Chúng ta phải tin tưởng vào Đức Giê-hô-va
“Đức Giê-hô-va là nơi nương-cậy của con” (CHÂM-NGÔN 3:26).
1. Dù nhiều người cho rằng họ tin cậy Đức Chúa Trời, điều gì cho thấy họ không luôn luôn tin cậy Ngài?
PHƯƠNG CHÂM “Chúng ta tin cậy nơi Đức Chúa Trời” xuất hiện trên tiền tệ của Hoa Kỳ. Nhưng tất cả những người dùng tiền này, trong hay ngoài nước, có thật sự tin cậy Đức Chúa Trời không? Hay là họ đặt tin cậy vào chính tiền bạc? Không thể nào vừa tin cậy vào tiền bạc của nước đó hay những nước khác, và vừa tin cậy vào Đức Chúa Trời toàn năng yêu thương, Đấng không bao giờ lạm dụng quyền hành của Ngài và không bao giờ tham lam. Thật vậy, Ngài lên án sự tham lam bằng những lời rất rõ ràng (Ê-phê-sô 5:5).
2. Các tín đồ thật của đấng Christ có thái độ nào đối với sự giàu có?
2 Tín đồ thật của đấng Christ tin cậy Đức Chúa Trời chứ không phải tiền bạc với “quyền lực giả dối” của nó (Ma-thi-ơ 13:22, NW). Họ nhận biết rằng quyền lực của tiền bạc rất là giới hạn trong việc đem lại hạnh phúc và gìn giữ mạng sống. Nhưng quyền lực của Đức Chúa Trời Toàn Năng thì không giới hạn như vậy (Sô-phô-ni 1:18). Vì vậy, lời khuyên này thật khôn ngoan biết bao: “Chớ tham tiền; hãy lấy điều mình có làm đủ rồi, vì chính Đức Chúa Trời có phán rằng: Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu” (Hê-bơ-rơ 13:5).
3. Văn cảnh nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:6 làm sáng tỏ lời trích dẫn của Phao-lô về câu đó như thế nào?
3 Khi viết những lời trên cho các tín đồ đấng Christ Hê-bơ-rơ, sứ đồ Phao-lô đã trích lời chỉ dẫn mà Môi-se đã cho dân Do Thái chẳng bao lâu trước khi ông chết: “Hãy vững lòng bền chí; chớ sợ chi và chớ kinh-khủng trước mặt các dân đó: vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đi cùng ngươi; Ngài chẳng lìa khỏi ngươi, chẳng từ-bỏ ngươi đâu” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:6). Văn cảnh ở đây cho thấy Môi-se đang khuyến khích họ tin tưởng Đức Giê-hô-va nhiều hơn là chỉ tin cậy rằng Ngài có thể ban cho họ những nhu cầu vật chất. Như vậy là thế nào?
4. Làm thế nào Đức Chúa Trời chứng tỏ cho dân Y-sơ-ra-ên thấy là Ngài có thể tin cậy được?
4 Trong 40 năm dân Y-sơ-ra-ên phải lưu lạc trong đồng vắng, Đức Chúa Trời đã thành tín cung cấp cho họ những thứ cần thiết trong đời sống (Phục-truyền Luật-lệ Ký 2:7; 29:5). Ngài cũng đã dẫn dắt họ. Sự kiện này được thấy qua việc Ngài dùng áng mây vào ban ngày và lửa vào ban đêm để đưa dân Y-sơ-ra-ên vào “xứ... đượm sữa và mật” (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:8; 40:36-38). Khi đến lúc để họ thật sự vào Đất Hứa, Đức Giê-hô-va chọn Giô-suê để kế vị Môi-se. Những dân bản xứ hẳn là sẽ chống lại họ. Nhưng Đức Giê-hô-va đã dẫn dân Ngài nhiều thập niên rồi, vì vậy họ không cần phải sợ. Dân Y-sơ-ra-ên có đủ mọi lý do để biết rằng Đức Giê-hô-va là Đức Chúa Trời có thể tin cậy được!
5. Tình trạng của tín đồ đấng Christ ngày nay tương tự như của dân Y-sơ-ra-ên trước khi vào Đất Hứa như thế nào?
5 Ngày nay tín đồ đấng Christ cũng đang đi trong đồng vắng của hệ thống gian ác hiện tại để tiến vào thế giới mới của Đức Chúa Trời. Một số người đã theo con đường này hơn 40 năm rồi. Bây giờ họ đang đứng trước ngưỡng cửa của thế giới mới của Đức Chúa Trời. Tuy nhiên, kẻ thù vẫn còn gây trở ngại, cố ý cản trở họ để không vào được đất giống như Đất Hứa, nhưng huy hoàng hơn đất đượm sữa và mật ngày xưa. Vì vậy, những lời của Môi-se được Phao-lô nhắc lại thật thích hợp cho các tín đồ đấng Christ ngày nay: “Ta sẽ chẳng lìa ngươi đâu, chẳng bỏ ngươi đâu”! Tất cả những người đứng vững và can đảm, đầy đức tin, đặt lòng tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va chắc chắn sẽ được tưởng thưởng.
Niềm tin tưởng dựa vào sự hiểu biết và tình bạn
6, 7. a) Điều gì đã thử thách lòng tin tưởng của Áp-ra-ham nơi Đức Giê-hô-va? b) Áp-ra-ham có thể đã cảm thấy như thế nào trên đường đi đến nơi mà ông phải dâng con là Y-sác?
6 Có một lần tổ phụ của dân Y-sơ-ra-ên là Áp-ra-ham được truyền lệnh dâng con là Y-sác để làm của-lễ thiêu (Sáng-thế Ký 22:2). Điều gì đã giúp cho người cha yêu thương này có sự tin tưởng vững vàng nơi Đức Giê-hô-va để ông sẵn lòng vâng lời ngay? Hê-bơ-rơ 11:17-19 trả lời: “Bởi đức-tin, Áp-ra-ham dâng Y-sác trong khi bị thử-thách: người là kẻ đã nhận-lãnh lời hứa, dâng con một mình, là về con đó mà Đức Chúa Trời có phán rằng: Ấy bởi trong Y-sác mà ngươi sẽ có một dòng-dõi lấy tên ngươi mà kêu. Người tự nghĩ rằng Đức Chúa Trời cũng có quyền khiến kẻ chết sống lại; cũng giống như từ trong kẻ chết mà người lại được con mình”.
7 Hãy nhớ rằng Áp-ra-ham và Y-sác phải đi cả ba ngày đường để đến nơi dâng của tế lễ (Sáng-thế Ký 22:4). Áp-ra-ham có nhiều thì giờ để xét lại những gì ông đã được phán bảo để làm. Chúng ta có thể nào tưởng tượng được cảm xúc và nỗi lòng của ông không? Sự ra đời của Y-sác là một niềm vui bất ngờ đến với ông. Sự can thiệp này của Đức Chúa Trời đã là bằng chứng giúp ông và người vợ son sẻ của ông là Sa-ra có sự gắn bó hơn nữa với Đức Chúa Trời. Sau đó họ chắc chắn đã sống trong mong đợi xem tương lai của Y-sác và con cháu của ông sẽ ra sao. Liệu niềm mơ ước của họ phải tan biến một cách bất ngờ, có lẽ tại vì điều mà Đức Chúa Trời đã phán bảo họ hay không?
8. Áp-ra-ham tin tưởng nơi Đức Chúa Trời nhiều hơn là chỉ tin Ngài có thể làm sống lại Y-sác như thế nào?
8 Tuy nhiên, niềm tin tưởng của Áp-ra-ham dựa vào sự hiểu biết mà chỉ những bạn thân nhau mới có được. Là “bạn Đức Chúa Trời”, Áp-ra-ham “tin Đức Chúa Trời, và điều đó kể là công-bình cho người” (Gia-cơ 2:23). Niềm tin tưởng của Áp-ra-ham nơi Đức Giê-hô-va không phải chỉ có việc tin rằng Đức Chúa Trời có thể làm Y-sác sống lại, mà còn hơn thế nữa. Áp-ra-ham cũng tin rằng điều Đức Giê-hô-va bảo ông làm là đúng, mặc dù Áp-ra-ham không biết hết mọi sự việc. Ông không có lý do gì để thắc mắc rằng Đức Giê-hô-va có công bình khi bảo ông làm thế hay không. Sau đó, lòng tin cậy của Áp-ra-ham đã được củng cố khi thiên sứ của Đức Giê-hô-va can thiệp để Y-sác không bị dâng làm của-lễ (Sáng-thế Ký 22:9-14).
9, 10. a) Có lần nào trước đó Áp-ra-ham đã tỏ lòng tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va? b) Chúng ta có thể rút tỉa được bài học quan trọng nào qua Áp-ra-ham?
9 Áp-ra-ham đã tỏ lòng tin tưởng như thế nơi sự công bình của Đức Giê-hô-va khoảng 25 năm trước đó. Được báo trước về việc Sô-đôm và Gô-mô-rơ sẽ bị hủy diệt, hẳn nhiên là ông quan tâm đến sự an toàn của bất cứ người công bình nào sống ở đó, kể cả cháu ông là Lót. Áp-ra-ham khẩn khoản cầu xin Đức Chúa Trời bằng những lời này: “Không lẽ nào Chúa làm điều như vậy, diệt người công-bình luôn với kẻ độc-ác; đến đỗi kể người công-bình cũng như người độc-ác. Không, Chúa chẳng làm điều như vậy bao giờ! Đấng đoán-xét toàn thế-gian, há lại không làm sự công-bình sao?” (Sáng-thế Ký 18:25).
10 Tộc trưởng Áp-ra-ham tin chắc rằng Đức Giê-hô-va không bao giờ làm điều gì không công bình. Người viết Thi-thiên sau đó đã hát: “Đức Giê-hô-va là công-bình trong mọi đường Ngài, hay làm ơn trong mọi công-việc Ngài” (Thi-thiên 145:17). Chúng ta nên tự hỏi: ‘Tôi có chấp nhận những điều Đức Giê-hô-va cho phép tôi trải qua mà không nghi ngờ về sự công bình của Ngài không? Tôi có tin rằng bất cứ điều gì Ngài cho phép sẽ có lợi cho tôi và cho người khác không?’ Nếu trả lời có, chúng ta đã rút tỉa được một bài học quan trọng qua Áp-ra-ham.
Tỏ lòng tin tưởng nơi sự chọn lựa của Đức Giê-hô-va
11, 12. a) Các tôi tớ của Đức Chúa Trời cần phải tin tưởng nơi ai? b) Điều gì đôi khi có thể là vấn đề cho chúng ta?
11 Những người tin tưởng Đức Giê-hô-va cũng sẽ tin tưởng những người mà Đức Giê-hô-va chọn để dùng trong việc thực hiện ý định của Ngài. Đối với dân Y-sơ-ra-ên, điều này có nghĩa là tỏ lòng tin tưởng nơi Môi-se và sau đó nơi người kế vị ông là Giô-suê. Đối với các tín đồ đấng Christ thời ban đầu, điều này có nghĩa là tỏ lòng tin tưởng nơi các sứ đồ và những trưởng lão của hội thánh Giê-ru-sa-lem. Đối với chúng ta ngày nay, điều này có nghĩa là tin tưởng nơi “đầy-tớ trung-tín và khôn-ngoan” đã được bổ nhiệm để cho chúng ta “đồ-ăn” thiêng liêng “đúng giờ”, cũng như những người hợp thành Hội Đồng Lãnh Đạo Trung Ương (Ma-thi-ơ 24:45).
12 Thật ra việc đặt tin tưởng nơi những người dẫn đầu trong hội thánh tín đồ đấng Christ là có lợi cho chính chúng ta. Chúng ta được dặn rằng: “Hãy vâng lời kẻ dắt-dẫn anh em và chịu phục các người ấy,—bởi các người ấy tỉnh-thức về linh-hồn anh em, dường như phải khai-trình,—hầu cho các người ấy lấy lòng vui-mừng mà làm xong chức-vụ mình, không phàn-nàn chi, vì ấy chẳng ích-lợi gì cho anh em” (Hê-bơ-rơ 13:17).
Tránh phê bình sự lựa chọn của Đức Giê-hô-va
13. Chúng ta có lý do nào để tin tưởng những người được bổ nhiệm để dẫn đầu?
13 Kinh-thánh giúp chúng ta giữ thăng bằng trong việc tỏ lòng tin tưởng nơi những người dẫn dắt dân của Đức Giê-hô-va. Chúng ta có thể tự hỏi: ‘Môi-se có bao giờ lầm lỗi không? Các sứ đồ có luôn luôn tỏ thái độ giống như đấng Christ mà Chúa Giê-su muốn họ có không?’ Câu trả lời quá rõ ràng. Đức Giê-hô-va đã chọn những người trung thành và tận tụy để hướng dẫn dân Ngài, mặc dù họ là những người bất toàn. Vì vậy, dù các trưởng lão ngày nay là bất toàn, chúng ta vẫn phải thừa nhận rằng họ “[được] Đức Thánh-Linh [bổ nhiệm để làm] kẻ coi-sóc, để chăn Hội-thánh của Đức Chúa Trời”. Họ đáng được chúng ta ủng hộ và kính trọng (Công-vụ các Sứ-đồ 20:28).
14. Có điều gì đáng chú ý về việc Đức Giê-hô-va chọn Môi-se thay vì A-rôn hay là Mi-ri-am để làm người lãnh đạo?
14 A-rôn hơn Môi-se ba tuổi, nhưng cả hai đều nhỏ hơn người chị là Mi-ri-am (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:3, 4; 7:7). Và vì A-rôn nói năng lưu loát hơn Môi-se, nên được bổ nhiệm để làm phát ngôn viên cho em ông (Xuất Ê-díp-tô Ký 6:29–7:2). Tuy nhiên, để dẫn dân Y-sơ-ra-ên đi, Đức Giê-hô-va đã không chọn người lớn tuổi nhất là Mi-ri-am, hoặc người nói năng lưu loát nhất là A-rôn, mà Ngài chọn Môi-se, sau khi đã nhận biết hết mọi sự kiện và nhu cầu vào lúc đó. Có một thời vì thiếu sự hiểu biết rõ ràng về điều này, A-rôn và Mi-ri-am đã phàn nàn: “Đức Giê-hô-va há chỉ dùng một mình Môi-se mà phán sao? Ngài há không dùng chúng ta mà phán nữa sao?” Mi-ri-am, có thể là người xúi giục chính, đã bị trừng phạt vì thái độ bất kính đối với người Đức Giê-hô-va lựa chọn, người mà bà và A-rôn đáng lẽ phải nhìn nhận là “rất khiêm-hòa hơn mọi người trên thế-gian” (Dân-số Ký 12:1-3, 9-15).
15, 16. Ca-lép chứng tỏ ông tin tưởng Đức Giê-hô-va như thế nào?
15 Khi 12 người được sai đi để do thám Đất Hứa, 10 người đã báo cáo một cách tiêu cực. Họ làm dân Y-sơ-ra-ên sợ hãi bằng cách nói về dân Ca-na-an là “kẻ hình-vóc cao-lớn”. Điều này khiến cho dân Y-sơ-ra-ên “lằm-bằm cùng Môi-se và A-rôn”. Nhưng không phải tất cả do thám đều tỏ ra thiếu tin tưởng vào Môi-se và vào Đức Giê-hô-va. Chúng ta đọc: “Ca-lép bèn làm cho dân-sự, đương lằm-bằm cùng Môi-se nín-lặng đi, mà nói rằng: Chúng ta hãy đi lên và chiếm xứ đi, vì chúng ta thắng hơn được” (Dân-số Ký 13:2, 25-33; 14:2). Người cùng đi do thám với Ca-lép là Giô-suê cũng có lập trường vững chắc như Ca-lép. Cả hai đều cho thấy họ tin tưởng vào Đức Giê-hô-va khi họ nói: “Nếu Đức Giê-hô-va đẹp lòng cùng chúng ta, ắt sẽ đem chúng ta vào xứ nầy mà ban cho; ấy là một xứ đượm sữa và mật. Chỉ... đừng sợ dân của xứ,... Đức Giê-hô-va ở cùng ta. Chớ sợ chi” (Dân-số Ký 14:6-9). Sự tin tưởng vào Đức Giê-hô-va đã được tưởng thưởng. Trong số những người trưởng thành thuộc thế hệ đó, chỉ có Ca-lép, Giô-suê và một số người Lê-vi được đặc ân vào Đất Hứa.
16 Ít năm sau, Ca-lép nói: “Còn tôi trung-thành vâng theo Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tôi... Kìa, trong bốn mươi lăm năm nay, từ khi Ngài phán lời nầy cùng Môi-se, đương khi Y-sơ-ra-ên còn đi trong đồng vắng, Đức Giê-hô-va đã bảo-tồn sanh-mạng tôi đến bây giờ, và ngày nay tôi được tám mươi lăm tuổi. Rày tôi cũng còn mạnh-khỏe như ngày Môi-se sai tôi đi; tôi vẫn còn sức mà tôi có hồi đó” (Giô-suê 14:6-11). Hãy chú ý đến thái độ lạc quan của Ca-lép, lòng trung thành và sức khỏe ông có. Nhưng Đức Giê-hô-va đã không chọn Ca-lép làm người kế vị Môi-se. Ngài ban cho Giô-suê đặc ân này. Chúng ta có thể tin tưởng rằng Đức Giê-hô-va đã có lý do để chọn lựa như thế và đó là sự chọn lựa tốt nhất.
17. Điều gì có vẻ đã làm cho Phi-e-rơ không đủ tiêu chuẩn để lãnh trách nhiệm?
17 Sứ đồ Phi-e-rơ đã chối Chúa ba lần. Ông cũng đã liều lĩnh tự giải quyết vấn đề, chém đứt tai người đầy tớ của thầy cả thượng phẩm (Ma-thi-ơ 26:47-55, 69-75; Giăng 18:10, 11). Một số người có thể nói rằng Phi-e-rơ là người nhút nhát, không thăng bằng, không đáng để hưởng đặc ân. Nhưng ai đã được ban cho chìa khóa Nước Trời, được đặc ân mở đường cho ba nhóm người để lên trời? Chính là Phi-e-rơ (Công-vụ các Sứ-đồ 2:1-41; 8:14-17; 10:1-48).
18. Như Giu-đe đã đề cập đến, chúng ta nên tránh lỗi lầm nào?
18 Những gương này cho thấy rằng chúng ta phải cẩn thận chớ phán đoán theo vẻ bề ngoài. Nếu chúng ta tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ không nghi ngờ sự chọn lựa của Ngài. Mặc dù hội thánh của Ngài trên đất gồm có những người bất toàn, họ không tự cho là không bao giờ lầm lỗi, nhưng Ngài dùng họ để thực hiện những việc to lớn. Giu-đe, em cùng mẹ khác cha của Chúa Giê-su, đã cảnh giác những tín đồ đấng Christ trong thế kỷ thứ nhất về những kẻ “khinh-dể quyền-phép rất cao và nói hỗn các đấng tôn-trọng” (Giu-đe 8-10). Chúng ta chớ bao giờ giống như họ.
19. Tại sao chúng ta không có lý do gì để phê bình sự lựa chọn của Đức Giê-hô-va?
19 Đức Giê-hô-va dường như quyết định giao một số trách nhiệm nào đó cho những người có đức tính đặc biệt cần thiết để hướng dẫn dân Ngài theo cách Ngài muốn họ đi trong khoảng thời gian đặc biệt đó. Chúng ta phải cố gắng để nhìn biết sự kiện này, chứ đừng phê bình sự lựa chọn của Đức Chúa Trời, nhưng vui lòng khiêm nhường phụng sự trong vai trò mà Đức Chúa Trời đã đặt mỗi người chúng ta. Làm thế, chúng ta cho thấy mình tin tưởng vào Đức Giê-hô-va (Ê-phê-sô 4:11-16; Phi-líp 2:3).
Tỏ lòng tin tưởng vào sự công bình của Đức Giê-hô-va
20, 21. Chúng ta học được điều gì về cách Đức Chúa Trời đối đãi với Môi-se?
20 Nếu đôi khi chúng ta thấy mình có chiều hướng tự tin quá nhiều và tin tưởng Đức Giê-hô-va quá ít, chúng ta hãy học qua gương của Môi-se. Lúc 40 tuổi, ông đã tự ý giải thoát dân Y-sơ-ra-ên khỏi ách gông cùm của người Ai Cập. Chắc chắn ông có ý tốt khi làm thế, nhưng không đem lại sự giải thoát cho Y-sơ-ra-ên ngay lập tức, và cũng không làm cho tình trạng của ông tốt hơn. Thật ra ông buộc lòng phải chạy trốn. Chỉ sau khi trải qua 40 năm huấn luyện gian khổ nơi xứ lạ ông mới hội đủ điều kiện để được chọn làm những điều mà trước kia ông muốn làm. Lần này, ông có thể tin tưởng nơi sự hỗ trợ của Đức Giê-hô-va bởi vì bấy giờ mọi sự được làm theo cách của Đức Giê-hô-va vào lúc thích hợp với thời khóa biểu của Ngài (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:11–3:10).
21 Mỗi người chúng ta có thể tự hỏi: ‘Đôi khi tôi có cố làm trước những điều theo ý mình, không đợi Đức Giê-hô-va và các trưởng lão được bổ nhiệm trong hội thánh giải quyết không? Thay vì cảm thấy mình bị bỏ sót không được giữ một đặc ân nào đó, tôi có sẵn sàng để được tiếp tục huấn luyện hay không?’ Trên căn bản, chúng ta có học được bài học quan trọng của Môi-se không?
22. Dù bị mất đặc ân lớn, Môi-se cảm thấy như thế nào về Đức Giê-hô-va?
22 Hơn nữa, chúng ta có thể học được bài học khác của Môi-se. Dân-số Ký 20:7-13 cho chúng ta biết về một lỗi lầm mà ông đã phạm khiến cho ông phải trả một giá rất cao. Ông bị mất đặc ân đưa dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa. Lúc đó, ông có cho rằng quyết định của Đức Giê-hô-va về vấn đề này là bất công không? Ông có thu mình vào một góc, hờn dỗi bởi vì Đức Chúa Trời đã đối xử với ông một cách bất công không? Môi-se có mất tin tưởng nơi sự công bình của Đức Giê-hô-va không? Chúng ta tìm thấy câu trả lời qua chính lời của Môi-se nói với dân Y-sơ-ra-ên chẳng bao lâu trước khi ông chết. Môi-se nói về Đức Giê-hô-va: “Công-việc của Hòn-Đá là trọn-vẹn; vì các đường-lối Ngài là công-bình. Ấy là Đức Chúa Trời thành-tín và vô-tội; Ngài là công-bình và chánh-trực” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4). Chắc chắn Môi-se đã giữ được lòng tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va cho đến cuối cùng. Về phần chúng ta thì sao? Mỗi người chúng ta có áp dụng các biện pháp để củng cố lòng tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va và sự công bình của Ngài không? Chúng ta có thể làm gì? Chúng ta hãy xem.
Bạn trả lời như thế nào?
◻ Dân Y-sơ-ra-ên có lý do gì để tin cậy Đức Giê-hô-va?
◻ Về sự tin tưởng, chúng ta có thể học được điều gì qua Áp-ra-ham?
◻ Tại sao chúng ta nên tránh phê bình sự lựa chọn của Đức Giê-hô-va?
[Hình nơi trang 13]
Tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va bao hàm việc kính trọng những người dẫn đầu trong hội thánh