Tại sao Kinh-thánh là một sự ban cho do Đức Chúa Trời soi dẫn?
KINH-THÁNH nói “Đức Chúa Trời là sự yêu thương” và qui cho Ngài sự khôn ngoan và quyền năng (I Giăng 4:8; Gióp 12:13; Ê-sai 40:26). Kinh-thánh bảo rằng “các đường-lối Ngài là công-bình” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:4). Theo Kinh-thánh thì Đức Chúa Trời cũng bày tỏ những đức tính như sự nhân từ và thương xót (Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6; Rô-ma 9:15).
Bởi vì Kinh-thánh qui cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời những đức tính dường ấy cho nên Ngài thu hút những người mò mẫm đi tìm đường. Kinh-thánh nói về sự sáng tạo, về nguồn gốc của tội lỗi và sự chết và về phương cách để hòa thuận lại với Đức Chúa Trời. Sách này cho chúng ta thấy một hy vọng tuyệt vời về Địa-đàng được tái lập trên đất. Nhưng tất cả những điều này chỉ có giá trị nếu chúng ta có thể chứng minh rằng Kinh-thánh là một sự ban cho do Đức Chúa Trời soi dẫn.
Kinh-thánh và Khoa học
Kinh-thánh đã luôn luôn đánh bại sự chỉ trích. Thí dụ, nếu ta đọc Kinh-thánh với một trí óc cởi mở, ta sẽ thấy Kinh-thánh phù hợp với khoa học thật. Dĩ nhiên Kinh-thánh được soạn thảo như một sách hướng dẫn về thiêng liêng chứ không phải một sách giáo khoa về khoa học. Nhưng chúng ta hãy xem Kinh-thánh có phù hợp với các sự kiện khoa học hay không.
Cơ thể học: Kinh-thánh nói cách chính xác rằng tất cả các bộ phận của bào thai con người “đã biên vào sổ Chúa” (Thi-thiên 139:13-16). Bộ óc, trái tim, lá phổi, đôi mắt—các phần này và tất cả các bộ phận khác của thân thể đã được “biên vào” trong “gen” hay “mã số di truyền” (genetic code) của cái trứng được thụ tinh trong bụng người mẹ. Trong bộ luật của “gen” có thời khóa biểu cho mỗi bộ phận phải phát hiện khi nào theo đúng thứ tự đã định sẵn. Bạn hãy nghĩ lại một chút! Kinh-thánh đã ghi chép sự kiện về sự phát triển của thân thể con người gần 3.000 năm trước khi các khoa học gia khám phá ra bộ luật về “gen”.
Đời sống thú vật: Theo Kinh-thánh, con thỏ rừng là một thú vật nhai lại, “nó nhơi” (Lê-vi Ký 11:6). Trong sách “Lịch sử thiên nhiên của các loài có vú” (The Natural History of Mammals, 1964, trg 41), François Bourlière viết: “Thói quen ‘nhai lại’ hay là đưa đồ ăn qua ruột hai lần thay vì chỉ một lần, dường như là một hiện tượng thông thường giữa thỏ nhà và thỏ rừng. Thỏ nhà thường thường ăn và nuốt không nhai phân của chúng ban đêm, và đến sáng thì phân này đầy đến phân nửa bao tử của chúng. Đối với thỏ rừng thì chúng nhai lại hai lần mỗi ngày, và người ta ghi nhận thỏ rừng ở Âu Châu cũng có thói quen giống như vậy”. Về vấn đề này, tác phẩm “Loài có vú trên thế giới” (Mammals of the World, do E. P. Walker, 1964, quyển II, trg 647) tuyên bố: “Sự kiện này có lẽ cũng giống như sự nhai lại của những loài vật có vú hay nhơi”.
Khảo cổ học: Nhờ có sự khám phá ra những bảng bằng đất sét, đồ gốm, chữ khắc trên bia và những thứ tương tự nên các vua, các thành phố, và các dân tộc mà Kinh-thánh nói đến đã trở nên sống động. Thí dụ, những dân như dân Hê-tít mà Kinh-thánh nói đến đã hiện hữu thật sự (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:8) Trong quyển sách của ông nhan đề “Kinh-thánh trở nên sống động” (The Bible Comes Alive) Charles Marston nói: “Nhiều kẻ đã làm lung lay đức tin của quần chúng nơi Kinh-thánh, và làm tổn hại thẩm quyền của sách này, chính những kẻ đó lại bị tổn hại khi các bằng chứng được đưa ra ánh sáng, và thẩm quyền của họ bị tiêu tán. Cái xuổng đã đẩy sự phê bình phá hoại ra khỏi lãnh vực của các sự kiện đáng nghi ngờ và đưa nó vào lãnh vực mà người ta thừa nhận là thuộc về trí tưởng tượng”.
Khảo cổ học đã ủng hộ Kinh-thánh bằng nhiều cách. Thí dụ, các sự khám phá xác nhận những chỗ và tên ghi trong sách Sáng-thế Ký đoạn 10 là có thật. Những người đào bới đã tìm thấy thành phố U-rơ ở xứ Canh-đê là trung tâm thương mại và tôn giáo và là nơi sanh trưởng của Áp-ra-ham (Sáng-thế Ký 11:27-31). Ở phía trên nguồn nước Ghi-hôn ở vùng đông nam Giê-ru-sa-lem, các nhà khảo cổ đã tìm ra thành của dân Giê-bu-sít mà Vua Đa-vít đã đánh chiếm (II Sa-mu-ên 5:4-10). Năm 1880, người ta tìm ra chữ khắc ở ao Si-lô-ê, khắc ở một đầu của con kinh dẫn nước của vua Ê-xê-chia (II Các Vua 20:20). Bia sử của Na-bô-nê-đô được đào lên vào thế kỷ 19, có thuật lại sự sụp đổ của Ba-by-lôn bởi Si-ru Đại đế vào năm 539 trước công nguyên. Các chữ khắc từ Persepolis và sự khám phá ra cung điện của Vua Xerxes (A-suê-ru) tại Su-xơ trong các năm từ 1880 đến 1890 xác nhận các chi tiết ghi trong sách Ê-xơ-tê. Các chữ khắc tìm thấy trong tàn tích của rạp hát La-mã tại Sê-sa-rê vào năm 1961 chứng minh rằng quan tổng đốc Bôn-xơ Phi-lát là một nhân vật có thật, ông đã giao Chúa Giê-su cho người ta đóng đinh (Ma-thi-ơ 27:11-26).
Thiên văn học: Khoảng 2.700 năm trước đây—rất lâu trước khi người ta nói chung biết rằng trái đất tròn—nhà tiên tri Ê-sai viết: “Ấy là Đấng ngự trên vòng trái đất này” (Ê-sai 40:22). Chữ Hê-bơ-rơ chugh dịch ở đây là “vòng” hay “vòng tròn” cũng có thể dịch là “hình cầu” (A Concordance of the Hebrew and Chaldee Scriptures, do B. Davidson). Và từ ngoài không gian người ta cũng có thể thấy rõ chân trời của trái đất là hình “vòng tròn”, đôi khi đi máy bay rất cao cũng có thể thấy như thế. Gióp 26:7 nói “Đức Chúa Trời treo trái đất trong khoảng không-không”. Điều này là đúng bởi vì các nhà thiên văn biết rằng trái đất không có vật chống đỡ cụ thể nào.
Thực vật học: Một số người đi đến kết luận sai lầm là Kinh-thánh không chính xác vì Giê-su Christ (Ky-tô) nói đến “một hột cải” như là “nhỏ hơn hết các hột giống” (Mác 4:30-32). Có lẽ Giê-su muốn nói đến hột giống của loại cải đen (Brassica nigra hay Sinapis nigra), hột này có đường kính chỉ khoảng từ 1 đến 1,6 ly. Mặc dù có những hột giống nhỏ hơn, như hột hoa lan nhuyễn như bột, Giê-su không có nói chuyện với những người trồng lan. Các người Do-thái vùng Ga-li-lê thì biết rằng trong các loại giống khác nhau mà người nông dân địa phương gieo thì hột cải là giống nhỏ nhất. Giê-su giảng về Nước Trời chứ không phải dạy một bài học về thực vật học.
Địa chất học: Bàn về lời tường thuật của Kinh-thánh về sự sáng tạo, nhà địa chất học nổi tiếng tên là Wallace Pratt nói: “Nếu có ai kêu tôi với tư cách là một nhà địa chất học và bảo tôi giải nghĩa cách vắn tắt các tư tưởng tân thời của chúng ta về nguồn gốc của trái đất và sự phát triển của sự sống trên đất cho những người mộc mạc, quê mùa như là các chi phái mà sách Sáng-thế Ký được viết cho, thì tôi không thể làm gì hay hơn là theo sát phần lớn lối diễn tả và ngôn ngữ của Sáng-thế Ký đoạn Một”. Ông Pratt ghi nhận rằng thứ tự các biến cố trong Sáng-thế Ký—nguồn gốc của biển lớn (đại dương), đất nhô lên và rồi sự xuất hiện của động vật dưới biển, chim và động vật có vú—phù hợp với thứ tự các tầng chính của thời đại địa chất.
Y khoa: Ông C. Raimer Smith có viết trong sách “Y sĩ xem xét Kinh-thánh” (The Physician Examines the Bible): “Tôi rất lấy làm ngạc nhiên khi thấy Kinh-thánh rất chính xác theo quan điểm y khoa... Khi Kinh-thánh nói đến cách chữa trị, ví dụ như ung nhọt, vết thương, v.v..., thì điều đó là đúng ngay cả khi so với các tiêu chuẩn thời nay... Nhiều người ngày nay vẫn còn tin những điều dị đoan như là có hột cây lật để trong túi thì ngừa được bệnh phong thấp; cầm con cóc thì bị nổi mụn cóc; quấn miếng nỉ đỏ chung quanh cổ thì sẽ hết đau cổ; mỗi khi một đứa trẻ bị bệnh là vì có sán lải, v.v... nhưng trong Kinh-thánh thì không hề có những lời tuyên bố như vậy. Đối với tôi chỉ riêng điều đó cũng là xuất sắc và là một bằng chứng khác cho thấy Kinh-thánh đến từ Đức Chúa Trời”.
Đáng tin cậy trong những chi tiết lịch sử
Luật sư Irwin H. Linton có nhận xét trong sách “Một Luật sư xem xét Kinh-thánh” (A Lawyer Examines the Bible): “Trong khi các tiểu thuyết, truyện hoang đường và lời chứng dối tỏ ra thận trọng khi đặt các biến cố tường thuật ở một nơi xa xôi nào đó và trong một thời gian không chỉ định rõ rệt, do đó đi nghịch lại các luật đầu tiên mà chúng tôi là luật sư đã học về cách biện hộ tốt, đó là “lời tuyên bố phải cho biết thời gian và địa điểm”, các chuyện tường thuật trong Kinh-thánh thì lại cho chúng ta biết thời gian và địa điểm của các việc xảy ra một cách rất là chính xác”.
Để chứng minh điểm này, ông Linton trích Lu-ca 3:1, 2. Ở đây người viết Phúc âm nói đến bảy viên chức để xác định thời điểm khi Giê-su Christ (Ky-tô) bắt đầu thánh chức của ngài. Hãy lưu ý đến các chi tiết mà Lu-ca cung cấp qua những lời này: “Năm thứ mười lăm đời Sê-sa Ti-be-rơ,—khi Bôn-xơ Phi-lát làm quan tổng-đốc xứ Giu-đê, Hê-rốt làm vua chư-hầu xứ Ga-li-lê, Phi-líp em vua ấy làm vua chư-hầu xứ Y-tu-rê và tỉnh Tra-cô-nít, Ly-sa-ni-a làm vua chư-hầu xứ A-by-len, An-ne và Cai-phe làm thầy cả thượng phẩm,—thì có lời Đức Chúa Trời truyền cho Giăng, con Xa-cha-ri, ở nơi đồng vắng”.
Kinh-thánh có đầy những chi tiết tương tự như vậy. Ngoài ra, những phần của Kinh-thánh như là các Phúc âm được viết ra vào một thời mà văn hóa Do-thái, Hy-lạp và La-mã đang phát triển mạnh. Đó là thời đại của các luật sư, văn sĩ, quan quyền và những người giống như vậy. Cho nên nếu các chi tiết trong các Phúc âm hay các phần khác của Kinh-thánh không đúng sự thật thì chắc chắn người ta đã tố cáo các điều đó là gian trá. Nhưng các sử gia thế tục đã xác nhận những điểm như là Giê-su Christ (Ky-tô) có hiện hữu thật sự. Thí dụ, sử gia La-mã Tacitus có viết về Giê-su và các môn đồ ngài như sau: “Christus, từ đó mà ra danh hiệu [tín đồ đấng Christ], là người chịu hình phạt cùng cực dưới triều đại Ti-be-rơ bởi tay của một trong các quan tổng-trấn của chúng ta là Bôn-xơ Phi-lát” (Annals, quyển XV, 44). Sự chính xác của Kinh-thánh về mặt lịch sử giúp chứng minh Kinh-thánh là một sự ban cho của Đức Chúa Trời cho nhân loại.
Bằng chứng lớn lao nhất
Mặc dù khảo cổ học, thiên văn học, lịch sử và các lãnh vực khác của sự hiểu biết ủng hộ Kinh-thánh, đức tin nơi Kinh-thánh không căn cứ trên sự chứng thực đó. Trong bao nhiêu bằng chứng cho thấy Kinh-thánh là một sự ban cho do Đức Chúa Trời soi dẫn, người ta không thể nào trưng ra một bằng chứng lớn lao hơn là sự ứng nghiệm các lời tiên tri ghi trong Kinh-thánh.
Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Nguồn ban cho lời tiên tri thật. Qua miệng nhà tiên tri Ê-sai, Ngài nói: “Nầy, những sự đầu tiên đã ứng-nghiệm rồi, nay ta lại rao cho các ngươi sự mới; ta làm cho các ngươi biết trước khi nó nổ ra” (Ê-sai 42:9). Ngoài ra, Kinh-thánh nói rằng Đức Chúa Trời soi dẫn những người viết Kinh-thánh bởi thánh linh của Ngài, tức sinh hoạt lực. Thí dụ, sứ đồ Phao-lô viết: “Cả Kinh-thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi-dẫn” (II Ti-mô-thê 3:16). Sứ đồ Phi-e-rơ viết: “Chẳng có lời tiên-tri nào trong Kinh-thánh lấy ý riêng giải nghĩa được. Vì chẳng hề có lời tiên-tri nào là bởi ý người nào mà ra, nhưng ấy là bởi Đức Thánh-Linh cảm động mà người ta đã nói bởi Đức Chúa Trời” (II Phi-e-rơ 1:20, 21). Vậy chúng ta hãy xem xét lời tiên tri của Kinh-thánh.
Trong số hàng trăm lời tiên tri trong Kinh-thánh có những lời nói về thủ đô A-si-ri là Ni-ni-ve, “thành đổ máu”. Thành này gieo rắc sự kinh hãi trong khắp miền Trung đông thuở xưa trong hơn 15 thế kỷ (Na-hum 3:1). Tuy nhiên, trong khi quyền lực của Ni-ni-ve đang lên đến tột đỉnh, Kinh-thánh báo trước: “[Đức Chúa Trời] sẽ làm cho Ni-ni-ve hoang-vu, thành ra một chỗ khô khan như đồng-vắng. Những bầy thú-vật sẽ nằm ở giữa nó, hết thảy các loài thú khác, cả đến chim bò-nông và con nhím cũng sẽ ở trên đầu trụ nó. Tiếng chim kêu nghe nơi cửa-sổ, sự hoang-vu ở nơi ngạch cửa, và những mái gỗ bá-hương đã bị dỡ đi” (Sô-phô-ni 2:13, 14). Ngày nay các du khách chỉ thấy một gò đất đánh dấu địa điểm tiêu điều của thành Ni-ni-ve xưa. Ngoài ra, có những bầy cừu ăn cỏ tại đó, y như lời tiên tri đã báo trước.
Trong sự hiện thấy, nhà tiên tri của Đức Chúa Trời là Đa-ni-ên trông thấy một con chiên đực có hai sừng và một con dê đực có một sừng lớn giữa hai con mắt. Sau đó, cái sừng lớn của con dê đực gãy đi, và ở chỗ đó có bốn cái sừng mọc lên (Đa-ni-ên 8:1-8). Thiên sứ Gáp-ri-ên giải thích: “Con chiên đực mà ngươi đã thấy, có hai sừng, đó là các vua nước Mê-đi và Phe-rơ-sơ. Con dê xờm đực, tức là vua nước Gờ-réc; và cái sừng lớn ở giữa hai con mắt, tức là vua đầu nhứt. Về sừng đã gãy đi, có bốn sừng mọc lên trong chỗ nó: tức là bốn nước bởi dân tộc đó dấy lên, song quyền thế không bằng sừng ấy” (Đa-ni-ên 8:20-22). Như lịch sử đã chứng minh, con chiên đực có hai sừng—tức đế quốc Mê-đi và Phe-rơ-sơ—đã bị “vua nước Gờ-réc” lật đổ. Con dê đực tượng trưng có “một cái sừng lớn” chính là A-lịch-sơn-đại đế. Sau khi ông chết, bốn tướng lãnh của ông thay thế “cái sừng lớn” đó bằng cách tự họ lên nắm chính quyền trong “bốn nước”.
Hàng loạt lời tiên tri trong Kinh-thánh phần tiếng Hê-bơ-rơ (“Cựu ước”) đã được ứng nghiệm liên quan đến Giê-su Christ (Ky-tô). Những người được Đức Chúa Trời soi dẫn để viết Kinh-thánh phần tiếng Hy-lạp về đạo đấng Christ (“Tân ước”) áp dụng một số lời tiên tri này cho Giê-su. Thí dụ, người viết sách Phúc âm là Ma-thi-ơ chỉ cho thấy các lời tiên tri trong Kinh-thánh được ứng nghiệm, như lời tiên tri về việc Giê-su sanh ra bởi người nữ đồng trinh, Giê-su có người đi trước để dọn đường, và ngài vào thành Giê-ru-sa-lem cỡi trên con của lừa cái. (So sánh Ma-thi-ơ 1:18-23; 3:1-3; 21:1-9 với Ê-sai 7:14; 40:3; Xa-cha-ri 9:9). Các lời tiên tri được ứng nghiệm thể ấy giúp chứng minh rằng Kinh-thánh quả thật là một sự ban cho do Đức Chúa Trời soi dẫn.
Lời tiên tri của Kinh-thánh được ứng nghiệm thời nay chứng tỏ chúng ta đang sống trong “ngày sau-rốt” (II Ti-mô-thê 3:1-5). Chiến tranh, đòi kém, dịch lệ và động đất ở mức độ chưa từng thấy là một phần của “điềm” chỉ về sự “hiện diện” của Chúa Giê-su trong quyền bính Nước Trời. Điềm này cũng gồm có hoạt động của hơn bốn triệu Nhân-chứng Giê-hô-va trên khắp đất, họ rao giảng tin mừng về Nước Trời đã được thành lập (Ma-thi-ơ 24:3-14; Lu-ca 21:10, 11). Lời tiên tri của Kinh-thánh đang được ứng nghiệm hiện nay cũng bảo đảm với chúng ta rằng chính phủ của Đức Chúa Trời ở trên trời dưới quyền của Giê-su Christ (Ky-tô) sắp sửa mang lại một thế giới mới có hạnh phúc vĩnh cửu cho nhân loại biết vâng lời (II Phi-e-rơ 3:13; Khải-huyền 21:1-5).
Bảng liệt kê kèm theo đây có tựa đề “Lời tiên tri của Kinh-thánh được ứng nghiệm” trình bày chỉ một số ít trong số hàng trăm lời tiên tri của Kinh-thánh mà ta có thể liệt kê ra. Chính các câu Kinh-thánh nêu lên sự ứng nghiệm của một số lời tiên tri này, nhưng chúng ta nên đặc biệt lưu ý đến các lời tiên tri đang được ứng nghiệm ngày nay.
Có lẽ bạn có thể nhìn thấy một vài diễn biến trên thế giới mà Kinh-thánh có báo trước. Nhưng tại sao lại không nghiên cứu thêm? Các Nhân-chứng Giê-hô-va sẽ vui lòng cung cấp thêm chi tiết nếu bạn yêu cầu. Và chúng tôi mong rằng khi bạn thật tình tìm kiếm để hiểu biết về Đấng Tối cao và ý định của Ngài, bạn sẽ có niềm tin vững chắc rằng Kinh-thánh quả thật là một sự ban cho do Đức Chúa Trời soi dẫn.
[Biểu đồ/Bảng thống kê nơi trang 7]
LỜI TIÊN TRI CỦA KINH-THÁNH ĐƯỢC ỨNG NGHIỆM
LỜI TIÊN TRI SỰ ỨNG NGHIỆM
Sáng-thế Ký 49:10 Giu-đa là chi phái của Y-sơ-ra-ên sanh ra vua chúa (I Sử-ký 5:2; Hê-bơ-rơ 7:14)
Sô-phô-ni 2:13, 14 Thành Ni-ni-ve bị hoang vu khoảng năm 632 trước công nguyên
Giê-rê-mi 25:1-11; Sự chinh phục Giê-ru-sa-lem khởi đầu 70 Ê-sai 39:6 năm hoang vu (II Sử-ký 36:17-21; Giê-rê-mi 39:1-9)
Ê-sai 13:1, 17-22; Si-ru chinh phục Ba-by-lôn; người Do-thái Ê-sai 44:24-28; trở về quê hương (II Sử-ký 36:20-23; Ê-sai 45:1, 2 E-xơ-ra 1:1-4; 2:1)
Đa-ni-ên 8:3-8, 20-22 A-lịch-sơn-đại đế lật đổ Mê-đi và Phe-rơ-sơ và đế quốc Hy-lạp bị phân chia
Ê-sai 7:14; Giê-su được một người nữ đồng trinh sanh ra Mi-chê 5:1 tại Bết-lê-hem (Ma-thi-ơ 1:18-23; 2:1-6)
Đa-ni-ên 9:24-26 Giê-su được xức dầu với tư cách đấng Mê-si (29 công nguyên) (Lu-ca 3:1-3, 21-23)
Ê-sai 9:1, 2 Thánh chức của Giê-su để mang sự sáng bắt đầu tại Ga-li-lê (Ma-thi-ơ 4:12-23)
Ê-sai 53:4, 5, 12 Sự chết của đấng Christ làm của-lễ chuộc tội (Ma-thi-ơ 20:28; 27:50)
Thi-thiên 22:18 Bắt thăm để lấy áo của Giê-su (Giăng 19:23, 24)
Thi-thiên 16:10; Đấng Christ được sống lại vào ngày thứ ba Ma-thi-ơ 12:40 (Mác 16:1-6; I Cô-rinh-tô 15:3-8)
Lu-ca 19:41-44; Người La-mã hủy phá Giê-ru-sa-lem Lu-ca 21:20-24 (70 công nguyên)
Lu-ca 21:10, 11; Chiến tranh, đói kém, động đất, dịch lệ, Ma-thi-ơ 24:3-13; tội ác, v.v... ở mức độ chưa từng có chứng II Ti-mô-thê 3:1-5 tỏ “ngày sau-rốt”
Ma-thi-ơ 24:14; Nhân-chứng Giê-hô-va rao báo khắp đất rằng Ê-sai 43:10; Nước Đức Chúa Trời đã được thành lập và chẳng Thi-thiên 2:1-9 bao lâu sẽ thắng mọi kẻ chống đối
Ma-thi-ơ 24:21-34; Gia đình quốc tế của các Nhân-chứng Giê-hô-va Khải-huyền 7:9-17 thờ phượng Đức Chúa Trời và chuẩn bị để sống sót qua cơn “đại nạn”
[Hình nơi trang 8]
Chiến tranh, đói kém, dịch lệ và động đất gây nhiều tai hại ngày nay. Nhưng một thế giới mới thanh bình và hạnh phúc đang ló dạng