Vì sao ông Nô-ê được ơn Đức Chúa Trời?—Tại sao nên quan tâm?
Hẳn trong chúng ta ai cũng từng nhận một tin quan trọng và nhớ rõ lần ấy. Chúng ta nhớ từng chi tiết: lúc đó chúng ta đang ở đâu, làm gì và phản ứng ra sao. Ắt hẳn ông Nô-ê không bao giờ quên ngày ông nhận được thông điệp từ Đức Giê-hô-va, Chúa tể của vũ trụ. Không có tin nào quan trọng bằng thông điệp ấy. Đức Giê-hô-va phán rằng Ngài đã quyết định hủy diệt cả người lẫn thú. Vì thế, Nô-ê được lệnh phải đóng một chiếc tàu khổng lồ để bảo toàn mạng sống cho gia đình ông và các loài thú.—Sáng-thế Ký 6:9-21.
Ông Nô-ê đã phản ứng thế nào? Khi nghe tin đó, ông vui mừng hay phàn nàn? Làm sao ông giải thích với vợ con về tin này? Kinh Thánh không nói rõ nhưng chỉ cho biết một điều là Nô-ê làm “y như lời Đức Chúa Trời đã phán dặn”.—Sáng-thế Ký 6:22.
Đó mới là điều quan trọng vì nó cho biết một trong những lý do khiến ông Nô-ê được ơn của Đức Chúa Trời: ông sẵn sàng làm theo những gì Ngài phán dặn (Sáng-thế Ký 6:8). Ông được ơn của Đức Chúa Trời vì những lý do nào khác nữa? Chúng ta cần biết những lý do đó để noi gương ông và được sống sót vì Ngài sẽ diệt sạch kẻ ác một lần nữa. Tuy nhiên, trước hết chúng ta hãy tìm hiểu về xã hội thời Nô-ê, trước trận Đại Hồng Thủy.
Ác thần xuống trái đất
Ông Nô-ê sống ở giai đoạn đầu của lịch sử nhân loại, chỉ cách người đầu tiên khoảng 1.000 năm. Con người thời bấy giờ không phải như người ta thường nghĩ. Họ không phải là giống người sống trong hang động, mình mẩy lông lá, chân tay lòng thòng luôn cầm khúc gỗ và thiếu văn mình. Con người thời bấy giờ đã biết rèn những dụng cụ bằng sắt hoặc đồng, và hẳn ông Nô-ê đã dùng những dụng cụ ấy để đóng chiếc tàu. Thời ấy cũng có các nhạc cụ. Người ta kết hôn, sinh con, trồng trọt và chăn nuôi. Họ cũng mua bán trao đổi. Về những phương diện này, xã hội thời ấy rất giống thời nay.—Sáng-thế Ký 4:20-22; Lu-ca 17:26-28.
Tuy nhiên, về một số phương diện khác, thời ấy có những điểm không giống với thời nay. Một điểm là con người lúc bấy giờ sống thọ hơn. Họ sống đến hơn 800 tuổi là điều bình thường. Chẳng hạn như ông Nô-ê sống đến 950 tuổi, A-đam 930 tuổi, ông nội của Nô-ê là Mê-tu-sê-la thọ 969 tuổi.a—Sáng-thế Ký 5:5, 27; 9:29.
Một điểm khác biệt nữa được ghi trong Sáng-thế Ký 6:1, 2: “Khi loài người khởi thêm nhiều trên mặt đất, và khi loài người đã sanh được con gái rồi, các con trai của Đức Chúa Trời thấy con gái loài người tốt-đẹp, bèn cưới người nào vừa lòng mình mà làm vợ”. “Các con trai của Đức Chúa Trời” được đề cập trong câu này là những thiên sứ đã hóa thân thành người và xuống trái đất sinh sống. Tuy nhiên, họ làm thế không phải theo mạng lệnh của Đức Chúa Trời và cũng không vì lợi ích của con người. Họ “bỏ chỗ riêng mình” ở trên trời vì sinh lòng ham muốn tình dục trái tự nhiên với những phụ nữ trên đất. Làm thế, họ tự biến mình thành ác thần, hay quỉ thần.—Giu-đe 6.
Vì những ác thần phản loạn này rất bại hoại, có sức lực và trí khôn siêu phàm nên chúng đã gây ảnh hưởng vô cùng tai hại cho con người. Chúng hầu như nắm quyền và thống trị toàn thể xã hội thời đó. Chúng không hành động bí mật như những kẻ đầu não luôn ném đá dấu tay nhưng lại trắng trợn chống lại quy luật của Đức Chúa Trời.
Những ác thần này ăn ở với phụ nữ xác phàm và sinh ra giống con có sức mạnh phi thường. Kinh Thánh cho biết: “Đời đó và đời sau, có người cao-lớn trên mặt đất, vì con trai Đức Chúa Trời ăn-ở cùng con gái loài người mà sanh con-cái; ấy những người mạnh-dạn ngày xưa là tay anh-hùng có danh” (Sáng-thế Ký 6:4). Trong tiếng Do Thái cổ, giống “người cao-lớn” này được gọi là “Nê-phi-lim”, nghĩa là “kẻ đánh ngã”. Chúng rất đáng sợ vì là những kẻ giết người cách tàn bạo, và có lẽ các truyền thuyết cũng như truyện thần thoại thời cổ đại vẫn mang dư âm những hành vi tàn ác của chúng.
Nỗi đau xót của người ngay thẳng
Theo lời miêu tả của Kinh Thánh, cả xã hội thời ấy đều bại hoại đến mức không thể cứu chữa: “Sự hung-ác của loài người trên mặt đất rất nhiều, và các ý-tưởng của lòng họ chỉ là xấu luôn; thế-gian bấy giờ. . . đầy-dẫy sự hung-ác. . . [loài người] làm cho đường mình trên đất phải bại-hoại”.—Sáng-thế Ký 6:5, 11, 12.
Đó là xã hội thời Nô-ê. Nhưng khác với những người đồng thời, ông Nô-ê “là một người công-bình” và “đồng đi cùng Đức Chúa Trời” (Sáng-thế Ký 6:9). Không dễ để một người ngay thẳng sống trong một xã hội bại hoại đến thế. Hẳn ông Nô-ê rất đau xót trước những hành động và lời nói vô đạo đức của người chung quanh. Có lẽ ông có cùng cảm nghĩ như Lót, một người ngay thẳng khác sống sau thời Đại Hồng Thủy. Ông Lót vô cùng lo phiền về cách ăn ở luông tuồng của những kẻ gian tà và “ở giữa họ, mỗi ngày nghe thấy việc trái phép của họ, bèn cảm-biết đau-xót trong lòng công-bình mình” (2 Phi-e-rơ 2:7, 8). Hẳn ông Nô-ê cũng có cảm nghĩ như thế.
Còn bạn thì sao? Bạn có đau xót trước những mẩu tin gây sửng sốt hoặc trước những hành vi vô đạo đức của người chung quanh không? Nếu có, bạn có thể đồng cảm với ông Nô-ê. Hãy tưởng tượng xem, ông ấy phải chịu đựng cảnh gian ác như thế trong suốt 600 năm vì đến tuổi đó ông mới chứng kiến trận Đại Hồng Thủy xảy ra. Hẳn ông mong đến ngày được thoát khỏi cảnh đó biết bao!—Sáng-thế Ký 7:6.
Nô-ê không sợ khác biệt
Nô-ê “không có gì đáng trách giữa những người đồng thời với ông” (Sáng-thế Ký 6:9, Bản Dịch Mới). Hãy lưu ý là Kinh Thánh nói rằng ông không có gì đáng trách giữa những người đồng thời, chứ không phải trong mắt của họ. Nói cách khác, ông không có gì đáng trách dưới mắt Đức Chúa Trời, nhưng trong mắt những người chung quanh, ông lại là người lập dị. Hẳn đó là vì ông đã không làm theo số đông, cũng không tham gia những trò giải trí và những hoạt động không lành mạnh của thời đó. Không những thế, ông còn khởi công đóng chiếc tàu. Hãy thử tưởng tượng, người ta nghĩ sao khi thấy ông làm thế! Chắc chắn họ không tin lời nói của ông mà còn cười nhạo và chế giễu ông.
Bên cạnh đó, ông có niềm tin vững chắc nơi Đức Chúa Trời và chia sẻ niềm tin ấy với người chung quanh. Kinh Thánh cho biết ông là “thầy giảng đạo công-bình” (2 Phi-e-rơ 2:5). Hẳn ông Nô-ê biết mình sẽ bị người ta chống đối. Ông cố của ông là Hê-nóc cũng là người ngay thẳng, từng bị ngược đãi vì loan báo về ngày Đức Chúa Trời phán xét kẻ ác. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời không cho phép kẻ thù giết Hê-nóc (Sáng-thế Ký 5:18, 21-24; Hê-bơ-rơ 11:5; Giu-đe 14, 15). Xã hội thời Nô-ê còn chịu ảnh hưởng của Sa-tan, các ác thần và người Nê-phi-lim, đồng thời phần lớn người ta đều lờ đi lời cảnh báo hoặc chống lại ông. Chính vì thế Nô-ê cần phải can đảm và tin tưởng rằng Đức Giê-hô-va có thể che chở ông.
Những người thờ phượng Đức Chúa Trời luôn luôn bị những kẻ không thờ Ngài chống đối. Ngay cả Chúa Giê-su cũng bị người ta căm ghét, và các môn đồ ngài cũng bị như thế (Ma-thi-ơ 10:22; Giăng 15:18). Ông Nô-ê đã can đảm thờ phượng Đức Chúa Trời dù làm thế là khác biệt với người chung quanh. Ông hiểu rằng điều quan trọng là được ơn của Đức Chúa Trời chứ không phải được lòng của những kẻ chống lại Ngài. Và quả là Nô-ê đã được ơn Đức Chúa Trời.
Nô-ê để tâm đến lời cảnh báo
Như chúng ta vừa biết, ông Nô-ê đã can đảm rao giảng cho người khác. Họ có hưởng ứng thông điệp ông loan báo không? Kinh Thánh nói rằng những người thời đó vẫn “ăn, uống, cưới, gả như thường cho đến ngày Nô-ê vào tàu,—và người ta không ngờ chi hết cho đến khi nước lụt tới mà đùa đem đi hết thảy”. Thật vậy, họ đã lờ đi lời cảnh báo của Đức Chúa Trời.—Ma-thi-ơ 24:38, 39.
Chúa Giê-su báo trước là thời chúng ta cũng thế. Trong hơn một thế kỷ qua, Nhân Chứng Giê-hô-va đã cảnh báo đồng loại rằng Đức Giê-hô-va sẽ hành động quyết liệt để thực hiện lời Ngài hứa. Đó là Ngài sẽ mang lại một thế giới mới đầy công bình. Tuy có hàng triệu người đã hưởng ứng, nhưng vẫn còn hàng tỉ người lờ đi thông điệp ấy. Họ cố ý không tin trận Đại Hồng Thủy là sự kiện có thật và lờ đi ý nghĩa của sự kiện ấy.—2 Phi-e-rơ 3:5, 13.
Tuy nhiên, ông Nô-ê đã để tâm đến lời Đức Chúa Trời. Ông tin những lời Đức Giê-hô-va phán với ông, và nhờ vâng lời mà ông được sống sót. Sứ đồ Phao-lô viết: “Bởi đức-tin, Nô-ê được Chúa mách-bảo cho về những việc chưa thấy, và người thành-tâm kính-sợ, đóng một chiếc tàu để cứu nhà mình”.—Hê-bơ-rơ 11:7.
Gương mẫu đáng noi theo
Ông Nô-ê đã đóng một chiếc tàu khổng lồ, dài hơn một sân banh và cao tương đương tòa nhà ba tầng. Con tàu Wyoming được biết là chiếc tàu gỗ lớn nhất từ trước tới nay, nhưng chiếc tàu của Nô-ê vẫn dài hơn con tàu ấy hơn 30m. Dĩ nhiên, chiếc tàu của Nô-ê đơn giản hơn nhiều so với một chiếc tàu thời nay vì chỉ là một cái rương khổng lồ dùng để nổi trên mặt nước. Dù thế, nó vẫn đòi hỏi phải có kỹ thuật đóng tàu. Chẳng hạn, thân tàu được trét chai bên trong lẫn bên ngoài. Có lẽ gia đình ông Nô-ê phải mất hơn 50 năm mới hoàn tất.—Sáng-thế Ký 6:14-16.b
Không chỉ có thế, ông Nô-ê còn phải chứa thực phẩm đủ để nuôi gia đình và thú vật trong một năm. Trước cơn Đại Hồng Thủy, ông cũng phải dẫn thú vật về và đưa vào tàu. “Nô-ê làm theo mọi điều Đức Giê-hô-va đã phán dặn mình”. Hẳn ông cảm thấy nhẹ nhõm biết bao khi mọi thứ đã được chuẩn bị xong và Đức Giê-hô-va đóng cửa tàu lại!—Sáng-thế Ký 6:19-21; 7:5, 16.
Và rồi trận Đại Hồng Thủy kéo đến. Trời mưa suốt 40 ngày và 40 đêm. Sau đó, tất cả vẫn phải ở trong tàu cho đến khi nước rút, tổng cộng một năm trọn (Sáng-thế Ký 7:11, 12; 8:13-16). Toàn thể những người gian ác đều bị chết, chỉ còn Nô-ê và gia đình ông sống sót trên trái đất đã được tẩy sạch.
Kinh Thánh nói rằng trận lụt toàn cầu thời Nô-ê là “để làm gương”. Như thế nào? Kinh Thánh nói: “Trời đất thời bây giờ cũng. . . để dành cho lửa; lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán-xét và hủy-phá kẻ ác”. Tuy nhiên, cũng như thời Nô-ê, sẽ có người được sống sót. Bạn có thể tin chắc rằng “Chúa biết cứu-chữa những người tin-kính”, hay người kính sợ Ngài.—2 Phi-e-rơ 2:5, 6, 9; 3:7.
Nô-ê là một người kính sợ Đức Chúa Trời và sống ngay thẳng giữa xã hội gian ác. Ông vâng lời một cách tuyệt đối. Ông can đảm làm điều đúng dù biết mình sẽ bị những người không thờ phượng Đức Chúa Trời khinh bỉ và căm ghét. Chúng ta hãy noi gương ông. Làm thế, chúng ta cũng được ơn Đức Chúa Trời và có triển vọng được giải cứu để vào thế giới mới sắp đến.—Thi-thiên 37:9, 10.
[Chú thích]
a Xin xem bài “Họ có thật sự sống lâu đến thế không?” trong Tháp Canh số ra ngày 1 tháng 3 năm 2008, trang 30.
b Nơi Sáng-thế Ký 6:15, 16, từ “thước” được tính theo đơn vị đo đạc là cu-đê, tức khoảng cách từ khuỷu tay đến đầu ngón tay. Vào thời dân Y-sơ-ra-ên xưa, một cu-đê tương đương 44,5cm. Nếu tính theo con số này, kích thước của con tàu khoảng như sau: bề dài 134m, bề rộng 22m, bề cao 13m.
[Câu nổi bật nơi trang 5]
Có lẽ các truyền thuyết thời cổ đại mang dư âm những hành vi tàn ác của người Nê-phi-lim
[Hình nơi trang 7]
Noi theo đức tin của ông Nô-ê, chúng ta có thể được ơn của Đức Chúa Trời
[Nguồn tư liệu nơi trang 5]
Alinari/Art Resource, NY