Bắt bớ vì tôn giáo—Tại sao?
BẠN có quan niệm rằng người ta phải chịu bắt bớ vì tôn giáo mình theo không? Có lẽ không—miễn họ đừng xâm phạm đến quyền lợi của những người khác. Tuy nhiên, sự bắt bớ vì tôn giáo đã có một lịch sử lâu dài và hiện vẫn tồn tại. Chẳng hạn, nhiều Nhân Chứng Giê-hô-va ở Châu Âu và những nơi khác nhau trên thế giới đã thường xuyên bị tước mất quyền lợi và bị ngược đãi tàn ác trong suốt thế kỷ 20.
Suốt thời gian đó, Nhân Chứng Giê-hô-va đã chịu sự bắt bớ tàn bạo, có hệ thống, và kéo dài dưới hai chế độ chuyên chế chính ở Châu Âu. Kinh nghiệm của họ dạy cho chúng ta điều gì về sự bắt bớ vì tôn giáo? Và chúng ta có thể học được gì từ cách họ phản ứng khi đang trong cảnh đau khổ?
“Không thuộc về thế-gian”
Nhân Chứng Giê-hô-va cố gắng là những người tuân giữ luật pháp, hiếu hòa và ngay thẳng về luân lý. Họ không chống lại chính phủ hoặc tìm cách gây mâu thuẫn, và cũng không khiêu khích cho người ta bắt bớ vì muốn trở thành những người tử vì đạo. Những tín đồ Đấng Christ này trung lập về chính trị. Điều này hòa hợp với lời Chúa Giê-su: “[Các môn đồ Con] không thuộc về thế-gian, cũng như Con không thuộc về thế-gian”. (Giăng 17:16) Đa số các chính phủ nhìn nhận lập trường trung lập của các Nhân Chứng. Nhưng các nhà cai trị độc tài thì không tôn trọng đòi hỏi của Kinh Thánh là tín đồ Đấng Christ phải không thuộc về thế gian.
Lý do về điều này đã được giải thích trong buổi hội thảo tại Trường Đại Học Heidelberg, Đức, tháng 11 năm 2000. Chủ đề của buổi hội thảo là “Bị ngược đãi và tự khẳng định: Nhân Chứng Giê-hô-va dưới chế độ độc tài Quốc Xã và vô thần”. Tiến Sĩ Clemens Vollnhals của Viện Nghiên Cứu Chế Độ Chuyên Chế Hannah-Arendt nhận xét: “Các chế độ chuyên chế không giới hạn hoạt động của họ ở những việc liên quan đến chính trị. Họ đòi hỏi sự tuân phục triệt để cả con người”.
Tín đồ thật của Đấng Christ không thể dâng “cả con người” cho một chính phủ loài người vì họ đã thề nguyện chỉ tuyệt đối trung thành với Giê-hô-va Đức Chúa Trời mà thôi. Nhân Chứng sống dưới các chế độ độc tài nhận thấy rằng những đòi hỏi của Nhà Nước và những yêu cầu về đức tin của họ đôi khi xung đột nhau. Họ làm gì khi sự xung đột như thế xảy ra? Trải qua lịch sử, Nhân Chứng Giê-hô-va đã áp dụng trong đời sống họ nguyên tắc mà các môn đồ của Chúa Giê-su Christ đã bày tỏ: “Thà phải vâng lời Đức Chúa Trời còn hơn là vâng lời người ta”.—Công-vụ 5:29.
Hàng ngàn Nhân Chứng đã trung thành với đức tin của họ và giữ lập trường trung lập về chính trị cho dù phải chịu sự bắt bớ tàn bạo nhất. Làm sao họ có thể chịu đựng được? Bởi đâu mà họ có được sức mạnh để làm như thế? Hãy để chính họ trả lời. Chúng ta cũng hãy xem điều gì mà mọi người, Nhân Chứng và không phải Nhân Chứng, có thể học được từ kinh nghiệm của họ.
[Câu nổi bật nơi trang 4]
Nhân Chứng Giê-hô-va tại Đức chịu đựng sự bắt bớ tàn bạo và kéo dài dưới cả hai chế độ chuyên chế trong thế kỷ 20
[Câu nổi bật nơi trang 4]
“Các chế độ chuyên chế không giới hạn hoạt động của họ ở những việc liên quan đến chính trị. Họ đòi hỏi sự tuân phục triệt để cả con người”.—Tiến Sĩ Clemens Vollnhals
[Hình nơi trang 4]
Gia đình Kusserow bị mất tự do vì không chịu thỏa hiệp đức tin của họ
[Hình nơi trang 4]
Johannes Harms bị hành hình ở một trại tù của Quốc Xã vì tín ngưỡng của anh