Tình yêu không lay chuyển—Có thể được không?
“Sự nóng [của ái tình] là sự nóng của lửa, thật một ngọn lửa của Đức Giê-hô-va”.—NHÃ 8:6.
1, 2. Ai có thể nhận được lợi ích khi xem xét kỹ sách Nhã-ca, và tại sao? (Xem hình nơi đầu bài).
Cô dâu chú rể nhìn nhau trìu mến và mỉm cười. Không ai có thể phủ nhận rằng tình yêu của họ thật nồng nàn. Anh trưởng lão nói bài diễn văn hôn lễ để ý cách họ biểu lộ cử chỉ dịu dàng với nhau, nhưng anh tự hỏi: “Tình yêu của họ sẽ đứng vững qua thời gian không? Tình yêu của họ sẽ ngày càng sâu đậm hay sẽ chắp cánh bay đi?”. Khi vợ chồng thật sự yêu nhau, mối quan hệ của họ có thể bền vững trước thử thách gay go nhất. Tuy nhiên, vì có nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ nên có lẽ bạn thắc mắc: “Có thể có một tình yêu lâu bền không?”.
2 Thậm chí vào thời vua Sa-lô-môn, tình yêu đích thực đã rất hiếm hoi trong xứ Y-sơ-ra-ên xưa. Nhận xét về tình trạng đạo đức thời mình, Sa-lô-môn viết: “Trong một ngàn người đàn-ông ta đã tìm được một người [“một người công chính”, Đặng Ngọc Báu]; còn trong cả thảy người đàn-bà ta chẳng tìm được một ai hết. Nhưng nầy là điều ta tìm được: Đức Chúa Trời đã dựng nên người ngay-thẳng; song loài người có tìm-kiếm ra lắm mưu-kế” (Truyền 7:26-29). Phần lớn là vì ảnh hưởng của những người nữ dân ngoại thờ thần Ba-anh mà tình trạng đạo đức vào thời Sa-lô-môn xuống dốc nghiêm trọng, đến nỗi ông thấy khó tìm một người nam hay người nữ có đạo đứca. Tuy nhiên, khoảng 20 năm trước, ông đã viết một bài thơ, tức là sách Nhã-ca, cho thấy người nam và người nữ có thể có tình yêu bền vững. Sách cũng miêu tả sống động tình yêu ấy là thế nào và được thể hiện ra sao. Khi xem xét kỹ sách này của Kinh Thánh, những người đang thờ phượng Đức Giê-hô-va, dù đã kết hôn hay còn độc thân, có thể học nhiều điều về tình yêu ấy.
TÌNH YÊU ĐÍCH THỰC LÀ CÓ THỂ!
3. Tại sao giữa người nam và người nữ có thể có tình yêu đích thực?
3 Đọc Nhã-ca 8:6. Cụm từ “một ngọn lửa của Đức Giê-hô-va” dùng để miêu tả tình yêu đã nói lên nhiều điều. Tình yêu đích thực là “một ngọn lửa của Đức Giê-hô-va” vì Đức Giê-hô-va là Nguồn của tình yêu ấy. Ngài tạo ra loài người theo hình ảnh ngài với khả năng yêu thương (Sáng 1:26, 27). Khi Đức Chúa Trời đưa người nữ đầu tiên Ê-va đến với người nam đầu tiên A-đam, ông đã thốt lên những lời thi vị. Hẳn Ê-va cảm thấy rất gần gũi với A-đam. Suy cho cùng, bà “do nơi người nam mà có” (Sáng 2:21-23). Đức Giê-hô-va đã ban cho loài người khả năng thể hiện tình yêu, nên giữa người nam và người nữ có thể có tình yêu bền vững và không lay chuyển.
4, 5. Xin kể ngắn gọn câu chuyện trong sách Nhã-ca.
4 Sách Nhã-ca miêu tả một cách thơ mộng về tình yêu mà người nam và người nữ có thể dành cho nhau. Được viết như một bài ca có lời tương tự như lời nhạc kịch, câu chuyện kể về tình yêu giữa một người con gái làng Su-nem và chàng chăn cừu yêu dấu của nàng. Nàng được đem vào trại quân của Sa-lô-môn vì vua để ý đến vẻ đẹp của nàng. Lúc đó, vua đóng trại gần vườn nho nàng đang coi giữ. Nhưng ngay từ đầu, rõ ràng là nàng đã yêu chàng chăn cừu. Khi Sa-lô-môn cố gắng chinh phục nàng, người con gái thẳng thắn cho biết nàng ao ước được ở bên cạnh người nàng yêu (Nhã 1:4-14). Chàng chăn cừu tìm đường vào trại quân, và hai người trao nhau những lời yêu thương ngọt ngào.—Nhã 1:15-17.
5 Sa-lô-môn trở về Giê-ru-sa-lem, mang người con gái đi cùng, và chàng chăn cừu theo nàng (Nhã 4:1-5, 8, 9). Mọi nỗ lực của Sa-lô-môn để chinh phục tình yêu của nàng đều thất bại (Nhã 6:4-7; 7:1-10). Cuối cùng, vua đành cho phép nàng trở về nhà. Bài ca khép lại với hình ảnh người con gái mong ước người yêu chạy đến với nàng nhanh “như con hoàng-dương”.—Nhã 8:14.
6. Tại sao không dễ để xác định nhân vật đang nói trong sách Nhã-ca?
6 Sách Nhã-ca là bài ca được sáng tác rất hay và đầy ý nghĩa. Nó được gọi là “bài ca của các bài ca” của Sa-lô-môn (Nhã 1:1, ĐNB). Tuy nhiên, không dễ để xác định nhân vật đang nói trong các cuộc đối thoại, độc thoại hay các giấc mơ của bài ca. Vì Sa-lô-môn muốn làm nổi bật vẻ đẹp của bài thơ hay bài ca này nên đã không thêm vào nhiều chi tiết. Dù bài ca không ghi tên nhân vật nhưng vẫn có thể xác định được người đang nói qua lời họ nói.
“ÁI-TÌNH CHÀNG NGON HƠN RƯỢU”
7, 8. Chàng chăn cừu và người con gái đã biểu lộ sự trìu mến với nhau như thế nào? Xin cho ví dụ.
7 Sách Nhã-ca chứa đựng nhiều hình ảnh về “ái-tình”, hay việc biểu lộ sự trìu mến, giữa người con gái và chàng chăn cừu. Cách biểu lộ sự trìu mến ở Đông Phương khoảng 3.000 năm trước có vẻ lạ đối với độc giả ngày nay. Dù văn hóa của họ khác thời nay, nhưng chúng ta vẫn có thể hiểu cảm xúc mà hai người dành cho nhau. Chẳng hạn, chàng chăn cừu khen đôi mắt mềm mại và dịu dàng của người con gái giống như “mắt của bồ-câu” (Nhã 1:15). Còn nàng so sánh mắt chàng không phải như mắt bồ câu mà như chính chim bồ câu. (Đọc Nhã-ca 5:12). Đối với nàng, tròng đen mắt chàng được bao quanh bởi tròng trắng thì đẹp như bồ câu tắm trong sữa.
8 Chàng chăn cừu và người con gái khen ngợi vẻ đẹp của nhau, nhưng không chỉ có thế. Hãy xem chàng nhận xét gì về lời nói của nàng. (Đọc Nhã-ca 4:7, 11). Môi nàng được miêu tả là “nhỏ mật ong [“mật từ tàng ong”, NW] xuống”. Tại sao? Vì mật từ tàng ong ngọt hơn và có mùi vị thơm hơn mật ong ở ngoài không khí. “Dưới lưỡi [nàng] có mật ong và sữa” nghĩa là lời nói của nàng nhã nhặn và tốt đẹp như mật ong và sữa. Rõ ràng, khi nói với người con gái rằng nàng ‘vốn xinh-đẹp mọi bề, nơi nàng chẳng có tì-vít gì cả’, chàng chăn cừu không chỉ nói đến vẻ đẹp bên ngoài của nàng.
9. (a) Tình yêu giữa vợ chồng bao gồm những điều gì? (b) Tại sao vợ chồng biểu lộ sự trìu mến là điều thiết yếu?
9 Ngày nay, đối với cặp vợ chồng phụng sự Đức Giê-hô-va, hôn nhân không chỉ là một hợp đồng hay cam kết chính thức. Vợ chồng thật sự yêu nhau và thể hiện tình yêu đó. Nhưng đó là loại tình yêu nào? Có phải là tình yêu thương dựa theo nguyên tắc Kinh Thánh không? (1 Giăng 4:8). Tình yêu ấy có bao gồm tình cảm tự nhiên như giữa các thành viên trong gia đình không? Tình yêu ấy có gắn bó nồng ấm và đầy quan tâm như giữa những người bạn chân thật không? (Giăng 11:3). Có phải là tình yêu lãng mạn không? (Châm 5:15-20). Thật ra, tình yêu đích thực và bền vững giữa vợ chồng bao gồm tất cả các yếu tố trên. Tình yêu được cảm nhận rõ ràng nhất khi được thể hiện. Thế nên, điều thiết yếu là vợ chồng không để các hoạt động hằng ngày choán chỗ của việc biểu lộ sự trìu mến! Thật vậy, biểu lộ sự trìu mến có thể góp phần rất nhiều vào sự an toàn và hạnh phúc trong hôn nhân. Trong một số nền văn hóa, hôn nhân thường được sắp đặt trước nên người chồng và người vợ biết rất ít về nhau trước ngày cưới. Vì vậy, họ nên ý thức rằng cần nói với nhau những lời yêu thương, nhờ đó tình yêu sẽ gia tăng và hôn nhân vững mạnh.
10. Những kỷ niệm về việc biểu lộ sự trìu mến có thể có tác động nào?
10 Việc biểu lộ sự trìu mến giữa vợ chồng cũng có tác động tốt khác. Vua Sa-lô-môn muốn làm một “chuyền vàng có vảy bạc” cho nàng Su-la-mít. Ông hết lời khen ngợi nàng, nói rằng nàng “đẹp như mặt trăng, tinh-sạch như mặt trời” (Nhã 1:9-11; 6:10). Nhưng nàng vẫn chung thủy với chàng chăn cừu yêu dấu của mình. Khi họ xa cách, điều gì đã giúp nàng mạnh mẽ và được an ủi? Nàng cho chúng ta biết. (Đọc Nhã-ca 1:2, 3). Đó chính là nhờ nàng nhớ lại “ái-tình” hay việc biểu lộ sự trìu mến của chàng chăn cừu. Đối với nàng, những cử chỉ ấy còn “ngon hơn rượu” khiến hứng chí, còn danh chàng êm dịu và “thơm như dầu đổ ra” trên đầu (Thi 23:5; 104:15). Phải, những kỷ niệm đẹp về việc biểu lộ sự trìu mến có thể giúp tình yêu ngày càng bền bỉ. Thật quan trọng biết bao khi vợ chồng thường xuyên biểu lộ sự trìu mến!
CHỚ THỨC TỈNH ÁI TÌNH “CHO ĐẾN KHI NÓ MUỐN”
11. Qua việc nàng Su-la-mít buộc người khác thề rằng đừng thức tỉnh ái tình trong nàng, các tín đồ chưa kết hôn học được điều gì?
11 Sách Nhã-ca cũng chứa đựng những bài học cho các tín đồ chưa kết hôn, đặc biệt là những ai đang tìm bạn đời. Người con gái không yêu Sa-lô-môn. Nàng buộc các con gái Giê-ru-sa-lem thề mà rằng: “Chớ kinh-động, chớ làm tỉnh-thức ái-tình ta cho đến khi nó muốn” (Nhã 2:7; 3:5). Tại sao? Vì nảy sinh tình cảm lãng mạn với bất cứ ai thích mình là không đúng đắn. Vậy, một tín đồ muốn kết hôn nên khôn ngoan kiên nhẫn chờ đợi để gặp người mà mình có thể thật sự yêu thương.
12. Tại sao nàng Su-la-mít yêu chàng chăn cừu?
12 Tại sao nàng Su-la-mít yêu chàng chăn cừu? Chàng đẹp trai, giống như “con hoàng-dương”, tay chàng mạnh mẽ như “ống tròn vàng”, còn chân thì đẹp và khỏe giống “trụ cẩm-thạch”. Nhưng chàng không chỉ mạnh mẽ và đẹp trai. Nàng cũng biết chàng yêu mến Đức Giê-hô-va và có những phẩm chất tốt. Đó là lý do chàng trở nên đặc biệt với nàng, “như cây bình-bát ở giữa những cây rừng”.—Nhã 2:3, 9; 5:14, 15.
13. Tại sao chàng chăn cừu yêu nàng Su-la-mít?
13 Còn nàng Su-la-mít thì sao? Dù xinh đẹp đến nỗi vị vua lúc đó có “sáu mươi hoàng-hậu, tám mươi cung-phi, và nhiều vô-số con đòi” cũng phải để mắt đến, nhưng nàng xem mình “là hoa tường-vi của Sa-rôn”, một loài hoa tầm thường. Nàng thật khiêm tốn và khiêm nhường. Đối với chàng chăn cừu, nàng rất đặc biệt, như “bông huệ ở giữa gai-gốc”. Nàng trung thành với Đức Giê-hô-va.—Nhã 2:1, 2; 6:8.
14. Nếu muốn kết hôn, chúng ta có thể học được gì từ chàng chăn cừu và nàng Su-la-mít?
14 Kinh Thánh đưa ra lời khuyên mạnh mẽ cho các tín đồ đạo Đấng Ki-tô chỉ kết hôn với “môn đồ của Chúa” (1 Cô 7:39). Một người muốn kết hôn tránh nảy sinh tình cảm lãng mạn với người không tin đạo, và chỉ tìm người hôn phối trong vòng những người trung thành thờ phượng Đức Giê-hô-va. Điều này sẽ giúp hôn nhân thế nào? Hằng ngày, vợ chồng phải đối mặt với sự căng thẳng trong đời sống. Nhưng khi cả hai có mối quan hệ mật thiết với Đức Giê-hô-va thì hôn nhân có thể bình an và hạnh phúc. Thế nên, nếu muốn kết hôn, bạn hãy noi gương chàng chăn cừu và nàng Su-la-mít. Hãy tìm một người có những phẩm chất tốt đẹp và thật sự yêu thương Đức Giê-hô-va.
“TÂN-PHỤ TA LÀ VƯỜN ĐÓNG KÍN”
15. Nàng Su-la-mít là gương mẫu cho các tín đồ chưa kết hôn như thế nào?
15 Đọc Nhã-ca 4:12. Tại sao chàng chăn cừu miêu tả người yêu của mình là “vườn đóng kín”? Vườn có tường hay hàng rào bao quanh thì không phải là vườn công cộng, chỉ có thể vào đó khi đi qua cổng có khóa. Nàng Su-la-mít giống vườn ấy vì chỉ dành sự trìu mến cho người chồng tương lai là chàng chăn cừu. Bằng cách từ chối những sự lôi cuốn của vua, nàng chứng tỏ mình như “một tường thành”, chứ không phải “một cái cửa” có thể mở toang cánh (Nhã 8:8-10). Tương tự thế, những tín đồ chưa kết hôn chỉ dành tình yêu và sự trìu mến cho người hôn phối tương lai của mình.
16. Về giai đoạn tìm hiểu, sách Nhã-ca đưa ra bài học nào?
16 Khi chàng chăn cừu mời nàng Su-la-mít cùng đi dạo vào một ngày xuân, các anh nàng không cho phép. Nhưng họ giao cho nàng coi giữ vườn nho. Tại sao? Họ không tin nàng ư? Họ có nghĩ rằng nàng muốn làm chuyện trái đạo đức không? Thật ra, họ chỉ thận trọng để em mình không rơi vào tình huống bị cám dỗ (Nhã 1:6; 2:10-15). Nếu đang tìm hiểu, làm thế nào bạn có thể tránh bất cứ điều gì có thể dẫn đến việc phạm tội vô luân? Hãy xác định trước điều bạn sẽ tránh để giữ mối quan hệ thanh sạch. Đừng bao giờ ở những nơi không có người. Dù có thể biểu lộ những cử chỉ trìu mến đúng đắn, hãy thận trọng để không rơi vào tình huống bị cám dỗ.
17, 18. Bạn nhận lợi ích nào khi xem xét sách Nhã-ca?
17 Nhìn chung, các cặp vợ chồng đạo Đấng Ki-tô rất yêu thương trìu mến nhau khi bước vào mối quan hệ hôn nhân. Sự sắp đặt hôn nhân do Đức Giê-hô-va thiết lập là sự sắp đặt bền lâu, nên điều quan trọng là các cặp vợ chồng nỗ lực giữ ngọn lửa tình yêu cháy rực và duy trì môi trường để tình yêu có thể phát triển.—Mác 10:6-9.
18 Khi tìm người hôn phối, bạn muốn tìm một người mà mình có thể thật sự yêu thương. Sau đó, hãy cùng vun đắp để tình yêu ấy vững mạnh và không bao giờ lụi tàn như được miêu tả trong sách Nhã-ca. Dù bạn đang tìm một người hôn phối hay đã kết hôn, mong sao bạn cảm nghiệm được tình yêu đích thực, “một ngọn lửa của Đức Giê-hô-va”.—Nhã 8:6.
a Xin xem Tháp Canh ngày 15-1-2007, trang 31.