ANH GEORGIY PORCHULYAN | CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI
“Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va đã nâng đỡ tôi”
Tôi bị đưa đến trại khổ sai trong vùng khắc nghiệt là Magadan, thuộc Siberia, khi mới 23 tuổi. Lúc đó, tôi chỉ mới báp-têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va được một năm. Tôi rất bốc đồng và thiếu kinh nghiệm, nên nỗ lực đầu tiên của tôi để chia sẻ niềm tin với bạn tù suýt chút nữa là kết thúc bằng một trận ẩu đả.
Nhưng điều gì khiến tôi, người từng tham gia một đảng chính trị, gia nhập một nhóm tôn giáo bị xem là kẻ thù của Nhà nước? Làm thế nào tình yêu thương và sự huấn luyện của Đức Giê-hô-va giúp tôi cải thiện nhân cách trong nhiều năm lao dịch và bị lưu đày?
Tìm kiếm công lý và sự bình an tâm trí
Tôi sinh năm 1930 ở Tabani, một ngôi làng nghèo thuộc miền bắc Moldova. Cha mẹ tôi làm việc rất vất vả ở một nông trại tập thể để nuôi sáu người con. Cuộc sống chúng tôi không mấy khá giả. Mẹ tôi theo Chính Thống giáo Nga, còn cha tôi theo Công giáo. Họ thường xuyên có những cuộc tranh cãi nảy lửa về hành vi gây sốc của các linh mục.
Khi tốt nghiệp trung học ở tuổi 18, tôi tham gia tổ chức Komsomol, một tổ chức thanh niên tuyên truyền đường lối của đảng. Mục đích của tổ chức này là huấn luyện người trẻ để trở thành thành viên của đảng. Không lâu sau, tôi được bầu làm thư ký của nhóm địa phương thuộc tổ chức ấy. Họ dạy những tiêu chuẩn như tình anh em, sự bình đẳng và công lý. Điều đó thu hút tôi, nhưng khi thấy sự bất công và tham nhũng lan tràn trong xã hội, tôi cảm thấy trống rỗng.
Là một thành viên tích cực của Komsomol, tôi buộc phải ủng hộ các sắc lệnh của chính quyền Liên bang Xô Viếta liên quan đến việc đóng cửa các nhà thờ và giải thể những nhóm tôn giáo. Trong làng của tôi, có một số Nhân Chứng Giê-hô-va. Dù để ý thấy họ có cách cư xử trung thực và ôn hòa, tôi xem họ là người cuồng tín. Nhưng tôi không biết rằng không lâu sau một người trong số họ sẽ giải đáp nhiều thắc mắc của tôi về đời sống.
Bác trai của tôi tên là Dimitriy, sống ở cùng làng, là một Nhân Chứng Giê-hô-va. Ngày nọ, vào mùa xuân năm 1952, bác ấy hỏi tôi: “Georgiy, cháu dự tính gì cho đời mình?”. Vì quan tâm đến tôi nên bác hỏi câu hỏi ấy. Sự thật là lúc đó tôi có rất nhiều thắc mắc chưa được giải đáp. Chẳng hạn, tôi hay tự hỏi: “Nếu Đức Chúa Trời hiện hữu, tại sao ngài để cho có nhiều đau khổ?”. Trong tám ngày kế tiếp, bác Dimitriy đã dùng Kinh Thánh để giải đáp mọi thắc mắc của tôi. Đôi khi chúng tôi nói chuyện về Đức Chúa Trời đến tận ba giờ sáng!
Sau những cuộc thảo luận ấy, tôi quyết định tìm hiểu Kinh Thánh một cách nghiêm túc. Tôi nhận ra là mình có một Cha trên trời thật sự yêu thương mình (Thi thiên 27:10). Dù biết rất ít về Kinh Thánh, tình yêu thương của tôi dành cho Đức Giê-hô-va đủ mạnh để giúp tôi hành động dứt khoát. Tôi ra khỏi đảng dù bị chủ tịch địa phương đe dọa. Chỉ bốn tháng sau khi bắt đầu tìm hiểu Kinh Thánh, tôi dâng mình cho Đức Giê-hô-va và báp-têm vào tháng 9 năm 1952.
Tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va bị thử thách
Vào thời đó, các hoạt động của Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm. Tuy nhiên, vì muốn thể hiện tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va qua hành động, nên tôi tình nguyện mang ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh đến cho anh em sống trong các làng. Việc này rất nguy hiểm vì những người trong làng có thái độ nghi ngờ có thể báo chính quyền khi họ thấy có người lạ. Thực tế, ngay cả một số Nhân Chứng cũng đề phòng tôi, sợ rằng tôi có thể là một trong nhiều công an chìm thâm nhập vào hội thánh. Nhưng họ sớm nhận ra tôi không phải là gián điệp. Chỉ hai tháng sau khi báp-têm, tôi bị bắt và bị kết án về tội vận chuyển tài liệu bị cấm.
Trong gần một năm bị tạm giam chờ xét xử, tôi bị thẩm vấn nhiều lần và các viên chức cố phá đổ lòng trọn thành của tôi. Nhưng họ không thể làm thế vì tôi đã vun trồng được tình yêu thương sâu đậm dành cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Cuối cùng, một phiên tòa công khai được tổ chức ở thành phố Odessa, Ukraine. Cha mẹ và các anh em tôi, lúc đó không phải là Nhân Chứng Giê-hô-va, được triệu tập đến tòa.
Tôi bị chính quyền xem là người bị lừa đi theo một giáo phái nguy hiểm. Họ muốn cha mẹ và các anh em tôi tin rằng tôi bị mất trí. Cha mẹ tôi rất sợ hãi. Họ khóc và bảo tôi bỏ đạo Nhân Chứng. Nhưng tôi giữ bình tĩnh và nói với mẹ: “Mẹ đừng lo. Con không bị lạc lối đâu. Con đã tìm thấy điều mà mình tìm kiếm cả cuộc đời, và con sẽ không bao giờ từ bỏ điều ấy” (Châm ngôn 23:23). Dù sự hiểu biết của tôi về Kinh Thánh có giới hạn, nhưng tôi biết đủ về Đức Giê-hô-va để bám lấy ngài. Khoảng sáu năm sau, cha mẹ tôi đã tìm hiểu thêm về niềm tin của tôi, và họ cũng trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.
Tôi bị kết án 15 năm lao động khổ sai và bị giải bằng xe lửa đến vùng Kolyma thuộc Siberia, là nơi nổi tiếng vì có nhiều trại khổ sai. Để hoàn toàn kiểm soát được các tù nhân, các nhân viên cai tù và viên chức đánh đập và bỏ đói chúng tôi. Lúc đầu tôi băn khoăn không biết làm sao mình sống nổi.
Cảm nghiệm sự chăm sóc và sự huấn luyện đầy yêu thương của Đức Chúa Trời
Không lâu sau khi đến trại, một số trong 34 Nhân Chứng trong trại ấy dè dặt hỏi tôi: “Có người Giô-na-đáp trong nhóm của anh không?”. Ngay lập tức tôi nhận ra họ là anh em thiêng liêng của mình. Chỉ có họ mới dùng từ Kinh Thánh như thế! Các anh giàu kinh nghiệm ấy không chỉ giúp tôi biết cách áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh trong những tình huống khó khăn mà còn giúp tôi vun trồng những phẩm chất tin kính như sự suy xét.
Tôi làm thợ máy trong trại. Một ngày nọ, người cùng làm việc với tôi tên là Matphey khoe khoang rằng anh ấy thuộc lòng tên của 50 “vị thánh”. Khi tôi nói lời xúc phạm về các “vị thánh” ấy, Matphey cố đấm tôi nhưng tôi bỏ chạy. Sau đó, tôi cảm thấy giận khi thấy các anh Nhân Chứng nhìn và cười. Tôi thốt lên: “Sao các anh lại cười? Em muốn rao giảng mà!”. Họ nhân từ nhắc tôi nhớ rằng mục tiêu của chúng ta là chia sẻ tin mừng, chứ không phải xúc phạm người khác (1 Phi-e-rơ 3:15). Matphey là người phản đối chính quyền nhưng anh ấy ấn tượng khi thấy các Nhân Chứng tôn trọng các nhân viên cai tù và chính quyền. Cuối cùng, anh ấy chú ý đến thông điệp Kinh Thánh. Tôi sẽ không bao giờ quên đêm mà anh ấy bí mật báp-têm trong thùng nước lạnh.
Không lâu sau khi đến trại, tôi và hai anh trẻ được phân công đi học lớp lý luận chính trị. Lúc đầu, chúng tôi từ chối tham dự vì nghĩ rằng làm thế sẽ vi phạm lập trường trung lập của tín đồ đạo Đấng Ki-tô (Giăng 17:16). Hậu quả là chúng tôi bị nhốt trong phòng giam kỷ luật tối thui trong hai tuần. Khi chúng tôi được thả, các anh có lòng quan tâm giải thích rằng việc đơn giản có mặt tại những lớp học ấy không nhất thiết là vi phạm lập trường trung lập của chúng ta. Ngược lại, chúng tôi có thể xem đó là cơ hội để làm chứng tốt. Các anh ấy đã yêu thương giúp chúng tôi khôn ngoan và phải lẽ hơn.
Sự huấn luyện kiên nhẫn của các anh là bằng chứng về sự chăm sóc yêu thương mà Đức Giê-hô-va dành cho tôi. Chẳng hạn, có một tù nhân là linh mục được chỉ định làm kế toán trưởng. Mỗi lần gặp tôi vào giờ ăn, ông chào tôi bằng cách nói: “Chào con trai của Ma Quỷ!”. Một tù nhân khác bảo tôi nên mỉa mai đáp lại: “Chào bố!”. Đáng buồn là tôi đã làm theo lời khuyên ấy và hậu quả là bị đánh thậm tệ. Khi các anh nghe về điều đó, họ đã giúp tôi hiểu rằng cách cư xử của tôi là không thích hợp (Châm ngôn 29:11). Cuối cùng tôi đã xin lỗi ông linh mục ấy.
Trước khi bị đưa đến trại khổ sai, tôi từng bí mật tham dự buổi nhóm họp của đạo Đấng Ki-tô vào ban đêm hoặc vào sáng sớm. Nhưng trong trại, không có nơi nào để nhóm họp bí mật. Vì thế, mỗi ngày anh em chúng tôi sẽ đứng cùng với nhau thành vòng tròn, trong tầm nhìn của các nhân viên cai tù, để thảo luận một số câu Kinh Thánh mà chúng tôi đã viết sẵn vào những mảnh giấy nhỏ. Mục tiêu của chúng tôi là học thuộc lòng nhiều câu Kinh Thánh nhất có thể và thường xuyên suy ngẫm về những câu ấy. Khi một nhân viên cai tù làm gián đoạn buổi nhóm họp, chúng tôi sẽ nhanh chóng nuốt những mảnh giấy ấy.
Tình trạng lưu đày không ngăn cản tình yêu thương của Đức Chúa Trời đến với tôi
Sau khi được thả khỏi trại vào năm 1959, tôi bị trục xuất đến vùng Karaganda thuộc Kazakhstan. Dù vẫn trong thời gian quản chế, tôi xin chính quyền được rời khỏi đó 20 ngày để kết hôn. Tôi đi đến vùng Tomsk thuộc Nga, ở đó có một chị trung thành và đáng yêu tên Maria mà tôi quen biết. Như thường lệ, tôi nói thẳng vào vấn đề. Tôi nói với cô ấy: “Maria, anh không có thời gian để hẹn hò. Kết hôn với anh đi!”. Cô ấy đồng ý, và chúng tôi có một lễ cưới nhỏ. Maria quý việc tôi đã chịu đựng rất nhiều thử thách, và cô ấy muốn giúp tôi tiếp tục phụng sự Đức Giê-hô-va.—Châm ngôn 19:14.
Vào những năm 1960, chúng tôi không thể công khai đi rao giảng từ nhà này sang nhà kia, nhưng chúng tôi tận dụng mọi cơ hội để chia sẻ niềm tin bán chính thức. Khi được mời đến nơi nào đó hoặc khi đang đi du lịch, chúng tôi thường chia sẻ về hy vọng được sống vĩnh cửu trên đất. Chúng tôi cũng tạo cơ hội để nói chuyện với người khác. Chẳng hạn, chúng tôi đến thăm những căn nhà được đăng bán và cố bắt chuyện với chủ nhà bằng những đề tài thiêng liêng. Bằng cách này, tôi và Maria đã bắt đầu học hỏi với sáu người và giúp họ trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va.
Đôi khi chúng tôi cũng làm chứng trong thời gian bầu cử. Ngày nọ, công an chìm đến nhà máy là nơi tôi và một số anh làm việc. Trước khoảng 1.000 công nhân, họ hỏi chúng tôi tại sao Nhân Chứng Giê-hô-va không tham gia vào chính trị. Kỹ sư trưởng và một số đồng nghiệp khác đã bênh vực chúng tôi. Họ nói với công an rằng chúng tôi là những công nhân siêng năng và có tinh thần trách nhiệm. Phản ứng của họ đã giúp chúng tôi có sức mạnh để giải thích lập trường của mình bằng cách trích thuộc lòng các câu Kinh Thánh. Nhờ sự làm chứng dạn dĩ của chúng tôi, bốn người công nhân đã chú ý đến chân lý Kinh Thánh và báp-têm chưa đầy một năm sau.
Vào đầu những năm 1970, nhiều người có lòng thành trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va ở Kazakhstan. Vì thế, chúng tôi nhận thấy cần tổ chức hội nghị đầu tiên. Nhưng làm thế nào chúng tôi có thể làm thế mà tránh được sự chú ý của chính quyền? Chúng tôi quyết định tổ chức hội nghị một ngày cùng lúc với đám cưới ở một làng gần thành phố Almaty. Cuộc họp mặt ấy vừa là đám cưới thật vừa là hội nghị, với hơn 300 khách mời tham dự! Vợ tôi và một vài chị khác làm việc vất vả để trang trí khán phòng và chuẩn bị thức ăn ngon. Các khách mời đặc biệt quý trọng sự dạy dỗ tuyệt vời từ Kinh Thánh do khoảng 12 diễn giả trình bày. Hôm đó là lần đầu tiên trong cuộc đời tôi làm bài giảng dựa trên Kinh Thánh trước một nhóm cử tọa đông người.
Tình yêu thương của Đức Chúa Trời nâng đỡ chúng tôi trong mọi thử thách
Người vợ yêu dấu của tôi đã luôn trung thành trợ giúp tôi trong suốt cuộc đời. Cô ấy mềm mại và vâng phục, luôn đặt quyền lợi Nước Trời lên hàng đầu. Dù là một phụ nữ rất khỏe nhưng đột nhiên cô ấy mắc chứng loãng xương nghiêm trọng khiến cô ấy phải nằm liệt giường trong gần 16 năm. Với sự trợ giúp của con gái tận tâm là Lyudmila, chúng tôi đã chăm sóc tốt cho cô ấy cho đến khi cô ấy qua đời vào năm 2014.
Khi người vợ yêu quý của tôi phải chịu đau đớn, tôi cảm thấy bất lực. Tuy nhiên, chúng tôi đã cùng nhau đọc Kinh Thánh và những bài khích lệ cho đến ngày cuối đời của cô ấy. Chúng tôi thường xuyên nói về thế giới mới. Đôi khi tôi thầm khóc bên cạnh vợ. Nhưng mỗi lần đọc về các lời hứa tuyệt vời của Đức Giê-hô-va, chúng tôi bình tĩnh lại và được thêm sức để chịu đựng.—Thi thiên 37:18; 41:3.
Kể từ ngày đầu tiên tôi nhận ra tình yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho mình, tôi luôn cảm nhận được sự hỗ trợ và chăm sóc của ngài (Thi thiên 34:19). Lúc còn là một người trẻ thiếu kinh nghiệm, tôi cảm nhận tình yêu thương của ngài qua những anh đã kiên nhẫn giúp tôi cải thiện nhân cách của mình. Khi phải chịu đựng nghịch cảnh trong trại khổ sai và lúc bị lưu đày, tôi cảm nhận rằng Đức Giê-hô-va hỗ trợ tôi qua Lời ngài. Ngài cũng ban cho tôi sức mạnh cần thiết để chăm sóc người vợ yêu dấu là Maria cho đến khi cô ấy qua đời. Hiện nay, tôi có thể khẳng định rằng tình yêu thương dành cho Đức Giê-hô-va đã nâng đỡ tôi trong suốt cuộc đời.
a Kazakhstan, Moldova và Ukraine thuộc Liên bang Xô Viết cũ cho đến năm 1991.