Sự vâng lời—Bài học quan trọng thời thơ ấu chăng?
“CHA MẸ muốn con có cá tính, chứ không muốn những đứa chỉ biết vâng lời”. Đó là hàng tít lớn của một tờ báo. Dựa trên kết quả cuộc thăm dò ở New Zealand, mẩu tin này cho thấy chỉ “22 phần trăm những người được phỏng vấn trả lời rằng phải dạy trẻ con biết vâng lời ngay từ trong gia đình”. Cuộc nghiên cứu cũng cho thấy các bậc cha mẹ ngày nay tin rằng việc dạy con cái những mặt như đối xử lịch sự, tính tự lập và tinh thần trách nhiệm là điều quan trọng hơn nhiều.
Trong thời đại chủ nghĩa cá nhân và tư lợi này, thật dễ hiểu khi quan niệm của phần đông người là hoài nghi về sự vâng lời, và về việc dạy trẻ em biết vâng lời. Nhưng ở tuổi thơ ấu, phải chăng sự vâng lời là điều hủ lậu và lỗi thời cần dẹp bỏ? Hay đó là bài học thiết yếu và ích lợi cho trẻ em? Quan trọng hơn nữa là Đức Giê-hô-va, Đấng sáng lập gia đình, xem sự vâng lời cha mẹ như thế nào, và điều này đem lại một số lợi ích nào?—Công-vụ 17:28; Ê-phê-sô 3:14, 15.
“Điều đó là phải lắm”
Sứ đồ Phao-lô viết cho hội thánh tín đồ Đấng Christ ở Ê-phê-sô hồi thế kỷ thứ nhất như sau: “Hỡi kẻ làm con-cái, hãy vâng-phục cha mẹ mình trong Chúa, vì điều đó là phải lắm”. (Ê-phê-sô 6:1) Vậy lý do chính yếu để vâng lời là vì điều ấy phù hợp với tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời về điều đúng. Như Phao-lô nói, “điều đó là phải lắm”.
Phù hợp với điều này, chúng ta thấy Lời Đức Chúa Trời mô tả kỷ luật yêu thương của cha mẹ như một món đồ trang sức đẹp đẽ, ‘một dây hoa trên đầu, giống như những vòng đeo quanh cổ’, và như điều “đẹp lòng Chúa”. (Châm-ngôn 1:8, 9; Cô-lô-se 3:20) Trái lại, không vâng lời cha mẹ là mất đi sự chuẩn chấp của Đức Chúa Trời.—Rô-ma 1:30, 32.
“Hầu cho ngươi được phước”
Phao-lô cho biết một lợi ích nữa của sự vâng lời: “Hãy tôn-kính cha mẹ ngươi (ấy là điều-răn thứ nhứt, có một lời hứa nối theo), hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất”. (Ê-phê-sô 6:2, 3; Xuất Ê-díp-tô Ký 20:12) Vâng lời cha mẹ đem lại hạnh phúc như thế nào?
Trước hết, chẳng phải tuổi đời và kinh nghiệm là lợi thế của cha mẹ sao? Mặc dù có thể không biết gì nhiều về máy vi tính hoặc một số môn học ở trường, nhưng cha mẹ chắc hẳn sành sỏi và biết rõ cách đương đầu với các vấn đề của cuộc sống. Trái lại, người trẻ thiếu sự suy nghĩ thăng bằng, chỉ có được khi đã thành thục. Bởi thế, họ có khuynh hướng vội vã trong mọi quyết định, thường dễ đầu hàng trước áp lực tiêu cực của bạn bè đồng trang lứa, gây tổn hại cho chính mình. Kinh Thánh nói cách thực tiễn: “Sự ngu-dại vốn buộc vào lòng con trẻ”. Sửa trị bằng biện pháp nào? “Roi răn-phạt sẽ làm cho sự ấy lìa xa nó”.—Châm-ngôn 22:15.
Sự vâng lời không chỉ có lợi cho quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Để xã hội con người có thể hoạt động trật tự và hiệu quả, cần phải có sự hợp tác ở một mức độ vâng phục nào đó. Trong hôn nhân chẳng hạn, gia đình sẽ được đầm ấm, hòa thuận và hạnh phúc nếu sẵn sàng nhường nhịn lẫn nhau, thay vì cứ đòi hỏi và không màng đến quyền lợi và cảm xúc của người khác. Ở nơi làm việc, sự tuân phục của nhân viên là điều kiện cần thiết để mọi công việc và nỗ lực đạt đến thành công. Đối với luật pháp và qui định của nhà nước, sự phục tùng không chỉ giúp khỏi bị phạt, mà ít ra cũng giúp được an toàn và được bảo vệ.—Rô-ma 13:1-7; Ê-phê-sô 5:21-25; 6:5-8.
Những người trẻ không vâng phục uy quyền thường khó hòa nhập với xã hội. Ngược lại, bài học vâng lời thời thơ ấu có thể bổ ích suốt đời. Thật tốt biết bao khi tập vâng lời từ tuổi thơ ấu!
Phần thưởng lớn của sự vâng lời
Sự vâng lời không chỉ giúp gia đình được hạnh phúc và lợi ích lâu bền, mà còn là căn bản để xây dựng mối liên lạc quan trọng nhất—đó là liên lạc giữa một người với Đấng Tạo Hóa. Là “Đấng Tạo Hóa Cao Cả”, “nguồn sự sống”, Giê-hô-va Đức Chúa Trời xứng đáng cho chúng ta vâng lời trọn vẹn.—Truyền-đạo 12:1, NW; Thi-thiên 36:9.
Từ “vâng lời” xuất hiện nhiều lần trong Kinh Thánh, dưới nhiều dạng khác nhau. Ngoài ra, luật pháp, mạng lệnh, điều răn, phán quyết, và qui định của Đức Chúa Trời cũng được nhắc đến hàng trăm lần, và mọi điều này đòi hỏi sự vâng phục. Hiển nhiên Đức Chúa Trời xem sự vâng phục như một điều kiện để được Ngài chấp nhận. Do đó, sự vâng lời là yếu tố tối cần để xây dựng mối liên lạc với Đức Giê-hô-va. (1 Sa-mu-ên 15:22) Điều đáng buồn là khuynh hướng tự nhiên của con người là hay bất tuân. Kinh Thánh nói: “Lòng con người toan tính điều xấu từ khi còn trẻ”. (Sáng-thế Ký 8:21, Tòa Tổng Giám Mục) Bởi thế, bài học vâng lời phải được học suốt đời, chứ không chỉ ở tuổi thơ ấu. Làm thế để có được phần thưởng lớn.
Hãy nhớ lời sứ đồ Phao-lô nói là điều răn vâng phục cha mẹ đi kèm với lời hứa gồm hai khía cạnh, “hầu cho ngươi được phước và sống lâu trên đất”. Lời hứa này được khẳng định nơi Châm-ngôn 3:1, 2: “Hỡi con, chớ quên sự khuyên-dạy ta, lòng con khá giữ các mạng-lịnh ta; vì nó sẽ thêm cho con lâu ngày, số năm mạng-sống, và sự bình-an”. Phần thưởng lớn dành cho những người biết vâng lời là mối liên lạc cá nhân với Đức Giê-hô-va ngay bây giờ, và sự sống đời đời trong thế giới mới thanh bình.—Khải-huyền 21:3, 4.
[Các hình nơi trang 30, 31]
Sự vâng lời tạo được sự vui vẻ trong mối quan hệ gia đình, tại nơi làm việc và với Đức Giê-hô-va