Những người nữ làm vui lòng Đức Giê-hô-va
“Nguyện Đức Giê-hô-va báo-đáp điều nàng đã làm;... cầu-xin Ngài thưởng cho nàng cách trọn-vẹn”.—RU-TƠ 2:12.
1, 2. Chúng ta có thể được lợi ích như thế nào khi suy ngẫm về những gương trong Kinh Thánh của những người nữ làm Đức Giê-hô-va vui lòng?
LÒNG kính sợ Đức Chúa Trời đã thúc đẩy hai người đàn bà cãi lệnh Pha-ra-ôn. Đức tin thúc đẩy một kỹ nữ liều mạng để bảo vệ hai do thám người Y-sơ-ra-ên. Sự khôn ngoan và khiêm nhường trong cơn khủng hoảng đã giúp một phụ nữ bảo toàn mạng sống nhiều người và ngăn cản người được xức dầu của Đức Giê-hô-va làm đổ huyết. Đức tin nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời cùng với tình thần hiếu khách đã thúc đẩy một bà góa nhường phần ăn cuối cùng của mình và con cho nhà tiên tri của Đức Chúa Trời. Đây chỉ là một số trong nhiều gương mà Kinh Thánh nói đến về những phụ nữ làm vui lòng Đức Giê-hô-va.
2 Quan điểm của Đức Giê-hô-va đối với những phụ nữ như thế và ân phước Ngài ban cho họ cho thấy điều làm Ngài hài lòng hơn hết là những đức tính thiêng liêng; điều này quan trọng hơn yếu tố giới tính. Trong thế giới quá bận tâm đến vật chất ngày nay, dành ưu tiên cho tình trạng thiêng liêng là cả một thử thách. Nhưng thử thách đó có thể vượt qua, như được chứng tỏ bởi hàng triệu phụ nữ kính sợ Đức Chúa Trời, là số đông trong dân Đức Chúa Trời ngày nay. Những nữ tín đồ Đấng Christ đó noi theo đức tin, sự khôn ngoan, lòng hiếu khách và các đức tính khác của những phụ nữ kính sợ Đức Chúa Trời được nói đến trong Kinh Thánh. Dĩ nhiên, nam tín đồ Đấng Christ cũng nên noi theo các đức tính của những phụ nữ mẫu mực như thế thời xưa. Để biết chúng ta có thể làm điều này một cách đầy đủ hơn như thế nào, hãy xem xét chi tiết những lời tường thuật của Kinh Thánh về những người nữ được đề cập ở đoạn đầu.—Rô-ma 15:4; Gia-cơ 4:8.
Hai người nữ cãi lệnh Pha-ra-ôn
3, 4. (a) Tại sao Siếp-ra và Phu-a không vâng lời Pha-ra-ôn khi ông ra lệnh giết hết những bé trai sơ sinh Y-sơ-ra-ên? (b) Nhờ can đảm và kính sợ Đức Chúa Trời, hai bà mụ này đã được Đức Giê-hô-va ban thưởng như thế nào?
3 Tại những cuộc xét xử Nuremberg, diễn ra ở Đức sau Thế Chiến II, nhiều người bị tòa tuyên bố phạm tội giết người hàng loạt đã cố biện minh cho tội ác họ đã phạm bằng lý lẽ họ chỉ vâng theo mệnh lệnh. Vậy hãy so sánh những người này với hai bà mụ người Y-sơ-ra-ên là Siếp-ra và Phu-a, hai phụ nữ sống ở Ai-Cập cổ xưa dưới triều đại của một Pha-ra-ôn bạo ngược không được nêu tên. Vì dân số Hê-bơ-rơ đang phát triển nhanh nên Pha-ra-ôn sợ, ra lệnh cho hai bà mụ phải giết hết những bé trai sơ sinh Hê-bơ-rơ. Hai phụ nữ này đã phản ứng ra sao trước mệnh lệnh tàn ác đó? Họ “chẳng làm theo lời vua Ê-díp-tô phán dặn, đều để cho các con trai sống hết”. Tại sao hai phụ nữ này không sợ loài người? Vì họ “kính-sợ Đức Chúa Trời”.—Xuất Ê-díp-tô Ký 1:15, 17; Sáng-thế Ký 9:6.
4 Đúng vậy, hai bà mụ nương náu nơi Đức Giê-hô-va, và Ngài đã chứng tỏ là “cái thuẫn” cho họ, che chở họ khỏi sự phẫn nộ của Pha-ra-ôn. (2 Sa-mu-ên 22:31; Xuất Ê-díp-tô Ký 1:18-20) Nhưng ân phước Đức Giê-hô-va không chỉ có vậy. Ngài thưởng cho Siếp-ra và Phu-a có con cái để nối dòng. Ngài còn ban cho hai phụ nữ này vinh dự được có tên và thành tích ghi trong Lời được soi dẫn của Ngài để các thế hệ sau có thể đọc, trong khi tên của Pha-ra-ôn này đã đi vào quên lãng.—Xuất Ê-díp-tô Ký 1:21; Tòa Tổng Giám Mục; 1 Sa-mu-ên 2:30b; Châm-ngôn 10:7.
5. Bằng cách nào nhiều nữ tín đồ Đấng Christ ngày nay biểu lộ cùng thái độ như Siếp-ra và Phu-a, và Đức Giê-hô-va sẽ thưởng cho họ như thế nào?
5 Ngày nay có phụ nữ nào giống như Siếp-ra và Phu-a không? Quả thật có! Mỗi năm, có hàng ngàn phụ nữ như thế dũng cảm rao giảng thông điệp cứu rỗi của Kinh Thánh ở các xứ mà “chiếu-mạng của vua” cấm chỉ, làm thế họ liều mất sự tự do hoặc ngay cả tính mạng. (Hê-bơ-rơ 11:23; Công-vụ 5:28, 29) Được thúc đẩy bởi tình yêu thương Đức Chúa Trời và người lân cận, những người gan dạ như thế không để cho ai ngăn cản họ chia sẻ tin mừng về Nước Đức Chúa Trời với người khác. Vì thế, nhiều nữ tín đồ Đấng Christ đấu tranh với sự chống đối và bắt bớ. (Mác 12:30, 31; 13:9-13) Cũng như trường hợp của Siếp-ra và Phu-a, Đức Giê-hô-va biết rõ thành tích của những phụ nữ xuất sắc, can đảm đó, và Ngài sẽ biểu lộ tình yêu thương đối với họ bằng cách lưu giữ tên họ trong “sách sự sống” của Ngài, miễn là họ trung thành chịu đựng cho đến cuối cùng.—Phi-líp 4:3; Ma-thi-ơ 24:13.
Một người từng là kỹ nữ đã làm Đức Giê-hô-va hài lòng
6, 7. (a) Ra-háp biết được gì về Đức Giê-hô-va và dân Ngài, và điều này tác động đến bà như thế nào? (b) Lời Đức Chúa Trời cho Ra-háp vinh dự nào?
6 Vào năm 1473 TCN có một kỹ nữ tên là Ra-háp sống ở thành Giê-ri-cô thuộc xứ Ca-na-an. Hình như Ra-háp là người hiểu rộng. Khi hai người do thám Y-sơ-ra-ên đến ẩn náu ở nhà bà, bà có thể thuật lại cho họ những chi tiết về Cuộc Xuất Hành ra khỏi Ai-Cập của dân Y-sơ-ra-ên nhờ phép lạ của Đức Chúa Trời, mặc dù sự kiện đó đã xảy ra 40 năm trước! Bà cũng quen thuộc với những cuộc chiến thắng gần đây hơn của dân Y-sơ-ra-ên chống lại hai Vua A-mô-rít là Si-hôn và Óc. Hãy lưu ý sự hiểu biết đó tác động đến bà như thế nào. Bà nói với hai người do thám: “Tôi biết rằng Đức Giê-hô-va đã ban cho các ông xứ nầy... vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ông là Đức Chúa Trời ở trên trời cao kia, và ở dưới đất thấp nầy”. (Giô-suê 2:1, 9-11) Đúng vậy, những gì Ra-háp biết được về Đức Giê-hô-va và kỳ công của Ngài vì dân Y-sơ-ra-ên đã động đến lòng bà khiến bà có đức tin nơi Ngài.—Rô-ma 10:10.
7 Đức tin của Ra-háp đã thúc đẩy bà hành động. Bà “lấy ý tốt” tiếp hai người do thám Y-sơ-ra-ên, và bà vâng theo lời chỉ dẫn cứu mạng của họ khi Y-sơ-ra-ên tấn công thành Giê-ri-cô. (Hê-bơ-rơ 11:31; Giô-suê 2:18-21) Chắc chắn việc làm bởi đức tin của Ra-háp đã làm vui lòng Đức Giê-hô-va, vì Ngài đã soi dẫn môn đồ Đấng Christ là Gia-cơ ghi tên bà bên cạnh tên của Áp-ra-ham, bạn của Đức Chúa Trời, để làm một gương cho tín đồ Đấng Christ noi theo. Gia-cơ viết: “Đồng một thể ấy, kỵ-nữ Ra-háp tiếp-rước các sứ-giả và khiến họ noi đường khác mà đi, người há chẳng phải cậy việc làm mà được xưng công-bình sao?”—Gia-cơ 2:25.
8. Vì Ra-háp biểu lộ đức tin và sự vâng lời, Đức Giê-hô-va đã ban phước cho bà như thế nào?
8 Đức Giê-hô-va thưởng cho Ra-háp qua nhiều cách. Trước hết, bằng phép lạ Ngài bảo tồn mạng sống của bà và tất cả những ai ẩn náu trong nhà bà—ấy là “nội nhà của cha nàng, và mọi vật chi [“mọi người thân thuộc”, TTGM] thuộc về nàng”. Rồi Ngài cho phép những người này sống “ở giữa Y-sơ-ra-ên” và được đối xử như dân bản địa. (Giô-suê 2:13; 6:22-25; Lê-vi Ký 19:33, 34) Nhưng không chỉ có thế. Đức Giê-hô-va còn ban cho Ra-háp vinh dự được trở thành tổ mẫu của Chúa Giê-su Christ. Quả là một sự thể hiện lòng yêu thương nhân từ vô cùng lớn lao đối với một phụ nữ từng là người Ca-na-an thờ phượng hình tượng!a—Thi-thiên 130:3, 4.
9. Quan điểm của Đức Giê-hô-va về Ra-háp và một số nữ tín đồ Đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất có thể khích lệ một số phụ nữ ngày nay như thế nào?
9 Giống như Ra-háp, một số nữ tín đồ Đấng Christ, từ thế kỷ thứ nhất cho đến ngày nay, đã từ bỏ lối sống vô luân để làm hài lòng Đức Chúa Trời. (1 Cô-rinh-tô 6:9-11) Chắc chắn một số đã lớn lên trong môi trường có thể so sánh với xứ Ca-na-an cổ xưa, nơi mà sự vô luân lan tràn, thậm chí được xem là bình thường. Thế nhưng, họ đã thay đổi lối sống, được thúc đẩy bởi đức tin dựa trên sự hiểu biết chính xác về Kinh Thánh. (Rô-ma 10:17) Vì thế, cũng có thể nói về những phụ nữ đó rằng “Đức Chúa Trời không hổ-thẹn mà xưng mình là Đức Chúa Trời của họ”. (Hê-bơ-rơ 11:16) Một vinh dự lớn thay!
Được ban phước nhờ cư xử khôn ngoan
10, 11. Tình huống nào liên quan đến Na-banh và Đa-vít khiến A-bi-ga-in phải hành động?
10 Nhiều phụ nữ trung thành thời xưa biểu lộ tính khôn ngoan một cách xuất sắc, khiến họ hữu ích và đáng quý đối với dân Đức Giê-hô-va. Một trong những phụ nữ như thế là A-bi-ga-in, vợ của địa chủ giàu có người Y-sơ-ra-ên tên là Na-banh. Nhờ tính khôn ngoan, A-bi-ga-in giúp cứu được nhiều mạng sống và cản được Đa-vít, vua tương lai của Y-sơ-ra-ên, phạm tội làm đổ máu. Chúng ta có thể đọc về A-bi-ga-in trong lời tường thuật ghi nơi 1 Sa-mu-ên chương 25.
11 Khi câu chuyện bắt đầu, Đa-vít và những người theo ông đóng trại gần bầy súc vật của Na-banh, mà ngày đêm họ bảo vệ không công vì lòng tốt đối với Na-banh, người anh em Y-sơ-ra-ên. Khi gần cạn lương thực, Đa-vít sai mười người trai trẻ đến gặp Na-banh để xin thực phẩm. Giờ đây Na-banh có cơ hội để tỏ lòng biết ơn đối với Đa-vít và lòng kính trọng đối với người được xức dầu này của Đức Giê-hô-va. Nhưng Na-banh lại làm ngược lại. Trong cơn giận dữ, ông sỉ nhục Đa-vít và đuổi những người trai trẻ về tay không. Khi nghe việc này, Đa-vít tập hợp 400 người vũ trang rồi đi đến để báo thù. Biết được việc cư xử thô bạo của chồng, A-bi-ga-in hành động nhanh chóng và khôn khéo để làm nguôi cơn giận của Đa-vít bằng cách gửi một số lượng lớn lương thực. Rồi bà đích thân đến gặp Đa-vít.—Câu 2-20.
12, 13. (a) A-bi-ga-in đã chứng tỏ khôn ngoan và trung thành với Đức Giê-hô-va và người được xức dầu của Ngài như thế nào? (b) A-bi-ga-in đã làm gì khi trở về nhà, và cuối cùng sự việc ra sao?
12 Khi gặp Đa-vít, A-bi-ga-in khiêm nhường khẩn cầu lòng thương xót, cho thấy lòng tôn kính đối với người được xức dầu của Đức Giê-hô-va. Bà nói: “Đức Giê-hô-va quả hẳn sẽ lập nhà chúa được bền-lâu, vì chúa đánh giặc cho Đức Giê-hô-va”, rồi nói thêm rằng Đức Giê-hô-va sẽ lập Đa-vít làm người lãnh đạo Y-sơ-ra-ên. (Câu 28-30) Đồng thời, A-bi-ga-in biểu lộ lòng can đảm khi bảo Đa-vít rằng nếu không kiềm chế, việc báo thù sẽ dẫn đến tội làm đổ huyết. (Câu 26, 31) Nhờ tính khiêm nhường, lòng tôn kính và sự suy nghĩ sáng suốt của A-bi-ga-in, Đa-vít nhận ra điều phải trái. Ông đáp: “Đáng ngợi-khen Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, vì đã sai ngươi đến đón ta ngày nay! Đáng khen sự khôn-ngoan ngươi và chúc phước cho ngươi, vì ngày nay đã cản ta đến làm đổ huyết”.—Câu 32, 33.
13 Khi trở về nhà, A-bi-ga-in can đảm đến báo cho chồng biết về món quà bà dâng cho Đa-vít. Tuy nhiên, khi bà gặp Na-banh thì ông “say lắm”. Vì thế bà đợi đến khi ông tỉnh rượu rồi cho ông biết. Na-banh phản ứng ra sao? Ông quá kinh hoảng nên bị một chứng tê liệt. Mười ngày sau ông bị Đức Chúa Trời hành phạt chết. Khi hay tin Na-banh đã chết, Đa-vít cầu hôn với A-bi-ga-in, người mà ông hiển nhiên cảm phục và tôn kính. A-bi-ga-in nhận lời cầu hôn của Đa-vít.—Câu 34-42.
Bạn có thể như A-bi-ga-in không?
14. Chúng ta có thể muốn trau dồi thêm những đức tính nào của A-bi-ga-in?
14 Bạn có thấy vài đức tính của A-bi-ga-in mà bạn, dù là nam hay nữ, muốn trau dồi không? Có lẽ bạn mong muốn mình hành động thận trọng và khôn ngoan hơn khi gặp khó khăn. Hoặc bạn muốn nói một cách bình tĩnh và phải lẽ khi những người xung quanh đang tỏ vẻ tức bực. Nếu thế, sao không cầu nguyện với Đức Giê-hô-va về vấn đề này? Ngài hứa ban sự khôn ngoan, thông sáng và khả năng suy luận cho những ai “lấy đức-tin mà cầu-xin”.—Gia-cơ 1:5, 6; Châm-ngôn 2:1-6, 10, 11.
15. Nữ tín đồ Đấng Christ đặc biệt cần biểu lộ các đức tính của A-bi-ga-in trong những hoàn cảnh nào?
15 Những đức tính như thế đặc biệt quan trọng đối với một chị có chồng không tin đạo, ít để ý hoặc không để ý đến nguyên tắc Kinh Thánh. Có lẽ ông uống rượu quá độ. Hy vọng là những người đó sẽ thay đổi. Nhiều người đã làm thế—thường vì người vợ có thái độ dịu dàng, cung kính và cách ăn ở trong sạch.—1 Phi-e-rơ 3:1, 2, 4.
16. Dù gặp bất cứ tình cảnh nào, làm sao một chị tín đồ Đấng Christ cho thấy mình xem trọng mối quan hệ với Đức Giê-hô-va trên hết mọi sự?
16 Dù bạn phải chịu đựng khó khăn nào ở nhà đi nữa, hãy nhớ rằng Đức Giê-hô-va luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn. (1 Phi-e-rơ 3:12) Vậy hãy cố gắng củng cố mình về thiêng liêng. Hãy cầu xin sự khôn ngoan và một tấm lòng bình tĩnh. Đúng vậy, hãy đến gần Đức Giê-hô-va qua việc đều đặn học hỏi Kinh Thánh, cầu nguyện, suy ngẫm, và kết hợp với anh em tín đồ Đấng Christ. Tình yêu thương đối với Đức Chúa Trời và thái độ của A-bi-ga-in đối với tôi tớ được xức dầu của Ngài không bị ảnh hưởng bởi lối suy nghĩ theo xác thịt của chồng bà. Bà hành động dựa trên nguyên tắc công bình. Ngay cả trong gia đình mà người chồng là tôi tớ mẫu mực của Đức Chúa Trời, người vợ đạo Đấng Christ nhận biết rằng mình vẫn cần phải tiếp tục cố gắng xây dựng và duy trì thiêng liêng tính của mình. Đành rằng chồng chị có trách nhiệm theo Kinh Thánh là chăm sóc chị về thiêng liêng và vật chất, nhưng cuối cùng, chị vẫn phải “lấy lòng sợ-sệt run-rẩy làm nên sự cứu-chuộc mình”.—Phi-líp 2:12; 1 Ti-mô-thê 5:8.
Bà nhận được “phần thưởng của đấng tiên-tri”
17, 18. (a) Bà góa ở Sa-rép-ta đứng trước thử thách khác thường nào về đức tin? (b) Bà đã phản ứng ra sao trước lời yêu cầu của Ê-li, và Đức Giê-hô-va thưởng cho bà như thế nào về điều này?
17 Cách Đức Giê-hô-va chăm sóc một bà góa nghèo vào thời nhà tiên tri Ê-li cho thấy Ngài rất quý trọng những người ủng hộ sự thờ phượng thật bằng cách đóng góp sức lực, thì giờ và của cải. Vì hạn hán kéo dài vào thời Ê-li, nhiều người phải đương đầu với nguy cơ chết đói, kể cả một bà góa và đứa con trai sống ở Sa-rép-ta. Ngay khi họ chỉ còn vỏn vẹn một bữa ăn, một người khách đến nhà họ, đó là nhà tiên tri Ê-li. Ông yêu cầu một điều rất khác thường. Mặc dù biết rõ tình cảnh của bà, ông xin bà làm cho ông “một cái bánh nhỏ”, dùng phần dầu và bột còn lại. Nhưng ông nói thêm: “Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên phán như vầy: Bột sẽ không hết trong vò, và dầu sẽ không thiếu trong bình, cho đến ngày Đức Giê-hô-va giáng mưa xuống đất”.—1 Các Vua 17:8-14.
18 Bạn sẽ phản ứng ra sao trước lời yêu cầu khác thường đó? Bà góa ở Sa-rép-ta, có lẽ nhận ra Ê-li là tiên tri của Đức Giê-hô-va, “làm theo điều Ê-li nói”. Đức Giê-hô-va đáp lại hành động hiếu khách của bà bằng cách nào? Bằng phép lạ Ngài cung cấp lương thực cho bà, con bà và Ê-li trong suốt thời kỳ hạn hán. (1 Các Vua 17:15, 16) Đúng vậy, Đức Giê-hô-va ban cho bà góa ở Sa-rép-ta “phần thưởng của đấng tiên-tri”, mặc dù bà không phải là người Y-sơ-ra-ên. (Ma-thi-ơ 10:41) Con của Đức Chúa Trời cũng khen ngợi bà góa này khi nói đến gương của bà trước đám dân thiếu đức tin ở Na-xa-rét, quê hương ngài.—Lu-ca 4:24-26.
19. Nhiều nữ tín đồ Đấng Christ ngày nay phản ánh tinh thần của bà góa ở Sa-rép-ta qua những cách nào, và Đức Giê-hô-va cảm thấy thế nào về những người này?
19 Ngày nay, nhiều nữ tín đồ Đấng Christ phản ánh tinh thần của bà góa ở Sa-rép-ta. Thí dụ, những chị tín đồ Đấng Christ có tính rộng rãi—nhiều người trong số này nghèo và có gia đình để chăm sóc—hàng tuần tỏ lòng hiếu khách đối với các giám thị lưu động và vợ họ. Những người khác mời những người truyền giáo trọn thời gian ở địa phương dùng bữa với họ, giúp những người nghèo túng, hoặc qua một cách khác đóng góp sức lực, thì giờ và của cải để ủng hộ công việc Nước Trời. (Lu-ca 21:4) Đức Giê-hô-va có để ý đến những sự hy sinh như thế không? Tất nhiên! “Đức Chúa Trời không phải là không công-bình mà bỏ quên công-việc và lòng yêu-thương của anh em đã tỏ ra vì danh Ngài, trong khi hầu việc các thánh-đồ và hiện nay đương còn hầu việc nữa”.—Hê-bơ-rơ 6:10.
20. Điều gì sẽ được thảo luận trong bài kế?
20 Vào thế kỷ thứ nhất, một số phụ nữ kính sợ Đức Chúa Trời đã có đặc ân phục vụ Chúa Giê-su và các sứ đồ ngài. Trong bài kế, chúng ta sẽ thảo luận những phụ nữ này đã làm vui lòng Đức Giê-hô-va như thế nào, và chúng ta sẽ xem xét gương của những phụ nữ thời nay hết lòng phụng sự Đức Giê-hô-va, ngay cả trong hoàn cảnh khó khăn.
[Chú thích]
a Gia phả của Chúa Giê-su, như Ma-thi-ơ ghi lại, nêu tên bốn phụ nữ—Ta-ma, Ra-háp, Ru-tơ và Ma-ri. Tất cả đều được coi trọng trong Lời Đức Chúa Trời.—Ma-thi-ơ 1:3, 5, 16.
Để ôn lại
• Những phụ nữ sau đây đã làm vui lòng Đức Giê-hô-va như thế nào?
• Siếp-ra và Phu-a
• Ra-háp
• A-bi-ga-in
• Bà góa ở Sa-rép-ta
• Suy ngẫm về gương của những phụ nữ này có thể giúp cá nhân chúng ta như thế nào? Hãy minh họa.
[Các hình nơi trang 9]
Nhiều phụ nữ trung thành phụng sự Đức Chúa Trời bất chấp “chiếu-mạng của vua”
[Hình nơi trang 10]
Tại sao Ra-háp là gương xuất sắc về một người có đức tin?
[Hình nơi trang 10]
Bạn muốn noi theo những đức tính nào của A-bi-ga-in?
[Hình nơi trang 12]
Nhiều nữ tín đồ Đấng Christ ngày nay phản ánh tinh thần của bà góa ở Sa-rép-ta