Tại sao thế giới cổ đại ấy bị hủy diệt?
TRẬN LỤT toàn cầu không là một thảm họa tự nhiên. Đó là sự phán xét của Đức Chúa Trời. Lời cảnh báo đã được ban ra, nhưng bị phần lớn người ta lờ đi. Tại sao? Chúa Giê-su giải thích: “Trong những ngày trước nước lụt, người ta ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu,—và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy”.—Ma-thi-ơ 24:38, 39.
Một nền văn minh phát triển
Trong một vài khía cạnh, nền văn minh trước Nước Lụt có nhiều lợi thế hơn chúng ta ngày nay. Chẳng hạn, toàn thể nhân loại nói chung một ngôn ngữ. (Sáng-thế Ký 11:1) Điều này giúp người ta đạt được nhiều thành tựu về nghệ thuật và khoa học là những lãnh vực đòi hỏi sự góp sức của nhiều người với những tài năng khác nhau. Hơn nữa, tuổi thọ mà phần lớn người thời bấy giờ được hưởng giúp họ có thể tiếp tục tích lũy những điều học được qua hàng thế kỷ.
Một số người cho rằng con người không thật sự sống thọ như thế. Theo họ, số những năm đề cập trong các tường thuật Kinh Thánh thật ra là tháng. Có đúng vậy không? Vậy hãy xem xét trường hợp của Ma-ha-la-le. Kinh Thánh nói: “Ma-ha-la-le được sáu mươi lăm tuổi, sanh Giê-rệt... Vậy, Ma-ha-la-le hưởng-thọ được tám trăm chín mươi lăm tuổi, rồi qua đời”. (Sáng-thế Ký 5:15-17) Nếu những năm nói đến là những tháng, vậy Ma-ha-la-le sinh con lúc chỉ mới năm tuổi! Không phải thế đâu, loài người lúc bấy giờ còn rất gần với sức sống hoàn hảo của người đàn ông đầu tiên, A-đam. Họ thật sự sống hàng thế kỷ. Như vậy, họ đạt được điều gì?
Nhiều thế kỷ trước Nước Lụt, dân số trên đất gia tăng đến mức Ca-in, con trai của A-đam, đã có thể xây dựng một thành, đặt tên là Hê-nóc. (Sáng-thế Ký 4:17) Trong các thời đại trước Nước Lụt, nhiều ngành công nghiệp đã phát triển. Họ rèn “đủ thứ khí-giới bén bằng đồng và bằng sắt”. (Sáng-thế Ký 4:22) Chắc chắn những dụng cụ này được dùng trong ngành xây dựng, ngành mộc, ngành may và nông nghiệp. Tất cả những nghề này được kể đến trong sinh hoạt của cư dân trên đất thời ban đầu.
Kiến thức tích lũy hẳn đã giúp những thế hệ sau có thể phát huy các chuyên ngành như luyện kim, nông học, chăn nuôi cừu và bò, văn chương và mỹ nghệ. Chẳng hạn, Giu-banh là “tổ-phụ của những kẻ đánh đàn và thổi sáo”. (Sáng-thế Ký 4:21) Nền văn minh phát triển cùng khắp. Nhưng thình lình mọi thứ đều kết thúc. Điều gì đã xảy ra?
Điều gì không ổn?
Mặc dù có mọi lợi thế đó, nhưng xã hội trước Nước Lụt đã có một khởi đầu không tốt. Người sáng lập, A-đam, đã phản nghịch chống lại Đức Chúa Trời. Ca-in, người đầu tiên xây dựng thành phố theo lời được ghi chép, đã giết em trai mình. Chẳng ngạc nhiên gì khi điều ác gia tăng nhanh! Hậu quả của di sản bất toàn A-đam truyền cho con cháu chồng chất mãi lên.—Rô-ma 5:12.
Cuối cùng mọi việc lên đến cực điểm khi Đức Giê-hô-va quyết định cho phép sự việc chỉ tiếp diễn trong vòng 120 năm nữa thôi. (Sáng-thế Ký 6:3) Kinh Thánh nói: “Sự hung-ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý-tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn. Thế-gian bấy giờ... đầy-dẫy sự hung-ác”.—Sáng-thế Ký 6:5, 11.
Cuối cùng, Nô-ê được Đức Chúa Trời cho biết rõ ràng là Ngài sẽ hủy diệt mọi xác thịt trong một trận Nước Lụt. (Sáng-thế Ký 6:13, 17) Dù Nô-ê là “thầy giảng đạo công-bình”, hẳn dân chúng thời bấy giờ khó tin rằng mọi vật chung quanh họ sẽ kết thúc. (2 Phi-e-rơ 2:5) Chỉ có tám người lưu tâm đến lời cảnh báo được cứu. (1 Phi-e-rơ 3:20) Tại sao điều ấy lại quan trọng đối với chúng ta ngày nay?
Điều đó có nghĩa gì đối với chúng ta?
Chúng ta đang sống trong thời đại tương tự thời Nô-ê. Chúng ta thường nghe nói về hành vi gây kinh hoàng của bọn khủng bố, chiến dịch diệt chủng, những cuộc tàn sát tập thể bởi các tay súng lạnh lùng, và bạo hành trong gia đình đến mức gây sửng sốt. Một lần nữa, trái đất lại đầy dẫy bạo lực, và như trước đây, thế giới được cảnh báo về một sự phán xét sắp đến. Chính Chúa Giê-su phán ngài sẽ đến như Quan Xét do Đức Chúa Trời bổ nhiệm. Ngài sẽ chia người ta ra, như người chăn chiên chia chiên với dê. Chúa Giê-su nói những kẻ bị xét là không xứng đáng “sẽ vào hình-phạt đời đời”. (Ma-thi-ơ 25:31-33, 46) Tuy nhiên, Kinh Thánh cho biết lần này sẽ có hàng triệu người sống sót—một đám đông gồm những người thờ phượng Đức Chúa Trời có một và thật. Trong thế giới sắp đến, họ sẽ vui hưởng đời sống trong nền hòa bình và an ninh lâu dài chưa từng có.—Mi-chê 4:3, 4; Khải-huyền 7:9-17.
Nhiều người chế giễu lời tuyên bố của Kinh Thánh và lời cảnh báo về sự phán xét nhưng họ sẽ được cho thấy những lời ấy là thật. Nhưng sứ đồ Phi-e-rơ giải thích những kẻ hay nhạo báng ấy đang lờ đi sự thật. Ông viết: “Trong những ngày sau-rốt, sẽ có mấy kẻ hay gièm-chê... nói rằng: Chớ nào lời hứa về sự Chúa đến ở đâu?... Chúng nó có ý quên lửng đi rằng buổi xưa bởi lời Đức Chúa Trời có các từng trời và trái đất, đất ra từ nước và làm nên ở giữa nước, thế-gian bấy giờ cũng bị hủy-phá như vậy, là bị chìm-đắm bởi nước lụt. Nhưng trời đất thời bây giờ cũng là bởi lời ấy mà còn lại, và để dành cho lửa; lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán-xét và hủy-phá kẻ ác”.—2 Phi-e-rơ 3:3-7.
Ngày nay những người vâng theo mệnh lệnh mà Chúa Giê-su đã tiên tri đang sốt sắng rao truyền trên khắp đất lời cảnh báo về ngày phán xét sắp đến và về tin mừng sẽ có một nền hòa bình sau đó. (Ma-thi-ơ 24:14) Không nên xem nhẹ lời cảnh báo này. Đức Chúa Trời Toàn Năng sẽ thực hiện đúng lời Ngài hứa.
Thế giới sắp đến
Tương lai của nhân loại sẽ ra sao khi nghĩ tới sự thay đổi quan trọng sắp đến? Trong lời mở đầu Bài Giảng trên Núi nổi tiếng, Chúa Giê-su phán: “Phước cho những kẻ nhu-mì, vì sẽ hưởng được đất!” Đoạn, ngài dạy các môn đồ cầu nguyện với Đức Chúa Trời: “Ý Cha được nên, ở đất như trời!” (Ma-thi-ơ 5:5; 6:10) Thật vậy, chính Chúa Giê-su dạy về một tương lai tuyệt diệu dành sẵn cho loài người trung thành ngay trên trái đất này. Ngài nói đến tương lai ấy là thời kỳ “muôn vật đổi mới”.—Ma-thi-ơ 19:28.
Thế nên, trong khi chờ đón tương lai bạn đừng để những kẻ nhạo báng làm cho bạn nghi ngờ lời cảnh báo của Đức Chúa Trời. Thật vậy, những vật chung quanh ta dường như vững chắc và thế giới hiện nay có một quá trình lịch sử lâu dài. Dù vậy, chúng ta không nên tin cậy vào thế giới ấy. Thế giới của loài người đã bị lên án. Vậy, hãy mạnh dạn lên nhờ vào lời kết lá thư của sứ đồ Phi-e-rơ:
“Vì mọi vật đó phải tiêu-tán thì anh em đáng nên thánh và tin-kính trong mọi sự ăn-ở của mình là dường nào, trong khi chờ-đợi trông-mong cho ngày Đức Chúa Trời mau đến... Vì anh em trông-đợi những sự đó, thì phải làm hết sức mình, hầu cho Chúa thấy anh em ở bình-an, không dấu-vít, chẳng chỗ trách được. Hãy tấn-tới trong ân-điển và trong sự thông-biết Chúa và Cứu-Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus-Christ”. (2 Phi-e-rơ 3:11, 12, 14, 18) Thế nên, hãy rút kinh nghiệm từ sự việc xảy ra vào thời Nô-ê. Hãy đến gần Đức Chúa Trời. Hãy gia tăng sự hiểu biết về Chúa Giê-su Christ. Hãy vun trồng sự tin kính và ở giữa hàng triệu người chọn được sống sót qua sự kết thúc của thế giới này để bước vào thế giới hòa bình sắp đến.
[Hình nơi trang 5]
Người ta biết làm kim khí trước thời Nước Lụt
[Hình nơi trang 7]
Một tương lai tuyệt diệu dành sẵn cho chúng ta