CHƯƠNG 15
Hãy thỏa nguyện trong công việc
“Ai nấy phải. . . hưởng lấy phước của công-lao mình”.—TRUYỀN-ĐẠO 3:13.
1-3. (a) Nhiều người cảm thấy thế nào về công việc của họ? (b) Kinh Thánh khuyến khích chúng ta nên có quan điểm nào về việc làm, và chúng ta sẽ xem xét những câu hỏi nào trong chương này?
Đối với nhiều người thời nay, việc làm không có gì là thích thú. Suốt ngày phải làm công việc mà mình không thích, họ cảm thấy mỗi ngày trôi qua thật nặng nề. Làm sao những người mang tâm trạng như thế có thể hứng thú với công việc, thậm chí cảm thấy thỏa lòng hơn?
2 Kinh Thánh khuyến khích chúng ta có quan điểm tích cực đối với việc làm, đồng thời cũng cho biết việc làm và thành quả của công việc là sự ban cho của Đức Chúa Trời. Vua Sa-lô-môn viết: “Ai nấy phải ăn, uống, và hưởng lấy phước của công-lao mình, ấy cũng là sự ban cho của Đức Chúa Trời” (Truyền-đạo 3:13). Vì luôn yêu thương và quan tâm đến lợi ích của chúng ta, Đức Giê-hô-va muốn chúng ta thỏa lòng trong công việc và hưởng thành quả công sức của mình. Để giữ mình trong tình yêu thương của Đức Chúa Trời, chúng ta cần phải sống phù hợp với quan điểm cũng như những nguyên tắc của Ngài liên quan đến việc làm.—Truyền-đạo 2:24; 5:18.
3 Trong chương này, chúng ta sẽ xem xét bốn câu hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể thỏa nguyện trong công việc? Tín đồ Đấng Christ phải tránh những công việc nào? Làm sao giữ thăng bằng giữa công việc và sự thờ phượng? Công việc quan trọng nhất của chúng ta là gì? Trước hết, chúng ta hãy xem gương làm việc của hai đấng cao cả nhất trong vũ trụ là Đức Chúa Trời và Chúa Giê-su.
ĐẤNG TẠO HÓA TỐI CAO VÀ THỢ CHÍNH CỦA NGÀI
4, 5. Làm thế nào Kinh Thánh giúp chúng ta biết Đức Giê-hô-va là Đấng luôn làm việc?
4 Đức Giê-hô-va là Đấng Tạo Hóa tối cao và Ngài luôn làm việc. Sáng-thế Ký 1:1 nói: “Ban đầu Đức Chúa Trời dựng nên trời đất”. Khi hoàn tất công trình sáng tạo trên đất, Ngài phán rằng mọi vật đều “rất tốt-lành” (Sáng-thế Ký 1:31). Nói cách khác, Ngài hoàn toàn hài lòng với công trình vừa tạo nên. Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời hạnh-phước”, hẳn rất vui khi làm được nhiều việc.—1 Ti-mô-thê 1:11.
5 Đức Chúa Trời không bao giờ ngưng làm việc. Một thời gian dài sau khi trái đất và mọi vật trên đất được tạo nên, Chúa Giê-su nói: “Cha ta làm việc cho đến bây giờ” (Giăng 5:17). Cha ngài làm công việc nào? Từ trên trời, Đức Giê-hô-va vẫn luôn hướng dẫn và chăm sóc toàn thể nhân loại. Ngài cũng làm cho một số tín đồ Đấng Christ được “dựng nên mới”—tức được sinh lại bằng thánh linh để lên trời cùng cai trị với Chúa Giê-su (2 Cô-rinh-tô 5:17). Hơn nữa, Ngài vẫn làm việc để thực hiện ý định đối với nhân loại, đó là cho những người yêu mến Ngài hưởng đời sống vĩnh cửu trong một thế giới mới (Rô-ma 6:23). Hẳn Đức Giê-hô-va rất hài lòng với thành quả của công việc này vì hàng triệu người đang hưởng ứng tin mừng Nước Trời. Họ được Đức Chúa Trời đem đến với Ngài, và thay đổi lối sống để giữ mình trong tình yêu thương của Ngài.—Giăng 6:44.
6, 7. Từ rất lâu Chúa Giê-su đã là đấng làm việc siêng năng như thế nào?
6 Từ rất lâu Chúa Giê-su đã là một đấng làm việc siêng năng. Trước khi xuống thế làm người, ngài làm “thợ cái” của Đức Chúa Trời trong công trình sáng tạo mọi vật “trên trời, dưới đất” (Châm-ngôn 8:22-31; Cô-lô-se 1:15-17). Khi xuống trái đất, ngài tiếp tục siêng năng làm việc. Từ thuở thiếu niên, ngài học nghề xây dựng và khi lớn lên ngài được gọi là “thợ mộc” (Mác 6:3). Đây là một nghề nặng nhọc và đòi hỏi nhiều kỹ năng, nhất là trong thời chưa có xưởng cưa, cửa hàng bán dụng cụ và các loại máy móc. Bạn có thể tưởng tượng cảnh Chúa Giê-su tự đi kiếm gỗ, thậm chí có lẽ còn phải đốn cây và kéo gỗ về chỗ làm không? Bạn có thể hình dung cảnh ngài dựng nhà, đẽo và lắp cây đà cho mái nhà, làm cửa và một số đồ dùng trong nhà không? Hẳn Chúa Giê-su đã cảm nghiệm được sự thỏa lòng của người làm việc siêng năng và khéo léo.
7 Chúa Giê-su cũng là tấm gương nổi bật trong việc siêng năng thi hành thánh chức. Suốt ba năm rưỡi, ngài dồn mọi nỗ lực cho công việc tối quan trọng này. Vì muốn giúp cho nhiều người, Chúa Giê-su đã tận dụng hết thời gian trong ngày, thức khuya dậy sớm để giảng dạy (Lu-ca 21:37, 38; Giăng 3:2). Ngài đi “thành nầy đến thành kia, làng nầy đến làng khác, giảng-dạy và rao-truyền tin lành của nước Đức Chúa Trời” (Lu-ca 8:1). Chúa Giê-su đã đi bộ hàng trăm cây số trên những con đường bụi bặm để đem tin mừng đến cho người ta.
8, 9. Tại sao Chúa Giê-su cảm thấy thỏa lòng với công lao ngài?
8 Chúa Giê-su có cảm thấy thỏa lòng với công lao mình không? Dĩ nhiên là có! Ngài đã gieo hạt giống lẽ thật Nước Trời và để lại những cánh đồng vàng sẵn cho mùa gặt. Ngoài ra, việc thi hành nhiệm vụ Đức Chúa Trời giao phó đã đem lại sức mạnh cho Chúa Giê-su, khiến ngài cảm thấy no đủ đến nỗi quên ăn (Giăng 4:31-38). Cũng hãy nghĩ đến niềm thỏa lòng của Chúa Giê-su vào cuối đời sống trên đất, khi ngài có thể tự tin nói với Cha: “Con đã tôn-vinh Cha trên đất, làm xong công-việc Cha giao cho làm”.—Giăng 17:4.
9 Rõ ràng, Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su luôn cảm thấy thỏa lòng trong công việc. Hai đấng ấy đã nêu gương hoàn hảo nhất cho chúng ta. Vì yêu thương Đức Giê-hô-va, chúng ta muốn “trở nên kẻ bắt chước [Ngài]” (Ê-phê-sô 5:1). Và cũng vì yêu mến Chúa Giê-su, chúng ta muốn ‘noi dấu chân ngài’ (1 Phi-e-rơ 2:21). Vậy, hãy xem làm sao chúng ta có thể thỏa nguyện trong công việc mình.
LÀM SAO ĐỂ THỎA NGUYỆN TRONG CÔNG VIỆC?
10, 11. Làm sao có được cái nhìn tích cực đối với công việc?
10 Hầu hết tín đồ Đấng Christ đều phải làm việc ngoài đời. Hẳn chúng ta muốn công việc ấy mang lại phần nào sự thỏa nguyện và niềm vui. Tuy nhiên, điều này thật khó nếu chúng ta phải làm một công việc không đúng sở thích. Vậy làm sao có thể cảm thấy thỏa nguyện trong trường hợp đó?
11 Tập có cái nhìn tích cực. Dù không phải lúc nào cũng có thể thay đổi hoàn cảnh, nhưng chúng ta có thể thay đổi cách nhìn của mình. Suy ngẫm quan điểm của Đức Giê-hô-va về việc làm sẽ giúp chúng ta có cái nhìn tích cực đối với công việc. Chẳng hạn, nếu là người chủ gia đình, hãy nghĩ rằng việc làm, dù tầm thường, nhưng có thể giúp bạn nuôi gia đình. Đây là trách nhiệm không nhỏ trước mắt Đức Chúa Trời, vì Lời Ngài nói rằng những ai không chăm sóc gia đình thì “xấu hơn người không tin nữa” (1 Ti-mô-thê 5:8). Khi hiểu rằng công việc là phương tiện để đạt một mục tiêu—chu toàn trách nhiệm Đức Chúa Trời giao phó—bạn sẽ thấy công việc của mình có ý nghĩa và cảm thấy hài lòng phần nào. Đó là điều mà đồng nghiệp của bạn có thể không cảm nhận được.
12. Làm việc siêng năng và lương thiện mang lại những phần thưởng nào?
12 Siêng năng và lương thiện. Làm việc cần mẫn và tìm cách làm tốt công việc của mình có thể mang lại nhiều lợi ích. Người siêng năng và giỏi tay nghề thường được chủ trọng dụng (Châm-ngôn 12:24; 2 Sử-ký 2:7). Hơn nữa, là tín đồ Đấng Christ, chúng ta phải làm việc cách lương thiện, tức là không ăn cắp giờ làm việc, tiền và đồ đạc của chủ (Ê-phê-sô 4:28). Như đã học nơi chương trước, tính lương thiện mang lại nhiều phần thưởng. Người có tiếng là lương thiện thì dễ được tin cậy. Ngoài ra, dù chủ có thấy tính siêng năng và lương thiện của chúng ta hay không, chúng ta vẫn cảm thấy thỏa lòng vì có được “lương-tâm tốt” và biết rằng mình làm đẹp lòng Đức Chúa Trời.—Hê-bơ-rơ 13:18; Cô-lô-se 3:22-24.
13. Hạnh kiểm tốt tại nơi làm việc có thể mang lại kết quả nào?
13 Ý thức rằng chúng ta có thể tôn vinh Đức Giê-hô-va qua hạnh kiểm. Khi giữ tiêu chuẩn đạo đức của tín đồ Đấng Christ tại nơi làm việc, chắc chắn hạnh kiểm của chúng ta được người khác chú ý. Điều đó mang lại kết quả nào? Chúng ta “làm cho tôn-quí đạo Đức Chúa Trời, là Cứu-Chúa chúng ta” (Tít 2:9, 10). Thật thế, hạnh kiểm tốt có thể khiến người khác đánh giá cao và chú ý đến sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Hãy nghĩ xem, bạn cảm thấy thế nào nếu một đồng nghiệp chú ý đến Kinh Thánh vì nhìn thấy hạnh kiểm tốt của bạn? Quan trọng hơn nữa, có gì thỏa lòng bằng việc biết rằng hạnh kiểm của chúng ta góp phần làm sáng danh Đức Giê-hô-va và đẹp lòng Ngài?—Châm-ngôn 27:11; 1 Phi-e-rơ 2:12.
SUY XÉT KHI CHỌN VIỆC LÀM
14-16. Trước những quyết định về việc làm, chúng ta cần suy xét hai câu hỏi then chốt nào?
14 Kinh Thánh không liệt kê cụ thể công việc nào được phép làm và công việc nào cần phải tránh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là một tín đồ có thể làm bất cứ công việc gì. Kinh Thánh giúp chúng ta chọn những công việc vừa có ích và lương thiện, vừa làm hài lòng Đức Giê-hô-va, đồng thời cũng giúp chúng ta tránh những công việc làm buồn lòng Ngài (Châm-ngôn 2:6). Vì thế, trước những quyết định về việc làm, chúng ta cần suy xét hai câu hỏi then chốt sau đây:
15 Công việc này có bị Kinh Thánh lên án không? Lời Đức Chúa Trời lên án rõ ràng hành vi trộm cắp, nói dối, và làm hình tượng để thờ (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4; Công-vụ 15:29; Ê-phê-sô 4:28; Khải-huyền 21:8). Hẳn chúng ta sẽ từ chối công việc trực tiếp vi phạm những điều trên. Vì yêu thương Đức Giê-hô-va, chắc chắn chúng ta không bao giờ nhận một công việc trái với bất cứ điều răn nào của Ngài.—1 Giăng 5:3.
16 Công việc này có khiến chúng ta trở thành người tiếp tay hay gián tiếp ủng hộ một việc làm sai trái không? Hãy xem một ví dụ. Công việc tiếp tân tự nó không có gì sai. Tuy nhiên, nói sao nếu một tín đồ Đấng Christ được đề nghị làm việc ấy tại bộ phận phá thai của một bệnh viện? Đành rằng tín đồ ấy không trực tiếp tham gia vào việc phá thai, nhưng chẳng phải công việc hằng ngày của người đó giúp khoa ấy hoạt động sao? Chẳng phải hoạt động của khoa đó là phá thai, một việc làm trái với Kinh Thánh hay sao? (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:22-24). Là người yêu mến Đức Giê-hô-va, chúng ta không muốn dính líu đến bất cứ việc làm nào trái với Kinh Thánh.
17. (a) Chúng ta cần cân nhắc những yếu tố nào khi đứng trước quyết định về việc làm? (Xin xem khung nơi trang 177). (b) Nhờ đâu lương tâm có thể giúp chúng ta đi đến những quyết định đẹp lòng Đức Chúa Trời?
17 Nhiều vấn đề liên quan đến việc làm có thể được giải quyết nhờ suy xét kỹ hai câu hỏi then chốt nơi đoạn 15 và 16. Bên cạnh đó, cũng có một số yếu tố khác cần được cân nhắc kỹ lưỡng khi chúng ta đứng trước quyết định về việc làm.a Chúng ta không thể mong đợi lớp đầy tớ trung tín đưa ra những điều luật cụ thể cho mọi trường hợp. Chính vì thế, óc suy xét là điều cần thiết. Ngoài ra, như đã học nơi chương 2, chúng ta phải rèn luyện lương tâm qua việc suy nghĩ cách áp dụng Lời Đức Chúa Trời trong đời sống. Khi thường xuyên làm vậy là chúng ta vận dụng khả năng nhận thức—tức “hay dụng tâm-tư”—và chúng ta luyện tập khả năng đó. Nhờ thế, lương tâm trở nên nhạy bén và giúp chúng ta đi đến những quyết định làm đẹp lòng Đức Chúa Trời để luôn giữ mình trong tình yêu thương của Ngài.—Hê-bơ-rơ 5:14.
GIỮ QUAN ĐIỂM THĂNG BẰNG VỀ VIỆC LÀM
18. Tại sao không dễ để giữ thăng bằng giữa công việc và sự thờ phượng?
18 Trong những “ngày sau-rốt” là “thời-kỳ khó-khăn”, không dễ gì giữ thăng bằng giữa công việc và sự thờ phượng (2 Ti-mô-thê 3:1). Kiếm được việc đã khó mà giữ việc làm cũng khó không kém. Là tín đồ Đấng Christ, chúng ta ý thức rằng mình phải làm việc siêng năng để nuôi gia đình. Thế nhưng, nếu không cẩn thận, chúng ta có thể lơ là việc thờ phượng do bị áp lực công việc hoặc bị nhiễm tư tưởng xem trọng vật chất (1 Ti-mô-thê 6:9, 10). Vì thế, hãy xem làm thế nào để giữ thăng bằng và nhận ra đâu là “những sự tốt-lành hơn”.—Phi-líp 1:10.
19. Tại sao Đức Giê-hô-va xứng đáng để chúng ta hoàn toàn tin cậy? Nếu tin cậy Ngài, chúng ta sẽ không làm gì?
19 Hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va (Châm-ngôn 3:5, 6). Ngài không xứng đáng để chúng ta tin cậy sao? Chẳng phải Ngài chính là Đấng luôn chăm sóc chúng ta sao? (1 Phi-e-rơ 5:7). Ngài biết rõ nhu cầu của chúng ta hơn chính chúng ta và không có chuyện gì nằm ngoài tầm tay của Ngài (Thi-thiên 37:25). Vì thế, chúng ta nên làm theo sự nhắc nhở trong Lời Ngài: “Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu” (Hê-bơ-rơ 13:5). Nhiều tín đồ phụng sự trọn thời gian có thể xác nhận rằng Đức Chúa Trời đã đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của họ. Nếu hoàn toàn tin cậy nơi bàn tay chăm sóc của Ngài, chúng ta sẽ không lo lắng thái quá trong việc chu cấp cho gia đình (Ma-thi-ơ 6:25-32). Chúng ta sẽ không vì công ăn việc làm mà lơ là những sinh hoạt thờ phượng như rao giảng tin mừng và tham dự các buổi họp tại hội thánh.—Ma-thi-ơ 24:14; Hê-bơ-rơ 10:24, 25.
20. Giữ mắt sáng sủa nghĩa là gì? Làm thế nào để giữ mắt sáng sủa?
20 Giữ mắt sáng sủa (Ma-thi-ơ 6:22, 23). Giữ mắt sáng sủa nghĩa là giữ đời sống đơn giản. Mắt sáng sủa là mắt chỉ nhìn một mục tiêu duy nhất, đó là làm theo ý muốn Đức Chúa Trời. Nếu mắt nhìn rõ mục tiêu, chúng ta sẽ không ham mê chạy theo công việc lương cao và lối sống xa hoa. Chúng ta cũng không bị lôi kéo vào cuộc đua vật chất không có đích đến—tức là chạy theo những sản phẩm mới nhất, tốt nhất mà các nhà quảng cáo muốn chúng ta tin rằng đó là những thứ cần thiết để có hạnh phúc. Làm thế nào để giữ mắt sáng sủa? Đừng tạo gánh nặng cho mình bằng những món nợ không cần thiết. Cũng đừng làm đời sống trở nên phức tạp qua việc mua sắm quá nhiều, vì càng có nhiều của cải bạn càng phải mất nhiều thời gian và công sức để trông nom. Đồng thời, hãy làm theo lời khuyên của Kinh Thánh: “Đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng” (1 Ti-mô-thê 6:8). Hãy cố gắng hết sức để đơn giản hóa đời sống.
21. Tại sao chúng ta cần đặt thứ tự ưu tiên, và nên đặt điều gì lên hàng đầu trong đời sống?
21 Đặt ưu tiên cho việc thờ phượng, và duy trì thứ tự ưu tiên đó. Vì thời giờ và năng lực có hạn, chúng ta cần đặt thứ tự ưu tiên trong đời sống. Nếu không, những điều kém quan trọng có thể chiếm hết thời giờ quý báu của chúng ta và lấn át những điều quan trọng hơn. Bạn nên đặt điều gì lên hàng đầu trong đời sống? Ngoài xã hội, nhiều người đặt ưu tiên cho việc học lên cao vì kỳ vọng sẽ có một việc làm với mức lương hậu hĩnh. Tuy nhiên, Chúa Giê-su khuyên môn đồ ngài: “Trước hết, hãy tìm-kiếm nước Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 6:33). Vậy, là tín đồ Đấng Christ, chúng ta đặt Nước Trời lên hàng đầu. Điều này phải được thể hiện qua toàn bộ lối sống của chúng ta—qua những quyết định, mục tiêu và việc làm. Lối sống ấy phải cho thấy chúng ta xem trọng quyền lợi Nước Trời và ý muốn Đức Chúa Trời hơn là vật chất và sự nghiệp.
SIÊNG NĂNG TRONG THÁNH CHỨC
22, 23. (a) Công việc chính của tín đồ Đấng Christ là gì, và bằng cách nào chúng ta chứng tỏ mình xem trọng công việc này? (Xin xem khung nơi trang 180). (b) Về công việc ngoài đời, bạn có quyết tâm nào?
22 Vì biết mình đang sống trong giai đoạn cuối của những ngày sau rốt, chúng ta chú tâm vào công việc chính của tín đồ Đấng Christ là rao giảng và đào tạo môn đồ (Ma-thi-ơ 24:14; 28:19, 20). Như đấng nêu gương cho chúng ta là Chúa Giê-su, chúng ta muốn hết lòng chuyên lo công việc cứu người. Bằng cách nào chúng ta chứng tỏ mình xem trọng công việc này? Phần lớn dân Đức Chúa Trời đang sốt sắng rao giảng với tư cách là người công bố tin mừng. Một số khác đã thu xếp đời sống để phụng sự với tư cách là người tiên phong hoặc giáo sĩ. Ý thức được tầm quan trọng của những mục tiêu đẹp lòng Đức Chúa Trời, nhiều bậc cha mẹ khuyến khích con cái chọn sự nghiệp phụng sự trọn thời gian. Những người sốt sắng rao giảng tin mừng có cảm thấy thỏa lòng trong công việc này không? Dĩ nhiên là có! Hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va là bí quyết để có đời sống vui vẻ, thỏa lòng và đầy ân phước.—Châm-ngôn 10:22.
23 Nhiều người trong chúng ta phải làm đầu tắt mặt tối để nuôi gia đình. Dù vậy, đừng quên rằng Đức Giê-hô-va muốn chúng ta cảm thấy thỏa lòng trong công việc. Chúng ta làm được điều này bằng cách uốn nắn tư tưởng và hành động theo quan điểm và nguyên tắc của Ngài. Tuy nhiên, hãy quyết tâm đừng để công việc ngoài đời khiến mình sao lãng công việc chính của một tín đồ là rao giảng tin mừng về Nước Trời. Khi đặt công việc này lên hàng ưu tiên trong đời sống, chúng ta chứng tỏ mình yêu mến Đức Giê-hô-va và nhờ đó giữ mình trong tình yêu thương của Ngài.
a Muốn biết thêm về những yếu tố cần suy xét, xin xem Tháp Canh ngày 15-4-1999, trang 28-30 và ngày 15-3-2006, trang 23, 24.