Giê-hô-va—Đức Chúa Trời tiết lộ sự kín nhiệm
“Có một Đức Chúa Trời ở trên trời tỏ ra những đều kín-nhiệm” (ĐA-NI-ÊN 2:28).
1, 2. a) Đức Giê-hô-va khác với Kẻ Thù Nghịch chính của ngài như thế nào? b) Loài người phản ảnh sự khác biệt này như thế nào?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA, Đức Chúa Trời chí cao và đầy yêu thương của vũ trụ, Đấng Tạo Hóa duy nhất, là Đức Chúa Trời của sự khôn ngoan và công bình. Ngài không cần phải che giấu danh vị, việc làm và ý định của ngài. Ngài tự ý tiết lộ những điều này vào đúng thời điểm của ngài. Làm thế ngài khác với Kẻ Thù Nghịch của ngài, Sa-tan Ma-quỉ, là kẻ cố che giấu lý lịch và ý định thật của hắn.
2 Giống như Đức Giê-hô-va và Sa-tan đối nghịch nhau, thì những người thờ phượng hai bên cũng vậy. Đặc điểm của những người theo Sa-tan là giả dối và lừa đảo. Họ cố ra vẻ như người làm việc thiện, trong khi đó lại làm những việc mờ ám. Tín đồ đấng Christ tại thành Cô-rinh-tô được khuyên là không nên ngạc nhiên về sự kiện này. “Vì mấy người như vậy là sứ-đồ giả, là kẻ làm công lừa-dối, mạo chức sứ-đồ của Đấng Christ. Nào có lạ gì, chính quỉ Sa-tan mạo làm thiên-sứ sáng-láng” (II Cô-rinh-tô 11:13, 14). Ngược lại, tín đồ đấng Christ trông cậy vào Chúa Giê-su là Đấng Lãnh đạo của họ. Khi ở trên đất ngài hoàn toàn phản ảnh cá tính Cha ngài, Giê-hô-va Đức Chúa Trời (Hê-bơ-rơ 1:1-3). Do đó, bằng cách noi theo gương đấng Christ, tín đồ đấng Christ đang noi gương Đức Giê-hô-va, Đức Chúa Trời của lẽ thật, của sự công khai và ánh sáng. Họ cũng không cần che giấu nguồn gốc, việc làm hoặc mục tiêu của họ (Ê-phê-sô 4:17-19; 5:1, 2).
3. Làm sao chúng ta có thể bác bỏ việc người ta cho rằng những người trở thành Nhân-chứng Giê-hô-va là bị ép buộc để gia nhập một “giáo phái bí mật”?
3 Vào thời điểm mà ngài thấy tốt nhất, Đức Giê-hô-va tiết lộ chi tiết về ý định ngài và về tương lai mà con người không biết trước. Theo nghĩa này, ngài là Đức Chúa Trời tiết lộ sự kín nhiệm. Do đó, những người muốn phụng sự ngài được mời—đúng hơn là được khuyến khích—để biết về những điều được tiết lộ đó. Vào năm 1994 một cuộc nghiên cứu tại một nước ở Âu Châu cho thấy rằng trong số hơn 145.000 Nhân-chứng thì trung bình mỗi người đã tự xem xét sự dạy dỗ của Nhân-chứng Giê-hô-va cả ba năm trước khi chọn làm Nhân-chứng. Họ tự mình quyết định chứ không bị ai ép buộc. Và họ tiếp tục có quyền tự do định đoạt và hành động. Thí dụ, vì không đồng ý với tiêu chuẩn cao về luân lý cho tín đồ đấng Christ, một số người sau đó quyết định không muốn làm Nhân-chứng nữa. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong năm năm qua, phần đông những người từng là Nhân-chứng đã quyết định kết hợp và hoạt động trở lại với tư cách là Nhân-chứng.
4. Các tín đồ đấng Christ trung thành không cần phải lo lắng về điều gì, và tại sao không?
4 Dĩ nhiên, không phải tất cả những người trước kia là Nhân-chứng đều trở lại, và trong số này có những người từng giữ địa vị có trách nhiệm trong hội thánh của tín đồ đấng Christ. Chúng ta không nên ngạc nhiên về điều này, bởi vì ngay cả một trong những môn đồ thân cận nhất của Chúa Giê-su, sứ đồ Giu-đa, đã bỏ ngài (Ma-thi-ơ 26:14-16, 20-25). Nhưng đây có phải là lý do để chúng ta cảm thấy lo lắng về đạo đấng Christ hay không? Điều này có phủ định thành quả mà Nhân-chứng Giê-hô-va đang thực hiện trong công việc dạy dỗ không? Hoàn toàn không, cũng giống như hành động phản bội của Giu-đa Ích-ca-ri-ốt đã không làm ngừng trệ ý định của Đức Chúa Trời.
Toàn năng nhưng đầy yêu thương
5. Làm sao chúng ta biết rằng Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su yêu thương loài người, và cả hai đấng bày tỏ tình yêu thương này như thế nào?
5 Giê-hô-va là Đức Chúa Trời yêu thương. Ngài quan tâm đến loài người (I Giăng 4:7-11). Dù ở địa vị cao quí, nhưng ngài vui thích làm bạn với loài người. Chúng ta đọc về một tôi tớ xưa của ngài: “Áp-ra-ham tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công-bình cho người; và người được gọi là bạn Đức Chúa Trời” (Gia-cơ 2:23; II Sử-ký 20:7; Ê-sai 41:8). Như loài người chia sẻ những điều bí mật hay kín nhiệm với bạn bè, thì Đức Chúa Trời cũng làm thế với bạn ngài. Về phương diện này Chúa Giê-su noi gương Cha ngài, vì ngài làm bạn với các môn đồ và chia sẻ những sự kín nhiệm với họ. Ngài nói với họ: “Ta chẳng gọi các ngươi là đầy-tớ nữa, vì đầy-tớ chẳng biết đều chủ mình làm; nhưng ta đã gọi các ngươi là bạn-hữu ta, vì ta từng tỏ cho các ngươi biết mọi đều ta đã nghe nơi Cha ta” (Giăng 15:15). Nhờ cùng chia sẻ điều bí mật hoặc “kín-nhiệm”, Đức Giê-hô-va, Con ngài và các bạn bè của cả hai đấng ấy đoàn kết chặt chẽ trong tình yêu thương và sự tận tâm (Cô-lô-se 3:14).
6. Tại sao Đức Giê-hô-va không cần phải che giấu ý định ngài?
6 Danh Giê-hô-va có nghĩa là “Đấng làm cho thành tựu”, cho thấy ngài có khả năng làm bất cứ điều gì ngài thấy cần để thực hiện ý định của ngài. Không như loài người, Đức Chúa Trời không cần che giấu ý định ngài vì sợ người khác có thể cản trở mình thực hiện ý định đó. Ngài không thể nào thất bại được, thế nên ngài công khai tiết lộ trong Lời ngài, tức Kinh-thánh, nhiều điều mà ngài có ý định làm. Ngài hứa: “Lời nói của ta... chẳng trở về luống-nhưng, mà chắc sẽ làm trọn đều ta muốn, thuận-lợi công-việc ta đã sai-khiến nó” (Ê-sai 55:11).
7. a) Đức Giê-hô-va đã báo trước điều gì trong vườn Ê-đen, và Sa-tan đã chứng tỏ Đức Chúa Trời đúng như thế nào? b) Nguyên tắc nơi II Cô-rinh-tô 13:8 luôn luôn là đúng như thế nào?
7 Không bao lâu sau cuộc phản loạn trong vườn Ê-đen, Đức Giê-hô-va tiết lộ những điểm chính về kết cuộc của sự tranh chấp tiếp diễn giữa ngài và Kẻ Thù Nghịch là Sa-tan. Dòng dõi được hứa của Đức Chúa Trời sẽ bị thương đau đớn, nhưng không trầm trọng, trong khi đó cuối cùng Sa-tan sẽ bị giày đạp đến chết (Sáng-thế Ký 3:15). Vào năm 33 công nguyên, Ma-quỉ thật sự đã gây thương tích cho Dòng dõi, là Chúa Giê-su Christ, bằng cách khiến cho người ta giết ngài. Bằng cách đó, Sa-tan làm ứng nghiệm Kinh-thánh, và đồng thời chứng tỏ Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của lẽ thật, mặc dù chắc chắn điều đó không phải là ý của Sa-tan. Lòng thù hằn lẽ thật và sự công bình, cũng như thái độ tự cao và không ăn năn, khiến hắn làm những điều y như lời tiên đoán của Đức Chúa Trời. Đúng vậy, đối với tất cả những kẻ chống lại lẽ thật, ngay cả đối với chính Sa-tan, nguyên tắc này là đúng: “Chúng tôi chẳng có thể nghịch cùng lẽ thật, nhưng chỉ có thể thuận theo lẽ thật” (II Cô-rinh-tô 13:8).
8, 9. a) Sa-tan biết điều gì, nhưng sự hiểu biết này có làm nguy hại đến việc thực hiện ý định của Đức Giê-hô-va không? b) Những kẻ chống lại Đức Giê-hô-va lờ đi lời cảnh cáo rõ ràng nào và tại sao?
8 Vì Nước Đức Chúa Trời đã được thiết lập một cách vô hình vào năm 1914, nên Khải-huyền 12:12 được ứng nghiệm: “Bởi vậy, hỡi các từng trời và các đấng ở đó, hãy vui-mừng đi! Khốn-nạn cho đất và biển! vì ma-quỉ biết thì-giờ mình còn chẳng bao nhiêu, nên giận hoảng mà đến cùng các ngươi”. Tuy nhiên, việc biết được là thì giờ mình còn chẳng bao nhiêu có khiến cho Sa-tan thay đổi đường lối và hành động không? Như thế tức là Sa-tan phải chấp nhận rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời của lẽ thật và ngài là Đấng Thống Trị Tối Cao, chỉ một mình ngài đáng được thờ phượng. Tuy nhiên, Ma-quỉ không chịu nhận là mình bại trận dù cho hắn dư biết điều đó.
9 Đức Giê-hô-va công khai tiết lộ những gì sẽ xảy ra khi đấng Christ đến để phán xét hệ thống thế gian của Sa-tan (Ma-thi-ơ 24:29-31; 25:31-46). Về phương diện này, Lời ngài tuyên bố về các nhà lãnh đạo thế gian: “Khi người ta sẽ nói rằng: Bình-hòa và an-ổn, thì tai-họa thình-lình vụt đến, như sự đau-đớn xảy đến cho người đờn-bà có nghén” (I Tê-sa-lô-ni-ca 5:3). Những người đi theo Sa-tan lờ đi lời cảnh cáo rõ ràng này. Họ bị mù vì lòng gian ác, và vì vậy họ không ăn năn mà từ bỏ con đường gian ác, cũng không thay đổi dự tính và kế hoạch cố làm cản trở ý định của Đức Giê-hô-va.
10. a) I Tê-sa-lô-ni-ca 5:3 được ứng nghiệm ở tầm mức nào, nhưng dân Đức Giê-hô-va nên phản ứng ra sao? b) Tại sao trong tương lai những người không có đức tin có thể ngày càng mạnh bạo chống lại dân Đức Chúa Trời?
10 Đặc biệt kể từ năm 1986, khi Liên Hiệp Quốc tuyên bố Năm Hòa bình Quốc Tế, thế giới bàn tán xôn xao về hòa bình và an ninh. Người ta áp dụng những biện pháp rõ ràng để đạt đến một nền hòa bình quốc tế, và dường như những biện pháp đó đã thành công ít nhiều. Đây có phải là sự ứng nghiệm trọn vẹn của lời tiên tri này, hay là chúng ta còn phải đợi một thông báo đầy kinh ngạc trong tương lai? Đức Giê-hô-va sẽ làm sáng tỏ sự việc đó vào thời điểm mà ngài ấn định. Trong lúc này, chúng ta hãy tỉnh thức về mặt thiêng liêng “trong khi chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến” (II Phi-e-rơ 3:12). Khi thời gian tiếp tục trôi qua và người ta vẫn bàn tán về hòa bình và an ninh, những ai biết về lời cảnh cáo này nhưng muốn lờ đi, thì họ còn có thể trở nên ngang ngạnh hơn nữa mà cho rằng Đức Giê-hô-va sẽ không, hoặc không thể, thực hiện lời ngài. (So sánh Truyền-đạo 8:11-13; II Phi-e-rơ 3:3, 4). Nhưng tín đồ thật của đấng Christ biết rằng Đức Giê-hô-va sẽ thực hiện ý định ngài!
Quí trọng đúng mực những phương tiện mà Đức Giê-hô-va dùng
11. Đa-ni-ên và Giô-sép đã biết được gì về Đức Giê-hô-va?
11 Khi Vua Nê-bu-cát-nết-sa, vua của Đế quốc Tân Ba-by-lôn, có một giấc chiêm bao khiến ông lo âu nhưng không thể nhớ ra được, ông tìm người giải mộng. Các thầy bói, thuật sĩ và đồng bóng của ông không thể nào nói cho ông biết về giấc chiêm bao đó hoặc giải nghĩa được. Tuy nhiên, tôi tớ của Đức Chúa Trời là Đa-ni-ên đã có thể làm điều đó, nhưng ông sẵn sàng công nhận là sự tiết lộ và ý nghĩa về chiêm bao đó không phải do sự khôn ngoan của chính ông. Đa-ni-ên nói: “Có một Đức Chúa Trời ở trên trời tỏ ra những đều kín-nhiệm; và đã cho vua Nê-bu-cát-nết-sa biết đều sẽ tới trong những ngày sau-rốt” (Đa-ni-ên 2:1-30). Nhiều thế kỷ trước, Giô-sép, một nhà tiên tri khác của Đức Chúa Trời, cũng có kinh nghiệm tương tự cho thấy rằng Đức Giê-hô-va là Đấng Tiết lộ những điều kín nhiệm (Sáng-thế Ký 40:8-22; A-mốt 3:7, 8).
12, 13. a) Ai là đấng tiên tri vĩ đại nhất của Đức Chúa Trời và tại sao bạn trả lời như thế? b) Ngày nay ai phụng sự với tư cách là “kẻ quản-trị những sự mầu-nhiệm của Đức Chúa Trời”, và chúng ta nên xem họ như thế nào?
12 Đấng tiên tri vĩ đại nhất phụng sự Đức Giê-hô-va trên đất là Chúa Giê-su (Công-vụ các Sứ-đồ 3:19-24). Phao-lô giải thích: “Đời xưa, Đức Chúa Trời đã dùng các đấng tiên-tri phán-dạy tổ-phụ chúng ta nhiều lần nhiều cách, rồi đến những ngày sau-rốt nầy, Ngài phán-dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế-tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế-gian” (Hê-bơ-rơ 1:1, 2).
13 Đức Giê-hô-va nói với tín đồ đấng Christ thời ban đầu qua Con ngài, Chúa Giê-su, là đấng đã cho họ biết về những sự kín nhiệm của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su bảo họ: “Đã ban cho các ngươi được biết những sự mầu-nhiệm nước Đức Chúa Trời” (Lu-ca 8:10). Về sau Phao-lô nói về tín đồ đấng Christ được xức dầu như là “đầy-tớ của Đấng Christ, và kẻ quản-trị những sự mầu-nhiệm của Đức Chúa Trời” (I Cô-rinh-tô 4:1). Ngày nay, tín đồ đấng Christ được xức dầu tiếp tục phụng sự như thế, hợp thành lớp đầy tớ trung tín và khôn ngoan và qua Hội đồng Lãnh đạo Trung ương cung cấp đồ ăn thiêng liêng đúng giờ (Ma-thi-ơ 24:45-47). Nếu chúng ta hết sức kính trọng các nhà tiên tri thời xưa được Đức Chúa Trời soi dẫn, và đặc biệt Con Đức Chúa Trời, thì lẽ nào chúng ta lại không kính trọng người mà ngày nay Đức Giê-hô-va đang dùng để tiết lộ những tin trong Kinh-thánh rất cần thiết cho dân ngài trong những thời kỳ khó khăn này hay sao? (II Ti-mô-thê 3:1-5, 13)
Công khai hay giữ kín?
14. Khi nào tín đồ đấng Christ hoạt động một cách kín đáo, làm thế họ noi gương ai?
14 Có phải việc Đức Giê-hô-va công khai tiết lộ sự việc có nghĩa là trong mọi hoàn cảnh tín đồ đấng Christ phải luôn luôn tiết lộ mọi điều họ biết không? Tín đồ đấng Christ vâng theo lời Chúa Giê-su khuyên các sứ đồ là “khôn-khéo như rắn, đơn-sơ như chim bò-câu” (Ma-thi-ơ 10:16). Nếu người ta bảo rằng họ không thể thờ phượng Đức Chúa Trời theo lương tâm của họ, thì tín đồ đấng Christ tiếp tục “vâng lời Đức Chúa Trời”, bởi vì họ biết rằng không có một cơ quan loài người nào có quyền hạn chế sự thờ phượng Đức Giê-hô-va (Công-vụ các Sứ-đồ 5:29). Chính Chúa Giê-su cho thấy cách hành động thích hợp trong vấn đề này. Chúng ta đọc: “Kế đó, Đức Chúa Jêsus đi khắp xứ Ga-li-lê. Ngài không ưng đi trong xứ Giu-đê, bởi dân Giu-đa vẫn tìm phương giết Ngài. Vả, ngày lễ của dân Giu-đa, gọi là lễ Lều-tạm gần đến. Đức Chúa Jêsus phán cùng anh em [em cùng mẹ khác cha không tin đạo của ngài] rằng:... Các ngươi hãy lên dự lễ nầy, còn ta chưa lên dự lễ đó, vì thì-giờ ta chưa trọn. Ngài nói xong, cứ ở lại xứ Ga-li-lê. Lúc anh em Ngài đã lên dự lễ rồi, thì Ngài cũng lên, nhưng đi cách kín-giấu, không tố-lộ” (Giăng 7:1, 2, 6, 8-10).
Nên tiết lộ hay giữ kín?
15. Bằng cách nào Giô-sép cho thấy rằng việc giữ bí mật đôi khi là việc làm yêu thương?
15 Trong vài trường hợp, giữ kín một chuyện không những là khôn ngoan mà còn là yêu thương. Thí dụ, Giô-sép, cha nuôi của Chúa Giê-su, đã phản ứng thế nào khi biết được vị hôn thê của ông là Ma-ri “đã chịu thai bởi Đức Thánh-Linh”? Chúng ta đọc: “Giô-sép, chồng người, là người có nghĩa, chẳng muốn cho người mang xấu, bèn toan đem để nhẹm [kín đáo từ hôn, NW]” (Ma-thi-ơ 1:18, 19). Thật là không tử tế nếu ông để Ma-ri mang tiếng xấu!
16. Trưởng lão cũng như mọi người trong hội thánh có trách nhiệm nào liên quan đến những điều bí mật?
16 Những điều bí mật nào có thể gây ra tình trạng khó xử hoặc đau buồn thì không nên tiết lộ cho những người không liên hệ. Các trưởng lão tín đồ đấng Christ nên nhớ điều này khi họ phải cho lời khuyên cá nhân hoặc an ủi các anh em cùng đạo hay có thể ngay cả sửa trị họ về việc phạm tội nặng với Đức Giê-hô-va. Giải quyết những vấn đề này theo cách của Kinh-thánh là điều cần thiết; tiết lộ những điều bí mật cho những người không liên hệ là việc không cần thiết và thiếu yêu thương. Chắc chắn, những người trong hội thánh tín đồ đấng Christ sẽ không tìm cách dò hỏi các trưởng lão về những điều bí mật mà sẽ tôn trọng trách nhiệm của trưởng lão là giữ kín đáo những điều đó. Châm-ngôn 25:9 nói: “Hãy đối-nại duyên-cớ con với chánh kẻ lân-cận con, song chớ tỏ sự kín-đáo của kẻ khác”.
17. Trong đa số trường hợp, tại sao tín đồ đấng Christ phải giữ kín những điều bí mật, nhưng tại sao họ không thể luôn luôn làm như vậy?
17 Nguyên tắc này cũng được áp dụng trong phạm vi gia đình hoặc giữa những bạn bè thân thiết. Giữ những chuyện bí mật là thiết yếu để tránh có sự hiểu lầm và làm căng thẳng mối quan hệ. “Gió bắc sanh ra mưa; còn lưỡi nói hành cách kín-đáo gây cho mặt-mày giận-dữ” (Châm-ngôn 25:23). Dĩ nhiên, vì trung thành với Đức Giê-hô-va và các nguyên tắc công bình của ngài, cũng như yêu thương những người lầm lỗi, nên có lẽ đôi khi chúng ta cần phải nói cho cha mẹ, trưởng lão tín đồ đấng Christ, hoặc những người có trách nhiệm biết ngay cả những chuyện bí mật.a Nhưng thường thì tín đồ đấng Christ giữ kín chuyện bí mật riêng của người khác cũng như của chính mình vậy.
18. Ba đức tính nào của tín đồ đấng Christ có thể giúp chúng ta nhận định điều gì là nên hay không nên nói?
18 Nói tóm lại, một tín đồ đấng Christ noi gương Đức Chúa Trời bằng cách giữ kín những vấn đề nào đó khi cần thiết, tiết lộ chỉ khi nào thích hợp. Trong việc quyết định những gì mà mình nên hoặc không nên nói ra, thì người đó để cho tính khiêm nhường, đức tin và tình yêu thương hướng dẫn. Tính khiêm nhường giúp người đó tránh phóng đại tầm quan trọng của mình, cố lấy oai với người khác bằng cách nói cho họ biết về mọi điều mình biết hoặc dùng những bí mật mà mình không thể nói ra để trêu chọc họ. Đức tin nơi Lời Đức Giê-hô-va và hội thánh tín đồ đấng Christ thúc đẩy người đó rao giảng lời Đức Chúa Trời từ Kinh-thánh đồng thời cẩn thận tránh nói những điều có thể làm phật lòng người khác lúc mới gặp. Đúng vậy, tình yêu thương thúc đẩy một người công khai nói những điều làm vinh hiển Đức Chúa Trời mà người ta cần phải biết hầu nhận được sự sống. Mặt khác, người đó giữ kín những vấn đề cá nhân vì nhận biết rằng trong đa số trường hợp tiết lộ những điều đó cho thấy rằng mình thiếu yêu thương.
19. Lối hành động nào giúp chúng ta nhận ra tín đồ thật của đấng Christ, và đem lại kết quả gì?
19 Quan điểm thăng bằng này giúp chúng ta nhận ra tín đồ thật của đấng Christ. Họ không che giấu danh vị Đức Chúa Trời sau một mặt nạ vô danh hoặc sau thuyết Chúa Ba Ngôi huyền bí và khó giải thích. Các thần thánh vô danh là đặc điểm của tôn giáo giả, chứ không phải của tôn giáo thật. (Xem Công-vụ các Sứ-đồ 17:22, 23). Các Nhân-chứng được xức dầu của Đức Giê-hô-va thật sự quí trọng đặc ân làm “kẻ quản-trị những sự mầu-nhiệm của Đức Chúa Trời”. Bằng cách công khai tiết lộ những sự mầu nhiệm này cho người khác biết, họ giúp những người có lòng thành đến để làm bạn với Đức Giê-hô-va (I Cô-rinh-tô 4:1; 14:22-25; Xa-cha-ri 8:23; Ma-la-chi 3:18).
[Chú thích]
a Xem “Đừng dự vào tội lỗi của kẻ khác” trong Tháp Canh số ra ngày 1-9-1986.
Bạn trả lời ra sao?
◻ Tại sao Đức Giê-hô-va không cần phải che giấu ý định ngài?
◻ Đức Giê-hô-va tiết lộ những sự kín nhiệm cho ai?
◻ Tín đồ đấng Christ có trách nhiệm gì về những điều bí mật?
◻ Ba đức tính nào sẽ giúp tín đồ đấng Christ biết điều gì là nên hay không nên nói?
[Các hình nơi trang 8, 9]
Đức Giê-hô-va tiết lộ sự kín nhiệm qua Lời ngài