“Đừng vội để tâm trí bị lung lay”!
‘Hỡi anh em, chúng tôi xin anh em đừng vội để tâm trí bị lung lay’.—2 TÊ 2:1, 2.
1, 2. Tại sao ngày nay sự dối trá rất phổ biến, và nó xuất hiện ở đâu? (Xem hình nơi đầu bài).
Dối trá, mưu mẹo và lừa gạt là những điều rất phổ biến trong thế gian ngày nay. Chúng ta không nên ngạc nhiên về điều đó. Kinh Thánh cho biết rõ Sa-tan Kẻ Quỷ Quyệt là kẻ lừa dối lão luyện và đang cai trị thế gian này (1 Ti 2:14; 1 Giăng 5:19). Càng gần ngày thế gian gian ác bị kết liễu, Sa-tan càng giận dữ vì biết mình “chỉ còn một thời gian ngắn” (Khải 12:12). Do đó, không lạ gì khi những kẻ bị hắn điều khiển ngày càng tung nhiều chiêu lừa gạt, đặc biệt nhắm vào những người đẩy mạnh sự thờ phượng thật.
2 Đôi khi, những thông tin sai lệch và lời nói dối trắng trợn về tôi tớ của Đức Giê-hô-va và niềm tin của họ xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Các tựa báo, chương trình truyền hình và trang web được dùng để lan truyền những tin sai sự thật. Một số người bị lừa và tin vào những lời nói dối đó. Họ trở nên bức xúc, thậm chí tức giận.
3. Điều gì có thể giúp chúng ta tránh bị lừa gạt?
3 Mừng thay, chúng ta có thể bảo vệ mình khỏi sự lừa gạt của Sa-tan nhờ Lời Đức Chúa Trời, cuốn sách ‘hữu ích cho việc uốn nắn’ (2 Ti 3:16). Qua các lá thư sứ đồ Phao-lô gửi cho tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca, chúng ta biết rằng một số tín đồ sống ở thành đó vào thế kỷ thứ nhất đã từng bị lừa gạt và chấp nhận những điều không đúng sự thật. Ông khuyến giục họ “đừng vội để tâm trí bị lung lay” (2 Tê 2:1, 2). Chúng ta rút ra những bài học nào từ lời khuyên yêu thương của Phao-lô, và làm sao áp dụng vào hoàn cảnh của mình?
NHỮNG LỜI CẢNH BÁO ĐÚNG LÚC
4. Các tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca nhận được lời cảnh báo nào về “ngày của Đức Giê-hô-va”, và ngày nay, chúng ta được cảnh báo ra sao?
4 Trong thư thứ nhất gửi cho hội thánh ở Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô cảnh báo anh em ở đó về “ngày của Đức Giê-hô-va”. Ông không muốn họ ở trong bóng tối và không có sự chuẩn bị. Thay vì thế, ông khuyến giục họ, “con của ánh sáng”, “hãy tỉnh thức và giữ mình tỉnh táo”. (Đọc 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:1-6). Ngày nay, chúng ta đang chờ đợi ngày Ba-by-lôn Lớn, đế quốc tôn giáo sai lầm, bị hủy diệt. Biến cố này sẽ đánh dấu sự khởi đầu ngày lớn của Đức Giê-hô-va. Thật tốt vì chúng ta có sự hiểu biết sâu rộng hơn về cách Đức Giê-hô-va sẽ hoàn thành ý định của ngài. Qua hội thánh, chúng ta đều đặn nhận được những lời nhắc nhở đúng lúc để giúp mình giữ tỉnh táo. Chú ý đến những lời cảnh báo ấy có thể củng cố lòng quyết tâm của chúng ta để ‘phụng sự Đức Chúa Trời với lý trí’.—Rô 12:1.
5, 6. (a) Trong thư thứ hai gửi các tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô viết về vấn đề gì? (b) Không lâu nữa, Đức Chúa Trời sẽ làm gì qua Chúa Giê-su, và chúng ta nên tự hỏi những câu nào?
5 Không lâu sau khi gửi thư thứ nhất cho các tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô gửi cho họ thư thứ hai. Trong thư này, ông lưu ý họ đến hoạn nạn trong tương lai khi Chúa Giê-su thi hành án phạt đối với “những kẻ không nhận biết Đức Chúa Trời và kẻ không vâng theo tin mừng” (2 Tê 1:6-8). Chương hai của lá thư này cho biết một số người trong hội thánh đó “bối rối” về ngày của Đức Giê-hô-va và cho rằng ngày ấy rất gần, như thể đã đến rồi. (Đọc 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:1, 2). Những tín đồ thời ban đầu chỉ có sự hiểu biết giới hạn về cách Đức Giê-hô-va sẽ hoàn thành ý định của ngài. Sau này, Phao-lô cũng thừa nhận về sự hiểu biết của họ liên quan đến các lời tiên tri: “Chúng ta không hiểu biết trọn vẹn và chỉ nói tiên tri được một phần; nhưng khi điều trọn vẹn đến thì điều chưa trọn vẹn sẽ bị bỏ” (1 Cô 13:9, 10). Tuy nhiên, những lời cảnh báo được soi dẫn do Phao-lô, sứ đồ Phi-e-rơ và những tín đồ được xức dầu trung thành khác vào thời đó ghi lại có thể giúp họ giữ vững đức tin.
6 Để sửa lại quan điểm sai về ngày của Đức Giê-hô-va, dưới sự hướng dẫn của thần khí, Phao-lô giải thích rằng sự bội đạo sẽ phát triển mạnh và “kẻ gian ác” sẽ lộ diện trước ngày ấya. Sau đó, vào đúng thời điểm, Chúa Giê-su sẽ ‘làm tiêu tan’ những kẻ bị đánh lừa. Sứ đồ Phao-lô cho biết họ phải chịu án phạt đó vì “không chấp nhận cũng như không yêu sự thật” (2 Tê 2:3, 8-10). Chúng ta hãy tự hỏi: “Mình yêu mến sự thật đến mức nào? Sự hiểu biết của mình có được cập nhật phù hợp với sự hiểu biết mới nhất được đăng trong tạp chí này, và những ấn phẩm khác dựa trên Kinh Thánh được cung cấp cho dân của Đức Giê-hô-va trên khắp thế giới không?”.
KHÔN NGOAN CHỌN NGƯỜI ĐỂ KẾT HỢP
7, 8. (a) Các tín đồ thời ban đầu phải đối mặt với những mối nguy hiểm nào? (b) Các tín đồ chân chính ngày nay đương đầu với mối nguy hiểm đặc biệt nào?
7 Ngoài những kẻ bội đạo và các dạy dỗ của chúng, tín đồ đạo Đấng Ki-tô còn đối mặt với những mối nguy hiểm khác. Phao-lô viết cho Ti-mô-thê: “Lòng ham tiền là gốc rễ của mọi loại tai hại”. Ông chỉ rõ rằng “vì nuôi dưỡng ham muốn đó mà một số người đã bị lạc khỏi niềm tin và tự gây cho mình nhiều nỗi đau” (1 Ti 6:10). Ngoài ra, “các việc làm của xác thịt” cũng là mối nguy hiểm luôn tiềm tàng.—Ga 5:19-21.
8 Tuy nhiên, chúng ta có thể hiểu tại sao Phao-lô cảnh báo mạnh mẽ các tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca về mối đe dọa nghiêm trọng đến từ những kẻ mà ở sách khác ông gọi là “sứ đồ giả”. Trong vòng các tín đồ ở đó, có những người “giảng dạy những điều sai lệch để lôi kéo môn đồ theo họ” (2 Cô 11:4, 13; Công 20:30). Sau này, Chúa Giê-su khen hội thánh ở Ê-phê-sô vì không “chịu được những kẻ xấu xa”. Các tín đồ ở Ê-phê-sô đã thử những sứ đồ giả này và nhận ra chúng là kẻ nói dối (Khải 2:2). Đáng chú ý là trong thư thứ hai gửi cho anh em ở Tê-sa-lô-ni-ca, Phao-lô khuyến giục họ: “Hỡi anh em, nhân danh Chúa Giê-su Ki-tô, chúng tôi dặn anh em hãy tránh kết hợp với những anh em sống vô kỷ luật”. Sau đó, ông đề cập cụ thể đến những tín đồ “không chịu làm việc” (2 Tê 3:6, 10). Nếu những tín đồ “không chịu làm việc” bị xem là vô kỷ luật thì chắc chắn những tín đồ đang có triệu chứng bội đạo càng bị xem là vô kỷ luật! Quả thật, việc kết thân với những người như thế là đặc biệt nguy hiểm đối với các tín đồ thời ban đầu và họ cần phải tránh. Ngày nay chúng ta cũng vậy.—Châm 13:20.
9. Tại sao chúng ta cần cảnh giác nếu ai đó bắt đầu phỏng đoán về những điều không được giải thích trong Kinh Thánh, hoặc chỉ trích tổ chức của Đức Giê-hô-va?
9 Chúng ta đang gần hoạn nạn lớn cũng như ngày thế gian gian ác này bị hủy diệt. Vì thế, những lời cảnh báo được đưa ra vào thế kỷ thứ nhất càng quan trọng với chúng ta ngày nay. Chắc chắn, chúng ta không muốn ‘nhận lòng nhân từ bao la của Đức Giê-hô-va một cách vô ích’ và đánh mất cơ hội sống vĩnh cửu, dù trên trời hay dưới đất (2 Cô 6:1). Chúng ta phải hết sức cảnh giác nếu ai đó tham dự các buổi nhóm họp nhưng lại cố lôi kéo chúng ta phỏng đoán về những điều không được giải thích trong Kinh Thánh, hoặc chỉ trích tổ chức.—2 Tê 3:13-15.
“GIỮ CHẶT NHỮNG ĐIỀU ĐÃ ĐƯỢC DẠY”
10. Các tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca được khuyên giữ chặt những sự dạy dỗ nào?
10 Phao-lô khuyến khích anh em ở Tê-sa-lô-ni-ca “đứng vững” và giữ chặt những điều đã được dạy. (Đọc 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:15). Đó là những điều gì? Chắc chắn không phải là những điều mà tôn giáo sai lầm dạy như thể chúng có giá trị tương đương với những sự dạy dỗ trong Kinh Thánh. Thay vì thế, Phao-lô nói đến những sự dạy dỗ mà ông và người khác nhận được từ Chúa Giê-su cũng như những điều mà Đức Giê-hô-va soi dẫn ông truyền đạt, trong đó có nhiều điều được lưu lại trong Kinh Thánh. Phao-lô khen anh em ở hội thánh Cô-rinh-tô vì ‘đã nhớ đến ông trong mọi việc và theo sát những điều ông truyền cho họ’ (1 Cô 11:2). Những sự dạy dỗ như thế đến từ nguồn có thẩm quyền và hoàn toàn có thể tin cậy.
11. Sự lừa gạt có thể tác động đến một người qua những cách nào?
11 Khi viết thư cho tín đồ người Hê-bơ-rơ, Phao-lô lưu ý họ đến hai cách mà một tín đồ có thể mất đức tin và không còn đứng vững. (Đọc Hê-bơ-rơ 2:1; 3:12). Đó là “trôi giạt” và “rời xa”. Một người có thể bị trôi giạt mà lúc đầu không hay biết, giống như con thuyền dần bị trôi giạt khỏi bờ ngày càng xa. Cũng có trường hợp mà một người tự rời xa hội thánh, giống như một người tự đẩy con thuyền ra xa khỏi bờ. Cả hai trường hợp này đều có thể xảy ra khi một người để mình rơi vào bẫy của sự lừa gạt, khiến lòng tin nơi sự thật bị suy giảm.
12. Điều gì có thể gây hại cho tình trạng thiêng liêng của chúng ta?
12 Có lẽ đó là trường hợp của một số tín đồ ở Tê-sa-lô-ni-ca. Ngày nay thì sao? Rất nhiều điều có thể khiến chúng ta lãng phí thời gian. Hãy thử nghĩ người ta mất bao nhiêu tiếng đồng hồ trên mạng xã hội, đọc và trả lời tin nhắn hay thư điện tử, say mê với những sở thích hoặc liên tục cập nhật những sự kiện thể thao. Bất cứ hoạt động nào trong số đó đều có thể khiến một tín đồ bị phân tâm và giảm đi lòng sốt sắng. Hậu quả là gì? Người đó có thể chểnh mảng trong việc cầu nguyện, học Lời Đức Chúa Trời, tham dự nhóm họp và rao giảng tin mừng. Chúng ta có thể làm gì để tránh bị lung lay tâm trí?
LÀM SAO ĐỂ TRÁNH BỊ LUNG LAY?
13. Như được báo trước, nhiều người có thái độ nào, và điều gì sẽ giúp chúng ta tránh bị suy yếu đức tin?
13 Một điều thiết yếu chúng ta cần làm là luôn ý thức về thời kỳ mình đang sống và mối nguy hiểm tiềm ẩn của việc kết hợp với những người không tin đây là “những ngày sau cùng”. Sứ đồ Phi-e-rơ viết về thời kỳ này: “Sẽ có những kẻ chế giễu buông lời nhạo báng, làm theo ham muốn của riêng mình và nói: ‘Lời hứa về sự hiện diện của ngài ở đâu? Từ ngày tổ phụ chúng ta an giấc, mọi thứ vẫn còn nguyên như từ lúc tạo ra thế gian’” (2 Phi 3:3, 4). Đọc Lời Đức Chúa Trời mỗi ngày và đều đặn học hỏi Lời ấy sẽ giúp chúng ta ý thức mình đang sống trong “những ngày sau cùng”. Sự bội đạo được báo trước đã tỏ lộ từ lâu và vẫn còn cho đến ngày nay. “Kẻ gian ác” tiếp tục tồn tại và chống đối tôi tớ của Đức Chúa Trời. Do đó, chúng ta cần luôn tỉnh táo và ý thức rằng ngày của Đức Giê-hô-va rất gần kề.—Sô 1:7.
14. Bận rộn trong công việc của Đức Giê-hô-va che chở chúng ta như thế nào?
14 Thực tế cho thấy, một cách chính yếu để giữ tỉnh thức và tránh bị lung lay là đều đặn rao giảng tin mừng về Nước Trời. Vì vậy, khi Chúa Giê-su Ki-tô, Đầu hội thánh, giao cho các môn đồ nhiệm vụ dạy dỗ muôn dân trở thành môn đồ ngài, dạy họ giữ mọi điều mà ngài đã truyền, ngài đang cho các môn đồ một lời khuyên mà khi làm theo, họ sẽ được che chở (Mat 28:19, 20). Để làm theo chỉ dẫn này, chúng ta cần sốt sắng rao giảng. Bạn có nghĩ anh em ở Tê-sa-lô-ni-ca sẽ rao giảng và dạy dỗ một cách chiếu lệ, qua loa như thể đó chỉ là bổn phận? Hãy nhớ những lời Phao-lô viết cho họ: “Đừng cản trở hoạt động của thần khí trong anh em. Chớ khinh thường các lời tiên tri” (1 Tê 5:19, 20). Các lời tiên tri mà chúng ta nghiên cứu và chia sẻ với người khác thật tuyệt diệu!
15. Chúng ta có thể xem xét một số điều hữu ích nào trong Buổi thờ phượng của gia đình?
15 Dĩ nhiên, chúng ta muốn giúp gia đình cải thiện kỹ năng rao giảng. Nhiều anh chị nhận thấy một cách để làm thế là dùng một phần trong Buổi thờ phượng của gia đình để chuẩn bị cho thánh chức. Chẳng hạn, gia đình bạn sẽ thấy hữu ích khi thảo luận về cách thăm lại người chú ý. Có thể xem xét: “Thành viên gia đình sẽ nói gì vào lần viếng thăm tới? Đề tài nào có thể vun trồng sự chú ý của chủ nhà? Khi nào là thời điểm tốt nhất để thăm lại?”. Nhiều gia đình cũng dành một phần thời gian trong Buổi thờ phượng của gia đình để chuẩn bị cho các buổi nhóm họp, nhờ thế họ biết trước thông tin sẽ được thảo luận. Gia đình bạn có thể chuẩn bị kỹ hơn để góp phần bình luận trong các buổi nhóm họp không? Việc tham gia sẽ giúp các thành viên củng cố đức tin, nhờ thế tránh bị lung lay tâm trí (Thi 35:18). Thật vậy, Buổi thờ phượng của gia đình sẽ bảo vệ chúng ta khỏi sự nghi ngờ và giúp chúng ta tránh khuynh hướng phỏng đoán.
16. Những tín đồ được xức dầu có niềm khích lệ nào để giữ vững tâm trí?
16 Qua nhiều năm, Đức Giê-hô-va ban cho dân ngài sự hiểu biết ngày càng sâu rộng về các lời tiên tri trong Kinh Thánh. Suy ngẫm điều này giúp chúng ta tin chắc rằng phần thưởng tuyệt vời đang chờ đón mình ở phía trước. Những tín đồ được xức dầu có triển vọng đồng cai trị với Đấng Ki-tô ở trên trời. Đó quả là niềm khích lệ để họ giữ vững tâm trí! Những lời sau của Phao-lô viết cho anh em ở Tê-sa-lô-ni-ca cũng áp dụng cho các tín đồ được xức dầu ngày nay: “Hỡi anh em được Đức Giê-hô-va yêu thương, chúng tôi phải luôn cảm tạ ngài vì anh em, bởi từ đầu ngài đã chọn anh em... làm cho anh em nên thánh bởi thần khí ngài và qua đức tin của anh em nơi sự thật”.—2 Tê 2:13.
17. Những lời nơi 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:1-5 khích lệ bạn như thế nào?
17 Những người mong đợi sự sống vĩnh cửu trên đất cũng nên cố gắng để tránh bị lung lay tâm trí. Nếu có hy vọng sống mãi trên đất, bạn hãy khắc ghi vào lòng lời động viên yêu thương mà sứ đồ Phao-lô viết cho các tín đồ được xức dầu ở Tê-sa-lô-ni-ca. (Đọc 2 Tê-sa-lô-ni-ca 3:1-5). Mỗi chúng ta nên quý trọng sâu xa những lời ấm lòng này. Quả thật, những lá thư viết cho anh em ở Tê-sa-lô-ni-ca đưa ra các lời cảnh báo trọng yếu về việc phỏng đoán hoặc tin những lời phỏng đoán. Vì sự cuối cùng đã gần kề nên tín đồ đạo Đấng Ki-tô ngày nay rất quý trọng những lời cảnh báo này.
a Nơi Công vụ 20:29, 30, Phao-lô cho biết rằng từ bên trong các hội thánh sẽ xuất hiện “người giảng dạy những điều sai lệch để lôi kéo môn đồ theo họ”. Lịch sử chứng thực rằng với thời gian một hàng giáo phẩm được hình thành. Đến thế kỷ thứ ba CN, “kẻ gian ác” đã tỏ lộ và được nhận diện là nhóm tổng hợp gồm giới chức giáo phẩm của khối Ki-tô giáo.—Xem Tháp Canh ngày 1-9-1990, trang 19-23.