Biểu lộ sự quan tâm đến người khác—Bằng cách hỏi và lắng nghe
1 Phần lớn mọi người thích bày tỏ quan điểm của mình hơn là bị nghe thuyết giảng hay thẩm vấn. Vì vậy, là những người truyền giáo đạo Đấng Christ, chúng ta cần trau dồi nghệ thuật gợi chuyện bằng câu hỏi.—Châm 20:5.
2 Câu hỏi của chúng ta nên mang tính gợi suy nghĩ hay gợi chuyện, và không làm người nghe bối rối. Khi đi rao giảng từng nhà, một anh dùng câu hỏi: “Ông/ Bà có tin là sẽ có lúc người ta quý mến và tôn trọng nhau không?” Rồi tùy vào câu trả lời của người ấy, anh hỏi tiếp: “Theo ông/ bà, làm sao để có được điều đó?” hay “Tại sao ông/ bà nghĩ vậy?” Khi làm chứng bán chính thức và rao giảng nơi công cộng, một anh khác thường hỏi những người có con: “Ông/ Bà thích điều gì nhất khi được làm cha mẹ?” Sau đó, anh hỏi thêm: “Ông/ Bà quan tâm đến điều gì nhất?” Hãy lưu ý là những câu hỏi trên đều gợi cho người nghe bày tỏ quan điểm của mình mà không làm họ ngượng. Vì hoàn cảnh mỗi nơi mỗi khác, chúng ta cần điều chỉnh đề tài và cách hỏi sao cho phù hợp với địa phương.
3 Gợi cho người đối thoại bày tỏ quan điểm: Nếu người đối thoại sẵn lòng nói lên suy nghĩ của mình, anh chị hãy kiên nhẫn lắng nghe và đừng cắt ngang lời họ khi không cần thiết. (Gia 1:19) Hòa nhã ghi nhận ý kiến của họ. (Cô 4:6) Có lẽ anh chị chỉ cần nói: “ Đó là một ý kiến hay. Cám ơn ông/ bà đã cho tôi biết điều đó”. Hãy khen họ cách thành thật, nếu có thể. Khéo léo hỏi thêm để biết suy nghĩ của họ và tại sao họ có những ý tưởng đó. Cố gắng tìm điểm chung. Khi muốn hướng họ đến một câu Kinh Thánh, anh chị có thể nói: “Còn về ý tưởng này, ông/ bà nghĩ sao?” Tránh thái độ giáo điều hoặc tranh cãi.—2 Ti 2:24, 25.
4 Cách trả lời của họ có thể tùy thuộc phần lớn vào cách chúng ta lắng nghe. Chắc chắn người ta sẽ nhận ra chúng ta đang hết lòng lắng nghe hay không. Một giám thị lưu động nhận xét: “Khi anh chị kiên nhẫn và sẵn lòng lắng nghe, điều đó tạo sức thu hút đáng kinh ngạc và là một cách tuyệt vời để biểu lộ lòng quan tâm ân cần đến cá nhân người nghe”. Lắng nghe là tỏ ra tôn trọng người khác, và nhờ đó có thể thúc đẩy họ chú ý đến tin mừng mà chúng ta muốn chia sẻ.—Rô 12:10.