Hãy can đảm—Đức Giê-hô-va ở cùng bạn!
‘Hãy can đảm và mạnh mẽ! Đức Giê-hô-va ở cùng con’.—GIÔ-SUÊ 1:9, NW.
1, 2. (a) Để đương đầu với những vấn đề, chúng ta cần điều gì? (b) Bạn định nghĩa thế nào về đức tin? Hãy nêu ví dụ.
Phụng sự Đức Giê-hô-va mang lại cho chúng ta niềm vui. Tuy nhiên, chúng ta phải đương đầu với những vấn đề thông thường của con người, có khi chúng ta còn phải “chịu khổ vì sự công chính” (1 Phi 3:14; 5:8, 9; 1 Cô 10:13). Để đối phó thành công với những vấn đề đó, chúng ta cần đức tin và lòng can đảm.
2 Đức tin là gì? Sứ đồ Phao-lô viết: “Đức tin là sự tin chắc những điều mình hy vọng sẽ thành sự thật, là bằng chứng rõ ràng của những điều có thật, dù không nhìn thấy được” (Hê 11:1). Cụm từ Hy Lạp được dịch là “sự tin chắc” thường xuất hiện trong những bản cam kết kinh doanh, tức một người được bảo đảm sẽ được sở hữu điều gì đó trong tương lai. Tương tự, những người tin rằng Đức Chúa Trời sẽ thực hiện lời hứa của ngài được đảm bảo là sẽ nhận những điều họ đang hy vọng. Đức tin giúp chúng ta tin chắc lời hứa của Đức Chúa Trời sẽ thành hiện thực và những gì ngài nói trong Kinh Thánh là sự thật, ngay cả “những điều mình không thể thấy”.
3, 4. (a) Thế nào là can đảm? (b) Một cách để củng cố đức tin và lòng can đảm là gì?
3 Can đảm là vững vàng trong lời nói và hành động, không sợ hãi khi gặp khó khăn và nguy hiểm. Nếu can đảm, chúng ta sẽ mạnh mẽ, gan dạ và dạn dĩ.—2 Ti 1:7.
4 Đức tin và can đảm là những phẩm chất đáng chuộng. Có thể chúng ta thấy mình cần thêm đức tin và lòng can đảm. Kinh Thánh ghi lại hàng ngàn gương đã thể hiện những phẩm chất này. Việc xem xét một số gương sẽ giúp chúng ta củng cố đức tin và lòng can đảm.
ĐỨC GIÊ-HÔ-VA Ở CÙNG GIÔ-SUÊ
5. Để lãnh đạo dân Y-sơ-ra-ên thành công, Giô-suê cần điều gì?
5 Chúng ta hãy ngược dòng thời gian trở về khoảng 35 thế kỷ trước. Bốn mươi năm đã trôi qua kể từ khi hàng triệu người Y-sơ-ra-ên thoát khỏi vòng nô lệ của Ai-cập nhờ bàn tay quyền năng của Đức Giê-hô-va. Nhà tiên tri Môi-se là người dẫn dắt họ. Lúc 120 tuổi, ông được nhìn toàn cảnh Đất Hứa từ đỉnh núi Nê-bô, rồi qua đời tại đó. Kế nhiệm ông là Giô-suê, người “đầy-dẫy thần khôn-ngoan” (Phục 34:1-9). Dân Y-sơ-ra-ên đã sẵn sàng chiếm xứ Ca-na-an. Để thành công trong vai trò lãnh đạo, Giô-suê cần sự khôn ngoan đến từ Đức Chúa Trời. Ông cũng cần thể hiện đức tin nơi ngài và “vững lòng bền chí [“mạnh dạn can đảm”, Bản Dịch Mới]”.—Phục 31:22, 23.
6. (a) Theo Giô-suê 23:6, chúng ta cần can đảm để làm gì? (b) Chúng ta rút ra bài học nào từ Công vụ 4:18-20 và 5:29?
6 Trong quá trình chinh phục xứ Ca-na-an, hẳn sự khôn ngoan, lòng can đảm và đức tin của Giô-suê đã làm vững mạnh dân Y-sơ-ra-ên. Tuy nhiên, họ không chỉ cần can đảm trên chiến trường, nhưng cũng cần can đảm để vâng lời Đức Chúa Trời. Trước khi qua đời, Giô-suê nói với dân Y-sơ-ra-ên: “Hãy vững lòng [“can đảm lên”, Trần Đức Huân] gìn-giữ, làm theo mọi điều đã ghi trong sách luật-pháp của Môi-se, chớ xây qua bên hữu hoặc bên tả” (Giô-suê 23:6). Chúng ta cũng cần can đảm để vâng lời Đức Giê-hô-va mọi lúc, nhất là khi loài người đòi hỏi chúng ta hành động trái với ý muốn ngài. (Đọc Công vụ 4:18-20; 5:29). Nếu hết lòng cầu nguyện và nương cậy Đức Giê-hô-va, ngài sẽ giúp chúng ta có lòng can đảm để đứng vững.
LÀM SAO ĐỂ ‘THÀNH CÔNG TRONG CON ĐƯỜNG MÌNH’?
7. Để có lòng can đảm và thành công, Giô-suê cần làm gì?
7 Muốn có lòng can đảm cần thiết để làm theo ý muốn Đức Chúa Trời, chúng ta phải học hỏi và áp dụng Lời ngài. Đây cũng là điều Giô-suê được khuyên khi ông kế nhiệm Môi-se: “Hãy vững lòng bền chí [“mạnh dạn và cực kỳ can đảm”, BDM], và cẩn-thận làm theo hết thảy luật-pháp mà Môi-se, tôi-tớ ta, đã truyền cho ngươi... Quyển sách luật-pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy-gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn-thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may-mắn [“thành công”, BDM] trong con đường mình, và mới được phước” (Giô-suê 1:7, 8). Giô-suê đã làm theo lời khuyên này nên ông đã thành công. Nếu làm thế, chúng ta sẽ can đảm hơn và thành công trong việc phụng sự Đức Chúa Trời.
Câu Kinh Thánh của năm 2013: ‘Hãy can đảm và mạnh mẽ! Đức Giê-hô-va ở cùng con’.—Giô-suê 1:9, NW
8. Câu Kinh Thánh cho năm 2013 là gì, và những lời này sẽ giúp chúng ta ra sao?
8 Hẳn Giô-suê vững mạnh hơn rất nhiều khi nghe những lời kế tiếp của Đức Giê-hô-va: “Chẳng phải ta đã phán dặn con rồi sao? Hãy can đảm và mạnh mẽ! Đừng kinh hãi hoặc khiếp sợ, vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ở cùng con tại bất cứ nơi nào con đến” (Giô-suê 1:9, NW). Đức Giê-hô-va cũng ở cùng chúng ta. Vì thế, khi đương đầu với bất cứ thử thách nào, chúng ta không cần “kinh hãi hoặc khiếp sợ”. Điều đáng chú ý là phần: ‘Hãy can đảm và mạnh mẽ! Đức Giê-hô-va ở cùng con’ trong câu Kinh Thánh trên được chọn làm câu Kinh Thánh cho năm 2013. Chắc chắn, những lời này sẽ củng cố chúng ta trong những tháng tới. Chúng ta cũng được vững mạnh khi xem xét các gương khác đã thể hiện đức tin và lòng can đảm qua lời nói và hành động.
HỌ CAN ĐẢM CHỌN LÀM THEO Ý MUỐN ĐỨC CHÚA TRỜI
9. Điều gì cho thấy Ra-háp có đức tin và lòng can đảm?
9 Khi Giô-suê phái hai người do thám đến xứ Ca-na-an, một kỹ nữ là Ra-háp đã giấu hai người này và đánh lạc hướng kẻ thù của họ. Nhờ có đức tin và lòng can đảm, nàng và gia đình được bảo toàn tính mạng khi dân Y-sơ-ra-ên hủy diệt thành Giê-ri-cô (Hê 11:30, 31; Gia 2:25). Dĩ nhiên, Ra-háp đã từ bỏ lối sống vô luân để làm Đức Giê-hô-va đẹp lòng. Để trở thành tín đồ đạo Đấng Ki-tô, một số người đã thể hiện đức tin và lòng can đảm khi thực hiện những thay đổi tương tự hầu làm Đức Chúa Trời hài lòng.
10. Ru-tơ chọn thờ phượng Đức Giê-hô-va trong hoàn cảnh nào, và bà được ban phước ra sao?
10 Sau thời Giô-suê, một phụ nữ Mô-áp là Ru-tơ đã can đảm chọn thờ phượng Đức Chúa Trời. Vì chồng quá cố của bà là người Y-sơ-ra-ên nên có lẽ bà đã biết đôi chút về Đức Giê-hô-va. Mẹ chồng của bà là Na-ô-mi sống ở Mô-áp nhưng sau khi chồng và các con trai qua đời, Na-ô-mi quyết định trở lại thành Bết-lê-hem, Y-sơ-ra-ên. Trên đường về, Na-ô-mi nài nỉ Ru-tơ trở về với bà con mình, nhưng Ru-tơ đáp: “Xin chớ nài tôi phân-rẽ mẹ... Dân-sự của mẹ, tức là dân-sự của tôi; Đức Chúa Trời của mẹ, tức là Đức Chúa Trời của tôi” (Ru 1:16). Sau này, Ru-tơ kết hôn với Bô-ô, người bà con bên chồng của Na-ô-mi. Bà sinh một con trai và trở thành tổ mẫu của Đa-vít và Chúa Giê-su. Rõ ràng, Đức Giê-hô-va ban phước cho những ai thể hiện đức tin và lòng can đảm.—Ru 2:12; 4:17-22; Mat 1:1-6.
NHIỀU NGƯỜI ĐÃ SẴN SÀNG LIỀU MÌNH!
11. Giê-hô-gia-đa và Giô-sê-ba đã can đảm như thế nào, và kết quả là gì?
11 Lòng can đảm và đức tin của chúng ta được củng cố khi thấy Đức Chúa Trời ở cùng những người đã đặt lợi ích của anh em đồng đạo lên trên lợi ích cá nhân. Chẳng hạn, hãy xem trường hợp của thầy tế lễ thượng phẩm Giê-hô-gia-đa và vợ ông là Giô-sê-ba. Sau khi A-cha-xia băng hà, mẹ của vua là A-tha-li mưu toan giết hết các hoàng tử để chiếm ngôi, nhưng Giô-ách đã thoát chết. Giê-hô-gia-đa và Giô-sê-ba đã liều mạng cứu Giô-ách, con vua A-cha-xia, và giấu ông trong sáu năm. Đến năm thứ bảy, Giê-hô-gia-đa công bố Giô-ách làm vua và lệnh cho giết A-tha-li (2 Vua 11:1-16). Về sau, Giê-hô-gia-đa giúp vua Giô-ách trong việc tu bổ đền thờ. Khi qua đời ở tuổi 130, Giê-hô-gia-đa được chôn với các vua “vì người có công-lao trong Y-sơ-ra-ên, có hầu-việc Đức Chúa Trời, và tu-bổ đền của Ngài” (2 Sử 24:15, 16). Ngoài ra, nhờ lòng can đảm của Giê-hô-gia-đa và vợ, dòng dõi hoàng tộc từ Đa-vít đến Đấng Mê-si được bảo tồn.
12. Ê-bết-Mê-lết đã can đảm như thế nào?
12 Ê-bết-Mê-lết, một đầy tớ trong nhà của vua Sê-đê-kia, đã liều mình cứu Giê-rê-mi. Các quan trưởng của Giu-đa đã vu cáo Giê-rê-mi tội xúi dân phản loạn. Vua giao cho họ toàn quyền xử lý ông. Họ đã quăng ông xuống hố bùn để ông chết tại đó (Giê 38:4-6). Bất chấp nguy hiểm đến từ những người thù ghét Giê-rê-mi, Ê-bết-Mê-lết đã khẩn nài vua Sê-đê-kia giúp nhà tiên tri. Vua đồng ý và cho Ê-bết-Mê-lết dẫn theo 30 người đi giải cứu Giê-rê-mi. Qua nhà tiên tri Giê-rê-mi, Đức Chúa Trời đảm bảo với Ê-bết-Mê-lết rằng ông sẽ được an toàn khi quân Ba-by-lôn vây hãm thành Giê-ru-sa-lem (Giê 39:15-18). Đức Chúa Trời ban thưởng cho những ai can đảm làm theo ý muốn ngài.
13. Ba người Hê-bơ-rơ đã can đảm như thế nào, và chúng ta học được gì từ gương của họ?
13 Vào thế kỷ thứ bảy TCN, ba người Hê-bơ-rơ được Đức Giê-hô-va ban thưởng vì họ thể hiện đức tin và lòng can đảm. Vua Nê-bu-cát-nết-sa triệu tập những người quyền thế trong Ba-by-lôn và lệnh cho họ quỳ lạy một pho tượng khổng lồ bằng vàng. Ai kháng chỉ sẽ bị quăng vào lò lửa hực. Ba người Hê-bơ-rơ cung kính nói với vua Nê-bu-cát-nết-sa: “Hỡi vua! Đức Chúa Trời mà chúng tôi hầu-việc, có thể cứu chúng tôi thoát khỏi lò lửa hực, và chắc cứu chúng tôi khỏi tay vua. Dầu chẳng vậy, hỡi vua, xin biết rằng chúng tôi không hầu-việc các thần của vua, và không thờ-phượng pho tượng vàng mà vua đã dựng” (Đa 3:16-18). Sự kiện Đức Giê-hô-va giải cứu ba người Hê-bơ-rơ được miêu tả sinh động nơi Đa-ni-ên 3:19-30. Có lẽ chúng ta không bị đe dọa đến mức bị quăng vào lò lửa hực, nhưng chúng ta cũng đương đầu với những thử thách về lòng trung kiên. Chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ ban phước khi chúng ta thể hiện đức tin và lòng can đảm.
14. Theo Đa-ni-ên chương 6, Đa-ni-ên đã hành động can đảm như thế nào, và kết quả là gì?
14 Đa-ni-ên đã thể hiện đức tin và lòng can đảm khi kẻ thù của ông thuyết phục vua Đa-ri-út ban chỉ dụ “hễ ai cầu-xin thần nào hay một người nào ngoài vua, thì, hỡi vua, kẻ ấy sẽ phải quăng vào hang sư-tử”. Khi biết vua đã ký vào chỉ dụ đó, Đa-ni-ên liền “về nhà mình (những cửa-sổ của phòng người thì mở về hướng Giê-ru-sa-lem). Tại đó, cứ một ngày ba lần, người quì gối xuống, cầu-nguyện, xưng-tạ trước mặt Đức Chúa Trời mình, như vẫn làm khi trước” (Đa 6:6-10). Hành động can đảm này khiến Đa-ni-ên bị quăng vào hang sư tử, nhưng Đức Giê-hô-va đã giải cứu ông.—Đa 6:16-23.
15. (a) A-qui-la và Bê-rít-sin nêu gương nào về đức tin và lòng can đảm? (b) Những lời của Chúa Giê-su nơi Giăng 13:34 có nghĩa gì, và nhiều tín đồ đã thể hiện tình yêu thương ấy ra sao?
15 Dù không giải thích bối cảnh, nhưng Kinh Thánh cho biết A-qui-la và Bê-rít-sin ‘đã liều mình vì mạng sống Phao-lô’ (Công 18:2; Rô 16:3, 4). Họ can đảm hành động phù hợp với lời của Chúa Giê-su: “Tôi ban cho anh em một điều răn mới, đó là anh em hãy yêu thương nhau; tôi đã yêu thương anh em thế nào, anh em cũng hãy yêu thương nhau thế ấy” (Giăng 13:34). Luật pháp Môi-se đòi hỏi một người phải yêu người lân cận như mình (Lê 19:18). Vậy tại sao điều răn của Chúa Giê-su là “mới”? Vì điều răn này đòi hỏi chúng ta thể hiện tình yêu thương bằng cách sẵn sàng hy sinh mạng sống cho người khác như ngài đã làm. Nhiều tín đồ đạo Đấng Ki-tô đã thể hiện tình yêu thương qua việc can đảm “liều mình” để bảo vệ anh em khỏi những kẻ thù muốn hành hung hoặc giết họ.—Đọc 1 Giăng 3:16.
16, 17. Một số tín đồ thời ban đầu đã đối mặt với những thử thách nào về đức tin? Một số tín đồ vào thời chúng ta cũng bị thử thách ra sao?
16 Như Chúa Giê-su, tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu đã can đảm thờ phượng chỉ một mình Đức Giê-hô-va (Mat 4:8-10). Họ từ chối đốt hương để thờ hoàng đế La Mã. (Xem hình). Ông Daniel P. Mannix viết: “Có rất ít tín đồ đạo Đấng Ki-tô từ bỏ đạo, cho dù người ta thường đặt một bàn thờ dành riêng cho họ tại đấu trường, trên bàn thờ có lửa cháy. Chỉ cần rắc một chút hương trên ngọn lửa thì tù nhân được cấp một giấy chứng nhận là đã hiến tế và được tự do. Tù nhân cũng được giải thích kỹ rằng không phải người ấy đang thờ phượng hoàng đế, mà chỉ thừa nhận rằng hoàng đế, với tư cách là nguyên thủ quốc gia La Mã, có thần tính. Dù vậy, gần như không tín đồ đạo Đấng Ki-tô nào nắm lấy cơ hội này để thoát thân”.—Those About to Die.
17 Những tín đồ bị giam trong trại tập trung thời quốc xã có nhiều cơ hội để ký vào bản tuyên bố chối bỏ Đức Giê-hô-va hầu được sống sót và tự do. Nhưng chỉ rất ít người ký. Trong cuộc diệt chủng gần đây ở Rwanda, Nhân Chứng thuộc bộ lạc Tutsi và Hutu đã liều mình bảo vệ lẫn nhau. Để làm được như thế thì cần có đức tin và lòng can đảm.
HÃY NHỚ RẰNG ĐỨC GIÊ-HÔ-VA Ở CÙNG CHÚNG TA!
18, 19. Những gương nào trong Kinh Thánh về đức tin và lòng can đảm có thể giúp chúng ta thi hành công việc rao giảng?
18 Ngày nay, chúng ta có đặc ân tham gia công việc lớn nhất mà Đức Chúa Trời giao cho loài người trên đất, đó là rao truyền về Nước Trời và đào tạo môn đồ (Mat 24:14; 28:19, 20). Chúng ta thật biết ơn vì có gương tuyệt hảo của Chúa Giê-su! Ngài “đi từ thành này đến thành kia, làng này sang làng nọ, rao giảng và loan báo tin mừng về Nước Đức Chúa Trời” (Lu 8:1). Giống như ngài, chúng ta cần có đức tin và lòng can đảm để rao truyền tin mừng về Nước Trời. Với sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va, chúng ta có thể can đảm như Nô-ê, người gan dạ “rao giảng sự công chính” cho “thế gian không tin kính” sắp bị hủy diệt trong trận lụt toàn cầu.—2 Phi 2:4, 5.
19 Việc cầu nguyện giúp chúng ta thi hành công việc rao giảng. Khi bị bắt bớ, một số tín đồ cầu xin Đức Giê-hô-va giúp họ “rao giảng lời ngài một cách dạn dĩ” và ngài đã đáp lời. (Đọc Công vụ 4:29-31). Nếu bạn cảm thấy nhút nhát khi rao giảng từng nhà, hãy cầu xin Đức Giê-hô-va ban thêm đức tin và lòng can đảm, ngài sẽ giúp bạn.—Đọc Thi-thiên 66:19, 20.a
20. Là tôi tớ của Đức Giê-hô-va, chúng ta có sự hỗ trợ nào?
20 Thật không dễ khi theo đuổi lối sống tin kính trong một thế gian đầy dẫy vấn đề và tội ác. Tuy nhiên, chúng ta không đơn độc. Đức Chúa Trời và Con ngài, là Đầu hội thánh, ở cùng chúng ta. Ngoài ra, chúng ta cũng có hơn 7.000.000 anh em đồng đạo trên khắp thế giới. Vậy, chúng ta hãy tiếp tục thể hiện đức tin và công bố tin mừng. Để làm được điều này, chúng ta hãy luôn nhớ đến câu Kinh Thánh của năm 2013: ‘Hãy can đảm và mạnh mẽ! Đức Giê-hô-va ở cùng con’.—Giô-suê 1:9, NW.
a Để biết thêm những gương can đảm khác, xin xem bài ‘Hãy mạnh dạn và can đảm’ trong Tháp Canh ngày 15-2-2012.