Hãy dùng của bất nghĩa mà kết bạn’
“Hãy dùng của bất-nghĩa mà kết bạn... Ai trung-tín trong việc rất nhỏ, cũng trung-tín trong việc lớn” (LU-CA 16:9, 10).
1. Sau khi thoát khỏi xứ Ê-díp-tô, Môi-se và dân Y-sơ-ra-ên ngợi khen Đức Giê-hô-va như thế nào?
ĐƯỢC giải cứu bằng phép lạ—thật là một kinh nghiệm làm vững đức tin làm sao! Không ai khác hơn là Đức Giê-hô-va, Đấng Toàn năng, đã giải cứu dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ê-díp-tô. Thảo nào Môi-se và dân Y-sơ-ra-ên hát: “Đức Giê-hô-va là sức mạnh và sự ca-tụng của tôi: Ngài đã trở nên Đấng cứu tôi. Ngài là Đức Chúa Trời tôi, tôi ngợi-khen Ngài; Đức Chúa Trời của tổ-phụ tôi, tôi tôn-kính Ngài” (Xuất Ê-díp-tô Ký 15:1, 2; Phục-truyền Luật-lệ Ký 29:2).
2. Khi rời xứ Ê-díp-tô, dân sự Đức Giê-hô-va đem theo những gì?
2 Sự tự do mới mà dân Y-sơ-ra-ên được hưởng khác biệt với tình trạng của họ tại xứ Ê-díp-tô làm sao! Giờ thì họ có thể thờ phượng Đức Giê-hô-va mà không bị ai ngăn cản cả. Và họ không rời xứ Ê-díp-tô với bàn tay trắng. Môi-se kể lại: “Dân Y-sơ-ra-ên... xin người Ê-díp-tô những đồ bằng bạc và bằng vàng cùng áo-xống. Đức Giê-hô-va làm cho dân-sự được ơn trước mắt người Ê-díp-tô, nên họ bằng lòng cho; và dân Y-sơ-ra-ên lột trần người Ê-díp-tô vậy” (Xuất Ê-díp-tô Ký 12:35, 36). Nhưng họ đã dùng của cải của xứ Ê-díp-tô như thế nào? Việc họ dùng của cải có đem lại sự ‘tôn kính Đức Giê-hô-va’ không? Chúng ta học được gì qua gương của họ? (So sánh I Cô-rinh-tô 10:11).
“Lễ-vật cho Đức Giê-hô-va”
3. Việc Y-sơ-ra-ên dùng vàng trong sự thờ phượng giả khiến Đức Giê-hô-va phản ứng thế nào?
3 Trong thời gian 40 ngày Môi-se ở lại trên núi Si-na-i để nhận những điều Đức Giê-hô-va dạy bảo dân Y-sơ-ra-ên thì dân chúng đợi ở dưới chân núi trở nên bồn chồn không yên. Họ tháo những vòng vàng đeo tai và bảo A-rôn làm một hình tượng để họ thờ phượng. A-rôn cũng lập cho họ một bàn thờ, và sáng sớm ngày hôm sau, họ dâng của-lễ tại đó. Việc họ dùng vàng như vậy có làm Đấng Giải cứu họ yêu quí họ không? Chắc chắn là không! Đức Giê-hô-va phán cùng Môi-se rằng: “Bây giờ hãy để mặc ta làm, hầu cho cơn thạnh-nộ ta nổi lên cùng chúng nó, diệt chúng nó đi”. Nhờ Môi-se nài xin nên Đức Giê-hô-va mới tha cho dân chúng. Tuy nhiên, Đức Chúa Trời giáng tai vạ giết những kẻ lãnh đạo cuộc phản loạn (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:1-6, 10-14, 30-35).
4. “Lễ-vật cho Đức Giê-hô-va” là gì, và ai dâng lễ vật đó?
4 Về sau dân Y-sơ-ra-ên có dịp dùng của cải của mình một cách làm vui lòng Đức Giê-hô-va. Họ lấy “một lễ-vật... dâng cho Đức Giê-hô-va”a. Trong số những đồ đóng góp để dựng và trang bị đền tạm, người ta thấy có vàng, bạc, đồng, chỉ xanh dương, các loại vải và len nhuộm màu khác nhau, da chiên đực, da hải cẩu và gỗ si-tim. Lời tường thuật này lưu ý chúng ta đến thái độ của những người đóng góp. “Hễ người nào có lòng thành dâng cho, hãy đem lễ-vật cho Đức Giê-hô-va” (Xuất Ê-díp-tô Ký 35:5-9). Dân Y-sơ-ra-ên hưởng ứng nồng nhiệt. Vì thế, trích lời một học giả thì đền tạm là một kiến trúc “đẹp đẽ và nguy nga tuyệt vời”.
Đóng góp cho đền thờ
5, 6. Trong việc xây dựng đền thờ, Đa-vít dùng của cải của ông như thế nào, và những người khác đáp ứng ra sao?
5 Tuy vua Sa-lô-môn của Y-sơ-ra-ên điều khiển công việc xây cất một nơi cố định để thờ phượng Đức Giê-hô-va, nhưng cha ông là Đa-vít đã tốn nhiều công lao để chuẩn bị cho công việc đó. Đa-vít thâu rất nhiều vàng, bạc, đồng, sắt, gỗ và đá quí. Đa-vít nói với dân: “Vì lòng ta yêu-mến đền của Đức Chúa Trời, nên ngoại trừ số ta đã sắm cho đền thánh, ta cũng dâng cho đền của Đức Chúa Trời ta các đồ bằng vàng và bằng bạc thuộc riêng về ta, tức là ba ngàn ta-lâng vàng Ô-phia, và bảy ngàn ta-lâng bạc thét, đặng dùng bọc các vách đền”. Đa-vít khuyến khích người khác cũng nên rộng lượng. Họ nhiệt liệt hưởng ứng nên có thêm vàng, bạc, đồng, sắt và đá quí. Dân chúng “trọn lòng vui ý [tình nguyện] dâng [lễ vật] cho Đức Giê-hô-va” (I Sử-ký 22:5; 29:1-9).
6 Qua những sự đóng góp tình nguyện đó, dân Y-sơ-ra-ên bày tỏ lòng quí mến sâu xa đối với sự thờ phượng Đức Giê-hô-va. Đa-vít khiêm nhường cầu nguyện: “Tôi là ai, và dân-sự tôi là gì, mà chúng tôi có sức dâng cách vui lòng [tình nguyện] như vậy?” Tại sao? “Vì mọi vật đều do nơi Chúa mà đến; và những vật chúng tôi đã dâng cho Chúa chẳng qua là đã thuộc về Chúa... Về phần tôi, tôi cứ theo sự ngay-thẳng của lòng tôi mà vui lòng [tình nguyện] dâng các vật nầy” (I Sử-ký 29:14, 17).
7. Chuyện xảy ra trong thời A-mốt cho chúng ta bài học nào để chúng ta cảnh giác đề phòng?
7 Tuy nhiên, các chi phái của Y-sơ-ra-ên đã không tiếp tục đặt sự thờ phượng Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong tâm trí họ. Vào khoảng thế kỷ thứ chín trước công nguyên, xứ Y-sơ-ra-ên bị phân chia này đã phạm tội sao lãng về thiêng liêng. Đối với nước Y-sơ-ra-ên ở phương bắc với mười chi phái, Đức Giê-hô-va tuyên bố qua A-mốt: “Khốn thay cho những kẻ ăn-ở nể [an nhàn] trong Si-ôn, và cho những kẻ tưởng mình an-ổn trên núi Sa-ma-ri!” Ngài miêu tả họ là những người “nằm ngủ trên giường ngà... duỗi dài trên ghế dài mình; ăn những chiên con chọn ra trong bầy và những bò con mập trong chuồng... uống rượu trong những chén lớn”. Nhưng sự sang trọng của họ không che chở họ được. Đức Chúa Trời cảnh cáo: “Chúng nó sẽ bị bắt làm phu-tù đầu-nhứt trong những kẻ bị bắt, và bấy giờ sẽ dứt tiếng reo vui của những kẻ buông-tuồng ấy!” Năm 740 trước công nguyên, dân Y-sơ-ra-ên bị khổ sở dưới tay của A-si-ri (A-mốt 6:1, 4, 6, 7). Và sau này dân Giu-đa ở phương nam cũng trở thành nạn nhân của sự ham mê vật chất (Giê-rê-mi 5:26-29).
Dùng tài sản cách thích đáng vào thời đấng Christ
8. Giô-sép và Ma-ri nêu gương tốt nào trong việc dùng tài sản của mình?
8 Ngược lại, hoàn cảnh tương đối nghèo khó của tôi tớ Đức Chúa Trời vào thời sau này không làm họ thiếu hăng hái trong sự thờ phượng thật. Hãy xem trường hợp của Ma-ri và Giô-sép. Vì vâng lệnh của Sê-sa Au-gút-tơ, họ phải làm một cuộc hành trình đến quê quán của gia đình họ là thành Bết-lê-hem (Luke 2:4, 5). Giê-su được sinh ra ở đó. Bốn mươi ngày sau, Giô-sép và Ma-ri đến đền thờ tại Giê-ru-sa-lem gần đó hầu dâng của-lễ đã qui định để cho Ma-ri được sạch. Việc Ma-ri dâng hai con chim nhỏ cho thấy hoàn cảnh nghèo khó của họ. Cả bà lẫn Giô-sép không viện cớ nghèo khó để không dâng của-lễ. Trái lại, họ dùng tài sản eo hẹp của mình để làm theo những điều được ấn định (Lê-vi Ký 12:8; Lu-ca 2:22-24).
9-11. a) Lời Giê-su nơi Ma-thi-ơ 22:21 hướng dẫn chúng ta thế nào trong việc dùng tiền bạc? b) Tại sao sự đóng góp ít ỏi của bà góa không phải là vô ích?
9 Sau này, người Pha-ri-si và một đám người theo Hê-rốt cố gài bẫy Giê-su nên họ hỏi: “Vậy, xin thầy nói cho chúng tôi, thầy nghĩ thế nào: Có nên nộp thuế cho Sê-sa hay không?” Câu trả lời của Giê-su cho thấy ngài có sự suy nghĩ khôn ngoan. Ngài dùng đồng tiền mà họ đưa cho và hỏi: “Hình và hiệu nầy của ai?” Họ trả lời: “Của Sê-sa”. Ngài khôn ngoan kết luận: “Vậy, hãy trả cho Sê-sa vật gì của Sê-sa; và trả cho Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời” (Ma-thi-ơ 22:17-21). Giê-su biết nhà cầm quyền phát hành đồng tiền đó muốn dân chúng phải nộp thuế. Nhưng ở đây, ngài giúp môn đồ và cả kẻ thù nhận biết rằng tín đồ thật của đấng Christ cũng gắng sức trả cho “Đức Chúa Trời vật gì của Đức Chúa Trời”. Điều này bao gồm việc dùng tài sản của mình một cách thích đáng.
10 Một chuyện mà Giê-su chứng kiến trong đền thờ cho thấy rõ điều đó. Ngài vừa lên án những thầy thông giáo tham lam “nuốt gia-tài của đờn-bà góa”. Lu-ca thuật lại: “Đức Chúa Giê-su vừa ngó lên, thấy những kẻ giàu bỏ tiền lễ vào rương, lại thấy một mụ góa nghèo bỏ vào hai đồng tiền. Ngài phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mụ góa nghèo nầy đã bỏ vào nhiều hơn hết mọi người khác. Vì mọi người kia đều lấy của dư mình mà làm của dâng; nhưng mụ nầy thiếu-thốn, mà đã dâng hết của mình có để nuôi mình” (Lu-ca 20:46, 47; 21:1-4). Một số người nói là đền thờ được trang hoàng bằng đá quí. Giê-su trả lời: “Những ngày sẽ đến, mọi đều các ngươi ngó thấy đây, sẽ không còn một hòn đá nào chồng trên hòn khác mà không đổ xuống” (Lu-ca 21:5, 6). Có phải sự đóng góp ít ỏi của bà góa này là vô ích không? Chắc chắn là không. Bà ủng hộ sự sắp đặt mà Đức Giê-hô-va thiết lập vào thời đó.
11 Giê-su phán cùng các môn đồ thật của ngài: “Không có đầy-tớ nào làm tôi hai chủ được; vì sẽ ghét chủ nầy mà yêu chủ kia, hay là hiệp với chủ nầy mà khinh-dể chủ kia. Các ngươi không có thể đã làm tôi Đức Chúa Trời, lại làm tôi Ma-môn [của cải] nữa” (Lu-ca 16:13). Vì thế, làm thế nào chúng ta có thể bày tỏ sự thăng bằng đúng cách trong việc dùng tài chính của chúng ta?
Những người quản trị trung thành
12-14. a) Tín đồ đấng Christ là những người quản trị tài sản nào? b) Ngày nay, dân sự của Đức Giê-hô-va trung thành thi hành trách nhiệm quản trị qua những cách đặc biệt nào? c) Ngày nay, tiền bạc để chu cấp cho công việc của Đức Chúa Trời đến từ đâu?
12 Khi chúng ta dâng đời sống cho Đức Giê-hô-va, chúng ta thật ra muốn nói rằng tất cả những gì chúng ta có, tất cả tài sản của chúng ta, đều thuộc về Ngài. Vậy, chúng ta nên dùng tài sản của chúng ta như thế nào? Khi bàn về việc phục vụ trong hội thánh, anh C. T. Russell, chủ tịch đầu tiên của Hội Tháp Canh, viết: “Mỗi cá nhân phải coi chính mình là người được Chúa bổ nhiệm làm người quản trị thì giờ, ảnh hưởng, tiền bạc của chính mình v.v... , và mỗi người phải cố hết sức dùng những tài năng đó để ngợi khen Chủ” (The New Creation, trang 345).
13 I Cô-rinh-tô 4:2 nói: “Đều người ta trông-mong nơi người quản-trị là phải trung-thành”. Là một tổ chức quốc tế, Nhân-chứng Giê-hô-va cố gắng hành động phù hợp với lời miêu tả đó. Họ cố hết sức dùng thì giờ mà hoàn cảnh cho phép để làm công việc thánh chức và cần mẫn trau giồi khả năng dạy dỗ người khác. Ngoài ra, dưới sự chỉ dẫn của Ủy ban Xây cất Vùng, những toán người tình nguyện sẵn sàng dùng thì giờ, sức lực và khả năng của mình để xây những phòng họp dùng trong việc thờ phượng. Đức Giê-hô-va rất hài lòng với tất cả những việc này.
14 Tài chính để chu cấp cho công việc dạy dỗ và xây cất rộng lớn đó từ đâu mà ra? Từ những người có lòng thành, y như vào thời xây cất đền tạm. Mỗi cá nhân chúng ta có đóng góp không? Cách chúng ta dùng tài sản của chúng ta có cho thấy việc phụng sự Đức Giê-hô-va là một công việc rất quan trọng đối với chúng ta không? Về vấn đề tiền bạc, chúng ta nên như những người quản trị trung thành.
Một gương mẫu về sự rộng lượng
15, 16. a) Tín đồ đấng Christ vào thời Phao-lô bày tỏ lòng rộng lượng ra sao? b) Chúng ta nên có quan điểm nào về cuộc thảo luận này?
15 Sứ đồ Phao-lô viết về tinh thần rộng lượng của tín đồ đấng Christ tại xứ Ma-xê-đoan và A-chai (Rô-ma 15:26). Mặc dù chính họ nghèo khó, họ sẵn sàng đóng góp để giúp đỡ anh em. Phao-lô khuyến khích tín đồ tại thành Cô-rinh-tô cũng nên rộng lượng như thế, tặng số tiền mình thặng dư để bù sự thiếu hụt của anh em khác. Không ai có thể đúng lý buộc Phao-lô vào tội tống tiền. Ông viết: “Hễ ai gieo ít thì gặt ít, ai gieo nhiều thì gặt nhiều. Mỗi người nên tùy theo lòng mình đã định mà quyên ra, không phải phàn-nàn hay là vì ép-uổng; vì Đức Chúa Trời yêu kẻ thí của cách vui lòng” (II Cô-rinh-tô 8:1-3, 14; 9:5-7, 13).
16 Ngày nay, các anh em và những người chú ý đến Kinh-thánh đóng góp rộng lượng cho công việc Nước Trời trên toàn thế giới là bằng chứng cho thấy họ quí trọng đặc ân này nhiều như thế nào. Tuy nhiên, chúng ta nên xem cuộc thảo luận này như một cách để nhắc nhở chúng ta, như Phao-lô nhắc nhở tín đồ tại thành Cô-rinh-tô.
17. Phao-lô khuyến khích mọi người theo thói quen nào về việc ban cho, và ngày nay chúng ta có thể theo gương mẫu đó không?
17 Phao-lô khuyến khích anh em theo thói quen trong việc ban cho. Ông nói: “Cứ ngày đầu tuần-lễ, mỗi một người trong anh em khá tùy sức mình chắt-lót được bao nhiêu thì để dành tại nhà mình” (I Cô-rinh-tô 16:1, 2). Chúng ta và con cái có thể làm theo thói quen này để đóng góp qua hội thánh hoặc gửi trực tiếp đến văn phòng chi nhánh của Hội Tháp Canh gần nơi chúng ta nhất. Một cặp vợ chồng giáo sĩ được bổ nhiệm rao giảng tại một thành phố ở Đông Phi mời những người chú ý cùng họ tham dự một buổi học Kinh-thánh. Khi buổi họp đầu tiên kết thúc, cặp vợ chồng giáo sĩ đó kín đáo bỏ vài đồng tiền vào trong một hộp ghi “Đóng góp cho công việc Nước Trời”. Những người khác cũng làm thế. Về sau, sau khi những người mới này được tổ chức thành một hội thánh, anh giám thị vòng quanh đến thăm và nhận xét là họ đóng góp rất đều đặn (Thi-thiên 50:10, 14, 23).
18. Chúng ta có thể giúp đỡ anh em trong hoàn cảnh khốn khó như thế nào?
18 Chúng ta cũng có đặc ân dùng tài sản để giúp nạn nhân của các thiên tai và những người sống trong vùng bị chiến tranh tàn phá. Chúng ta vui mừng biết bao khi đọc thấy đồ cứu trợ được gửi đi Đông Âu vì cuộc biến động về kinh tế và chính trị đã lan tràn qua khắp vùng đó của thế giới! Những sự đóng góp về quần áo, vật dụng lẫn tiền bạc cho thấy anh em rộng lượng và đoàn kết với những tín đồ đấng Christ thiếu may mắn.b (II Cô-rinh-tô 8:13, 14).
19. Chúng ta có thể giúp anh em phục vụ trọn thời gian bằng những hành động thực tế nào?
19 Chúng ta quí trọng công việc của anh em phụng sự trọn thời gian với tư cách người tiên phong, giám thị lưu động, giáo sĩ và nhân viên tình nguyện giúp việc tại nhà Bê-tên, phải không? Khi hoàn cảnh cho phép, chúng ta có thể giúp đỡ họ cách trực tiếp về mặt vật chất. Thí dụ, khi anh giám thị vòng quanh đến thăm hội thánh, bạn có thể mời anh ở trọ nhà, dùng cơm, hoặc phụ giúp trang trải những chi phí xe cộ. Cha chúng ta trên trời muốn tôi tớ Ngài được săn sóc nên Ngài không bao giờ quên bất cứ sự rộng lượng nào nói trên (Thi-thiên 37:25). Vài năm trước đây, một anh chỉ có thể mời vợ chồng anh giám thị lưu động đến nhà anh dùng một bữa cơm thanh đạm. Khi vợ chồng anh giám thị ra về buổi chiều đó để đi rao giảng, anh đưa cho họ một phong bì. Trong đó có tiền (trị giá khoảng một Mỹ kim) cùng một tấm giấy có viết vài chữ: “Để anh chị dùng một ly trà hoặc mua vài lít xăng”. Hành động tầm thường này bày tỏ lòng quí mến sâu xa biết bao!
20. Chúng ta không nên sao lãng bổn phận và bỏ mất đặc ân nào?
20 Về phương diện thiêng liêng, Đức Giê-hô-va ban cho dân sự Ngài nhiều ân phước thay! Chúng ta hưởng những bữa tiệc thiêng liêng tại các buổi hội nghị. Nơi đó chúng ta nhận các sách báo mới, được dạy dỗ và được cho những lời khuyên thực tế. Với lòng đầy biết ơn vì được nhiều ân phước về thiêng liêng, chúng ta không quên đặc ân và bổn phận đóng góp để đẩy mạnh công việc Nước Trời trên toàn thế giới.
“Hãy dùng của bất-nghĩa mà kết bạn”
21, 22. Điều gì sắp xảy đến cho “của bất-nghĩa”, và chúng ta phải làm gì ngay bây giờ?
21 Thực sự có nhiều cách mà chúng ta có thể cho thấy việc thờ phượng Đức Giê-hô-va là điều quan trọng nhất trong đời sống chúng ta. Một cách đặc biệt để bày tỏ điều này bao gồm việc chúng ta nghe theo lời khuyên của Giê-su: “Hãy dùng của bất-nghĩa mà kết bạn, để khi của ấy hết đi [trở nên vô dụng], họ tiếp các ngươi vào nhà đời đời” (Lu-ca 16:9).
22 Hãy lưu ý là Giê-su nói về của bất nghĩa trở nên vô dụng. Đúng vậy, một ngày nào đó tiền bạc của hệ thống này sẽ không còn có giá trị. Ê-xê-chi-ên tiên tri: “Chúng nó sẽ quăng bạc mình ra ngoài đường-phố, vàng chúng nó sẽ ra như đồ ô-uế; hoặc vàng, hoặc bạc, cũng không thể cứu chúng nó nơi ngày cơn giận của Đức Giê-hô-va” (Ê-xê-chi-ên 7:19). Từ nay cho đến lúc đó, chúng ta phải thực hành sự khôn ngoan và suy xét thận trọng về cách chúng ta dùng của cải. Như thế chúng ta sẽ không nhìn lại và hối tiếc vì đã không nghe lời cảnh cáo của Giê-su: “Nếu các ngươi không trung-tín về của bất-nghĩa, có ai đem của thật giao cho các ngươi?... Các ngươi không có thể đã làm tôi Đức Chúa Trời, lại làm tôi Ma-môn [của cải] nữa” (Lu-ca 16:11-13).
23. Chúng ta nên khôn ngoan sử dụng gì, và chúng ta sẽ được thưởng gì?
23 Vậy, tất cả chúng ta hãy thành tâm nghe theo những lời nhắc nhở đó là đặt sự thờ phượng Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống chúng ta và khôn ngoan dùng tất cả tài sản của mình. Như thế, chúng ta có thể duy trì tình bạn với Đức Giê-hô-va và Giê-su, là hai Đấng hứa khi tiền bạc không còn có giá trị thì hai Ngài sẽ tiếp chúng ta “vào nhà đời đời”, với triển vọng được sống đời đời hoặc trong Nước Trời trên trời hoặc trong địa đàng trên đất (Lu-ca 16:9).
[Chú thích]
a Chữ Hê-bơ-rơ dịch là “lễ-vật” bắt nguồn từ một động từ có nghĩa đen là “ở trên cao; được tôn cao; nâng lên”.
b Xin xem Jehovah’s Witnesses—Proclaimers of God’s Kingdom (Nhân-chứng Giê-hô-va—Những người rao giảng về Nước Trời), trang 307-315, do Watchtower Bible and Tract Society of New York, Inc. xuất bản năm 1993.
Bạn có nhớ không?
◻ Dân Y-sơ-ra-ên hưởng ứng thế nào khi Đức Giê-hô-va mời họ đóng góp vào việc xây dựng đền tạm?
◻ Tại sao sự đóng góp của bà góa không phải là vô ích?
◻ Tín đồ đấng Christ có trách nhiệm gì về việc sử dụng tài sản của mình?
◻ Làm sao chúng ta có thể tránh hối tiếc trong việc dùng tiền bạc?
[Hình nơi trang 15]
Sự đóng góp của bà góa dù ít nhưng không vô ích
[Hình nơi trang 16]
Sự đóng góp của chúng ta ủng hộ công việc Nước Trời trên toàn thế giới