Hãy trau dồi những đức tính giúp bạn đào tạo môn đồ
“Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân”.—MA-THI-Ơ 28:19.
1. Một số tôi tớ Đức Chúa Trời thời xưa cần có những kỹ năng và quan điểm nào?
TÔI TỚ của Đức Giê-hô-va đôi khi phải trau dồi những kỹ năng và thay đổi quan điểm sao cho có thể tiếp tục làm theo ý muốn Ngài. Chẳng hạn, theo lệnh của Đức Chúa Trời, Áp-ra-ham và Sa-ra đã từ bỏ thành phố U-rơ phồn thịnh và về sau, họ phải vun trồng những đức tính và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống lều trại. (Hê-bơ-rơ 11:8, 9, 15) Để dẫn dân Y-sơ-ra-ên tiến vào Đất Hứa, Giô-suê được lệnh phải can đảm, tin cậy nơi Đức Giê-hô-va và hiểu rõ Luật Pháp của Ngài. (Giô-suê 1:7-9) Dù Bết-sa-lê-ên và Ô-hô-li-áp có những kỹ năng nào đi nữa, nhưng chính thánh linh Đức Chúa Trời đã giúp họ phát triển và nâng cao kỹ năng của mình. Nhờ đó, họ có thể thành công khi trông coi và góp phần vào công việc xây dựng đền tạm, cũng như những việc liên quan đến đền ấy.—Xuất Ê-díp-tô Ký 31:1-11.
2. Chúng ta sẽ thảo luận những câu hỏi nào về việc đào tạo môn đồ?
2 Nhiều thế kỷ sau, Chúa Giê-su đã giao cho môn đồ nhiệm vụ này: “Hãy đi dạy-dỗ muôn-dân [“đào tạo người từ các nước thành môn đồ”, NW]. . . và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi”. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Từ trước đến nay, chưa từng có đặc ân nào đặc biệt và lớn lao như thế. Chúng ta cần có những đức tính nào để làm công việc đào tạo môn đồ? Làm thế nào để trau dồi những đức tính ấy?
Thể hiện tình yêu thương sâu đậm với Đức Chúa Trời
3. Mệnh lệnh đào tạo môn đồ cho chúng ta cơ hội nào?
3 Để tiếp cận người khác và thuyết phục họ thờ phượng Đức Giê-hô-va, chúng ta cần có tình yêu thương sâu đậm với Ngài. Dân Y-sơ-ra-ên bày tỏ tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời qua việc hết lòng vâng giữ điều răn của Ngài, dâng những của-lễ đẹp lòng Ngài và hát ngợi khen Ngài. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:12, 13; 30:19, 20; Thi-thiên 21:13; 96:1, 2; 138:5) Là người đào tạo môn đồ, chúng ta cũng cần vâng giữ luật pháp của Đức Chúa Trời. Không chỉ thế, chúng ta còn thể hiện tình yêu thương với Ngài bằng cách nói cho người khác biết về Ngài và ý định của Ngài. Chúng ta cần nói với lòng tin chắc, lựa chọn từ ngữ thích hợp để bày tỏ cảm xúc chân thành về hy vọng mà Đức Chúa Trời ban cho chúng ta.—1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:5; 1 Phi-e-rơ 3:15.
4. Tại sao Chúa Giê-su vui thích dạy người khác về Đức Giê-hô-va?
4 Vì yêu thương Đức Giê-hô-va sâu đậm, Chúa Giê-su rất vui thích nói với người khác về ý định của Đức Chúa Trời, Nước Trời và sự thờ phượng thật. (Lu-ca 8:1; Giăng 4:23, 24, 31) Đúng vậy, Chúa Giê-su phán: “Đồ-ăn của ta tức là làm theo ý-muốn của Đấng sai ta đến, và làm trọn công-việc Ngài”. (Giăng 4:34) Lời của người viết Thi-thiên được áp dụng cho Chúa Giê-su: “Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui-mừng làm theo ý-muốn Chúa, luật-pháp Chúa ở trong lòng tôi. Trong hội lớn tôi đã truyền tin vui về sự công-bình; kìa, tôi chẳng có ngậm miệng lại, hỡi Đức Giê-hô-va, Ngài biết điều đó”.—Thi-thiên 40:8, 9; Hê-bơ-rơ 10:7-10.
5, 6. Yếu tố then chốt nào giúp chúng ta tham gia công việc đào tạo môn đồ?
5 Vì yêu thương Đức Giê-hô-va, những người mới học lẽ thật Kinh Thánh có thể nói về Ngài và Nước Trời với lòng tin chắc. Nhờ cách nói thuyết phục của họ mà nhiều người khác cũng muốn tìm hiểu Kinh Thánh. (Giăng 1:41) Yêu thương Đức Chúa Trời là yếu tố then chốt thúc đẩy chúng ta tham gia công việc đào tạo môn đồ. Vì thế, chúng ta hãy tiếp tục giữ cho tình yêu thương ấy luôn sâu đậm bằng cách đều đặn đọc và suy ngẫm Lời Đức Chúa Trời.—1 Ti-mô-thê 4:6, 15; Khải-huyền 2:4.
6 Rõ ràng, tình yêu thương với Đức Giê-hô-va đã giúp Chúa Giê-su trở thành một thầy dạy sốt sắng. Nhưng đó không phải là yếu tố duy nhất giúp ngài rao truyền tin mừng Nước Trời một cách hữu hiệu. Vậy thì, có đức tính nào khác giúp Chúa Giê-su thành công trong việc đào tạo môn đồ?
Bày tỏ lòng quan tâm đầy yêu thương đến người khác
7, 8. Chúa Giê-su quan tâm đến người khác như thế nào?
7 Chúa Giê-su quan tâm và thật lòng chú ý đến người khác. Trước khi xuống đất, Chúa Giê-su là “thợ cái” của Đức Chúa Trời. Ngay cả lúc ấy, ngài cũng đã ‘vui-thích nơi con-cái loài người’. (Châm-ngôn 8:30, 31) Khi sống trên đất, Chúa Giê-su thông cảm với người ta, và khiến những ai đến gần ngài cảm thấy được khoan khoái. (Ma-thi-ơ 11:28-30) Chúa Giê-su phản ánh tình yêu thương và lòng thương xót của Đức Giê-hô-va, nên điều này thu hút nhiều người đến thờ phượng Đức Chúa Trời. Người thuộc mọi tầng lớp xã hội đều đến để nghe Chúa Giê-su vì ngài bày tỏ lòng quan tâm đầy yêu thương đến họ và hoàn cảnh của họ.—Lu-ca 7:36-50; 18:15-17; 19:1-10.
8 Khi một người đàn ông nọ hỏi Chúa Giê-su rằng ông cần phải làm gì để được hưởng sự sống đời đời, thì ngài “ngó người mà yêu”. (Mác 10:17-21) Ngoài ra, Kinh Thánh nói: “Đức Chúa Jêsus yêu Ma-thê, em người, và La-xa-rơ”. Họ là những người được ngài dạy dỗ tại Bê-tha-ni. (Giăng 11:1, 5) Chúa Giê-su quan tâm người khác đến độ ngài vẫn dạy dỗ họ dù mệt và cần nghỉ ngơi. (Mác 6:30-34) Lòng quan tâm sâu sắc và đầy yêu thương dành cho nhân loại đã khiến Chúa Giê-su kéo được nhiều người đến với sự thờ phượng thật hơn bất cứ ai khác.
9. Là người đào tạo môn đồ, Phao-lô đã có quan điểm nào?
9 Sứ đồ Phao-lô cũng quan tâm sâu sắc đến những người ông rao giảng. Chẳng hạn, ông nói với những người trở thành tín đồ Đấng Christ ở thành Tê-sa-lô-ni-ca như sau: “Vì lòng rất yêu-thương của chúng tôi đối với anh em, nên ước-ao ban cho anh em, không những [tin mừng] Đức Chúa Trời thôi đâu, song cả đến chính sự sống chúng tôi nữa, bởi anh em đã trở nên thiết-nghĩa với chúng tôi là bao”. Nhờ nỗ lực đầy yêu thương của Phao-lô, một số người ở thành Tê-sa-lô-ni-ca đã “bỏ hình-tượng đặng thờ Đức Chúa Trời hằng sống”. (1 Tê-sa-lô-ni-ca 1:9; 2:8) Nếu chúng ta quan tâm chân thành đến người khác như Chúa Giê-su và Phao-lô, chúng ta cũng có thể cảm nhận được niềm vui khi thấy tin mừng động đến lòng những người “sẵn sàng tiếp nhận sự sống vĩnh cửu”.—Công-vụ 13:48, Bản Diễn Ý.
Thể hiện tinh thần hy sinh
10, 11. Khi cố gắng tham gia công việc đào tạo môn đồ, tại sao tinh thần hy sinh là điều cần thiết?
10 Những người đào tạo môn đồ hữu hiệu có tinh thần hy sinh. Chắc hẳn, họ không xem việc đạt được sự giàu có là điều quan trọng nhất. Chúa Giê-su nói với các môn đồ: “Kẻ giàu vào nước Đức Chúa Trời khó là dường nào!”. Các môn đồ rất ngạc nhiên khi nghe điều đó, nhưng ngài nói thêm: “Hỡi các con, những kẻ cậy sự giàu-có vào nước Đức Chúa Trời khó là dường nào! Con lạc-đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu vào nước Đức Chúa Trời”. (Mác 10:23-25) Chúa Giê-su khuyên các môn đồ ngài sống một đời sống đơn giản để tập trung vào việc đào tạo môn đồ. (Ma-thi-ơ 6:22-24, 33) Tại sao tinh thần hy sinh lại giúp chúng ta trong việc đào tạo môn đồ?
11 Chúng ta phải cố gắng rất nhiều để có thể giúp người ta biết mọi điều mà Chúa Giê-su đã truyền. Một người đào tạo môn đồ thường phải cố gắng giúp người chú ý học hỏi Kinh Thánh mỗi tuần. Để có thêm nhiều cơ hội tìm những người có lòng thành thật, một số người rao giảng Nước Trời đã chọn công việc bán thời gian thay vì làm việc trọn thời gian. Hàng ngàn tín đồ Đấng Christ đã học một ngôn ngữ mới để giúp người nói thứ tiếng khác trong vùng của họ. Một số người thì dọn nhà đến vùng khác hoặc nước khác để tham gia trọn vẹn hơn vào mùa gặt. (Ma-thi-ơ 9:37, 38) Tất cả những điều này đòi hỏi phải có tinh thần hy sinh. Nhưng để trở thành người đào tạo môn đồ hữu hiệu, chúng ta cần làm nhiều hơn nữa.
Kiên nhẫn nhưng không phí thời gian
12, 13. Tại sao tính kiên nhẫn rất quan trọng trong việc đào tạo môn đồ?
12 Kiên nhẫn là một đức tính khác giúp chúng ta đào tạo môn đồ. Thông điệp của chúng ta đòi hỏi phải hành động cấp bách, nhưng việc đào tạo môn đồ cần có thời gian và sự kiên nhẫn. (1 Cô-rinh-tô 7:29) Chúa Giê-su đã kiên nhẫn với Gia-cơ, người em cùng mẹ khác cha của ngài. Mặc dù Gia-cơ chắc hẳn biết rõ hoạt động rao giảng của Chúa Giê-su, nhưng vì lý do nào đó, ông vẫn chưa trở thành môn đồ ngài. (Giăng 7:5) Tuy nhiên, trong khoảng thời gian ngắn từ khi Chúa Giê-su chết đến Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, Gia-cơ dường như đã trở thành môn đồ ngài. Kinh Thánh cho biết có lẽ ông đã cùng cầu nguyện với mẹ và anh em ông, cùng các sứ đồ của Chúa Giê-su. (Công-vụ 1:13, 14) Gia-cơ đã tiến bộ rất tốt về thiêng liêng, và về sau ông gánh vác nhiều trách nhiệm quan trọng trong hội thánh.—Công-vụ 15:13; 1 Cô-rinh-tô 15:7.
13 Giống như người nông dân, tín đồ Đấng Christ đang vun trồng nơi người khác những điều cần có thời gian để lớn lên: sự hiểu biết về Lời Đức Chúa Trời, tình yêu thương Đức Giê-hô-va và tinh thần như Đấng Christ. Công việc này đòi hỏi phải kiên nhẫn. Gia-cơ viết: “Hỡi anh em, vậy hãy nhịn-nhục cho tới kỳ Chúa đến. Hãy xem kẻ làm ruộng: họ bền lòng chờ-đợi sản-vật quí-báu dưới đất cho đến chừng nào đã được mưa đầu mùa và cuối mùa. Anh em cũng vậy, hãy nhịn-nhục và bền lòng; vì kỳ Chúa đến gần rồi”. (Gia-cơ 5:7, 8) Gia-cơ khuyến khích các anh em đồng đạo “hãy nhịn-nhục cho tới kỳ Chúa đến”. Khi các môn đồ không hiểu điều gì, Chúa Giê-su kiên nhẫn giải thích hoặc dùng các thí dụ minh họa. (Ma-thi-ơ 13:10-23; Lu-ca 19:11; 21:7; Công-vụ 1:6-8) Bây giờ là kỳ Chúa Giê-su hiện diện, nên chúng ta cũng cần kiên nhẫn khi cố gắng đào tạo môn đồ. Thời nay, những người trở thành môn đồ Chúa Giê-su cũng cần được hướng dẫn một cách kiên nhẫn.—Giăng 14:9.
14. Dù kiên nhẫn, nhưng làm thế nào chúng ta có thể sử dụng thời gian cách khôn ngoan khi đào tạo môn đồ?
14 Dù chúng ta kiên nhẫn, nhưng hạt giống lẽ thật chưa chắc sẽ kết quả nơi lòng của hầu hết những người bắt đầu học hỏi Kinh Thánh với chúng ta. (Ma-thi-ơ 13:18-23) Vì thế, sau khi đã nỗ lực hết sức, chúng ta nên khôn ngoan ngưng dành thời gian cho những người như thế để đi tìm những người ý thức nhiều hơn đến giá trị của lẽ thật Kinh Thánh. (Truyền-đạo 3:1, 6) Dĩ nhiên, ngay cả những người biết quý trọng Kinh Thánh có lẽ cần được giúp đỡ trong thời gian dài để thay đổi quan điểm, thái độ và ưu tiên trong đời sống. Do đó, chúng ta phải kiên nhẫn, giống như Chúa Giê-su đã từng kiên nhẫn với các môn đồ vì họ khó thay đổi quan điểm của mình.—Mác 9:33-37; 10:35-45.
Phát huy nghệ thuật giảng dạy
15, 16. Tại sao việc dạy dỗ đơn giản và chuẩn bị kỹ là quan trọng trong việc đào tạo môn đồ?
15 Tình yêu thương với Đức Chúa Trời, lòng quan tâm đến người khác, tinh thần hy sinh và tính kiên nhẫn là những yếu tố quan trọng giúp chúng ta thành công trong việc đào tạo môn đồ. Tuy nhiên, kỹ năng dạy dỗ cũng cần được cải tiến, vì chúng giúp chúng ta giải thích vấn đề một cách rõ ràng và đơn giản. Chẳng hạn, nhiều lời dạy dỗ của Thầy Vĩ Đại là Chúa Giê-su vô cùng hữu hiệu vì chúng đơn giản và ngắn gọn. Có lẽ bạn nhớ đến những lời này của Chúa Giê-su: “Chứa của-cải ở trên trời”, “Đừng cho chó những đồ thánh”, “Sự khôn-ngoan được xưng là phải, bởi những việc làm của sự ấy”, “Hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa; và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời”. (Ma-thi-ơ 6:20; 7:6; 11:19; 22:21) Dĩ nhiên, Chúa Giê-su không chỉ dạy dỗ bằng những câu nói ngắn gọn như thế. Ngài dạy một cách rõ ràng và giải thích nhiều hơn vào lúc thích hợp. Làm thế nào bạn có thể noi theo cách dạy dỗ của Chúa Giê-su?
16 Chuẩn bị kỹ lưỡng là bí quyết để giảng dạy đơn giản và rõ ràng. Một người đào tạo môn đồ thiếu chuẩn bị thường có khuynh hướng nói nhiều. Anh ấy có thể làm cho các điểm chính bị mờ nhạt khi nói dài dòng về mọi thứ mà anh ấy biết liên quan đến chủ đề đó. Trái lại, một người đào tạo môn đồ chuẩn bị kỹ sẽ nghĩ đến người học, suy ngẫm về đề tài và trình bày rõ ràng chỉ những điều cần thiết. (Châm-ngôn 15:28; 1 Cô-rinh-tô 2:1, 2) Anh ấy nghĩ xem học viên có sự hiểu biết đến đâu, và nên nhấn mạnh điểm nào trong bài học. Anh ấy có thể biết nhiều điều thú vị liên quan đến đề tài, nhưng sự dạy dỗ rõ ràng đòi hỏi phải lược bớt những chi tiết rườm rà.
17. Chúng ta có thể giúp học viên lý luận dựa trên Kinh Thánh như thế nào?
17 Thay vì chỉ trình bày các sự kiện, Chúa Giê-su cũng giúp người ta lý luận. Chẳng hạn, vào một dịp nọ, ngài hỏi: “Hỡi Si-môn, ngươi nghĩ sao? Các vua thế-gian thâu lương lấy thuế ai? Thâu của con trai mình hay là của người ngoài?”. (Ma-thi-ơ 17:25) Chúng ta có thể rất thích giải thích Kinh Thánh đến độ phải tự kiềm chế mình để học viên có cơ hội bày tỏ cảm nghĩ hoặc giải thích về điều đang được thảo luận trong buổi học Kinh Thánh. Dĩ nhiên, chúng ta không nên đặt quá nhiều câu hỏi khiến họ bị choáng ngợp. Thay vì thế, chúng ta nên tế nhị, dùng những minh họa hay và những câu hỏi gợi suy nghĩ để giúp học viên hiểu những điểm Kinh Thánh được trình bày trong các ấn phẩm của chúng ta.
18. Phát huy “nghệ thuật giảng dạy” đòi hỏi chúng ta phải làm gì?
18 Kinh Thánh nói đến “nghệ thuật giảng dạy”. (2 Ti-mô-thê 4:2, NW) Nghệ thuật giảng dạy này bao gồm nhiều hơn việc giúp các học viên thuộc lòng những sự kiện. Chúng ta phải cố gắng giúp họ hiểu sự khác biệt giữa lẽ thật và điều giả dối, điều tốt và điều xấu, sự khôn ngoan và ngu dại. Khi chúng ta làm thế và cố gắng vun trồng nơi lòng học viên tình yêu thương Đức Giê-hô-va, người đó sẽ biết lý do tại sao nên vâng lời Ngài.
Sốt sắng tham gia công việc đào tạo môn đồ
19. Làm thế nào tất cả tín đồ Đấng Christ góp phần vào việc đào tạo môn đồ?
19 Hội thánh tín đồ Đấng Christ là tổ chức đào tạo môn đồ. Khi một người mới trở thành môn đồ Chúa Giê-su, không chỉ anh chị Nhân Chứng gặp và giúp người đó học Kinh Thánh mới có lý do để vui mừng. Khi một nhóm người được tổ chức để tìm kiếm đứa trẻ bị thất lạc, có lẽ chỉ một người tìm ra em ấy. Nhưng khi em ấy được đoàn tụ với cha mẹ, mọi người trong nhóm đều vui mừng. (Lu-ca 15:6, 7) Tương tự thế, công việc đào tạo môn đồ đòi hỏi nỗ lực của cả hội thánh. Tất cả thành viên trong hội thánh đều góp phần vào việc tìm kiếm những người có thể trở thành môn đồ Chúa Giê-su. Khi một người mới bắt đầu đến dự nhóm họp ở Phòng Nước Trời, mỗi anh chị đều góp phần giúp người ấy quý trọng sự thờ phượng thật. (1 Cô-rinh-tô 14:24, 25) Vì thế, tất cả tín đồ Đấng Christ có thể vui mừng khi mỗi năm có hàng trăm ngàn người trở thành môn đồ mới.
20. Nếu muốn giúp người khác biết lẽ thật Kinh Thánh, bạn nên tiếp tục làm gì?
20 Nhiều tín đồ Đấng Christ trung thành rất vui thích giúp người ta biết về Đức Giê-hô-va và sự thờ phượng thật. Tuy nhiên, dù nỗ lực hết sức, có thể họ vẫn chưa giúp được ai trở nên môn đồ Chúa Giê-su. Nếu bạn ở trong trường hợp đó, hãy tiếp tục củng cố tình yêu thương với Đức Giê-hô-va, quan tâm đến người khác, có tinh thần hy sinh, biết kiên nhẫn và tìm cách nâng cao kỹ năng dạy dỗ của bạn. Trên hết, hãy cầu nguyện về ước muốn giúp người khác biết lẽ thật. (Truyền-đạo 11:1) Hãy yên tâm vì biết rằng mọi điều bạn làm trong thánh chức phụng sự Đức Giê-hô-va đều góp phần vào công việc đào tạo môn đồ làm vinh hiển danh Ngài!
Bạn có thể giải thích không?
• Tại sao công việc đào tạo môn đồ cho thấy tình yêu thương của chúng ta với Đức Chúa Trời?
• Người đào tạo môn đồ cần có những đức tính nào?
• “Nghệ thuật giảng dạy” đòi hỏi chúng ta phải làm gì?
[Hình nơi trang 21]
Tín đồ Đấng Christ thể hiện tình yêu thương sâu đậm với Đức Giê-hô-va qua việc đào tạo môn đồ
[Hình nơi trang 23]
Tại sao người đào tạo môn đồ phải quan tâm đến người khác?
[Hình nơi trang 24]
Người đào tạo môn đồ cần có những đức tính nào?
[Hình nơi trang 25]
Tất cả tín đồ Đấng Christ đều vui mừng khi thấy kết quả tốt đẹp của việc đào tạo môn đồ