Cất cánh bay cao như chim đại bàng
SAU năm năm chịu đựng ở trại tập trung của Quốc xã, một người cảm thấy thế nào? Chán nản? Cay đắng? Muốn báo thù ư?
Dù nghe có vẻ khác thường, nhưng một ông từng trải qua kinh nghiệm đó viết: “Đời sống tôi được phong phú hơn là tôi hằng mong ước”. Tại sao ông cảm thấy như thế? Ông giải thích: “Tôi nương náu dưới cánh của Đấng Chí cao, và tôi chứng nghiệm lời nói của nhà tiên tri Ê-sai, khi ông nói: ‘Ai trông-đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng;... đi mà không mòn-mỏi’ ” (Ê-sai 40:31).
Người tín đồ đấng Christ này, dù thân thể bị hành hạ một cách khủng khiếp nhất có thể tưởng tượng được, có tinh thần bay vút lên cao theo nghĩa bóng, một tinh thần mà sự ác nghiệt của Quốc xã không thể thắng nổi. Giống như Đa-vít, ông nương náu dưới bóng “cánh” của Đức Chúa Trời (Thi-thiên 57:1). Người tín đồ này dùng một sự so sánh bóng bẩy của nhà tiên tri Ê-sai, so sánh sức mạnh thiêng liêng của mình với sức lực của con chim ưng hay chim đại bàng bay càng lúc càng cao trên bầu trời.
Bạn có bao giờ cảm thấy ngã lòng vì gặp nhiều vấn đề không? Chắc chắn bạn cũng muốn tìm nương náu dưới cánh của Đấng Chí cao, để “cất cánh bay cao như chim ưng”. Muốn hiểu làm sao đạt được điều này, điều tốt là chúng ta biết chút ít về chim đại bàng, con chim này thường được dùng theo nghĩa bóng trong Kinh-thánh.
Biểu tượng chim đại bàng
Trong tất cả loài chim mà người xưa quan sát, thì chim đại bàng có lẽ là loại chim được hâm mộ nhất vì năng lực và khả năng bay lượn tuyệt hảo của nó. Nhiều quân đội cổ xưa, kể cả quân đội Ba-by-lôn, Phe-rơ-sơ và La Mã, đã hành quân dưới biểu tượng chim đại bàng. Quân đội của Đại đế Si-ru là một trong những quân đội đó. Kinh-thánh tiên tri là vị vua Phe-rơ-sơ này sẽ giống như chim ó đến từ hướng đông để phá hủy Đế quốc Ba-by-lôn (Ê-sai 45:1; 46:11). Hai trăm năm sau khi lời tiên tri này được viết xuống thì quân đội của Si-ru, mang cờ hiệu chim đại bàng, lao vào thành Ba-by-lôn giống như chim đại bàng bổ nhào xuống con mồi.
Gần đây hơn, những chiến sĩ như Charlemagne và Nã Phá Luân và những nước như Hoa Kỳ và Đức cũng đã chọn chim đại bàng làm biểu tượng của họ. Dân Y-sơ-ra-ên được răn bảo là không được sùng kính hình tượng chim đại bàng hay bất cứ con vật nào khác (Xuất Ê-díp-tô Ký 20:4, 5). Tuy nhiên, những người viết Kinh-thánh đề cập đến những đặc điểm của chim đại bàng đặng minh họa thông điệp của họ. Do đó, chim đại bàng, loại chim được đề cập nhiều nhất trong Kinh-thánh, được dùng để tượng trưng những điều như sự khôn ngoan, sự che chở của Đức Chúa Trời và sự lanh lẹ.
Con mắt chim đại bàng
Mắt tinh của chim đại bàng luôn luôn có trong tục ngữ. Dù chim đại bàng màu nâu vàng hiếm khi cân nặng hơn năm kí lô, nhưng mắt của nó thật ra lớn hơn mắt của loài người, và sức nhìn của nó sắc sảo hơn rất nhiều. Chính Đức Giê-hô-va miêu tả cho Gióp về khả năng tìm đồ ăn của chim đại bàng, ngài nói: “Mắt nó thấy mồi ở xa” (Gióp 39:30, 32). Trong sách All the Birds of the Bible (Tất cả loài chim trong Kinh-thánh), Alice Parmelee kể rằng “có lần con đại bàng thấy một con cá chết nổi lềnh bềnh trên mặt hồ cách đó năm cây số rồi nó sà xuống đúng ngay vị trí. Không những chim đại bàng có thể thấy một vật nhỏ ở khoảng cách rất xa hơn loài người có thể nhìn thấy, mà nó còn nhìn chằm chằm vào con cá trong suốt năm cây số bay bổ xuống”.
Vì cặp mắt tinh, nên chim đại bàng là một biểu tượng thích hợp của sự khôn ngoan, một trong những đức tính chính của Đức Giê-hô-va. (So sánh Ê-xê-chi-ên 1:10; Khải-huyền 4:7). Tại sao thế? Sự khôn ngoan bao hàm việc thấy trước những hậu quả về bất cứ hành động nào của mình (Châm-ngôn 22:3). Chim đại bàng, với khả năng nhìn thấy xa, có thể phát hiện sự nguy hiểm từ đằng xa và rồi phòng ngừa, giống như người khôn ngoan trong lời ví dụ của Giê-su, ông thấy có thể bị bão và rồi cất nhà mình trên hòn đá (Ma-thi-ơ 7:24, 25). Điều đáng chú ý là trong tiếng Tây Ban Nha, khi miêu tả một người nào đó giống như chim đại bàng thì điều đó có nghĩa là người ấy có sự thông hiểu và sáng suốt.
Nếu có bao giờ được cơ hội nhìn thấy chim đại bàng gần sát bên, bạn hãy chú ý cách nó sử dụng cặp mắt của nó. Nó không nhìn lướt qua bạn; thay vì thế, nó có vẻ như nghiên cứu cẩn thận mọi chi tiết về hình dáng của bạn. Tương tự như thế, người khôn ngoan xem xét sự việc cẩn thận trước khi quyết định thay vì tin nơi bản năng hay cảm giác của mình (Châm-ngôn 28:26). Trong khi cặp mắt tinh của chim đại bàng là một biểu hiệu thích hợp cho đức tính khôn ngoan của Đức Chúa Trời, cách bay lượn tuyệt hảo của nó cũng được những người viết Kinh-thánh dùng theo nghĩa bóng.
“Đường chim ưng bay trên trời”
“Đường chim ưng bay trên trời” quả tuyệt diệu về cả vận tốc lẫn cách nó bay có vẻ dễ dàng, không theo đường lối định sẵn nào và không để lại dấu vết nào (Châm-ngôn 30:19). Sự lanh lẹ của chim ưng hay chim đại bàng được đề cập nơi Ca-thương 4:19, lời đó miêu tả quân lính Ba-by-lôn như sau: “Kẻ đuổi theo chúng ta thật lẹ hơn chim ưng trên trời. Đuổi theo chúng ta trên các núi”. Theo một vài lời tường trình, khi chim đại bàng lượn vòng trên bầu trời thấy được mồi, nó vươn cánh và sà xuống với tốc độ có thể lên đến 130 cây số một giờ. Không ngạc nhiên gì khi Kinh-thánh dùng chim đại bàng đồng nghĩa với tốc độ, đặc biệt khi nói đến lực lượng quân đội (II Sa-mu-ên 1:23; Giê-rê-mi 4:13; 49:22).
Mặt khác, Ê-sai nói đến cách chim đại bàng bay lượn dễ dàng. “Ai trông-đợi Đức Giê-hô-va thì chắc được sức mới, cất cánh bay cao như chim ưng; chạy mà không mệt-nhọc, đi mà không mòn-mỏi” (Ê-sai 40:31). Bí mật của chim đại bàng về cách bay lượn là gì? Chim đại bàng cất cánh dễ dàng vì nó dùng luồng không khí nóng hay những cột không khí bốc hơi ấm. Luồng không khí nóng là vô hình, nhưng chim đại bàng tinh thông tìm ra được. Khi tìm được luồng không khí nóng, chim đại bàng sè đôi cánh và đuôi của nó rồi lượn vòng trong cột không khí ấm, cột này đưa nó càng lúc càng cao hơn. Khi ở đủ độ cao, nó lượn đi tìm luồng không khí khác, và lặp lại diễn biến này. Nhờ vậy chim đại bàng có thể bay nhiều giờ mà chỉ dùng ít sức năng.
Ở Y-sơ-ra-ên, đặc biệt ở thung lũng Rift Valley chạy dài từ Ê-xi-ôn-Ghê-be bên bờ Biển Đỏ cho đến Đan về phía bắc, người ta thường thấy chim đại bàng. Đặc biệt có nhiều chim đại bàng vào mùa xuân và mùa thu khi chúng di trú. Có những năm, người ta đếm có gần tới 100.000 chim đại bàng. Khi ánh nắng buổi sáng chan hòa bầu không khí, người ta có thể thấy hàng trăm chim săn mồi bay lượn trên vách đá giáp Rift Valley.
Cách bay lượn dễ dàng của chim đại bàng là một minh họa xuất sắc cho thấy sức mạnh của Đức Giê-hô-va có thể nâng đỡ chúng ta về mặt thiêng liêng và tình cảm đặng chúng ta có thể tiếp tục làm công việc của mình. Cũng như chim đại bàng không thể bay cao nếu chỉ dùng sức năng riêng của nó, thì chúng ta cũng không thể đương đầu với vấn đề nếu chúng ta dựa vào khả năng của riêng mình. Sứ đồ Phao-lô giải thích: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi” (Phi-líp 4:13). Giống như chim đại bàng luôn luôn tìm luồng không khí nóng vô hình, chúng ta “cứ xin” sinh hoạt lực vô hình của Đức Giê-hô-va bằng cách nhiệt thành cầu nguyện (Lu-ca 11, 9. 13, An Sơn Vị).
Những chim đại bàng đang di trú thường tìm được luồng không khí nóng bằng cách quan sát những chim săn mồi khác. Nhà vạn vật học D. R. Mackintosh kể lại rằng có lần người ta thấy có đến 250 chim đại bàng và diều hâu bay vòng trong cùng luồng không khí nóng. Cũng vậy, ngày nay các tín đồ đấng Christ có thể học tập tin cậy nơi sức mạnh của Đức Giê-hô-va bằng cách noi theo gương trung thành của những tôi tớ tin kính khác. (So sánh I Cô-rinh-tô 11:1).
Dưới bóng của cánh chim đại bàng
Một trong những giai đoạn nguy hiểm nhất trong đời sống của chim đại bàng là khi nó tập bay. Có nhiều chim đại bàng chết khi tập bay. Dân tộc Y-sơ-ra-ên non nớt cũng ở trong tình trạng nguy hiểm khi rời xứ Ê-díp-tô. Vì vậy, lời Đức Giê-hô-va nói với dân Y-sơ-ra-ên quả là thích hợp: “Các ngươi đã thấy đều ta làm cho người Ê-díp-tô, ta chở các ngươi trên cánh chim ưng làm sao, và dẫn các ngươi đến cùng ta thế nào” (Xuất Ê-díp-tô Ký 19:4). Có những bản tường trình kể lại việc chim đại bàng đỡ chim con trên lưng một thời gian ngắn hầu cho chim con không rơi xuống khi tập bay những lần đầu tiên. Bình luận trong sách Palestine Exploration Quarterly về những bản tường trình đó, G. R. Driver nói: “Thế thì hình ảnh [trong Kinh-thánh] không chỉ là một ý nghĩ tưởng tượng mà là dựa trên sự kiện có thật”.
Chim đại bàng cũng làm cha mẹ gương mẫu về những phương diện khác. Không những chúng cho chim con ăn đều đặn mà chim mẹ còn nghiền kỹ miếng thịt mà chim trống mang về tổ hầu cho chim con có thể nuốt được. Vì tổ chim đại bàng thường được xây ở vách đá hay ở trên những cây cao, nên chim con bị phơi bày trước khí tượng (Gióp 39:30, 31). Nắng gắt, thường xảy ra ở những xứ mà Kinh-thánh nói đến, có thể khiến chim con chết nếu như không có cha mẹ chăm sóc. Chim đại bàng xòe đôi cánh, đôi khi tới hàng giờ mỗi lần, đặng che bóng mát cho chim non của nó.
Vì vậy, điều rất thích hợp là cánh chim đại bàng được dùng trong Kinh-thánh để tượng trưng sự che chở của Đức Chúa Trời. Phục-truyền Luật-lệ Ký 32:9-12 miêu tả cách Đức Giê-hô-va che chở dân Y-sơ-ra-ên trong cuộc hành trình nơi đồng vắng: “Vì phần của Đức Giê-hô-va là dân Ngài, Gia-cốp là cơ-nghiệp Ngài. Ngài tìm được người trong một nơi rừng-rú, tại nơi vắng-vẻ, giữa những tiếng hét la của đồng vắng. Ngài bao-phủ người, săn-sóc người, gìn-giữ người như con ngươi của mắt mình. Như phụng-hoàng [“chim đại bàng”, NW ] phấp-phới dởn ổ mình, bay chung-quanh con nhỏ mình, sè cánh ra xớt nó, và cõng nó trên chéo cánh mình thể nào, thì một mình Đức Giê-hô-va đã dẫn-dắc người thể ấy”. Đức Giê-hô-va cũng sẽ yêu thương che chở chúng ta giống như thế miễn là chúng ta tin cậy nơi ngài.
Lối thoát
Thỉnh thoảng khi chúng ta gặp những vấn đề khó khăn, có lẽ chúng ta thấy mình ước muốn bay xa khỏi mọi vấn đề. Đa-vít đã cảm thấy y như thế. (So sánh Thi-thiên 55:6, 7). Nhưng dù Đức Giê-hô-va hứa sẽ giúp đỡ khi chúng ta gặp thử thách và khổ đau trong hệ thống này, ngài không ban cho lối thoát hoàn toàn. Chúng ta có lời trấn an của Kinh-thánh như sau: “Những sự cám-dỗ đến cho anh em, chẳng có sự nào quá sức loài người. Đức Chúa Trời là thành-tín, Ngài chẳng hề cho anh em bị cám-dỗ quá sức mình đâu; nhưng trong sự cám-dỗ, Ngài cũng mở đàng cho ra khỏi, để anh em có thể chịu được” (I Cô-rinh-tô 10:13).
“Ra khỏi” hay “lối thoát” (Nguyễn thế Thuấn) bao hàm việc học tập tin tưởng nơi Đức Giê-hô-va. Chính anh Max Liebster, người nói lời trích ở đầu bài, đã hiểu được điều này. Trong những năm ở trại tập trung, anh biết rõ Đức Giê-hô-va và tin cậy nơi ngài. Như anh Max nhận thấy, Đức Giê-hô-va ban sức cho chúng ta qua Lời ngài, thánh linh và tổ chức của ngài. Ngay cả khi ở trong trại, các Nhân-chứng tìm kiếm những người cùng đạo và giúp đỡ họ về mặt thiêng liêng, chia sẻ những ý nghĩ về Kinh-thánh và bất cứ sách báo nào dựa trên Kinh-thánh mà họ có. Và như những người trung thành sống sót chứng nhận lần này qua lần khác rằng Đức Giê-hô-va quả đã làm cho họ vững mạnh. Anh Max giải thích: “Tôi cứ luôn luôn cầu xin Đức Giê-hô-va giúp tôi, và thánh linh ngài gìn giữ tôi”.
Dù gặp bất cứ thử thách nào đi nữa, chúng ta cũng có thể tin cậy nơi thánh linh của Đức Chúa Trời miễn là chúng ta luôn luôn cầu xin điều đó (Ma-thi-ơ 7:7-11). Vì được tiếp sức nhờ “quyền năng vượt quá mức bình thường”, thì chúng ta sẽ bay lượn thay vì bị sa lầy bởi những vấn đề khó khăn. Chúng ta sẽ tiếp tục đi trong đường lối của Đức Giê-hô-va, và chúng ta sẽ không bị mệt mỏi. Chúng ta sẽ cất cánh bay cao như chim đại bàng (II Cô-rinh-tô 4:7, NW; Ê-sai 40:31).
[Câu nổi bật nơi trang 10]
Nó không nhìn lướt qua bạn
[Nguồn tư liệu nơi trang 9]
Foto: Cortesía de GREFA
[Nguồn tư liệu nơi trang 10]
Foto: Cortesía de Zoo de Madrid