Đức Giê-hô-va có lưu tâm đến những điều bạn làm không?
BẠN sẽ trả lời câu hỏi này thế nào? Nhiều người sẽ nói: ‘Tôi tin rằng Đức Chúa Trời lưu tâm đến những gì mà những người như Môi-se, Ghê-đê-ôn, và Đa-vít đã làm, nhưng tôi không tin rằng Ngài quan tâm đến bất cứ điều gì tôi làm. Tôi chẳng phải là Môi-se, Ghê-đê-ôn, hoặc Đa-vít’.
Đúng là một số người trung thành trong thời Kinh Thánh đã thực hiện nhiều việc phi thường vì đức tin. Họ ‘đã thắng được các nước, bịt mồm sư-tử, tắt ngọn lửa hừng, lánh khỏi lưỡi gươm’. (Hê-bơ-rơ 11:33, 34) Những người khác, tuy không bày tỏ đức tin cách xuất sắc như thế, nhưng Kinh Thánh bảo đảm với chúng ta rằng Đức Chúa Trời cũng lưu tâm đến những việc làm chứng tỏ đức tin của họ. Để minh họa, hãy xem xét những trường hợp trong Kinh Thánh của một người chăn chiên, một nhà tiên tri, và một bà góa.
Người chăn chiên dâng của-lễ
Bạn nhớ gì về A-bên, người con trai thứ hai của A-đam và Ê-va? Bạn có thể nhớ rằng ông đã chết vì đức tin, một kinh nghiệm mà có lẽ ít ai trong chúng ta gặp phải. Nhưng A-bên được Đức Chúa Trời chú ý đến trước hết vì một lý do khác.
Một hôm, A-bên đã chọn những con vật tốt nhất trong bầy để dâng làm của-lễ cho Đức Chúa Trời. Của-lễ của ông ngày nay có thể bị xem là nhỏ nhoi, nhưng của-lễ này được Đức Giê-hô-va lưu tâm và chấp nhận. Tuy nhiên, không chỉ có thế. Gần bốn ngàn năm sau, Đức Giê-hô-va đã soi dẫn sứ đồ Phao-lô viết về điều này trong sách Hê-bơ-rơ. Biết bao năm đã trôi qua, nhưng Đức Chúa Trời vẫn không quên của-lễ nhỏ nhoi đó!—Hê-bơ-rơ 6:10; 11:4.
Làm thế nào A-bên đã biết được phải dâng loại của-lễ nào? Kinh Thánh không đề cập đến, nhưng hẳn ông phải có suy nghĩ về điều đó. Là một người chăn chiên, hẳn nhiên ông sẽ dâng một số con vật trong bầy mình. Thế nhưng hãy lưu ý là ông đã dâng những phần tốt nhất của con vật—“mỡ nó”. (Sáng-thế Ký 4:4) Cũng có thể là ông đã suy ngẫm về những lời mà Đức Giê-hô-va đã phán cùng con rắn nơi vườn Ê-đen: “Ta sẽ làm cho mầy cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau. Người sẽ giày-đạp đầu mầy, còn mầy sẽ cắn gót chân người”. (Sáng-thế Ký 3:15; Khải-huyền 12:9) Mặc dù không hiểu “người nữ” và “dòng-dõi” của bà là ai, nhưng A-bên có thể đã nhận thức được rằng việc “cắn gót chân” của dòng dõi người nữ liên quan đến việc đổ huyết. Ông chắc chắn đã hiểu rằng không gì quý hơn một tạo vật sống và có hơi thở. Dù với lý do nào, của-lễ ông dâng thật sự thích hợp.
Giống như A-bên, các tín đồ Đấng Christ ngày nay dâng của-lễ cho Đức Chúa Trời. Họ không dâng những con đầu lòng trong bầy, nhưng dâng “tế-lễ bằng lời ngợi-khen cho Đức Chúa Trời, nghĩa là bông-trái của môi-miếng xưng danh Ngài ra”. (Hê-bơ-rơ 13:15) Môi miếng chúng ta xưng danh Đức Chúa Trời khi chúng ta chia sẻ đức tin với người khác.
Bạn có muốn cải tiến phẩm chất của-lễ ngợi khen của chính bạn không? Thế thì, hãy suy nghĩ cẩn thận về nhu cầu của những người trong khu vực bạn rao giảng. Họ có những mối lo lắng nào? Họ quan tâm đến điều gì? Những khía cạnh nào của thông điệp Kinh Thánh thu hút họ? Mỗi khi đi rao giảng, hãy phân tích các cuộc làm chứng đã thực hiện sao cho tăng thêm hiệu quả. Và khi nói về Đức Giê-hô-va, bạn hãy nói cách chân thành và với lòng tin quyết. Hãy làm cho của-lễ của bạn đúng nghĩa là “tế-lễ bằng lời ngợi-khen”. (Chúng tôi viết nghiêng).
Một nhà tiên tri rao giảng cho những người cứng lòng
Bây giờ, hãy xem xét trường hợp của nhà tiên tri Hê-nóc. Có thể ông là nhân chứng duy nhất của Giê-hô-va Đức Chúa Trời vào thời ấy. Giống như Hê-nóc, bạn có phải là người duy nhất trong gia đình phụng sự Đức Giê-hô-va cách trung thành không? Bạn có phải là học sinh duy nhất trong lớp, hoặc nhân viên duy nhất tại nơi làm việc, theo sát các nguyên tắc Kinh Thánh không? Nếu thế, bạn có thể phải đương đầu với nhiều thử thách. Bạn bè, họ hàng, bạn cùng lớp, hoặc bạn đồng nghiệp có thể xúi giục bạn vi phạm luật pháp Đức Chúa Trời. Họ có thể nói: “Chẳng ai biết được việc bạn đã làm đâu. Chúng tôi sẽ giữ bí mật cho”. Họ có thể nói mãi rằng thật là rồ dại nếu cứ để tâm đến các tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh vì Đức Chúa Trời chẳng hề quan tâm đến những gì bạn làm. Tức tối khi thấy bạn không nghĩ và không làm như họ, họ có thể tìm bất cứ phương cách nào để làm suy yếu lòng kiên quyết của bạn.
Đành rằng khó mà đương đầu với những áp lực như thế, nhưng điều này không có nghĩa là không thể làm được. Hãy nghĩ đến Hê-nóc, tổ bảy đời kể từ A-đam. (Giu-đe 14) Vào thời Hê-nóc sinh ra, phần lớn người ta đã mất cả lương tri. Họ nói năng bất kính; hạnh kiểm đáng xấu hổ. (Giu-đe 15) Hành động của họ rất giống với hành động của nhiều người thời nay.
Hê-nóc đã đương đầu ra sao? Lời đáp cho câu hỏi này đáng cho chúng ta chú ý ngày nay. Mặc dù lúc ấy Hê-nóc có thể là người duy nhất trên đất thờ phượng Đức Giê-hô-va, nhưng thật ra ông không đơn độc. Hê-nóc đồng đi cùng Đức Chúa Trời.—Sáng-thế Ký 5:22.
Làm đẹp lòng Đức Chúa Trời là trọng tâm của đời sống Hê-nóc. Ông biết rằng đồng đi với Đức Chúa Trời không chỉ có nghĩa là sống một đời trong sạch đạo đức. Đức Giê-hô-va muốn ông rao giảng. (Giu-đe 14, 15) Cần phải cảnh cáo những người thời ấy về những hành động không tin kính mà họ tưởng rằng không ai biết đến. Hê-nóc tiếp tục đồng đi với Đức Chúa Trời hơn 300 năm—một thời gian dài hơn bất cứ ai trong chúng ta đã từng chịu đựng. Ông đã tiếp tục bước đi cùng Đức Chúa Trời cho đến chết.—Sáng-thế Ký 5:23, 24.
Giống như Hê-nóc, chúng ta cũng được giao phó nhiệm vụ rao giảng. (Ma-thi-ơ 24:14) Ngoài việc làm chứng từ nhà này sang nhà kia, chúng ta cũng cố gắng nói với họ hàng, những người cùng làm ăn, và bạn học về tin mừng. Nhưng đôi khi chúng ta cũng có thể e ngại, không dám làm chứng dạn dĩ. Đấy có phải là trường hợp của bạn không? Đừng thất vọng. Hãy bắt chước những tín đồ Đấng Christ thời ban đầu và cầu nguyện Đức Chúa Trời giúp bạn dạn dĩ. (Công-vụ 4:29) Đừng bao giờ quên là bạn không bao giờ đơn độc miễn là đồng đi với Đức Chúa Trời.
Một bà góa chuẩn bị bữa ăn
Hãy tưởng tượng, một bà góa vô danh được hai ân phước nhờ đã chuẩn bị một bữa ăn thanh đạm! Bà không phải là người Y-sơ-ra-ên, nhưng là một người ngoại quốc sống vào thế kỷ thứ mười TCN tại thành Sa-rép-ta. Vào cuối thời gian dài hạn hán và đói kém, bà góa này cũng gần cạn hết lương thực. Bà chỉ còn lại mỗi một nắm bột và chút dầu đủ để làm bữa ăn chót cho mẹ con bà.
Đúng vào lúc ấy, một người khách ghé thăm. Đấy là tiên tri Ê-li của Đức Chúa Trời, đến xin dùng bữa đạm bạc cùng gia đình bà. Bữa ăn chỉ tạm đủ cho mẹ con bà, và chắc chắn không thể chia sẻ với khách. Nhưng bằng lời của Đức Giê-hô-va, Ê-li đã trấn an bà rằng nếu để ông cùng dùng bữa, mẹ con bà sẽ không bị đói. Phải có đức tin lắm mới tin được rằng Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên sẽ lưu tâm đến một bà góa ngoại quốc như bà. Dầu vậy bà đã tin Ê-li, và được Đức Giê-hô-va ban thưởng. “Bột chẳng hết trong vò, dầu không thiếu trong bình, y như lời Đức Giê-hô-va đã cậy miệng Ê-li mà phán ra”. Bà và con trai đã được cung cấp thức ăn đều đặn cho đến khi nạn đói chấm dứt.—1 Các Vua 17:8-16.
Tuy nhiên, bà góa còn được một ân phước khác nữa. Ít lâu sau phép lạ trên, đứa con trai yêu dấu của bà lâm bệnh và chết. Động lòng thương xót, Ê-li cầu xin Đức Giê-hô-va làm cho cậu bé sống lại. (1 Các Vua 17:17-24) Điều này đòi hỏi một phép lạ chưa từng xảy ra bao giờ. Chiếu theo Kinh Thánh thì trước đó, chưa hề có ai được làm sống lại! Một lần nữa, Đức Giê-hô-va có tỏ lòng thương xót bà góa người ngoại này không? Có. Ngài đã ban quyền phép cho Ê-li làm cậu bé sống lại. Sau này Chúa Giê-su đã nói về bà góa được ân phước này như sau: “Trong dân Y-sơ-ra-ên có nhiều đàn-bà góa; dầu vậy, Ê-li... được sai đến cùng một đàn-bà góa ở Sa-rép-ta, xứ Si-đôn”.—Lu-ca 4:25, 26.
Tình hình kinh tế thời nay thật bất ổn, ngay cả trong những xứ công nghiệp hóa. Nhiều hãng lớn đã sa thải nhiều nhân viên đã từng trung thành làm việc cho họ trong nhiều thập niên. Trước viễn cảnh có thể bị thất nghiệp, một tín đồ Đấng Christ có thể bị cám dỗ làm thật nhiều giờ, hy vọng sẽ được công ty giữ lại. Làm như thế có lẽ anh không còn bao nhiêu thời gian tham dự các buổi họp tín đồ Đấng Christ, đi rao giảng, hoặc chăm sóc cho nhu cầu tình cảm và thiêng liêng của gia đình. Dẫu vậy, anh vẫn nghĩ rằng phải giữ việc làm hầu như với bất cứ giá nào.
Một tín đồ Đấng Christ trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như thế có lý do để lo lắng. Ngày nay thật khó tìm được việc làm. Đa số chúng ta không cố gắng làm giàu, nhưng giống như bà góa Sa-rép-ta, chúng ta cần mưu sinh. Thế nhưng, sứ đồ Phao-lô nhắc nhở chúng ta rằng Đức Chúa Trời đã phán: “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”. Chúng ta có thể tin cậy nói rằng: “Chúa giúp-đỡ tôi, tôi không sợ chi hết. Người đời làm chi tôi được?” (Hê-bơ-rơ 13:5, 6) Phao-lô đã tin tưởng triệt để vào lời hứa này, và Đức Giê-hô-va đã luôn chăm sóc ông. Đức Chúa Trời cũng sẽ làm như thế cho chúng ta nếu chúng ta không bỏ Ngài.
Chúng ta có thể nghĩ rằng những điều mình làm không thể sánh với thành tích của những người có tinh thần thiêng liêng như Môi-se, Ghê-đê-ôn, và Đa-vít, nhưng chúng ta có thể noi theo đức tin họ. Và chúng ta có thể nhớ đến những hành động đơn giản nhưng biểu lộ đức tin mà A-bên, Hê-nóc, và bà góa thành Sa-rép-ta đã bày tỏ. Đức Giê-hô-va chú ý đến mọi việc làm chứng tỏ đức tin—dù là nhỏ nhoi. Khi một học sinh kính sợ Đức Chúa Trời từ chối nhận ma túy từ bạn học, khi một nhân viên theo đạo Đấng Christ từ chối những lời mời mọc vô luân tại chỗ làm, hoặc khi một Nhân Chứng cao tuổi trung thành tham dự các buổi họp hội thánh mặc dù mệt mỏi, sức khỏe kém, Đức Giê-hô-va đều thấy cả. Và mọi điều đó làm Ngài vui lòng!—Châm-ngôn 27:11.
Bạn có lưu tâm đến những điều người khác làm không?
Quả thật, Đức Giê-hô-va lưu tâm đến những gì chúng ta làm. Do đó, là những người noi gương Đức Chúa Trời, chúng ta nên tinh ý nhận biết những cố gắng của người khác. (Ê-phê-sô 5:1) Tại sao không nhìn kỹ những thử thách mà các anh chị đồng đức tin đã phải đương đầu để có thể tham dự các buổi họp hội thánh, đi rao giảng, và ngay cả làm những công việc hàng ngày?
Vậy, hãy cho các anh chị cùng thờ phượng Đức Giê-hô-va biết rằng bạn quý trọng các nỗ lực của họ. Họ sẽ vui mừng thấy bạn đã lưu tâm, và sự quan tâm này có thể trấn an họ rằng Đức Giê-hô-va cũng đang lưu tâm đến họ.