“Vật đáng chuộng” đang đến đầy nhà Đức Giê-hô-va
“Ta [Đức Giê-hô-va] cũng làm rúng-động hết thảy các nước, và những sự ao-ước [“mọi vật đáng chuộng”, “NW”] của các nước hầu đến; rồi ta sẽ làm cho vinh-quang đầy-dẫy nhà nầy”.—A-GHÊ 2:7.
1. Vào lúc khẩn cấp, tại sao chúng ta nghĩ đến những người thân của chúng ta trước hết?
NHÀ của bạn có đầy vật đáng chuộng nào? Bạn có đồ đạc sang trọng, máy vi tính tối tân và xe hơi mới trong ga ra không? Ngay cả khi bạn có những đồ vật này, bạn lại chẳng đồng ý cái quý giá nhất trong nhà bạn là người—tức những phần tử trong gia đình của bạn—hay sao? Bạn hãy tưởng tượng một đêm kia, bạn thức giấc vì ngửi thấy mùi khói. Nhà bạn bị cháy và bạn chỉ có vài phút để chạy thoát! Bạn quan tâm đến cái gì trước hết? Phải chăng đồ đạc? Máy vi tính, xe hơi? Bạn lại chẳng nghĩ đến những người thân của bạn hơn là những đồ vật hay sao? Dĩ nhiên bạn làm như vậy, vì người trọng hơn của.
2. Sự sáng tạo của Đức Giê-hô-va lớn như thế nào, và khía cạnh nào của sự sáng tạo Chúa Giê-su ưa thích nhất?
2 Bây giờ bạn hãy nghĩ về Giê-hô-va Đức Chúa Trời và Con Ngài là Chúa Giê-su Christ. Đức Giê-hô-va là “Đấng dựng nên trời, đất, biển, cùng muôn vật trong đó”. (Công-vụ các Sứ-đồ 4:24) Qua Con Ngài, tức “thợ cái”, Đức Giê-hô-va dựng nên tất cả các vật khác. (Châm-ngôn 8:30, 31; Giăng 1:3; Cô-lô-se 1:15-17) Chắc chắn cả Đức Giê-hô-va lẫn Chúa Giê-su đều coi mọi vật được dựng nên là quý giá. (So sánh Sáng-thế Ký 1:31). Nhưng theo bạn nghĩ, khía cạnh nào của sự sáng tạo có ý nghĩa nhất đối với hai Đấng đó—vật hay người? Là sự khôn ngoan được nhân cách hóa, Chúa Giê-su nói: “Sự vui-thích ta ở nơi con-cái loài người”.
3. Qua A-ghê, Đức Giê-hô-va phán lời tiên tri nào?
3 Rõ ràng Đức Giê-hô-va coi trọng con người. Một bằng chứng cho thấy điều này được tìm thấy nơi lời tiên tri Ngài nói vào năm 520 TCN qua nhà tiên tri A-ghê. Đức Giê-hô-va tuyên bố: “Ta cũng làm rúng-động hết thảy các nước, và những sự ao-ước [“mọi vật đáng chuộng”, NW] của các nước hầu đến; rồi ta sẽ làm cho vinh-quang đầy-dẫy nhà nầy... Vinh-quang sau-rốt của nhà nầy sẽ lớn hơn vinh-quang trước”.—A-ghê 2:7, 9.
4, 5. (a) Tại sao không nên kết luận nhóm từ những “vật đáng chuộng” ám chỉ sự vinh quang về vật chất? (b) Bạn định nghĩa những “vật đáng chuộng” là gì, và tại sao?
4 Những “vật đáng chuộng” nào sẽ đầy dẫy nhà Đức Giê-hô-va và làm vinh hiển nhà Ngài hơn trước? Phải chăng là đồ đạc quý giá và đồ trang trí lộng lẫy? Như vàng, bạc và các đá quý? Điều này xem ra không hợp lý chút nào. Chúng ta hãy nhớ là đền thờ cũ được khánh thành trước đó khoảng năm thế kỷ là một kiến trúc vĩ đại trị giá nhiều tỷ đô la!a Chắc chắn là Đức Giê-hô-va không kỳ vọng đền thờ được xây cất bởi nhóm người Do Thái hồi hương, một nhóm người tương đối ít oi, lại tráng lệ hơn đền thờ của Sa-lô-môn!
5 Vậy những “vật đáng chuộng” đầy dẫy nhà của Đức Giê-hô-va là gì? Rõ ràng đó là người ta. Nói cho cùng, cái làm vui lòng Đức Giê-hô-va chẳng phải là bạc hay vàng mà chính là người ta, những người phụng sự Ngài vì yêu thương Ngài. (Châm-ngôn 27:11; 1 Cô-rinh-tô 10:26) Đúng vậy, Đức Giê-hô-va coi trọng mọi người, đàn ông, đàn bà và trẻ em thờ phượng Ngài và được Ngài chấp nhận. (Giăng 4:23, 24) Họ chính là những “vật đáng chuộng”, và đối với Đức Giê-hô-va, họ quý hơn toàn thể các vật liệu dùng trang hoàng đền thờ Sa-lô-môn rất nhiều.
6. Đền thờ thời xưa của Đức Chúa Trời dùng cho mục tiêu nào?
6 Bất chấp sự chống đối liên tục, đền thờ được hoàn tất vào năm 515 TCN. Cho đến khi Chúa Giê-su dâng mình làm của-lễ hy sinh, đền thờ Giê-ru-sa-lem vẫn là trung tâm thờ phượng thanh sạch cho những “vật đáng chuộng” gồm những người gốc Do Thái và người ngoại cải đạo. Nhưng như chúng ta sẽ thấy, đền thờ tượng trưng cho một điều trọng đại hơn nhiều.
Sự ứng nghiệm vào thế kỷ thứ nhất
7. (a) Đền thờ thời xưa của Đức Chúa Trời ở Giê-ru-sa-lem là hình bóng cho cái gì? (b) Hãy tả các hoạt động của thầy tế lễ thượng phẩm trong Ngày Lễ Chuộc Tội.
7 Đền thờ Giê-ru-sa-lem là hình bóng cho một sự sắp đặt lớn hơn về sự thờ phượng. Đó là đền thờ thiêng liêng của Đức Chúa Trời mà Đức Giê-hô-va thiết lập vào năm 29 CN, với Chúa Giê-su là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm. (Hê-bơ-rơ 5:4-10; 9:11, 12) Chúng ta hãy xem xét sự tương đương giữa nhiệm vụ của thầy tế lễ thượng phẩm của Y-sơ-ra-ên và các hành động của Chúa Giê-su. Mỗi năm vào Ngày Lễ Chuộc Tội, thầy tế lễ thượng phẩm đến bàn thờ trong hành lang đền và dâng con bò đực để chuộc tội cho các thầy tế lễ. Sau đó, ông vào đền thờ mang theo huyết của bò đực, đi qua các cửa ngăn cách hành lang và nơi Thánh, rồi qua bức màn ngăn nơi Thánh và nơi Chí Thánh. Khi đã vào bên trong nơi Chí Thánh, thầy tế lễ thượng phẩm rẩy huyết trên hòm giao ước. Rồi theo cùng thủ tục, ông dâng một con dê để chuộc tội cho mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên không thuộc dòng tế lễ. (Lê-vi Ký 16:5-15) Nghi thức này có liên hệ với đền thờ thiêng liêng của Đức Chúa Trời như thế nào?
8. (a) Chúa Giê-su được dâng trên bàn thờ vào năm 29 CN theo nghĩa nào? (b) Chúa Giê-su có mối quan hệ đặc biệt với Đức Giê-hô-va như thế nào trong suốt thời gian làm thánh chức trên đất?
8 Có thể xem như Chúa Giê-su được dâng trên bàn thờ tượng trưng cho ý muốn của Đức Chúa Trời khi ngài làm báp têm và được thánh linh của Đức Chúa Trời xức dầu vào năm 29 CN. (Lu-ca 3:21, 22) Thật vậy, biến cố này đánh dấu sự khởi đầu một đời sống hy sinh của Chúa Giê-su kéo dài ba năm rưỡi. (Hê-bơ-rơ 10:5-10) Trong khoảng thời gian này, Chúa Giê-su được hưởng mối quan hệ giữa người Con được thánh linh xức dầu với Đức Chúa Trời. Không người phàm nào có thể hiểu được vị thế độc nhất vô nhị mà Chúa Giê-su có với Cha trên trời của ngài. Đó như thể một bức màn che khuất sự hiểu biết của những người ấy, giống như một bức màn che khuất nơi Thánh khiến những người ở trong hành lang đền tạm không thấy.—Xuất Ê-díp-tô Ký 40:28.
9. Tại sao Chúa Giê-su không thể vào trời với tư cách là người, và tình trạng này được giải quyết như thế nào?
9 Mặc dù là Con của Đức Chúa Trời được thánh linh xức dầu, con người Giê-su không thể đạt được sự sống ở trên trời. Tại sao không? Tại vì thịt và huyết không thể hưởng được Nước Đức Chúa Trời ở trên trời. (1 Cô-rinh-tô 15:44, 50) Vì xác thịt con người của Chúa Giê-su là một chướng ngại vật nên nó được tượng trưng thích đáng bằng bức màn phân chia nơi Thánh và nơi Chí Thánh trong đền thờ Đức Chúa Trời vào thời xưa. (Hê-bơ-rơ 10:20) Nhưng sau khi chết ba ngày, Chúa Giê-su được Đức Chúa Trời làm sống lại là một thần linh. (1 Phi-e-rơ 3:18) Rồi ngài có thể vào gian Chí Thánh của đền thờ thiêng liêng của Đức Chúa Trời—tức là trời. Đây là điều đã thật sự xảy ra. Phao-lô viết: “Đấng Christ chẳng phải vào nơi thánh [rõ ràng ám chỉ nơi Chí Thánh] bởi tay người làm ra, theo kiểu-mẫu nơi thánh thật, bèn là vào chính trong trời, để bây giờ vì chúng ta hiện ra trước mặt Đức Chúa Trời”.—Hê-bơ-rơ 9:24.
10. Chúa Giê-su làm gì khi trở về trời?
10 Ở trên trời, Chúa Giê-su ‘rẩy huyết’ của sự hy sinh của ngài qua việc đệ trình cho Đức Giê-hô-va giá trị huyết của ngài đã đổ ra để làm giá chuộc. Tuy nhiên, Chúa Giê-su còn làm nhiều hơn nữa. Chẳng bao lâu trước khi chết, ngài nói với các môn đồ: “Ta đi sắm-sẵn cho các ngươi một chỗ. Khi ta đã đi, và đã sắm-sẵn cho các ngươi một chỗ rồi, ta sẽ trở lại đem các ngươi đi với ta, hầu cho ta ở đâu thì các ngươi cũng ở đó”. (Giăng 14:2, 3) Bởi vậy, nhờ vào được nơi Chí Thánh, hay là trời, Chúa Giê-su mở đường cho những người khác theo sau. (Hê-bơ-rơ 6:19, 20) Những người này mà con số là 144.000 người sẽ phụng sự với tư cách là những thầy tế lễ phụ trong sự sắp đặt về đền thờ thiêng liêng của Đức Chúa Trời. (Khải-huyền 7:4; 14:1; 20:6) Như thầy tế lễ thượng phẩm của Y-sơ-ra-ên trước nhất đem huyết bò đực vào nơi Chí Thánh để chuộc tội cho các thầy tế lễ, giá trị huyết của Chúa Giê-su đổ ra được áp dụng trước nhất cho 144.000 thầy tế lễ phụ này.b
Những “vật đáng chuộng” thời nay
11. Thầy tế lễ thượng phẩm của Y-sơ-ra-ên dâng con dê vì nhóm người nào, và điều này là hình bóng cho cái gì?
11 Dường như việc thâu nhóm tổng quát những người xức dầu đã hoàn tất vào năm 1935.c Nhưng Đức Giê-hô-va chưa hoàn tất công việc làm vinh hiển nhà Ngài. Chưa, còn có những “vật đáng chuộng” sẽ được đem vào đó. Chúng ta hãy nhớ rằng thầy tế lễ thượng phẩm trong Y-sơ-ra-ên dâng hai con thú vật—một con bò đực vì tội của các thầy tế lễ và một con dê vì tội của các chi phái không thuộc dòng thầy tế lễ. Vì các thầy tế lễ là hình bóng của những người xức dầu sẽ cùng cai trị với Chúa Giê-su trong Nước Trời, vậy các chi phái không thuộc dòng thầy tế lễ tượng trưng cho ai? Câu trả lời được tìm thấy trong lời của Chúa Giê-su được ghi lại nơi Giăng 10:16: “Ta còn có chiên khác chẳng thuộc về chuồng nầy; ta cũng phải dẫn nó về nữa, chiên đó sẽ nghe tiếng ta, rồi sẽ chỉ có một bầy, và một người chăn mà thôi”. Do đó, huyết Chúa Giê-su đổ ra đem lợi ích cho hai nhóm người—nhóm thứ nhất là những tín đồ Đấng Christ được xức dầu có hy vọng cai trị với Chúa Giê-su trên trời và nhóm thứ hai là những người hy vọng sống đời đời trong địa đàng trên đất. Rõ ràng những “vật đáng chuộng” trong lời tiên tri của A-ghê tượng trưng cho nhóm thứ hai này.—Mi-chê 4:1, 2; 1 Giăng 2:1, 2.
12. Ngày nay những “vật đáng chuộng” đang được dìu tới nhà Đức Giê-hô-va như thế nào?
12 Những “vật đáng chuộng” này vẫn đang kéo đến đầy nhà Đức Giê-hô-va. Trong những năm gần đây, những lệnh cấm đoán được bãi bỏ ở Đông Âu cũng như tại một số nước ở Phi Châu và các xứ khác, nhờ thế tin mừng về Nước của Đức Chúa Trời được loan tới những khu vực mà từ trước tới nay chưa được rao giảng. Khi mà những vật đáng chuộng bước vào sự sắp đặt về đền thờ của Đức Chúa Trời, thì đến phiên họ, họ cố gắng vâng theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su là đào tạo thêm môn đồ. (Ma-thi-ơ 28:19, 20) Khi làm như thế, họ gặp nhiều người, cả trẻ lẫn già, có triển vọng trở thành “vật đáng chuộng”; những vật này sẽ làm vinh hiển nhà Đức Giê-hô-va. Hãy xem xét chỉ vài ví dụ cho thấy điều này xảy ra như thế nào.
13. Một em gái ở Bolivia đã biểu lộ lòng sốt sắng trong việc phổ biến thông điệp Nước Trời như thế nào?
13 Ở Bolivia, một em gái năm tuổi, cha mẹ là Nhân Chứng, xin phép cô giáo cho nghỉ học trong tuần lễ có anh giám thị vòng quanh thăm viếng. Tại sao? Vì em muốn tham gia thánh chức trong cả tuần lễ đặc biệt này. Điều này làm cho cha mẹ em ngạc nhiên, nhưng họ sung sướng khi thấy em có thái độ thích đáng như thế. Em gái này hiện đang hướng dẫn năm học hỏi Kinh Thánh tại nhà và một số học hỏi đã tham dự buổi họp của tín đồ Đấng Christ. Em còn dẫn cả cô giáo của em đến Phòng Nước Trời nữa. Có lẽ cuối cùng một vài học hỏi của em sẽ tự chứng tỏ là những “vật đáng chuộng” làm vinh hiển nhà của Đức Giê-hô-va.
14. Một chị ở Đại Hàn, nhờ kiên trì đối với một người dường như không chú ý, được tưởng thưởng như thế nào?
14 Trong khi ngồi chờ tại một trạm xe lửa, một chị tín đồ Đấng Christ ở Đại Hàn đến bắt chuyện với một sinh viên đang nghe nhạc bằng ống nghe đeo vào tai. Chị hỏi: “Anh có theo đạo nào không?” Anh sinh viên trả lời: “Tôi không thích bất cứ đạo nào”. Chị không nản lòng nhưng nói tiếp: “Với thời gian, một người có thể muốn lựa một đạo. Nhưng nếu không hiểu biết gì về tôn giáo, người ấy có thể lựa sai”. Anh sinh viên thay đổi thái độ và bắt đầu thích thú lắng nghe chị nói. Chị mời anh đọc cuốn sách Có một Đấng Tạo Hóa quan tâm đến bạn không? và nói là ấn phẩm này sẽ giúp anh rất nhiều khi đến lúc anh lựa một tôn giáo. Anh vui vẻ nhận sách. Tuần sau đó, anh bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va và hiện anh tham dự tất cả các buổi họp của hội thánh.
15. Một em gái ở Nhật Bản khởi đầu các học hỏi Kinh Thánh như thế nào, và cố gắng của em được tưởng thưởng như thế nào?
15 Ở Nhật Bản, em Megumi, 12 tuổi, xem trường học như một cánh đồng rao giảng và dạy dỗ có nhiều kết quả. Thậm chí em có thể khởi đầu nhiều học hỏi Kinh Thánh. Em Megumi làm được điều này như thế nào? Vì em đọc Kinh Thánh hoặc chuẩn bị cho các buổi họp trong giờ ăn trưa, các bạn đồng lớp thường hỏi em đang làm gì đó. Vài đứa hỏi Megumi tại sao em không tham dự vào một số hoạt động nào đó của nhà trường. Megumi trả lời các câu hỏi của chúng và cho chúng biết Đức Chúa Trời có một tên. Điều này thường gợi sự chú ý của những đứa nghe em nói. Rồi em mời chúng học hỏi Kinh Thánh. Hiện Megumi hướng dẫn 20 học hỏi—trong số đó, có 18 học hỏi là bạn cùng lớp.
16. Làm thế nào một anh có thể khởi đầu các học hỏi Kinh Thánh với vài người trong một nhóm người chế giễu?
16 Ở Cameroon, một nhóm tám người đàn ông đang làm việc tại một công trường lên tiếng kêu một anh Nhân Chứng đang mời người đi đường nhận sách báo về Kinh Thánh. Vì muốn chế giễu anh, họ hỏi tại sao anh không tin Chúa Ba Ngôi, lửa hỏa ngục hoặc linh hồn bất tử. Anh dùng Kinh Thánh để trả lời các câu hỏi của họ. Kết quả là ba người trong nhóm chấp nhận học hỏi Kinh Thánh. Một người trong họ tên là Daniel bắt đầu tham dự các buổi họp và thậm chí hủy bỏ hết những gì anh có liên quan đến thông linh thuật. (Khải-huyền 21:8) Không đầy một năm, anh làm báp têm.
17. Ở El Salvador, một số anh đã dùng một phương pháp khéo léo để giảng cho một người đàn ông lúc đầu không muốn nghe thông điệp Nước Trời như thế nào?
17 Ở El Salvador, một người đàn ông nọ buộc con chó dữ ở trước cửa mỗi khi ông thấy Nhân Chứng Giê-hô-va giảng gần đó. Ông chờ cho đến khi Nhân Chứng đi qua rồi mới thả chó vào nhà. Nhân Chứng không sao nói chuyện với ông được. Rồi một ngày kia, các anh quyết định thử một phương pháp mới. Biết người đàn ông ấy có thể nghe những gì họ nói nên họ quyết định giảng cho con chó. Họ đến cửa nhà, chào con chó và nói họ sung sướng có cơ hội được nói với nó. Họ nói về một thời kỳ khi địa đàng sẽ được thiết lập trên đất, khi không còn ai phải giận dữ—đúng vậy, ngay cả thú vật cũng hiền hòa. Rồi họ lễ phép chào tạm biệt con chó và bắt đầu đi. Họ thật ngạc nhiên khi thấy người đàn ông ra khỏi căn nhà và xin lỗi vì đã không bao giờ cho Nhân Chứng cơ hội để nói chuyện với mình. Ông nhận tạp chí và nhận học hỏi Kinh Thánh. Nay người đàn ông ấy là anh em chúng ta—một trong những “vật đáng chuộng”!
“Đừng sợ”
18. Nhiều tín đồ Đấng Christ gặp phải vấn đề nào, nhưng Đức Giê-hô-va coi những người thờ phượng Ngài như thế nào?
18 Bạn có đang tham gia vào công việc trọng yếu, đó là rao giảng Nước Trời và đào tạo môn đồ không? Nếu có, bạn thật sự có đặc ân đấy. Thật vậy, qua công việc này, Đức Giê-hô-va kéo những “vật đáng chuộng” vào nhà của Ngài. (Giăng 6:44) Công nhận là thỉnh thoảng bạn có thể thấy mệt mỏi và nản lòng. Đôi khi một vài anh chị—thậm chí trong số những tôi tớ trung thành của Đức Giê-hô-va—bị giằng co với cảm nghĩ mình chẳng có giá trị gì. Nhưng bạn đừng bỏ cuộc! Đức Giê-hô-va coi mỗi người thờ phượng Ngài là đáng chuộng và Ngài chú tâm đến sự cứu rỗi của bạn.—2 Phi-e-rơ 3:9.
19. Qua A-ghê, Đức Giê-hô-va cung cấp sự khích lệ nào, và những lời này có thể là nguồn sức mạnh cho chúng ta như thế nào?
19 Khi cảm thấy nản lòng hoặc vì sự chống đối hoặc vì những hoàn cảnh bất lợi khác, những lời của Đức Giê-hô-va nói với người Do Thái hồi hương có thể là nguồn sức mạnh. Nơi A-ghê 2:4-6, chúng ta đọc: “Vậy bây giờ, Đức Giê-hô-va phán: Hỡi Xô-rô-ba-bên, ngươi khá can-đảm; còn ngươi, Giê-hô-sua, con trai Giô-xa-đác, thầy tế-lễ cả, cũng khá can-đảm; Đức Giê-hô-va lại phán: Cả dân-sự trong đất, các ngươi cũng khá can-đảm, và hãy làm việc; vì ta ở cùng các ngươi, Đức Giê-hô-va vạn-quân phán vậy. Lời giao-ước mà ta lập với các ngươi khi các ngươi ra khỏi Ê-díp-tô cùng Thần ta ở giữa các ngươi: chớ sợ-hãi. Vì Đức Giê-hô-va vạn-quân phán như vầy: Còn một lần, khỏi ít lâu nữa, ta sẽ làm rúng-động các từng trời và đất, biển và đất khô”. Hãy lưu ý là Đức Giê-hô-va không những khuyên chúng ta cần phải mạnh lên mà còn cung cấp cho chúng ta phương tiện để nhận được sức mạnh. Như thế nào? Hãy lưu ý những lời trấn an: “Ta ở cùng các ngươi”. Đức tin của chúng ta được củng cố biết bao khi ý thức là dù gặp bất cứ trở ngại nào, Đức Giê-hô-va ở với chúng ta!—Rô-ma 8:31.
20. Nhà của Đức Giê-hô-va được đầy dẫy sự vinh quang hơn trước bằng cách nào?
20 Đức Giê-hô-va thực sự đã chứng tỏ là Ngài ở với dân Ngài. Thật vậy, như Ngài nói qua nhà tiên tri A-ghê: “Vinh-quang sau-rốt của nhà nầy sẽ lớn hơn vinh-quang trước... và ta sẽ ban sự bình-an trong chốn nầy”. (A-ghê 2:9) Quả thật, sự vinh quang lớn nhất ngày nay được thấy trong đền thờ thiêng liêng của Đức Giê-hô-va. Mỗi năm, hàng trăm ngàn người kéo đến sự thờ phượng thật. Những người này được cung cấp thức ăn thiêng liêng dư dật và ngay cả trong thế gian hỗn loạn này, họ được hưởng bình an mà chỉ sự bình an trong thế giới mới của Đức Chúa Trời mới trổi hơn được.—Ê-sai 9:5, 6; Lu-ca 12:42.
21. Chúng ta cương quyết làm gì?
21 Việc Đức Giê-hô-va làm rúng động các nước tại Ha-ma-ghê-đôn sắp sửa đến. (Khải-huyền 16:14, 16) Do đó, chúng ta hãy dùng thời giờ còn lại để cứu nhiều người hơn. Mong sao chúng ta vững mạnh và hoàn toàn tin cậy Đức Giê-hô-va. Chúng ta hãy cương quyết tiếp tục thờ phượng tại đền thờ thiêng liêng vĩ đại của Ngài, đem thêm những “vật đáng chuộng” đến đầy đền thờ đó cho đến khi Đức Giê-hô-va nói rằng công việc của chúng ta đã hoàn tất.
[Chú thích]
a Vật dụng đóng góp vào công trình xây cất đền thờ Sa-lô-môn tương đương với gần 40 tỷ đô la tính theo thời giá. Những gì không dùng đến trong công trình xây cất được sung vào quỹ đền thờ.—1 Các Vua 7:51.
b Khác với thầy tế lễ thượng phẩm của Y-sơ-ra-ên, Chúa Giê-su vô tội nên không cần chuộc tội. Tuy nhiên, các thầy tế lễ phụ có tội vì được lấy từ nhân loại tội lỗi.—Khải-huyền 5:9, 10.
c Xin xem Tháp Canh, ngày 15-2-1998, trang 17-22.
Bạn có nhớ không?
• Đối với Đức Giê-hô-va, cái gì còn quý giá hơn đồ đạc vật chất?
• Huyết Chúa Giê-su đổ ra đem lại lợi ích cho hai nhóm người nào?
• Ai là những “vật đáng chuộng” đem vinh quang đến đầy nhà Đức Giê-hô-va?
• Chúng ta có bằng chứng nào cho thấy lời tiên tri của A-ghê đang được ứng nghiệm ngày nay?
[Biểu đồ nơi trang 16]
(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)
Bạn có biết ý nghĩa tượng trưng của đền thờ thời xưa của Đức Giê-hô-va không?
Nơi Chí Thánh
Bức màn
Nơi Thánh
Hiên cửa
Bàn thờ
Hành lang
[Hình nơi trang 17]
Thầy tế lễ thượng phẩm dâng một con bò đực vì tội của các thầy tế lễ và một con dê vì tội của những chi phái Y-sơ-ra-ên không thuộc dòng thầy tế lễ
[Hình nơi trang 18]
Công việc rao giảng Nước Trời trên toàn thế giới đang kéo vô số người đến nhà của Đức Giê-hô-va