Lỗi tại ai?—Tại bạn hay gien của bạn?
CÁC nhà khoa học đang làm việc cật lực nhằm tìm ra nguyên nhân di truyền dẫn đến những điều như nghiện rượu, đồng tính luyến ái, lang chạ tình dục, bạo lực, hành vi khác thường và ngay cả sự chết. Chẳng phải là dễ chịu hơn sao khi biết rằng chúng ta không chịu trách nhiệm về những hành động của mình nhưng chỉ là nạn nhân của cấu trúc di truyền? Bản chất của con người là đổ lỗi cho ai đó hoặc cái gì khác khi mình phạm sai lầm.
Nếu lý do là tại gien, các nhà khoa học đưa ra khả năng thay đổi chúng, loại bỏ những nét không đáng chuộng qua kỹ thuật di truyền. Một thành công mới đây trong việc định vị toàn bộ hệ gien của con người đã đẩy mạnh thêm kỳ vọng này.
Tuy nhiên, viễn tượng này dựa trên giả định cho rằng di sản gien của chúng ta quả thật là thủ phạm chịu trách nhiệm về tất cả tội lỗi và sai lầm của chúng ta. Những nhà thám tử khoa học đã tìm ra được đủ chứng cớ để dựng lên vụ án chống lại gien của chúng ta chưa? Hiển nhiên, lời giải đáp sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến việc chúng ta tự xem mình và thấy được tương lai mình như thế nào. Thế nhưng, trước khi xem xét chứng cớ, việc xem xét nguồn gốc nhân loại sẽ làm sáng tỏ vấn đề.
Mọi việc đã khởi sự như thế nào
Hầu hết mọi người đều quen thuộc, hoặc ít nhất đã nghe qua, về sự sa ngã của cặp vợ chồng đầu tiên, A-đam và Ê-va, trong vườn Ê-đen. Có phải họ đã được dựng nên với một khiếm khuyết bản chất nào đó trong gien ngay từ lúc đầu, một loại khuyết điểm về thiết kế đã khiến họ phạm tội và bất tuân không?
Đấng Tạo Hóa của họ, Giê-hô-va Đức Chúa Trời, mà mọi công trình của Ngài đều trọn vẹn, tuyên bố rằng tạo vật tối hậu của Ngài trên đất là “thật rất tốt-lành”. (Sáng-thế Ký 1:31; Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4) Bằng chứng khác về việc Ngài hài lòng với công trình của Ngài là sự kiện Ngài ban phước cho cặp vợ chồng đầu tiên và truyền lệnh họ sinh sản thêm nhiều, làm cho đầy dẫy loài người trên đất, và chăm sóc công trình sáng tạo trên đất của Ngài—đây chắc chắn không phải là hành động của ai đó hoang mang về công trình do tay mình làm ra.—Sáng-thế Ký 1:28.
Kinh Thánh thuật lại cho chúng ta về việc sáng tạo cặp vợ chồng đầu tiên: “Đức Chúa Trời dựng nên loài người như hình Ngài; Ngài dựng nên loài người giống như hình Đức Chúa Trời; Ngài dựng nên người nam cùng người nữ”. (Sáng-thế Ký 1:27) Điều này không có nghĩa là loài người được tạo nên giống Đức Chúa Trời về ngoại hình thể xác, vì “Đức Chúa Trời là Thần”. (Giăng 4:24) Nói đúng hơn, điều này có nghĩa là những tạo vật loài người được phú cho những đức tính giống như Đức Chúa Trời và một ý thức luân lý, một lương tâm. (Rô-ma 2:14, 15) Họ cũng là những người có quyền tự do ý chí, có khả năng cân nhắc và quyết định phải hành động như thế nào.
Tuy nhiên, cha mẹ đầu tiên của chúng ta đã không thiếu sự chỉ dẫn. Trái lại, họ được báo cho biết trước về những hậu quả của việc phạm tội. (Sáng-thế Ký 2:17) Do đó bằng chứng cho thấy rằng khi A-đam đứng trước một quyết định về đạo đức, ông đã chọn làm điều dường như lúc bấy giờ có lợi cho ông. Ông đã hùa theo vợ phạm sai lầm thay vì xem xét mối quan hệ của ông với Đấng Tạo Hóa hoặc những hậu quả lâu dài về hành động của ông. Sau đó ông cũng tìm cách đổ lỗi cho Đức Giê-hô-va, nói rằng người vợ mà Ngài ban đã lừa dối ông.—Sáng-thế Ký 3:6, 12; 1 Ti-mô-thê 2:14.
Phản ứng của Đức Chúa Trời đối với tội lỗi của A-đam và Ê-va làm sáng tỏ vấn đề. Ngài không cố sửa chữa ‘khuyết điểm thiết kế’ nào đó trong gien của họ. Trái lại, Ngài đã thi hành những gì Ngài đã báo trước về hậu quả của việc họ làm, điều cuối cùng đã dẫn họ đến sự chết. (Sáng-thế Ký 3:17-19) Lịch sử ban đầu này làm sáng tỏ nhiều về bản chất hạnh kiểm của loài người.a
Bằng chứng nghịch lại sinh học
Trong một thời gian dài, các nhà khoa học bắt tay vào một công trình to tát là tìm ra nguyên nhân và liệu pháp dựa vào tính di truyền cho bệnh lý và cách cư xử của loài người. Sau mười năm tìm tòi của sáu nhóm nghiên cứu, họ đã đặc biệt chú ý đến gien có liên hệ tới bệnh Huntington, dù các nhà nghiên cứu không tài nào biết được gien gây ra bệnh như thế nào. Tuy nhiên, tường trình về cuộc nghiên cứu này, tờ Scientific American trích dẫn lời của nhà sinh vật học Evan Balaban tại đại học Harvard, nói rằng “hầu như thật khó khám phá ra được gien nào đó gây rối loạn về cách cư xử”.
Thật vậy, việc cố gắng nghiên cứu để liên kết những gien cụ thể nào với cách cư xử của loài người đều thất bại. Chẳng hạn, trong tờ Psychology Today, một bài tường thuật về những nỗ lực tìm kiếm nguyên nhân di truyền dẫn đến tình trạng buồn nản nói: “Các dữ kiện dịch tễ về các chứng bệnh tâm thần trầm trọng xác minh rằng bệnh tâm thần không thể chỉ là nguyên nhân đơn thuần do gien”. Bài tường thuật nêu ra một ví dụ: “Một phần trăm người Mỹ sinh trước năm 1905 có nguy cơ bị buồn nản ở tuổi 75. Trong số những người Mỹ sinh ra vào nửa thế kỷ sau đó, 6 phần trăm bị buồn nản ở tuổi 24!” Do đó bài tường thuật kết luận rằng chỉ những yếu tố bên ngoài hoặc xã hội mới có thể gây ra những thay đổi lớn lao ấy trong thời gian ngắn như thế.
Những cuộc nghiên cứu này và nhiều cuộc nghiên cứu khác cho chúng ta biết điều gì? Dù gien có thể đóng vai trò trong việc hình thành nhân cách của chúng ta, rõ ràng cũng có những ảnh hưởng khác. Một yếu tố quan trọng là môi trường của chúng ta chịu những thay đổi sâu xa thời nay. Liên quan đến những điều mà giới trẻ tiếp cận trong ngành giải trí thịnh hành, cuốn sách Boys Will Be Boys nhận xét là trẻ con chắc hẳn sẽ không phát triển những nguyên tắc đạo đức lành mạnh khi chúng “lớn lên dành hàng chục ngàn giờ xem chương trình truyền hình và phim ảnh trong đó người ta bị hành hung, bị bắn, bị đâm, bị mổ bụng moi ruột, bị chặt từng khúc, lột da, hoặc lóc khớp (chặt chân tay), khi trẻ con lớn lên nghe âm nhạc ca tụng việc hiếp dâm, tự tử, ma túy, uống rượu và thái độ cố chấp”.
Rõ ràng, Sa-tan, “vua-chúa của thế-gian nầy”, đã hình thành một môi trường phục vụ cho những dục vọng thấp hèn của con người. Và ai có thể phủ nhận sự ảnh hưởng mạnh mẽ của một môi trường như thế đối với tất cả chúng ta?—Giăng 12:31; Ê-phê-sô 6:12; Khải-huyền 12:9, 12.
Nguồn gốc sự khó khăn của loài người
Như chúng ta đã thấy, những vấn đề khó khăn của loài người bắt đầu từ khi cặp vợ chồng đầu tiên phạm tội. Hậu quả là gì? Dù những thế hệ con cháu A-đam không chịu trách nhiệm về tội lỗi của ông, nhưng tất cả họ đều sinh ra trong tội lỗi, sự bất toàn, và gánh chịu sự chết. Kinh Thánh giải thích: “Cho nên, như bởi một người mà tội-lỗi vào trong thế-gian, lại bởi tội-lỗi mà có sự chết, thì sự chết đã trải qua trên hết thảy mọi người như vậy, vì mọi người đều phạm tội”.—Rô-ma 5:12.
Sự bất toàn của con người đặt họ vào thế bất lợi rõ rệt. Nhưng điều đó không miễn trừ họ khỏi mọi trách nhiệm đạo đức. Kinh Thánh cho biết rằng những ai đặt đức tin nơi sự cung cấp của Đức Giê-hô-va về sự sống và sống phù hợp với những tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời sẽ được Ngài chấp nhận. Bởi lòng yêu thương nhân từ của Ngài, Đức Giê-hô-va ban một sự cung cấp đầy thương xót để cứu chuộc loài người, như thể mua lại, điều mà A-đam đã đánh mất. Sự cung cấp đó là sự hy sinh làm giá chuộc của Con hoàn toàn của Ngài, Chúa Giê-su Christ, đấng đã phán: “Đức Chúa Trời yêu-thương thế-gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư-mất mà được sự sống đời đời”.—Giăng 3:16; 1 Cô-rinh-tô 15:21, 22.
Sứ đồ Phao-lô bày tỏ sự biết ơn sâu xa về sự cung cấp này. Ông kêu lên: “Khốn-nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân-thể hay chết nầy? Cảm-tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus-Christ, là Chúa chúng ta!” (Rô-ma 7:24, 25) Phao-lô biết rằng nếu ông sa ngã trước tội lỗi vì cớ sự yếu đuối, ông có thể xin Đức Chúa Trời tha thứ dựa trên sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Christ.b
Ngày nay, như trong thế kỷ thứ nhất, nhiều người trước đây từng có đời sống rất xấu xa hoặc ở trong tình trạng dường như vô vọng, nay đã thu thập được sự hiểu biết chính xác về lẽ thật của Kinh Thánh, họ làm những thay đổi cần thiết, và xứng đáng nhận được ân phước của Đức Chúa Trời. Những thay đổi họ phải thực hiện không dễ, và nhiều người vẫn còn phải chống trả với những khuynh hướng xấu. Nhưng với sự giúp đỡ của Đức Chúa Trời, họ có thể giữ sự trung kiên và tìm được sự vui mừng trong việc phụng sự Ngài. (Phi-líp 4:13) Ta hãy xem xét trường hợp của một người đã thực hiện những thay đổi rất lớn để làm hài lòng Đức Chúa Trời.
Một kinh nghiệm khích lệ
“Khi còn là học sinh nội trú, tôi đã dính líu đến những thực hành đồng tính luyến ái, dù tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một kẻ đồng tính luyến ái. Cha mẹ tôi đã ly dị, còn tôi thì khát khao tình yêu thương của cha mẹ mà chẳng bao giờ nhận được. Sau khi ra trường, tôi phải nhập ngũ. Có một nhóm đồng tính luyến ái trong các doanh trại kế cận. Tôi thèm muốn lối sống của họ, nên bắt đầu giao du với họ. Sau khi kết hợp với họ được một năm, tôi bắt đầu nghĩ mình là một kẻ đồng tính luyến ái. Tôi lý luận: ‘Tôi sinh ra là như vậy, và tôi không thể làm gì khác được’.
“Tôi bắt đầu học nói loại tiếng lóng của họ và lui tới những câu lạc bộ đồng tính luyến ái, nơi người ta có thể tha hồ dùng ma túy và rượu. Mặc dù vẻ bề ngoài mọi việc hình như rất lý thú và hấp dẫn, thực tế lại đáng ghê tởm. Từ đáy lòng, tôi cảm biết rằng loại quan hệ này trái với tự nhiên và bấp bênh.
“Tại một thị trấn nhỏ, tôi đi ngang qua một Phòng Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va trong lúc họ đang nhóm họp. Tôi ghé vào và lắng nghe bài giảng nói về những tình trạng Địa Đàng tương lai. Sau đó tôi gặp một số Nhân Chứng và được mời tham dự một hội nghị. Tôi đã đến hội nghị và đó là một khám phá cho tôi—chứng kiến những gia đình hạnh phúc cùng nhau thờ phượng. Tôi bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng.
“Mặc dù rất cam go đối với tôi, nhưng tôi bắt đầu áp dụng những điều học được từ Kinh Thánh và từ bỏ tất cả những thực hành ô uế trước đây. Sau khi học được 14 tháng, tôi dâng mình cho Đức Giê-hô-va và làm báp têm. Lần đầu tiên trong đời, tôi có những người bạn thật. Tôi đã có thể giúp những người khác học lẽ thật từ Kinh Thánh, và bây giờ tôi phụng sự với tư cách một tôi tớ thánh chức trong hội thánh tín đồ Đấng Christ. Đức Giê-hô-va đã thật sự ban phước cho tôi”.
Chúng ta chịu trách nhiệm
Cứ hoàn toàn đổ lỗi cho gien về hành vi xấu của mình không phải là giải pháp. Thay vì giúp chúng ta giải quyết và khắc phục những vấn đề khó khăn của mình, tờ Psychology Today lưu ý rằng làm như thế “có thể tập cho chúng ta tính ỷ lại là cội rễ của nhiều vấn đề khó khăn của mình. Thay vì làm giảm bớt nguy cơ vấp phải những vấn đề khó khăn này, điều này hình như lại đổ dầu vào lửa”.
Đúng là chúng ta phải chống trả với những lực lượng đối lập mãnh liệt, bao gồm những khuynh hướng tội lỗi của chúng ta và những nỗ lực của Sa-tan nhằm làm cho chúng ta bất tuân Đức Chúa Trời. (1 Phi-e-rơ 5:8) Cũng đúng là gien của chúng ta có thể ảnh hưởng chúng ta theo cách này hay cách khác. Nhưng chắc chắn chúng ta không vô phương tự vệ. Tín đồ thật của Đấng Christ có đồng minh hùng hậu—Đức Giê-hô-va, Chúa Giê-su Christ, thánh linh của Đức Chúa Trời, Lời Ngài là Kinh Thánh và hội thánh tín đồ Đấng Christ.—1 Ti-mô-thê 6:11, 12; 1 Giăng 2:1.
Trước khi dân Y-sơ-ra-ên vào được Đất Hứa, Môi-se đã nhắc nhở dân sự về trách nhiệm của họ trước mặt Đức Chúa Trời, rằng: “Ta đã đặt trước mặt ngươi sự sống và sự chết, sự phước-lành và sự rủa-sả. Vậy, hãy chọn sự sống, hầu cho ngươi và dòng-dõi ngươi được sống, thương-mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, vâng theo tiếng phán Ngài, và tríu-mến Ngài”. (Phục-truyền Luật-lệ Ký 30:19, 20, chúng tôi viết nghiêng) Ngày nay cũng vậy, mỗi người có ý thức trách nhiệm buộc phải quyết định cho riêng mình về việc phụng sự Đức Chúa Trời và đáp ứng những đòi hỏi của Ngài. Sự lựa chọn này là của bạn.—Ga-la-ti 6:7, 8.
[Chú thích]
a Xem Tỉnh Thức! (Anh ngữ), ngày 22-9-1996, trang 3-8.
b Xem sách Sự hiểu biết dẫn đến sự sống đời đời, trang 62-69, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.
[Các hình nơi trang 9]
Phải chăng sự khiếm khuyết nào đó trong gien đã khiến A-đam và Ê-va phạm tội?
[Các hình nơi trang 10]
Mỗi người có nên gánh lấy trách nhiệm về quyết định của mình không?
[Nguồn tư liệu]
Một người dùng ma túy: Godo-Foto
[Hình nơi trang 11]
Những nỗ lực để tìm kiếm nguyên nhân di truyền chi phối cách cư xử của loài người đã thất bại
[Hình nơi trang 12]
Áp dụng những điều Kinh Thánh nói có thể giúp những người thành thật thay đổi