Lu-ca—Người cộng sự yêu dấu
ĐÓ LÀ năm 65 CN ở Rô-ma. Lu-ca biết mối nguy hiểm khi nhận mình là bạn của sứ đồ Phao-lô, người đang bị xét xử vì đức tin. Dường như Phao-lô đã bị kết án tử hình. Nhưng trong giai đoạn căng thẳng đó, chỉ một mình Lu-ca ở với ông.—2 Ti-mô-thê 4:6, 11.
Tên Lu-ca rất quen thuộc với những ai đọc Kinh Thánh, vì đó là tên sách Phúc Âm do chính ông viết. Lu-ca đã có những chuyến hành trình dài cùng với Phao-lô, người gọi ông là “thầy thuốc rất yêu-dấu” và “bạn cùng làm việc”. (Cô-lô-se 4:14; Phi-lê-môn 24) Kinh Thánh cho biết rất ít thông tin về Lu-ca và chỉ nhắc đến tên ông ba lần. Tuy nhiên, khi nghiên cứu những tài liệu về Lu-ca, bạn có thể có cùng cảm nghĩ với Phao-lô về tín đồ trung thành này.
Người viết Kinh Thánh và nhà truyền giáo
Sách Phúc Âm Lu-ca và sách Công-vụ các Sứ-đồ đều được ghi là gửi cho Thê-ô-phi-lơ, nên có thể suy ra rằng Lu-ca được soi dẫn để viết hai sách này. (Lu-ca 1:1; Công-vụ 1:1) Lu-ca không nói ông đã từng chứng kiến những điều Chúa Giê-su làm trong thánh chức của ngài. Thay vì vậy, ông cho biết những người chứng kiến đã kể lại cho ông và ông “xét kỹ-càng từ đầu mọi sự ấy”. (Lu-ca 1:1-3) Thế nên, rất có thể Lu-ca đã trở thành môn đồ của Chúa Giê-su sau Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN.
Một vài người cho rằng Lu-ca đến từ thành An-ti-ốt, xứ Sy-ri. Họ thấy sách Công-vụ cho biết chi tiết về các sự kiện xảy ra tại thành này. Sách cũng nói đến “bảy người có danh tốt”, trong đó có một người được gọi là “người An-ti-ốt”, còn sáu người kia thì không cho biết đến từ đâu. Dĩ nhiên, chúng ta không chắc chắn việc Lu-ca đề cập đến thành An-ti-ốt cho thấy đây là quê nhà của ông.—Công-vụ 6:3-6.
Dù sách Công-vụ không ghi tên Lu-ca, nhưng một số đoạn có dùng các đại từ “chúng ta” hay “chúng tôi”. Điều này cho thấy ông cũng tham gia một số sự kiện mà sách ghi lại. Khi kể lại chuyến hành trình băng qua Tiểu Á của Phao-lô và những bạn đồng hành, Lu-ca viết: “[Họ] kíp qua khỏi xứ My-si, và xuống thành Trô-ách”. Tại đó, Phao-lô nhận được sự hiện thấy về một người Ma-xê-đoan nài xin ông: “Hãy qua xứ Ma-xê-đoan mà cứu-giúp chúng tôi”. Lu-ca cho biết thêm: “Phao-lô vừa thấy sự hiện-thấy đó rồi, chúng ta liền tìm cách qua xứ Ma-xê-đoan”. (Công-vụ 16:8-10) Khi chuyển cách nói từ “họ” sang “chúng ta”, Lu-ca cho thấy ông có thể đã kết hợp với Phao-lô tại Trô-ách. Sau đó, Lu-ca cũng dùng ngôi thứ nhất số nhiều để miêu tả hoạt động rao giảng tại thành Phi-líp. Điều này chứng tỏ ông cũng góp phần vào công việc ở đây. Ông viết: “Đến ngày Sa-bát chúng ta ra ngoài cửa thành, đến gần bên sông, là nơi chúng ta tưởng rằng người ta nhóm lại đặng cầu-nguyện; chúng ta ngồi xong, giảng cho những đàn-bà đã nhóm lại”. Kết quả là Ly-đi cùng cả nhà bà đều chấp nhận tin mừng và làm báp têm.—Công-vụ 16:11-15.
Công việc rao giảng gặp chống đối ở thành Phi-líp. Tại đây, Phao-lô đã chữa lành cho một đầy tớ gái “bị quỉ Phi-tôn ám vào, hay bói-khoa”. Chủ của cô ta thấy mình mất đi nguồn lợi nên đã bắt Phao-lô và Si-la. Họ bị đánh đập và nhốt vào tù. Dường như Lu-ca không bị bắt vì ông dùng ngôi thứ ba số nhiều để kể lại câu chuyện này. Ông cho biết khi được thả ra, ‘hai người [Phao-lô và Si-la] khuyên-bảo anh em, rồi đi’. Lu-ca chỉ dùng lại đại từ “chúng ta” khi nói về chuyến viếng thăm thành Phi-líp lần sau của Phao-lô. (Công-vụ 16:16-40; 20:5, 6) Có lẽ Lu-ca đã tiếp tục ở lại thành này để coi sóc công việc Nước Trời.
Thu thập thông tin
Làm thế nào Lu-ca có thông tin để viết sách Phúc Âm mang tên ông và sách Công-vụ? Lu-ca đã dùng đại từ ngôi thứ nhất ở một số lời tường thuật trong sách Công-vụ cho thấy lúc đó ông đi cùng Phao-lô từ thành Phi-líp đến Giê-ru-sa-lem, nơi Phao-lô bị bắt một lần nữa. Trên đường đi, các bạn đồng hành của Phao-lô ở lại với Phi-líp, người truyền giáo tại thành Sê-sa-rê. (Công-vụ 20:6; 21:1-17) Có lẽ Phi-líp đã kể cho Lu-ca nghe những thông tin về hoạt động rao giảng trong thời kỳ đầu ở Sa-ma-ri, vì ông là người dẫn đầu công việc thánh chức tại đó. (Công-vụ 8:4-25) Nhưng còn những thông tin khác thì đến từ đâu?
Dường như hai năm Phao-lô ở tù tại Sê-sa-rê đã cho Lu-ca nhiều cơ hội nghiên cứu các thông tin để viết lời tường thuật trong sách Phúc Âm của ông. Thành Giê-ru-sa-lem cách nơi ấy không xa lắm nên ông có thể tra cứu gia phả của Chúa Giê-su. Có nhiều sự kiện về cuộc đời và thánh chức của Chúa Giê-su được Lu-ca ghi lại, trong khi các sách Phúc Âm khác không đề cập đến. Một học giả cho biết rằng ít nhất 82 chỗ có những chi tiết như thế.
Dường như Lu-ca đã biết thông tin về sự ra đời của Giăng Báp-tít qua Ê-li-sa-bét. Chi tiết về sự sinh ra và những năm đầu đời của Chúa Giê-su có lẽ do mẹ ngài là Ma-ri kể lại. (Lu-ca 1:5–2:52) Có thể Phi-e-rơ, Gia-cơ hoặc Giăng đã cho Lu-ca biết về lần Chúa Giê-su làm phép lạ khi họ đánh cá. (Lu-ca 5:4-10) Chỉ có Phúc Âm Lu-ca mới cho chúng ta biết một số dụ ngôn của Chúa Giê-su, chẳng hạn như tầm quan trọng trong việc gắng sức vào cửa hẹp, câu chuyện về đồng bạc bị mất, người Sa-ma-ri nhân lành, đứa con hoang đàng, người giàu và La-xa-rơ.—Lu-ca 10:29-37; 13:23, 24; 15:8-32; 16:19-31.
Lu-ca chân thành quan tâm đến người khác. Ông ghi lại việc Ma-ri dâng của-lễ tẩy uế, con trai của bà góa được sống lại và người đàn bà xức dầu thơm lên chân Chúa Giê-su. Lu-ca đề cập đến những phụ nữ đi theo Chúa Giê-su cũng như câu chuyện Ma-thê và Ma-ri đón tiếp ngài. Phúc Âm Lu-ca kể lại việc ngài chữa lành cho một người đàn bà cong lưng, một người đàn ông bị bệnh phù và mười người mắc bệnh cùi. Lu-ca cũng cho chúng ta biết về việc người đàn ông nhỏ bé Xa-chê trèo lên cây để được nhìn thấy Chúa Giê-su. Ông cũng nói đến thái độ ăn năn của một tên trộm bị đóng đinh bên cạnh ngài.—Lu-ca 2:24; 7:11-17, 36-50; 8:2, 3; 10:38-42; 13:10-17; 14:1-6; 17:11-19; 19:1-10; 23:39-43.
Một điều đáng lưu ý là sách Phúc Âm Lu-ca ghi lại cách người Sa-ma-ri nhân lành chữa trị vết thương trong minh họa của Chúa Giê-su. Lu-ca đã đề cập đến các phương pháp chữa trị dường như dưới cái nhìn của một bác sĩ. Chẳng hạn, dùng rượu để khử trùng, dầu để giảm đau và sau đó băng bó vết thương lại.—Lu-ca 10:30-37.
Chăm sóc người bạn bị tù
Lu-ca rất quan tâm đến sứ đồ Phao-lô. Khi Phao-lô bị giam giữ ở Sê-sa-rê, quan tổng đốc La Mã là Phê-lít truyền lệnh “kẻ nào thuộc về [Phao-lô]” đều được phép “đến hầu việc người”. (Công-vụ 24:23) Dường như Lu-ca là một trong những người đó. Vì sức khỏe Phao-lô không tốt nên chăm sóc ông có thể là một trong những nhiệm vụ của Lu-ca, “thầy thuốc rất yêu-dấu”.—Cô-lô-se 4:14; Ga-la-ti 4:13.
Khi Phao-lô kêu cầu đến Sê-sa, quan tổng đốc La Mã là Phê-tu ra lệnh chuyển ông đến Rô-ma. Lu-ca tiếp tục đi cùng Phao-lô suốt chuyến hành trình dài đến Ý và ghi lại lời tường thuật sống động về lần họ bị đắm tàu. (Công-vụ 24:27; 25:9-12; 27:1, 9-44) Khi bị quản thúc ở Rô-ma, Phao-lô đã được soi dẫn để viết nhiều lá thư, và hai trong số đó ông có nhắc đến Lu-ca. (Công-vụ 28:30; Cô-lô-se 4:14; Phi-lê-môn 24) Rất có thể Lu-ca đã viết sách Công-vụ trong hai năm ở đây.
Nơi Phao-lô ở trong thời gian bị quản thúc chắc hẳn luôn bận rộn với những hoạt động thiêng liêng. Tại đó, Lu-ca có dịp gặp các cộng sự của Phao-lô như Ti-chi-cơ, A-ri-tạc, Mác, Giúc-tu, Ê-pháp-ra, Ô-nê-sim và nhiều người khác nữa.—Cô-lô-se 4:7-14.
Khi Phao-lô bị giam giữ lần thứ hai, ông cảm thấy cái chết đã gần kề. Lúc này, Lu-ca vẫn can đảm và trung thành kề vai sát cánh với Phao-lô, dù nhiều người khác đã từ bỏ ông. Vì thế, Lu-ca có nguy cơ bị bắt giam. Có lẽ Lu-ca đã làm thư ký cho Phao-lô và ghi lại lời này: “Chỉ có một mình Lu-ca ở với ta”. Người ta cho rằng Phao-lô bị xử trảm không lâu sau đó.—2 Ti-mô-thê 4:6-8, 11, 16.
Lu-ca là người biết hy sinh và khiêm nhường. Ông không phô trương sự hiểu biết của mình hay làm cho mình trở thành tâm điểm của sự chú ý. Thật vậy, dù có thể theo đuổi sự nghiệp thầy thuốc, nhưng ông đã chọn ủng hộ quyền lợi Nước Trời. Như Lu-ca, mong sao chúng ta bày tỏ tinh thần hy sinh trong việc công bố tin mừng và khiêm nhường phục vụ vì sự vinh hiển của Đức Giê-hô-va.—Lu-ca 12:31.
[Khung nơi trang 19]
THÊ-Ô-PHI-LƠ LÀ AI?
Lu-ca mở đầu sách Phúc Âm mang tên ông và sách Công-vụ các Sứ-đồ với lời sau: “Hỡi Thê-ô-phi-lơ”. Nơi Lu-ca 1:1, ông gọi người này là “Thê-ô-phi-lơ quí-nhân”. Từ “quí-nhân” dùng để chỉ một người giàu và có địa vị cao trong chính quyền La Mã. Sứ đồ Phao-lô cũng dùng từ tôn trọng như thế để xưng hô với quan tổng đốc La Mã tại xứ Giu-đê là Phê-tu.—Công-vụ 26:25.
Dường như Thê-ô-phi-lơ đã nghe về Chúa Giê-su và muốn biết thêm về ngài. Lu-ca hy vọng rằng những lời tường thuật trong sách Phúc Âm của ông có thể giúp Thê-ô-phi-lơ “biết những điều mình đã học là chắc-chắn”.—Lu-ca 1:4.
Theo lời học giả Hy Lạp là Richard Lenski, dường như Thê-ô-phi-lơ chưa tin đạo khi Lu-ca gọi ông là “quí-nhân”. Ông Lenski cho biết: “Trong tất cả các tài liệu của tín đồ Đấng Christ. . . không một tín đồ nào được gọi bằng tước vị như thế”. Sau này, khi Lu-ca viết sách Công-vụ, ông không dùng từ “quí-nhân”, nhưng chỉ viết: “Hỡi Thê-ô-phi-lơ”. (Công-vụ 1:1) Ông Lenski kết luận: “Khi Lu-ca viết sách Phúc Âm gửi cho Thê-ô-phi-lơ, người đàn ông có địa vị này chưa trở thành tín đồ nhưng rất chú ý đến đạo Đấng Christ. Tuy nhiên, Thê-ô-phi-lơ đã là người cải đạo khi Lu-ca gửi sách Công-vụ cho ông”.