Tài liệu tham khảo cho Chương trình nhóm họp Lối sống và thánh chức
NGÀY 2-8 THÁNG 11
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | XUẤT AI CẬP 39, 40
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
it-2-E trg 884 đ. 3
Da hải cẩu
Làm thế nào dân Y-sơ-ra-ên có được? Nếu từ taʹchash trong Kinh Thánh nói đến hải cẩu thì câu hỏi được đặt ra là làm sao dân Y-sơ-ra-ên có được da hải cẩu. Thường thì người ta cho rằng hải cẩu sống ở Bắc Cực và Nam Cực nhưng một số loại thích sống ở những vùng có khí hậu ấm. Ngày nay, một số hải cẩu thầy tu vẫn còn sống ở Địa Trung Hải và những vùng nước ấm khác. Trong nhiều thế kỷ qua, con người khiến cho số lượng hải cẩu giảm đi đáng kể; vào thời Kinh Thánh, những con vật này có lẽ có rất nhiều ở Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Vào năm 1832, một từ điển về Kinh Thánh ấn bản tiếng Anh (Calmet’s Dictionary of the Holy Bible) (trg 139) cho biết: “Hải cẩu được tìm thấy ở nhiều hòn đảo nhỏ thuộc Biển Đỏ và xung quanh bán đảo Sinai”.—Cũng xem The Tabernacle’s Typical Teaching của A. J. Pollock, London, trg 47.
NGÀY 9-15 THÁNG 11
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | LÊ-VI 1-3
it-2-E trg 525
Lễ vật
Lễ vật thiêu. Lễ vật thiêu được dâng toàn phần cho Đức Chúa Trời; người thờ phượng không giữ lại phần nào của con thú. (So sánh Qu 11:30, 31, 39, 40). Mục đích của lễ vật thiêu là xin Đức Giê-hô-va chấp nhận (hoặc cho thấy ngài chấp nhận) lễ vật chuộc tội, là lễ vật thường đi kèm với lễ vật thiêu. Là “lễ vật thiêu”, Chúa Giê-su dâng trọn vẹn thân thể và đời sống cho Đức Giê-hô-va.
it-2-E trg 528 đ. 4
Lễ vật
Lễ vật ngũ cốc. Lễ vật ngũ cốc được dâng cùng lễ vật hòa thuận, lễ vật thiêu và lễ vật chuộc tội, và cũng có thể được dâng làm lễ vật đầu mùa; đôi khi lễ vật này được dâng riêng (Xu 29:40-42; Lê 23:10-13, 15-18; Dân 15:8, 9, 22-24; 28:9, 10, 20, 26-28; chg 29). Các lễ vật này được dâng để tỏ lòng biết ơn về sự rộng rãi của Đức Chúa Trời vì ngài ban phước lành và sự thịnh vượng. Dầu và nhựa thơm trắng thường đi kèm với lễ vật này. Lễ vật ngũ cốc có thể là bột mịn, ngũ cốc rang, hoặc những bánh vòng hay bánh mỏng được nướng trong lò hay trên khuôn hoặc được chiên trong chảo. Một phần lễ vật ngũ cốc được dâng trên bàn thờ dâng lễ vật thiêu, một phần thì các thầy tế lễ dùng, và nếu được dâng cùng lễ vật hòa thuận thì người thờ phượng sẽ dùng một phần (Lê 6:14-23; 7:11-13; Dân 18:8-11). Tất cả các lễ vật ngũ cốc được dâng trên bàn thờ không được có men hoặc “mật” (hẳn nói đến mật của trái vả hoặc nước trái cây) vì nó có thể lên men.—Lê 2:1-16.
it-2-E trg 526 đ. 1
Lễ vật
Lễ vật hòa thuận. Những lễ vật hòa thuận được Đức Giê-hô-va chấp nhận cho thấy một người hòa thuận với ngài. Người thờ phượng và người nhà của họ được dùng một phần của lễ vật (trong sân của lều thánh; theo truyền thống của Do Thái, những lều được dựng sát bức màn bao quanh sân; trong đền thờ có các phòng ăn). Thầy tế lễ thực hiện nghi lễ nhận một phần lễ vật hòa thuận, còn những thầy tế lễ đang phục vụ vào lúc đó thì nhận một phần khác. Có thể nói Đức Giê-hô-va nhận khói dễ chịu của mỡ được thiêu. Máu tượng trưng cho sự sống và thuộc về Đức Giê-hô-va nên cũng được dâng lên ngài. Điều đó tựa như các thầy tế lễ, những người thờ phượng và Đức Giê-hô-va đang dùng bữa chung, biểu trưng cho một mối quan hệ hòa thuận. Một người đang trong tình trạng ô uế (bất cứ sự ô uế nào được nhắc đến trong Luật pháp) mà dùng một phần lễ vật hoặc ăn sau thời gian quy định (trong khí hậu nóng, thịt bắt đầu thối rữa) sẽ bị diệt trừ khỏi dân chúng. Người ấy làm ô uế bữa ăn vì chính họ bị ô uế hoặc ăn những gì mà Đức Giê-hô-va xem là gớm ghiếc, điều đó cho thấy họ khinh thường những điều thánh.—Lê 7:16-21; 19:5-8.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
it-1-E trg 813
Mỡ
Lý do có luật này. Dưới giao ước Luật pháp, cả máu lẫn mỡ đều được xem là thuộc riêng về Đức Giê-hô-va. Trong máu có sự sống, là điều chỉ mình Đức Giê-hô-va có thể ban, vì thế máu thuộc về ngài (Lê 17:11, 14). Mỡ được xem là phần béo nhất của thú vật. Việc dâng mỡ thú vật cho thấy người thờ phượng nhận biết phần tốt nhất là thuộc về Đức Giê-hô-va, đấng cung cấp rộng rãi, và chứng tỏ người ấy muốn dâng điều tốt nhất cho ngài. Vì mỡ tượng trưng cho điều tốt nhất mà dân Y-sơ-ra-ên dâng cho Đức Giê-hô-va nên Kinh Thánh nói mỡ được thiêu bốc khói trên bàn thờ để làm “thức ăn” và “hương thơm dễ chịu” cho ngài (Lê 3:11, 16). Do đó, ăn mỡ là hành động chiếm đoạt bất hợp pháp những gì biệt riêng ra thánh cho Đức Chúa Trời, xâm phạm quyền của ngài. Một người ăn mỡ sẽ bị xử tử. Tuy nhiên, khác với máu, mỡ có thể được dùng cho những mục đích khác, ít nhất là trong trường hợp thú vật đã chết khi được tìm thấy hoặc bị con thú khác giết.—Lê 7:23-25.
NGÀY 16-22 THÁNG 11
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | LÊ-VI 4, 5
“Hãy dâng cho Đức Giê-hô-va điều tốt nhất”
it-2-E trg 527 đ. 9
Lễ vật
Lễ vật chuộc lỗi lầm. Lễ vật chuộc lỗi lầm cũng là lễ vật được dâng khi một người phạm tội, vì lỗi lầm cũng là một loại tội. Lễ vật này được dâng vì một người phạm những tội đặc biệt, và hơi khác với các lễ vật chuộc tội khác theo nghĩa là nó đáp ứng hoặc phục hồi một quyền nào đó. Đó là quyền của Đức Giê-hô-va hoặc quyền của dân ngài bị xúc phạm. Lễ vật chuộc lỗi lầm được dâng để đáp ứng đòi hỏi của Đức Giê-hô-va về công lý, hoặc để phục hồi một quyền trong giao ước cho người phạm tội biết ăn năn và cho người ấy được thoát khỏi hình phạt mình đang chịu.—So sánh Ês 53:10.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
it-1-E trg 1130 đ. 2
Thánh
Con vật và sản vật. Những con bò đực đầu lòng, cừu đực đầu lòng và dê đầu lòng được Đức Giê-hô-va xem là thánh và không được chuộc lại. Chúng được dâng làm vật tế lễ và một phần của chúng thuộc về các thầy tế lễ đã được biệt riêng ra thánh (Dân 18:17-19). Sản vật đầu mùa và thuế một phần mười là thánh, cũng như tất cả các vật tế lễ và lễ vật được biệt riêng ra thánh cho việc phục vụ tại nơi thánh (Xu 28:38). Bất cứ điều gì mà Đức Giê-hô-va xem là thánh thì đều là thánh và không được xem thường, cũng không được dùng vào mục đích thông thường hoặc một cách bất kính. Một ví dụ là điều luật về thuế một phần mười. Nếu một người dành ra một phần sản vật để làm thuế một phần mười, chẳng hạn như lúa mì, nhưng sau đó người ấy hoặc người nhà vô ý lấy một ít trong đó để dùng, chẳng hạn để nấu ăn, thì người đó vi phạm luật pháp của Đức Chúa Trời về các vật thánh. Luật pháp đòi hỏi người ấy phải bồi thường cho nơi thánh một lượng tương đương cộng thêm 20% giá trị của nó, đồng thời phải dâng một con cừu đực khỏe mạnh trong bầy làm lễ vật. Vì thế, các vật thánh thuộc về Đức Giê-hô-va phải được đặc biệt tôn trọng.—Lê 5:14-16.
NGÀY 23-29 THÁNG 11
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | LÊ-VI 6, 7
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
it-1-E trg 833 đ. 1
Lửa
Liên quan đến lều thánh và đền thờ. Lửa đóng vai trò quan trọng trong sự thờ phượng tại lều thánh và sau này là tại đền thờ. Mỗi buổi sáng và giữa hai buổi chiều tối, thầy tế lễ thượng phẩm đốt hương trên bàn thờ dâng hương (Xu 30:7, 8). Luật pháp của Đức Chúa Trời quy định lửa phải luôn cháy trên bàn thờ dâng lễ vật thiêu (Lê 6:12, 13). Truyền thống Do Thái cho rằng ban đầu lửa trên bàn thờ này được nhen nhóm là do phép lạ của Đức Chúa Trời. Dù nhiều người tin như vậy nhưng Kinh Thánh không ủng hộ quan điểm đó. Theo những chỉ dẫn ban đầu mà Đức Giê-hô-va ban cho Môi-se, các con trai của A-rôn phải “nhóm lửa trên bàn thờ và xếp củi vào” trước khi đặt vật tế lễ lên (Lê 1:7, 8). Sau khi các thầy tế lễ dòng A-rôn nhậm chức, tức sau khi vật tế lễ nhậm chức đã được dâng, thì lửa từ Đức Giê-hô-va mới đốt cháy lễ vật trên bàn thờ, có lẽ lửa này đến từ đám mây phía trên lều thánh. Như vậy, Đức Giê-hô-va không dùng ngọn lửa kỳ diệu để nhóm củi trên bàn thờ lúc đầu nhưng dùng để “đốt cháy lễ vật thiêu và các miếng mỡ trên bàn thờ”. Ngọn lửa tiếp tục cháy trên bàn thờ rất có thể là sự kết hợp của ngọn lửa từ Đức Chúa Trời và ngọn lửa sẵn có trên bàn thờ (Lê 8:14–9:24). Tương tự, ngọn lửa kỳ diệu từ Đức Giê-hô-va đã đốt cháy vật tế lễ ngay sau khi Sa-lô-môn dâng lời cầu nguyện khi dâng hiến đền thờ.—2Sử 7:1; cũng xem Qu 6:21; 1V 18:21-39; 1Sử 21:26 để biết thêm những trường hợp khác Đức Giê-hô-va dùng ngọn lửa kỳ diệu khi chấp nhận lễ vật của tôi tớ ngài.
si-E trg 27 đ. 15
Sách thứ 3 trong Kinh Thánh—Lê-vi
15 (3) Lễ vật chuộc tội được dâng khi một người vô tình phạm tội. Loại thú vật được dâng tùy thuộc vào ai là người phạm tội: thầy tế lễ, dân chúng nói chung, thủ lĩnh hoặc thường dân. Khác với những lễ vật tình nguyện mà một cá nhân dâng như lễ vật thiêu và lễ vật hòa thuận, lễ vật chuộc tội là lễ vật bắt buộc.—4:1-35; 6:24-30.
NGÀY 30 THÁNG 11–NGÀY 6 THÁNG 12
KHO BÁU TỪ KINH THÁNH | LÊ-VI 8, 9
“Bằng chứng cho thấy Đức Giê-hô-va ban phước”
it-1-E trg 1207
Phong chức
Môi-se tắm cho A-rôn và các con trai của A-rôn là Na-đáp, A-bi-hu, Ê-lê-a-xa và Y-tha-ma (hoặc ông bảo họ tự tắm) tại bồn bằng đồng trong sân và mặc cho A-rôn y phục vinh hiển của thầy tế lễ thượng phẩm (Dân 3:2, 3). Y phục lộng lẫy mà A-rôn mặc tượng trưng cho những đức tính và trách nhiệm của chức vụ mà ông đảm nhận. Rồi Môi-se xức dầu cho lều thánh cùng mọi đồ đạc và vật dụng trong đó, bàn thờ dâng lễ vật thiêu và những vật dụng của nó, cũng như bồn và vật dụng của nó. Nhờ đó, những thứ này được biệt riêng ra thánh, tức được biệt riêng ra để dùng cho mục đích duy nhất, đó là dùng vào việc phụng sự Đức Chúa Trời. Cuối cùng Môi-se xức dầu cho A-rôn bằng cách đổ dầu trên đầu ông.—Lê 8:6-12; Xu 30:22-33; Th 133:2.
it-1-E trg 1208 đ. 8
Phong chức
Vào ngày thứ tám, sau khi được trang bị đầy đủ và nhậm chức xong, các thầy tế lễ phục vụ lần đầu tiên (mà không có sự trợ giúp của Môi-se). Các thầy tế lễ thực hiện công việc chuộc tội cho dân Y-sơ-ra-ên, lúc đó rất cần được tẩy sạch không những vì bản chất tội lỗi của họ mà còn vì trước đó không lâu họ bất tuân liên quan đến bò con bằng vàng, khiến Đức Giê-hô-va rất không hài lòng (Lê 9:1-7; Xu 32:1-10). Vào lúc cuối trong lần phục vụ đầu tiên của các thầy tế lễ mới nhậm chức, Đức Giê-hô-va cho thấy ngài chấp nhận và xác nhận chức vụ của họ qua việc giáng ngọn lửa kỳ diệu xuống, hẳn là từ trụ mây phía trên lều thánh, thiêu đốt phần còn lại của vật tế lễ trên bàn thờ.—Lê 9:23, 24.
Tìm kiếm những viên ngọc thiêng liêng
it-2-E trg 437 đ. 3
Môi-se
Đức Chúa Trời bổ nhiệm Môi-se làm người trung gian của giao ước Luật pháp với dân Y-sơ-ra-ên. Ngoài Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng Trung Gian của giao ước mới, Môi-se là người duy nhất có vai trò mật thiết như thế với Đức Chúa Trời. Môi-se rảy máu của con sinh tế trên sách giao ước, đại diện cho một bên là Đức Giê-hô-va và một bên là dân chúng (hẳn là các trưởng lão đại diện cho dân chúng). Ông đọc sách giao ước cho dân chúng. Nghe xong, họ đáp: “Chúng tôi sẵn lòng làm theo mọi lời Đức Giê-hô-va đã phán dặn” (Xu 24:3-8; Hê 9:19). Trong vị trí người trung gian, Môi-se có đặc ân giám sát việc làm lều thánh và các vật dụng của lều, đúng theo kiểu mẫu mà Đức Chúa Trời ban cho ông. Ông cũng có đặc ân phong chức cho các thầy tế lễ, xức dầu cho lều thánh và thầy tế lễ thượng phẩm A-rôn bằng một loại dầu có những thành phần đặc biệt. Rồi ông giám sát lần phục vụ đầu tiên của các thầy tế lễ mới nhậm chức.—Xu chg 25-29; Lê chg 8, 9.