“Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế-lễ”
“Các ngươi sẽ thành một nước thầy tế-lễ, cùng một dân-tộc thánh cho ta”.—XUẤT 19:6.
1, 2. Dòng dõi người nữ cần sự bảo vệ nào, và tại sao?
Lời tiên tri đầu tiên được ghi lại trong Kinh Thánh rất quan trọng để giúp hiểu rõ ý định của Đức Chúa Trời tiến triển như thế nào. Khi lập lời hứa trong vườn Ê-đen, Đức Chúa Trời phán: “Ta sẽ làm cho mầy [Sa-tan] cùng người nữ, dòng-dõi mầy cùng dòng-dõi người nữ nghịch-thù nhau”. Sự thù nghịch này gay gắt đến mức độ nào? Ngài cho biết: “Người [dòng dõi người nữ] sẽ giày-đạp đầu mầy [Sa-tan], còn mầy sẽ cắn gót chân người” (Sáng 3:15). Sự thù nghịch giữa con rắn và người nữ sẽ mãnh liệt đến độ Sa-tan tận dụng mọi cơ hội để tuyệt diệt dòng dõi ấy.
2 Không ngạc nhiên gì khi người viết Thi-thiên cầu xin Đức Chúa Trời về dân được chọn của ngài: “Kìa, các kẻ thù-nghịch Chúa náo-loạn, và những kẻ ghét Chúa ngước đầu lên. Chúng nó toan mưu độc hại dân-sự Chúa, bàn-nghị nhau nghịch những kẻ Chúa che-giấu. Chúng nó nói rằng: Hãy đến tuyệt-diệt chúng nó đến nỗi không còn làm nước” (Thi 83:2-4). Những người thuộc các thế hệ dẫn đến dòng dõi người nữ phải được bảo vệ khỏi sự hủy diệt và ô uế. Để làm được điều này, Đức Giê-hô-va lập thêm những sắp đặt hợp pháp nhằm đảm bảo ý định ngài được hoàn thành.
MỘT GIAO ƯỚC BẢO VỆ DÒNG DÕI
3, 4. (a) Khi nào giao ước Luật pháp có hiệu lực, và dân Y-sơ-ra-ên đã đồng ý làm gì? (b) Giao ước Luật pháp được lập nhằm mục đích gì?
3 Khi dòng dõi của Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp lên đến hàng triệu, Đức Giê-hô-va lập họ thành một nước—nước Y-sơ-ra-ên xưa. Qua Môi-se, Đức Giê-hô-va lập một giao ước có một không hai với dân này bằng cách ban cho họ Luật pháp, và dân Y-sơ-ra-ên đồng ý vâng theo các điều luật của giao ước ấy. Kinh Thánh ghi lại: “[Môi-se] cầm quyển sách giao-ước đọc cho dân-sự nghe, thì dân-sự nói rằng: Chúng tôi sẽ làm và vâng theo mọi lời Đức Giê-hô-va phán chỉ. Môi-se bèn lấy huyết [của bò được tế lễ] rưới trên mình dân-sự mà nói rằng: Đây là huyết giao-ước của Đức Giê-hô-va đã lập cùng các ngươi y theo mọi lời nầy”.—Xuất 24:3-8.
4 Giao ước Luật pháp có hiệu lực tại núi Si-na-i vào năm 1513 TCN. Qua giao ước ấy, dân Y-sơ-ra-ên được biệt riêng ra để làm dân chọn của Đức Chúa Trời. Đức Giê-hô-va trở thành ‘quan-xét, Đấng lập luật và là vua của họ’ (Ê-sai 33:22). Lịch sử của dân Y-sơ-ra-ên ghi lại điều gì xảy ra khi họ vâng theo hoặc lờ đi các tiêu chuẩn công chính của Đức Chúa Trời. Luật pháp ngăn cấm việc kết hôn với người ngoại giáo và thực hành sự thờ phượng sai lầm. Luật này được lập nhằm bảo vệ dòng dõi Áp-ra-ham khỏi sự ô uế.—Xuất 20:4-6; 34:12-16.
5. (a) Giao ước Luật pháp mở ra cơ hội nào cho dân Y-sơ-ra-ên? (b) Tại sao Đức Chúa Trời chối bỏ dân Y-sơ-ra-ên?
5 Giao ước Luật pháp cũng cung cấp một sự sắp đặt cho chức tế lễ, hình bóng của sắp đặt quan trọng hơn trong tương lai (Hê 7:11; 10:1). Thật thế, qua giao ước ấy, dân Y-sơ-ra-ên có cơ hội và đặc ân có một không hai là trở thành “một nước thầy tế-lễ” nếu họ vâng theo luật pháp của Đức Giê-hô-va. (Đọc Xuất Ê-díp-tô Ký 19:5, 6). Nhưng dân Y-sơ-ra-ên không làm theo những đòi hỏi này. Thay vì chấp nhận Đấng Mê-si, thành phần chính của dòng dõi Áp-ra-ham, dân ấy chối bỏ ngài. Hậu quả là Đức Chúa Trời chối bỏ dân tộc đó.
6. Luật pháp đã thực hiện được điều gì?
6 Vì bất trung với Đức Giê-hô-va nên dân Y-sơ-ra-ên không cung cấp đủ những người hợp thành nước thầy tế lễ. Điều này không có nghĩa Luật pháp đã bị thất bại. Mục tiêu của Luật pháp là bảo vệ dòng dõi và dẫn nhân loại đến với Đấng Mê-si. Khi Đấng Ki-tô đến và được nhận diện, mục tiêu ấy đã hoàn thành. Kinh Thánh nói: “Bởi Đấng Ki-tô mà Luật pháp chấm dứt” (Rô 10:4). Nhưng vẫn còn một câu hỏi: “Vậy ai sẽ có cơ hội trở thành nước thầy tế lễ?”. Đức Giê-hô-va đã cung cấp một giao ước hợp pháp khác để lập một dân mới.
MỘT DÂN MỚI ĐƯỢC HÌNH THÀNH
7. Qua Giê-rê-mi, Đức Giê-hô-va đã báo trước điều gì liên quan đến giao ước mới?
7 Rất lâu trước khi giao ước Luật pháp bị hủy bỏ, Đức Giê-hô-va báo trước qua nhà tiên tri Giê-rê-mi rằng ngài sẽ lập “một giao-ước mới” với dân Y-sơ-ra-ên. (Đọc Giê-rê-mi 31:31-33). Giao ước này sẽ không giống với giao ước Luật pháp, vì theo giao ước này, tội lỗi có thể được tha mà không cần các con vật tế lễ. Làm sao có được điều đó?
8, 9. (a) Huyết của Chúa Giê-su đổ ra thực hiện được điều gì? (b) Cơ hội nào được mở ra cho những người trong giao ước mới? (Xem hình nơi đầu bài).
8 Nhiều thế kỷ sau, Chúa Giê-su thiết lập Bữa Ăn Tối của Chúa vào ngày 14 Ni-san năm 33 CN. Về ly rượu, ngài nói với 11 sứ đồ trung thành: “Ly này tượng trưng cho giao ước mới, được lập bằng huyết tôi, là huyết sẽ đổ ra vì anh em” (Lu 22:20). Lời tường thuật của Ma-thi-ơ trích lời của Chúa Giê-su khi ngài nói về rượu: “Rượu này tượng trưng cho huyết của tôi, là ‘huyết của giao ước’ sẽ đổ ra cho nhiều người được tha tội”.—Mat 26:27, 28.
9 Huyết của Chúa Giê-su làm cho giao ước mới có hiệu lực. Huyết ấy cũng có thể xóa bỏ tội lỗi chỉ một lần là đủ. Chúa Giê-su không dự phần vào giao ước mới. Là đấng hoàn hảo, ngài không cần được tha tội. Nhưng Đức Chúa Trời có thể áp dụng giá trị huyết của Chúa Giê-su cho hậu duệ của A-đam. Ngài cũng có thể nhận một số người trung thành để “làm con” qua việc xức dầu cho họ bằng thần khí. (Đọc Rô-ma 8:14-17). Vì được xem là vô tội trước mắt Đức Chúa Trời nên theo nghĩa nào đó, những tín đồ được xức dầu cũng giống như Chúa Giê-su, người Con hoàn hảo của Đức Chúa Trời. Những tín đồ này sẽ “đồng thừa kế với Đấng Ki-tô” và có cơ hội trở thành “một nước thầy tế-lễ”. Đây là đặc ân mà dân Y-sơ-ra-ên dưới Luật pháp từng có. Về những người “đồng thừa kế với Đấng Ki-tô”, sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Anh em là ‘dòng giống được lựa chọn, lớp thầy tế lễ làm vua, một dân tộc thánh và dân thuộc riêng về Đức Chúa Trời, hầu công bố khắp nơi các đức tính tuyệt hảo’ của đấng đã gọi anh em ra khỏi bóng tối mà đến với ánh sáng diệu kỳ của ngài” (1 Phi 2:9). Giao ước mới này thật quan trọng biết bao! Nhờ giao ước ấy, các môn đồ của Chúa Giê-su có thể trở thành thành phần phụ của dòng dõi Áp-ra-ham.
GIAO ƯỚC MỚI BẮT ĐẦU CÓ HIỆU LỰC
10. Khi nào giao ước mới bắt đầu có hiệu lực, và tại sao phải chờ đến lúc ấy?
10 Khi nào giao ước mới bắt đầu có hiệu lực? Không phải là lúc Chúa Giê-su đề cập đến giao ước ấy trong đêm cuối cùng ngài ở trên đất. Nó chỉ có hiệu lực khi huyết của Chúa Giê-su được đổ ra và giá trị của huyết ấy dâng lên trời cho Đức Giê-hô-va. Hơn nữa, thần khí phải được đổ xuống cho những người sẽ “đồng thừa kế với Đấng Ki-tô”. Vì thế, giao ước mới bắt đầu có hiệu lực vào Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN khi các môn đồ trung thành của Chúa Giê-su được xức dầu bằng thần khí.
11. Làm thế nào giao ước mới có thể giúp dân Do Thái lẫn dân ngoại trở thành một phần của dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng, và có bao nhiêu người trong giao ước mới?
11 Theo một nghĩa nào đó, giao ước Luật pháp cũ “hết hiệu lực” khi Đức Giê-hô-va tuyên bố qua nhà tiên tri Giê-rê-mi là ngài sẽ lập một giao ước mới với dân Y-sơ-ra-ên. Giao ước này thật sự chấm dứt khi giao ước mới có hiệu lực (Hê 8:13). Qua giao ước mới, dân Do Thái và dân ngoại không cắt bì cùng có cơ hội trở thành những người thừa kế Nước Trời, vì “phép cắt bì thật là phép cắt bì trong lòng và bởi thần khí chứ chẳng phải bởi một bộ luật” (Rô 2:29). Đức Chúa Trời sẽ đặt các luật lệ của ngài trong trí và trong lòng họ (Hê 8:10). Tổng số người trong giao ước mới là 144.000 người. Họ sẽ hợp thành một dân mới—“dân Y-sơ-ra-ên của Đức Chúa Trời”, tức dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng.—Ga 6:16; Khải 14:1, 4.
12. Hãy so sánh giao ước Luật pháp và giao ước mới.
12 Hãy so sánh giao ước Luật pháp và giao ước mới. Giao ước Luật pháp được lập giữa Đức Giê-hô-va và dân Y-sơ-ra-ên theo huyết thống, còn giao ước mới được lập giữa Đức Giê-hô-va và dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng. Môi-se là người trung gian của giao ước cũ, còn Chúa Giê-su là đấng trung gian của giao ước mới. Giao ước Luật pháp có hiệu lực qua huyết của thú vật, còn giao ước mới có hiệu lực nhờ huyết của Chúa Giê-su. Qua giao ước Luật pháp, nước Y-sơ-ra-ên được tổ chức dưới sự hướng dẫn của Môi-se, còn những người thuộc giao ước mới được tổ chức dưới sự hướng dẫn của Chúa Giê-su, Đầu hội thánh.—Ê-phê 1:22.
13, 14. (a) Giao ước mới liên quan thế nào đến Nước Trời? (b) Để dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng có thể đồng cai trị với Đấng Ki-tô thì cần điều gì?
13 Giao ước mới liên quan thế nào đến Nước Trời? Giao ước này sản sinh một dân tộc thánh có đặc ân trở thành vua kiêm thầy tế lễ trong Nước Trời. Dân tộc ấy tạo nên thành phần phụ thuộc dòng dõi của Áp-ra-ham (Ga 3:29). Vì vậy, giao ước mới củng cố giao ước Áp-ra-ham.
14 Một khía cạnh nữa của Nước Trời cần được thiết lập. Giao ước mới sản sinh dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng và cung cấp nền tảng cho các thành viên của Nước đó để họ trở thành những người “đồng thừa kế với Đấng Ki-tô”. Tuy nhiên, để họ được kết hợp với Chúa Giê-su trong Nước ngài với tư cách là vua kiêm thầy tế lễ thì cần có một sắp đặt hợp pháp.
MỘT GIAO ƯỚC CHO PHÉP NHỮNG NGƯỜI KHÁC CAI TRỊ VỚI ĐẤNG KI-TÔ
15. Chúa Giê-su đã lập riêng với các môn đồ trung thành giao ước nào?
15 Sau khi thiết lập Bữa Ăn Tối của Chúa, Chúa Giê-su lập một giao ước với các môn đồ trung thành. Giao ước này thường được gọi là giao ước Nước Trời. (Đọc Lu-ca 22:28-30). Những giao ước trước đó có một bên là Đức Giê-hô-va, còn giao ước Nước Trời là giao ước riêng giữa Chúa Giê-su và những môn đồ được xức dầu. Khi Chúa Giê-su nói “như Cha tôi đã lập giao ước với tôi”, dường như ngài đang ám chỉ đến giao ước mà Đức Giê-hô-va đã lập với ngài để ngài làm “thầy tế lễ đời đời giống như Mên-chi-xê-đéc”.—Hê 5:5, 6.
16. Giao ước Nước Trời mở ra cơ hội nào cho những tín đồ được xức dầu?
16 Mười một sứ đồ trung thành đã ‘gắn bó với Chúa Giê-su khi ngài gặp thử thách’. Giao ước Nước Trời đảm bảo rằng họ sẽ ở với ngài trên trời và ngồi trên ngai để cai trị với tư cách là vua kiêm thầy tế lễ. Tuy nhiên, không chỉ mười một sứ đồ nhận đặc ân này. Trong một sự hiện thấy, Chúa Giê-su hiện ra cách vinh hiển với sứ đồ Giăng và nói: “Người nào chiến thắng thì tôi sẽ cho ngồi chung ngai với tôi, như tôi đã chiến thắng và ngồi chung ngai với Cha tôi” (Khải 3:21). Vì vậy, giao ước Nước Trời được lập với 144.000 tín đồ được xức dầu (Khải 5:9, 10; 7:4). Đây là giao ước hình thành nền tảng hợp pháp để họ đồng trị với Chúa Giê-su ở trên trời. Điều này tựa như một cô dâu thuộc dòng dõi quý tộc kết hôn với vị vua đang cai trị và chia sẻ quyền lực với ngài. Thực tế, Kinh Thánh ví những tín đồ được xức dầu như “cô dâu” của Đấng Ki-tô, “một trinh nữ” được hứa gả cho ngài.—Khải 19:7, 8; 21:9; 2 Cô 11:2.
HÃY CÓ ĐỨC TIN VỮNG CHẮC NƠI NƯỚC ĐỨC CHÚA TRỜI
17, 18. (a) Hãy tóm tắt sáu giao ước được thảo luận liên quan đến Nước Trời. (b) Tại sao chúng ta có niềm tin vững chắc nơi Nước Trời?
17 Các giao ước mà chúng ta xem xét trong hai bài này liên quan đến một hoặc nhiều khía cạnh thiết yếu của Nước Trời. (Xem khung “Cách Đức Chúa Trời sẽ hoàn thành ý định của ngài”). Điều này nhấn mạnh rằng sự sắp đặt về Nước Trời dựa trên những giao ước hợp pháp bền vững. Vì vậy, chúng ta có lý do chính đáng để hoàn toàn tin chắc rằng Nước của Đấng Mê-si là phương tiện Đức Chúa Trời đang dùng để hoàn thành ý định ban đầu của ngài đối với trái đất và nhân loại.—Khải 11:15.
18 Có lý do nào để nghi ngờ những công việc của Nước Trời sẽ mang lại ân phước đời đời cho nhân loại không? Với niềm tin chắc tuyệt đối, chúng ta có thể quả quyết rằng Nước của Đức Chúa Trời là giải pháp duy nhất và lâu dài cho mọi vấn đề của nhân loại. Mong sao chúng ta sốt sắng chia sẻ sự thật ấy với người khác!—Mat 24:14.