất cả chúng ta tin cậy nơi huyết Chúa Giê-su đã đổ ra. Chúng ta đọc: “Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu-chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội”.—Ê-phê-sô 1:7.
[Chú thích]
a Giáo sư Frank H. Gorman viết: “Chúng ta hiểu rõ việc đổ huyết là một hành động sùng kính thể hiện lòng tôn trọng sự sống của con vật và như thế biểu lộ lòng tôn kính đối với Đức Chúa Trời, Đấng đã tạo nên và tiếp tục gìn giữ sự sống ấy.
b Tháp Canh (Anh ngữ), số ra ngày 1-7-1951 trả lời câu hỏi then chốt về vấn đề này, cho thấy tại sao nhận tiếp huyết được hiến tặng là không đúng.
[Khung/Các hình nơi trang 31]
BẠN NÊN TỰ HỎI
Nếu như một lượng huyết của tôi được dẫn ra khỏi cơ thể và ngay cả có thể dòng chảy tạm gián đoạn một thời gian, vậy lương tâm có cho phép tôi xem huyết này vẫn còn thuộc một phần của tôi, và như thế không cần phải ‘đổ ra trên đất’ không?
Lương tâm được Kinh Thánh dạy dỗ của tôi có bị giày vò không nếu như trong phương pháp chẩn đoán hoặc trị liệu một số lượng huyết được rút ra, sửa đổi và truyền trở lại cơ thể?