Thành ẩn náu—Sự sắp đặt đầy thương xót của Đức Chúa Trời
“Sáu thành nầy sẽ dùng làm chỗ ẩn-náu..., để ai vì vô-ý đánh chết một người có thế chạy ẩn mình tại đó” (DÂN-SỐ KÝ 35:15).
1. Đức Chúa Trời có quan điểm gì về sự sống và tội làm đổ máu?
GIÊ-HÔ-VA Đức Chúa Trời coi mạng sống con người là đáng quí trọng. Và sự sống ở trong huyết (Lê-vi Ký 17:11, 14). Vì thế, Ca-in, người đầu tiên được sanh ra trên đất, đã mang nợ máu khi giết em mình là A-bên. Do đó, Đức Chúa Trời bảo Ca-in: “Tiếng của máu em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến ta”. Máu loang trên mặt đất nơi xảy ra án mạng đã làm chứng âm thầm nhưng sống động về một đời sống đã sớm bị kết thúc một cách dã man. Máu của A-bên đã kêu thấu đến Đức Chúa Trời để được báo thù (Sáng-thế Ký 4:4-11).
2. Việc Đức Chúa Trời coi trọng sự sống được nhấn mạnh như thế nào sau trận Nước Lụt?
2 Việc Đức Chúa Trời coi trọng mạng sống con người được nhấn mạnh sau khi người công bình Nô-ê và gia đình ông sống sót qua trận Nước Lụt toàn cầu và ra khỏi tàu. Lúc đó Đức Giê-hô-va bắt đầu cho phép loài người ăn thịt nhưng không được ăn huyết. Ngài cũng ra lệnh: “Ta sẽ đòi máu của sự sống ngươi lại, hoặc nơi các loài thú vật, hoặc nơi tay người, hoặc nơi tay của anh em người. Hễ kẻ nào làm đổ máu người, thì sẽ bị người khác làm đổ máu lại; vì Đức Chúa Trời làm nên người như hình của Ngài” (Sáng-thế Ký 9:5, 6). Đức Giê-hô-va công nhận là người họ hàng gần gũi nhất của nạn nhân có quyền lấy mạng kẻ giết người khi gặp kẻ đó (Dân-số Ký 35:19).
3. Luật pháp Môi-se nhấn mạnh thế nào về tính thiêng liêng của sự sống?
3 Trong Luật pháp ban cho dân Y-sơ-ra-ên qua nhà tiên tri Môi-se, tính thiêng liêng của sự sống được nhấn mạnh nhiều lần. Thí dụ, Đức Chúa Trời phán: “Ngươi chớ giết người” (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:13). Chúng ta cũng thấy rõ Luật pháp Môi-se tôn trọng sự sống qua những gì luật này nói về một sự rủi ro làm chết người có liên hệ đến một người có thai. Luật pháp định rõ rằng nếu hai người đánh nhau mà lỡ làm cho người đàn bà hay thai nhi bị thiệt mạng, thì quan án phải cân nhắc các yếu tố và xem hai người cố ý đến độ nào, nhưng hình phạt có thể là “mạng đền mạng” (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:22-25). Song, phải chăng một người Y-sơ-ra-ên mang tội giết người đã có thể bằng một cách nào đó thoát khỏi hậu quả của hành vi hung bạo mà mình gây ra?
Nơi nương náu cho kẻ giết người?
4. Trong quá khứ, bên ngoài Y-sơ-ra-ên có những nơi nương náu nào?
4 Các nước khác ngoài Y-sơ-ra-ên cho những kẻ giết người và các tội phạm khác có chỗ lánh nạn. Đây là trường hợp tại những địa điểm như đền thờ của nữ thần Artemis (Đi-anh) ở Ê-phê-sô thời xưa. Người ta nói về những nơi tương tự như thế: “Một số đền thờ là nơi nuôi dưỡng tội phạm; và người ta thường phải giới hạn số nơi nương náu. Ở A-thên, chỉ có một số nơi nương náu nào đó được luật pháp công nhận (thí dụ, đền thờ Theseus cho các nô lệ); trong thời Ti-be-rơ, những nhóm tội phạm ở những đền thờ đã trở thành nguy hiểm đến độ họ chỉ được quyền nương náu ở vài thành mà thôi (vào năm 22)” (The Jewish Encyclopedia, 1909, Tập II, trang 256). Sau này, các nhà thờ của các tôn giáo tự xưng theo đấng Christ trở thành nơi nương náu, nhưng việc này có chiều hướng chuyển quyền hành từ chính quyền dân sự sang giới tu sĩ và không có sự thi hành công lý đúng đắn. Vì sự sắp đặt này bị lạm dụng, nên cuối cùng nó bị bãi bỏ.
5. Có bằng chứng nào cho thấy Luật pháp không khoan dung những ai vì cẩu thả mà làm chết người?
5 Giữa dân Y-sơ-ra-ên, luật pháp không che chở cho kẻ cố sát. Ngay cả thầy tế lễ người Lê-vi phụng sự tại bàn thờ của Đức Chúa Trời cũng phải bị mang đi hành quyết nếu phạm tội âm mưu giết người (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:12-14). Hơn nữa, Luật pháp không khoan dung những ai vì cẩu thả mà làm chết người. Thí dụ, một người phải làm lan can trên sân thượng khi cất nhà mới. Nếu không, nhà sẽ mang nợ máu khi có người từ nóc nhà té xuống chết (Phục-truyền Luật-lệ Ký 22:8). Ngoài ra, nếu một người có một con bò hay húc, và đã bị cảnh cáo nhưng vẫn không nhốt bò lại, và nó húc chết một người, thì chủ bò mang tội làm đổ máu và có thể bị xử tử (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:28-32). Một bằng chứng khác cho thấy Đức Chúa Trời coi trọng mạng sống là ngài xem việc đánh chết một kẻ trộm là phạm tội làm đổ máu nếu việc đó xảy ra vào ban ngày khi người ta có thể thấy và nhận diện kẻ xâm nhập (Xuất Ê-díp-tô Ký 22:2, 3). Vì vậy, rõ ràng là những qui định hoàn toàn thăng bằng của Đức Chúa Trời không để kẻ cố sát thoát được án tử hình.
6. Luật ‘mạng đền mạng’ được thi hành như thế nào trong xứ Y-sơ-ra-ên thời xưa?
6 Nếu có một vụ giết người xảy ra ở Y-sơ-ra-ên xưa, máu của nạn nhân phải được báo thù. Luật ‘mạng đền mạng’ được thi hành đúng khi “kẻ báo thù huyết” hạ sát kẻ giết người (Dân-số Ký 35:19). Kẻ báo thù là người đàn ông, họ hàng gần nhất của người bị giết hại. Nhưng còn về kẻ ngộ sát thì sao?
Sự sắp đặt đầy thương xót của Đức Giê-hô-va
7. Đức Chúa Trời đã có sự sắp đặt nào cho những người ngộ sát?
7 Đức Chúa Trời thương yêu cung cấp các thành ẩn náu cho những người rủi ro hoặc vô tình làm chết người. Về các thành ẩn náu này, Đức Chúa Trời phán với Môi-se: “Hãy nói cùng dân Y-sơ-ra-ên rằng: Khi nào các ngươi đã đi qua sông Giô-đanh đặng vào xứ Ca-na-an, thì phải lựa những thành dùng làm thành ẩn-náu cho mình, là nơi kẻ sát-nhơn, vì vô-ý đánh chết ai, chạy ẩn-náu mình được. Những thành đó sẽ dùng làm thành ẩn-náu để trốn khỏi kẻ báo thù huyết, hầu cho kẻ sát-nhơn không chết cho đến chừng nào ứng hầu trước mặt hội-chúng đặng chịu xét-đoán. Vậy, trong những thành các ngươi nhường cho, sẽ có sáu thành ẩn-náu cho các ngươi. Các ngươi phải chỉ ba thành phía bên kia sông Giô-đanh, và lập ba thành khác trong xứ Ca-na-an; ấy sẽ là những thành ẩn-náu... để ai vì vô-ý đánh chết một người có thế chạy ẩn mình tại đó” (Dân-số Ký 35:9-15).
8. Các thành ẩn náu ở đâu, và những kẻ ngộ sát được giúp như thế nào để đến đó?
8 Khi dân Y-sơ-ra-ên vào Đất Hứa, họ tuân theo chỉ thị là lập sáu thành ẩn náu. Ba thành này—Kê-đe, Si-chem và Hếp-rôn—nằm ở phía tây sông Giô-đanh. Còn phía đông sông Giô-đanh có thành ẩn náu Gô-lan, Ra-mốt và Bết-se. Sáu thành ẩn náu nằm ở những địa điểm thuận lợi trên những con đường tốt. Tại những nơi thích hợp dọc đường, có những biển đề những chữ “nơi ẩn náu”. Những biển này chỉ về hướng thành ẩn náu, và kẻ ngộ sát chạy trốn đến thành ẩn náu gần nhất. Ở đó người này có thể tìm được sự che chở khỏi tay kẻ báo thù huyết (Giô-suê 20:2-9).
9. Tại sao Đức Chúa Trời cung cấp các thành ẩn náu, và việc này có lợi cho ai?
9 Tại sao Đức Chúa Trời cung cấp các thành ẩn náu? Các thành này được cung cấp hầu cho huyết vô tội không làm đất bị ô uế và dân không phải mang nợ máu (Phục-truyền Luật-lệ Ký 19:10). Các thành ẩn náu được cung cấp cho ai? Luật pháp nói rằng: “Sáu thành nầy sẽ dùng làm chỗ ẩn-náu cho dân Y-sơ-ra-ên, luôn cho khách ngoại-bang và kẻ nào kiều-ngụ ở trong dân đó, để ai vì vô-ý đánh chết một người có thế chạy ẩn mình tại đó” (Dân-số Ký 35:15). Vì vậy, để có sự công bằng và hầu thi hành công lý đúng cách đồng thời bày tỏ lòng thương xót, Đức Giê-hô-va bảo dân Y-sơ-ra-ên dành riêng các thành ẩn náu cho những kẻ ngộ sát, họ là 1) những người Y-sơ-ra-ên bản xứ, 2) khách tạm trú ở Y-sơ-ra-ên, hoặc 3) những người từ các nước khác đến định cư trong xứ.
10. Tại sao chúng ta có thể nói rằng các thành ẩn náu là một sự sắp đặt đầy thương xót của Đức Chúa Trời?
10 Điều đáng chú ý là dù ngộ sát, kẻ giết người vẫn phải bị xử tử dưới sắc luật của Đức Chúa Trời: “Hễ kẻ nào làm đổ máu người, thì sẽ bị người khác làm đổ máu lại”. Vì thế, chỉ nhờ sự sắp đặt đầy thương xót của Giê-hô-va Đức Chúa Trời mà kẻ ngộ sát có thể chạy trốn đến một trong những thành ẩn náu. Hiển nhiên, dân chúng cảm thông cho bất cứ người nào chạy trốn khỏi người báo thù huyết, vì mọi người đều biết rằng họ có thể vô tình phạm tội tương tự và cũng sẽ cần nơi ẩn náu cùng sự thương xót.
Chạy trốn đến nơi ẩn náu
11. Trong xứ Y-sơ-ra-ên thời xưa, người ta có thể làm gì nếu ngộ sát một người cùng làm việc?
11 Một minh họa sau đây rất có thể làm tăng lòng biết ơn của bạn đối với việc Đức Chúa Trời thương xót sắp đặt nơi ẩn náu. Hãy tưởng tượng bạn là một người đốn cây ở xứ Y-sơ-ra-ên thời xưa. Giả sử lưỡi rìu thình lình văng khỏi cán trúng người lân cận và làm người đó thiệt mạng. Bạn sẽ làm gì? Luật pháp có điều khoản cho chính trường hợp này. Chắc chắn bạn sẽ lợi dụng sự sắp đặt này của Đức Chúa Trời: “Nầy là cách mà người ta phải đãi kẻ sát-nhơn ẩn-núp tại [một thành ẩn náu] đặng bảo-tồn sự sống mình: Nếu ai vì vô-ý đánh chết kẻ lân-cận mình, không có ganh-ghét trước; thí-dụ, nếu người đó đi cùng kẻ lân-cận mình vào rừng đốn củi, tay người đương giơ rìu ra đốn, rủi lưỡi rìu sút cán trúng nhằm kẻ lân-cận, làm cho kẻ ấy bị chết đi, thì người phải chạy ẩn-núp mình trong một của ba cái thành nầy, đặng bảo-tồn sự sống mình” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 19:4, 5). Tuy nhiên, dù đến được thành ẩn náu, bạn cũng không tránh được tất cả những trách nhiệm về việc đã xảy ra.
12. Sau khi đến một thành ẩn náu, kẻ ngộ sát phải làm theo thủ tục nào?
12 Dù được tiếp đón ân cần, bạn vẫn phải trình bày hoàn cảnh của mình với các trưởng lão tại cổng thành ẩn náu. Sau khi vào thành, bạn sẽ phải trở lại để được xét xử trước các trưởng lão đại diện cho hội chúng Y-sơ-ra-ên tại cổng của thành có thẩm quyền trên khu vực mà vụ giết người đã xảy ra. Ở đó bạn sẽ có cơ hội để chứng minh mình vô tội.
Khi kẻ giết người được xét xử
13, 14. Khi xét xử một kẻ giết người, các trưởng lão muốn xác minh những điều nào?
13 Trong phiên xử trước các trưởng lão tại cổng của thành có thẩm quyền, chắc chắn bạn sẽ biết ơn khi thấy rằng các trưởng lão xem xét kỹ lưỡng hạnh kiểm lúc trước của bạn. Các trưởng lão cân nhắc kỹ càng mối liên hệ của bạn với nạn nhân. Bạn có ghét người đó không, có rình rập người đó và có cố ý giết người đó không? Nếu có, các trưởng lão sẽ phải giao bạn cho người báo thù huyết, và bạn sẽ chết. Những người chịu trách nhiệm này biết rằng Luật pháp đòi hỏi ‘phải trừ huyết người vô-tội khỏi Y-sơ-ra-ên’ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 19:11-13). Tương tự như thế, trong việc xét xử ngày nay, các trưởng lão tín đồ đấng Christ cần phải biết rõ Kinh-thánh, hành động phù hợp với lời Kinh-thánh khi cân nhắc thái độ và hạnh kiểm trước đây của người phạm tội.
14 Thăm dò một cách ân cần, các trưởng lão của thành sẽ muốn biết bạn có rón rén theo dõi nạn nhân hay không (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:12, 13). Bạn có rình rập rồi tấn công nạn nhân không? (Phục-truyền Luật-lệ Ký 27:24). Bạn có giận dữ với người đó đến độ lập mưu giết người đó không? Nếu có, bạn đáng bị xử tử (Xuất Ê-díp-tô Ký 21:14). Các trưởng lão đặc biệt muốn biết xem trước đó bạn và nạn nhân có ghen ghét nhau hay không (Phục-truyền Luật-lệ Ký 19:4, 6, 7; Giô-suê 20:5). Giả sử, các trưởng lão thấy bạn vô tội và cho bạn trở lại thành ẩn náu, thì bạn sẽ biết ơn làm sao về hành vi đầy thương xót đó!
Đời sống trong thành ẩn náu
15. Kẻ ngộ sát phải tuân theo những luật lệ nào?
15 Kẻ ngộ sát phải ở bên trong thành ẩn náu hoặc ở ngoài vách thành trong khoảng 1.000 thước châu vi (khoảng 1.450 phít) (Dân-số Ký 35:2-4). Nếu đi ra ngoài giới hạn này, người đó có thể chạm trán với kẻ báo thù huyết. Trong trường hợp đó, người báo thù có thể giết kẻ sát nhân mà không bị trừng phạt. Tuy nhiên kẻ sát nhân không bị còng hay bị tù. Là một người trú ngụ trong thành ẩn náu, người này phải học một nghề, làm việc và đóng góp cho xã hội.
16. a) Kẻ ngộ sát phải ở lại thành ẩn náu bao lâu? b) Tại sao kẻ ngộ sát có thể rời thành ẩn náu khi thầy tế lễ thượng phẩm qua đời?
16 Kẻ ngộ sát phải ở lại thành ẩn náu bao lâu? Có thể suốt đời. Dù sao đi nữa, Luật pháp nói rằng: “Kẻ sát-nhơn phải ở trong thành ẩn-náu cho đến chừng nào thầy tế-lễ thượng-phẩm qua đời; nhưng sau khi thầy tế-lễ thượng-phẩm qua đời, kẻ sát-nhơn sẽ được trở về trong sản-nghiệp mình” (Dân-số Ký 35:26-28). Tại sao khi thầy tế lễ thượng phẩm qua đời thì kẻ ngộ sát có thể rời thành ẩn náu? Thầy tế lễ thượng phẩm là một trong những người quan trọng nhất trong nước. Vì thế việc người qua đời là một sự kiện đáng chú ý đến đỗi mọi người ở khắp các chi phái Y-sơ-ra-ên đều biết đến. Lúc đó tất cả những người lánh nạn tại các thành ẩn náu có thể trở về nhà mà không sợ những kẻ báo thù huyết làm hại. Tại sao thế? Vì Luật pháp của Đức Chúa Trời có ra sắc lệnh là khi thầy tế lễ thượng phẩm qua đời thì người báo thù không còn cơ hội để giết kẻ sát nhân nữa, và mọi người đều biết điều luật này. Nếu sau khi đó mà người họ hàng gần nhất lại báo thù cho người chết, thì người đó sẽ là kẻ sát nhân và cuối cùng sẽ bị trừng trị vì tội giết người.
Hiệu quả lâu dài
17. Sự hạn chế mà kẻ ngộ sát phải chịu có thể có hiệu quả nào?
17 Những hạn chế áp đặt trên kẻ ngộ sát có thể có những hiệu quả nào? Những hạn chế này nhắc người đó nhớ là mình đã gây ra cái chết của một người. Rất có thể, từ đó về sau người này sẽ coi mạng sống con người là đáng quí trọng. Hơn nữa, người đó chắc chắn không thể quên được là mình đã được thương xót. Vì đã được thương xót, người đó chắc chắn sẽ muốn thương xót người khác. Sự sắp đặt về các thành ẩn náu cùng những hạn chế cũng có lợi cho dân chúng. Như thế nào? Điều đó chắc hẳn làm cho họ nhận thức sâu sắc là họ không nên cẩu thả hoặc coi thường mạng sống con người. Do đó tín đồ đấng Christ nên được nhắc nhở là cần phải tránh tính cẩu thả có thể gây ra tai nạn làm chết người. Rồi, thêm vào đó, sự sắp đặt đầy thương xót của Đức Chúa Trời về các thành ẩn náu hẳn khiến chúng ta cảm thấy cần bày tỏ lòng thương xót khi có lý do xác đáng (Gia-cơ 2:13).
18. Sự sắp đặt của Đức Chúa Trời về thành ẩn náu có những lợi ích nào?
18 Việc Giê-hô-va Đức Chúa Trời sắp đặt thành ẩn náu cũng có lợi trên những phương diện khác. Dân chúng không lập những ban trật tự để đuổi bắt một kẻ sát nhân dựa trên giả định là người đó có tội trước khi được xét xử. Thay vì thế, người ta coi người đó không cố sát, thậm chí còn giúp người đó đến được nơi an toàn. Hơn nữa, sự sắp đặt về thành ẩn náu trái hẳn với những sắp đặt thời nay là bỏ những kẻ giết người vào tù, nơi mà họ được công chúng tài trợ và thường trở thành những tội phạm nguy hiểm hơn nữa vì họ chung đụng với các tội phạm khác. Trong sự sắp đặt về thành ẩn náu, người ta không cần phải xây cất, bảo quản và canh gác các nhà tù tốn kém, có chắn song sắt, tường bao quanh, mà tù nhân thường hay tìm cách trốn ra khỏi. Trên thực tế, kẻ giết người tìm đến “nhà giam” và ở lại đó trong một thời gian định rõ. Vì cũng phải làm việc, nên người này làm một điều gì đó có lợi cho người đồng loại.
19. Những câu hỏi nào được nêu ra liên quan đến thành ẩn náu?
19 Quả thật, sự sắp đặt của Đức Chúa Trời về các thành ẩn náu ở Y-sơ-ra-ên để bảo vệ những kẻ ngộ sát là một hành động đầy thương xót. Sự sắp đặt này chắc chắn đã khuyến khích người ta tôn trọng sự sống. Tuy nhiên, các thành ẩn náu xưa này có ý nghĩa đối với những người sống trong thế kỷ 20 không? Chúng ta có thể mang nợ máu trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời và không ý thức là mình cần được ngài thương xót không? Đối với chúng ta, các thành ẩn náu ở Y-sơ-ra-ên có ý nghĩa cho ngày nay không?
Bạn trả lời ra sao?
◻ Đức Giê-hô-va coi mạng sống con người như thế nào?
◻ Đức Chúa Trời có sự sắp đặt đầy thương xót nào cho những ai ngộ sát?
◻ Kẻ giết người vào được thành ẩn náu bằng cách nào và phải ở lại đó bao lâu?
◻ Những hạn chế mà kẻ ngộ sát phải chịu có thể có hiệu quả nào?
[Bản đồ nơi trang 12]
Các thành ẩn náu của Y-sơ-ra-ên nằm ở những địa điểm thuận lợi
(Để có toàn bộ bản đồ, xin xem ấn phẩm)
KÊ-ĐE Sông Giô-đanh GÔ-LAN
SI-CHEM RA-MỐT
HẾP-RÔN BẾT-SE