Lời Đức Giê-hô-va sống động
Những điểm nổi bật trong sách Sáng-thế Ký—II
TỪ LÚC người đầu tiên là A-đam được sáng tạo đến khi con của Gia-cốp là Giô-sép qua đời, Sáng-thế Ký tường thuật về khoảng thời gian 2.369 năm của lịch sử loài người. Mười chương đầu cùng với 9 câu của chương 11 bao gồm lời tường thuật từ sự sáng tạo đến Tháp Ba-bên, đã được thảo luận trong số trước.a Bài này nói về những điểm nổi bật trong phần còn lại của sách Sáng-thế Ký, liên quan đến quan hệ của Đức Chúa Trời với Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, và Giô-sép.
ÁP-RA-HAM TRỞ THÀNH BẠN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI
Khoảng 350 năm sau trận Nước Lụt, một người chứng tỏ rất đặc biệt đối với Đức Chúa Trời đã sinh ra trong dòng dõi Sem, con Nô-ê. Tên ông là Áp-ram, sau này đổi thành Áp-ra-ham. Theo lệnh của Đức Chúa Trời, Áp-ram rời thành U-rơ của người Canh-đê và bắt đầu lối sống du mục trong một xứ mà Đức Giê-hô-va hứa ban cho ông và dòng dõi ông. Vì có đức tin và vâng lời, Áp-ra-ham sau này được gọi là “bạn Đức Chúa Trời”.—Gia-cơ 2:23.
Đức Giê-hô-va hành phạt dân gian ác của thành Sô-đôm và các thành gần đó, song Lót và hai con gái ông được bảo toàn. Một lời hứa của Đức Chúa Trời được thực hiện khi con Áp-ra-ham là Y-sác ra đời. Nhiều năm sau, đức tin của Áp-ra-ham chịu thử thách khi Đức Giê-hô-va bảo ông dâng người con này làm của-lễ. Áp-ra-ham sẵn sàng vâng lệnh nhưng một thiên sứ đã ngăn cản ông. Chắc chắn Áp-ra-ham là người có đức tin, và ông được bảo đảm rằng các dân thế gian sẽ nhờ dòng dõi ông mà được phước. Áp-ra-ham rất đau lòng khi Sa-ra, người vợ yêu quý của ông, qua đời.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
12:1-3—Khi nào giao ước Áp-ra-ham bắt đầu có hiệu lực, và trong bao lâu? Giao ước của Đức Giê-hô-va với Áp-ram: “Các chi-tộc nơi thế-gian sẽ nhờ ngươi mà được phước”, có lẽ bắt đầu có hiệu lực khi Áp-ram băng qua sông Ơ-phơ-rát để đi đến Ca-na-an. Điều này hẳn đã xảy ra vào ngày 14 Nisan, 1943 TCN—430 năm trước khi Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi Ê-díp-tô. (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:2, 6, 7, 40, 41) Giao ước Áp-ra-ham là “giao-ước đời đời”. Nó tiếp tục có hiệu lực đến khi các chi tộc nơi thế gian được ban phước và mọi kẻ thù của Đức Chúa Trời bị hủy diệt.—Sáng-thế Ký 17:7; 1 Cô-rinh-tô 15:23-26.
15:13—Khi nào thì lời tiên tri về việc con cháu của Áp-ram bị hà hiếp 400 năm được ứng nghiệm? Thời kỳ bị hà hiếp bắt đầu vào năm 1913 TCN khi con Áp-ra-ham là Y-sác cai bú vào khoảng 5 tuổi và người anh khác mẹ là Ích-ma-ên, 19 tuổi, “cười-cợt” Y-sác. (Sáng-thế Ký 21:8-14; Ga-la-ti 4:29) Thời kỳ này chấm dứt khi dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi cảnh nô lệ ở Ê-díp-tô vào năm 1513 TCN.
16:2—Việc Sa-rai đề nghị Áp-ram lấy người nữ tỳ A-ga làm vợ có đúng không? Lời đề nghị của Sa-rai phù hợp với phong tục thời đó—người vợ không con có bổn phận tìm vợ lẽ cho chồng để sinh con nối dõi. Chế độ đa thê bắt đầu trong dòng dõi Ca-in. Cuối cùng, nó trở thành một phong tục và một số người thờ phượng Đức Giê-hô-va đã làm theo. (Sáng-thế Ký 4:17-19; 16:1-3; 29:21-28) Tuy nhiên, Đức Giê-hô-va chưa bao giờ bỏ tiêu chuẩn nguyên thủy về chế độ một vợ một chồng. (Sáng-thế Ký 2:21, 22) Như chúng ta thấy, Nô-ê và các con trai, những người đã được nghe lại mệnh lệnh ‘hãy sanh-sản, và làm cho đầy-dẫy trên mặt đất’, người nào cũng chỉ có một vợ. (Sáng-thế Ký 7:7; 9:1; 2 Phi-e-rơ 2:5) Và tiêu chuẩn một vợ một chồng đã được Chúa Giê-su Christ xác nhận lại.—Ma-thi-ơ 19:4-8; 1 Ti-mô-thê 3:2, 12.
19:8—Việc Lót đề nghị đưa hai con gái cho người Sô-đôm có sai không? Theo đạo lý Đông phương, người chủ có trách nhiệm bảo vệ khách trong nhà mình, che chở họ dù phải hy sinh. Lót sẵn sàng làm thế. Ông can đảm ra gặp đám đông, đóng cửa đằng sau lưng rồi một mình đương đầu với họ. Khi đề nghị đưa hai con gái mình, có thể Lót đã nhận biết rằng khách của ông là sứ giả của Đức Chúa Trời, và đã suy luận rằng Đức Chúa Trời có thể bảo vệ con gái ông như Ngài đã bảo vệ bác ông là Sa-rai ở Ê-díp-tô. (Sáng-thế Ký 12:17-20) Quả thực, như sự việc đã diễn ra, Lót và hai con gái đã được bảo toàn.
19:30-38—Đức Giê-hô-va có dung thứ việc Lót say rượu và sinh con với hai con gái ông không? Đức Giê-hô-va không dung thứ tội loạn luân hay say rượu. (Lê-vi Ký 18:6, 7, 29; 1 Cô-rinh-tô 6:9, 10) Lót thậm chí đau xót trước “việc trái phép” của dân thành Sô-đôm. (2 Phi-e-rơ 2:6-8) Chính sự kiện hai con gái Lót phải làm ông say cho thấy họ biết rằng nếu tỉnh táo, ông sẽ không đồng ý có quan hệ tính dục với họ. Nhưng vì ở xứ lạ, hai con gái ông cảm thấy đây là cách duy nhất để Lót không bị tuyệt tự. Lời tường thuật này được ghi lại trong Kinh Thánh để cho thấy mối quan hệ của dân Mô-áp (qua Mô-áp) và dân Am-mon (qua Bên-Am-mi) với con cháu Áp-ra-ham, dân Y-sơ-ra-ên.
Bài học cho chúng ta:
13:8, 9. Áp-ra-ham nêu một gương tốt đẹp biết bao trong việc giải quyết mối bất hòa! Chúng ta chớ bao giờ hy sinh mối quan hệ hòa thuận vì lợi ích tài chính, sở thích cá nhân, hoặc sự kiêu hãnh.
15:5, 6. Khi đã già mà vẫn chưa có con, Áp-ra-ham nói với Đức Chúa Trời về vấn đề này. Và Đức Giê-hô-va đã trấn an ông. Kết quả là gì? Áp-ra-ham “tin Đức Giê-hô-va”. Nếu chúng ta thổ lộ lòng mình với Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện, chấp nhận lời bảo đảm của Ngài qua Kinh Thánh, và vâng lời Ngài, đức tin chúng ta sẽ được củng cố.
15:16. Đức Giê-hô-va đã không hành phạt dân A-mô-rít (tức Ca-na-an) trong bốn đời. Tại sao thế? Vì Ngài là Đức Chúa Trời kiên nhẫn. Ngài đã đợi đến khi không còn hy vọng gì cải thiện được. Như Đức Giê-hô-va, chúng ta cần có tính kiên nhẫn.
18:23-33. Đức Giê-hô-va không hủy diệt người ta một cách bừa bãi. Ngài che chở người công bình.
19:16. Lót “lần-lữa”, và thiên sứ gần như phải kéo ông và gia đình ra khỏi thành Sô-đôm. Chúng ta nên khôn ngoan đừng để mất tinh thần khẩn trương khi chờ đợi sự kết liễu của thế gian ác này.
19:26. Thật dại dột biết bao nếu để bị sao lãng hoặc nuối tiếc những gì chúng ta đã bỏ lại trong thế gian!
GIA-CỐP CÓ 12 CON TRAI
Áp-ra-ham sắp đặt cuộc hôn nhân của Y-sác với Rê-bê-ca, một người nữ có đức tin nơi Đức Giê-hô-va. Bà sinh ra hai người con sinh đôi Ê-sau và Gia-cốp. Ê-sau xem thường quyền trưởng nam và bán rẻ cho Gia-cốp, là người sau này được cha chúc phước. Gia-cốp chạy trốn đến Pha-đan-A-ram, nơi đây ông kết hôn với Lê-a và Ra-chên và chăn bầy cho cha vợ trong khoảng 20 năm trước khi dọn gia đình đi nơi khác. Qua Lê-a, Ra-chên và hai nữ tỳ của họ, Gia-cốp có 12 con trai và các con gái. Gia-cốp vật lộn với thiên sứ và được ban phước, và được đổi tên thành Y-sơ-ra-ên.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
28:12, 13—Giấc mơ của Gia-cốp về “cái thang” có ý nghĩa gì? “Cái thang” này, có lẽ trông giống những bậc đá đi lên, cho thấy có sự liên lạc giữa trời và đất. Thiên sứ của Đức Chúa Trời lên xuống các bậc thang đó cho thấy rằng thiên sứ thực hiện công việc quan trọng nào đó giữa Đức Giê-hô-va và những người được Ngài chấp nhận.—Giăng 1:51.
30:14, 15—Tại sao Ra-chên bỏ qua một cơ hội thụ thai để đổi lấy những trái phong già? Thời xưa, trái của cây phong già được dùng làm thuốc mê và để ngừa hoặc chữa cơn co thắt. Trái này cũng được cho là có khả năng kích thích tính dục và gia tăng khả năng sinh sản hoặc giúp thụ thai. (Nhã-ca 7:13) Tuy Kinh Thánh không cho biết lý do nào khiến Ra-chên muốn trao đổi, có thể bà đã nghĩ rằng trái phong già sẽ giúp bà thụ thai và không còn bị xấu hổ vì hiếm hoi. Tuy nhiên, nhiều năm nữa Đức Giê-hô-va mới “cho nàng sanh-sản”.—Sáng-thế Ký 30:22-24.
Bài học cho chúng ta:
25:23. Đức Giê-hô-va có khả năng nhận ra khuynh hướng di truyền của đứa bé chưa sinh ra và sử dụng sự hiểu biết này để tuyển lựa trước người Ngài chọn nhằm thực hiện ý định mình. Thế nhưng Ngài không định trước số phận của mỗi người.—Ô-sê 12:4; Rô-ma 9:10-12.
25:32, 33; 32:24-29. Mối quan tâm của Gia-cốp về việc giành được quyền trưởng nam và việc ông vật lộn với thiên sứ suốt đêm để nhận được ân phước cho thấy ông rất quý trọng điều thiêng liêng. Đức Giê-hô-va giao phó cho chúng ta một số điều thiêng liêng, chẳng hạn như mối quan hệ của chúng ta với Ngài và tổ chức Ngài, giá chuộc, Kinh Thánh và hy vọng về Nước Trời. Mong sao chúng ta chứng tỏ giống như Gia-cốp về việc thể hiện lòng quý trọng đối với những điều đó.
34:1, 30. Sự phiền muộn gây “bối-rối [“họa”, TTGM]” cho Gia-cốp bắt nguồn từ việc Đi-na kết bạn với những người không yêu mến Đức Giê-hô-va. Chúng ta phải khôn ngoan khi chọn bạn.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA BAN PHƯỚC CHO GIÔ-SÉP Ở Ê-DÍP-TÔ
Vì ganh ghét, các con trai của Gia-cốp bán em mình là Giô-sép làm nô lệ. Ở Ê-díp-tô, Giô-sép bị bỏ tù vì trung thành và can đảm tuân thủ tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời. Cuối cùng, Giô-sép được thả ra khỏi ngục để giải mộng cho Pha-ra-ôn; chiêm bao này báo trước bảy năm dư dật tiếp theo sau là bảy năm đói kém. Sau đó Giô-sép được phong làm người cai quản lương thực. Các anh của Giô-sép đến Ê-díp-tô tìm lương thực vì nạn đói kém. Gia đình sum họp và định cư tại xứ phì nhiêu Gô-sen. Lúc gần chết, Gia-cốp chúc phước cho các con trai và nói lời tiên tri cho hy vọng chắc chắn về ân phước lớn trong nhiều thế kỷ tới. Thi hài của Gia-cốp được đưa về Ca-na-an chôn cất. Khi Giô-sép qua đời lúc 110 tuổi, xác ông được ướp, cuối cùng được đem đến Đất Hứa.—Xuất Ê-díp-tô Ký 13:19.
Giải đáp thắc mắc về Kinh Thánh:
43:32—Tại sao người Ê-díp-tô gớm ăn chung với người Hê-bơ-rơ? Lý do chính có thể là bởi thành kiến về tôn giáo hoặc sự tự kiêu về chủng tộc. Người Ê-díp-tô cũng gớm ghê những người chăn chiên. (Sáng-thế Ký 46:34) Tại sao thế? Có lẽ chỉ vì người chăn chiên thuộc tầng lớp gần thấp nhất trong chế độ đẳng cấp của dân Ê-díp-tô. Hoặc có thể vì đất đai trồng trọt có giới hạn, người Ê-díp-tô coi khinh những người tìm đồng cỏ để chăn chiên.
44:5—Giô-sép có thật sự dùng chén để bói không? Cái chén bạc và những lời phát biểu về chén đó hiển nhiên là một phần của mưu kế. Giô-sép là người trung thành thờ phượng Đức Giê-hô-va. Ông không thật sự dùng chén để bói, cũng như Bên-gia-min đã không thật sự ăn cắp chén đó.
49:10—“Cây phủ-việt” có nghĩa gì? Cây phủ việt hay vương trượng là gậy được người cai trị cầm làm biểu tượng cho quyền lực của nhà vua. Gia-cốp nói đến điều này cho thấy rằng quyền lực quan trọng sẽ thuộc về chi phái Giu-đa cho đến khi Đấng Si-lô đến. Dòng dõi này của Giu-đa là Chúa Giê-su Christ, đấng đã được Đức Giê-hô-va ban cho quyền cai trị ở trên trời. Đấng Christ nắm uy quyền nhà vua và có quyền lực để chỉ huy.—Thi-thiên 2:8, 9; Ê-sai 55:4; Đa-ni-ên 7:13, 14.
Bài học cho chúng ta:
38:26. Giu-đa không đối xử đúng với người con dâu góa chồng là Ta-ma. Tuy nhiên, khi đứng trước trách nhiệm về sự mang thai của bà, Giu-đa khiêm nhường nhìn nhận lỗi lầm. Chúng ta cũng phải nhanh chóng nhận lỗi của mình.
39:9. Lời Giô-sép đáp lại vợ của Phô-ti-pha cho thấy quan điểm của ông hòa hợp với quan điểm của Đức Chúa Trời về vấn đề luân lý và lương tâm ông được hướng dẫn bởi các nguyên tắc của Ngài. Chẳng phải chúng ta cũng cần cố gắng làm như thế khi ngày càng gia tăng sự hiểu biết chính xác về lẽ thật hay sao?
41:14-16, 39, 40. Đức Giê-hô-va có thể làm đảo ngược tình thế giúp cho những ai kính sợ Ngài. Khi gặp nghịch cảnh, chúng ta nên khôn ngoan tin cậy Đức Giê-hô-va và tiếp tục trung thành với Ngài.
Họ có đức tin bền vững
Áp-ra-ham, Y-sác, Gia-cốp, và Giô-sép quả là những người có đức tin, biết kính sợ Đức Chúa Trời. Lời tường thuật về đời sống họ, ghi trong sách Sáng-thế Ký, thật sự có tác dụng củng cố đức tin và dạy chúng ta nhiều bài học rất bổ ích.
Bạn có thể nhận được lợi ích từ lời tường thuật này khi chu toàn phần đọc Kinh Thánh hàng tuần cho Trường Thánh Chức Thần Quyền. Xem xét những điều đã đề cập ở trên sẽ giúp lời tường thuật trở nên sống động.
[Chú thích]
a Xem bài “Lời Đức Giê-hô-va sống động—Những điểm nổi bật trong sách Sáng-thế Ký—I” trong Tháp Canh ngày 1-1-2004.
[Hình nơi trang 26]
Áp-ra-ham là người có đức tin
[Hình nơi trang 26]
Đức Giê-hô-va ban phước cho Giô-sép
[Hình nơi trang 26]
Người công bình Lót và hai con gái đã được bảo toàn
[Hình nơi trang 29]
Gia-cốp quý trọng điều thiêng liêng. Còn bạn thì sao?