Chương 20
Bạn có quí trọng sự sống và máu không?
1. a) Đức Chúa Trời xem sự sống thế nào? b) Chúng ta có thể tỏ ra quí trọng sự ban cho của Đức Chúa Trời về sự sống ra sao?
CHÚNG TA không nên ngạc nhiên khi thấy quan điểm của Đức Chúa Trời về sự sống thật khác với quan điểm của thế gian. Đối với Đức Chúa Trời sự sống loài người là thánh. Bạn có cùng quan điểm đó không? Chúng ta hoàn toàn tùy thuộc nơi Đức Chúa Trời, Đấng “ban sự sống, hơi sống, muôn vật cho mọi loài” (Công-vụ các Sứ-đồ 17:25-28; Thi-thiên 36:9). Nếu chúng ta có cùng quan điểm với Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ bảo toàn sự sống. Nhưng chúng ta hẳn không muốn vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời hầu cứu vớt sự sống hiện tại. Chúng ta quí mến lời hứa của Đức Chúa Trời về sự sống đời đời cho những ai thật sự đặt đức tin nơi Con Ngài (Ma-thi-ơ 16:25, 26; Giăng 6:40; Giu-đe 21).
2. Thế gian thể hiện rõ thái độ của ai đối với sự sống, và điều này đôi khi đưa đến lối lý luận nào?
2 Ngược lại, Giê-su nói rằng Sa-tan Ma-quỉ, kẻ cai trị thế gian này, “vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người” (Giăng 8:44; 12:31). Ngay từ lúc hắn bắt đầu bước theo đường lối phản nghịch, hắn đưa nhân loại đến sự chết. Lịch sử hung bạo của thế giới thể hiện rõ tinh thần của hắn. Nhưng Sa-tan cũng có thể phô trương một hình thức bề ngoài dường như khác hẳn. Bởi vậy những kẻ chịu ảnh hưởng lối suy nghĩ của hắn lập luận rằng việc sùng đạo có thể là điều tốt, nhưng khi sự sống bạn bị đe dọa, nghe theo lời khuyên “lão luyện” của họ sẽ có ích hơn là dựa vào Kinh-thánh. (So sánh II Cô-rinh-tô 11:14, 15). Khi đứng trước một tình thế rõ ràng quan hệ đến việc sống chết, lòng bạn có khuynh hướng làm theo điều gì? Dĩ nhiên, chúng ta nên có sự ham muốn làm hài lòng Đức Giê-hô-va.
3. a) Tại sao chúng ta nên đặc biệt chú ý đến điều Kinh-thánh nói về máu? b) Hãy đọc Sáng-thế Ký 9:3-6 và Công-vụ các Sứ-đồ 15:28, 29, rồi trả lời các câu hỏi kèm theo các câu Kinh-thánh ấy ở trên đây.
3 Lời Đức Chúa Trời tiết lộ sự liên hệ mật thiết giữa sự sống và máu, nói rằng: “Sanh-mạng của xác-thịt ở trong huyết”. Cũng như sự sống là thánh, Đức Chúa Trời đã làm cho máu là thánh. Máu là một điều thuộc về Ngài, chỉ được dùng theo cách thức mà Ngài chấp nhận (Lê-vi Ký 17:3, 4, 11; Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:23). Như vậy chúng ta nên xem xét kỹ lưỡng Ngài đòi hỏi gì nơi chúng ta về việc dùng máu.
Thực hành nào trong vùng bạn đòi hỏi bạn đề phòng để không ăn máu thú vật?
Chiếu theo điều được nói đến nơi Sáng-thế Ký 9 câu 4 về máu thú vật, bạn phản ứng thế nào trước việc uống máu người (mà các người giác đấu thời La-mã hay làm)?
Như được cho thấy nơi Sáng-thế Ký 9 câu 5 và 6, người ta phải thưa trình với ai trước nhất về việc đổ máu người?
Đọc Công-vụ các Sứ-đồ 15:28, 29
Điều này có nêu lên rằng các điều đòi hỏi chỉ áp dụng cho một thời gian giới hạn không? Có áp dụng cho chúng ta không?
Theo ngôn ngữ được dùng ở đây, phải chăng không có liên can đến máu người?
Phải chăng câu văn cho thấy có thể có những trường hợp ngoại lệ vì lý do khẩn cấp?
4. Như được thảo luận ở đây, Kinh-thánh cho thấy một người có thể cần phải thực hiện hành động nào để khỏi bị lây tội đổ máu?
4 Về phần máu loài người, chúng ta không thể đoán chừng rằng chỉ giản dị tránh giết người là chúng ta khỏi có tội đâu. Kinh-thánh cho thấy rằng nếu chúng ta thuộc về một tổ chức nào mang tội đổ máu trước mặt Đức Chúa Trời, chúng ta phải cắt đứt mọi liên lạc với tổ chức đó nếu không muốn dự phần tội lỗi (Khải-huyền 18:4, 24; Mi-chê 4:3). Chúng ta nên cấp bách lưu ý đến hành động ấy.
5. Sự siêng năng trong thánh chức rao giảng liên hệ thế nào đến việc tránh tội đổ máu?
5 Trong trường hợp các tôi tớ Đức Chúa Trời, những người được Ngài giao phó công việc cảnh cáo trước về sự hủy diệt trong hoạn nạn lớn, nếu muốn tránh tội đổ máu họ phải trung thành công bố thông điệp đó. (So sánh Ê-xê-chi-ên 3:17-21). Sứ đồ Phao-lô tự xem như thiếu nợ đủ mọi hạng người vì cớ thánh chức rao giảng được giao phó cho ông. Ông chỉ cảm thấy không còn chịu trách nhiệm về máu của họ sau khi đã làm chứng cặn kẽ cho họ về sự sắp đặt của Đức Chúa Trời để được cứu chuộc (Rô-ma 1:14, 15; Công-vụ các Sứ-đồ 18:5, 6; 20:26, 27). Bạn có siêng năng làm thánh chức rao giảng để cho thấy rằng bạn cũng ý thức được trách nhiệm mà tất cả các Nhân-chứng Giê-hô-va phải gánh vác không?
6. Có sự liên hệ gì giữa sự ngăn ngừa tai nạn và sự kính trọng tính chất thánh của máu?
6 Chúng ta cũng nên chú tâm cách nghiêm trọng đến các tai nạn làm chết người. Dưới Luật pháp Môi-se người nào rủi ro gây thiệt mạng cho một người đồng loại không được xem như vô tội. Người đó phải chịu hình phạt (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:29, 30; Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:8; Dân-số Ký 35:22-25). Nếu chúng ta khắc ghi vào lòng các nguyên tắc liên hệ, chúng ta sẽ cẩn thận tránh góp phần vào việc gây ra tai nạn làm chết người qua cách lái xe, liều lĩnh ngu dại hoặc không sửa chữa những điều kiện bất an toàn trong nhà ở hay tại chỗ làm việc của chúng ta. Thái độ của bạn đối với những vấn đề này có phản ảnh sự kiện bạn quí trọng đúng mức tính chất thánh của sự sống không?
NÓI GÌ VỀ VIỆC DÙNG MÁU TRONG Y KHOA?
7. a) Truyền máu của một người vào một người khác có phù hợp với tính chất thánh của máu không? b) Tại sao chỉ áp dụng điều răn «kiêng-giữ máu» cho các thực thành phổ thông vào thế kỷ thứ nhất là phi lý?
7 Dù việc tiếp máu không mới lạ, chỉ đặc biệt trong thế kỷ 20 người ta mới phổ biến sự thực hành này nhằm duy trì sự sống. Người ta dùng máu nguyên chất và các phần tử chính yếu của máu vào việc này. Dĩ nhiên, các phương pháp y học ấy không bảo đảm rằng bệnh nhân sẽ không chết. Thật ra thì đôi lúc việc dùng máu thể ấy gây ra sự chết. Nhưng điều khiến ta quan tâm nhiều hơn là: Việc Kinh-thánh đòi hỏi chúng ta «kiêng-giữ huyết» có áp dụng cho lối trị liệu này không? Có! Du nhập máu của một sinh vật khác, của người hay thú, vào thân thể một người là vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời, tỏ ra khinh lờn tính chất thánh của máu (Công-vụ các Sứ-đồ 15:19, 20). Không có căn bản nào để giới hạn việc áp dụng điều răn «kiêng-giữ máu» cho các thực hành phổ thông vào thế kỷ thứ nhất và như thế không áp dụng cho các kỹ thuật y học hiện đại. Hãy lý luận về vấn đề này: Có ai cho rằng điều răn của Kinh-thánh cấm giết người không bao hàm việc cất lấy mạng sống con người cách phi pháp bằng một khẩu súng, bởi lẽ thuốc súng chỉ mới được sáng chế vào thế kỷ thứ 10 không? Và lập luận rằng điều răn cấm sự say sưa chỉ được áp dụng liên quan tới các đồ uống thịnh hành vào thế kỷ thứ nhất và không liên hệ tới các loại rượu mạnh ngày nay, có hợp lý không? Đối với những người thật sự muốn làm hài lòng Đức Chúa Trời, thông điệp chứa đựng trong điều răn «kiêng-giữ máu» là rõ ràng.
8. a) Làm thế nào bạn có thể xác định xem một phương pháp y học có thích hợp hay không cho một tín đồ đấng Christ? b) Nếu một bác sĩ muốn rút ra một ít máu của bạn, dự trữ và rồi tiêm vào cơ thể của bạn trở lại trong một cuộc giải phẫu, các nguyên tắc nào của Kinh-thánh giúp bạn quyết định đúng? c) Một người có thể lý luận thế nào về một phương pháp trị liệu đòi hỏi máu được chuyển sang một hệ thống ngoài cơ thể?
8 Tuy nhiên, một số phương pháp y học phức tạp có thể khơi dậy vài câu hỏi. Làm sao có thể giải đáp những câu hỏi này? Trước hết, hãy xin bác sĩ của bạn giải thích rõ phương pháp được đề nghị. Rồi hãy cầu nguyện và phân tích phương pháp đó dựa trên các nguyên tắc Kinh-thánh. Có lẽ bác sĩ của bạn đề nghị rút máu bạn và dự trữ để dùng trong một cuộc giải phẫu sau đó, nếu cần. Bạn sẽ ưng thuận không? Hãy nhớ rằng, theo luật pháp Đức Chúa Trời ban cho qua trung gian Môi-se, thì khi máu chảy ra khỏi một tạo vật, máu phải được đổ xuống đất (Phục-truyền Luật-lệ Ký 12:24). Ngày nay chúng ta không còn ở dưới bộ Luật đó nữa, nhưng ta hiểu ý nghĩa của thông điệp cho biết rằng máu là thánh và, khi chảy ra khỏi cơ thể của một tạo vật máu phải được đổ ra trên đất là bệ chân Đức Chúa Trời để trả lại cho Ngài. (So sánh Ma-thi-ơ 5:34, 35). Như thế thì dự trữ máu của bạn (dù chỉ một thời gian tương đối ngắn) và rồi tiêm vào cơ thể bạn trở lại, làm sao có thể đúng được? Nhưng làm gì nếu bác sĩ nói rằng, trong lúc giải phẫu hoặc trị liệu bằng cách khác, máu bạn được chuyển sang một hệ thống gắn liền ngoài cơ thể, và rồi chảy ngay vào cơ thể trở lại? Bạn sẽ bằng lòng cho làm thế không? Một số người đã nghĩ rằng họ có thể cho phép làm điều này mà vẫn giữ được lương tâm trong sạch, miễn là dụng cụ vận tải máu ra ngoài cơ thể được chuẩn bị với một chất lỏng không phải là máu. Họ đã xem dụng cụ ngoại cơ đó là hệ thống tuần hoàn của họ được nới rộng. Dĩ nhiên, mỗi tình thế một khác nhau, và chính bạn là người phải quyết định. Nhưng bạn nên quyết định làm sao để có lương tâm trong sạch trước mặt Đức Chúa Trời (I Phi-e-rơ 3:16; I Ti-mô-thê 1:19).
9. a) Cần có những biện pháp phòng xa nào để bảo đảm cho quyết định «kiêng-giữ huyết» của bạn được tôn trọng? b) Ngay dù ở trong tình thế khẩn trương, đôi khi làm thế nào có thể tránh sự đụng độ không mấy nhã nhặn? c) Nếu một bác sĩ hay một tòa án tìm cách cưỡng bách bạn nhận tiếp máu, bạn sẽ làm gì?
9 Để biết chắc rằng bác sĩ của bạn sẽ tôn trọng quyết định «kiêng-giữ huyết», hãy nói chuyện với ông ấy trước khi xảy ra bất cứ một tình thế khẩn trương nào liên quan đến sức khỏe. Nếu cần phải đi nằm nhà thương để trị bệnh, hãy phòng xa, viết ra giấy một lời yêu cầu nói rằng bạn không muốn nhận máu, và cũng đích thân nói miệng về điều này với bác sĩ sẽ điều trị bạn. Nhưng nói gì nếu có một sự khẩn trương bất ngờ? Thường thì có thể tránh sự đụng độ không mấy nhã nhặn, bằng cách thảo luận lễ độ và phân trần phải trái với bác sĩ, khẩn khoản xin ông ấy dùng hết tài ba của ông, miễn là tôn trọng lương tâm của bạn là tín đồ đấng Christ (Châm-ngôn 15:1; 16:21, 23). Tuy nhiên, nếu nhân viên y tế có ý tốt một mực nói rằng nếu từ chối máu đời sống bạn sẽ lâm nguy và như vậy họ cố ép bạn phải ưng thuận, thì làm gì? Nếu bạn tin chắc rằng các đường lối của Đức Giê-hô-va là đúng, chúng ta sẽ cương quyết. Sự trung thành đối với Đức Giê-hô-va phải giúp chúng ta quyết tâm cưỡng lại việc đó, bởi vì chúng ta chọn vâng lời Đức Chúa Trời thay vì vâng lời loài người. (Công-vụ các Sứ-đồ 5:29; so sánh Gióp 2:4; Châm-ngôn 27:11).
VẤN ĐỀ HỆ TRỌNG THẾ NÀO?
10. Tại sao việc hô hào là cần phải tiếp máu để cứu mạng sống không thay đổi quan điểm của chúng ta về vấn đề này?
10 Đối với những người chưa biết Đức Giê-hô-va, các lập luận nhằm bênh vực việc tiếp máu nhiều khi có vẻ chứng tỏ tôn trọng sự thánh khiết của sự sống. Nhưng chúng ta chớ quên rằng nhiều người lập luận theo lối này cũng dung túng việc hủy hoại sự sống qua sự phá thai. Đức Giê-hô-va hiểu biết về sự sống và máu nhiều hơn bất cứ y sĩ “lão luyện” nào. Tất cả mọi điều răn của Ngài đã tỏ ra có lợi ích cho chúng ta, bảo toàn sự sống hiện tại và triển vọng tương lai của chúng ta (Ê-sai 48:17; I Ti-mô-thê 4:8). Điều răn bảo «kiêng-giữ huyết» có khác gì không?
11. a) Đức Giê-hô-va chỉ cho phép người Y-sơ-ra-ên dùng máu để làm gì? b) Tại sao điều này rất quan trọng đối với chúng ta là tín đồ đấng Christ?
11 Điều Đức Giê-hô-va nói về cách duy nhất được dùng máu nhấn mạnh tầm mức hệ trọng của việc tôn trọng sự thánh khiết của máu. “Sanh-mạng [linh-hồn, (phụ chú bên dưới)] của xác-thịt ở trong huyết; ta đã cho các ngươi huyết rưới trên bàn-thờ đặng làm lễ chuộc tội cho linh-hồn mình; vì nhờ sanh-mạng mà huyết mới chuộc tội được. Bởi cớ đó ta đã phán cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Trong vòng các ngươi không ai nên ăn huyết” (Lê-vi Ký 17:11, 12). Tất cả máu thú vật được rưới ra trên bàn thờ Đức Giê-hô-va thể theo lời đòi hỏi ấy hình dung trước cho huyết quí báu của Giê-su Christ (Hê-bơ-rơ 9:11, 12; I Phi-e-rơ 1:18, 19). Vậy luật pháp của Đức Chúa Trời cấm dùng máu cho bất cứ mục tiêu nào khác nhấn mạnh sự thánh khiết của chính huyết Giê-su. Do đó chúng ta có thể hiểu rằng việc lạm dụng máu chứng tỏ sự khinh thường rất lớn đối với sự sắp đặt của Đức Giê-hô-va cho sự cứu chuộc qua trung gian Con Ngài.
12. Nếu đối diện với sự chết, tại sao một người tín đồ thật của đấng Christ sẽ không cậy vào sự lạm dụng máu dưới bất cứ hình thức nào để cố giữ gìn sự sống?
12 Thật là thiển cận làm sao khi quay lưng lìa bỏ Đức Chúa Trời lúc đối diện với một tình thế quan hệ đến việc sống chết! Mặc dù chúng ta quí trọng việc chữa bệnh của các bác sĩ tận tâm, chúng ta không muốn tìm đủ mọi cách để cứu mạng sống của chúng ta hoặc của những người thân yêu để sống thêm vài ngày hay vài năm nữa bằng cách vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời, làm như là sự sống này là quí nhất. Chúng ta tin nơi giá trị của máu mà Giê-su đổ ra và nhờ đó mà có thể sống đời đời. Chúng ta tin tưởng hết lòng rằng các tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời—ngay cả những người chết—sẽ được ban cho phần thưởng là sự sống đời đời (Giăng 11:25; I Ti-mô-thê 4:10).
Thảo Luận Để Ôn Lại
● Điều gì khiến cho sự sống và máu trở nên thánh? Tại sao thế gian này biện luận cho một quan điểm khác?
● Nói về thú vật, làm thế nào chúng ta tỏ ra tôn trọng sự thánh khiết của máu chúng?
● Tất cả chúng ta nên chứng tỏ chúng ta xem sự sống con người là thánh bằng những cách khác nhau nào? Làm như thế là quan trọng đến mức nào?