Đức Giê-hô-va “Đấng xét-đoán không tây-vị ai”
“Đấng không tây-vị ai, xét-đoán từng người theo việc họ làm” (I PHI-E-RƠ 1:17).
1, 2. a) Tại sao việc Đức Giê-hô-va là Đấng Phán xét lớn khiến chúng ta đáng sợ và đồng thời cũng là niềm an ủi cho chúng ta? b) Trong vụ án xét xử các nước thế gian, các tôi tớ trên đất của Ngài được kêu gọi làm gì?
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA là “Đấng xét-đoán toàn thế-gian” (Sáng-thế Ký 18:25). Ngài có quyền xét đoán mọi tạo vật vì Ngài là Đức Chúa Trời Tối cao của khắp vũ trụ. Điều này là đáng sợ thay, nhưng cũng đồng thời là niềm an ủi cho chúng ta. Ý kiến này thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn, nhưng được Môi-se diễn tả một cách thật cảm động: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi là Đức Chúa Trời của các thần, và Chúa của các chúa, tức là Đức Chúa Trời rất lớn, có quyền-năng và đáng sợ, không tây-vị ai, chẳng nhận của hối-lộ, bào-chữa công-bình cho kẻ mồ-côi và người góa-bụa, thương người khách-lạ, ban đồ-ăn và áo-xống cho người” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:17, 18).
2 Ngài có một sự thăng bằng thật độc đáo! Ngài là Đức Chúa Trời rất lớn, có quyền năng đáng sợ, vậy mà Ngài lại không thiên vị ai, bào chữa công bình cho kẻ mồ côi và người góa bụa, cùng thương người khách lạ ở đậu trong xứ. Ai mà có thể cầu mong có được Đấng Phán xét tốt hơn Đức Giê-hô-va? Khi nói rằng Ngài có một vụ án xét xử các nước thế gian này của Sa-tan, Ngài kêu gọi các tôi tớ Ngài trên đất làm nhân-chứng cho Ngài (Ê-sai 34:8; 43:9-12). Ngài không tùy thuộc nơi họ để chứng minh Ngài là Đức Chúa Trời và có quyền cai trị chính đáng. Nhưng Ngài cho họ đặc ân vô song chứng tỏ trước mắt cả thế gian là họ nhìn nhận quyền cai trị tối cao của Ngài. Các nhân-chứng của Ngài tự nguyện phục tùng quyền thống trị công bình của Ngài, và bằng cách rao giảng cho công chúng họ khuyến khích người khác cũng tự đặt mình dưới uy quyền của Đấng Phán xét Tối cao.
Cách Phán xét của Đức Giê-hô-va
3. Cách phán xét của Đức Giê-hô-va có thể tóm tắt thế nào, và điều này điển hình thế nào trong trường hợp của A-đam và Ê-va?
3 Trong thời đầu của lịch sử nhân loại, Đức Giê-hô-va đã đích thân phán xét một số người phạm tội. Vài thí dụ về cách Ngài giải quyết các vấn đề tư pháp đặt gương mẫu cho các tôi tớ Ngài noi theo khi họ có trách nhiệm điều hành các việc tư pháp giữa dân sự của Ngài (Thi-thiên 77:11, 12). Cách Ngài phán xét có thể tóm tắt như sau: cứng rắn khi cần thiết, thương xót khi có thể được. Trong trường hợp của A-đam và Ê-va, hai người hoàn toàn này đã cố ý phản nghịch, họ không đáng được thương xót. Bởi vậy Đức Giê-hô-va tuyên án tử hình. Nhưng Ngài tỏ thương xót với con cháu họ. Ngài cho họ thời gian để sanh sản con cái trước khi Ngài thi hành bản án tử hình. Và Ngài lại tỏ yêu thương đối với con cháu A-đam và cung cấp cho họ hy vọng được giải thoát khỏi vòng nô lệ của tội lỗi và sự chết (Sáng-thế Ký 3:15; Rô-ma 8:20, 21).
4. Đức Giê-hô-va đã xét xử Ca-in thế nào, và tại sao trường hợp này đáng cho chúng ta đặc biệt lưu ý?
4 Cách Đức Giê-hô-va xét xử Ca-in đáng cho chúng ta đặc biệt lưu ý, bởi vì đó là trường hợp ghi chép đầu tiên liên quan đến một trong những con cháu bất toàn của A-đam và Ê-va đã “bị bán cho tội-lỗi” (Rô-ma 7:14). Đức Giê-hô-va có để ý đến sự kiện này không, và xét xử Ca-in khác cách Ngài đã xét xử A-đam và Ê-va không? Và trường hợp này có thể làm bài học cho các giám thị tín đồ đấng Christ ngày nay không? Chúng ta hãy xem. Khi Đức Giê-hô-va nhận thấy Ca-in có phản ứng sai lầm về việc của-lễ của mình không được nhận, Ngài bèn cảnh cáo về tình trạng nguy hiểm của hắn. Một câu châm-ngôn xưa nói: “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Đức Giê-hô-va đã làm hết cách để cảnh cáo Ca-in, cho hắn biết phải đừng để cho khuynh hướng tội lỗi cai quản mình. Ngài khuyến khích hắn “làm lành” (Sáng-thế Ký 4:5-7). Đây là lần đầu tiên Đức Chúa Trời kêu gọi con người tội lỗi hãy ăn năn. Sau khi Ca-in tỏ ra không ăn năn và phạm tội ác, Đức Giê-hô-va xử hắn phải bị lưu đày, với một điều luật làm nhẹ bớt bản án là không ai được phép giết Ca-in (Sáng-thế Ký 4:8-15).
5, 6. a) Đối với thế hệ trước trận Nước Lụt, Đức Giê-hô-va đã thi hành sự phán xét thế nào? b) Ngài đã làm gì trước khi thi hành án phạt trên dân cư thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ?
5 Trước trận Nước Lụt, Đức Giê-hô-va “thấy sự hung-ác của loài người trên mặt đất rất nhiều... và [Ngài] buồn-rầu trong lòng” (Sáng-thế Ký 6:5, 6). Ngài “tự-trách” có nghĩa Ngài thấy tiếc rằng đa số loài người trong thế hệ trước trận Nước Lụt đã lạm dụng sự tự do lựa chọn và do đó Ngài phải thi hành sự phán xét trên họ. Tuy thế Ngài cho họ sự cảnh cáo cần thiết, dùng Nô-ê làm “người giảng-đạo công-bình” trong nhiều năm. Sau đó, Đức Giê-hô-va không còn lý do nào để “tiếc thế-gian xưa” và Ngài đã “sai nước lụt phạt đời gian-ác này” (II Phi-e-rơ 2:5).
6 Tương tợ thế, Đức Giê-hô-va cũng buộc phải xử vụ án tư pháp chống lại dân cư thối nát của thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Nhưng hãy chú ý cách Ngài tiến hành việc xét xử. Mới đầu Ngài nghe thấy “tiếng kêu oan” về lối ăn ở gớm ghiếc của dân cư, ít ra là trong lời cầu nguyện của người công bình Lót (Sáng-thế Ký 18:20; II Phi-e-rơ 2:7, 8). Nhưng trước khi hành động, Ngài “ngự xuống” và dùng các thiên sứ để kiểm chứng sự kiện. Ngài cũng còn bỏ thì giờ để cho Áp-ra-ham vững tin rằng Ngài sẽ không hành động bất công đâu (Sáng-thế Ký 18:23-32).
7. Các trưởng lão trong ủy ban tư pháp có thể học được những bài học nào nơi cách Đức Giê-hô-va phán xét?
7 Các trưởng lão ngày nay có thể học được gì nơi những gương mẫu trên? Trong trường hợp của A-đam và Ê-va, Đức Giê-hô-va chứng tỏ có lòng yêu thương và chú ý đến những người dù là con cháu của hai kẻ phạm tội nhưng không đáng trách về tội lỗi của họ. Ngài đã tỏ thương xót đối với con cháu của A-đam và Ê-va. Trong trường hợp của Ca-in, Đức Giê-hô-va nhìn thấy trước Ca-in đang ở trong tình trạng nguy hiểm và Ngài tỏ nhân từ khi lý luận với Ca-in, giúp hắn tránh phạm tội. Ngay cả sau khi Ca-in phạm tội và bị án lưu đày, Đức Giê-hô-va cũng còn tỏ ra chú ý chăm sóc hắn. Ngoài ra, trước khi Ngài thi hành án phạt trên thế hệ trước trận Nước Lụt, Ngài đã chứng tỏ kiên nhẫn nhịn nhục nhiều. Khi thấy họ cứ cứng đầu hung ác mãi, Ngài “buồn-rầu trong lòng”. Ngài tiếc rằng họ phản nghịch chống lại quyền cai trị công bình và Ngài phải buộc lòng kết án phạt họ. (Sáng-thế Ký 6:6; so sánh Ê-xê-chi-ên 18:31; II Phi-e-rơ 3:9). Trong trường hợp của Sô-đôm và Gô-mô-rơ, Đức Giê-hô-va hành động sau khi đã kiểm tra sự kiện. Quả là những gương thật tốt cho những người ngày nay có trách nhiệm phải giải quyết các vụ xét xử về tư pháp!
Những người xét đoán trong thời kỳ các tộc trưởng
8. Trong thời kỳ các tộc trưởng, người ta quen thuộc với các luật lệ căn bản nào của Đức Giê-hô-va?
8 Trong thời kỳ các tộc trưởng dường như không có luật lệ viết ra rõ ràng, mặc dầu vậy xã hội thời đó quen thuộc với các luật căn bản của Đức Giê-hô-va, và các tôi tớ Ngài có trách nhiệm tuân theo các luật đó. (So sánh Sáng-thế Ký 26:5). Việc xảy ra trong vườn Ê-đen cho thấy loài người cần phải vâng lời và phục tùng quyền cai trị của Đức Giê-hô-va. Trường hợp của Ca-in cho thấy Đức Giê-hô-va không chấp nhận việc giết người. Ngay sau trận Nước Lụt, Đức Chúa Trời cho loài người các luật lệ về sự thánh khiết của mạng sống, về việc giết người, xử tử và việc ăn máu (Sáng-thế Ký 9:3-6). Đức Giê-hô-va kết án nghiêm trọng việc gian dâm trong vụ có liên quan đến Áp-ra-ham, Sa-ra, và A-bi-mê-léc, vua Ghê-ra gần Ga-xa (Sáng-thế Ký 20:1-7).
9, 10. Có những thí dụ nào cho thấy có một hệ thống tư pháp trong xã hội thời kỳ các tộc trưởng?
9 Trong thời đó, người chủ gia đình có phận sự xét xử và giải quyết các vấn đề về tư pháp. Đức Giê-hô-va nói về Áp-ra-ham: “Ta đã chọn người đặng người khiến dạy các con cùng nội nhà người giữ theo đạo Đức Giê-hô-va, làm các điều công-bình và ngay-thẳng” (Sáng-thế Ký 18:19). Áp-ra-ham tỏ ra khôn ngoan và có tinh thần vị tha khi giải quyết việc tranh giành giữa những người chăn chiên phe ông và phe của Lót (Sáng-thế Ký 13:7-11). Với tư cách là tộc trưởng và người xét xử, Giu-đa kết án con dâu là Ta-ma phải bị ném đá tới chết rồi đem thiêu, bởi vì ông nghĩ nàng đã phạm tội ngoại tình. (Sáng-thế Ký 38:11, 24; so sánh Giô-suê 7:25). Tuy nhiên khi ông học biết các sự kiện, ông tuyên bố nàng còn công bình hơn ông (Sáng-thế Ký 38:25, 26). Điều này cho rất quan trọng phải biết tất cả các sự kiện trước khi làm một quyết định về tư pháp!
10 Sách Gióp gián tiếp nói đến một hệ thống tư pháp và về việc cần phải xét xử không thiên vị ai (Gióp 13:8, 10; 31:11; 32:21). Chính Gióp nhắc lại thời đã từng làm một quan xét được người ta kính nể và đã bênh vực kẻ mồ côi cùng người góa bụa (Gióp 29:7-16). Do đó có bằng chứng cho thấy trong xã hội vào thời kỳ các tộc trưởng thì những “trưởng lão” có phận sự làm những người xét đoán giữa các con cháu của Áp-ra-ham ngay cả trước khi ra khỏi xứ Ê-díp-tô và được Đức Chúa Trời ban cho Hiến pháp lập thành nước Y-sơ-ra-ên (Xuất Ê-díp-tô Ký 3:16, 18). Thật vậy, Môi-se đã trình bày các điều khoản của giao ước Luật pháp cho các “trưởng lão” của Y-sơ-ra-ên là những người đại diện cho dân sự (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:3-7).
Hệ thống tư pháp của Y-sơ-ra-ên
11, 12. Theo lời hai học giả Kinh-thánh, điều gì làm cho hệ thống tư pháp của Y-sơ-ra-ên khác hẳn luật pháp của các nước khác?
11 Việc quản trị tư pháp trong nước Y-sơ-ra-ên thời xưa rất khác so với các nước chung quanh. Không có sự phân biệt giữa dân luật và hình luật. Cả hai thứ luật này đều xen lẫn với luật về luân lý và luật về tôn giáo. Một tội phạm cùng người lân cận là phạm cùng Đức Giê-hô-va. Trong cuốn sách nhan đề “Dân gian và tín ngưỡng của Kinh-thánh” (The People and the Faith of the Bible), tác giả André Chouraqui viết: “Hệ thống tư pháp của dân Hê-bơ-rơ rất khác với các nước lân cận, không phải chỉ trong các định nghĩa về tội phạm và hình phạt, nhưng ngay trong tinh thần của luật pháp... Luật Torah không tách rời với đời sống hàng ngày, nhưng hướng dẫn mọi hoạt động của đời sống hàng ngày bằng cách ban phước lành hay rủa sả... Trong nước Y-sơ-ra-ên... dường như không thể nào phân biệt rõ ràng các ngành của hệ thống tư pháp, nhưng tất cả đều thuộc trong một lối sống hoàn toàn hướng về việc làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời hằng sống”.
12 Tình trạng độc nhất này đặt việc quản trị tư pháp trong nước Y-sơ-ra-ên lên một mức độ cao hơn nhiều khi so với các nước khác cùng thời. Học giả Kinh-thánh Roland de Vaux viết: “Các luật của Y-sơ-ra-ên có nhiều phương diện giống nhau trong hình thức và nội dung, nhưng lại khác hẳn với điều khoản trong các “khế ước” và các mục trong các “qui ước” của các nước Đông phương. Luật pháp của Y-sơ-ra-ên là một luật tôn giáo... Không có luật nào khác ở Đông phương có thể so sánh với Luật của Y-sơ-ra-ên, vì Luật này tự qui là hết thảy do Đức Chúa Trời làm tác giả. Nếu Luật này chứa đựng nhiều mạng lịnh về luân lý và nghi lễ, và nhiều khi xen lẫn nhau, ấy là vì tất cả đều nằm trong Giao ước với Đức Chúa Trời, và Giao ước này quản trị các mối liên lạc giữa người với người, cũng như mối liên lạc với Đức Chúa Trời”. Vậy không lạ gì khi Môi-se nói: “Há có nước lớn nào có những mạng-lịnh và luật-lệ công-bình như cả luật-pháp này, mà ngày nay ta đặt trước mặt các ngươi chăng?” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 4:8).
Những người xét đoán trong xứ Y-sơ-ra-ên
13. Môi-se là một gương tốt cho các trưởng lão thời nay về những phương diện nào?
13 Với một hệ thống tư pháp cao trọng như thế thì cần loại người như thế nào để giữ việc xét xử? Kinh-thánh nói về người đầu tiên được bổ nhiệm làm quan xét tại Y-sơ-ra-ên: “Vả, Môi-se là người rất khiêm-hòa hơn mọi người trên thế-gian” (Dân-số Ký 12:3). Môi-se không quá tự tin (Xuất Ê-díp-tô Ký 4:10). Mặc dầu giữ việc xét xử dân, đôi khi ông trở thành người bênh vực họ trước mặt Đức Giê-hô-va, nài xin Ngài tha thứ cho họ và ngay cả xin tự hiến thân mình để chuộc tội cho họ (Xuất Ê-díp-tô Ký 32:11, 30-32). Ông nói cách văn hoa: “Lời tôi sa xuống khác nào sương-móc, tợ mưa tro trên cây-cỏ, tỉ như mưa tầm-tã trên đồng xanh” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:2). Ông không tin cậy nơi sự khôn ngoan của chính mình, trái lại ông nói: “Khi nào họ có việc chi, thì đến cùng tôi, tôi xét-đoán người này cùng người kia, và cho họ biết những mạng-lịnh và luật-pháp của Đức Chúa Trời” (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:16). Khi ông có điều gì nghi ngờ, ông trình vấn đề lên Đức Giê-hô-va (Dân-số Ký 9:6-8; 15:32-36; 27:1-11). Môi-se là một gương mẫu tốt cho các trưởng lão ngày nay, những người có phận sự “coi sóc bầy” và làm quyết định về tư pháp (Công-vụ các Sứ-đồ 20:28). Mong rằng những người này có mối liên lạc tốt đẹp với các anh em họ và nhẹ nhàng tựa “sương-móc” hay “mưa tro trên cây cỏ”.
14. Những điều kiện thiêng liêng đòi hỏi nơi những người được Môi-se bổ nhiệm làm quan xét là gì?
14 Rồi đến lúc Môi-se một mình không thể giải quyết hết các vụ tư pháp cho dân (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:13, 18). Ông nhận lời đề nghị của cha vợ khuyên nên chọn người để giúp việc xét xử. Những người như thế nào thì được chọn? Kinh-thánh viết: “Hãy chọn lấy trong vòng dân-sự mấy người tài-năng, kính-sợ Đức Chúa Trời, chơn-thật, ghét sự tham lợi, mà lập lên trên dân-sự ngươi... Vậy, Môi-se bèn chọn trong cả Y-sơ-ra-ên những người tài-năng, lập lên trên dân-sự, làm trưởng cai-trị, hoặc ngàn người, hoặc trăm người, hoặc năm mươi người, hoặc mười người. Họ xét-đoán dân-sự hằng ngày. Các việc khó họ giải lên cho Môi-se; nhưng chính họ xét lấy các việc nhỏ” (Xuất Ê-díp-tô Ký 18:21-26).
15. Những điều kiện thiêng liêng đòi hỏi nơi những người làm quan xét trong xứ Y-sơ-ra-ên là gì?
15 Như vậy tuổi tác không phải là tiêu chuẩn duy nhất để chọn những người làm việc xét xử. Môi-se tuyên bố: “Hãy chọn trong mỗi chi-phái những người khôn-ngoan, thông-sáng, có tiếng, và ta sẽ lập họ lên làm quan-trưởng các ngươi” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:13). Môi-se rất quen thuộc với lời mà người trẻ tuổi Ê-li-hu đã nói nhiều năm trước đó: “Chẳng phải cứ người nhiều tuổi là khôn ngoan, cũng chẳng phải bậc lão thành là thông hiểu việc xét xử” (Gióp 32:9, NW). Chắc chắn những người được bổ nhiệm phải là những người có nhiều kinh nghiệm. Nhưng trước hết, họ phải là những người tài năng, kính sợ Đức Chúa Trời, chân thật, ghét sự tham lợi, trung tín và khôn ngoan. Vì vậy dường như những người làm “quan-trưởng” hay “quan-xét” nói đến nơi Giô-suê 23:2 và; Giô-suê 24:1 24:1 không khác biệt với các “trưởng-lão” cũng nói đến trong các câu đó, tuy họ được chọn ra giữa các trưởng lão. (Xem sách Insight on the Scriptures, quyển 2, trg 549).
Việc quản trị tư pháp
16. Ngày nay chúng ta nên lưu ý điều gì về những chỉ thị mà Môi-se nói cho những người mới được bổ nhiệm làm quan xét?
16 Về phần những chỉ thị cho các quan xét được bổ nhiệm, Môi-se nói: “Trong lúc đó, ta ra lịnh cho những quan xét các ngươi rằng: Hãy nghe anh em các ngươi, và lấy công-bình mà xét-đoán sự tranh-tụng của mỗi người với anh em mình, hay là với khách ngoại-bang ở cùng người. Trong việc xét-đoán, các ngươi chớ tư-vị ai; hãy nghe người hèn như nghe người sang, đừng có sợ ai, vì sự xét-đoán thuộc về Đức Chúa Trời. Phàm việc nào lấy làm rất khó cho các ngươi, hãy đem đến trước mặt ta [Môi-se] thì ta sẽ nghe cho” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:16, 17).
17. Ai được lập làm quan xét, và vua Giô-sa-phát đã cảnh cáo họ thế nào?
17 Dĩ nhiên những việc đưa đến cho Môi-se là chỉ khi ông còn sống. Vậy phải có những sắp đặt khác nữa để đưa những vụ khó xử đến những thầy tế lễ, người Lê-vi, và những người đặc biệt được bổ nhiệm làm quan xét (Phục-truyền Luật-lệ Ký 17:8-12; I Sử-ký 23:1-4; II Sử-ký 19:5, 8). Vua Giô-sa-phát bảo các quan xét mà vua đã bổ nhiệm trong các thành của Giu-đa: “Hãy cẩn-thận việc các ngươi làm; vì chẳng phải vì loài người mà các ngươi xét-đoán đâu, bèn là vì Đức Giê-hô-va... Các ngươi phải kính-sợ Đức Giê-hô-va, lấy lòng trọn lành trung-tín mà làm như vậy. Hễ có anh em các ngươi ở trong các thành họ, đem đến trước mặt các ngươi việc tranh-tụng nào,... thì các ngươi phải dạy-bảo họ chớ phạm tội cùng Đức Giê-hô-va, e có cơn giận nghịch cùng các ngươi và anh em các ngươi. Các ngươi làm như vậy, ắt không gây cho mình mắc tội” (II Sử-ký 19:6-10).
18. a) Các quan xét trong xứ Y-sơ-ra-ên phải áp dụng một số nguyên tắc nào? b) Các quan xét phải luôn luôn nhớ điều gì, và các câu Kinh-thánh nào nói rõ hậu quả sẽ xảy ra nếu họ quên điều đó?
18 Một số các nguyên tắc mà các quan xét của Y-sơ-ra-ên phải áp dụng là: công lý cho người giàu và người nghèo như nhau (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:3, 6; Lê-vi Ký 19:15); không thiên vị ai (Phục-truyền Luật-lệ Ký 1:17); không được nhận của hối lộ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 16:18-20). Các quan xét phải luôn luôn nhớ rằng những người mà họ xét xử là chiên của Đức Giê-hô-va (Thi-thiên 100:3). Thật vậy, một trong những lý do khiến Đức Giê-hô-va từ bỏ Y-sơ-ra-ên xác thịt là tại vì các thầy tế lễ và người chăn chiên đã đối xử gay gắt với dân sự (Giê-rê-mi 22:3, 5, 25; 23:1, 2; Ê-xê-chi-ên 34:1-4; Ma-la-chi 2:8, 9).
19. Việc chúng ta xem xét các tiêu chuẩn của Đức Giê-hô-va về công lý trước công nguyên có giá trị gì cho chúng ta, và trong bài tới chúng ta sẽ thảo luận về điều gì?
19 Đức Giê-hô-va không thay đổi (Ma-la-chi 3:6). Bài này ôn lại vắn tắt về cách quản trị công lý và xét xử trong xứ Y-sơ-ra-ên xưa và về quan điểm của Đức Giê-hô-va khi những người xét đoán thời xưa đã không xét xử công bình. Điểm này hẳn sẽ khiến các trưởng lão dừng lại và suy nghĩ, vì họ là những người ngày nay có trách nhiệm làm những quyết định về tư pháp. Gương mẫu của Đức Giê-hô-va với tư cách là Đấng Xét đoán cùng hệ thống tư pháp mà Ngài thiết lập đã đặt ra những nguyên tắc làm kiểu mẫu cho việc quản trị tư pháp trong hội thánh đấng Christ. Chúng ta sẽ thảo luận về điều này trong bài tới.
Câu hỏi ôn lại
◻ Cách phán xét của Đức Giê-hô-va có thể tóm tắt thế nào?
◻ Cách Đức Giê-hô-va xử sự có thể điển hình thế nào trong vụ đối với Ca-in và thế hệ trước Nước Lụt?
◻ Trong thời kỳ các tộc trưởng, ai làm công việc xét đoán, và thế nào?
◻ Cái gì phân biệt hệ thống tư pháp của Y-sơ-ra-ên và của các nước khác?
◻ Những loại người như thế nào được bổ nhiệm làm quan xét trong xứ Y-sơ-ra-ên, và họ đáng lý phải theo những nguyên tắc nào?
[Hình nơi trang 10]
Trong thời kỳ các tộc trưởng và trong xứ Y-sơ-ra-ên, có những trưởng lão được bổ nhiệm để xét xử về tư pháp tại cửa thành