Hãy coi Kinh-thánh như thật là Lời Đức Chúa Trời
“Chúng tôi tạ ơn Đức Chúa Trời không thôi về sự anh em tiếp-nhận lời của Đức Chúa Trời mà chúng tôi đã truyền cho, không coi như lời của loài người, bèn coi như lời của Đức Chúa Trời, vì thật là lời Đức Chúa Trời, cũng hành-động trong anh em có lòng tin” (I TÊ-SA-LÔ-NI-CA 2:13).
1. Kinh-thánh có những đặc điểm nào khiến sách ấy tỏ ra thật sự xuất sắc?
KINH-THÁNH là cuốn sách được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất và được phân phát rộng rãi nhất trên khắp thế giới. Nhiều người sẵn sàng công nhận rằng Kinh-thánh là một trong những tác phẩm văn học vĩ đại nhất. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn nữa là Kinh-thánh cung cấp sự hướng dẫn mà người ta thuộc mọi dân tộc và mọi nước rất cần đến, bất kể nghề nghiệp hoặc địa vị trong xã hội (Khải-huyền 14:6, 7). Kinh-thánh trả lời những câu hỏi một cách làm thỏa mãn lòng và trí chúng ta. Những câu hỏi như: Mục đích của đời sống loài người là gì? (Sáng-thế Ký 1:28; Khải-huyền 4:11). Tại sao các chính phủ loài người đã không thể mang lại hòa bình và an ninh lâu dài? (Giê-rê-mi 10:23; Khải-huyền 13:1, 2). Tại sao người ta chết? (Sáng-thế Ký 2:15-17; 3:1-6; Rô-ma 5:12). Trong thế gian hỗn loạn này, làm sao chúng ta có thể đương đầu một cách thành công với các vấn đề của đời sống? (Thi-thiên 119:105; Châm-ngôn 3:5, 6). Tương lai chúng ta sẽ ra sao? (Đa-ni-ên 2:44; Khải-huyền 21:3-5).
2. Tại sao Kinh-thánh trả lời những câu hỏi của chúng ta một cách hoàn toàn đáng tin cậy?
2 Tại sao Kinh-thánh lại có thẩm quyền để trả lời những câu hỏi thể ấy? Vì Kinh-thánh là Lời của Đức Chúa Trời. Mặc dù Ngài dùng loài người để viết Kinh-thánh, II Ti-mô-thê 3:16 nói rõ rằng “cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn”. Kinh-thánh không phải là một tác phẩm gồm các lời giải thích riêng của một số người về các điều xảy ra cho loài người. “Chẳng hề có lời tiên-tri [lời tuyên bố về tương lai, những mệnh lệnh của Đức Chúa Trời, tiêu chuẩn của Kinh-thánh về luân lý đạo đức] nào là bởi ý một người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh-Linh cảm-động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (II Phi-e-rơ 1:21).
3. a) Hãy đưa ra thí dụ cho thấy người ta trong nhiều xứ đã quí trọng Kinh-thánh thế nào. b) Tại sao người ta sẵn sàng liều thân để đọc Kinh-thánh?
3 Vì quí trọng giá trị của Kinh-thánh, nhiều người đã liều thân để có và đọc cuốn Kinh-thánh, dù có thể bị bỏ tù hoặc ngay cả bị hành quyết. Đây là trường hợp cách đây nhiều năm ở xứ Tây Ban Nha theo đạo Công giáo. Hàng giáo phẩm lo sợ rằng họ sẽ mất thẩm quyền nếu người ta đọc Kinh-thánh trong tiếng mẹ đẻ. Tại Albania, tình thế cũng như vậy. Chế độ vô thần đã thi hành những biện pháp nghiêm khắc để hoàn toàn loại trừ mọi ảnh hưởng của tôn giáo. Tuy thế, những người biết kính sợ Đức Chúa Trời đã quí trọng các bản Kinh-thánh của họ, đọc và chia sẻ Kinh-thánh với người khác. Trong Thế chiến II, ở trại tập trung Sachsenhausen, người ta cẩn thận chuyển một cuốn Kinh-thánh từ xà lim này đến xà lim nọ (dù điều này bị cấm), và những ai vớ được cuốn Kinh-thánh này thì học thuộc lòng một vài phần để chia sẻ với người khác. Trong thập niên 1950, ở cựu Đông Đức theo chế độ Cộng sản, các Nhân-chứng Giê-hô-va bị bỏ tù vì đạo đã chuyển từng phần nhỏ của Kinh-thánh từ tù nhân này sang tù nhân khác để đọc ban tối, ngay dù họ có thể bị biệt giam trong một thời gian rất lâu. Tại sao họ lại làm thế? Đó là vì họ ý thức rằng Kinh-thánh là Lời của Đức Chúa Trời, và họ biết rằng “loài người sống chẳng phải nhờ bánh mà thôi, nhưng loài người sống nhờ mọi lời bởi miệng Đức Giê-hô-va mà ra” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 8:3). Những lời này, được ghi trong Kinh-thánh, đã giúp các Nhân-chứng ấy tiếp tục sống về mặt thiêng liêng dù họ bị đối đãi một cách tàn nhẫn ngoài sức tưởng tượng.
4. Kinh-thánh nên chiếm chỗ nào trong đời sống của chúng ta?
4 Kinh-thánh không phải là một cuốn sách cốt để đặt trên kệ và thỉnh thoảng lấy xuống tham khảo, cũng không phải là một cuốn để dùng chỉ khi nào những người cùng đạo nhóm họp lại với nhau để thờ phượng. Chúng ta nên dùng Kinh-thánh mỗi ngày để làm sáng tỏ những vấn đề mà chúng ta gặp phải và chỉ cho chúng ta con đường ngay để noi theo (Thi-thiên 25:4, 5).
Cốt để người ta đọc và hiểu
5. a) Nếu có thể được, mỗi người chúng ta nên có điều gì? b) Trong nước Y-sơ-ra-ên xưa, làm sao người ta biết Kinh-thánh nói gì? c) Thi-thiên 19:7-11 ảnh hưởng thế nào thái độ của bạn về việc đọc Kinh-thánh?
5 Ngày nay trong phần lớn các xứ, chúng ta sẵn có những bản Kinh-thánh và chúng tôi khuyên giục mỗi người đọc tạp chí Tháp Canh hãy có cuốn Kinh-thánh. Trong thời kỳ Kinh-thánh được viết ra đã không có máy in. Dân thường không có bản Kinh-thánh riêng của mình. Nhưng Đức Giê-hô-va đã sắp xếp cho các tôi tớ Ngài nghe những điều đã được ghi chép trong Kinh-thánh. Như vậy, Xuất Ê-díp-tô Ký 24:7 cho biết rằng sau khi Môi-se ghi xuống những điều Đức Giê-hô-va chỉ dẫn, ông “cầm quyển sách giao-ước đọc cho dân-sự nghe”. Vì đã chứng kiến những biến cố siêu nhiên ở núi Si-na-i, họ ý thức rằng các lời mà Môi-se đọc cho họ nghe đến từ Đức Chúa Trời và họ cần biết những điều ấy (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:9, 16-19; 20:22). Chúng ta cũng cần biết những gì được ghi trong Lời Đức Chúa Trời (Thi-thiên 19:7-11).
6. a) Môi-se làm gì trước khi dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa? b) Chúng ta có thể bắt chước gương của Môi-se như thế nào?
6 Khi dân Y-sơ-ra-ên chuẩn bị băng qua sông Giô-đanh để vào Đất Hứa, như vậy bỏ lối sống du mục trong đồng vắng, điều thích hợp là họ ôn lại Luật pháp của Đức Giê-hô-va và cách Ngài cư xử với họ. Vì được thánh linh Đức Chúa Trời thúc đẩy, Môi-se ôn lại Luật pháp với họ. Ông nhắc nhở họ về các chi tiết trong Luật pháp, và ông cũng nêu rõ những nguyên tắc và thái độ căn bản, là những điều phải ảnh hưởng mối liên lạc của họ với Đức Giê-hô-va (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:9, 35; 7:7, 8; 8:10-14; 10:12, 13). Khi chúng ta đảm nhận trách nhiệm mới hoặc đối phó với những tình cảnh mới trong đời sống ngày nay, chúng ta cũng nên xem xét thế nào lời khuyên trong Kinh-thánh phải ảnh hưởng đến hành động của chúng ta.
7. Ít lâu sau khi dân Y-sơ-ra-ên băng qua sông Giô-đanh, người ta đã làm gì nhằm ghi khắc Luật pháp của Đức Giê-hô-va trong lòng và trí của họ?
7 Ít lâu sau khi dân Y-sơ-ra-ên băng qua sông Giô-đanh, dân chúng lại tụ họp lần nữa để ôn lại những điều Đức Giê-hô-va nói với họ qua trung gian Môi-se. Dân chúng nhóm lại khoảng 50 cây số về phía bắc của thành Giê-ru-sa-lem. Phân nửa các chi phái đứng trước núi Ê-banh và các chi phái kia đứng trước núi Ga-ri-xim. Nơi đó Giô-suê “đọc hết các lời luật-pháp, sự chúc lành và sự chúc dữ”. Như vậy đàn ông, đàn bà và trẻ em, cùng với người ngoại bang, một lần nữa nghe những luật lệ về hạnh kiểm không được Đức Giê-hô-va chấp nhận và về những ân phước họ sẽ nhận được nếu vâng phục Đức Giê-hô-va (Giô-suê 8:34, 35). Họ cần phải ghi nhớ rõ ràng điều gì là đúng và điều gì là sai trước mắt Đức Giê-hô-va. Hơn nữa, họ cần phải ghi khắc trong lòng họ sự yêu mến điều tốt và sự ghét điều ác, như mỗi người chúng ta cần phải làm ngày nay (Thi-thiên 97:10; 119:103, 104; A-mốt 5:15).
8. Việc đọc Lời Đức Chúa Trời tại một số các đại hội của dân Y-sơ-ra-ên có lợi ích gì?
8 Ngoài việc đọc Luật pháp vào những dịp quan trọng này, Phục-truyền Luật-lệ Ký 31:10-12 vạch rõ sự sắp đặt để đọc Lời Đức Chúa Trời đều đặn. Mỗi bảy năm, cả dân sự phải tụ họp để nghe đọc Lời Đức Chúa Trời. Đây là đồ ăn thiêng liêng cho họ. Điều này đã giúp họ giữ vững trong lòng và trí các lời hứa về Dòng dõi và như vậy hướng dẫn những người trung thành đến đấng Mê-si. Các sự sắp đặt thiết lập trong đồng vắng về thức ăn thiêng liêng đã không chấm dứt khi họ vào Đất Hứa (I Cô-rinh-tô 10:3, 4). Ngược lại, Lời của Đức Chúa Trời được phong phú hơn khi nhận thêm những điều các nhà tiên tri tiết lộ sau này.
9. a) Phải chăng dân Y-sơ-ra-ên chỉ đọc Kinh-thánh khi họ tụ họp đông đảo? Hãy giải thích. b) Sự dạy dỗ Kinh-thánh diễn ra trong khuôn khổ gia đình như thế nào, và với mục đích gì?
9 Việc ôn lại lời khuyên trong Lời Đức Chúa Trời không phải chỉ giới hạn trong những dịp khi dân chúng tụ họp đông đảo. Mỗi ngày họ phải thảo luận về những phần trong Lời Đức Chúa Trời cùng với các nguyên tắc chứa đựng trong Lời ấy (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:4-9). Ngày nay ở gần như khắp mọi nơi, những người trẻ có thể có bản Kinh-thánh riêng của mình, và điều này rất lợi ích cho chúng. Nhưng trong nước Y-sơ-ra-ên xưa, sự kiện không phải như thế. Vào thời đó, khi các bậc cha mẹ dạy dỗ Lời Đức Chúa Trời, họ phải dựa vào những điều mà họ đã ghi nhớ và những lẽ thật mà họ quí mến trong lòng, cùng với những phần trích ngắn nào mà chính tay họ chép lại. Bằng cách lặp đi lặp lại nhiều lần, họ cố gắng xây dựng trong con cái họ lòng yêu mến Đức Giê-hô-va và các đường lối của Ngài. Họ không chỉ nhằm mục tiêu là truyền đạt kiến thức vào trí óc, nhưng giúp mỗi người trong gia đình biểu lộ lòng yêu thương đối với Đức Giê-hô-va và Lời của Ngài trong đời sống mình (Phục-truyền Luật-lệ Ký 11:18, 19, 22, 23).
Đọc Kinh-thánh trong nhà hội
10, 11. Người ta theo chương trình đọc Kinh-thánh nào trong các nhà hội, và Giê-su xem những dịp này như thế nào?
10 Sau khi dân Do Thái bị lưu đày ở Ba-by-lôn, họ bắt đầu dùng các nhà hội làm nơi thờ phượng. Người ta chép thêm nhiều bản sao Kinh-thánh để đọc và thảo luận Lời Đức Chúa Trời tại các nơi họp này. Đây là một lý do tại sao khoảng 6.000 bản chép tay xưa gồm một số đoạn Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ còn tồn tại đến ngày nay.
11 Một phần quan trọng của buổi họp ở nhà hội là việc đọc sách Torah, tức năm quyển đầu của Kinh-thánh mà chúng ta có hiện nay. Công-vụ các Sứ-đồ 15:21 tường thuật rằng trong thế kỷ thứ nhất, người ta tổ chức những buổi đọc sách Torah vào mỗi ngày Sa-bát, và sách Mishnah cho thấy rằng đến thế kỷ thứ hai, người ta cũng đọc sách Torah vào ngày thứ hai và thứ năm mỗi tuần. Một số người lần lượt đọc phần được chỉ định cho mình. Người Do Thái sống ở Ba-by-lôn có phong tục đọc cả cuốn Torah mỗi năm; những người sống ở Pha-lê-tin có phong tục đọc sách Torah trong vòng ba năm. Họ cũng đọc và giải thích một phần các sách Tiên tri. Giê-su có thói quen đi nghe chương trình đọc Kinh-thánh vào ngày Sa-bát ở nơi ngài cư ngụ (Lu-ca 4:16-21).
Mỗi cá nhân đáp ứng và áp dụng Kinh-thánh
12. a) Khi Môi-se đọc Luật pháp cho dân sự nghe, họ được lợi ích gì? b) Dân sự đáp ứng thế nào?
12 Mục đích đọc Kinh-thánh không phải chỉ để lấy lệ, cũng không cốt để thỏa mãn tính tò mò của dân chúng. Khi Môi-se đọc “quyển sách giao-ước” cho dân Y-sơ-ra-ên nghe trong đồng bằng đối diện núi Si-na-i, ông làm thế để họ biết trách nhiệm của mình trước mặt Đức Chúa Trời và chu toàn trách nhiệm ấy. Họ sẽ làm thế không? Việc đọc Luật pháp đòi hỏi họ phải đáp ứng. Dân sự hiểu điều này và họ thốt lên: “Chúng tôi sẽ làm và vâng theo mọi lời Đức Giê-hô-va phán chỉ”. (Xuất Ê-díp-tô Ký 24:7; so sánh Xuất Ê-díp-tô Ký 19:8; 24:3).
13. Khi Giô-suê đọc các lời rủa sả vì sự bất tuân, dân sự phải làm gì, với mục đích nào?
13 Sau này, khi Giô-suê đọc cho dân sự nghe những ân phước được hứa trước và các lời rủa sả hay sự chúc dữ, dân Y-sơ-ra-ên phải đáp lời. Sau mỗi lời rủa sả, họ được chỉ dẫn: “Cả dân-sự phải đáp: A-men!” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 27:4-26). Thành thử, từng điểm một, dân sự công khai đồng ý với sự lên án của Đức Giê-hô-va về các tội được kể ra. Chắc hẳn đã là một cảnh hùng hồn khi cả dân sự đồng thanh thốt lên sự đồng ý!
14. Trong thời Nê-hê-mi, tại sao việc đọc Luật pháp công khai lại tỏ ra đặc biệt lợi ích?
14 Vào thời Nê-hê-mi, khi cả dân sự nhóm lại tại Giê-ru-sa-lem để nghe Luật pháp, họ nhận thấy rằng họ đã không hoàn toàn vâng theo các chỉ thị được ghi nơi đó. Vào dịp ấy họ mau mắn áp dụng những điều họ học. Kết quả là gì? “Sự rất vui-mừng” (Nê-hê-mi 8:13-17). Sau khi đọc Kinh-thánh hằng ngày trong vòng một tuần tại lễ ấy, họ ý thức rằng họ phải làm nhiều hơn nữa. Qua lời cầu nguyện, họ ôn lại cách Đức Giê-hô-va đối đãi dân sự Ngài kể từ thời Áp-ra-ham trở đi. Những điều này đã thúc đẩy họ hứa nguyện sống phù hợp với những gì Luật pháp đòi hỏi, tránh cưới gả với dân ngoại và nhận nhiệm vụ bảo quản đền thờ và chăm lo cho công việc tại đó (Nê-hê-mi, đoạn 8 đến 10).
15. Lời chỉ dẫn nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6-9 cho thấy thế nào rằng sự dạy dỗ Lời của Đức Chúa Trời trong khuôn khổ gia đình không phải chỉ làm để lấy lệ?
15 Tương tự thế, việc dạy dỗ Kinh-thánh trong khuôn khổ gia đình không phải chỉ làm để lấy lệ. Như chúng ta đã thấy trước đây, nơi Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6-9 dân sự được răn bảo phải ‘buộc lời của Đức Chúa Trời trên tay mình như một dấu’ theo nghĩa bóng—như vậy bày tỏ qua gương mẫu và hành động rằng họ yêu mến các đường lối của Đức Giê-hô-va. Và họ phải đặt lời của Đức Chúa Trời như ‘một ấn-chí ở giữa hai con mắt họ’—như vậy luôn luôn chú tâm đến các nguyên tắc trong Kinh-thánh và dựa vào đó mà quyết định mọi việc. (Hãy so sánh các lời nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 13:9, 14-16). Họ phải ‘viết các lời trên cột nhà, và trên cửa của họ’—cho thấy rằng nhà và cộng đồng của họ là nơi lời của Đức Chúa Trời được kính trọng và áp dụng. Nói cách khác, đời sống họ phải chứng tỏ hết sức rõ ràng rằng họ yêu quí và áp dụng các nguyên tắc công bình của Đức Giê-hô-va. Điều này lợi ích biết bao! Lời của Đức Chúa Trời có tầm quan trọng tương tự trong đời sống hằng ngày của gia đình chúng ta không? Đáng tiếc thay, dân Do Thái biến sự sắp đặt này thành một hình thức bề ngoài, đeo những hộp đựng các đoạn Kinh-thánh như một cái bùa. Họ ngưng thờ phượng hết lòng và bị Đức Giê-hô-va từ bỏ (Ê-sai 29:13, 14; Ma-thi-ơ 15:7-9).
Trách nhiệm của những người làm giám thị
16. Tại sao việc Giô-suê đều đặn đọc Kinh-thánh là điều quan trọng?
16 Các giám thị của dân sự được chỉ dẫn đặc biệt về việc đọc Kinh-thánh. Đức Giê-hô-va nói với Giô-suê: “Hãy... cẩn-thận làm theo hết thảy luật-pháp”. Nhằm giúp ông làm tròn trách nhiệm ấy, Đức Giê-hô-va nói với ông: “Hãy suy-gẫm ngày và đêm... vì như vậy ngươi mới được may-mắn trong đường mình, và mới được phước” (Giô-suê 1:7, 8). Như trong trường hợp các giám thị tín đồ đấng Christ ngày nay, việc Giô-suê đọc Kinh-thánh đều đặn đã giúp ông ghi nhớ các luật lệ rõ ràng mà Đức Giê-hô-va ban cho dân sự Ngài. Giô-suê cũng cần phải hiểu cách Đức Giê-hô-va cư xử với tôi tớ Ngài trong nhiều trường hợp khác nhau. Khi ông đọc về ý định của Đức Chúa Trời, điều quan trọng là ông suy nghĩ về trách nhiệm riêng của ông liên quan đến ý định đó.
17. a) Nếu các vị vua muốn được lợi ích nhờ đọc Kinh-thánh theo phương pháp mà Đức Giê-hô-va phán bảo, ngoài việc đọc họ phải làm gì nữa? b) Tại sao việc đọc và suy gẫm về Kinh-thánh một cách đều đặn là điều rất quan trọng đối với các trưởng lão tín đồ đấng Christ?
17 Đức Giê-hô-va truyền lệnh rằng khi tức vị, người nào làm vua trên dân sự Ngài phải dựa vào bản sao của các thầy tế lễ mà sao chép Luật pháp của Đức Chúa Trời. Rồi vua phải ‘đọc bổn ấy trọn đời’. Mục đích không phải là chỉ học thuộc lòng nội dung của Luật pháp. Thay vì thế, người phải “tập biết kính-sợ Giê-hô-va Đức Chúa Trời mình” và không để cho “lòng vua lướt trên anh em mình” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:18-20). Điều này đòi hỏi vua phải suy gẫm sâu xa về những điều mình đọc. Bằng chứng cho thấy rằng một số vị vua lầm tưởng mình quá bận rộn với các việc hành chính để suy gẫm về Luật pháp, và vì họ chểnh mảng công việc này nên cả nước phải chịu hậu quả tai hại. Vai trò của các trưởng lão trong hội thánh tín đồ đấng Christ chắc chắn không phải là làm vua. Tuy nhiên, như trong trường hợp các vị vua, các trưởng lão nhất thiết phải đọc và suy gẫm Lời của Đức Chúa Trời. Làm thế sẽ giúp họ giữ quan điểm đúng về những người họ được bổ nhiệm để chăm sóc. Điều này cũng sẽ giúp họ chu toàn trách nhiệm với tư cách thầy dạy dỗ một cách thật sự làm vinh hiển Đức Chúa Trời và ban thêm sức lực thiêng liêng cho anh em cùng đạo. (Tít 1:9; so sánh Giăng 7:16-18; tương phản I Ti-mô-thê 1:6, 7).
18. Đều đặn đọc và học hỏi Kinh-thánh sẽ giúp chúng ta bắt chước gương mẫu nào của sứ đồ Phao-lô?
18 Sứ đồ Phao-lô, một giám thị tín đồ đấng Christ vào thế kỷ thứ nhất, đã biết Kinh-thánh rất thạo. Khi ông rao giảng cho những người trong thành Tê-sa-lô-ni-ca xưa, ông có thể dùng Kinh-thánh một cách hữu hiệu để lý luận với họ và giúp họ hiểu ý nghĩa của Kinh-thánh (Công-vụ các Sứ-đồ 17:1-4). Ông động lòng những người có lòng thành thật nghe ông. Kết quả là nhiều người đã tin đạo (I Tê-sa-lô-ni-ca 2:13). Nhờ chương trình đọc và học hỏi Kinh-thánh, bạn có khả năng dùng Kinh-thánh một cách hữu hiệu để lý luận không? Chỗ mà bạn dành trong đời sống để đọc Kinh-thánh và cách bạn đọc Kinh-thánh có chứng tỏ rằng bạn thật sự quí trọng cơ hội có được Lời của Đức Chúa Trời không? Trong bài tới, chúng ta sẽ xem xét làm sao ngay cả những người rất bận rộn cũng có thể trả lời ‘có’ cho các câu hỏi nêu trên.
Bạn trả lời thế nào?
◻ Tại sao người ta sẵn sàng liều mạng sống và sự tự do để đọc Kinh-thánh?
◻ Chúng ta được lợi ích gì nhờ xem xét những sự sắp đặt của dân Y-sơ-ra-ên xưa để nghe đọc Lời Đức Chúa Trời?
◻ Chúng ta nên làm gì với những điều chúng ta đọc trong Kinh-thánh?
◻ Tại sao việc đọc và suy gẫm về Kinh-thánh là điều đặc biệt quan trọng đối với các trưởng lão tín đồ đấng Christ?
[Hình nơi trang 9]
Đức Giê-hô-va nói với Giô-suê: “Hãy suy-gẫm ngày và đêm”